Tường Trình Buổi Lễ Đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng Mặt - Tường trình của Lê Yến Dung.

26 Tháng Tư 202310:26 SA(Xem: 732)
Tường Trình Buổi Lễ Đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng Mặt - Tường trình của Lê Yến Dung.
Tường Trình Buổi Lễ Đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng Mặt.
 
Hôm Chủ Nhật ngày 23 tháng 4 Âl năm Quý Mão (2023) vừa qua, tại Niệm Phật Đường PGHH, địa chỉ: 634S Maxine Thành Phố Santa Ana, Cali. Đã tổ chức buổi Lễ kỷ niệm năm thứ 76 ngày Đức Giáo Chủ PGHH vắng mặt với đông đủ quan khách và đồng đạo PGHH tham dự.
 
Trong diễn văn khai mạc, đ/đ Mai Chân cho biết:Là tín đồ PGHH, mỗi năm vào ngày 25 tháng 2 âl, chúng ta ai cũng phải ngậm ngùi thương cảm để nhớ lại một biến cố lịch sử trọng đại của 76 năm về trước mà Việt Minh đã lợi dụng lòng trung tín, đức hy sinh vị quốc quên mình của Đức Huỳnh Giáo Chủ bày âm mưu để ám hại Ngài.
 
Theo tài liệu của PGHH thì vào ngày 25 tháng 2 nhuần, năm Đinh Hợi (1947), trên đường đi họp với Việt Minh, Đức Thầy có than thở “Hôm nay là ngày đau khổ nhất! Ôi! Sao mà đau khổ thế nầy!” Tất cả tùy tùng của Ngài gồm: Đại đội trưởng Đại Đội 2, Chi Đội 30 Ngô Trung Hưng, Thư ký Văn phòng Ủy viên Đặc biệt Huỳnh Hữu Thiện, 4 cận vệ quân và 3 người chèo thuyền; họ đã nhận ra nét trầm tư và nghiêm nghị của Ngài... Sau đó, Ngài nhìn qua đoàn tùy tùng của Ngài bằng ánh mắt từ bi và Ngài hỏi: “Trong các anh em, có ai biết đường về căn cứ quân đội của mình không?” Tất cả đồng thanh trả lời: “Thưa Thầy con không biết”. Chỉ có ông Phan văn Tỷ trả lời: “Dạ thưa Thầy con biết”. Ngài nói bằng giọng ôn tồn cương quyết với Ông Phan văn Tỷ: “Có gì khó, cứ nhắm hướng sao cày chạy riết thì về tới chớ gì”.
Chỗ hẹn là bên trong một nhà ngói lớn giữa cánh đồng hoang vắng. Câu chuyện chưa bắt đầu thì 8 tên Việt gian từ ngoài nhảy vào, kè đâm 4 cận vệ quân của Đức Thầy, 3 người chết tại chỗ vì không ngờ được hành động đánh lén, đê hèn. Riêng Ông Phan Văn Tỷ nhờ võ giỏi và lanh trí, nên đã hụp xuống, 2 người kia sẵn trớn đâm nhau chết ngay. Ông Tỷ đứng dậy dùng khẩu súng của mình để bắn trả lại và thấy rõ Đức Huỳnh Giáo Chủ đã điềm nhiên thổi tắt ngọn đèn và bước ra ngoài, Ông Tỷ cũng bò ra ngoài chạy xuống bờ sông cùng với tất cả các anh em còn lại lặn xuống sông lội theo hướng sao cày mà Đức Thầy đã chỉ ban nãy thoát thân.
 
Trong thời gian ấy, tại căn cứ quân đội Hòa Hảo ở Phú Thành, Tướng Nguyễn Giác Ngộ, LS Mai Văn Dậu và tất cả các sĩ quan cao cấp, quân dân vẫn còn thức để trông tin của Ngài, họ đã sẵn sàng như: thương, đao, tầm vông vạt nhọn, súng trường, súng ngắn, để bắt đầu đi tiếp cứu.
 
Bỗng tiếng vó ngựa dồn dập tiến gần và dừng lại. Người kỵ mã tuột nhanh khỏi lưng ngựa, hét rất to: “Ông Trần Văn Soái, ông Nguyễn Giác Ngộ đâu? đến nhận mật lịnh của Đức Thầy.”
 
Ông Nguyễn Giác Ngộ, Chi đội trưởng Chi đội 30, ông Luật sư Mai Văn Dậu Đổng Lý Văn Phòng của Đức Giáo Chủ, các cán bộ cao cấp khác và tất cả quân dân; mọi người đang nín thở vây quanh người kỵ mã; tiếp nhận lệnh của tôn sư. Bức thư lịch sử ấy như sau:
Ông Trần Văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ,
Tôi vừa hội hiệp với Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân, còn điều tra, trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay là mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động.
Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân tại chỗ.
Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi sẽ về sau.
Phải triệt để tuân lệnh.
Ngày 16-4-47, 9 giờ 15 đêm
Ký tên: S.
 
Sau khi kiểm soát lại bức thư của Đức Thầy, Ông Luật sư Dậu xác nhận đây là bút tích của Tôn Sư, nên tất cả các tướng lãnh trong quân đội Hòa Hảo cũng như hằng triệu tín đồ của Ngài phải cúi đầu nuốt hận vào tim để vâng lệnh Tôn Sư theo chí nguyện to tát của Ngài, để đợi chờ cho một ngày mai, nhưng ngày mai ấy cho đến bây giờ Đức Thầy vẫn còn biền biệt ...Phong thái nầy đã thể hiện lòng từ bi của đấng Cứu Đời.
 
Bài hát “Chiến Sĩ Vô Danh” sáng tác của Phạm Duy qua phần trình bày của nhóm ca đoàn Niệm Phật Đường, rất là tuyệt vời qua những giây phút sâu lắng để tưởng nhớ và ghi ơn những chiến sĩ của quân lực VNCH, cũng như những chiến sĩ của quân đội Hòa Hảo, đã anh dũng hy sinh giữa cuộc chiến vô nghĩa huynh đệ tương tàn...
 
Kế đến trong phần quan khách tham dự ngày hôm nay gồm: - Gs Nguyễn Thanh Giàu, Hội trưởng BTS Trung ương Hải ngoại, - Nhà báo Vi Anh cựu Dân Biểu VNCH, - Chánh Chủ Sự Trần Quang Linh (Cao Đài), - GS Trần Văn Chi, cựu Giảng Viên Viện Đại Học Hòa Hảo,-  Ông Huỳnh Kim, Hội Trưởng PGHH hải ngoại, - Ông Trần Văn Chánh - Kim Chung (Trưởng Nhóm Đức Tin),- Ông Trần Văn Vui, quyền Hội Trưởng Hội đồng Trị sự Trung Ương hải ngoại, - Kimberly Hồ, Nghị Viên Thành Phố Westminster, - Tiến sĩ Nguyễn Tấn Lạc (DXD), - Huỳnh Long Giang (DXĐ), - Kỹ Sư Đoàn Ngọc Lân, Đồng Hương hội Tây Ninh, - Huỳnh Công Kỉnh Tổ Đình PGHH.
Về Truyền Thông Báo Chí gồm:- Lâm Hoài Thạch (Nhật Báo Người Việt),- Nguyễn Thanh Huy (Việt Báo),- Phạm Khanh (Đài Truyền Hình LSTV). Ngoài ra còn nhận thấy có nhiều nghệ sĩ, nhân sĩ Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo và nhiều đồng đạo, Phật tử đến tham dự thật đông vui.A 2 (2)
 A 2 (1)A 3
Phần Nghi Thức Tôn Giáo do đồng đạo Trần Văn Vui điều khiển thật trang nghiêm trong niềm tôn kính của tất cả đồng đạo và quan khách tham dự.
Kế đến Bài hát Đêm Ba Răng của tác giả Lê Yến Ngọc Dung do ca sĩ Thúy Anh trình bày đã sâu lắng từ nỗi lòng của toàn thể tín đồ PGHH nhớ đến đêm đau thương mà Đức Thầy đã vì sanh chúng phải ra đi để đổi lấy sự bình an cho toàn thể tín đồ của Ngài...
 
Đồng đạo Huyền Tâm tuyên đọc bài Sứ Mạng của Đức Thầy, thật trang nghiêm và cảm động với sứ mạng cao cả của Ngài, mọi người lắng nghe xúc động trong niềm tôn kính.
Tiếp tục ca sĩ Trường Thanh, một giọng hát trữ tình, một tiếng hát để đời, vang bóng của thập niên 80 đã làm say mê khán giả thưởng ngoạn khắp nơi. Đã thể hiện Bài thơ “Tình Yêu Nhân Loại”  của Đức Thầy viết vào năm 1946 tại Miền Đông, đã được mọi người xúc động trong tình yêu bao la rộng lớn của Đấng Cứu Đời.
Về phần ý nghĩa, chúng ta cũng nghe đồng đạo Trần Văn Vui phát biểu:
Trong lịch sử PGHH ngày 16 tháng 4 năm 1947 là một biến cố trọng đại. Vì kể từ ngày đó Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH vắng mặt cho đến hôm nay.
Bên ngoài người ta cho rằng Việt Minh đã hạ sát Ngài, nhưng khối tín đồ PGHH thì cho rằng Ngài là vị Phật Sống có đầy đủ phép thần thông không ai có thể hại Ngài được. Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt tại miền Nam mà thôi, vì Ngài có thố lộ:
“Từ nay Ta mắc bôn ba,
Dời chân ra Bắc đặng mà dạy khuyên...”
“...Bôn Nam tẩu Bắc tảo Tần,
Chúng sanh rán nhớ thì gần cùng Ta...”
Trên đây, với vài câu thơ đã chứng minh Đức Huỳnh Giáo Chủ đi ra dạy đạo ở miền Bắc Việt Nam và sau đó Ngài đã được Thiên Đình triệu hồi như câu:
“Tạm đây Ta mắc lui hài,
Vì trên bệ ngọc triệu rày hồi quy...”
Đức Thầy rất kỹ lưỡng khuyên răn tín đồ phải lo tu tỉnh, nếu không tu thì sẽ bị luân hồi (Lúc thì vào địa ngục, lúc thì làm súc sanh, lúc làm ngạ quỷ… không sao thoát ra khỏi kiếp nạn đó). Ngài nói: Chỉ có tu mới có cơ may thoát ra khỏi con đường lục đạo đó mà thôi.”
Qua những câu thơ dẫn chứng trên, chúng ta xác nhận: Đức Thầy chẳng những không ai sát hại được Ngài, nhứt là ở đêm 16 tháng 4 năm 1947. Lời nói của Ngài như một pháp lịnh mà chỉ có vị Phật mới nói ra như vậy, và cũng để người có lý do vắng mặt cũng như muốn thử thách khối tín đồ to lớn của Ngài trong lúc Ngài vắng xa.
Chúng tôi toàn thể tín đồ PGHH trong và ngoài nước, luôn nghe lời Thầy dạy và cố gắng hành đạo một cách tích cực hơn, với quyết tâm giữ đạo chờ Thầy.
Kế đến là phần diễn ngâm giáo lý PGHH qua giọng ngâm của đồng đạo Mai Lệ Huyền và Kim Phụng Bài “Tự Thán”. Thực là tha thiết và sâu lắng. Ngài đã nói lên tâm tư của Ngài lúc xa vắng Tổ Đình và tất cả môn nhân đệ tử của Ngài.
 
Vào tháng chạp năm Canh Thìn (1940) tại nhà Thương Chợ Quán. Năm 1946 người Pháp đã trở lại tái chiếm miền Nam...Trước cảnh nhà tan cửa nát, Ngài đã nói lên tâm sự của Ngài qua bài thơ:
         Nước non tan vỡ bởi vì đâu?
         Riêng một ta mang nặng khối sầu.
         Lòng những hiến thân mưu độc-lập,
         Nào hay tai họa áp bên lầu.
         Bên lầu tiếng súng nổ vang tai,
         Trời đất phụ chi kẻ trí tài.
         Mưu quốc hóa ra người phản quốc
         Ngàn thu mối hận dễ nào phai...
 
Qua giọng ngâm của Huyền Tâm đã sâu lắng và mọi người đã xúc động trước lòng yêu quê hương xứ sở của Ngài
Để thay đổi không khí là Chương trình cổ nhạc, đồng đạo tác giả Thanh Tân đã nói lên lòng thương yêu lê thứ, đồng bào của đấng từ bi, để “Dặn dò bổn đạo” của Ngài “Rán lo tu hiền” trước khi Ngài rời xa, qua tiếng hát của ca sĩ Thiên Thanh, và ngón đờn của nhạc sĩ Văn Hoàng, Quang Hoàng, mọi người đã say sưa lắng nghe như một bài Pháp mà Thầy đã để lại cho tín đồ của Ngài.
 
Về phần phát biểu cảm tưởng quan khách, chúng ta cũng nghe đồng đao Gs Nguyễn Thanh Giàu, Hội Trưởng Ban Trị Sự Trung ương PGHH hải ngoại là người thâm sâu giáo lý PGHH, người ứng xử uyên bác đặc biệt và cũng là người đầu tiên gầy dựng, đưa giáo lý PGHH chuyển thành Anh ngữ đến với tuổi trẻ PGHH hải ngoại.
 
Ông nói: Rất ca ngợi tinh thần đoàn kết của Mai Chân đã quy tụ được nhóm anh em PGHH hải ngoại mà lâu lắm rồi không có sự liên kết hài hòa giữa những nhóm hành đạo PGHH như: Ông Huỳnh Kim, Ông Trần Văn Vui và chúng tôi. Đây là điểm son cho khối tín đồ hải ngoại, chung vai hành đạo trong niềm tương kính, đoàn kết trong ngày kỷ niệm 76 năm ngày Đức Giáo Chủ vắng Mặt.
 
Chương trình văn nghệ trong những ca từ, lời vàng ngọc của Thầy cũng được Ca sĩ Ngọc Hà nhóm ca đạo PGHH thể hiện rất xuất sắc:
“Đồng đạo chúng con lòng thành tưởng nhớ:
 Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng Xa.
Trăm đắng ngàn cay Thầy cũng cam đành.
Thương thay cho Thầy,
Vì sanh chúng cũng đành ra đi...”
qua tiếng hát ngọt ngào của ca sĩ Ngọc Hà đã làm cho mọi người xúc động mong mỏi ngày trở lại của Tôn sư.
Với tinh thần đoàn kết, thương yêu lẫn nhau trong ngày kỷ niệm 76 năm ngày vắng mặt của Đức Giáo Chủ, để xứng đáng với lòng hi sinh cao cả, vị quốc quên mình của Đức Thầy, nhà báo Vi Anh cựu Dân Biểu Quốc Hội VNCH xúc động kêu gọi:
Thứ nhất, hãy cùng tôn trọng sự khác biệt lâu nay của một số tổ chức và cơ cấu PGHH ở hải ngoai, trong niềm tương kính lẫn nhau và trong lập trường tôn kính tinh thần Đạo PGHH do Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng.

Thứ hai, cùng tôn trọng thực thể của các Ban Trị sự, không chủ trương hủy thể thực thể nào, không thôn tính tổ chức nhỏ để nhập vào cái lớn.
 
Thứ ba, nói một cách khác rõ hơn và có tính nguyên tắc, là đoàn kết theo kiểu liên kết,  tuy nhiều mà một, như Hoa kỳ có 50 tiểu bang nhưng chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ. PGHH đoàn kết thống nhất theo hàng ngang, cùng tiến tới trong tinh thần bảo vệ và phát triển tôn giáo, trước chiến lược chống phá, quốc doanh hóa các tôn giáo của Cộng sản Việt Nam.
Mọi người đã nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần đoàn kết, liên hiệp và là niềm hy vọng tha thiết của người tín đồ thuần thành của PGHH cho cuộc đời còn lại của ông cho đến phút cuối.
 
Trong nỗi niềm THƯƠNG ĐẠO NHỚ THẦY, CTS Trần quang Linh bày tỏ cảm tưởng:
Tôi kính mến gọi Đức Ngài là Chơn Sư có ý nghĩa là Vị Thầy dạy Chơn Lý.
CHƠN LÝ về ĐẠO PHÁP
CHƠN LÝ về TU NHƠN
CHƠN LÝ Đức Ngài dạy rất dễ học và dễ tu nữa:“Phật pháp bất ly chúng sanh pháp”.
Người đời này, phần nhiều tâm trí mê mờ, chạy theo dục vọng: Tham, sân, si, danh lợi quyền, đắm say vinh hoa phú quý, tạo hỗn loạn, chiếm đoạt gây thù hận. Đức Huỳnh Giáo Chủ thấy rõ cơ tận diệt người gian ác, cơ ban thưởng của Hội Long Hoa cho người có Đạo Đức.
Hội Long Hoa là Hội của Tam Giáo Ngũ Chi, nơi quy tụ Phật, Tiên, Thánh, Thần. Tâm ý trong giáo lý Đức Huỳnh Giáo chủ, Đức Ngài mong mỏi nhân loại hòa hảo đại đồng. Tinh thần Hòa Hảo trong Học Phật Tu Nhân. Dung hòa Phật và Chúng sanh. Dung thông Đạo cùng Đời.
 
Qua cách nhìn chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm như trên. Chính tôi CTS Trần Quang Linh đã bày tỏ tâm ý lòng tôn kính và ngưỡng mộ dâng lên Vị Chơn Sư của tôi rồi vậy.
Buổi lễ đã chấm dứt vào lúc 12 trưa, đại diện NPD Mai Chân nói lời cảm tạ và mời mọi người vào bàn ăn với các món ngon, hương vị đặc biệt của quê hương, kèm theo những món tráng miệng mát mẻ, tinh khiết, mọi người nói cười, nhắc nhiều về quá khứ, mà câu kinh tiếng kệ ở các Độc Giảng Đường đã vang lên vẫn còn âm hưởng bên tai như mới hôm...mà hình dáng đấng từ bi vẫn còn biền biệt phương trời.
 
Niệm Phật Đường PGHH: Kỷ niệm năm thứ 76, ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ xa vắng.
Tường trình: Lê Yến Dung.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn