Những cảm xúc thiêng liêng trong Đêm Nhạc Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ - Bài của Băng Huyền.

18 Tháng Tám 20209:33 CH(Xem: 3661)
Những cảm xúc thiêng liêng trong Đêm Nhạc Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ - Bài của Băng Huyền.

Những cảm xúc thiêng liêng trong Đêm Nhạc Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ 
Bài của BĂNG HUYỀN

2020-08-18_204837 (1)

Nghệ sĩ Phượng Liên và Tuấn Châu (Băng Huyền/ Viễn Đông)

          Cách nay 100 năm, vào ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (nhằm ngày 15 tháng Giêng, 1920), tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), là một ngày trọng đại, ngày mở ra một trang sử mới cho nền giáo pháp dân tộc Việt Nam ở miền Tây. Là ngày ra đời của một vị sinh nhi họ Huỳnh, thế danh Phú Sổ, là con trai của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm. Để rồi 19 năm sau (18 tháng 5 Kỷ Mão, 1939), sau khi cùng thân phụ là Đức Ông Huỳnh Công Bộ vãng cảnh Thất Sơn, thăm ngọn Tà Lơn mầu nhiệm, chiêm nghiệm được huyền cơ.

 Ngài trở nên Đại Ngộ và khai sáng nên nền đạo Phật Gíao Hòa Hảo, tại Làng Hòa Hảo, Quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, Miền Tây Nam nước Việt. Bằng phương pháp tam độ nhất như chữa bệnh, thuyết pháp, viết kệ giảng bằng lời hoặc bằng chữ viết đều rất chân phương, bình dị, chan chứa yêu thương, phù hợp đạo lý dân tộc, phù hợp lòng người nên chỉ trong thời gian ngắn hoằng pháp, độ đời, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đạt thành công lớn. Lúc ấy tuổi đời của Ngài (Đức Huỳnh giáo chủ) mới 19 tuổi.

          Trong khung cảnh đầm ấm của những người con Phật Giáo Hòa Hảo tại hải ngoại hướng về ngày Đản sinh của Đức Tôn Sư với niềm kính tin và hân hoan. Vào tối Chủ Nhật, ngày 15 tháng 12, 2019, tại Saigon Performing Arts Center, đã diễn ra một chương trình văn nghệ mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc – tâm linh “Đêm Đại Nhạc Hội mừng Đản Sanh 100 tuổi của Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo” nhân ngày Lễ trọng đại này. Với những tiếng hát ngọt ngào, truyền cảm của các nghệ sĩ cải lương Phượng Liên, Tuấn Châu, Cẩm Thu, Philip Nam, Phượng Hồng, Xuân Mỹ, Minh Hùng, Bách Thanh, Huy Hải và ca sĩ tân nhạc Diễm Liên, Đông Đào, Mai Thiên Vân, Mai Vy, Nguyễn Tiến Dũng, Đăng Vũ, Leon Vũ, Jimmy Hữu Tấn, ban nhạc Lâm Đằng, đoàn vũ Việt Cầm, đoàn vũ Thanh Tâm múa minh họa các tiết mục do ca sĩ, nghệ sĩ trình diễn. Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng và ca sĩ Lưu Việt Hùng đảm nhận vai trò MC, giới thiệu nội dung các tiết mục được biên soạn rất chi tiết, giúp khán giả hiểu sâu hơn về Đức Thầy và giáo lý Phật giáo Hòa Hảo.

2020-08-18_204946 (2)Các thành viên trong ban tổ chức và các ca sĩ nghệ sĩ chào tạm biệt khán giả. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

          Ngày Đản Sanh và Khai Đạo, Hành Đạo

          Sau nghi thức khai mạc trang trọng và màn múa lân rộn ràng do các bạn trẻ thanh niên của Đoàn Lân Phật Giáo Hòa Hảo, trưởng ban tổ chức cô Mai Chân (là trưởng đoàn Đoàn Nghệ thuật sân khấu Văn Lang và là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo) đã đọc lời diễn văn khai mạc. Cô cho biết, “Chúng tôi rất hân hạnh được sự chỉ thị của Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Trung Ương Hải Ngoại và Ban Trị Sự Nam Cali cùng với anh em đồng đạo thân thương để tổ chức Đêm Đại Nhạc Hội mừng Đản Sanh 100 tuổi của Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo mà mọi người đều cảm thấy rằng mình đã được một phước đức lớn, một ân sủng của bề trên đã sắp đặt cho chúng ta thực hiện, hình thành được cái hoài bão lớn nhứt của đời người là được sanh ra trong thời buổi đúng vào 100 năm tuổi của Đức Giáo Chủ.”2020-08-18_205116 (3)

Chào cờ khai mạc buổi lễ (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

          Trong bài phát biểu của mình, cô Mai Chân nhấn mạnh những cống hiến cho đời với ba sự nghiệp vĩ đại của Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Về mặt Đạo là tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo. Về mặt quân sự là bộ đội Nguyễn Trung Trực. Về mặt chánh trị là Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

          “Về mặt Đạo: Ngài khai sáng một tôn giáo hoàn toàn dân tộc. Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương nhập thế, học Phật tu Nhân, giữ vẹn Tứ Ân, thực hành pháp môn Tịnh Độ để tiến tu đến giải thoát.

          “Ngài còn thuyết giảng những giáo lý cao siêu của đạo Phật... Chính phương pháp thuyết giảng của Ngài đã thức tỉnh và thu hút hằng triệu con tim, đi theo con đường thiện lành bằng giọng êm dịu, lưu loát rõ ràng, không vấp váp, thật là “Miệng nhích môi đầy văn tao nhã. Hạ bút thần thơ đã đề khai.”

          “Về mặt quân sự: Cuối năm 1945, khi quân xâm lược Pháp tái chiếm Sài Gòn và các tỉnh Miền Nam, Ngài đã tổ chức lực lượng kháng Pháp lấy tên là Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc - Liên Đội Nguyễn Trung Trực. Ngài lấy tên một vị anh hùng dân tộc kháng Pháp để làm gương cho binh sĩ noi theo, để bảo vệ dân chúng và quê hương xứ sở, cũng là phương tiện cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thi thiết hạnh vô úy thí.

          “Về mặt chánh trị: Ngày 21/9/46 Đức Huỳnh Giáo Chủ công bố thành lập một chính đảng mang tên Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng viết tắt là Dân Xã Đảng và chính Ngài là linh hồn, là lãnh tụ tối cao của đảng cách mạng này. Ngài cũng từng khuyên các anh em đồng đạo “Tất cả anh em tín đồ, nếu thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, thương giống nòi dân tộc hãy tham gia Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng mà tranh đấu. Đây là phương tiện để anh em hành xử Tứ Ân.”2020-08-18_205210 (4)

Các ca sĩ hát ca khúc Kim Sơn Phật Đản Sanh (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

          “Qua việc sáng lập nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tham gia các lực lượng kháng chiến và lập đảng chính trị, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chủ xướng một lúc ba cuộc cách mạng: Cách mạng tôn giáo, cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng chính trị xã hội.

          “Ngài đã đi trước xa thời đại. Có thể nói Ngài là vị đầu tiên đã đưa ra phương thức sinh hoạt chính trị dân chủ cho Việt Nam và đưa ra ý thức dân chủ vào hành động chính trị.”

          Thế rồi ngày 25 tháng 2 nhuần, năm Đinh Hợi (nhằm ngày 16-4-1947) Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thực sự vắng mặt, lặng lẽ ra đi để đổi lấy sinh mạng đồng bào, những cuộc xô xát đẫm máu giữa người cùng chủng tộc, màu da, mà Ngài đã thấy từ duyên nghiệp vay trả máu xương của chúng sanh trong tiền kiếp qua đi. Phong thái nầy đã thể hiện lòng từ bi siêu thoát của đấng cứu đời giác ngộ.”

2020-08-18_205649 (5)Ca sĩ Diễm Liên hát Xóm Đạo Chiều Nhớ (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

            Kết thúc bài diễn văn, cô Mai Chân nói, “Mình vô cùng có nhiều phước lớn, có nhiều duyên lành được sống ngay vào thời gian nầy, thời gian hiện hữu mừng 100 năm tuổi của Đấng Từ Bi Giác Ngộ” để tri ân pháp nhũ của Ngài đã ban rải cho chúng sanh nhân loại và cũng để thành kính mong một ngày trở lại của Ngài, một ngày thật là vinh quang trong huy hoàng và trọng đại nhất.”

           Trong niềm hân hoan của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nhân ngày Đại Lễ Đản Sanh 100 năm Đức Huỳnh Giáo Chủ, Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu (Phó Hội trưởng nội vụ của Ban Trị Sự Trung Ương Phật giáo Hòa Hảo tại hải ngoại, là Hội trưởng Phật Giáo Hòa Hảo tại miền Nam California và là Chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ), đã chia sẻ với phóng viên nhật báo Viễn Đông, “Biến cố vào đêm 16 tháng 4 năm 1947, tức 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi, tại sao Đức Thầy vắng mặt từ đó đến nay?

            Chính do cộng sản Việt Nam. Vì thế muôn đời, nếu còn chủ nghĩa cộng sản (mà tôi tin không có chuyện đó đâu) thì cộng sản và Phật giáo Hòa Hảo không bao giờ hòa hợp được. Đó là nước và dầu, không thể nào hòa chung. Đối với tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, họ chết trong cái sống. Chết để được sống. Cho nên có những tín đồ khi bị buộc bỏ đạo, họ chấp nhận chết. Vì thể xác là vô thường. Trước sau gì cũng chết. Còn tinh thần là trường cửu. Tại sao phải lấy cái giả tạm này để bán linh hồn mình.”2020-08-18_205745 (6)

Chập cải lương Về Thăm Thánh Địa (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

            Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu nhắc đến giáo pháp của Đức Thầy, “Đức Phật là một đạo sư, chỉ con đường để chúng sanh đi tới giải thoát. Vì vậy Đức Thầy đã đi theo con đường đó. Phương pháp của Đức Huỳnh Giáo Chủ đã quy nguyên giáo điều, đưa giáo pháp trở về đầu nguồn của Phật Thích Ca và canh tân phương pháp hành đạo cho nó phù hợp thời thế Việt Nam lúc bấy giờ. Đạo Phật của Phật Giáo Hòa Hảo là đúng nghĩa của đạo Phật, cho chúng sanh an lạc tại thế gian ngay khi còn sống và giải thoát khi đã chết.”

            Phần văn nghệ nhiều màu sắc

            Đêm diễn “Đại Nhạc Hội mừng Đản Sanh 100 tuổi của Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo” có khoảng 20 tiết mục bao gồm nhiều thể loại từ đơn ca, song ca, hợp ca, vừa là tân nhạc, cổ nhạc, có phần múa minh họa của các diễn viên vũ đoàn Thanh Tâm, vũ đoàn Việt Cầm… Các tiết mục được dàn dựng bằng tất cả tâm thành của những người con Phật dâng lên cúng dường Đại lễ Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ, đã đem đến cho quý khán thính giả một buổi biểu diễn đặc sắc trong niềm hoan hỉ của toàn thể hội chúng.
          - Mở đầu buổi diễn là ca khúc Phật Giáo Hòa Hảo Hành Khúc (nhạc và lời Lê Yến Ngọc Dung) với các ca sĩ Đông Đào, Xuân Mỹ, Ngọc Lam Diệp, Erlinda, Leon Vũ, Nguyễn Tiến Dũng, Jimmy Hữu Tấn, Minh Hùng. Ban nhạc Lâm Đằng. Đoàn Vũ Việt Cầm múa minh họa.

2020-08-18_205841 (7)Nghệ sĩ Phillip Nam và Cẩm Thu (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

            - Kim Sơn Phật Đản Sanh (sáng tác Lê Yến Ngọc Dung) các ca sĩ Đông Đào, Xuân Mỹ, Erlinda, Ngọc Lam Diệp, Leon Vũ, Nguyễn Tiến Dũng, Đăng Vũ, Jimmy Hữu Tấn. Ban nhạc Lâm Đằng, Đoàn Vũ Thanh Tâm đã cùng hợp ca để ngợi danh ngài Kim Sơn Phật, đây chính là hồng danh của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

            - Nghệ sĩ cải lương Tuấn Châu đã gửi đến người nghe bài 100 Năm Đức Huỳnh Giáo Chủ Đản Sanh (Thơ Hồng Trần, Nhạc Lê Yến Ngọc Dung).

            - Nghệ sĩ cải lương Phượng Liên và Tuấn Châu cùng hát bài vọng cổ 100 Năm Mừng Đản Sanh Đức Thầy do nghệ sĩ Chí Tâm sáng tác.

            - Nghệ sĩ Cẩm Thu và Philip Nam thì gởi đến người nghe bài vọng cổ Đức Huỳnh Giáo Chủ của soạn giả Trần Văn Hương.

            - Huy Hải với bài Vọng Cổ Mừng Đản Sanh (sáng tác Huỳnh Mai Hoa).

            - Mừng Ngày Đản Sanh Đức Thầy (Cổ Nhạc Hồng Trần, do Xuân Mỹ, Minh Hùng ca).

            - Kính Mừng Trăm Năm Khánh Đản (Thơ Chánh Tâm, Nhạc: Lê Yến Ngọc Dung. Ca sĩ Leon Vũ hát).

            - Mừng Đản Sanh Thứ 99 (Sáng tác Hồng Trần, Lê Yến Ngọc Dung, do Đông Đào ca với phần minh họa của đoàn vũ Thanh Tâm).

            - 80 Năm Ngày Khai Đạo (Thơ HồngTrần, nhạc Lê Yến Ngọc Dung, do Jimmy Hữu Tấn hát).

            - Đại Nguyện Của Đức Giáo Chủ (Thơ Đức Thầy, nhạc Lâm Hoài Thạch, ca sĩ Đông Đào thể hiện.)

            - Chập Cải lương Về Thăm Thánh Địa (Soạn giả Nhất Lĩnh - Xuân Mỹ, Minh Hùng & Phượng Hồng).

            - Xóm Đạo Chiều Nhớ (sáng tác Lê Yến Ngọc Dung, được giọng ca cao vút thánh thót của Diễm Liên gửi đến người nghe).

            - Riêng Tôi (Thơ Đức Thầy, nhạc Lâm Hoài Thạch, do Nguyễn Tiến Dũng hát).

            - Nhớ Đêm Ba Răng (Nhạc và lời Lê Yến Ngọc Dung, do Mai Thiên Vân ca).

            - Nhớ Thầy (Vọng cổ Hồng Trần, được ca bởi Cẩm Thu và Bách Thanh).

            - Ngày Xưa Hòa Hảo (sáng tác Lê Yến Ngọc Dung, do Mai Vy hát).

            - Ngày Thầy Trở Lại (Thơ Hồng Trần, nhạc Lê Yến Ngọc Dung, do Đăng Vũ ca.

            - Vọng Tôn Sư (Lê Yến Ngọc Dung sáng tác, Diễm Liên hát).

           - Bài vọng cổ Mừng Đản Sanh 100 (sáng tác Trung Đạo, do Phillip Nam ca).

             Những nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ tài ba ấy đã đem đến những tiết mục tân nhạc, cổ nhạc đặc sắc mang đậm dấu ấn thời gian và hương vị Phật Pháp của Phật Giáo Hòa Hảo hội tụ trong một không gian đa sắc màu. Lời ca của 20 tiết mục dù là tân nhạc hay cổ nhạc đều được dựa theo giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, hay lời thơ của Đức Thầy, kể lại ngày Đức Thầy Đản Sanh, Khai Đạo, Hành Đạo và vắng mặt trong biến cố tại Ba Răng vào đêm 16 tháng 4, 1947 (tức 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Dậu), khiến người nghe đều như lắng đọng tâm tư trong chất “thiền” xen lẫn chất “thơ” đầy thi vị.

2020-08-18_205932 (8)Ca sĩ Mai Thiên Vân (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

            Các khán giả trong khán phòng rạp hát Saigon Performing Arts Center cùng hướng về sân khấu, để lắng nghe những ca khúc, bài cổ nhạc dễ đi vào lòng người, gây được ấn tượng bởi những ý nghĩa sâu sa của nghệ thuật và của đạo lý mà người sáng tác và người biểu diễn muốn truyền tải đến người nghe. Các tác giả và chính người thể hiện là các ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ đệm nhạc đều muốn mang âm nhạc để tạo ra nhịp đập trái tim của mọi người hướng về Đức Thầy với lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc nhất.
            Những người trình diễn, mỗi người mỗi vẻ đều xuất phát bởi những trái tim chân thành nhất, mà mỗi người con muốn dâng lên cúng dường Đức Huỳnh Giáo Chủ.

            Đặc biệt là phần xuất hiện của ca sĩ Mai Thiên Vân, cô cho biết dù là một người con của Chúa nhưng cô rất vinh dự được mời hát trong chương trình mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo. Theo cô, đây là sự gắn kết, hòa đồng đáng khích lệ để thể hiện tính chan hòa và không phân biệt dù mỗi người thuộc tín ngưỡng tôn giáo nào. Bằng giọng ca ngọt ngào giàu cảm xúc của mình, Mai Thiên Vân đã khiến nhiều khán giả xúc động khi cô hát Nhớ Đêm Ba Răng, nhắc lại ngày Đức Thầy thọ nạn.

          Đêm diễn đã kết thúc nhưng lời ca tiếng hát vẫn lưu lại những cảm xúc khó quên và nhiều tình cảm thân thương trong lòng các khán giả. Là một bản hòa ca mềm mại đầy lôi cuốn với nhiều cung bậc cảm xúc giữa Đạo và Đời, để tưởng nhớ Đức Thầy Đản Sanh 100 năm và mong Đức Tôn Sư sớm ngày trở lại./.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn