Thế nào là tu "VÔ VI" và "ÂM THINH SẮC TƯỚNG" là gì?

06 Tháng Năm 20223:31 SA(Xem: 2733)
Thế nào là tu "VÔ VI" và "ÂM THINH SẮC TƯỚNG" là gì?
Theo giáo lý của Đức Thầy, quí vị hiểu thế nào là tu Vô vi, thế nào là tu theo Âm thinh, sắc tướng?
Trả lời 1: 
Vô Vi theo từ Hán nghĩa là Không Làm, Triết học nói đến nội dung Vô vi là không làm, điều trái với tự nhiên, gây phiền nhiễu cho mọi người. Còn Lão Tử gọi là: “Vô vi như vô bất vi.” Nghĩa: (Không làm mà làm, làm mà không làm). Nghĩa: Làm mà không vướng mắc vào chỗ làm, Làm hết mà hoàn toàn thảnh thơi yên ổn, Vô vi là đồng nghĩa với Niết Bàn, nên Vô vi chỉ Tánh Phật, nó vốn bất sanh bất diệt, tóm lại Vô vi là chỉ cho tâm thanh tịnh hay Phật Tánh. Trong bài: “Diệu Pháp Quang Minh.” Đức Thầy có dạy:
“Điên dẹp gác âm thinh sắc tướng,
Tầm vô vi kiếm cảnh Niết Bàn.”
Hay trong quyển Nhì:
“Khuyên sư vãi mau mau cải hối,
Làm vô vi chánh đạo mới mầu.”
THẾ NÀO LÀ ÂM THINH SẮC TƯỚNG?:
Đây là đường lối tu của những người không trau sửa bên trong nội tâm. Thay vì phải công phu hành đạo, những người này lại chủ trương hình thức cúng kiếng lễ mễ, kèn trống lung tung mà không trở lại tâm định sẵn có của mình, cổ vũ một phong trào, chủ trương thành học thuyết bắt dân phải mê tín, làm cho mọi người phải tối tăm mọi hình tướng của bậc Tôn Túc, đều qui tâm hay giác chánh tịnh, nhưng cũng có một số người vô tình hay cố ý đã làm cho Đạo Phật bị mờ lu. Trong lịch sử Phật giáo không chứng minh âm thanh sắc tướng có từ thời nào, nhưng mọi người đều công nhận nó đã ăn sâu vào tư tưởng của người con Phật ở các quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Nó đã trở thành một tập quán khó gỡ bỏ bao đời nay, các bậc chơn tu thạc đức ra đời chủ trương chấn chỉnh điều này nhằm đem lại bộ mặt thật và chơn truyền theo giáo lý Đức Phật. Và Đức Thầy chúng ta ra đời mở đạo cũng nhằm vào chấn chỉnh việc này. Trong tờ báo Giác Tiến của Đạo ra số 8/40 có chép: (Kẻ xuất thế khá tua hướng thiện, Sớm tham thiền mới kiến ma ha, Âm thinh sắc tướng đều tà, Chớ nên tập nhiểm đọa sa lạc lầm). “Kim Cổ Kỳ Quan” của ông Ba Thới cũng có dạy: “Kinh Thích đạo kinh xem chẳng tụng, Việc âm thinh sắc tướng chẳng dùng, Đạo tại tâm tâm đạo xuất tùng, Tùng tâm đạo mới là Phật đạo.” Tóm lại âm thinh sắc tướng mà không trở về với bản tâm thanh tịnh, ấy là ngoại giáo cần phải loại trừ. Trong quyển Năm, Đức Thầy có dạy:
“Đồng dẹp bớt âm thinh sắc tướng,
Lo chấn hưng Phật pháp mới là.”
Nam Mô Bổn sư Thích Ca mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật./.
----------------------------------------------------------------
Trả lời 2:
*Vô vi là gì? Phạn ngữ Asamskrta. Dịch là Vô vi, có nghĩa: Không có nhân duyên tác động, không có hình tướng màu sắc, không có bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt.
Vô vi tức là chơn lý tuyệt đối, là Niết bàn, là Đạo, là Vô tướng và Thật tướng.
Vậy làm Vô vi là làm không có hình tướng về sắc mà cũng không có hình tướng về tâm. Tuy tri hành tất cả việc Đạo pháp, nhưng tâm không còn phân biệt ngã chấp, không có tướng người, tướng ta, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tất đạt đến thật tướng Niết bàn, chơn không diệu hữu.
Đức Thầy dạy “làm Vô vi” mới là Chánh Đạo, và mới đúng chân truyền của Đức Thích Ca, bởi tâm ấn của Ngài là:“Chánh pháp nhãn tàng, Niết Bàn diệu tâm”, lìa cả hình tướng văn từ, ngôn ngữ, chỉ dùng tâm mà trì hành chứng đắc và dùng tâm truyền qua 33 vị tổ. Tới Đức Lục Tổ Huệ Năng cũng chỉ có một tâm ấn.
Tu vô vi là tu theo hạnh của Đức Phật Thích Ca, tu theo Lục Tổ.  Đức Thầy dạy: 
“Đạo vô-vi của Phật ân-cần, 
 Nối theo chí Thích-Ca ngày trước”.
Đức Phật đã từ bỏ điện ngọc cung son, cha già, vợ đẹp, con cưng: dấn thân vào rừng sâu núi thẩm tầm đạo giải thoát. Năm năm tầm sư học đạo, sáu năm tu hành khổ hạnh, 49 ngày đêm tham thiền dưới cội Bồ Đề chứng đắc quả Phật.
“Mình vàng Thái-Tử ngôi còn bỏ,
Vóc ngọc Đông-cung tước phế liền”.
…“Lòng Thái-tử quyết theo ý muốn,
Thừa đêm khuya lén trốn vào rừng.
Lìa cha già, vợ đẹp, con cưng,
Thân chẳng sá xông-pha bờ bụi.
Ngài thuở ấy nên mười chín tuổi,
Tâm đại-hùng cương-quyết tu-trì”.
Tu theo Lục Tổ:
“Khùng nói cho già trẻ làm tin, 
Theo Lục-Tổ chớ theo Thần-Tú”.
Một hôm, nhân duyên Ngài gánh củi xuống chợ đặng đổi gạo nghe có người tụng Kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”(Không trụ vào chỗ nào để sanh tâm mình) thì Ngài tỏ ngộ và ý quyết đi tu. May mắn có người giúp cho 10 lượng bạc, Ngài chu cấp cho mẹ già, rồi đến chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai cầu học với Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn. Trên tám tháng Ngài vui vẻ làm công quả bửa củi, giã gạo, gánh nước. v.v…mà không hề than van, chỉ chuyên trì môn kiến tánh: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.  
“Phật tại tâm chớ có đâu xa,
 Mà tìm kiếm ở trên Non-Núi”.
 “Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm”. (Quyển I)
Và ai muốn thấu đạt thì:
“Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm”. (Quyển II)
Tóm lại: Người tu theo Đạo PGHH phải quay về thân tâm mình mà tu sửa theo tôn chỉ hành đạo và giáo lý chơn truyền của Đức Thầy.
Đức Thầy lâm phàm lần chót, nhắc lại chánh Pháp vô vi của Đức Phật Thích Ca, kêu gọi thiện nam tín nữ theo Lục Tổ, không tu theo Thần Tú, quay về tâm mình tự diệt tham, sân, si, nhân, ngã thì mới mong thoát khỏi luân hồi sanh tử:
“Phải phá tan Ngũ-Uẩn trong mình.
Chữ Tham trong ý muốn mặc tình,
Rán định tánh trừ cho nó tuyệt.
Chữ gây-gổ là Sân hãy diệt,
Cho nó đừng thấp-thoáng trong lòng.
Thêm chữ Si thiệt quá lòng-dòng,
Nên tỉnh trí tìm nơi dụt tắt.
Chữ Nhơn Ngã cũng là quá gắt,
Ta chớ nên phân biệt với người.
Dẹp năm tên được mới mừng cười,
Vô pháp-tướng mới là thiệt tướng".
*Âm thinh sắc tướng là gì? Cảnh tượng giả hợp, không thật có, dễ khiến ta đam mê mà rời xa chơn lý.
Tu theo âm thinh sắc tướng là tu theo Thần Tú: Gõ mõ tụng kinh, Cất chùa, làm tượng cốt, cúng kiếng chè xôi, làm đám, tụng tán cầu siêu, lên cốt, lên đồng, bói toán, tử vi, mê tín dị đoan. v.v…là do phái Thần Tú bày ra từ trước, làm sai lạc chân truyền của Đạo Phật. Thế mà trong giới tu hành chẳng lo cải sửa. Cho nên từ ấy đến nay ít có nhà tu được chứng đắc.
“Từ ngàn xưa Phật-pháp gài then, 
 Nên ít kẻ tu-hành đắc Đạo.”
Hay:
“Cả ngàn năm nhơn tâm xao-xuyến, 
 Sao tu hoài chẳng thấy ai thành”.
 Lúc Đức Thầy lâm phàm năm Kỷ Mão, Phật đạo lu mờ, tăng sĩ ngày càng xa rời chánh đạo vô vi, lạc vào mê tín dị đoan, âm thinh sắc tướng, xá phướng lầu kho …..Thế nên, khi ra đời Đức Thầy chủ trương quy nguyên lại Phật Pháp, canh tân giáo điều cho phù hạp với căn cơ của chúng sanh.
Thứ nhất: Bài trừ những hủ tục mê tín dị đoan như: đồng cốt, bóng chàng, xá phướng lầu kho, đốt giấy tiền vàng bạc ……..
Thứ hai: Dẹp bớt những lễ nghi cúng kiến phiền toái nhiêu khê như: thầy lễ, nhạc lễ, thầy cúng, thầy nhưn bông, gõ mõ, tụng kinh, tổ chức đám cầu siêu (làm tuần) …..
Thứ ba: Giản dị hóa việc thờ phượng và nghi thức cúng lạy như: không chủ trương hình vẽ, tượng cốt, không cúng kiến chè xôi ….
Theo Đức Huỳnh Giáo Chủ thì công việc tu hành chỉ cốt ở trau dồi trí huệ, sửa tánh răn lòng, hành thiện tránh ác, luôn giữ tâm hồn cho trong sạch và phải niệm Phật:
“Điên dẹp gác âm thinh sắc tướng.
Tầm vô vi kiếm cảnh Niết-Bàn”.
Đức Thầy có viết trong giáo lý của Ngài:
“Vẹn mười ơn mới đạo làm con,
Lúc sanh sống chớ nên phụ bạc.
Nếu làm đám được về Cực-Lạc,
Thì giàu sang được trọn hai bề.
Ỷ tước-quyền làm ác ê-hề,
Khi bỏ xác nhiều tiền lo-lót.
Kinh với sám tụng nghe thảnh-thót,
Lũ nhưn-bông tập luyện đã rành.
Đẩu với đờn, kèn, trống, nhịp sanh,
Làm ăn rập đặng đòi cao giá.
Tâm trần-tục còn phân nhơn ngã,
Thì làm sao thoát khỏi luân-hồi.
Những giấy-tiền vàng-bạc cũng thôi,
Chớ có đốt tốn tiền vô lý.
Xưa Thần-Tú bày điều tà-mị,
Mà dắt-dìu bá-tánh đời Đường.
Thấy chúng-sanh lầm lạc đáng thương,
Cõi Âm-Phủ đâu ăn của hối.
Đúc Phật lớn chùa cao bối-rối,
Mà làm cho Phật-Giáo suy đồi.
Tu Vô-Vi chớ cúng chè xôi,
Phật chẳng muốn chúng-sanh lo lót.
Tăng với chúng ưa ăn đồ ngọt,
Nên bày ra cúng kiếng hoài hoài.
Ỷ nhiều tiền chẳng biết thương ai,
Cúng với lạy khó trừ cho đặng.
Kẻ nghèo khó tu-hành ngay thẳng,
Không cầu siêu Phật bỏ hay sao?
Lập trai đàn chạy chọt lao-xao,
Bôi lem mặt làm tuồng hát Phật”.
…“Ngàn năm đạo-lý vắng hoe,
Bị ngươi Thần-Tú bày chè cùng xôi.
Kinh với sám ngoài môi nó tụng,
Đạo suy-đồi bại-lụn vì ai.
Đem nguồn chơn-lý bằng nay,
Ta thương dân-chúng lạc-loài giống xưa”.
…“Theo Thần-Tú tạo nhiều chuông mõ,
Từ xưa nay có mấy ai thành!”
…“Làm hiền-lành hơn tụng hơ-hà,
Hãy tưởng Phật hay hơn ó-ré.”
----------------------------------------------------

(Phần Giải đáp Giáo lý trên đây được phổ biến trên trang Facebook của DAU NGUYEN –
Xin cảm ơn Quý vị vui lòng cho phép chúng tôi đăng tải vào Web. Diễn đàn PGHH để cùng mục đích là phổ truyền Giáo lý PGHH khắp nơi trên thế giới).


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn