Lễ Giỗ Thứ 156 Năm Quan Đại Thần Nguyễn Trung Trực - Lễ Kỷ Niệm Năm Thứ 76 ngày Đức Giáo Chủ PGHH thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

21 Tháng Mười 20229:47 CH(Xem: 1164)
Lễ Giỗ Thứ 156 Năm Quan Đại Thần Nguyễn Trung Trực - Lễ Kỷ Niệm Năm Thứ 76 ngày Đức Giáo Chủ PGHH thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

Lễ Giỗ Thứ 156 Năm Quan Đại Thần Nguyễn Trung Trực -
Lễ Kỷ Niệm Năm Thứ 76 ngày Đức Giáo Chủ PGHH thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

(21/10/2022)

Lê Yến Dung

          

          Sáng chủ nhật ngày 2 tháng 10 năm 2022 vừa qua, tại Niệm Phật Đường PGHH, địa chỉ: 634S Maxine Thành Phố Santa Ana Cali. Đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm năm thứ 156 ngày Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực đã vẹn hiếu với mẹ, trung với đất nước để ngạo nghễ hiên ngang ra đi trong tiếc thương của hằng triệu đồng bào... Đồng thời là tổ chức lễ kỷ niệm năm Thứ 76 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo thành lập đảng chánh trị Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

NTT 1

                                   Nhóm Ca Đoàn Niệm Phật Đường Chào Quốc Kỳ, Quốc Ca Mỹ, Đạo Kỳ PGHH.

         Sau lễ chào quốc kỳ, TB tổ chức Mai Chân, trong diễn văn khai mạc, có đoạn về tiểu sử hào hùng của ngài Nguyễn Trung Trực: “Tháng 9 năm 1868, Ngài được hung tin là vị cận tướng Lâm Quang Ky đã hy sinh, và mẫu thân là Bà Lê Kim Hồng bị bọn Pháp bắt và thách thức sẽ giết mẹ của Ngài nếu Ngài không đầu hàng. Ngài Nguyễn Trung Trực rất đau lòng và vì lòng hiếu thảo và cũng vì sau nhiều ngày nghĩa quân bị bao vây đói khát, ngày 19/9/1868 Ngài ra hàng. Lúc Ngài bị người Pháp giải về Sài Gòn, viên thống soái Nam Kỳ biết được tài đức của Ngài nên hết lòng chiêu dụ. Ngài đã hiên ngang trả lời: “Thưa Pháp soái, khi nào Ông trừ cho hết cỏ trên mặt đất nầy, thì mới may ra ngài trừ tiệt được những người ái quốc của xứ sở này”.

          Kỉ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng chính trị Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, Cô Mai Chân cũng cho biết: “Sau khi Pháp tái chiếm Miền Nam. Nhằm mục đích tạo tiếng nói chính trị cho Phật giáo Hòa Hảo với lập trường chống Pháp. Đức Huỳnh Giáo Chủ với sự tham gia của một số nhà trí thức như: Nguyễn văn Sâm, Nguyễn Hoàng Bích, Trần văn Ân, và cũng do sự đoàn kết giữa những đoàn thể ái quốc (kháng chiến, cần lao, tôn giáo và chính trị). Ngài đã đứng ra thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Đây là một lực lượng chính trị đủ khả năng đảm nhận vai trò lãnh đạo quốc gia trên lập trường dân tộc để đưa nhân loại đến một chủ nghĩa quân bình an lạc mà Đức Huỳnh Giáo Chủ là một bậc tiên giác đã tiên liệu được thời cuộc và bước tiến của nhân loại”.

         Bài hát “Chiến Sĩ Vô Danh” của tác giả Phạm Duy đã được thể hiện qua phần trình bày của nhóm ca đoàn của Niệm Phật Đường, rất truyền cảm, không khỏi ngậm ngùi nhớ lại muôn ngàn chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc và Đạo Pháp.

          Thành phần quan khách tham dự gồm: Nhà báo Vi Anh cựu dân biểu VNCH và cựu cố vấn Ban Trị Sự GH PGHH 11 tỉnh Miền Nam VN, GS Nguyễn Thanh Giàu Hội Trưởng Ban Trị Sự Trung Ương hải ngoại GH/PGHH, CTS Trần Quang Linh (Cao Đài), Ô. Lê văn Tâm, Cố Vấn DXĐ, Ô. Huỳnh Kim, HT Trung Ương, Tiến Sĩ Nguyễn Tấn Lạc Phó Tổng Bí Thư ngoại vụ DXĐ, Ô. Trần Văn Vui Phó Tổng Bí Thư DXĐ, Ô. Huỳnh Long Giang Tổng thư ký DXĐ, Ô. Trần Chánh, Cô Kim Chung (Nhóm Đức Tin), GS Dương Ngọc Bầy, Kỹ Sư Ca sĩ Phạm Ngọc Lân, Hội Trưởng Tây Ninh Đồng Hương Hội, Ô. Ngọc Ân (Cao Đài), Ô. Huỳnh Công Kỉnh, tín đồ thuần thành PGHH, đồng đạo Kim Hồng, Nguyễn Trúc Mai. Ngoài ra còn có sự tham dự của nhiều đồng đạo, Phật tử vùng lân cận đến tham dự thật đông vui.

          Nghi Thức hành lễ do đồng đạo Trần văn Vui hướng dẫn và thành phần đại biểu nguyện hương từ trái sang phải gồm: Ô. Nguyễn Thanh Giàu, Ô. Lê Văn Tâm, Ô. Huỳnh Kim, Ô. Trần Văn Vui, Ô. Nguyễn Tấn Lạc, Ô. Huỳnh Long Giang (hầu nhang), nguyện trước ngôi Tam Bảo, Cửu Huyền Thất Tổ, đặc biệt là Ngôi thờ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực, rất là trang nghiêm trong tinh thần tri ân những vị Cao đồ Chức sắc của PGHH Dân Xã.

NTT 2

                         Từ trái sang phải Gs Nguyễn Thanh Giàu, CV Lê Văn Tâm, Ô.Huỳnh Kim, Ô.Trần Văn Vui,                                                 TS Nguyễn Tấn Lạc, Ô. Huỳnh Long Giang.

          Về ý nghĩa của ngày kỷ niệm thứ 156 năm ngày giỗ cụ Nguyễn. Ông Huỳnh Kim có đoạn cho biết: “Nguyễn Trung Trực Sinh năm Đinh Dậu 1837 năm Minh Mạng. Nguyên quán của Ngài ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, Bình Định. Vào ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng Phó Quản binh Huỳnh Khắc Nhượng, Võ Văn Quang, Nguyễn Học, tổ chức cuộc phục kích, đốt cháy chiến hạm Espérence của Pháp trên sông Nhật Tảo, Bến Lức. Qua chiến công này Vua Tự Đức đã rất cảm phục và mến yêu”.

          Để thay đổi không khí, Bài Vọng Cổ “Nguyễn Trung Trực và Mẹ”được thể hiện qua tiếng hát của Đình Hiếu và Ngọc Hà đã lấy nước mắt người thưởng ngoạn, qua cuộc đối thoại hiếu tình của Cụ Nguyễn từ giã mẹ, lên đường cứu quốc.

          Kế đến là đồng đạo Huỳnh Long Giang tuyên đọc Bản Tuyên Ngôn của Huỳnh Thủ Lãnh viết ngày 21 tháng 9 năm 1946 và Ô. cũng chia sẻ: “Dưới gót giày xâm lược của Pháp, trong tinh thần ái quốc chân chính Đức Thầy đã hiệu triệu huy động một số chánh khách, nhân sĩ, nhà cách mạng đại biểu nhiều khuynh hướng để thành lập VNDCXHĐ. Bản tuyên ngôn và chương trình hành động được họp soạn và Đức Huỳnh thủ lãnh được tín nhiệm của tuyệt đại đa số thành viên (Ủy viên Trung ương) là nhân vật duyệt xét tối hậu, đồng thời chính thức công bố. Những đặc điểm của VNDCXHĐ được nhấn mạnh là không có đấu tranh giai cấp, tôn trọng quyền tư hữu, dân tộc tự quyết và chống độc tài dưới bất cứ hình thức nào. Không áp dụng bất cứ giải pháp nào đi ngược với truyền thống yêu nước của tiền nhân, anh hùng liệt nữ và nhất là bản sắc văn hóa của dân tộc”.

         Tiếp theo trong phần tuyên đọc nguyên văn chương trình hành động của VNDCXHĐ, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Lạc bằng vào kinh nghiệm kiến thức về xã hội chính trị của mình, ông đưa ra nhận xét qua từng tiết mục của chương trình, theo ông: “Đều mang tính tích cực hiện thực, tiến bộ rất phù hợp với sự tiến hóa mới của xã hội thời đại nói chung, từ thập niên 40 cho đến bây giờ đã trải qua hơn 75 năm, sự chuyển biến của xã hội và thời cuộc, cho thấy sự diễn kiến qua tầm nhìn sâu rộng của những nhân sĩ, nhà chánh khách cách mạng ái quốc chân chính. Toàn bộ cương lĩnh của bản tuyên ngôn và chương trình hành động do Đức Huỳnh Thủ lãnh công bố ngày 21 tháng 9 năm 1946, hoàn toàn mới mẽ hiện thực như mới ngày hôm qua”.

          Để thay đổi không khí, Ngọc Ân, Ái Liên xuất hiện với màn Hát Bội “ Nguyễn Trung Trực” đã đưa mọi người trở về với văn hóa cổ truyền dân tộc qua bộ môn Hát Bội, thật xúc động qua tấm gương sáng của cụ Nguyễn, thể hiện lòng hiếu, trung vẹn toàn.

NTT 3

                      Ngọc Ân và Ái Liên trong ca cảnh Hát Bội: “Nguyễn Trung Trực Lạy Mẹ Lên Đường Cứu Nước”

           Trong phần ý nghĩa Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, Ông Trần Văn Vui ( Phó Tổng Bí Thư DXĐ) chia sẻ: “Trước sự bành trướng, thần tốc và sâu rộng của Việt Nam Dân Xã Đảng, Cộng sản và thực dân Pháp tìm mọi cách để cản trở và phá hoại. Một điều đặc biệt cần ghi nhận là không phải chỉ các tín đồ PGHH gia nhập vào VNDXĐ mà phong trào dân chúng, nhất là giới thanh niên ngoài đạo PGHH cũng hưởng ứng tham gia khiến cho cộng sản rất là lo ngại. Các giới bên ngoài hưởng ứng là vì nhận thức tính chất tiến bộ và thích nghi của chủ nghĩa Dân chủ xã hội...Thủ đoạn sâu độc nhất của cộng sản lúc đó là mượn tay quân đội Pháp để bắt bớ cán bộ Dân Xã Đảng, tiêu hủy các cơ sở dân xã, khủng bố tàn nhẫn ở những vùng mà tín đồ PGHH đang sinh sống”.

          Kế đến, Huyền Tâm, Bích Thuận diễn ngâm bài “Tế Chiến Sĩ Trận Vong Vườn Thơm” nhắc lại lời vàng ngọc của Đức Thầy. Cả hội trường đã không giấu được cảm xúc ngậm ngùi.

          Phần cảm tưởng của quan khách vừa long trọng, vừa chân tình. Trước tiên là GS Nguyễn Thanh Giàu trong vai trò của Hội trưởng BTS/ Giáo Hội PGHH Trung Ương Hải ngoại, GS chia sẻ có đoạn:

          “Trong ngày Lễ hôm nay Ban Tổ chức cùng lúc làm Lễ Giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực và Kỷ niệmNgày ĐHGC thành lập VNDCXHĐ mang ý nghĩa rất hay. Đây cũng là cơ hội để trả lời, tại sao tín đồ PGHH lại tôn thờ và khi cúng lạy hằng ngày đều nguyện “ Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, ... Xin thưa anh hùng dân tộc là tín đồ của Bửu Sơn Kỳ Hương, tiền thân của PGHH, Ngài đã hành xử trọn vẹn Tứ Ân cho nên Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy tín đồ của Ngài noi theo con đường của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Chẳng những thế khi ĐHGC cho thành lập đội nghĩa binh đầu tiên để chống Pháp, đơn vị mang tên Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc Liên Đội Nguyễn Trung Trực và đến ngày 18 tháng 12 năm 1946 đơn vị nầy đổi tên là Chi Đội Nguyễn Trung Trực.

          Nhân ngày Giỗ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và Kỷ niệm ngày Đức Thầy thành lập Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, chúng tôi bỗng nhớ lại mấy câu Thi văn của Đức Thầy “Kẻ chết đã yên rồi một kiếp, Người sống còn tái tiếp noi gương”. Và “Gương sáng ấy soi chung hậu thế, Anh em ơi theo dõi gót cùng ta.” Thử tự hỏi, mình có noi gương theo các bậc tiền nhân và có theo dõi tiếp bước của Đức Tôn Sư dấn thân cứu nước hay đã quên rồi bổn phận?”.

          CTS Trần Quang Linh cũng chia sẻ: “Trước giờ thảm tử, giặc Pháp cởi trói tay chân, mở khăn bịt mắt. Ngước nhìn Trời cao, đất rộng, tự xét tấm lòng không hỗ thẹn cùng Trời đất đồng bào. Cái chết của Đức Ngài khiến người có lòng ái quốc, thương dân nhỏ lệ tiếc thương, đồng bào hờn tủi ôm lòng rửa hận.

          Với tấm lòng thiết tha với nước, đại nghĩa vì dân, khí tiết sáng ngời như đôi vầng nhật nguyệt, máu Đức Ngài thấm vào đất tổ, hòa cùng địa linh nhân kiệt.

          Vinh diệu thay, trí dũng hào hùng. Hồn thiêng sông núi chuyển động, khắp nơi hào kiệt nổi lên trừ giặc loạn. Thật là:

“Nguyện lấy sức đền ơn cương thổ,
Quyết lòng lo báo bổ ơn nhà.
Trận tiền bảo quốc xông pha,
Phục hưng Tổ nghiệp ngợi ca quốc hồn.”

          Ôi thảm thay, cũng vinh quang thay! Biết bao anh hùng vị quốc vong thân: “Anh hùng tử, khí hùng nào tử.”

          Xét đạo lý mà thêm trân quý. Khen hoa Sen, hoa Huệ tỏa hương thơm khiến người mến mộ nhất thời! Chớ hương linh anh hùng nghĩa sĩ của Ngài Nguyễn Trung Trực vẫn thơm lừng mãi mãi...

NTT 4

                                                           Chánh Trị Sự Trần Quang Linh (Cao Đài).

          Đức Ngài Nguyễn Trung Trực là đại anh hùng cho cả Dân tộc, cho toàn miền Nam nói riêng. Đặc biệt nhất là Tín đồ PGHH khắc sâu trong mỗi tấm lòng. Lòng tri ân và ngưỡng mộ Đức Thượng Đẳng Đại Thần vị Thiên phong cõi Thượng cũng là vị Vương phong cõi Thế. Đức Ngài là bậc danh nhân Đất Việt Trời Nam mà chúng ta tôn kính, thương yêu và quý mến”.

          Cố vấn Lê Văn Tâm DXĐ phát biểu: “Trải qua 76 năm từ ngày thành lập VNDCXHĐ đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Bi thương nhất là thời Cộng sản đã cấm, không cho hoạt động mà còn dùng luật rừng để bắt bớ hằng trăm, hàng ngàn tín đồ PGHH vô tội.

          Ngạn ngữ VN nói rằng: “Tre già măng mọc”, chúng tôi thuộc thế hệ già nua, thời gian phục vụ đoàn thể không còn nhiều, chúng tôi kỳ vọng vào thế hệ trẻ góp sức vào đại cuộc của đoàn thể PGHH, vì chỉ có tuổi trẻ mới làm cho đoàn thể được vững mạnh và trường tồn với thời gian. Hôm nay chúng tôi tha thiết kêu gọi sự tham gia hoạt động của tuổi trẻ cho VNDCXHĐ”.

NTT 5

                                                          Nhà Nghiên Cứu Sử học GS Trần Văn Chi

          Trong phần phát biểu của GS, nhà Nghiên cứu Sử học Trần Văn Chi, ông nói: “Phật Giáo Hòa Hảo với lập trường chống Pháp, Đức Huỳnh Giáo Chủ với sự tham gia của một số nhà trí thức, thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Đây là một lực lượng chính trị, có lập trường dân tộc.

          Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng còn gọi tắt là Dân Xã Đảng do Huỳnh Phú Sổ làm thủ lãnh, công bố ngày 21 Tháng Chín, 1946, với tôn chỉ cách mạng con người, cách mạng dân tộc, và cách mạng xã hội.

          Giáo Sư Nguyễn Hoàn Bích, một tín đồ Thiên Chúa Giáo, được cử làm tổng bí thư. (Xin nhắc lại tiền thân của đảng Dân Xã là tổ chức các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo do giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đứng đầu tham gia vào Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất thành lập ngày 14 Tháng Tám, 1945).

          Phật Giáo Hòa Hảo căn bản lấy Tứ Đại Trọng Ân nên tích cực tham gia Dân Xã Đảng hầu đền đáp Ân Đất Nước và Ân Đồng Bào.

          Trước sự bành trướng nhanh chóng và sâu rộng của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách để cản trở, phá hoại. Trên bình diện quốc gia, Pháp đã có thái độ “thù địch” đối với Phật Giáo Hòa Hảo, ta không lấy làm lạ”...

           Kế tiếp là bài thơ “Gửi Mẹ” của Cụ Nguyễn gởi cho mẹ trước lúc ra hàng để cứu mẹ bằng thể “song thất lục bát” có đoạn:

 “Nay con đã chọn đường cứu Mẹ,
Nương án binh về phía Kiên Giang.
Nạp mình chẳng phải đầu hàng,
Cứu nguy từ mẫu, gian nan chẳng cần.”

          Qua giọng ngâm của NS Minh Hùng, Thiên Thanh, đã làm cả hội trường xúc động, Thương tiếc cho cụ Nguyễn đã quên mình vì hiếu, hi sinh cho dân tộc.

          Buổi lễ đã chấm dứt vào lúc 12 trưa, Thiên Thanh đại diện NPD nói lời cảm tạ và mời mọi người vào bàn ăn với các món ngon, đặc biệt là bánh xèo chay, kèm theo rau tươi xanh rờn, hương vị đặc biệt của quê hương mà chắc ai trong chúng ta đều rất ưu thích, kèm theo những món tráng miệng mát mẻ, tinh khiết, mọi người nói cười, nhắc nhiều về quá khứ, những việc đã xảy ra mà thương nhớ vô cùng vùng Thánh Địa Hòa Hảo xưa, bên dòng chảy êm đềm của sông Tiền Giang./.

 Niệm Phật Đường PGHH: Giỗ 156 năm QTĐĐT Nguyễn Trung Trực-Kỷ niệm 76 năm thành lập DXĐ/PGHH.

 Tường trình của Lê Yến Dung.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn