Niệm Phật Đường PGHH: Long Trọng Cử Hành Đại Lễ Mừng Ngày Khai Sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

18 Tháng Sáu 20223:59 SA(Xem: 1440)
Niệm Phật Đường PGHH: Long Trọng Cử Hành Đại Lễ Mừng Ngày Khai Sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Niệm Phật Đường PGHH:

Long Trọng Cử Hành Đại Lễ Mừng Ngày Khai Sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo

1AA                      Đồng đạo MAI CHÂN, Trưởng ban Tổ chức và TIẾT ĐỖ, Trưởng ban Nghi thức đang điều hành buổi lễ.
            Sáng Chủ Nhật ngày 12 tháng 6 vừa qua, Niệm Phật Đường PGHH tại địa chỉ: 634S. Maxine St. Santa Ana, CA. 92704 đã tổ chức buổi lễ Kỷ niệm năm thứ 83 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo (1939-2022).

          Trong bầu không khí long trọng, trang nghiêm và thân mật với sự hiện diện quí báu của quí vị lãnh đạo tinh thần các Tôn giáo, đại diện chánh quyền dân cử, các tổ chức hội đoàn, các cơ quan truyền thông, báo chí với đông đủ đồng đạo PGHH, cộng đồng người Việt hải ngoại đến tham dự Đại Lễ 18/5 cùng để chia vui, chúc mừng Niệm Phật Đường Phật Giáo Hòa Hảo.

          Cô Mai Chân, Trưởng ban Tổ chức trình bày:

          Lại một lần nữa hàng triệu tín đồ PGHH khắp mọi nơi trên thế giới cũng như tín đồ ở quê nhà cùng một nhịp tim hân hoan rộn ràng để cùng đón chào Thánh lễ 18 tháng 5, ngày Đức Giáo Chủ Khai Sáng nền đạo PGHH, một ngày thiêng liêng, trọng đại của lịch sử PGHH mà trần gian u ám đã được ánh đuốc Trí Tuệ Đại Đạo Soi Sáng.

Đức Giáo Chủ cũng cho chúng ta biết Sứ Mạng giáng trần của Ngài: “Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh” và rải rác trong TVGL của Ngài chúng ta cũng biết:

“Khai ngọn Đuốc từ bi chí thiện,
Tìm con lành dắt lại Phật đường.”
Hay là:
“Tháng năm mười tám rõ ràng,
Cùng xóm cuối làng ai cũng cười reo.”

          Tám mươi ba năm trôi nhanh với bao biến cố thăng trầm nghiệt ngã của lịch sử mà nền đạo PGHH vẫn trường tồn bằng giáo lý chân truyền mà Ngài đã dạy, một giáo pháp cao siêu đã đưa con người giác tỉnh để trở về với giác tánh. Ngài cũng đã dung hòa giáo lý của Đức Phật Thích Ca làm nồng cốt, nhằm đưa nhân loại tìm về với văn hóa và cội nguồn của Phật giáo và dân tộc. Nền Đạo PGHH là một nền Đạo với chủ thuyết Học Phật Tu Nhân, giữ vẹn Tứ Ân, hành Bát Chánh Đạo, thực thi pháp môn Niệm Phật, tiến tu đến giải thoát.

          Hơn hai phần ba thế kỷ, ngày 18 tháng 5  Âm lịch là ngày Trường Tồn Mãi Đi Vào Bất Diệt, mang ý nghĩa cao siêu, thiêng liêng vô cùng tận, ngày mà trần gian đã xua đi bóng đen tăm tối từ vô thỉ mà chúng sanh đã ngụp lặn trong luân hồi triền miên.

2AA

Nghi thức Chào cờ VNCH, Hoa Kỳ và Phút Mặc niệm.

          Sau phần Diễn văn Khai Mạc, Ông Trần Cao hướng dẫn Ban hương đăng đến Ngôi Tam Bảo để làm Nghi thức tôn giáo.

Kế đến bài hát: “Mừng Ngày Khai Đạo” của tác giả Lê Yến Ngọc Dung được nhóm ca nghệ sĩ của đoàn Nghệ Thuật Sân khấu Văn Lang do cô Thiên Thanh điều khiển rất là hấp dẫn, mọi người ai cũng rất thích thú, vui vẻ tán thán công đức vô lượng của Đức Thầy.

2AAA

                   Thế hệ trẻ của Phật giáo Hòa Hảo (Lý An, Bác Sĩ Mai Thái Ngọc và Trần Minh Nhựt) đọc bài Sứ Mạng                                                    và bài Tám Điều Răn Cấm của Đức Thầy bằng hai ngôn ngữ Việt-Anh.

          Đặc biệt tiết mục “Tuyên Đọc Bài Sứ Mạng” và “Tám Điều Răn Cấm” của Đức Thầy do đồng đạo trẻ Lý An, Trần Minh Nhựt thể hiện và được đồng đạo Bác Sĩ trẻ Mai Thái Ngọc trình bày bằng Anh ngữ (Sư cô Liên Nhã chuyển ngữ) với mục đích cho thế hệ trẻ hải ngoại được thông hiểu giáo lý nhiệm mầu của Đức Giáo Chủ, đã gây xôn xao và nhiều xúc động cho tất cả quan khách cùng đồng đạo tham dự.

          Hòa Thượng Thích Thiền Giới của Tu Viện Đại Bi ở Orange County đã tán thán sự hoạt động hăng say vì Đạo Pháp của giới trẻ hải ngoại của PGHH. Thầy xúc động nói: “Bản thân tôi xuất thân là Hòa Hảo, sau đó do duyên đưa đẩy nên đã xuất gia tu Phật, nhưng tự thâm tâm vẫn cảm thấy mình vẫn “liên dây Hòa Hảo.” Một điều Thầy rất thích thú là sự xuất hiện của ba thanh niên trẻ PGHH. Thầy bảo, đào tạo được các người trẻ tích cực tham gia vào việc Đạo không phải đơn giản. Mới vừa qua Thầy tham dự một khóa tu học lớn tại Tu Viện Đại Bi với sự tham gia của hơn 500 người đến từ khắp nơi trên thế giới. Thế mà trong khóa học đó Thầy lại không được gặp một người trẻ nào. Vì vậy, Thầy ca ngợi sự đóng góp cho nền Đạo của giới trẻ Hòa Hảo trong và ngoài nước, đồng thời khuyến khích việc đào tạo nhân sự để phục vụ cho Chánh pháp và Tổ quốc. Thầy cũng cho biết là từng gặp gỡ khá nhiều vị tăng sĩ trên thế giới, sau khi đàm luận họ cho biết cũng là người “Hòa Hảo”. Tất cả đều không quên cái “gốc” xa xưa, và thân thiết với nhau rất nhanh chóng khi biết được xuất thân này. Thầy ca ngợi tư tưởng cao siêu và sự đóng góp quý báu của Đức Thầy cho nền Phật Đạo và đất nước Việt Nam.

          Tiếp tục chương trình là phần diễn ngâm Thi Văn Giáo Lý của Đức Thầy qua bài “Dặn Dò Bổn Đạo” đã được Ngài viết vào tháng 2 năm Canh Thìn 1940 tại Hòa Hảo, do đồng đạo Mai Lệ Huyền và Bích Thuận diễn ngâm, đã sâu lắng lòng người, mọi người không giấu được ánh mắt đăm chiêu như mong đợi ngày trở lại của Giáo Chủ

          Chương trình liên tục là phần nói về “Ý nghĩa của ngày khai Đạo”. Giáo Sư Trần Văn Chi, nhà nghiên cứu Văn hóa, từng là Giảng viên và Tổng thơ ký Viện Đại Học Hòa Hảo niên khóa 1970-1975, cho chúng tôi biết: Ngày nay, PGHH không còn là một danh-xưng xa lạ, một giáo-phái khép kín trong vùng đồng bằng Cửu-Long của một quốc gia nhỏ bé, mà là một danh-môn chánh-giáo ngang hàng, hòa-đồng và sánh vai hợp-tác cùng các Tôn-giáo bạn trong sứ-mạng hoằng-hóa cứu-độ thế-nhân được khắp thế-giới biết đến và quy-ngưỡng. Nhiều triết-gia, học-giả, trí-thức đã phát-tâm nghiên-cứu về Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng như giáo-lý vi-diệu của Ngài và nền Đạo do Ngài khai mở. PGHH không còn là của riêng PGHH, của riêng dân-tộc Việt-Nam, mà là một “nền Phật-Giáo thời-đại, nhập-thế, dấn thân, tích-cực, một nền Đạo của chúng-sanh nhân-loại”. Và sự xuất-hiện của Ngài là sự xuất-hiện của một bậc “đại-giác đại-ngộ”.

3AAA

                            Cựu Giáo sư Trần Văn Chi Viện Đại Học Hòa Hảo và Thượng Tọa Thích Thiền Giới                                 Tu Viện Đại Học Đại Bi phát biểu cảm tưởng.

          Để thay đổi không khi, bài vọng cổ “Ánh Đạo Vàng” của tác giả Trần Văn Hương do cặp đôi nghệ sĩ Philip Nam - Cẩm Thu trình bày rất mùi, rất ngọt nói lên ý nghĩa của ngày Khai Đạo, đã lấy cảm tình của cả khán phòng.

          Kế đến là lời phát biểu của Ông Trần Quang Linh, đại diện cho Cao Đài giáo. Ông nói: Đức Huỳnh Giáo Chủ là vị Phật Hòa Hảo, muốn đem giáo lý phổ khắp chúng sanh để hướng đến đại đồng nhân loại. Ngài là vị Phật dạy giáo lý Trí Tuệ nhà Phật cho Tín đồ. Ngài là vị Tiên cứu khổ, trị bệnh cho người bằng thảo dược. Ngài là vị Thánh dạy Đạo Nhơn luân trong Tứ Ân. Ngài là vị Chánh Nhơn Trung Liệt trong nhiều đời, nhiều kiếp làm người Việt Nam, đã chịu nhiều thống khổ trong bao kiếp sanh để bảo vệ Quốc Tổ an dân. Đức Ngài thấu đáo Thiên Cơ Khai đạo năm Kỷ Mão 1939. Chúng sanh thọ khổ do xảy ra Đệ nhị Thế chiến tàn phá. Chiến tranh như miệng núi lửa phun trào. Chủ thuyết Hòa Hảo đại đồng của Đức Ngài phát sinh như cây Bồ Đề vươn lên trong miệng lửa, như bông sen vàng vượt lên biển khổ mênh mông.

Đức Ngài có tiên tri rằng:

          “Phật Vương đà chỉ rõ máy diệu huyền, chuyển lập Hội Long Hoa, chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các thiện căn để giáo truyền Đại Đạo, định ngôi phân thứ gây cuộc hòa bình cho vạn quốc, chư bang.”

          Ý chỉ Hòa Bình cho vạn quốc thật cao đẹp, muốn Hòa bình trỗ hoa kết trái tất phải cần hạt giống Hòa Hảo. Đó chính là làm theo “Sứ mạng của Đức Thầy”.

4AA

Nữ nghệ sĩ Hồng Quyên và nguyên do sáng tác bài thơ TÌNH YÊU của ĐHGC.

           Chương trình cũng liên tục qua phần thể hiện, một giọng ngâm truyền cảm ngọt ngào của nghệ sĩ Hồng Quyên với Bài Thơ “TÌNH YÊU ĐẠI ĐỒNG” mà Đức Thầy đã viết để cảnh tỉnh một thiếu nữ rất đẹp đã thầm yêu Ngài... Cô là một nữ sinh tuổi đôi mươi, người Miền Bắc vào Sài Gòn để học và sống trong khu phố gần nơi Đức Thầy đang tạm ngụ để tránh sự theo dõi gắt gao của người Pháp và Việt Minh. Người con gái nầy đã ném một bài thơ tỏ tình vào cửa sổ thư phòng của Ngài (theo lời kể lại của Bà Hòa An là nữ liên lạc viên của Đức Thầy). Bài thơ như sau:

“Dệt gấm thêu hoa dù phận gái,
Nghìn xưa đâu dễ kém chi trai,
Hềm gì phận sự gia đình buộc,
Tạm gác lo toan những việc ngoài.
Cho hay thế ấy đau lòng lắm,
Nhưng tại trời già biết nói sao?
Tâm sự niềm riêng ai có thấu,
Đoạn trường chi xiết nỗi sầu đau.”

          Và sau đó, Đức Thầy đã sáng tác ngay bài thơ TÌNH YÊU hầu cảnh tỉnh thiếu nữ ấy. Bài thơ tuyệt tác của Ngài như sau:

“Ta có tình yêu rất đượm nồng,
Yêu đời yêu lẫn cả non sông.
Tình yêu chan-chứa trên hoàn-vũ,
Không thể yêu riêng khách má hồng.

Nếu khách má hồng muốn được yêu,
Thì trong tâm chí hãy xoay chiều.
Hướng về phụng-sự cho nhơn-loại,
Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.

Ta đã đa mang một khối tình,
Dường như thệ-hải với sơn-minh.
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng-sinh.”

Vi Anh 3                  Nhà báo VI ANH, cựu Dân biểu Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa, là tín đồ thuần thành của PGHH                    đang nhiệt liệt ca ngợi tinh thần yêu nước nồng nàn của người tín đồ PGHH nhằm thể hiện Ân Đất Nước,                                           một trong Tứ Đại Trọng Ân, mà ĐHGC đã ân cần giáo hóa.
         Sau bài thơ “Tình Yêu”, nhà báo Vi Anh cựu dân biểu Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa, là người tín đồ PGHH luôn quan tâm, theo sát sinh hoạt của Niệm Phật Đường PGHH, ông nói: Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cữu. Một biến chuyển lớn trong lịch sử nước nhà VN là, lần đầu tiên trong lịch sử VN xuất hiện hai tôn giáo thuần túy Việt ra đời. Đạo Cao Đài ở Miền Đông Nam Việt, Tòa Thánh ở Tây Ninh, Giáo chủ là Đức Phạm Công Tắc. Và ở Miền Tây Nam Việt là đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Thánh địa ở làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Đốc, Giáo chủ là Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Thánh thư Sấm, Giảng của hai tôn giáo thuần Việt này là Quốc ngữ, tiếng Việt. Thể loại trong Thi văn Giáo lý và Sấm Giảng PGHH là thơ Lục bát hay Song thất lục bát, là thể thơ do người Việt Nam sáng tác. Hai tôn giáo này hợp lòng dân, đạo lý Việt, tinh thần yêu nước nên trong thời gian ngắn hàng chục triệu người Việt nhập đạo. Tinh thần đại trọng ân đối với quốc gia dân tộc rất cao, nên công cuộc bảo vệ nước nhà, làng xóm rất cao của Hòa Hảo và Cao Đài khiến Miền Đông và Miền Tây Nam Viêt với đa số tín đồ Cao Đài và Hòa Hảo là vùng an ninh nhứt trong chiến tranh VN chống CS xâm lược.

4AAA

Ban nhạc Văn Lang cùng các đồng đạo PGHH cống hiến nhiều bản hành khúc Hòa Hảo vô cùng hùng tráng

          Sau cùng, đồng đạo Trần Cao đã ân cần cám ơn sự quan tâm, hiện diện của toàn thể quan khách tham dự.

          Buổi lễ có phần ngâm thi văn giáo lý PGHH, có bài Vọng cổ thấm thía về tôn giáo, khiến đồng đạo và quan khách đều thích thú, khiến hội trường vẫn đông đủ tới giờ chót dù cuộc lễ vào ngày nghỉ cuối tuần 12-06-2022.

          Cuộc lễ chấm dứt với bữa cơm chay nóng sốt, ngon lành, bổ dưỡng do Niệm Phật Đường PGHH khoản đãi./.

 

(LÊ YẾN DUNG tường trình từ Nam California).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn