Vài nét về Đức Huỳnh Giáo Chủ

11 Tháng Tám 20206:20 CH(Xem: 12834)
Vài nét về Đức Huỳnh Giáo Chủ

Vài Nét Về Đức Huỳnh Giáo Chủ

 

        Người sáng lập Đạo Phật Giáo Hòa Hảo là Đức Thầy tục danh Huỳnh Phú Sổ. Sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (15-1-1920) tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Đốc, một tỉnh xa xôi giáp biên thùy Việt-Miên thuộc miền Nam Việt.
 
          Ngài là trưởng nam của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm; một gia đình trung lưu, nhiều phúc hậu và nhiều uy tín với nhân dân địa phương.
 
          Thuở nhỏ, vừa học xong đến hết bậc Tiểu học thì đau ốm liên miên, nên Ngài phải rời nhà trường về dưỡng bịnh. Từ 15 đến 18 tuổi, Ngài không lúc nào dứt được cơn đau và không một lương y nào trị được.

        Năm 1939, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất sơn và Tà lơn – những núi non được nổi tiếng linh thiêng hùng vĩ – Ngài tỏ ra đại ngộ. Ngày 18/5 Kỷ Mão (1939), Ngài chính thức mở Đạo. Bắt đầu là công việc chữa bịnh. Ngài chữa lành được các chứng hiểm nghèo với phương pháp thật giản đơn là chỉ dùng lá cây, nước lã, giấy vàng, khiến cho các Bác sĩ Tây y, các Dược sư Đông y lẫn các danh gia phù thủy đều phải kinh dị.

        Song song với việc chữa bịnh, Ngài thuyết pháp thao thao bất tuyệt. Nhiều thi sĩ văn gia hoặc luật gia nghe tiếng, đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu phàm.
 
        Cũng từ năm 1939, Ngài sáng tác thật nhiều kệ giảng, nội dung tiên tri chiến cuộc sẽ tràn lan, nhân loại sẽ điêu linh và kêu gọi mọi người nên bỏ dữ về lành, thực hành tứ ân, trau dồi thiền tịnh để trở thành thiện nhân trong xã hội và tiến đến sự nhập diệu cõi đạo.

        Nhìn qua công đức giảng dân cứu chúng, người ta thấy Ngài chữa được hằng vạn chứng hiểm nghèo, thuyết pháp hằng ngàn lần trước đại đa thính chúng và sáng tác sáu quyển Kệ Giảng cùng với hằng trăm bài thi ca, văn, chú có giá trị siêu việt.

        Văn chương của Ngài cực kỳ bình dân nhưng rất hàm súc hấp dẫn. Ngài viết không cần giấy nháp.

        Giáo Pháp của Đức Giáo Chủ tuy cao siêu nhưng không kém phần thực tế, có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào trên thế gian. Ngài là một nhà đại cách mạng tôn giáo. Vì trước khi Ngài ra đời, Đao Phật Việt Nam bị đình đốn sai lạc, và Đạo Phật Thế giới chưa nói tới việc canh tân. Ngài đã cắt bỏ tất cả những nghi lễ phiền toái mà nguyên căn không phải của Đức Thích Ca chủ trương, đồng thời còn canh tân nhiều điểm trong phương pháp thực hành đạo Phật mà trước kia không hề có.

        Nhờ Giáo Pháp thích thời đó nên chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được hai triệu tín đồ tại miền Nam Việt Nam và ảnh hưởng mỗi lúc càng lan rộng thêm ra.

        Vì Ngài được thiên hạ quá hoan nghinh nên nhà đương cuộc bắt đầu để ý đến sự bành trướng lạ thường của phong trào tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo, nên một biện pháp chánh trị đã được đem ra thi hành và Ngài phải bị quản thúc tại làng Nhơn Nghĩa (Cần thơ).

        Ở đây, Ngài lại được người ta tôn sùng hơn trước nữa, làm cho nhà cầm quyền phải đem Ngài an trí tại nhà thương Chợ Quán. Sau đó, Ngài lại bị dời về Bạc Liêu đến năm 1942.

        Khi người Nhựt nhúng tay vào thời cuộc Đông Dương trong hồi thế giới chiến tranh kỳ nhì, họ cưỡng bách đem Ngài về Saigòn thì Ngài buộc lòng tá túc tại Hiến binh Nhựt để chờ đợi thời cơ thuận tiện ra gánh vác việc nước nhà. Khi đó Ngài có làm câu đối để diễn tả hoàn cảnh của mình:

“Trương Tiên qui Hớn phi thần Hớn,
  Quan Đế cư Tào bất đê Tào”. 

        Sở dĩ người Nhựt muốn thi ân với Ngài là vì họ muốn gây cảm tình với khối tín đồ khổng lồ của Ngài để sau nầy có thể lợi dụng. Nhưng đã là một người sáng suốt thì Ngài đâu có để cho bọn Nhựt lôi cuốn trong việc chuẩn bị của họ chống Đồng Minh.

        Sau cuộc đảo chánh mùng 9 tháng 3 dương lịch 1945, Ngài giữ một thái độ hết sức dè dặt vì Ngài biết chắc chắn rằng người Nhựt thế nào cũng thất trận. Lúc đó, Ngài nói một lời tiên tri rất hài hước "Nhật Bổn ăn không hết con gà". Mà thiệt vậy ! Vì năm Dậu (con gà) mà cũng là năm 1945 chưa hết, thì số phận nước Nhựt đã được định đoạt.

        Năm 1945, "Vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính đến hồi tai họa", nên Ngài đứng ra bảo vệ quốc gia và cứu nguy dân chúng. Ngài từng thành lập Phật Giáo Liên Hiệp Hội để đoàn kết đạo Phật, và Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội để vận động cuộc độc lập nước nhà.
 
        Sau khi Nhựt Hoàng đầu hàng Đồng Minh không điều kiện, nước Việt Nam phải sống một thời kỳ bất ổn định. Đồng bào Việt Nam đương lo sợ cảnh dịch chủ tái nô, Đức Huỳnh Giáo Chủ liền hiệp với các lãnh tụ đảng phái và tôn giáo để thành lập Mặt trận Quốc Gia Thống Nhứt hầu lên tiếng với ngoại bang. Mặt trận này lại sáp nhập vào Mặt trận Việt Minh mà chính Đức Huỳnh Giáo Chủ là vị đại diện đầu tiên ở Nam Việt.

        Sau sự thất sách của Hồ chí Minh với Hiệp ước mùng 6 tháng 3 năm 1946, tạo cơ hội thuận tiện cho thực dân trở lại, Đức Huỳnh Giáo Chủ liên kết với các lãnh tụ quốc gia để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp.
 
        Mặt trận nầy được quần chúng nhiệt liệt hoan nghinh nên lại bị Việt Minh giở ngón độc tài giải tán. Họ liền thành lập Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam Hội để che đậy màu sắc đỏ của Đệ Tam Quốc Tế và để làm cho quần chúng quên cái dĩ vãng đẫm máu của các tướng Cộng sản hồi cuối năm 1945.

        Năm 1946, vì muốn gây cuộc đoàn kết giữa các tầng lớp đồng bào, Ngài ưng thuận tham gia Ủy Ban Hành Chánh với trách vụ Ủy Viên Đặc Biệt.

        Ngài liên kết các chiến sĩ quốc gia với khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (21-9-46), với chủ trương công bằng xã hội và dân chủ hóa nước Việt Nam. Ngài chẳng những là một nhà cách mạng tôn giáo anh minh mà còn là một nhà lãnh tụ chánh trị đa tài. Đọc Tuyên ngôn, Chương trình của Đảng Dân Xã do Ngài đưa ra, dù cho đối phương hay những người khó tánh, đều phải công nhận Ngài có một bộ óc cải tiến vượt bực và nhận định sáng suốt phi thường.

        Đồng thời, Ngài cũng gởi người ra hải ngoại, đoàn kết với các nhà cách mạng quốc gia lưu vong để thành lập Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Quốc. Giải pháp quốc gia cũng do công trình của Ngài và các nhà cách mạng xuất dương mà thực hiện đến ngày nay.

        Bởi đường lối của Ngài trái ngược với chủ trương Cộng sản và bởi Giáo thuyết của Ngài có thể gây đổ vỡ cho chủ nghĩa vô thần, Cộng Sản đã tìm mọi cách làm hại Ngài, nhưng họ đều không làm gì Ngài được.

        Đầu năm 1947, các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây chống lại chủ trương độc đoán của các Ủy ban Việt Minh vì họ áp dụng chính sách độc tài trong sự tổ chức và cai trị quần chúng. Muốn tránh cuộc cốt nhục tương tàn, Đức Huỳnh Giáo Chủ về miền Tây Nam Việt với hảo ý trấn tĩnh lòng phẫn nộ của tín đồ P.G.H.H. và để giảng hòa hầu đoàn kết chống thực dân cho hiệu lực. Nhưng ngày 25 tháng 2 nhuần, năm Đinh Hợi (16- 4- 47), Ủy ban Hành chánh Việt Minh âm mưu bắt Ngài tại Đốc Vàng Hạ (vùng Đồng Tháp).

        Từ đó không ai rõ tin tức chi về Đức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng toàn thể tín đồ của Ngài không ai tin rằng Việt Cộng có thể làm hại Ngài được. Và muôn người như một, đang mong đợi một ngày về trong sứ mạng vinh quang nhất của Ngài.

        Quyển sách Cách Tu Hiền sau đây là một trong nhiều tác phẩm của Ngài, đã được tái bản trên 300 lần với ấn lượng trên 800.000 quyển bằng tiếng Việt Nam. Nó ngắn gọn nhưng đủ, rõ những điều cần thiết trong nghi thức tu hành theo Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.
 
            Thánh địa Hòa Hảo, ngày 1-1-1966.
            Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương
            Giáo Hội P.G.H.H.
            (Nhiệm kỳ I, 1964 – 1966)
                    Kính đề
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn