10 – Cách thờ-phượng, hành-lễ và sự ăn ở của một tín-đồ PGHH

11 Tháng Tám 20203:10 CH(Xem: 6868)
10 – Cách thờ-phượng, hành-lễ và sự ăn ở của một tín-đồ PGHH

CÁCH THỜ PHƯỢNG, HÀNH LỄ VÀ

SỰ ĂN Ở CỦA MỘT TÍN ĐỒ P.G.H.H.

 

THỜ-PHƯỢNG

 

Từ trước đến nay, các chùa chiền đã tạo ra quá nhiều hình tượng. Đành rằng vì tôn kính đấng Từ-Bi mới làm ra thờ-phượng Ngài, nhưng cũng có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không nên tạo thêm nữa. Làm thế, chúng ta không có ý hủy-báng sự phượng thờ của các chùa-chiền. Cách thờ phượng ấy tùy theo điều-kiện các nhà sư mà chúng ta cũng có thể sùng-ngưỡng đặng. Nhưng riêng về cư-sĩ ở nhà không nên tạo thêm nữa; nên thờ đơn-giản cho lòng tin-tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào các sự hào nhoáng bề ngoài. Từ trước chúng ta thờ trần điều là di tích của Đức Phật Thầy Tây-An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ trần điều tự xưng cùng tông-phái với chúng ta, làm sái phép, sái với tôn-chỉ của Đức Phật, nên toàn-thể người trong Đạo đổi lại màu dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các sư dùng màu dà để biểu-hiện cho sự thoát tục của mình, và màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa-hiệp của nhân-loại không phân biệt chủng tộc và cá-nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ-phượng để tiêu-biểu cho tinh-thần vô thượng của nhà Phật.

Nếu trong nhà chật, nội bàn Thông-Thiên với một lư hương không cũng được, bởi vì sự tu hành cốt ở chỗ trau tâm trỉa tánh hơn là do sự lễ-bái ở ngoài. Còn người nào có cốt Phật trong nhà để vậy cũng đặng. Hình tượng bằng giấy không nên chừa lại và phải đốt đi. Kẻ nào phải ở chung đậu với người khác không có tu hiền hay không cùng một Đạo với mình, hoặc nhà cửa nhỏ hẹp quá không có chỗ phượng thờ, thì đến giờ cúng kiếng chỉ vái thầm và niệm Phật trong tâm cũng đặng.

Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu-biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu-biểu cho sự tinh khiết, còn nhang, dùng đặng bán mùi uế-trược. Ngoài ra chẳng nên cúng một món gì khác cả. Bàn thờ ông bà cúng món chi cũng đặng.

Ngoài sự thờ Phật, tổ-tiên, ông bà, cha mẹ và những anh hùng của đất nước, không nên thờ vị tà thần nào khác mà mình không rõ căn-tích.

 

HÀNH LỄ

 

Chỉ thờ lạy Đức Phật, Tổ-tiên, ông bà, cha mẹ lúc còn sống và các vị anh-hùng cứu quốc. Với những kẻ khác, nên bỏ hẳn sự lạy lục người sống, cho đến Thầy mình cũng vậy, chỉ xá thôi.

Tất cả các hành-động trong Đạo hay ngoài đời, trước khi làm điều gì phải tính toán một cách cẩn thận, đừng làm chuyện ngông-cuồng vô ý thức. Một đừng ỷ lại vào kẻ mạnh, hai đừng ỷ lại vào sự cứu-vớt của Thần Thánh, ba đừng ỷ lại sự binh-vực của Thầy mình. Luôn luôn, lúc nào cũng phải nhớ câu Nhơn-Quả của Phật dạy, nếu Nhơn toàn thiện thì Quả cũng sẽ do đó được toàn thiện vậy. Kẻ nào hành-động ngông-cuồng không suy-xét cẩn-thận để đến đỗi thất bại đem đến sự khó khăn, khổ-não rồi trách cứ kẻ mạnh sao không cứu mình, Thầy sao không giúp mình, Trời Phật sao không độ mình, thì sự lầm lạc ấy rất đáng thương hại.

Mỗi người nên lấy trí thông-minh nhận xét Đạo-lý hay lời nói của Thầy mình, chớ đừng lấy đức-tin thọ lãnh những lời nói đó trong khi mình chưa hỏi tường-tận. Như thế, mình mới có thể tấn-hóa trên con đường Đạo-đức.

Những điều sơ-lược giải-thích trên đây, mong rằng toàn-thể trong Đạo suy-gẫm kỹ-càng và thực-hiện để bài trừ sự mê-tín ngông-cuồng của thiểu số người trong Đạo, làm cho tư-tưởng thiện-hòa của Phật-đạo được phát-triển mau chóng.

 

TANG LỄ

 

Lúc ông bà cha mẹ từ trần, tục để tang chúng ta vẫn giữ theo cổ lệ; chỉ cần sửa đổi các sự như sau đây:

Bây giờ chúng ta đã qui-y đầu Phật thì phải do sự thành-tâm cầu-nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong Đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu-sinh nơi cõi thọ. Chẳng nên rước những ông thầy dưng bông, đốt giấy-tiền vàng-bạc, xá phướn lầu kho, vì đó là chuyện tốn tiền vô ích, bởi vì người ta nhận-định rằng xác thịt là hư-hoại, thì trong lúc chết chỉ đem chôn cất cho kín đáo đừng để hôi thúi có hại cho người sống, như thế là đủ rồi. Còn hiếu-sự do hồi còn sanh tiền và do sự tu hành, sự thành tâm cầu nguyện chớ không phải có tiền rước người khác cầu nguyện mà đạt được hiếu-thuận nhơn-nghĩa. Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa trời cầu nguyện, rồi im-lặng đi chôn.

Về việc cúng kiến ông bà cha mẹ, có chi cúng nấy trong những ngày kỷ-niệm theo như tục lệ. Còn về việc đãi đằng hương-đảng thì tùy ý. Những điều nào xét ra giản tiện, ít lãng phí cứ làm.

 

CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT

 

Mỗi người đứng trước bàn thờ Phật niệm: "Nam-mô Bổn-sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật" (ba lần), và “Nam-Mô A-Di-Đà Phật” (ba lần).

Vái: "Phật-Tổ, Phật-Thầy, nay mình thành tâm cầu nguyện cho tên . . . . . . . . (tên người chết), nhờ ơn Đức Phật từ-bi cứu-độ vong-linh được thoát chốn mê-đồ, vãng- sanh miền Cực-lạc!" Trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ-chức sắp hàng chắp tay niệm:

"Nam-mô Tây phương Cực-lạc thế giới tam-thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại-từ đại-bi tiếp dẫn vong linh A-Di-Đà Phật" (nếu người chết là nhà sư thì câu chót đọc: "Tiếp dẫn đạo sư A-Di-Đà Phật").

NÊN LƯU Ý: Tang-gia đừng nên khóc lóc làm trở-ngại sự siêu-thoát anh-linh của người chết.

 

HÔN NHÂN

 

Bổn-phận cha mẹ phải chọn lựa đôi bạn cho con một cách xứng đáng bằng sự quan-sát tường tận về đức-tánh đôi trai gái. Không nên ép uổng con mình quá đáng, vì như thế làm cho khốn-khổ nó về sau, nhưng cũng không nên để chúng quá tự-do mà sự thiếu kinh-nghiệm làm cho đời chúng phải hư-hỏng.

Nên bỏ tục-lệ thách giá đòi tiền và đòi lễ vật. Thông-gia hai bên không nên làm khó cho nhau. Cũng chẳng nên bày ra tiệc lễ linh-đình tốn kém nhiều tiền, làm cho trở nên nghèo khổ.

 

NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRÁNH HẲN HOẶC ĐƯỢC CHÂM-CHẾ HOẶC NÊN LÀM

 

UỐNG RƯỢU. - Phải cữ tuyệt; nhưng khi có tiệc lễ với người ngoài và không phải nhằm ngày chay lạt, có thể dùng một đôi chút rượu thật nhẹ để đừng có tỏ sự chia rẽ với kẻ ngoại Đạo. Nếu say-sưa sẽ phải tội lỗi.

 

THUỐC PHIỆN. - Phải cữ tuyệt; không được hút một điếu nào hết. Những kẻ hút, muốn vào Đạo phải bỏ hút rồi mới được nhìn-nhận. Trừ ra những người đau mà thầy thuốc bảo phải dùng một chút ít hợp với các vị thuốc khác mới có thể châm-chế đặng.

 

CỜ BẠC. - Phải cữ tuyệt; những kẻ cờ-bạc muốn vào Đạo phải thệ-nguyện bỏ cờ bạc rồi mới được nhìn-nhận. Về sự nầy, chẳng có cuộc vui nào có thể châm-chế đặng.

 

ĐỐI ĐÃI CÁC TĂNG-SƯ. - Tất cả bổn-đạo nên cung kính các tăng-sư tu hành chân-chánh. Nếu các ông ấy có dạy điều-chánh lý, phải nghe lời. Đối với những hạng tu hành mà mình biết rõ là dối thế (như mấy ông thầy đám...) hãy tìm cách khuyên can các ông trở lại con đường chân-chính của Đạo Phật. Nếu các ông vẫn tiếp-tục làm điều tà-mị, mình phải bài-trừ triệt để và giảng giải cho quần-chúng cùng những tín-đồ nhà Phật hiểu đặng xa lánh họ.

 

ĐỐI VỚI CHÙA CHIỀN. - Những ngày vía của các Đức Phật, ngày rằm hay ba mươi, mình muốn đi chùa cũng tốt, đặng lễ Phật, dưng hoa, không có cấm. Nếu chùa nào nghèo, hư, rách, mà mình giúp-đỡ được càng tốt (có điều mình không nên mua sắm hình-tượng cho nhiều).

Khi đến chùa cũng phải tôn-trọng sự thờ-phượng trong chùa không nên hủy-báng.

 

ĐỐI VỚI CÁC TÔN-GIÁO KHÁC VÀ NHÂN SANH. - Đối với những người theo tôn-giáo khác, không nên động chạm đến cách-thức tu hành của họ, phải kính trọng sự tự-do tín-ngưỡng của họ. Nhứt là không nên ỷ đông hiếp-đáp hoặc nói xấu người ta. Nếu họ có làm dữ với mình, thì mình cũng chẳng được phép vì sự dữ của họ mà trả thù, và phải luôn luôn làm lành với họ. Mình phải hoài hoài làm phải với những kẻ ấy, dầu họ có làm quấy với mình cũng mặc và phải nhẫn-nhịn họ.

Đối với nhân-sanh, bao giờ cũng phải hòa hợp với họ và làm cho đôi đàng có thiện cảm với nhau. Phải biết thương xót đến họ và nếu khi nào họ cần dùng, phải rán hết sức giúp đỡ họ.

 

ĐỂ TÓC. - Tất cả bổn đạo nên biết rằng Thầy không có buộc để tóc, vì đó thuộc về phong-tục chớ chẳng phải về tôn-giáo; nhưng sở-dĩ Thầy để tóc là muốn giữ kỷ-niệm cái phong-tục cổ của Tổ Tiên và tỏ cho thiên hạ biết Thầy không chịu ảnh hưởng cái đời văn-minh cặn-bã của phương Tây. Thấy vậy, nhiều người trong bổn đạo yêu mến Thầy liền bắt chước, vì thế số đông người hiểu lầm rằng để tóc là tu. Thật ra tu là tu, để tóc là để tóc, và tu không phải là để tóc, để tóc không phải là tu. Nếu để tóc mà không chịu trau tâm sửa tánh cũng chẳng phải là kẻ tu hành. Từ rày trở đi đã thoát được ách người Pháp và tùy theo phong-trào tiến-hóa của nước nhà, Thầy cho phép bổn-đạo tự-do cải-cách hầu hòa-hợp với lương-dân cùng tôn-giáo khác.

 

SỰ HỌC. - Sự học hành không làm trở-ngại cho đạo-đức. Trái lại, nhờ nó mình được biết rõ ràng giáo-lý cao-siêu của tôn-giáo. Nó tránh cho mình những sự lạc-lầm, bỏ các điều dị-đoan mê-tín. Nó làm cho mình dẹp bỏ những điều huyễn-hoặc không bàn-bạc những chuyện xa vời (như tiên đoán thiên-cơ chẳng hạn...).

Vậy hãy tự mình học hỏi (học chữ quốc ngữ...) và hãy cho con cháu mình vào trường học tập đặng sự hiểu biết của chúng thêm rộng rãi. Vả lại sự hiểu biết về khoa-học không cản trở sự tu hành và nó giúp cho mình nghiên-cứu Phật Đạo một cách rành- rẽ.

 

THỂ DỤC. - Người trong bổn-đạo nam nữ bất-luận, phải giữ gìn thân-thể cho khỏe mạnh. Như thế nên luyện-tập những môn thể-dục nào hợp với sức khỏe, nếu mình muốn, bởi vì xác thịt có khỏe-mạnh tinh-thần mới sáng suốt, như vậy mình mới có thể làm sự đạo nghĩa một cách đắc lực.

 

ĂN Ở. - Kẻ tu-hành ăn uống phải có điều-độ. Tránh những món ngon song nấu toàn đồ độc cho cơ-thể ăn vào sanh bịnh.

Phải giữ gìn thân thể sạch-sẽ và từ nhà cửa cho đến chỗ ăn, chỗ nằm, phải biết trọng vệ sinh. Bỏ những thói quen ăn ở dơ bẩn, vì xác-thịt dơ dáy thì tinh-thần không thể nào mở-mang được, và vì Thần Thánh chỉ gần những kẻ trong sạch; nên nếu ai muốn được tiếp độ phải trong sạch vừa tinh-thần lẫn vật-chất.

 

CÁCH LÀM ĂN. - Cách làm ăn phải y như trong mục Bát-Chánh đã dạy:

- Bỏ những sự bất chánh: lường cân, tráo đấu, buôn lậu, đầu cơ, buôn rượu, bán thuốc phiện...

- Làm những nghề lương-thiện, không có lường gạt ai, bỏ những thói gian xảo.

 

ĐIỀU-KIỆN VÀO ĐẠO. - Người nào muốn quy-y phải có hai người bổn-đạo cũ, có đức hạnh tiến-cử và bảo-lãnh, đến Ban Trị-Sự trong làng cho người làm đầu biết và người làm đầu phải đọc hết thể lệ về sự tu hành cho người quy-y nghe, hỏi coi có bằng lòng quy-y như lời nguyện dạy và răn cấm trong Đạo chăng. Nếu họ bằng lòng, biểu họ về nhà cho ông bà, cha mẹ biết, hoặc nguyện trước bàn thờ ông bà, tổ-tiên rằng: Ngày...tháng...con chịu quy-y theo Đạo. Sau đó, người làm đầu (Hội-Trưởng) cho cuốn sách nhỏ này. Chỗ nào không có Ban Trị-Sự, hai người bổn đạo cũ phải dìu-dắt người mới, rồi sau sẽ dẫn lên Ban Trị-Sự gần đó, không bắt buộc thề thốt chi hết, vì người muốn tu do nơi sự phát nguyện của mình thôi. Khi nào mình không muốn giữ Đạo, mình phải cho người tiến cử hay đặng bôi tên mình ra. Không người nào được phép xưng mình là người trong Đạo mà lại không giữ luật. Kẻ nào làm trái luật-lệ trong sự đạo-đức dầu không xin thôi Đạo hay là chưa bị bôi tên cũng bị trách-nhiệm việc làm của họ và bị coi như người ngoại Đạo.

Nên nhớ rằng: Đức Phật sẽ dìu-dắt và ủng-hộ những kẻ nào làm ăn chơn thật, hiền lành đúng theo giáo-lý của Ngài; chớ không bao giờ Ngài lại ủng-hộ những kẻ gian tà xảo-quyệt, làm các việc hung ác ngông-cuồng trái những lời mà Ngài đã chỉ dạy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn