Điều-Lệ và Nội-Quy

22 Tháng Bảy 202011:21 CH(Xem: 3785)
Điều-Lệ và Nội-Quy
GIÁO-HỘI PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO
BAN TRỊ-SỰ TRUNG-ƯƠNG HẢI NGOẠI

Số: 26/BTSTƯHN/VT


– Tham chiếu quyết nghị Đại Hội Santa Ana ngày 28 tháng 12 năm 2002 về việc thành lập Ban Trị-Sự Trung-Ương Hải-Ngoại Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo.

– Tham chiếu quyết nghị Đại Hội San José ngày 14 tháng 6 năm 2003 về bản ĐIỀU LỆ VÀ NỘI QUY.

– Tham chiếu quyết nghị chung kết về Bản Điều Lệ và Nội Quy do Đại Hội Đạo ngày 27 tháng 12 năm 2003 tại Virginia.

– Chiếu nhu cầu sinh hoạt giáo sự.

QUYẾT ĐỊNH

1. Nay ban hành bản ĐIỀU LỆ VÀ NỘI QUY đã được hai ĐạiHội Đạo San José và Virginia chung quyết để điều hướng mọi sinh hoạt của hệ thống Giáo Hội từ cấp Trung ương đến Địa Phương.

2. Bản Điều Lệ và Nội Quy này có hiệu llực kể từ ngày 27 tháng 12 năm 2003.

3. Trị Sự Viên các cấp chiếu nhiệm vụ thi hành Quyết Định này.

Làm tại Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 12 năm 2003
HỘI TRƯỞNG
(Ấn Ký)
Nguyễn Đăng Vinh

ĐIỀU LỆ VÀ NỘI QUY

CHƯƠNG I ĐIỀU KHOẢN CĂN BẢN

Điều 1: Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo (GHPGHH) tại hải ngoại là tổ chức duy nhứt của tất cả tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) ở hải ngoại.

Điều 2: Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo bất khả phân bất cứ dưới hình thức nào.
Bản Điều Lệ và Nội Quy này có hiệu lực đối với toàn thể tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại tu hành theo giáo lý của Đức Thầy.

CHƯƠNG II MỤC ĐÍCH VÀ TÔN CHỈ

Điều 3: Mục đích của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại nhằm kết hợp tất cả Tín đồ PGHH đang sống lưu vong ở nhiều nơi trên thế giới, để:

a. Bảo vệ tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo.
b. Trực tiếp giải quyết những việc trong nội bộ Đạo.

Điều 4: Tôn chỉ của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại đúng theo giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo:

a. Trau giồi và nâng cao tinh thần đạo đức của tất cả tín đồ bằng cách truyền bá giáo lý của Đức Thầy trong các quyển:

– Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm,
– Kệ Dân Của Người Khùng,
– Sấm Giảng,
– Giác Mê Tâm Kệ,
– Khuyến Thiện,
– Cách Tu Hiền Và Sự Ăn Ở Của Một Người Tín Đồ PGHH,
– Thi Văn của Đức Thầy.

b. Sưu tầm, nghiên cứu, diễn giải, phiên dịch và phổ biến những Sấm Giảng và Thi Văn của Đức Thầy để chấn hưng Phật Giáo chân truyền, và góp công đào tạo một cộng đồng tín đồ PGHH lành mạnh, lấy nguyên tắc công bình và nhân đạo làm chuẩn đích.

c. Thực hiện các công tác hữu ích cho xã hội, nhân sinh.

CHƯƠNG III ĐẠO KỲ – HUY HIỆU – CON DẤU – TRỤ SỞ – THẺ TÍN ĐỒ

Điều 5: Đạo Kỳ: Cờ Đạo toàn một màu dà, không chữ, không dấu hiệu. Việc xử dụng Đạo kỳ (kích thước, vị trí) được áp dụng theo thể lệ hiện hành. Đạo kỳ được treo tại Hội Quán, Trụ Sở, Văn Phòng của Ban Trị Sự sở tại, và trong những ngày lễ Đạo.

Điều 6: Huy Hiệu: Huy hiệu của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại hình tròn, nền màu dà, có chạy bìa màu vàng, chính giữa có bông sen màu trắng với 4 chữ PGHH màu vàng vòng cung ở trên. Ni tất do Ban Trị Sự Trung Ương ấn định. Huy hiệu này cũng được in trên ấn chỉ của các cấp trị sự để làm văn thư. Trị Sự Viên các cấp và đồng đạo đeo huy hiệu này nơi ngực (phí trái tim) trong những ngày Lễ Đạo, hoặc trong những cuộc tiếp tân hay đi dự lễ do các đoàn thể bạn mời.

Điều 7: Con Dấu: Con dấu của các Ban Trị Sự hình tròn, lớn nhỏ tùy cấp bậc. Bên trong con dấu như sau:
– Vòng ngoài: Phía trên: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO
Phía dưới: Tên Ban Trị Sự. Nếu là Ban Trị Sự Trung Ương thì sẽ là TRUNG ƯƠNG HẢI NGOẠI.
– Vòng trong: Trên hết là bông sen.
Phần còn lại khắc BAN TRỊ SỰ.

Điều 8: Trụ Sở: Tùy thuộc các Ban Trị Sự chọn nơi thuận tiện để đặt văn phòng làm việc, hoặc xây cất, mua sắm tùy khả năng.

Điều 9: Thẻ Tín Đồ: Nếu cần có thẻ tín đồ, tức là giấy chứng nhận thì do Trung Ương ấn định và phát ra.

CHƯƠNG IV THỜI HẠN – PHẠM VI HOẠT ĐỘNG

ĐIỀU 10: Thời Hạn: Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại hoạt động liên tục cho đến khi Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo chính thống ở trong nước phục hoạt (thời hậu Cộng Sản) thì Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại sẽ trở thành một bộ phận hải ngoại, trực thuộc Giáo Hội phục hoạt ở quốc nội.

Điều 11: Phạm Vi: Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại hoạt động tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, Á Châu và những nơi có người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tạm dung.

Điều 12: Hoạt Động: Để thực hiện theo tôn chỉ và giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại dự trù theo khả năng và phương tiện những hoạt động sau đây:

a. Cổ xúy các cấp Trị Sự Địa Phương lập Hội Quán (trong đó sẽ thiết lập Ngôi Tam Bảo, mở văn phòng Ban Trị Sự, lập Thư Viện, mở Hội Trường, …)
b. Sưu tầm, nghiên cứu, phiên dịch, diễn giải, ấn loát và truyền bá Sấm Giảng, Giáo Lý, Thi Văn của Đức Thầy.
c. Biên tập, phát hành các loại sách báo Phật Giáo Hòa Hảo.
d. Thực thi các công tác xã hội, từ thiện.

CHƯƠNG V THÀNH PHẦN – ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP

Điều 13: Thành Phần: Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại gồm:

– Toàn thể Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo, nam, nữ đang định cư ở hải ngoại.
– Các công dân không phân biệt quốc tịch đã quy y theo giáo lý của Đức Thầy.

Điều 14: Điều kiện gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại: Những tín đồ tôn trọng và thi hành Bản Điều Lệ Và Nội Quy này.

CHƯƠNG VI NGHĨA VỤ – QUYỀN HẠN CỦA TÍN ĐỒ

Điều 15: Nghĩa Vụ: Toàn thể tín đồ có nghĩa vụ:

a. Phải tuân hành nghiêm chỉnh Giáo Lý và Tôn Chỉ Hành Đạo của Đức Thầy.
b. Phải thi hành các nghị quyết của Giáo Hội, và luôn luôn đoàn kết chặt chẽ với các cấp Trị Sự Sở Tại để bảo vệ quyền lợi chánh đáng của Giáo Hội.
c. Phải giúp nguyệt liểm cho Giáo Hội qua các Ban Trị Sự sở tại.

Điều 16: Quyền Hạn: Toàn thể tín đồ có quyền hạn:

a. Được lảnh thẻ tín đồ. Con em của tín đồ cũng được lảnh thẻ này với sự bảo trợ của phụ huynh.
b. Được các cấp Trị Sự bênh vực khi tín ngưởng của mình bị kẻ khác xâm phạm.
c. Được giúp đỡ khi đau ốm, trong quan, hôn, tang, tế tùy phương tiện và khả năng sẵn có của Giáo Hội.
d. Được bày tỏ, góp ý với Cấp Trị Sự mọi ý kiến của mình về sinh hoạt của Giáo Hội, hay công cuộc phước thiện đối với nhân sinh.
e. Được quyền bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử Ban Trị Sự Trung Ương và Địa Phương của mình hiện ngụ (dành cho tín đồ từ 20 tuổi trở lên). Về việc ứng cử, bầu cử sẽ được qui định bằng những văn kiện riêng.

CHƯƠNG VII HỆ THỐNG VÀ NGUYÊN TẮC TỒ CHỨC

Điều 17: Hệ Thống Tổ Chức: Đứng đầu hệ thống Trị Sự để lãnh đạo và điều hành Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại là BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG HẢI NGOẠI. Các Ban Trị Sự Địa Phương sinh hoạt trực tiếp với Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại.

Điều 18: Nguyên Tắc Tổ Chức: Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại áp dụng nguyên tắc tổ chức theo lề lối dân chủ.

CHUƠNG VIII BAN TRỊ SỰ – THÀNH PHẦN – NHIỆM KỲ

Điều 19: Ban Trị Sự: là hệ thống duy nhứt điều hành mọi hoạt động giáo sự, từ sự chăm sóc đời sống tinh thần đến việc tổ chức sinh hoạt Đạo của tất cả tín đồ.
Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại chịu trách nhiệm trước toàn thể tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở hải ngoại về mọi quyết định nội bộ và ngoại giao có ảnh hưởng tới Đạo Pháp.

Điều 20: Thành Phần: Trước hiện tình, hoạt động Giáo Sự tại hải ngoại, về nhân sự và phương tiện rất hạn hẹp, nên thành phần Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại có phần gia giảm hầu tạo điều kiện thích hợp như dưới đây:

THÀNH PHẦN BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG HẢI NGOẠI:

– 1 Hội Trưởng
– 2 Phó Hội Trưởng
– 1 Chánh Thư Ký
– 1 Phó Thư Ký
– 1 Thủ Bổn
– 1 Phó Thủ Bổn
– Cố Vấn Đoàn (không hạn chế)
– 1 Trưởng Ban Tổ Chức
– 1 Phó Ban Tổ Chức
– 1 Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý
– 1 Phó Ban Phổ Thông Giáo Lý và nhiều thành viên
– 1 Trưởng Ban Thông Tin Liên Lạc
– 1 Phó Ban Thông Tin Liên Lạc
– 1 Trưởng Ban Tài Chánh
– 1 Phó Ban Tài Chánh
– 1 Trưởng Ban Văn Hóa Xã Hội và nhiều thành viên
– 1 Phó Ban Văn Hóa Xã Hội
– 1 Trưởng Ban Kiểm Soát
– 1 Phó Ban Kiểm Soát
– 1 Trưởng Ban Thanh Thiếu Niên
– 1 Phó Ban Thanh Thiếu Niên.

Điều 21: THÀNH PHẦN BAN TRỊ SỰ ĐỊA PHƯƠNG:

– 1 Hội Trưởng
– 1 Phó Hội Trưởng
– 1 Thư Ký
– 1 Thủ Bổn
– 2 Cố Vấn
– 1 Trưởng Ban Kiểm Soát
– 1 Trưởng Ban Tài Chánh
– 1 Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý
– 1 Phó Ban Phổ Thông Giáo Lý
– 1 Trưởng Ban Tổ Chức
– 1 Trưởng Ban Thông Tin Liên Lạc
– 1 Trưởng Ban Thanh Thiếu Niên.

Điều 22THÀNH PHẦN BAN ĐẠI DIỆN:
Ở những địa phương có ít Tín Đồ có thể thành lập BAN ĐẠI DIỆN. Ban Đại Diện được điều hành bởi ít nhứt là ba Tín Đồ.

Điều 23: Ban Thường Vụ: Mỗi cấp Trị Sự có một Ban Thường Vụ để xử lý công việc thường xuyên và soạn thảo công văn của cấp Trị Sự mình. Ban này gồm có: Hội Trưởng, Phó Hội Trưởng, Chánh Thư Ký, Phó Thư Ký, Kiểm Soát và Thủ Bổn.

Điều 24: Nhiệm Kỳ: Thời gian thụ nhiệm của các Ban Trị Sự Địa Phương là hai năm, và Trung Ương là ba năm. Tuy nhiên, nhiệm kỳ có thể chấm dứt sớm hơn do quyết định của Đại Hội, với biểu quyết tán thành của 2/3 số Trị Sự Viên hiện diện.

Khi một Ban Trị Sự Địa Phương tự ý xin từ nhiệm một cách bất thường thì phải được 2/3 Trị Sự Viên trong Ban Trị Sự đồng ý đề nghị và do Đại Hội quyết định tối hậu theo đa số tuyệt đối.

Đối với sự từ nhiệm trước nhiệm kỳ của Ban Trị Sư Trung Ương Hải Ngoại thì cũng phải do 2/3 tổng số Trị Sự Viên đề nghị và do Đại Hội Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo quyết định bằng cách biểu quyết như trên.

Tất cả Trị Sự Viên các cấp đều được quyền tái ứng cử và góp phần công quả không lương bổng.

Điều 25: Nhiệm Vụ và Quyền Hạn: Nguyên tắc chỉ đạo của các cấp Trị Sự là tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách. Căn cứ trên nguyên tắc này, nhiệm vụ của các Trị Sự Viên Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại được phân định như sau:

HỘI TRƯỞNG
a. Đại diện Giáo Hội trước chánh quyền, trước các Đoàn Thể bạn, và là phát ngôn nhân chính thức của Giáo Hội.
b. Điều hành, tổ chức, theo các điều 17, 18 trên đây. Triệu tập và chủ tọa các phiên họp. Điều khiển các cuộc thảo luận.
c. Chiếu các nghị quyết của Đại Hội Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại và của Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại ký các văn kiện đối ngoại. Trường hợp văn kiện thuộc nội bộ thì có Chánh Thư Ký ký chung.
d. Duyệt ký và ban hành ĐIỀU LỆ VÀ NỘI QUY.
e. Ký quyết định chuẩn nhận kết quả bầu cử của các Ban Trị Sự Địa Phương.
f. Bổ nhậm Trị Sự Viên phụ trách các ban, ngành, chiếu đề nghị của các trưởng cơ quan liên hệ.
g. Ban chứng thư công quả, ký chứng chỉ khen thưởng theo đề nghị của các Ban Trị Sự.

PHÓ HỘI TRƯỞNG
Phụ tá Ông Hội Trưởng và thay thế khi vị này vắng mặt. Trường hợp Ông Hội Trưỏng đau yếu không thể gánh vác trọng trách quá 6 tháng, hay Ông Hội Trưởng mệnh chung, thì vị Phó Hội Trưởng cao tuổi nhứt sẽ đãm nhận xử lý thường vụ chức vụ Hội Trưởng cho đến hết nhiệm kỳ.

CỐ VẤN
Giúp ý kiến cho Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại trong mọi công việc.

CHÁNH THƯ KÝ
a. Soạn thảo và nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Giáo Hội căn cứ theo các nghị quyết của Đại Hội.
b. Với sự hợp ý của Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại, soạn thảo và ban hành các văn kiện ấn định kế hoạch thực hiện chủ trương, đường lối của Giáo Hội.
c. Lập biên bản các cuộc họp, phổ biến các văn kiện, đôn đốc việc thi hành các quyết nghị chung.
d. Lập và tổng kết số tín đồ hải ngoại cùng các văn kiện, hồ sơ liên hệ.
e. Tổ chức văn phòng trực thuộc Ban Thường Vụ Trung Ương. Thiết lập các Ban và Tiểu Ban chuyên môn để đáp ứng nhu cầu Giáo Sự.
f. Cùng Ông Hội Trưởng ký các văn kiện nội bộ của Ban Thường Vụ.

PHÓ THƯ KÝ
Phụ tá Chánh Thư Ký trong công tác liên hệ và thay thế khi vị này vắng mặt.

THỦ BỔN
a. Lập sổ sách chi thu, từ trang đầu tới trang cuối có chữ ký tắt của Ông Hội Trưởng và có đóng dấu.
b. Cập nhật hóa việc thu xuất. Bất cứ lúc nào Ban Trị Sự Trung Ương muốn biết tình hình tài chánh, Thủ Bổn trình ngay sổ sách, ngân quỹ cùng các chứng từ kế toán cần thiết.
Tất cả số tiền tồn quỹ sẽ được bỏ vào trương mục mang tên Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại.
c. Ấn định việc thu xuất theo thể lệ hiện hành.

PHÓ THỦ BỔN
Phụ tá Thủ Bổn trong mọi công tác liên hệ, và thay thế khi vị này vắng mặt

TRƯỞNG BAN TÀI CHÁNH
a. Đặt kế hoạch phát triển tài chánh. Thực hiện các công tác gây quỹ.
b. Quản trị và lập bản kê khai tài sản của Giáo Hội.
c.Cùng Ông Hội Trưởng ký nhận những tặng dử cho Giáo Hội và mọi văn kiện liên hệ tới việc này.

PHÓ TRƯỞNG BAN TÀI CHÁNH
Phụ tá Trưởng Ban Tài Chánh và thay thế khi vị này vắng mặt.

TRƯỞNG BAN KIỂM SOÁT
a. Xem xét tất cả công việc của các cấp Trị Sự từ Trung Ương đến Địa Phương và tường trình cho Ban Trị Sự Trung Ương để lấy quyết định chung.
b. Xem xét về tính cách hợp lệ trong mọi sinh hoạt của Giáo Hội.
c. Xác định về mức độ vi phạm nội quy. Đề nghị các biện pháp áp dụng thích nghi.

PHÓ TRƯỞNG BAN KIỂM SOÁT
Phụ tá Trưởng Ban và thay thế vị này khi vắng mặt.

TRƯỞNG BAN PHỔ THÔNG GIÁO LÝ
a. Nghiên cứu Sấm Giảng, phiên dịch ra tiếng nước ngoài.
b. Diễn giải, soạn thảo sách, báo để phổ biến Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo.
c. Mở các lớp truyền bá giáo lý, tổ chức các khóa tu học cho Trị Sự Viên và con con em tín đồ.
d. Hướng dẫn và giúp đở về mặt tinh thần các ban Trị Sự Địa Phương.
e. Thiết lập thư viện PGHH.
f. In ấn Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Thầy để phổ biến sâu rộng trong giới tín đồ và đại chúng.
g. Tổ chức lễ cầu nguyện cho các tín đồ quá vãng.
h. Điều khiển phần nghi lễ theo truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo trong các buổi lễ

PHÓ TRƯỞNG BAN PHỔ THÔNG GIÁO LÝ
Phụ tá Trưởng Ban và thay thế vị này khi vắng mặt.

TRƯỞNG BAN VĂN HÓA XÃ HỘI
a. Phát huy văn hóa giáo dục trong khối tín đồ hải ngoại. Biên tập, xuất bản các sách báo thuộc về giáo dục, phát huy nếp sống đạo đức.
b. Tổ chức việc tương trợ, cứu giúp kẻ đói khổ, bịnh tật, tai nạn. Giúp đỡ đồng đạo trong các việc quan, hôn, tang, tế.
c. Thăm viếng, ủy lạo đồng đạo trong hoàn cảnh khó khăn.

PHÓ TRƯỞNG BAN VĂN HÓA XÃ HỘI
Phụ tá và thay thế khi vị này vắng mặt.

TRƯỞNG BAN THÔNG TIN LIÊN LẠC
a. Tổ chức guồng máy thông tin báo chí cho thật chặt chẽ và có hiệu năng.
b. Phát hành tờ Nội San Tinh Tấn.
c. Phát hành sách báo liên quan đến Phật Giáo Hòa Hảo.
d. Giữ sự liên lạc chặt chẽ giữa Trung Ương, Địa Phương và đồng đạo để thu nhận những tin tức quan trọng về sinh hoạt của các Ban Trị Sự và đăng lên tờ nội san nhằm mục đích thông tin và hổ trợ tinh thần các Ban Trị Sự Địa Phương.

PHÓ BAN THÔNG TIN LIÊN LẠC
Phụ tá Trưởng Ban và thay thế khi vị này vắng mặt.

TRƯỞNG BAN THANH THIẾU NIÊN
a. Đoàn ngũ hóa thanh thiếu niên bằng cách trực tiếp hay bằng tài liệu soạn sẵn để các em, các cháu sống có nề nếp và hiểu biết giáo lý PGHH.
b. Huấn luyện thanh thiếu niên trên ba phương diện Đức, Trí, và Thể Dục, lấy giáo lý PGHH làm chuẫn đích.
c. Ý thức cho thanh thiếu niên hiểu biết tổng quát về đường lối quốc gia, dân tộc, đạo pháp, trước mắt là Giáo Hội.
d. Hướng dẫn thanh thiếu niên tham gia vào các công tác xã hội, từ thiện.
e. Dạy các bài nguyện và cách cúng lạy. Thực tập cúng lạy.
f. Huấn luyện về giáo lý và Tám Điều Răn Cấm.

PHÓ TRƯỞNG BAN THANH THIẾU NIÊN
Phụ tá Trưởng Ban và thay thế khi vị này vắng mặt.

TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC
a. Tổ chức cơ cấu các Ban Trị Sự từ Trung Ương đến Địa Phương.
b. Tổ chức các cuộc lễ trong Đạo và các cuộc hội nghị của Giáo Hội.
c. Tìm nhân sự dể điền khuyết hay tăng cường cho các đặc ban.

PHÓ BAN TỔ CHỨC
Phụ tá Trưởng Ban và thay thế vị này khi vắng mặt.

Điều 26: Quyền hạn và nhiệm vụ của các Trị Sự Viên Địa Phương được phỏng theo quyền hạn và nhiệm vụ của Trị Sự Viên Trung Ương, trừ các quyền hạn về ngoại giao và quản trị tài sản của Giáo Hội.

CHƯƠNG IX SINH HOẠT – ĐẠI HỘI

Điều 27: Các Ban Trị Sự Địa Phương họp mỗi tháng một lần. Kết quả các phiên họp được báo cáo về Trung Ương. Riêng Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại sẽ họp định kỳ vào các ngày lễ lớn trong năm: Đại Lễ Khai Đạo 18/5 âm lịch, Ngày Đức Thầy vắng mặt, Ngày Đức Thầy Đản Sanh.

Điều 28: Những phiên họp bất thường do trường hợp nghiêm trọng, cấp bách hay do đa số Trị Sự Viên cấp Trị Sự liên hệ yêu cầu với con số quá bán, Hội Trưởng mới được triệu tập và được coi như hợp lệ.

Điều 29: Trong Đại Hội sẽ được trình bày các công tác giáo sự đã qua và đề án những công tác sắp tới. Xem xét và chuẩn nhận công việc chi thu theo sổ sách kế toán. Sau hết là những vấn đề linh tinh cần trình bày.

Điều 30: Lần họp đầu tiên nếu không đủ túc số quá bán, Hội Trưởng phải triệu tập lại qua phiên sau, Đại Hội lần này được coi là hợp lệ bất luận số Trị Sự Viên nhiều hay ít.

Điều 31: Quyết định của Đại Hội phải được đa số 2/3 nếu là lượt bỏ phiếu đầu. Đến lượt bỏ phiếu sau quyết nghị chỉ cần đa số tương đối chấp thuận là hợp lệ.
Khi có nhiều biểu quyết quan trọng, Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại sẽ ra chỉ thị để áp dụng với đa số 2/3 trong Đại Hội.

CHƯƠNG X TÀI SẢN – ĐỘNG SẢN – BẤT ĐỘNG SẢN

Điều 32: Tài nguyên của Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại Giáo Hội PGHH gồm có:
– Tiền nguyệt liễm: đồng mỗi người.
– Tiền tương trợ, hảo tâm.
– Huê lợi thu trên động sản và bất động sản của Giáo Hội.
– Tiền thu được trong các hoạt động hợp pháp.
– Lợi tức do các hoạt động của Ban Tài Chánh.
– Những tài sản do các thể nhân hay pháp nhân sính tặng hoặc di tặng.

Điều 33: Giáo Hội PGHH tại hải ngoại được quyền sở hữu, thủ đắc, tạo mãi hoặc chuyển nhượng động sản, bất động sản để đạt mục đích cần thiết cho Giáo Hội.

Điều 34: Việc quản trị các tài sản thuộc động sản, và bất động sản của Giáo Hội do Trưởng Ban Tài Chánh đảm nhiệm với chữ ký chuẩn phê của Ông Hội Trưởng Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại.

Điều 35: Ngân Quỹ của Ban Trị Sự dùng đài thọ các chi phí về văn phòng, xê dịch nhân viên, giao tế và về các khoản đã kể trong điều 12 trên đây. Về những việc chi xuất khác phải có sự chấp thuận của thượng cấp. Riêng đối với Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại thì phải do Ban Trị Sự này chấp thuận.

Điều 36: Về việc xuất phát tài chánh:
– Ở cấp Trung Ương cần phải có chữ ký của Ông Hội Trưởng Trung Ương và Ông Trưởng Ban Tài Chánh.
– Ở cấp địa phương cần phải có chữ ký của Ông Hội Trưởng và Thủ Bổn.

Điều 37: Trên nguyên tắc, Trưởng Ban Tài Chánh không giử tiền mà phải do Chánh Thủ Bổn như đã ấn định tại điều 24 trên đây.
Các thể thức giữ tiền, chi xuất cũng được ấn định rõ tại điều 24 này.

Điều 38: Các Ban Trị Sự Địa Phương căn cứ theo nguyên tắc tài chánh, kế toán của Trung Ương mà tùy nghi quyết định cho cấp Trị Sự của mình.

Điều 39: Những trương mục ở các ngân hàng tại xứ sẽ do Ban Trị Sự Trung Ương đứng tên. Ở cấp địa phương thì do Ban Trị Sự Địa Phương đứng tên. Việc Xử dụng trương mục và ngân phiếu rút tiền ra phải có chữ ký: Ở cấp Trung Ương thì Ông Hội Trưởng Trung Ương và Trưởng Ban Tài Chánh. Ở cấp địa phương thì có chữ ký của Ông Hội Trưởng Địa Phương và Thủ Bổn.

Điều 40: Cuối mỗi tháng, số nguyệt liễm thu được sẽ chia ra như sau:
– Địa Phương giữ 75%
– Nộp Trung Ương 25%

CHƯƠNG XI RA KHỎI GIÁO HỘI – BÔI TÊN – TRỤC XUẤT

Điều 41: Mỗi tín đồ được tự ý ra khỏi Giáo Hội. Chỉ cần gởi thơ đến Ban Trị Sự mình trực thuộc là đủ.

Điều 42: Tín đồ nào không đóng nguyệt liễm 3 tháng liên tiếp, đương nhiên thẻ tín đồ không còn giá trị nữa, và người tín đồ đó không được hưởng quyền lợi của Giáo Hội dành cho.
Nếu có lời yêu cầu, Ban Trị Sự Địa Phương có thể xét lại những lý do xác đáng đã bắt buột đương sự đóng góp trể nãi ngoài ý muốn của mình.

Điều 43: Tín đồ đã xin ra khỏi Giáo Hội có thể xin vào Giáo Hội trở lại. Nếu xin ra lần thứ hai thì không được xin tái nhập nữa.

Điều 44: Việc trục xuất ra khỏi Giáo Hội do quyết định của Hội Đồng Kỷ Luật với sự ưng chuẩn của Địa Hội Giáo Hội PGHH tại hải ngoại theo các thể thức nêu trong điều 31 trên đây sẽ được áp dụng đối với:

– Tín đồ bị án tiết nhục nhã.
– Tín đồ nào có những cử chỉ và hành động trái với mục đích hay quyền lợi của Giáo Hội hoặc làm tổn thương đến thanh danh Giáo Hội.
– Tín đồ có lỗi được mời đến Ban Trị Sự để nghe lời khuyến cáo. Nếu không theo ngày đã định, Ban Trị Sự viết một bức thư gởi đến tận nhà để mời một lần nữa (thư mời sẽ có sự ký nhận của đương sự hoặc của thân nhân). Nếu lần này tín đồ có lỗi cũng không đến, Hội Đồng Kỷ Luật sẽ trọn quyền phán quyết theo điều 31 trên đây.

Điều 45: Các tín đồ đã ra khỏi Giáo Hội, bị bôi tên, hay bị trục xuất, không được đòi hỏi lại các số tiền đã đóng góp. Trường hợp xin trở lại thì tùy sự cứu xét của Ban Trị Sự.

CHƯƠNG XII SỬA ĐỔI NỘI QUY – ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC

Điều 46: Chỉ có Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại, hoặc hơn phân nửa số Ban Trị Sự Địa Phương mới được quyền đề nghị sửa đổi Bản Điều Lệ và Nội Quy.
Các khoản sửa đổi trong Bản Điều Lệ và Nội Quy được Đại Hội Giáo Hội PGHH tại hải ngoại chấp nhận mới có hiệu lực.

Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại phải công bố việc sửa đổi cho toàn thể tín đồ biết, bằng một văn kiện chính thức.

Điều 47: Nếu Ban Trị Sự Trung Ương muốn tuyên bố đình chỉ công tác thì phải được một phiên Đại Hội Giáo Hội PGHH tại hải ngoại chuẩn y. Trong giấy mời nhóm Đại Hội phải ghi rõ mục đích này.
Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại kể như là đình chỉ công tác sau khi được Đại Hội Giáo Hội PGHH tại hải ngoại với một túc số 2/3 số Trị Sự Viên được mời đã bỏ thăm tán thành với đa số 2/3 trên tổng số hiện diện.

Điều 48: Trong trường hợp Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại tự ý đình chỉ công tác, việc quản thủ tài sản của Giáo Hội sẽ do Đại Hội Giáo Hội thẩm định qua một cuộc bỏ thăm.

CHƯƠNG XIII TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

Điều 49: Giáo Hội PGHH chỉ hoạt động thuần tuý tôn giáo. Khi có những trường hợp đặc biệt, vấn đề này phải được quyết định bởi một Đại Hội Giáo Hội PGHH tại hải ngoại.

Điều 50:
a. Nguyên tắc kiêm nhiệm tuyệt đối không được chấp nhận. Tuy nhiên khi đã được Đại Hội Giáo Hội PGHH tại hải ngoại hay Đại Hội cấp liên hệ đồng ý với sự chấp thuận của Trung Ương. Trị Sự Viên tham chánh, tham nghị, cũng như bị động viên nhập ngũ hay hoạt động chánh trị lập tức phải rời khỏi chức vụ của mình trong cấp trị sự liên hệ.

b. Những Trị Sự Viên nào tự ý tham chánh, tham nghị không có sự cho phép của Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại sẽ đương nhiên được coi như tự ý rời khỏi nhiệm vụ Trị Sự Viên của Giáo Hội.

c. Những Trị Sự Viên tham nghị hay tham chánh bất cứ trong trường hợp nào cũng sẽ được điền khuyết.

d. Trị Sự Viên Trung Ương và Địa Phương không được tự ý tiết lộ các tin tức, sự việc liên quan đến sinh hoạt điều hành Giáo Sự nội bộ ra bên ngoài bằng lời nói hay văn thư, thư ngỏ. Sự vi phạm tùy theo mức độ nghiêm trọng và tác hại sẽ bị áp dụng biện pháp thích nghi.

CHƯƠNG XIV TỔNG KẾT

Điều 51: Bản Điều Lệ và Nội Quy này có 14 chương, gồm 51 điều khoản, được chấp thuận bởi Đại Hội Giáo Hội PGHH tại hải ngoại nhóm tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 12 năm 2003 (27-12-2003).
Làm tại Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 12 năm 2003

CHÁNH THƯ KÝ (Lê Ngọc Anh)

(Ấn Ký)

HỘI TRƯỞNG (Nguyễn Đăng Vinh)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn