Tìm hiểu về TỨ KHỔ

01 Tháng Mười 20201:25 CH(Xem: 4310)
Tìm hiểu về TỨ KHỔ

TÌM HIỂU VỀ TỨ KHỔ

     Bài viết của NGUYỄN VĂN HIỆP

 

        Theo nghĩa thông thường, Tứ Khổ là bốn điều khổ lớn: Sanh, Già, Bịnh, Chết. Đó là định luật: Hễ có sanh ra xác thân, tất phải có già, bịnh, chết; không một chúng sanh nào thoát khỏi.

        Riêng về chữ KHỔ được Đoàn Trung Còn định nghĩa trong Phật Học Tự Điển như sau: KHỔ là khó chịu nổi, hoạn nạn, bệnh tật, suy nhược, những sự ưu não, bức bách thân tâm. Đọc theo Phạn: Đậu khư (duhkha). Đạo Phật dạy rằng: Chúng sanh hằng chịu khổ, chịu bốn cái khổ sanh, già, bịnh, chết bởi chúng vô minh mê muội, tham lam, luyến ái, ham muốn. Muốn dứt khổ hay dứt cái ham muốn, tức là thi hành bốn cái Diệu đế của Phật, diệt 12 cái nhơn duyên dính với nhau mà tạo ra các nỗi khổ. Khổ đối với Lạc (sướng). Khổ là chơn lý đầu tiên trong bốn chơn lý mà Phật thuyết lần đầu:
1
-Khổ (duhkha),

2.-Tập (trisna),

3.-Diệt (moksa),

4.-Đạo, tức là Đạo Bát chánh (mârga).

        Bốn chơn lý ấy, Tứ diệu đế, Tứ thánh đế là giáo pháp diệt mọi khổ não. Con người ta nếu chưa tu hành cho đắc Đạo thì vẫn còn khổ. Nếu xét cho rốt ráo thì ngoài Tam Khổ (Tam chủng khổ), Lục Khổ...còn có Bát Khổ mà ai ai cũng phải chịu tám nỗi khổ nầy; đó là:

  1. -SANH KHỔ: Hồi còn trong bụng mẹ đến lúc sanh ra và trong thời kỳ ấu trĩ, mình khổ và làm cho cha mẹ khổ.
  2. -LÃO KHỔ: Già cả lụm cụm, mắt mờ, tai điếc, chơn mỏi gối dùn là khổ.
  3. -BỆNH KHỔ: Đau yếu tàn tật là khổ.
  4. -TỬ KHỔ: Lúc sắp chết thì trợn trọc, ngộp hơi rất khổ; khi chết làm cho quyến thuộc bi khổ.
  5. -TĂNG HIỀM HỘI KHỔ: Ở gần với kẻ thù nghịch là khổ.
  6. -ÁI BIỆT LY KHỔ: Xa với kẻ thương yêu, đem lòng mong nhớ hàng ngày là khổ.
  7. -CẦU BẤT ĐẮC KHỔ: Lòng tham muốn, hằng ước ao mà chẳng được toại ý là khổ. Như đói lạnh thì cầu cho có ăn có mặc; no đủ lại cầu giàu sang.
  8. -NGŨ ẤM: UẨN XÍ THẠNH KHỔ: Năm món hiệp lại làm người: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nếu không điều hòa với nhau, có món nào quá lắm cũng khổ. Như hình thể (sắc) mà phải tốn công săn sóc lắm cũng khổ; cảm động (thọ) cho mệt trí cũng khổ; tư tưởng (tưởng) mơ ước quá lắm cũng khổ; nhọc nhằn tâm trí tính mưu liệu kế (hành) quá lắm cũng khổ; cố ý mà nhớ, mà biết (thức) cho lắm cũng khổ.

        Đó là tám nỗi khổ thông thường ở nhơn gian.Xưa, Đức Phật thường dạy:“Nầy các Tỳ Kheo! các ngươi đừng thắc mắc về vấn đề thế giới nầy là hữu cùng hay vô cùng, hữu hạn hay vô hạn. Dù thế giới nầy có hữu hạn, hữu cùng hay vô hạn, vô cùng; điều mà chúng ta nên nhận xét cái thật có trong đời là khổ sầu và “sanh, lão, bịnh, tử”.

        Ngày nay, Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên:“Tìm nguồn cội diệt trừ tứ khổ”. Xét ra xác thân là gốc khổ (khổ đề) mà hột giống (nguồn cội) của nó là vọng tâm phiền não (tập đề). Khi nói đến kiếp người, giáo lý nhà Phật đã ví như kiếp phù du (con thiêu thân) thì không mấy ai đồng ý. Đức Phật còn chỉ rõ đời người là vô thường nay còn, mai mất thì lại chẳng ai bằng lòng. Cho nên có biết bao người đang chọn con đường mạnh được yếu thua, võ trang tranh đấu để mong cầu thỏa mãn bao điều dục vọng...Nhưng thử hỏi trong cuộc đời nầy có mấy ai không bước vào Bệnh viện (Hospital) hay phải nằm im lìm bất động chờ người thân đưa ra Nghĩa địa (Cemetory)? Nếu nhận xét kỹ, ai cũng đều nhận rằng sau nụ cười là tiếng khóc! Bề trái của sự vui là việc buồn rầu, rủi may may rủi luôn đi bên nhau, họp tan tan họp, từ xưa đến nay luôn luôn tiếp diễn...Hôm trước vui cười, ngày sau chiến tranh chết chóc; rồi nào là động đất, núi lửa, sóng thần, cướp mất hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu mạng sống chỉ trong giây phút! Thế nhưng loài người đâu ai chịu suy tư tìm hiểu để phát tâm tu hành tìm đường giải thoát. Ngược lại còn làm biết bao chuyện bất lương gian ác như cướp của, giết người, tham gian, hung bạo, tội lỗi chất chồng ngày ngày tiếp diễn, chỉ biết hiện tại cho đủ đầy tiền tài, danh vọng...Họ đâu biết rằng xác thân nầy là do tứ đại (đất, nước, lửa, khí) hợp thành và sớm muộn gì rồi cũng bị tan rã, để rồi cứ mãi lăn lộn trong vòng luân hồi lục đạo, sanh tử luân hồi đời đời kiếp kiếp. 

        Bàn về vấn đề nầy, Đức Huỳnh Giáo Chủ trong bài Luận về Bát Chánh, mục Chánh Định có dạy:“Họ không hiểu rằng cuộc đời là giả tạm, nay vầy mai khác, thân thế lạc luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo. Những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người nầy rồi đến người khác...rồi đến người khác nữa, nghĩa là tất cả Nhân Loại không thiếu sót một ai...” Ngài còn cho biết:“Đức Phật nói rằng tất cả chúng sanh trong cõi trần nầy chịu muôn ngàn điều khổ não, kể chẳng xiết, nhưng có thể tóm tắt lại làm tám điều, vì trong tám điều khổ ấy nó có thể nảy ra muôn ngàn sự khổ não kia.”

        Trong phạm vi bài nầy, chúng tôi xin được trình bày ý nghĩa của bốn nỗi khổ chánh yếu của kiếp người, thường được gọi là Tứ Khổ, đó là: SANH, LÃO, BỊNH và TỬ.

        Trước hết, Đức Thầy cho biết:

“Đức Thích Ca xưa ở lầu đài,
Nghiệm Tứ Khổ nên Ngài tầm Đạo.”
(Quyển 4, Giác Mê Tâm Kệ)

        Trong lịch sử Phật Giáo có kể chuyện Thái Tử Sĩ Đạt Ta đi dạo bốn cửa thành và lý do tại sao Ngài quyết tâm rời bỏ đền đài cung điện, vợ đẹp con xinh để xả thân tầm Đạo:“Một hôm, nhân ngày lễ Hạ điền, Thái Tử theo vua cha ra đồng xem dân chúng cày ruộng. Cảnh xuân, mới nhìn qua thật là đẹp mắt, nào hoa lá tốt tươi, muông chim đua hót; nào bầu trời quang đãng. Cảnh tượng có vẻ thái bình, an lạc. Nhưng Thái Tử nhìn sâu vào trong cảnh vật và đau đớn nhận thấy rằng: Cõi đời không đẹp đẽ an vui như đã mới nhìn qua. Ngài thấy người nông phu và trâu bò làm việc một cách cực nhọc dưới ánh nắng thiêu đốt, để đổi lấy bát cơm miếng áo. Chim chóc tranh nhau ăn tươi nuốt sống côn trùng đang giãy giụa trên những luống đất mới cày. Cũng trong lúc ấy, nơi bụi rậm người thợ săn đang nhắm bắn những con chim kia, và trong khu rừng gần đấy, bọn hổ báo đang rình bắt người thợ săn. Thật là một cảnh tương tàn tương sát, không phút giây nào ngưng nghỉ! Chỉ vì miếng ăn để sống mà người và vật dùng đủ mọi phương kế để giết hại lẫn nhau. Ngài nhận thấy rõ ràng sự sanh sống là khổ.

        Vào một hôm khác, Ngài xin phép Vua cha đi dạo ngoài bốn cửa thành để được tiếp xúc với thần dân. Ra đến cửa Đông, Ngài gặp một cụ già tóc bạc, răng rụng mắt lờ, tai điếc, lưng cong, nương gậy lần từng bước ngập ngừng như sắp ngã. Đến cửa Nam, Thái Tử thấy một người đau nằm trên cỏ, đang khóc than rên siết, đau đớn vô cùng. Đến cửa Tây, Ngài trông thấy một cái thây chết nằm giữa đường, ruồi lằn bu bám trông rất ghê tởm. Ba cái cảnh khổ già, đau, chết cộng thêm cái ấn tượng tương tàn tương sát trong cuộc sống mà Thái Tử đã nhận thấy khi đi xem lễ cày ruộng, làm cho Ngài đau buồn, thương xót chúng sanh vô cùng.

        Một hôm khác, Ngài ra cửa Bắc, gặp một Tu sĩ tướng mạo trang nghiêm, và thản nhiên như người vô sự đi ngang qua đường. Thái Tử thấy trong lòng nảy ra một sự cảm mến với vị Tu sĩ nầy. Ngài vội vã đến chào mừng và hỏi về lợi ích của sự tu hành. Vị Sa môn đáp rằng:“Tôi tu hành là quyết rứt bỏ mọi sự ràng buộc ở cõi đời, để cầu cho mình khỏi khổ và được thành chánh giác để phổ độ chúng sanh đều được giải thoát như mình”.Lời giải đã đáp trúng hoài bão mà Thái Tử ấp ủ từ lâu, nên Ngài khôn xiết vui mừng. Ngài liền trở về hoàng cung, xin Vua cha cho được xuất gia. Vua Tịnh Phạn không nhận lời. Thái Tử yêu cầu Vua cha 4 điều, nếu Vua giải quyết được thì Ngài sẽ hoãn việc đi tu, để ở lại lo chăn dân trị nước. Bốn điều ấy là:1.-Làm sao cho con trẻ mãi không già.2.-Làm sao cho con mạnh mãi không đau.3.-Làm sao cho con sống hoài không chết.4.-Làm sao cho mọi người hết khổ. Bốn điều nầy làm cho Vua cha không giải quyết được điều nào cả. Thế nên Thái Tử:
“Thừa đêm khuya lén trốn vào rừng.
Lìa cha già, vợ đẹp, con cưng,
Thân chẳng sá xông-pha bờ bụi.
Ngài thuở ấy nên mười chín tuổi,
Tâm đại-hùng cương-quyết tu-trì.
Trải bao phen lao-khổ xiết chi,
Sau Ngài đến Rạch-Ni Liên-Thuyền.
Thấy cỏ hoa cảnh bắt tham-thiền,
Ngồi khổ-hạnh sáu năm bên ấy.
Đạo gần đắc Ma-Vương theo khuấy,
Dùng thần-thông nghị-lực dẹp tan.
Ấy mới vừa đắc Đạo hoàn-toàn,
Và lần bước phô-trương độ chúng.”
(Quyển 5, Khuyến Thiện)

        Do đó, nếu ngày trước Thái Tử Sĩ Đạt Ta vẫn ở nơi cung điện ngày đêm an hưởng thú vui vật chất, nếu Thái Tử không xin Vua cha đi dạo 4 cửa thành, thì Ngài không biết Tứ Khổ là gì và hôm nay ai biết được nguồn gốc của sự khổ mà cùng nhau đi tìm đường giải thoát.

        Nghe đến Tứ Khổ tức SANH, LÃO, BỊNH, TỬ thì ai cũng biết cũng hiểu, nhưng nếu để tâm truy cứu, nghiệm xét từng phần mới thấy cái khổ của mỗi phần thì thật là thương tâm và đau đớn.

Sau đây, chúng ta hãy nghe Đức Thầy phân tách rõ ràng về Tứ Khổ:

“-Khổ thứ nhứt sự Sanh là gốc.
Vào bụng mẹ chung quanh bao-bọc,
Có khác nào ở chốn ngục tù.
Buổi mẹ đau huyết kiệt hình thu,
Lúc mẹ đói dường treo lỏng-bỏng.
Ta kể sơ những điều bi-thống,
Mẹ no cơm chật-chội khó-khăn.
Khi ra đời đau-đớn vô ngằn,
Cất tiếng khóc nếm mùi dương-thế.
-Đoạn Lão khổ thứ nhì xin kể,
Từ trẻ thơ đến tuổi thành nhân.
Hết tráng-cường đến lúc mòn thân,
Răng lần rụng lưng cong gối mỏi.
Nằm đi đứng đỡ nưng chống chỏi,
Thử nghĩ coi lao nhọc cùng chăng ?
-Đoạn thứ ba ma Bịnh làm nhăng,
Đeo hành phạt xác thân ô-uế.
Bởi thời-thế chuyển xây biến-thể,
Thêm uống ăn chẳng được điều-hòa.
Là nguyên-nhân căn bịnh phát ra,
Thân trằn-trọc hôn mê nhức-nhối.
Cơn bịnh hoạn càng không tránh nổi,
Còn mang thêm tật nọ tật kia.
Rồi từ đây đến lúc chia lìa,
-Đoạn Tử khổ thứ tư phân giải.
Trên dương-thế hữu hình tắc hoại,
Có sanh ra khổ-hải đâu chừa.
Trải bao phen dãi gió dầm mưa,
Ngày kiệt sức huyễn thân tan-nát.
Gần hấp-hối tâm-thần xao-xác,
Trí vẩn-vơ kinh-sợ vô cùng.
Rồi mòn lần đến lúc lâm-chung,
Giã cõi tạm theo đường tội phước.
Nhiều phương thuốc ngừa sau ngăn trước,
Mà cũng không thoát luật tuần-huờn.
Dầu ẩn nơi cùng cốc thâm sơn,
Chẳng trốn lánh tử thần cho khỏi.
(Khuyến Thiện, Quyển 5)

        Đoạn giảng nầy được Ông Thiện Tâm chú giải cặn kẽ như sau:“Cái khổ thứ nhứt là sự sanh, bởi những tiền kiếp chúng sanh còn tạo nghiệp sanh tử, nên thần thức phải đầu thai vào bụng mẹ. Ở trong đó bị bào thai bao bọc bịt bùng, như người tù bị nhốt trong ngục thất. Thai nhi bắt đầu chịu sự nuôi dưỡng bằng vật ô uế (tinh huyết) của mẹ, những khi người mẹ đau yếu, máu huyết không đầy đủ thai nhi phải ốm thon lại. Lúc mẹ đói lòng, cũng như cái túi treo lơ lửng thường hay chới với. Ngược lại, khi mẹ được ăn uống no bụng thì thai nhi bị sự chèn ép của bao tử và ruột rất chật chội khó khăn. Suốt thời gian ở trong bào thai hài nhi phải chịu bao lần khổ đau, sầu cảm vì ảnh hưởng nơi người mẹ.Chẳng thế, khi đúng ngày khai nở, thai nhi phải ép mình để chui ra “Sản môn ô uế”, thật là đau đớn vô cùng, như một con voi chui qua kẹt đá nhỏ. Cho nên lúc ra khỏi mình mẹ, đứa bé phát lên tiếng khóc “khổ a.. khổ a...”, chứng tỏ đã nếm cái hương vị của cõi đời đầy trược khổ.

        -Đến giai đoạn thứ hai là sự già khổ. Từ khi cất tiếng chào đời đến khi thân hình mạnh khỏe, vui tươi của tuổi xuân đầy nhựa sống, như một đóa hoa đang cười nụ, khoe hương. Phút chốc bị thời gian cướp mất, với tấm thân quắc thước hiên ngang, với bao vẻ yêu kiều diễm lệ, giờ đây chỉ còn trong mộng tưởng. Thật vậy, bấy giờ chỉ còn lại một thân già nua, gầy đét, gối mỏi lưng còm, mắt mờ tai điếc và mỗi khi đi, đứng, nằm, ngồi rất chậm chạp khó khăn. Xét qua thể trạng ấy, thử hỏi khách trần gian ai mà chẳng công nhận sự già là một nỗi khổ khôn cùng.

        -Đến thứ ba là sự đau khổ. Có nhiều nguyên nhân làm cho con người phải vương mang bệnh tật:

  1. Do thời tiết nóng lạnh, gió mưa thay đổi, khiến tạng phủ xoay chuyển theo không kịp mà sanh bịnh.

    2. Do sự ăn uống ngủ nghỉ thiếu chừng mực, vệ sinh, hoặc ăn phải các món không hạp cơ thể mà sanh đau yếu. Ngoài ra cũng còn các lý do như nghiệp quả và phiền não (tham sân si) thành ra bịnh.Khi một người đã mang bịnh thì cả thân xác, tinh thần lẫn quyến thuộc đồng chịu khổ: thân thì mất ăn bỏ ngủ, đau nhức khó chịu, phần tâm trí từ lo sợ đến bấn loạn hôn mê; còn thân quyến thì lo thuốc thang chạy chữa đủ cách. Nhiều khi bệnh nhơn không được lành hẳn, lại còn phải mang tật suốt đời, thật là khổ thảm muôn phần.

        -Đến lượt thứ tư là cái khổ về sự chết. Khi người lâm cơn bịnh nặng, gia đình hết phương chạy chữa và thân xác không còn chịu đựng nổi, đành đi lần vào cõi chết. Phàm sanh ra cõi đời hễ cái gì có hình tướng đều phải hư hoại (Phàm hữu sở tướng giai thị hư vọng). Thế nên con người đã có sanh ra, tất phải đi theo định luật già, bịnh rồi chết mất, chớ không một ai thoát khỏi, những nỗi khổ ấy sâu dày như bể rộng, chẳng biết đâu là bờ bến. Thử ôn lại quãng đời con người từ sanh ra cho đến khi chết, sự lao khổ không sao kể xiết. Sanh ra đã khổ, bệnh tật lại còn khổ hơn, thêm nỗi phải lo sao cho có cơm ăn áo mặc, dầm mưa dãi gió, xuôi ngược bao lần. Vì mãi tháo vác việc đời mà phải sức cùng, lực tận để rồi một ngày kia cái thân giả hợp nầy theo luật đào thải mà tan nát và trả về cho tứ đại. Xét ra còn cảnh tượng nào đau khổ bằng khi thấy trạng thái con người lúc hấp hối lìa trần: mắt họ trừng lên, môi giựt, răng nghiến lại, tâm thần bấn loạn, kinh sợ tiếc thương đều phô diễn; rồi dần dần họ lịm đi để giã biệt cõi đời ảo mộng. Tất cả những vật sở hữu đều bỏ lại hết, chỉ còn mang theo các nghiệp nhân tội phước đã gây tạo lúc sanh tiền.

“Nhắm mắt cũng nắm hai tay,
Đâu đem tiền của đem rày hầu non.
Chỉ còn tội phước hỡi còn,
Đến nơi thẩm phán cửa son Diêm Đài,
Phước nhiều Tiên cảnh lên rày,
Tội nhiều sa đọa nhiều ngày thảm thê”.
(Quyển 5, Khuyến thiện)

        Vả lại trong đời có biết bao bực Đế Vương Khanh tướng, thế lực tiền tài, danh y, bác học, họ tìm đủ phương cách ngăn ngừa, cứu chữa để kéo dài tuổi thọ, nhưng rồi cũng phải khuất phục trước luật tuần huờn. Dù cho có học phép trường sanh hay ẩn mình nơi hang cùng, núi thẳm cũng không thoát khỏi tử thần.”

        Tóm lại, ngày xưa bởi vì lòng từ bi rộng lớn, nên lúc còn là Thái Tử; Đức Phật Thích Ca đã lìa bỏ cung vàng, vợ đẹp, con xinh băng mình vào rừng sâu, núi tuyết để tìm ra chơn lý nhiệm mầu, cứu độ chúng sanh. Thì ngày nay Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời, cũng đem giáo lý siêu mầu ấy dạy dỗ quần sanh tìm đường giải thoát.

        Bắt đầu từ pháp “Tứ Diệu Đề, Bát chánh Đạo”, nếu chúng sanh nào biết giác ngộ tu hành; sớm khuya cần mẫn sẽ diệt trừ các vọng tâm phiền não. Vì chính nó là nguồn gốc của bốn nỗi khổ: sanh, già, bịnh, chết. Thêm vào đó, mỗi chúng sanh từ vô minh vọng niệm mà tạo nghiệp sanh tử luân hồi. Khi thần thức nhập vào bào thai của người mẹ, là bắt đầu chịu khổ cho đến lúc chào đời; kế đó là cái khổ của sự già, rồi trải qua bao cơn bệnh tật hoành hành, đau nhức, tiếp nối là cái khổ về sự chết diễn ra. Nhưng chết đi chưa phải là hết mà còn sanh trở lại, cứ thế rồi tiếp tục xoay vần, chịu khổ mãi mãi. Thái Tử Sĩ Đạt Ta, cũng nhờ nghiệm xét bốn nỗi khổ ấy, mà Ngài xuất gia tầm Đạo giải thoát.

“Khuyên chúng-sanh khuya sớm chuyên-cần,
Tìm nguồn-cội diệt-trừ Tứ Khổ.
Bịnh với Tử từ kim chí cổ,
Sanhvới Già hai chữ hoài-hoài.
Đức Thích-Ca xưa ở lầu đài,
Nghiệm Tứ-Khổ nên Ngài tầm Đạo.” 
(Quyển 4, Giác Mê Tâm Kệ)

        Rõ ràng, con người sống trong cảnh hồng trần là phải gánh chịu muôn ngàn đau khổ, nào sự sanh, già, bịnh, chết; nào mưu cầu chẳng thành, thương yêu ly biệt, oán ghét gặp nhau, và ưu sầu lo ngại. Tất cả đều dồn vào một chữ KHỔ. Hơn nữa, trong lúc sống còn, dẫu ta có tạo bao nhiêu của tiền đài các...Cho đến mọi cảnh vật sơn hà đại địa...Nhưng đến ngày giã biệt cõi đời, ta chẳng mang theo được một sự vật nào cả. Đúng là:

“Phù sanh nhược mộng đời lao khổ,
Tỉnh trí tu thân khỏi lạc lầm.”
(Q.5, Khuyến Thiện)

        Vậy ai rõ được chánh lý trên, hãy sớm tìm con đường Đạo lý hầu thoát ly cảnh khổ. Song trên bước hành Đạo, người tu hành cần rèn luyện đức kiên nhẫn: nhịn tất cả lời cay tiếng đắng và vượt qua mọi khó khăn thử thách, để đạt thành mục đích. Bởi vì lòng quá thương xót sanh linh, Đức Thầy đã nhiều lần nhập thế, đem chánh pháp vô vi hưng truyền trong đại chúng. Ngài nêu tấm gương hy sinh tầm Đạo của Đức Thích Ca: 

“Mình vàng Thái tử ngôi còn bỏ,
Vóc ngọc Đông Cung tước phế liền”.
(Luận việc tu hành)

Để khuyên nhủ tín đồ nên phát tâm Bồ đề.

        Bởi có lòng Bồ đề người tu hành mới đủ nghị lực lướt qua mọi gian khổ, cũng như loại tòng bá, chẳng hề bị tuyết sương làm tàn cỗi. Và nếu ai biết nuôi dưỡng hột giống giác ngộ ấy nơi tâm mãi, thì quả vị Chánh giác lo gì chẳng đạt thành./.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !
NAM MÔ THỊ HIỆN KIM SƠN PHẬT !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn