Chú giải 22 câu Sấm Thi trong bài "Để Chơn Đất Bắc" của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

06 Tháng Năm 20229:16 SA(Xem: 2998)
Chú giải 22 câu Sấm Thi trong bài "Để Chơn Đất Bắc" của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Sau đây là phần Chú giải 22 câu (từ câu 269 đến câu 290) trong bài “Để Chơn Đất Bắc” mà Đức Thầy đã viết tại Hòa Hảo, tháng Giêng năm Canh Thìn (1940) gồm có 314 câu. 
269- THƯƠNG DÂN XUỐNG BÚT TAY ĐỀ,
Giải: Yêu mến, có tình cảm gắn bó và thường tỏ ra quan tâm lo lắng, thể hiện tinh thần từ bi với người sống trong một quốc gia, cũng chỉ chung cho tất cả mọi người. Lòng Từ Bi của bậc giác ngộ thương hết tất cả mọi người; Hạ bút sáng tác; Tay viết bài Thi Thơ. Chỉ cho sự sáng tác Sấm kinh của Đức Thầy.
270- DẶN DÒ BÁ TÁNH CHỚ HỀ LỢT PHAI.
Giải: Ân cần xem xét chỉ dạy những việc cần phải làm, chỉ chung cho tất cả mọi người sống trên đời. Với tâm đức của một vị Phật, Ngài đã quán xét rõ nhân duyên cùng trình độ của các chúng sanh, nên Ngài đã ân cần chỉ dạy mọi người con đường tu hành để thoát ly đau khổ, ăn ở có đạo đức có từ bi; Đừng, không nên, đừng nghĩ không can hệ gì, rồi lợt lạt phai mờ không còn đậm đà như trước đây.
271- CUỘC THẾ GIỚI CHUYỂN LAY NHƯ CHÓNG,
Giải: Quá trình sống của con người có hai nghĩa:
1/ Trái đất, hành tinh chúng ta đang sống với tất cả các quốc gia, khoảng 226 nước và vùng lãnh thổ trên mặt địa cầu.
2/ Chỉ cho một cảnh giới nào đó, như Thế Giới Ta Bà, Thế Giới Cực Lạc; Sự biến chuyển của tạo hóa cũng như xã hội làm cho mọi người; Khó khăn diễn biến không tốt, cuộc sống biến đổi rung động.
272- KHUYÊN DÂN TÌNH HÃY LÓNG MÀ NGHE.
Giải: Dùng lời lẽ nhẹ nhàng chỉ bảo cho tất cả mọi người, ý muốn của mọi người, lòng mong mỏi của họ; Có nghĩa là, nhưng vẫn còn gạn lọc lại, cảm nhận lời nói một cách cẩn thận rõ ràng để làm theo, hầu tránh đi những điều sai trái.
273- LAM KIỀU HỮU LỘ VẮNG HOE,
Giải: Cây cầu bắc qua sông Lam thuộc huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) nơi Bùi Hàng gặp Vân Anh kết duyên chồng vợ, chế thuốc trường sinh uống thành Tiên. Lam Kiều ở đây chỉ cho cảnh Tiên, cảnh thanh tịnh giải thoát; Có đường mà không ai đi, đây nói con đường chơn chánh Tiên, Phật mà không ai chịu tu hành do câu: “Thiên đường có lối không người đến, Địa ngục không cửa lắm kẻ tìm.” Chỉ sự làm ác nhiều hơn làm lành, đi con đường thiện thì không ai, đi con đường tội thì quá nhiều người.
274- NGỤC MÔN KHÔNG CỬA MÀ HÈ NHAU ĐI.
Giải: Cửa ngục, chỉ cảnh âm phủ địa ngục là nơi giam nhốt tội nhân. Những linh hồn tạo nhân ác phải trả quả khổ đau nơi địa ngục này; Chẳng có lối đi; Nhưng lại rũ nhau đồng lòng cùng bước vào. Chỉ cho cái mê của chúng sanh.
275- THẢM CHO TRẺ HÀI NHI LỊU ĐỊU,
Giải: Đau đớn thương xót đến trẻ con còn dại khờ ngây thơ; Trẻ nít còn nhỏ bé, hay trẻ sơ sinh còn non nớt, không được vững vàng cứng cáp, chưa đủ sức đương đầu với khó khăn nghịch cảnh; Khi đến ngày trả quả cuối cùng cha mẹ nằm đó nó cứ ôm gọi cha gọi mẹ rồi mòn dần. Đây chỉ cho tình cảnh bận bịu vấn vương của tình cảm trẻ nhỏ.
276- VỢ XA CHỒNG BẬN BỊU THÊ LƯƠNG.
Giải: Người phụ nữ đã có chồng, đối với người chồng đó thì người nữ được gọi là vợ. Mà vợ chồng lại phải cách trở xa nhau không được gần gũi bên nhau; Tình cảm vướng víu không rời nhau được mà phải xa nhau, chỉ cho sự bịn rịn về tình cảm, tài sản, cảnh giới của con người trong kiếp sống, cũng là lòng tham đắm cố chấp không nở xa nhau hay bỏ đi; Lạnh lẽo buồn bã gợi lên cảm giác ảm đạm, để chỉ cho sự đau xót bi thương.
277- PHONG TRẦN DÀY DẠN GIÓ SƯƠNG,
Giải: Gió bụi, chỉ cho sự gian nan vất vả trải qua cuộc sống mọi thứ khổ não ở thế gian; Nhiều phen nhiều bận đủ cảnh đến với thân; Hai hiện tượng thời tiết chỉ cho sự lạnh lẽo là nói đến cái khổ, hết cái khổ này đến cái khổ khác, cảm nhận cái khổ đến kiếp sống con người.
278- CHƯ BANG HAM BÁU HÙNG CƯỜNG ĐUA TRANH.
Giải: Khắp các nước trên toàn thế giới; Thích đến mức say mê, cứ chăm chẳm vào những vật báu quí, quí giá như ngọc, vàng, lòng ham thích của quí không lúc nào ngơi; Mạnh mẽ, có đầy đủ sức mạnh, để chỉ cho bọn cướp nước hung hăng; Giành phần thắng, giành phần hơn.
279- CÒN MỘT CUỘC CHIẾU MANH GIÀNH XÉ,
Giải: Đang tồn tại chưa hết, một ngày nào đó trong tương lai không xa, sự thách đố cá cược tranh giành quyền lợi với nhau; Chỉ nơi chốn có phạm vi nhỏ, loại tấm trải nhỏ được đan bằng lát chỉ một người nằm còn phại co chân lại; Giành giựt kéo lấy về phần mình từng mảnh nhỏ. Chỉ cho sự tranh giành cấu xé lẫn nhau ở một nơi một chỗ.
280- KHẮP HOÀN CẦU Ó RÉ MỘT NƠI.
Giải: Tất cả mọi nơi, toàn cả thế giới trên quả địa cầu này; Lớn tiếng, tiếng vang vậy, cũng có nghĩa là tiếng la khóc thất thanh, cùng chung một chỗ. Ở đây nói cả thế giới gom về một nơi, chỗ để tranh giành.
281- DÒM XEM CHÂU NGỌC CHIỀU MƠI,
Giải: Trông nhìn quán xét, sự trông thấy quán xét một cách tường tận; Hạt trai và hạt ngọc, chỉ cho sự quí báu có hai nghĩa:
1/ Chỉ cảnh toàn vui không khổ, cảnh quý báu,
2/ Chỉ cho tâm thanh tịnh, không còn phiền não vọng trần. Để chỉ cảnh giới tốt đẹp quý báu; Hết ngày nay qua ngày mai, tương lai gần kế bên, tương lai không xa, gần như là chiều nay và ngày mai.
282- SAO ĐỜI KHÔNG SỚM TÁCH RỜI CÕI MÊ.
Giải: Tại sao, vì cớ gì mà người ở thế gian; Chẳng mau nhanh lẹ; Lìa xa tách ra khỏi, không nên ở chỗ đó, hay trong trạng thái đó. Đây nói sự loại bỏ phiền não, tâm xa lìa mọi thứ ô nhiểm không còn vọng niệm phát sinh nên gọi là tách rời. Ngay cả thân và tâm cũng chỉ là duyên hợp, không có sự vướng bận sống chết như thay áo nên gọi là tách rời, ở đây có nhiều nghĩa:
1/ Xa lìa vật chất,
2/ Lìa bỏ vọng tâm,
3/ Thân tâm là hai, tự nhiên thanh tịnh, không bị chi phối bởi thân đó gọi là tách rời;
Cõi mê là cảnh giới vô minh, cảm nhiễm, nhiễm trược chỉ cho cảnh ái nhiễm ta đang sống, nhà Phật gọi là cảnh giới thế gian gồm các thứ mê: mê thân, mê ăn, mê ngủ, mê dục, mê cảnh, mê sắc, mê nhiễm, danh lợi tình, mê tham sân si.v.v…
283- ĐỂ ĐẾN VIỆC THẢM THÊ THÊ THẢM,
Giải: Cứ y như thế mà làm tới, tới việc xảy ra nông nỗi, làm cho hết cứu chữa được nữa; Để nói cái khổ liên tục, hết cái khổ này đến cái khổ khác, cứ tiếp nối mãi không dừng. Chỉ cái khổ đau kinh hồn của buổi tận diệt.
284- MẮT PHÀM TRẦN TƯỜNG LÃM BI AI.
Giải: Cặp mắt của người thế gian, thấy bằng hai con mắt thường, thấy tường tận rõ ràng; Rõ ràng kỷ càng tỉ mỉ đầy đủ, xem xét, quan sát chung quanh thấy rõ. Thấy biết một cách rõ ràng minh bạch. Để chỉ người hiểu biết đầy đủ một vấn đề; Buồn, đau khổ thấy mà động lòng thương xót buồn bả thảm khổ. Khó khổ cùng cực thấy buồn bực thương xót, con người mãi chạy theo quyền lợi, muốn thống trị hoàn cầu đem sự tiến bộ về vật chất của mình, chế ra vô số vũ khí giết người hàng loạt để gây đau khổ cho nhau, tạo chia rẽ oán thù kẻ tranh người giữ khiến thế giới điêu tàn.
Tinh thần Từ Bi của Phật là tinh thần Bồ Đề, tâm nguyện đưa chúng sanh thoát khổ không cầu riêng mình lợi lạc, chẳng những bước chân vào cõi nhơn gian cứu người, mà còn thị hiện nơi địa ngục để tùy duyên phổ hóa với hết thảy chúng sanh, không những độ người thiện mà còn phải hóa độ người ác, vì thế thấy chúng sanh sát hại lẫn nhau, động lòng từ mẫn của bậc giác đời thì gọi là bi ai vậy.
285- CŨNG ĐỒNG CỐT NHỤC HOÀI THAI,
Giải: Sự tương tự cùng một nòi giống; Xương và thịt; Mang thai chung bầu. Hình hài được tạo dựng chung bào thai, chỉ tình đồng bào thắm thiết như anh em một nhà, xuất phát từ huyền sử lập quốc của dân tộc Việt là Lạc Long Quân và Âu Cơ sanh ra trăm trứng nở trăm con, chỉ chung con Hồng cháu Lạc, nghĩa đồng bào anh em con người Việt Nam.
286- NÊN TA RÁN SỨC MIỆT MÀI DẠY KHUYÊN.
Giải: Phải như thế, đúng như vậy, Ta là danh xưng của Đức Thầy; Nỗ lực, dùng hết khả năng để thực hiện. Đây nói tinh thần cứu độ chúng sanh dùng hết sức lực để thực hiện. Bồ Tát lâm phàm vào đời dùng nhiều sức để độ chúng như:
1/ Tâm lực. Tâm giác ngộ mạnh mẽ tùy duyên ứng hiện hóa chúng hợp cùng thần lực,
2/ Trí lực. Dùng trí huệ quán chiếu mọi quốc độ mọi căn cơ để cứu độ,
3/ Thân lực. Ứng thân cùng khắp, không phải một thân mà nhiều thân, nơi nào thì thân đó, trình độ đó, cứu độ đó.
Do công năng ứng dụng bất khả tư nghì để giác chúng nên gọi là rán sức; Mải miết say sưa, làm nhiệt tình không rời bỏ, chăm chỉ tập trung tinh thần, làm bằng cả tấm lòng với sự cố gắng cao độ; Chỉ dẫn trao truyền, khiến người khác nghe theo, với lời lẽ dịu dàng vạch đúng chỗ phải lẽ, dùng lời êm dịu chỉ bày những chỗ đúng lý để mọi người tu thân hành đạo, thực hiện con đường tránh ác làm thiện lành để đi vào bản tâm thường trụ.
287- THƠ VỚI PHÚ THẦN TIÊN GIÁNG BÚT,
Giải: Thơ là Thi, thể văn vần có âm điệu và qui luật rõ ràng, thơ có nhiều thể loại như: Lục bát, song thất lục bát, tứ cú, Đường luật, thơ tự do… Và Phú là một thể loại thơ cổ điển đặt ba nghĩa Phú, Tỷ, Hứng, dùng để tả cảnh vật, phong tục, tánh tình, nói chung cho các thể loại văn vần. Nghĩa bóng để chỉ giáo pháp tức Sấm Giảng, những lời của Đức Thầy chỉ dạy; Nói chung cho các bậc thiêng liêng cao cả Phật, Tiên, Thần, Thánh, có đầy đủ công năng trí tuệ thần thông để giác tỉnh chúng sanh; Giáng là từ trên đi xuống, Bút là cây viết, được viết ra từ các đấng thiêng liêng Phật Trời xuống phàm gian. Đây nói đến Thần Tiên lâm phàm ra cơ cứu độ chúng sanh, đem lời Phật Thánh giác ngộ người cõi thế gian.
288- BỞI CƠ TRỜI ĐÃ THÚC BÊN LƯNG.
Giải: Tại máy Thiên Cơ; Đã giục nhanh hơn không còn chậm trễ, đã đến lúc phải nhanh lên; Phía cạnh nơi gần mình nhất ở phía sau con người. Ở đây muốn nói việc đưa đến của lý tạo hóa rất gần như kế bên lưng vậy.
289- KHÔNG TU CHỪNG KHỔ CŨNG ƯNG,
Giải: Chẳng chịu sửa, hành đạo, làm theo lời chỉ dạy của Phật Thánh để trở về tâm của mình, chẳng gìn giới luật tránh ác làm lành. Tâm buông lung chạy theo trụy lạc, theo các vọng trần, đối với nhân đạo thì cũng không xong, đối với lòng mình thì chẳng được gì, phước thì không có tội thì chất chồng, tâm bị mê mờ ắt phải chịu nhiều khổ não. Hiện tại và tương lai chẳng được an vui, ấy đều do không tu mà ra cả; Chừng khổ là đến lúc gặp dịp chịu đựng vất vả, sự bức bách não phiền, sự thống thiết đau đớn của thân và tâm; Tương tợ như vậy, nếu không tu thì sẽ khổ, đến khi khổ thì phải chấp thuận vì đó là hợp với ý của mình mà.
290- TU HÀNH GẶP CẢNH VUI MỪNG TOẠI THAY.
Giải: Sửa chuyển đổi tam nghiệp, thực hiện theo lời Phật Thánh chỉ dạy, giữ tâm thanh tịnh làm việc nhân từ, thực hiện giáo pháp thanh lọc tâm hồn sống đời sống tiết tháo thanh cao; Thấy được sự trùng hợp ở thời gian hay hoàn cảnh, sự phản chiếu từ bên trong, chỉ cho tự tánh. Đây là sự sáng suốt quí báu vô cùng tận, tạo ra vạn vật, ý chỉ tâm tánh hay ý thanh tịnh bên trong, đó là gặp cảnh của người tu; Có tâm trạng thích thú, hớn hở ra mặt rất là tươi tắn, trong lòng vui vẻ thích thú, niềm hớn hở lộ ra nét mặt như muốn bày tỏ cùng mọi người, cũng có nghĩa chỉ sự an ổn hỷ lạc của nội tâm; Thật sự rất mãn nguyện, hết sức thỏa lòng, vừa ý quá tốt.
Kính mong Quý vị và quí đồng đạo xem qua chỗ nào còn thiếu sót, mong được chiếu cố chỉ dẫn thêm, chúng tôi thành thật biết ơn, thân ái chào đoàn kết.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.

(Chú giải của Tô Thanh Tùng)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn