Đại Lễ Kỷ Niệm Năm Thứ 82 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Sáng Nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

23 Tháng Bảy 20212:25 SA(Xem: 3120)
Đại Lễ Kỷ Niệm Năm Thứ 82 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Sáng Nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Đại Lễ Kỷ Niệm Năm Thứ 82 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Sáng Nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Bài BĂNG HUYỀN

 MC 2 (2)

Cung nghinh chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ (Băng Huyền/ Viễn Đông)
Cách nay 82 năm, vào ngày 18 tháng 5 âm lịch năm Kỷ Mão (1939) là một ngày trọng đại, ngày đã mở ra một trang sử mới cho nền giáo pháp dân tộc Việt Nam ở miền Tây Việt Nam. Người thanh niên họ Huỳnh, thế danh Huỳnh Phú Sổ, sau khi cùng thân phụ là Đức Ông Huỳnh Công Bộ vãng cảnh Thất Sơn, thăm ngọn Tà Lơn mầu nhiệm, chiêm nghiệm được huyền cơ, Ngài trở nên Đại Ngộ và khai sáng nên nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, Miền Tây Nam nước Việt. Lúc ấy tuổi đời của Ngài (Đức Huỳnh Giáo Chủ) mới 19 tuổi.
Nếu có dịp đến thăm nhà của một tín đồ Phât Giáo Hòa Hảo (PGHH) ở trong nước hay ở hải ngoại, hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên về cách thờ phượng của họ. Theo đạo Phật nhưng họ không thờ tượng cốt hay tranh vẽ mà thay vào đó một tấm vải màu đỏ đậm (gọi là tấm trần dà), đặt trang trọng ở giữa bàn thờ. Các tín đồ PGHH thì mặc áo nâu, thờ cúng hết sức giản dị tại nhà, không gõ mõ tụng kinh mà chỉ cúng Phật bằng hoa, nhang đèn và nước lã. Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo dựa trên nền tảng của đạo Phật nhưng cách hành đạo lại hoàn toàn khác biệt. Phật giáo Hòa Hảo mang đến một triết lý thực hành Phật giáo đơn giản, phù hợp với hoàn cảnh nghèo khó của quần chúng. Do đó, chỉ một thời gian ngắn khi lập đạo, vị giáo chủ của PGHH đã thu phục hàng triệu người dân miền Tây lúc bấy giờ.
Tín đồ của PGHH không xuống tóc như các tu sĩ của nhà Phật. Họ cũng không có đền chùa lộng lẫy, uy nghi mà hầu hết tín đồ đều tu hành tại nhà (tức tại gia cư sĩ). Họ thờ cúng rất đơn giản, nhưng siêng năng làm từ thiện, đơn giản hóa ma chay hiếu hỷ và sống có trách nhiệm với gia đình, quê hương, gìn giữ đạo pháp.
Để mừng Đại lễ kỷ niệm 82 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) trưa Chủ Nhật tuần qua, ngày 20 tháng 6 năm 2021, tại Thư Viện Việt Nam (Thành phố Garden Grove) một số đồng đạo PGHH hải ngoại cùng nhau long trọng tổ chức Đại lễ 18/5, với sự quang lâm của Sư Cô Liên Nhã, Đốc Sự Nguyễn Tấn Lạc, Giáo Sư Lê Hữu Quế, Bác Sĩ Võ Thạnh Thời cùng các quan khách, đại diện quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, quý vị đại diện cho các đoàn thể đấu tranh chính trị, quý vị đại diện cho các cơ quan chính quyền dân cử, đại diện cho các cơ quan báo chí truyền thông truyền hình, cùng quý thân hào nhân sĩ PGHH và toàn thể quí đồng đạo.
Trước giờ khai mạc, chị Mai Chân là một đồng đạo PGHH, người sáng lập ra đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang, từng tổ chức chương trình đêm Văn nghệ mừng 100 năm ngày Đản sinh của Đức Tôn Sư vào năm 2019, tại Saigon Performing Arts Center, cũng là người bảo trợ chánh cho buổi Đại lễ lần này, đã nói với người viết, “Đây là lần đầu tiên đồng đạo PGHH hải ngoại, đặc biệt là đồng đạo trẻ Lý An đồng đạo Trần Cao, đồng đạo Huyền Tâm, đồng đạo Đỗ Đức Tiết cùng với các đồng đạo hải ngoại đứng ra tổ chức buổi lễ này. Hơn 15 năm qua, ngoài chương trình cổ nhạc Văn Lang của Đoàn NTSK Văn Lang giới thiệu về văn hóa cổ truyền Việt Nam, trình diễn những tiết mục Cải lương đề cao chân thiện mỹ của dân tộc Việt (vào chiều Chủ Nhật, từ 5 giờ đến 6 giờ hằng tuần trên đài Little Saigon TV), tôi còn phụ trách chương trình Phổ Truyền Giáo Lý PGHH của Ban Trị Sự Giáo Hội PGHH miền Nam California được 7 năm nay cũng trên đài Little Saigon TV. Tôi ước mong trong tương lai sẽ thực hiện được chương trình song ngữ Mỹ- Việt về Giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ gửi đến các khán giả trẻ tại hải ngoại. Bởi vì, các em trẻ trong gia đình PGHH là thế hệ tương lai của PGHH nên chúng tôi rất mong các em sẽ được kế thừa bậc cha anh không những về kiến thức xã hội mà còn trang bị cho các em về kiến thức tư tưởng tức là giáo lý PGHH của Đức Thầy truyền dạy”.
Chị Mai Chân cũng xin gửi lời cám ơn trân trọng đến người cậu thân thiết là Ông Nguyễn Văn Hiệp (cựu Chánh Thư ký Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại / GHPGHH ), Sư Cô Liên Nhã tự viện Bồ Đề tôn phái Khất Sĩ, nhà văn Nguyễn Huỳnh Mai là những người đã giúp Mai Chân hoàn thành quyển sách song ngữ: “Kỷ Niệm 100 Năm Ngày Đản Sanh Đức Giáo Chủ”.
Khai mạc Đại lễ
Buổi lễ được bắt đầu với phần cung nghinh chân dung Đức Thầy và màn múa lân rộn ràng do các bạn trẻ thanh niên của Đoàn Lân PGHH. Tiếp theo là phần nghi thức khai mạc diễn ra rất trang trọng. Các nghệ sĩ của đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang (NTSK Văn Lang) cùng hát vang ca khúc HÀNH KHÚC PHẬT GIÁO HÒA HẢO (Nhạc và Lời: Lê Yến Ngọc Dung).
Sau đó, chị Mai Chân thay mặt Ban tổ chức ngỏ lời chào mừng các quan khách, các đồng đạo và tuyên bố khai mạc Đại lễ. 
MC 5 (1)
Cô Mai Chân gửi lời chào mừng quan khách và tuyên bố khai mạc Đại lễ (Băng Huyền/ Viễn Đông)
Trong phần đọc Diễn văn khai mạc, đồng đạo trẻ Lý An cho biết, “Tám mươi hai năm trôi nhanh, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử mà nền Đạo PGHH vẫn trường tồn qua bao sóng gió. Vẫn đi sát với tình dân tộc, vì giáo lý chân truyền mà Đức Thầy đã dạy, mang đậm bản sắc dân tộc pha lẫn với giáo pháp cao siêu thâm huyền quảng huợt, bằng những Kệ giảng ngân nga đưa con người giác tỉnh, chúng sanh lìa mê tìm về giác tánh. Ngài đã dung hòa nhuần nhuyễn giữa Giáo lý của Đức Phật Thích Ca làm nồng cốt học Phật và xương minh đạo Nhân của Khổng giáo nhằm đưa con người thoát khỏi những cám dỗ văn minh vật chất tìm về với văn hóa và cội nguồn tâm linh của Phật giáo và dân tộc. Nền đạo PGHH là một nền đạo với chủ thuyết Học Phật Tu Nhân, đền trả Tứ Đại Trọng Ân để học theo hạnh Phật nhằm từng bước tiến lên con đường giải thoát…”
Nghi thức Đại Lễ
Sau bài Diễn văn khai mạc của đồng đạo trẻ Lý An là bài Hợp Ca “Mừng Đại Lễ 18 Tháng 5” do các nghệ sĩ đoàn NTSK Văn Lang thể hiện. Kế tiếp, Đồng đạo Trần Cao đã hướng dẫn các đồng đạo niên lão cử hành đại lễ theo nghi thức tôn giáo PGHH trước Bàn Thờ Tam Bảo, trang nghiêm cung kính trước chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ, nói lên lòng thành của các tín đồ với Đức Tôn Sư.
Ý Nghĩa Ngày Khai Sáng Phật Giáo Hòa Hảo
GS Trần Văn Chi là nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam, cũng như nguồn gốc xuất xứ của bộ môn văn hóa cổ truyền Cải lương, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hội Tương Tế Nghệ Sĩ Hải Ngoại, đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang. Ông cũng từng là Giảng viên, phó Khoa trưởng Viện đại học Hòa Hảo tại Long Xuyên niên khóa 1970-1975, là người am tường về đạo PGHH nên Ban Tổ chức có nhã ý mời Ông nói về Ý nghĩa ngày khai sáng đạo PGHH. Bài nói chuyện mang tính lịch sử nhiều hơn về giáo lý. GS Trần Văn Chi đã nhắc đến Nam Kỳ thời gian giữa hai cuộc đại chiến có một vài sự kiện mới, gây chú ý đối với chính quyền thuộc địa. Ông nhắc lại bối cảnh làng Hòa Hảo cho đến đầu thế kỷ 20 dưới góc nhìn chánh trị. Ông cũng nhắc về Huỳnh Phú Sổ “thiên tư phi thường”. Vì theo GS Chi, “Để hiểu sự xuất hiện của phong trào tôn giáo mới do Đức Huỳnh Giáo Chủ khởi xướng, chúng ta cần tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử Việt Nam bấy giờ. Và qua đó mới nhận hết giá trị của PGHH và người sáng lập tôn giáo mới vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh và thích hợp đời sống tầng lớp nông dân miền Tây và Nam Kỳ lục tỉnh.”
Kết thúc bài nói chuyện, GS Chi nói: “Ngay từ thời khắc Huỳnh Phú Sổ thực tế là đã dạy đạo độ đời bằng cách thuyết pháp hàng ngày tại Tổ đình và dưới hình thức sáng tác Sấm giảng, thi văn giáo lý, điều đó có thể hiểu là “sứ mạng” của người thanh niên Huỳnh Phú Sổ bắt đầu. Sự nổi danh của Ngài gây bất ngờ cho các cấp chính quyền thuộc địa được giải thích một phần theo đó thì Huỳnh Phú Sổ đã chữa bệnh, tiến hành thuyết giáo, và tới vùng Thất Sơn nhiều lần một cách vô cùng kín đáo. Chưa đầy hai tháng sau đó, Huỳnh Phú Sổ được yêu cầu tách khỏi những người sùng bái mình để chuyển đến sống ở một tỉnh khác. Ngày 18 tháng Năm 1940, ông rời ngôi làng quê hương và bắt đầu một cuộc viễn du trên vùng đồng bằng sông Mekong.” 
MC 7
Đồng đạo Lý An đọc Diễn văn khai mạc (Băng Huyền/ Viễn Đông)
Qua bài nói chuyện súc tích của GS Chi giúp cho mọi người tham dự trong hội trường hiểu thêm về Đức Huỳnh Giao Chủ. Hiểu rõ vì sao chỉ trong thời gian ngắn đã có đến hai triệu tín đồ PGHH trên tổng số 12 triệu dân của các tỉnh miền Nam. Điều đó đã nói lên sự vi diệu giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, với sự vận dụng tài tình hai yếu tố “Khế Lý” và “Khế Cơ”, “Tùy phong hóa dân sanh phù hạp” của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Đồng đạo Trần Cao không cần nhìn văn bản đã lên tuyên đọc thuộc làu với giọng nhấn nhá rất truyền cảm bài “Sứ mạng của Đức Huỳnh Giáo Chủ”, do chính tay Ngài viết ngày 18 tháng 5 năm Nhâm Ngũ (1942) tại Bạc Liêu, khi Ngài mới 22 tuổi, nội dung nói lên sứ mạng vào đời cứu độ chúng sanh:
MC 3
Đồng đạo Trần Cao tuyên đọc bài “Sứ mạng của Đức Thầy”.
“Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão, vì thời cơ đã đến, lý Thiên-đình hoạch định cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan. Ta đây tuy không thể đem phép huệ linh mà cứu an tai họa chiến tranh tàn khốc do loài người tàn bạo gây nên, nhưng mà thử nghĩ: Sinh trong vòng đất Việt-Nam này, trải qua bao kiếp trong địa cầu lăn lộn mấy phen, tùy cơ pháp chuyển kiếp luân hồi ở nơi hải ngoại để thu thập những điều đạo học kinh nghiệm huyền thâm, lòng mê si đã diệt, sự vị kỷ đã tan, mà kể lại nguồn gốc phát sinh, trải bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh cư nơi đất Việt, dầu thác cũng quỉ Thần đất Việt chớ bao lìa. Những kiếp gần đây, may mắn gặp minh sư, cơ truyền Phật-pháp, gội nhuần ân đức Phật, lòng đà quảng-đại từ-bi, hiềm vì nỗi cảnh quốc phá gia vong, máy huyền cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ….”
MC 6
Giáo sư Trần Văn Chi trình bày Ý nghĩa ngày khai sáng đạo PGHH (Băng Huyền/ Viễn Đông)
Đại diện cho Hội đồng thành phố Westminster, phó Thị trưởng thành phố Westminster Charlie Nguyễn Mạnh Chí cũng đã chia sẻ vài cảm nhận của ông về ý nghĩa Đại Lễ 18-5 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Sáng Nền Đạo PGHH.
Xen kẽ các bài nói chuyện là những tiết mục văn nghệ bao gồm nhiều thể loại từ đơn ca, song ca, hợp ca, vừa là tân nhạc, cổ nhạc, đều được dựa theo giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, hay lời thơ của Đức Thầy do các nhạc sĩ Lê Yến Ngọc Dung, Lâm Hoài Thạch, Hồng Trần… phổ nhạc, kể lại ngày Đức Thầy Khai Đạo, Hành Đạo được các giọng hát như ca sĩ Mai Vy, Huỳnh Hoa, Mai Tiến Dũng, các nghệ sĩ của đoàn NTSK Văn Lang, hoặc phần diễn ngâm Thi Văn Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo do các đồng đạo PGHH như Huyền Tâm, Bích Thuận, Kim Phụng, Mỹ Hạnh thể hiện. Họ đã ca, ngâm thơ bằng tất cả tâm thành của những người con Phật dâng lên cúng dường Đại lễ, đã đem đến cho quý khán thính giả một buổi biểu diễn đặc sắc trong niềm hoan hỉ của toàn thể hội chúng.
Buổi lễ kết thúc với bữa cơm chay thân mật giữa những người bạn đạo, trong khi cùng thưởng thức với nhau chương trình Văn nghệ đặc sắc do các đạo hữu trình diễn. Mọi người đã trải qua những giờ phút ấm áp, để kỷ niệm ngày Khai Đạo năm thứ 82 của PGHH thật vô cùng ý nghĩa./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn