CHÂU NGỌC NGÔN của ĐỨC THẦY

02 Tháng Sáu 20206:03 CH(Xem: 18414)
CHÂU NGỌC NGÔN của ĐỨC THẦY

CHÂU NGỌC NGÔN của ĐỨC THẦY
2020-08-27_184517
NHỮNG ĐIỀU ĐỨC THẦY CHỈ DẠY CHO

HƯƠNG HÀO PHỈ

 

Những lời ghi sau đây. Tôi được Đức Thầy giải thích và chỉ dạy cách lễ bái và hành đạo hằng ngày trong thời gian tôi gần gũi bên cạnh Ngài.

Ngày 15 tháng 3 năm 1970

Huỳnh Hữu Phỉ

 

1 – Sự hành lễ hằng ngày:

Thời sáng từ 4 đến 6 giờ, thời chiều từ 18 đến 20 giờ. Trước khi hành lễ nhớ súc miệng, rửa mặt, rửa tay sạch sẽ.

Điều cần lưu ý: Trường hợp đặc biệt khi đúng giờ hành lễ mà lỡ kẹt việc gì rất cần thiết không cúng được. Khi xong việc thấy đã quá giờ thì không nên cúng (việc kẹt này là bất đắc dĩ, chứ không phải ham làm, ham chơi để cho quá giờ).

Bài cúng Cửu Huyền và bài cúng Bàn thờ Phật, Bàn thông thiên, anh em đồng đạo ai cũng thuộc rành, xin miễn chép vào đây, chỉ ghi thêm chi tiết mà tôi tin rằng nhiều anh chị em chưa hiểu rành.

Bài nguyện hương tại bàn thờ Phật: Khi nguyện xong, xá cắm hương rồi lạy 4 lạy, sau đó chấp tay nơi ngực đọc bài Tây phương ngũ nguyện đến dứt, xá và chấp tay lên trán niệm: Nam mô Bửu Sơn Kỳ Hương Phật, con thành tâm đảnh lễ Đức Phật thế tôn, rồi lạy 4 lạy. Lạy xong xá 3 xá, -1 xá chính giữa niệm: Nam Mô A Di Đà Phật. -1 xá bên trái niệm: Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát. -1 xá mặt niệm: Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát.

Tại Bàn thông thiên: trước khi nguyện hương, xá 3 xá, mỗi xá tại hướng Bàn thông thiên niệm: Nam mô Ta Bà Giáo Chủ Chủ Bổn Sư Thích Ca Nâu Ni Phật, còn 3 hướng kia mỗi hướng cũng xá 3 xá, mỗi xá niệm: Nam Mô A Di Đà Phật, tại hướng chánh (Bàn thông thiên) nguyện y như trong bàn Phật, còn 3 hướng kia không đọc bài nguyện hương mà chỉ đọc bài Tây phương ngũ nguyện, khi đọc xong chấp tay lên trán niệm: Nam Mô Bửu Sơn Kỳ Hương Phật, con thành tâm đảnh lễ thập phương chư Phật, rồi lạy 4 lạy.

Khi lễ bái tứ phương xong rồi, nếu có ngồi niệm Phật thì ngồi kiết già hay bán già cũng được và ngồi lâu hay mau tùy sức khoẻ mỗi người. Điều cần lưu ý là ngồi cho thẳng lưng, mắt nhìn nơi chót sóng mũi, tâm niệm đều theo hơi thở vô ra của mình. Niệm Phật là niệm cái bản lai thanh tịnh của Phật cho lòng nương theo đó mà bình tĩnh, chớ không phải niệm nhiều mà được.

Trong khi ngồi niệm Phật, nếu có gặp trường hợp tê rần và hơi nóng từ chót xương khu chạy lên theo xương sống thì lập tức xả liền, đừng để hơi nóng và tê rần ấy chạy lên Nê hoàn cung (xoáy ngọ) sẽ có hại. Khi luồng tê và hơi nóng đó đã tan, muốn tiếp ngồi niệm nữa thì tùy ý. Khi ngồi niệm Phật xong tức là dứt thời hành lễ, đến trước bàn thờ Phật lạy đền ơn: Quân, Sư, Phụ (đoạn này tôi không nhớ nổi Đức Thầy nguyện như thế nào và lạy mấy lạy).

 

2 – Việc niệm Phật nhiều hay ít:

Năm Đức Thầy ở Bạc Liêu, tôi được Ngài cho phép đến thăm. Trước đó tôi có tiếp xúc với một bạn đồng đạo ở Hòa Hảo, anh ấy cho tôi biết, mỗi ngày anh ấy niệm được 6.000 câu lục tự A Di Đà chia như sau: Thời cúng sáng 2.000 câu, thời chiều 2.000 câu, thời trưa 1.500 câu và từ sáng đến tối, đi, đứng, nằm, ngồi anh kể chắc niệm 500 câu.

Lúc đó tôi không nói ra, nhưng trong tâm có sự so sánh là làm sao cho bằng anh ấy hoặc hơn chứ không chịu thua.

Trong mấy ngày ở bên cạnh Đức Thầy ở Bạc liêu, được Ngài chỉ cách cúng lạy và ngồi niệm Phật, khi xong, Ngài vỗ vai tôi và nói:

Niệm Phật là niệm cái bản lai thanh tịnh của Phật để lòng mình nương theo đó mà được bình tịnh, chớ không phải niệm nhiều mà được, và niệm để lấy số định chớ không phải lấy số nhiều, đừng thấy người khác niệm mỗi thời 2 ngàn, 3 ngàn câu mà so sánh.

 

3 – Nam và nữ hành lễ có khác nhau không?

Tôi có hỏi Đức Thầy về sự lễ bái, nam nữ có khác nhau không? Đức Thầy cho biết:

Đạo Phật không phân biệt nam nữ, cho nên sự cúng lạy như nhau, trừ khi đau yếu lạy đứng không nổi thì lạy quỳ, lạy quỳ không nổi thì nguyện rồi xá cũng được, chỉ cần lưu ý là lạy đứng thì chấp tay nơi ngực lạy xuống, mỗi lạy đều có xá lót. Khi lạy đủ 4 lạy rồi, đưa tay lên trán xá xuống. Còn lạy quỳ thì quỳ thẳng gối, tay đưa lên trán lạy xuống chớ không có xá lót.

 

4 – Tịnh hay niệm Phật:

Lúc Đức Thầy còn ở nhà, Ngài hỏi tôi trong giờ cúng ngồi niệm Phật bao lâu?

Tôi trả lời: Bạch Thầy, cúng xong con ngồi tịnh 45 phút.

Đức Thầy vỗ vai tôi và nói: Đừng nói tịnh, nói ngồi niệm Phật. Ngồi vậy nhiều lắm, bớt lại đi. Niệm Phật là số định, chớ không lấy số nhiều, đừng thấy người ta niệm nhiều mà so sánh.

 

5 – Không nên cúng 4 thời: (Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu)

Lúc Đức Thầy ở nhà, anh tư Tỏ khoe với tôi rằng: anh đang hành lễ 4 thời (Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu). Tôi hỏi anh định bỏ tôi sao mà làm vội dữ vậy? Tôi đem việc này xuống trình cho Đức Thầy hay. Ngài bảo về nói lại cho anh tư Tỏ biết:

Không nên cúng giờ Tý mà chỉ cúng giờ Ngọ thì được.

Tôi bạch: Tại sao cúng giờ Tý không được? Đức Thầy nói:

Vì giờ đó Ma vương rất nhiều, mình chưa đủ sức độ, dễ bị Ma vương xâm nhập.

 

6 – Đức Thầy tiết lộ tiền thân của Ngài:

Năm 1939, sau ngày 18/5, trong lúc thuyết pháp và trị bịnh, có nhiều lần Đức Thầy khuyên ông xã Hinh tu hành, nhưng ông Hinh còn do dự chưa tin.

Một hôm, ông Hinh đến chơi vào lúc ban đêm. Đức Thầy đang nằm trên ghế bố gần vách tường, ông Hinh lại gần, Đức Thầy cũng giục thúc việc tu hành. Ông Hinh nói với Đức Thầy: Ông phải cho tôi thấy cái gì có thể tin được tôi mới tu. Đức Thầy liền giơ tay lên bảo ông Hinh xem thì thấy trong tường có 2 bóng tay, rồi giơ luôn 2 chân lên thì thấy 4 bóng chân. Ông Hinh vẫn không tin và nói: Tôi với ông lại đứng trước tủ kiếng rồi cho tôi thấy sau lưng ông là ai thì tôi mới tu. Đức Thầy nói: Ông không tin thì thôi, tôi không thể chìu theo ý ông muốn.

 Sau đó ít ngày, nhân buổi tối, Đức Thầy đến nhà ông Hinh nhằm lúc vắng người, Đức Thầy nói với ông Hinh:

Tôi đã khuyên ông nhiều lần mà ông mãi còn do dự, không chịu lo tu hành, nay tôi cho ông biết Quân sư Trạng Trình là tôi và Phật Thầy Tây An cũng là tôi, tuỳ sự nhận xét của ông, tôi không khuyên nữa.

 

7 – Hương Quản Diệp xin ăn chay trường:

Lúc Đức Thầy còn ở Bạc Liêu (nhà ông Ký Giỏi) anh Hương Quản Diệp xin với Thầy cho ăn chay trường, Đức Thầy không cho. Anh xin ăn chay theo Tam nguơn (tháng giêng, tháng bảy và tháng mười) thì Ngài cho, và anh xin cử ăn thịt trong 12 con giáp, do đó anh không dám nguyện mà chỉ ăn một thời gian. Khi thực hiện, anh thấy rất khó tránh hơn ăn chay trường, nên anh thôi không dám cử nữa.

8 – Tu giải thoát:

Hồi Đức Thầy còn ở nhà, tôi xin Ngài chỉ cho phương pháp để đi thẳng con đường giải thoát. Ngài hỏi tôi: Hương Hào nghĩ thế nào mà đòi đi thẳng con đường giải thoát? Tôi bạch: Vì nghe Thầy giảng giải và con nghiền ngẫm sấm kinh nên nhận thức rằng các sự vật ở cõi Ta bà đều giả tạm và xác thân tứ đại này cũng không tồn tại, nên con không còn nghĩ đến danh lợi, quyền tước hay địa vị hoặc sản vật điền viên, con mới định đi thẳng con đường giải thoát để nhờ thân sau.

Đức Thầy vỗ vai tôi và nói:

Tốt lắm! có căn duyên mới nghĩ được như vậy, nhưng chưa được vì trên đường tu tiến tới đạt mục đích là giải thoát, trước tiên phải tròn Nhân dạo, giữ vẹn Tứ ân, đến khi có Chúa Thánh ra đời, Thầy sẽ dắt dẫn cho và phải có Chúa chứng cho mới được. Đất nước đang bọn ngoại xâm, dân tộc còn nô lệ, khổ sở mà mình ngồi một chỗ niệm Phật để giải thoát, ai chứng cho.

Đức Thầy nhắc tích:

Khi xưa, Từ Thứ vì chán cảnh quan lại, quyền tước mới rời bỏ địa vị vào rừng lo tu. Nhân buổi nhà vua đi du ngoạn, quân sĩ đang chèo thuyền rồng, làm đứt quai chèo, mới ghé thuyền nơi ven rừng, bứt dây làm quai. Lúc đó nhà vua nghe tiếng rên mới hỏi vị quân sư tại sao quân nó bứt dây lại nghe có tiếng rên? Vị quân sư đáp: Nơi đây là khu rừng mà Từ Thứ nằm tu, vì lâu ngày, có lẽ cây cỏ, rễ cây đã bám vào da thịt, quân sĩ bứt dây động đến thân ngài. Nhà vui hỏi: Từ Thứ đã tu lâu rồi mà chưa thành đạo sao? Quân sư đáp: Vì chưa có sự chứng quả của Minh đế nên ngài còn nằm ở đó. Nhà vua mới nói: Vậy ta chứng cho Từ Thứ đó, ngày giờ này chưa thành đạo còn đợi chừng nào! Sau lời chứng của nhà vua, Từ Thứ thành đạo liền.

Đức Thầy vỗ vai tôi nói: Đó thấy không, phải có như vậy mới được, nếu không, đến khi nhận thức được Nhân đạo mình chưa làm tròn, Tứ ân chưa vẹn, không thể giải thoát được, mới lo làm thì đi sau những anh em khác và cũng chưa chắc có đủ ngày giờ cho mình làm.

 

9 – Nhà cầm quyền Pháp định dời Đức Thầy đi:

Tháng 3 năm Canh Thìn (1940) lúc 17 giờ 30 (tôi không nhớ ngày), bà Phủ Lễ vợ ông quận trưởng Tân Châu xuống nhà tôi, bảo tôi xuống cho Đức Thầy hay người Pháp định dời Đức Thầy đi nơi khác và có thể họ tiêm thuốc cho chết hoặc bại xụi như trường hợp ông Cao ở Núi Sam. Tôi vội vã đạp xe đạp xuống cho Đức Thầy hay. Khi đến Tổ Đình lúc quá đỏ đèn, lúc ấy Đức Thầy đang tiếp khách và hỏi tôi: Có chuyện gì cần lắm hay sao mà xuống tối vậy? Tôi thưa cũng có chút việc, rồi đi thẳng vào nhà trong, nằm tại ghế bố. Khi khách về, Đức Thầy vô hỏi tôi: Có chuyện gì nói cho Thầy biết. Tôi vừa khóc tủi, thuật lại tin bà Phủ lễ cho biết. Đức Thầy nói:

Tụi Pháp nó để cho Thầy yên, Thầy sẽ hướng dẫn chúng sanh tu hành, làm lành lánh dữ, còn nó có giết thì Thầy làm tròn bổn phận chớ có gì đâu.

 Nói xong Đức Thầy đi vô nhà sau, tôi càng khóc tủi nhiều hơn. Độ 10 phút sau, Đức Thầy trở ra ngồi sát bên tôi, tay choàng qua cổ và nói:

Pháp có dời Thầy qua nơi khác, Thầy sẽ dạy chúng sanh nhiều hơn nữa, nó không làm hại Thầy được đâu, Hương Hào đừng buồn tủi.

Sau đó ít ngày tôi xuống và ở đêm, nhằm lúc trời nóng nực quá, Đức Thầy cặp cổ tôi đi ra phía trước đường cho mát. Độ 8–9 giờ đi vô nhà, Đức Thầy xô tôi đi trước, khi vô đến sân. Đức Thầy nắm vai tôi kéo lại và bảo:

Hương Hào hãy nhìn trăng trên trời, hào quang vẫn sáng, những kẻ ở thế gian muốn phá hoại cái Đạo của Thầy không được đâu.

 

10– Sao Tử Vi:

 Kế đó, Đức Thầy hỏi tôi: Hương Hào có biết sao Tử Vi chưa? Tôi trả lời: Con thấy trong giảng nói sao Tử Vi quang minh sáng suốt mà sao nào thấy cũng sáng hết, không biết sao nào là sao Tử Vi. Thầy nói:

Để cho Thầy chỉ cho coi, sao Hôm lớn chừng 10, còn sao Tử Vi chừng 8. Sao Tử Vi màu hơi đỏ, tất cả các sao khác đều chớp, đặc biệt chỉ có sao Tử Vi không chớp, lúc đó sao Tử Vi nằm chinh về phía Nam.

 Tôi hỏi thêm: Thấy đây cho tới thời kỳ hay sao? Đức Thầy đáp:

Đây là trên trước cho biết, rồi sẽ không thấy nữa, gần tới thời kỳ sẽ thấy lại.

 

11 – Đức Ông xác nhận Đức Thầy không chỉ dạy gì riêng cho Đức Ông:

Từ lúc Đức Thầy còn ở nhà cũng như lúc đã dời đi nơi khác, mỗi khi tôi hoặc chị hai tôi được Thầy chỉ dạy việc gì, đều có nói lại cho Đức Ông nghe. Đức Ông nói: Thầy có chỉ dạy cho bây điều gì thì nói lại cho tao biết đặng làm theo, chớ Thầy không chỉ riêng cho tao việc gì cả.

 

12 – Trước khi trì niệm lục tự Di Đà cũng nên niệm 10 danh hiệu chư Phật:

Lúc Đức Thầy ở Bạc Liêu, tôi được Đức Thầy cho phép đến thăm. Tôi có trình với Đức Thầy rằng, tôi có một quyển sách nói về đạo Phật, trong đó có khoản chỉ cách niệm Phật: Trước khi trì niệm Lục Tự Di Đà cũng nên niệm 10 danh hiệu chư Phật tuỳ mình chọn, có đúng vậy không? Đức Thầy đáp: Đúng!

Mười danh hiệu chư Phật sau đây là ông Ký Giỏi có hỏi ý kiến Đức Thầy:

  1. Nam mô Nhiên Đăng Đại Cổ Phật.
  2. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Phật.
  3. Nam mô Di Lặc Tôn Phật.
  4. Nam mô Quan Âm Nam Hải Phổ Đà.
  5. Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
  6. Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát.
  7. Nam mô Định Tâm Vương Bồ Tát.
  8. Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
  9. Nam mô Bửu Sơn Kỳ Hương Phật.

   10. Nam mô Vô Tận Phật.

(Mỗi danh hiệu niệm 3 biến)

 

13 – Bàn thiên cơ:

Năm Đức Thầy còn ở bệnh viện Chợ Quán, mỗi tuần được đến thăm Thầy hai ngày: Thứ hai và thứ năm, đúng 2 giờ mới được vô và đúng 5 giờ chiều thì ra hết.

Có một lần, tôi và nhiều anh chị em vô thăm, khi thấy đồng hồ 4 giờ, Đức Thầy nói: Bữa nay Thầy có chút việc, vậy anh em hãy ra về sớm một tiếng. Lúc anh em đi ra, tôi cũng cùng đi ra, nhưng Đức Thầy bảo: Hương Hào ở lại Thầy hỏi thăm.

Sau khi gọi tôi xong, Đức Thầy hỏi tôi: Hương Hào muốn hỏi gì không? Thầy nói cho nghe. Tôi hỏi: trong bài Từ giã làng Nhơn Nghĩa có câu:

“Chừng nào Thầy lại gia trung,

Thì trong bổn đạo bóng tùng phủ che.”

Vậy chừng nào Thầy mới trở lại gia trung? Đức Thầy đáp:

Trên trước có cho biết, nhưng Thầy không thể nói trắng ra được. Hương Hào về coi lại trong sấm giảng và các bài ngắn Thầy có nói trong đó.

Tôi bạch: từ ngày Thầy đi, anh em ở nhà có bàn rất nhiều câu mà cũng không trúng. Theo con nghĩ, bàn về thiên cơ chẳng biết có lỗi không? Đức Thầy nói:

Thiên cơ chẳng nên bàn, vì Phật, Thần, Thánh nói rất rộng, như nói Tý Sửu hoặc Thìn Tỵ, thì năm, tháng, ngày, giờ đều có Tý, Sửu, Thìn, Tỵ, làm sao biết rõ được. Nếu may mình có bàn trúng được thì mang tội, còn bàn trật thì cũng có lỗi. Chỉ suy gẫm để hiểu thì được, không nên bàn rộng.

 

14 – Ngày giỗ ông bà:

Lúc Đức Thầy còn ở nhà, tôi có hỏi Đức Thầy: Bạch Thầy, có nhiều gia đình trước kia ông bà, cha mẹ không có tu nên không có ăn chay. Giờ đây con cháu đã quy y thọ giáo với Thầy, ngày giỗ ông bà phải cúng như thế nào? Thầy đáp:

Chết nhằm ngày chay thì cúng chay, còn ngày mặn thì có chi cúng nấy (thuật y nguyên văn).

 

15 – Sự điếu bái đám xác như thế nào?

Lúc Đức Thầy còn ở nhà, tôi có hỏi Đức Thầy khi đi đám xác, lễ điếu bái như thế nào? Thầy đáp:

Nếu tang chủ và xung quanh trong xóm là người ngoại đạo, thì sự điếu bái cũng giống như từ trước, để tránh sự mỉa mai của những người không ưa đạo. Còn đồng đạo với mình thì điếu bái cũng như lễ Phật.

Sở dĩ có sự dè dặt như vậy là để tránh cho những người mỉa mai khỏi mang tội.

Tôi hỏi thêm: Bạch Thầy, có lạy quan tài không và lạy mấy lạy? Thầy đáp:

Có và lạy 4 lạy. Nếu người chết bằng tuổi với mình hoặc lớn hơn thì lạy, còn người chết nhỏ tuổi hơn mình thì vái rồi cắm nhang thôi. Và người chết là người trong thân tộc thì trước khi cầu nguyện có trình với Cửu huyền, còn người chết không phải trong thân tộc thì chỉ cầu nguyện trước bàn thờ Phật thôi.

 

16 – Một câu sách: Quân xử thần tử...

Lúc Thầy còn ở nhà, có anh em hỏi Thầy một câu trong sách nói:

“Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu.”

Trung mà chịu chết như Nhạc Phi, Trịnh Ân. Tức quá Thầy? Thầy đáp:

Đó là quân minh thì thần mới trung, còn phụ từ thì tử mới hiếu. Sách có nói rõ: “Quân xử thần dĩ lễ, thần xử quân dĩ trung, quân thị thần như thảo giái, thần thị quân như khấu thù”. Và “Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” là phụ từ tử mới hiếu, còn “phụ bất từ” thì “tử biệt ly hương”. Xem sách sử anh em phải nhận xét cho tột lý mới được.

17 – Chiếc vòng Thầy cho ông Lương Trọng Tường:

Trước năm 1945, lúc Đức Thầy ở Sài Gòn, có một người Tàu vô Việt Nam đã lâu, ông ấy bệnh đến xin Thầy chữa trị. Sau khi người tàu ấy hết bệnh, đem tặng Đức Thầy một chiếc vòng kim cang để đền ơn. Đức Thầy không nhận và nói:

Tôi giúp đời không đợi trả ơn, ông đã lành bệnh, lo tu hành và làm việc phước thiện là được rồi.

Ông ấy tha thiết thỉnh cầu Thầy nhận giùm vì ông đã nguyện với Phật rồi. Đức Thầy nói:

Ông đã quyết tâm như vậy, tôi nhận cho ông vui, chứ tôi không có đeo vật gì cả.

Từ đó, mỗi khi ông Tường vào thăm Đức Thầy đều có săm soi chiếc vòng ấy. Có một hôm, ông vào thăm Thầy, cũng săm soi chiếc vòng như mấy lần trước, nhưng lần này ông đeo chiếc vòng và lần vô tới cánh tay mới vừa, Đức Thầy thấy vậy mới lại gần hỏi:

Ông Tường, ông muốn đeo lắm sao? nếu muốn tôi tặng ông đó!

Ông Tường có chiếc vòng là như tôi vừa kể trên.

 

18a – Việc bố thí:

Năm Đức Thầy ở Bạc Liêu, tôi được Đức Thầy cho phép đến thăm. Một hôm đang ngồi trò chuyện, Ngài chỉ cách giúp đỡ cho người đói khổ tật nguyền: khi cho xong tâm phải cầu nguyện cho người ấy biết hướng thiện và lo tu hành để kiếp sau khỏi phải mang tật nguyền, đói khổ như hôm nay.

 

18b - Thượng xác cỡi đồng.

Ngưng một chập, Ngài nói tiếp: Hồi còn ở nhà, Thầy có nghe Hương Hào nói Sở mật thám Pháp mời làm việc, vậy Hương Hào về làm việc với nó đi. Thầy bây giờ không còn biết gì nữa, mấy ông dắt xác đến đây rồi bỏ đi đâu hết rồi. Tôi nhìn Thầy còn đang phân vân thì Ngài tiếp:

Hương Hào nhắm coi Thầy về Hòa Hảo vô làm làng được không?

Tôi đáp: Pháp đã không tin nên mới dời Thầy đi, bây giờ Thầy trở về vô làm làng bao giờ nó cho. Thầy nói:

Ở không lâu ngày đã lú xương, bây giờ về cầm cây không được nữa, còn vác bao làm sao Thầy vác nổi.

Tôi đáp: mấy ổng ở trong mình Thầy chớ đi đâu. Tôi nói dứt lời, Thầy chỉ tôi và nói:

Tại sao nói vậy? cho người đời nói mình mê tín dị đoan, trên trước cho Thầy sáng tâm, nói pháp chớ đâu phải thượng xác cỡi đồng mà vô ra.

(Điều này anh chị em cần ghi nhớ, tôi đã nói lời thông thường không để ý mà Đức Thầy đã chỉnh liền, còn nói chi việc có một ít anh chị em tin rằng Đức Thầy đã về cho xác này hay xác khác, việc này không thể có được.)

 

19 – Ngày Đức Thầy trở về: (1)

Năm 1947, ông Hương Sư Vàng ở Hòa Hảo thuật lại cho tôi nghe rằng, lúc Đức Thầy còn ở nhà, có một lần đến nhà ông, ngoài đàm luận về đạo lý, Thầy cho biết:

Bây giờ tôi đi đến đâu thì anh em tín đồ cũng đi theo đến đó, nhưng sau này có một thời gian tôi vắng mặt, không một tín đồ nào biết tôi ở đâu”.

 Ông Sư Vàng hỏi: “Thời gian vắng mặt đó, chừng nào Thầy mới trở về?”.

Đức Thầy đáp: “Chừng tới thời kỳ thì tôi mới trở về và trở về ngã hậu, ông có biết ngã hậu là ngã nào không?” (xin miễn ghi đoạn sau).

Anh em cần lưu ý: chừng nào Đức Thầy trở về bằng thể xác như từ trước, chỉ khác là năm vắng mặt (thọ nạn) Đức Thầy còn trẻ, khi trở về thì xác đã già.

 

20 – Ngày Đức Thầy trở về: (2)

Lúc Đức Thầy còn ở nhà, có nói với tôi tại nhà Đức Ông: Sau này có một thời gian Thầy vắng mặt, khi nghe tin Thầy về, có người quả quyết đã gặp Thầy thì cũng đừng đến, khi có lệnh Thầy sẽ đến”.

 

21 – Phương pháp diệt lục căn, đừng nhiễm lục trần:

Năm Đức Thầy còn ở nhà, tôi xin Đức Thầy chỉ cho tôi phương pháp diệt lục căn đừng nhiễm lục trần, để tôi thực hành.

Đức Thầy nói: phương pháp chẳng thiếu gì, vì viết ra mấy ngày cũng không hết, chủ yếu do tâm quán tưởng là căn bản.

Tôi bạch: Quán tưởng như thế nào?

Thầy đáp: Quán tưởng là muôn loài vạn vật ở cõi trần lao đều tạm giả, đã là giả tạm thì làm sao tồn tại được. Nhận thức như vậy tâm mới không ô nhiễm, dù học bao nhiêu phương pháp mà tâm vẫn còn nhiễm trần cũng không đi đến đâu.

22a – Sự chay lạt:

Năm 1946, tình hình ở miền Tây rất phức tạp, anh em có khả năng quân sự hoạt động ráo riết và đưa tin: Nếu anh em nào không tham gia bộ đội, chừng Đức Thầy về sẽ có tội. Đa số anh em thiện chí rất hoang mang, nếu không tham gia thì sợ có tội, còn muốn tham gia thì không thấy lệnh, chỉ nói truyền nhau bằng miệng. Anh em yêu cầu tôi lên Sài Gòn thỉnh ý Đức Thầy. Vì lợi ích chung trong đoàn thể, mặc dù lúc ấy tôi đang bệnh cũng rán đi. Khi đến Sài Gòn, tôi nhờ liên lạc trình với Đức Thầy và Thầy cho phép ngày hôm sau (tức ngày 29) đúng 8 giờ sáng gặp nhau tại tiệm cơm chay hiệu Phật Hữu Duyên của người Tàu ở Chợ Lớn. Tiệm này thường ngày đúng 10 giờ mới mở cửa, vì vậy khi đến nơi không vào được. Đức Thầy mới dẫn tôi tới một tiệm khác cũng gần đó. Thầy kêu điểm tâm bằng tiếng Quảng Đông nên tôi không hiểu. 10 phút sau, cô xẩm bưng đồ ăn đến, để lên bàn một bình nước trà, hai chung nước uống, một dĩa bông lan và 2 tô bún cà ri nấu với thịt heo. Đức Thầy đưa tôi một tô và bảo ăn đi, tô còn lại Thầy ăn. Tôi ngồi nhìn, không ăn. Đức Thầy ăn 3 miếng rồi dòm lên, thấy tôi đang nhìn, Đức Thầy bảo: Cứ ăn đi, tuỳ trường hợp. Ăn đi Thầy sẽ giải thích cho nghe. Chừng đó tôi mới dám ăn.

Khi ăn xong, tôi trình mọi việc xảy ra ở miền Tây. Đức Thầy giải đáp từng sự việc và bảo tôi nhớ trình cho kỹ để Thầy dạy cho. Tôi sợ quên nên có ghi sẵn trong giấy, khi coi lại cũng đầy đủ. Đức Thầy mới giải thích vấn đề ăn chay, Đức Thầy nói:

Người tu cần phải giữ giới, nếu không sao ra vẻ người tu, nhưng Thầy dạy ăn chay mỗi tháng 4 ngày mà hiện giờ Thầy và Hương Hào ăn mỗi tháng 6 ngày, khi đến thăm nhà đồng đạo nhằm ngày mùng 8 hay 23, chủ nhà mời dùng cơm, nếu mình nói ăn chay, để cho chủ nhà phải lo đồ ăn chay thì mang tội. Chủ nhà mỗi tháng 4 ngày, tất nhiên dọn đồ ăn mặn. Mình cứ ăn trong tâm vẫn nhớ ngày ăn chay. Tùy hoàn cảnh và trường hợp, nếu cố ý mới phạm giới.

 

22b – Không ăn chay trường vẫn tu thập thiện:

Cũng trong dịp này, tôi bạch với Đức Thầy, có một số anh chị em luận rằng nếu không ăn chay trường thì không thể tu thập thiện, và không tránh được giới sát sanh. Đức Thầy đáp:

Chay trường không phạm sát sanh sao? Những cây rau, cỏ ăn được, khi cắt nó, thứ thì có mủ, thứ thì có nước như các loài vật hữu tình có máu vậy, mình làm bừa bãi ăn không hết rồi bỏ. Đó là phạm giới sát đó! Phật còn phạm hưống chi là chúng sanh.

Tôi càng ngạc nhiên hơn nữa, mới bạch Thầy: đã là Phật rồi sao còn phạm sát sanh? Thầy đáp:

Phật chỉ phạm gián tiếp, vì thấy chúng sanh ở cõi Ta bà này nhiều nghiệp quá, nên mới chịu nhiều tai ách khổ sở. Phật thương nên mới chỉ dạy phương pháp cho chúng sanh tu hành để giải thoát, tại chúng sanh không chịu tu, hoặc tu mà không hành đúng chánh pháp, đến ngày đền tội trả quả, trước mặt Phật mà Phật không cứu được. Phật chỉ dạy phương pháp cho chúng sanh tự làm để giải nghiệp và thoát khổ chớ Phật không trả nghiệp thế cho chúng sanh được.

 

22c – Ăn chay trường:

Đức Thầy nói tiếp:

Ăn chay trường được là tốt, nhưng phải gắng sửa được: chay tâm chay tánh mới quý! chớ chay về vật chất không đi tới đâu. Nếu ăn chay suông mà thành đạo thì thời kỳ này, con trâu, con bò, con ngựa, khỉ đâu có tái kiếp.

Ăn chay được là điều rất tốt, nhưng không nên chấp, mà phải cố gắng diệt trừ thói hư tật xấu và tránh tất cả những đều gian ác dù lớn hay nhỏ, làm tất cả các việc thiện dù nhỏ hay lớn.

Đức Thầy nói tiếp:

Lúc Đức Phật còn tại thế, trước khi nhập niết bàn, đức Phật cho biết trong tám muôn bốn ngàn pháp môn của Phật, chỉ có pháp môn Tịnh độ là dễ tu dễ đắc (nhờ tha lực), hợp với căn cơ của chúng sanh ở cõi đời Hạ ngươn mạt pháp này, còn các pháp môn khác đều là thiền lực tông (tu tự lực), cho nên không một chúng sanh nào ở cõi đời mạt pháp này tu theo thiền lực tông mà đắc quả nổi.

Bởi vì tu tự lực là Thụ xuất tam giới. Cũng như con mọt đục cây tre từ dưới gốc lên tới ngọn mới ra ánh sáng. Mà kiếp con mọt chẳng bao lâu ngày cho nên đục chưa tới ngọn thì đã hoá kiếp. Vì vậy lẩn quẩn trong lòng cây tre rồi hết kiếp.

Còn pháp môn Tịnh độ là Hoành siêu tam giới (nhờ tha lực). Cũng như con mọt đục cây tre, nhưng nhờ có tha lực hộ trì nên chỉ đục ngang cây tre là ra ánh sáng.

 

23 – Điên khùng:

Tôi thấy có một số anh chị em đồng đạo, khi giận con cháu thường mắng “đồ điên, đồ khùng”. Năm Đức Thầy ở nhà Hương bộ Thạnh tại rạch So Đũa (Kinh Xáng Xà No) tôi đến thăm, cùng đi với tôi có một người chú bà con và một số anh chị em khác. Lúc ngồi chơi tại cầu mát dưới bến sông nhà Hương bộ Thạnh, anh em trò chuyện có nhắc đến anh Phẩm điên ở Phú Lâm: mỗi khi cho anh một đồng bằng bạc cắc, anh mừng hơn cho anh 5 đồng bằng giấy. Người chú tôi nói: “Đồ điên đó mà biết gì!”. Chú tôi vừa nói dứt lời, Đức Thầy cũng vừa bước tới vỗ vai chú tôi và nói: Nên nói nó lãng trí chớ khùng điên khó kiếm lắm! Vậy nên anh chị em nào mắc phải điều này cũng nên tránh hẳn.

Những điều tôi ghi trên đây đúng với sự chỉ dạy của Đức Thầy, còn tin hay không là tùy sự nhận xét của anh chị em.

Ngày 15 tháng 3 năm 1970

Huỳnh Hữu Phỉ 

24 – Về việc Bà Cốc (Bà nội của Đức Thầy) từ trần:

Lúc Đức Thầy đang ở Bạc Liêu, thì ở nhà bà Cốc từ trần. Đức Thầy bảo cô Ký Giỏi thay mặt Thầy về thọ tang.

Lễ an táng xong, Đức Ông thấy bà Ký Giỏi hơi mệt nên bảo chị hai Nhung đưa cô Ký về Bạc Liêu.

Khi gặp chị hai Nhung. Đức Thầy hỏi: “Đám ma bà Cốc, Ông Cả làm sao?”. Chị hai Nhung trả lời lúc bà hấp hối thì cậu (Đức Ông) đốt cây đèn cầy sáp trước đầu nằm, đến khi bà tắt hơi thì cậu để 3 chung bông trước đầu nằm.

Đức Thầy nói: Tại sao Ông Cả làm như vậy, sao không để 3 chén cơm mà để 3 chén bông?

Chị hai trả lời: Bạch Thầy, con thấy cậu làm vậy nên trình Thầy rõ như vậy. Đức Thầy nói:

Thầy nói Ông Cả chớ không phải nói cô hai. Ba chén cơm chong đầu là phong tục cổ truyền, không thay đổi được. Còn bông thì chỉ cúng ở trang Phật và bàn thông thiên, chớ bàn thờ cửu huyền và bàn vong không cúng bông.

 

25 – Phật không dùng bông giả:

Lúc Thầy ở nhà, có một bà già đến xin bùa, mang theo một cặp bông thọ là bằng giấy. Bà nói: con tôi mới học làm bông giấy này để cúng Phật. Thầy bảo: Bà để lên bàn dài đó đi (bàn để giữa nhà). Đến lúc bà lão về, Thầy bảo bà lão đem cặp bông về. Bà lão nói: Con tôi có lòng gởi cúng Phật, sao ông bảo đem bông về?. Đức Thầy nói:

Con bà có lòng thì tôi chứng cho, còn bông này là đồ giả, làm bằng giấy, Phật không dùng.

Thầy nói vậy nhưng bà lão vẫn để cặp bông trên bàn chớ không mang về.

 

26 – Thầy đưa đám ma ông Năm Hiệu:

Buổi sáng ngày 27/6 ÂL (1945), sau khi diễn thuyết khuyến nông tại sân banh Chợ Vàm (phía sau đình Phú Lâm), Thầy dùng cơm tại nhà tôi. Thầy nói: Hương Hào có đi đưa đám ông Năm Hiệu không?. Tôi trả lời: con đi bằng xe đạp. Thầy nói: Thầy đi bằng xe hơi, Hương Hào đi bằng xe đạp sao xuống kịp, thôi đi xe hơi với Thầy.

Khi ra đi, ông Năm Nhiên (Sui của Đức Ông) và tôi cùng đi xe hơi với Đức Thầy.

Khi tới nơi, thấy ông Tiều Phu (sau này là Đoàn trưởng Phu) đang lo đốt đèn, Thầy hỏi: Bộ tới giờ động quan sao đốt đèn?. Thầy nói tiếp: Nếu cầu nguyện từng người thì trễ đi, thôi để Thầy cầu nguyện (trước bàn Phật), còn anh em thì xá thôi. Thầy xoay qua bảo tôi kiếm cho Thầy 2 khúc cây bằng cổ tay, dài độ một sải. Tôi bước ra kêu anh em kiếm cho 2 khúc cây. Giây lát sau có người đem đến 2 khúc cây. Tôi trình lên Thầy, Thầy bảo cột vô bàn Phật.

Khi di quan, Đức Thầy sắp: bàn Phật khiêng đi trước, kế đó là Thầy. Thầy nói: chỉ có Thầy đi gần bàn Phật thôi, không người tín đồ nào được đi gần. Tiếp theo là linh cửu, kế nữa là tang gia. Thầy bảo mọi người niệm bài Tây Phương...(đưa đám), không có ai cầm nhang, cũng không thấy chấp tay, chỉ đi bình thường và niệm bài Tây phương.

Khi tới nơi, hạ huyệt xong, Đức Thầy bưng 3 chén bông nơi bàn Phật, đứng đầu hàng, đưa chén bông lên trán cầu nguyện rồi cũng rải bông từ đầu hàng xuống chưn, nước trong chén cũng rải như vậy, rồi Thầy lấy một cục đất liệng xuống huyệt và nói: “Đấp đi!”

 

27 – Thiền định:

Đức Thầy nói:

Thiền định không ai hành theo đó mà đắc quả được, vì Thiền định phải có chơn sư hướng dẫn cho mình. Sở dĩ phải có chơn sư là khi ngồi Thiền mà bị lạc Thiền thì có chơn sư sửa cho mình, mà khi lạc thiền thì nguy hiểm lắm!

 

28 – Việc nhận đồ hỷ cúng:

Khi Đức Thầy thỉnh lư hương từ Tổ Đình xuống An Hoà Tự, Thầy dặn người trong chùa, khi nào trong chùa cần món gì hay cần tiền thì ghi lên bảng đen. Nếu có ai giúp đỡ đủ rồi thì thôi, không ghi lên bảng đen nữa. Còn ngày thường thì không nhận của ai hết.

 

29 – Thầy bảo Đức Ông là ông Từ đốt nhang:

Sau cuộc đảo chánh năm 1945, Đức Thầy nói với Đức Ông:

Tôi có tổ chức ban trị sự khắp nơi để thay mặt tôi từng địa phương. Việc làm của anh em ấy, ông đừng nhúng tay vào, chỉ làm ông từ đốt nhang trong nhà thôi, đừng nhận lễ vật, tiền bạc của ai hết. Nếu thiếu thì có tín đồ nuôi, không đói đâu mà sợ.

 

30 – Cuộc tiếp xúc giữa Đức Thầy và ông giáo Đàng với ông giáo Kiềm:

Trong một đêm nọ, tại nhà cô ba tôi ở Chợ Vàm, có mặt tôi, Đức Thầy nói chuyện với ông giáo Đàng, giáo Kiềm. Giáo Đàng hỏi Đức Thầy: “Tôi thấy trong sấm giảng của ông, ông có tinh thần yêu nước, tôi cho ông có phép đằng vân thì chỉ có một mình ông thôi. Đời khoa học bây giờ, người ta đi bằng máy bay, một lần chở mấy chục người, làm sao ông chống lại người ta?” Đức Thầy đáp: “Ông muốn biết thì bây giờ ông gắng tu đi, chừng kết cuộc ông sẽ thấy.

Tới đây giáo Đàng không nói tới việc chính trị nữa mà nói qua việc làm thi: “Tôi nghe ông làm thi giỏi lắm, đâu ông làm thi coi.” Thầy đáp: Ông muốn làm thì cho đề đi. Sau đó ông Đàng ra đề thi, thì Thầy đáp hoạ. Kế đó ông Kiềm cho đề thi “Thầy gặp trò”.

Sau đó ông Kiềm nói với người khác rằng lúc ông dạy ở trường Hòa Hảo thì Đức Thầy có học với ổng.

Mấy bài thi trong sấm giảng nói là cho ông giáo Xoài chớ kỳ thật là cho ông Kiềm.

 

31 – Người cõi trên xuống mượn xác:

Đức Thầy cho biết rằng:

Đến thời kỳ, ở trên nhiều vị xuống mượn xác cứu đời. Nhưng tà chánh lộn xộn đừng vội tin, cần phải theo dõi nhiều ngày và cũng đừng phê bình, vì gặp phần chánh mà phê bình thì có lỗi, gặp tà mà tin thì có hại.

Nếu tà thì sớm muộn gì cũng lộ, còn chánh thì trước sau cũng vậy.

 

32 – Dân chúng đến quy y, Đức Thầy không lập danh sách mà vẫn nhớ hết:

Lúc Thầy còn ở nhà, một hôm có 5 người khách thuộc hạng trí thức đến viếng Thầy. Lúc Thầy đang tiếp 5 ông ấy có 5 – 6 đến xin quy y.

Thầy nói với khách: Mấy vị ngồi chơi, để tôi chứng cho mấy anh em này quy y.

Sau khi chứng xong, Thầy trở lại nói chuyện với khách, có một ông khách hỏi Thầy: “Sao ông chứng cho người ta quy y mà không hỏi địa chỉ và ghi vô danh sách?”

Thầy đáp: Tôi chỉ chứng cho họ quy y rồi về coi kinh giảng mà tu, chớ không làm sổ sách.

Các ông khách hỏi: Như vậy tín đồ càng lúc càng đông, làm sao ông nhớ hết.

Thầy đáp: chẳng những tôi không quên họ mà khi họ đến quy y, tôi còn biết sự tu hành của họ sẽ đi tới bậc nào nữa.

Các ông khách: Chúng tôi có nghe chỗ này, chỗ kia ra đời dạy đạo, nhưng chỉ có đến đây được nghe ông nói đặc biệt như vậy.

 

33 – Các ngày vía Phật:

Lúc Thầy ở nhà, tôi có hỏi các ngày vía Phật, được Ngài giải thích rằng vía các chư Phật rất nhiều, nhưng Thầy dạy giữ 2 ngày vía sau đây:

          -Ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch: Vía đức Phật Thích Ca giáng sinh.

          -Ngày 12 tháng 8 âm lịch: Vía đức Phật Thầy Tây An viên tịch.

 

34 – Việc cúng bông nơi Bàn thông thiên và Bàn thờ Phật:

Trong một đêm nọ, tôi ngủ tại nhà ông Cả, sáng lại tôi ngồi nói chuyện với Thầy trên tấm ván tại Bàn thông thiên, Thầy thấy chén bông trên Bàn thông thiên đã héo, Thầy lấy bông để vô bội, đưa chén cho tôi đi rửa. Trong khi tôi đi rửa chén, thì Thầy hái bông thọ trồng xung quanh Bàn thông thiên, tôi rửa chén xong, múc chén nước bưng lại. Thầy để bông thọ vô chén và đem lên Bàn thông thiên. Trong lúc đó người bà con của tôi là bác Ba Ngà gánh nước tưới bông xong, vô nhà lấy chén đơm một chén bông bưng ra. Thầy nói: “Tôi và Hương Hào thay bông rồi ông Ba ơi!”. Ông Ba nói: Lỡ rồi để cúng luôn. Ông Ba để chén bông trên Bàn thông thiên rồi vô nhà.

Thầy đứng dậy bưng chén bông của ông Ba; trong chén ngoài bông thọ còn có bông nở ngày và bông mồng gà. Thầy lấy bông nở ngày và bông mồng gà ra và nói:

Hai bông này không cúng vì không ăn được.

Rồi Thầy lấy bông thọ trong chén của ông Ba, đơm qua chén bông kia. Thầy nói:

Bông nhiều thì đơm 3 chén, bông ít thì đơm một chén, chớ không đơm 2 chén.

 

35 – Vấn đề sát sanh:

Có nhiều anh chị em bàn luận: không ăn chay trường thì tu thập thiện không trọn, vì còn mang tội sát sanh. Tôi hỏi Thầy điều này, Thầy trả lời:

         Đành rằng cư sĩ tại gia còn mang tội sát sanh, nhưng mà rán tránh, đừng sát sanh vô cớ là được.

 

36 – Đọc kinh:

 Thầy có nói với tôi:

Kinh coi qua cho biết thì được. Lúc Đức Phật còn tại thế đi thuyết pháp chỉ thuyết ứng khẩu thôi. Về sau các đại đệ tử nhớ chép lại. Sau này, những người dịch, trình độ thấp kém, không dịch đúng 100%, nhiều khi dịch theo hiểu biết của cá nhân người ta, mình coi mà chấp sẽ bị sai lầm. Chúng sanh trong thời mạt pháp này không thể hành theo kinh mà giải thoát được, coi chừng nhiều kinh quá rồi rinh không nổi, coi chừng bị kinh chuyển là khác nữa.

 

37 – Giải thích Nam Mô A Di Đà Phật:

Tôi hỏi Thầy về ý nghĩa Nam Mô A Di Đà Phật, Thầy trả lời: Giải nghĩa ra thì dài dòng lắm, nếu giải cho đúng thì cũng chưa hết. Thầy nói thêm:

Chỉ hiểu vắn tắt như vầy là được rồi: Nam Mô là vô quả, A Di Đà là phước đức lớn.

 

38 – Người chết bất đắc kỳ tử:

Lúc Thầy ở nhà có anh em nhắc rằng: “Có người đau không kịp uống thuốc rồi chết, có người ngủ rồi chết luôn, có người đau cạo gió chưa rồi thì chết”. Trong anh em đó, có người nói: “Tôi chịu chết như vậy đó, chết vậy khỏi hành xác nhiều, khỏi cực khổ vợ con”.

Thầy bước lại hỏi: “Cái gì mà tốt xấu đây?” Anh em thuật lại việc chết trên đây cho Thầy nghe, Thầy nói:

Chết như vậy mà tốt cái gì! Cái đó là đến ngày quỷ vô thường đến bắt không kịp trăn trối và thuốc men gì hết, chớ tốt cái gì?

Tốt là mình tu đây, giống như trên trước dạy. Trước khi chết mà biết ngày, biết giờ, và trước khi dứt hơi mà biết niệm Phật là tốt. Đó mới là kết quả của đời hành đạo.

 

39 – Câu “Chừng nào Thầy lại gia trung...”?

Tôi hỏi Thầy câu “Chừng nào Thầy lại gia trung...”. Thầy trả lời:

Trên trước có cho biết, nhưng Thầy không thể nói trắng ra được, về coi trong sấm giảng, bài vở, Thầy có nói trong đó.

Tôi thưa: “Từ ngày Thầy đi đó đây, anh em có bàn tán nhiều lắm! Trật câu này thì bàn tới câu khác, tới giờ này chưa ai bàn trúng”. Thầy nói: anh em bàn tán Hương Hào có bàn không? Tôi trả lời: “Anh em bàn mà con không dám bàn, không biết bàn có lỗi không?” Thầy nói:

Ừ, thiên cơ có thể suy ngẫm để hiểu cá nhân thì được, bàn rộng thì không nên.

Trên trước viết cái nghĩa rộng lắm, không thể bàn trúng được đâu. Thầy nói cho biết: bàn trúng thì có tội, bàn trật thì có lỗi.

 

40 – Thấy anh em đồng đạo làm sai nên khuyên:

Lúc Thầy còn ở nhà, một hôm nọ lúc bàn qua việc tu hành, Thầy nói:

Anh em đồng đạo với nhau, nếu thấy ai làm sái nên khuyên.

Tôi bạch Thầy: anh em tu nhưng còn tự ái nặng lắm, khuyên sợ anh chị em phiền giận cũng khó quá! Thầy nói:

Mình khuyên là dùng lời lẽ ôn hòa mình khuyên, chớ rầy rà gì mà sợ giận. Nếu thấy anh em đồng đạo làm sai, sợ hờn giận mà không khuyên là mình có lỗi. Nếu dùng lời lẽ ôn hòa khuyên mà họ không nghe, người ta làm nữa thì người ta chịu, còn mình làm tròn bổn phận với đồng đạo.

 

41 – Thầy dạy trong Út Thôi cúng:

Lúc Thầy ở đường Lefèvre, lúc đó không có thờ Bàn thông thiên ở ngoài nên chỉ cúng 4 hướng trong bàn Phật thôi.

Ông Út Thôi cúng, xuống tay trái, tay phải chấp ngực. Thầy bảo Út Thôi tay trái chấp ngực, tay phải chống xuống, khi xuống thì bàn tay nghiêng chớ không úp bàn tay, vì úp rồi lật lại không nên.

Khi cúng xong hướng chót, ông Thôi xoay lui qua hướng trái, Thầy nói: Ủa ủa làm gì quay trò giống hát bội vậy! Ông Út Thôi nói: Nghe Thầy nói cúng xoay hướng trái được. Thầy nói: Biết vậy, nhưng hướng chót dứt rồi, xoay phải lại được.

 

42 – May áo choàng:

Tại đường Lefèvre. Thầy bảo cô Ký đi chợ mua cho Thầy cái áo choàng.

Lúc đó, có 2 chị đồng đạo, một chị Ba ở cầu Ông Lãnh, hai là bà Có; Bà Có nói với chị Ba để em mua vải may, cô Ba cũng nói để em may. Hai bà đều nói áo này mình may gọn một chút, dài xuống khỏi đầu gối thôi để cúng khỏi đạp vạt.

Thầy nói: Áo lễ mà gọn cái gì, phải may cho đúng thước tấc. Thầy khòm lưng chỉ khoảng nửa ống quyển, nói may cỡ này. Thầy nói thêm: đúng là hai tay phải dài bằng vạt, như vậy thấy cũng bất tiện, thôi thì may dài hơn bàn tay một chút là được.

 

43 – May đồ bà ba cho Thầy:

Cũng ở đường Lefèvre (Sài gòn), có người may cho Thầy một bộ bà ba trắng, đem đến đưa cho cô Ký Giỏi, cô Ký trình lên Thầy. Thầy thấy quần may lưng rút mới nói: Tôi đâu có mặc lưng này, cô Ký sửa quần lưng vận.

 

44 – Quỷ nhập, chồng lên, vợ coi:

Lúc Thầy còn ở nhà, có bệnh tà đến nhờ Thầy trị thì bà con tới đông đảo. Thầy nói: Lạ gì mà coi, gắng tu đi, chừng đến thơi kỳ ở nhà chồng lên vợ coi, vợ lên chồng coi.

45 – Đầu có đanh:

Có người nói, người có đanh là tốt. Thầy nói: Người như vậy đâu có gội được, dơ dáy lắm, lớp thì có chí, đó là có tội, chớ đâu có sạch sẽ gì mà nói tốt.

 

46 – Vấn đề Ma Vương:

Năm 1942 tại Bạc Liêu, Đức Thầy nói: Sau này khi tới thời kỳ Ma Vương ra đời, nó cũng như Thầy và hơn Thầy.

Tôi hỏi: Nếu nó như Thầy và hơn Thầy thì anh em tín đồ phải bị lầm, như vậy Thầy có kỷ vật hoặc dấu tích gì để anh em căn cứ vào đó mà nhìn Thầy. Thầy đáp: Thầy không để cho tín đồ vật gì mà nó không có.

Tôi bạch Thầy: như vậy tín đồ phải bị lầm lạc, không thể tránh khỏi!

Thầy đáp: Không sao! Gắng tu sửa cho mình chính chắn, hành chỉ đúng pháp môn mà Thầy đã chỉ dạy thì ơn trên dắt dẫn mới khỏi lầm.

Tôi hỏi: Bạch Thầy, sao nó giỏi vậy. Thầy đáp:

Nó giỏi nhưng không hơn Phật đâu! Lúc Phật còn tại thế, nó luôn luôn theo Phật, nhưng không phá được nên nó thề trước mặt Phật chừng đến cuối hạ nguơn, Phật xuống cứu trần, nó cũng xuống theo để phá Phật nữa. Nhưng kỳ này nó không đứng đối lập như lúc Phật còn tại thế, mà nó đột nhập vào môn nhơn đệ tử để phá. Hiện giờ, trong hàng ngũ tín đồ của Thầy đã có nó. Hương Hào về coi chừng.

Nhắc đến chuyện này tôi rất tiếc! Sao không hỏi Thầy nó như thế nào để coi chừng.

 

47 – Về pháp môn Tịnh Độ:

Lúc Thầy còn ở nhà, có giải thích cho tôi biết:

Trong tám muôn bốn ngàn pháp môn của Phật, chỉ có pháp môn Tịnh Độ mới hạp căn cơ của chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp này, bởi vì chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp, căn cơ thiển bạc, phước mỏng tội dày, chỉ hành đạo theo pháp môn Tịnh Độ, dễ tu, dễ đắc là nhờ tha lực hộ trì. Nếu hành không được, thì không còn pháp môn nào để hành được. Vì chỉ có chúng sanh trong thời kỳ chánh pháp mới hành nổi, vì chúng sanh trong thời kỳ chánh pháp căn cơ sâu dầy, khi nghe chánh pháp là ngộ đạo.

Thầy giải thích thêm:

Thiền lực tông là tu tự lực, gọi là Thụ xuất tam giới, tỷ như con mọt đục cây tre từ dưới gốc lên tới ngọn mới được ra ánh sáng. Nhưng kiếp con mọt không sống được bao nhiêu ngày, chỉ đục ít mắc thì đã hoá kiếp, không ra được ánh sáng.

Còn pháp môn Tịnh Độ là Hoành siêu tam giới, cũng như con mọt đục cây tre, nhưng nhờ tha lực hộ trì nên con mọt chỉ đục ngang hông cây tre là ra ánh sáng.

Chúng sanh trong thời mạt pháp này, hành theo pháp môn Tịnh Độ không được thì không còn pháp môn nào khác hành được.

 

48 – Về luỵ tam châu:

Năm 1940, vào tháng giêng. Đức Thầy có đến nhà tôi và nghỉ một đêm. Lúc đó có một nhà nho là ông ba Thận ở xã Phú Lâm có đến chơi và xin Thầy giải rõ bài “Tam châu hữu ngạn luỵ nhỏ sa”. Ông ấy viết chữ Châu Đốc, Châu Giang và Tân Châu bằng chữ hán. Đức Thầy chỉnh lại nói: không phải chữ “Châu” đó ông ba ơi! (Châu có 2 chữ: Châu là doi và châu là đỏ). Ông ba viết chữ châu là doi nên Thầy sửa lại. Ông ba viết lạo: Châu Đốc, Châu Phú, Châu Giang. Thầy nói: Cũng chưa đúng, vì tôi nói Tam châu hữu ngạn, còn Châu Giang là tả ngạn. Ông ba nói: Như vầy còn châu nào nữa? Thầy mới nói: tỉnh Châu Đốc, huyện Châu Phú, xã Châu Phú. Ông ba nói: Vầy mới đúng Tam châu.

Tôi hỏi Thầy câu:

“Phồn hoa đô hội lưu giang huyết,

Du đảng dọc ngang cấp ma ha.”

Là sao? Thầy đáp:

Nơi phồn hoa đô hội máu chảy thành sông, lúc ấy đám côn đồ du đảng bay hồn mất vía, mới lo tu.

Thầy nói thêm: Giai đoạn đầu khi gặp giặc Miên tràn xuống, mình núng thế, nhưng sau đó mình phản công lại, mới đuổi nó thẳng về trển.

 

––––––––––––&&&––––––––––

Dưới đây là bài kệ của trò Mẫn ở Định Yên :

Giặc Tần khởi mạnh, về phản Châu Đốc,
Kẻ la người khóc, đến Chắc Cà Đao.
Kế đến binh Tàu, tràn vào vây phủ,
Một mình Mỹ Tú, đứng giữa không yên.
Riêng tỉnh Long Xuyên, kết liên Hòa Hảo.
Người nào Phật giáo, khỏi máu đào,
Cũng chẳng tự hào, còn trào binh âm.
Tuyển lựa cái tâm, gian thanh Trà Nóc,
Kẻ la người khóc, biết trốn đi đâu.
Người có đạo mầu, duyên sâu mới khỏi.

 

49 – Vùng địa linh:

Hồi Đức Thầy còn ở nhà có nói với tôi:

Vùng của mình là vùng linh, chúng sanh có phước đức mới sanh được trong vùng này. Tất cả những điều khổ của chúng sanh đều chung chịu như nhau, riêng vùng địa linh này nhẹ hơn hết và sau chót. Những chúng sanh mặc dù có phước sinh trong vùng này mà thiếu tu, thiếu đức cũng không chịu nổi với thời cuộc biến chuyển./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn