Cốt Tủy PHẬT PHÁP trong Giáo Lý PGHH

03 Tháng Tám 20208:28 CH(Xem: 10325)
Cốt Tủy PHẬT PHÁP trong Giáo Lý PGHH

Cốt Tủy PHẬT PHÁP

              trong Giáo Lý PGHH

                                                 NGUYỄN VĂN HIỆP

 

           Tính chất cơ bản của Phật Giáo Hòa Hảo đối với Phật giáo truyền thống là không hề tách rời khỏi cốt tủy giải thoát của đạo Phật nhưng triệt để canh tân hình thức hành đạo và nhập thế đạo Phật. Nếu có ai hỏi Phật Giáo Hòa Hảo có phải là một “tôn giáo mới” không thì câu trả lời dứt khoát sẽ là “không”. Đức Thầy khẳng định:

          “Rút trong các Luật các Kinh,
          Tùy lòng không ép làm in giảng nầy.”
                   (SGTV: Dặn Dò Bổn Đạo)

          Hai câu giảng nầy đủ để minh chứng rằng Giáo lý PGHH chỉ rút tinh lý của Phật trong Tam tạng Kinh điển (Kinh, Luật, Luận) để giáo truyền sanh chúng, chớ không phải là tư tưởng khác lạ đối với đạo Phật. Nhưng điều quan trọng cần ghi nhớ là Phật Giáo Hòa Hảo không phải là một tôn giáo mới mà là một tôn phái mới của đạo Phật. Tôn phái đạo Phật đó phát xuất từ làng Hòa Hảo (quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc) nên có tên là Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH). Cho nên gọi tên “đạo Hòa Hảo” là sai, mà gọi là “đạo Phật” thì không rõ nghĩa, khiến người nghe không biết đạo Phật đó thuộc tôn phái nào.

          Nói chung, Đức Thầy khi sáng tác Thi Văn Giáo lý thường dùng văn chương bình dân, giản dị giúp đại chúng dễ hội nhập, nhưng lại chứa đầy cốt tủy tinh hoa Phật pháp. Do đó, dầu lời văn giản dị đến đâu, lý nghĩa vẫn rất thâm sâu mầu diệu, không thể đọc qua loa mà hiểu nổi. Thế nên, Ngài đã từng lưu ý tín đồ:

               “Coi rồi phải nhận cho hiểu lý,
             Câu huyền sâu của kẻ Khùng nầy.”
                     (SGTV: Giác Mê Tâm Kệ)
          Hay là:
             “Sớm tỉnh Kệ Kinh tìm hiểu lý,
              Một ngày hiệp hội hết mờ lu.”
                       (SGTV: Tối Mồng Một)

          Nếu ai cho rằng Giáo Lý PGHH chỉ là những câu thơ giản dị, tầm thường, thấp kém… để dành cho hạng quê mùa, chất phác hoặc kém học thức ngâm nga theo đó mà tu hành thì là một sai lầm đáng tiếc.

          Những ai để tâm nghiên cứu toàn bộ Giáo Lý PGHH đều thấy vô số kim ngôn ngọc ngữ của chư Phật hoặc những câu Kinh Kệ của Phật giáo dẫy đầy trong đó.

          Trong phạm vi giới hạn của bài biên khảo nầy, chúng tôi xin mạn phép trưng dẫn hai đề mục cốt tủy tinh hoa nhất trong Phật pháp mà Giáo lý PGHH thường nhắc đến: thứ nhứt là Tứ Diệu Đế - Bát Chánh Đạo, thứ nhì là Lý Duy Tâm.

 

          TỨ DIỆU ĐẾ:

           Căn bản của Đạo Phật là Tứ Đế (Ariya Saccani), tức là bốn sự thật bất di dịch trong không gian lẫn thời gian, gợi giúp chúng sanh từ cuộc sống dẫy đầy biến động và đau khổ đến trạng thái thanh tịnh và an lạc rốt ráo mà Đạo Phật gọi là Niết-bàn. Thể hiện tâm Đại Bi không gì cao hơn đem truyền dạy kinh nghiệm sống đó để giúp chúng sanh ra khỏi cảnh khổ đau trần thế. Tứ Đế, được tôn xưng là Tứ Diệu Đế (bốn sự thật huyền diệu) hay Tứ Thánh Đế. Đó là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật đã giảng giải tại vườn Lộc Uyển sau khi Ngài thành đạo để khai ngộ cho năm anh em của ông Kiều Trần Như, cũng vốn là các bạn đồng tu của Ngài lúc trước.

          Sự thật thứ nhất là nỗi thống khổ của chúng sanh, tức là Khổ Đế (Dukkha). Sự khổ nầy được phân tích thành tám cảnh huống luôn luôn bách hại thân lẫn tâm của chúng sanh không ngừng nghỉ. Bắt đầu từ lúc tượng hình trong bụng mẹ, thân như bị giam hãm trong ngục tù, thai nhi đau đớn ra khỏi lòng mẹ, cất tiếng khóc để bước vào cuộc đời đầy khổ đau cạm bẫy, bám víu một cuộc sống tạm bợ, thiếu hẳn sự an toàn. Cuộc sống của con người là một chuỗi nối kết của sanh khổ, bệnh khổ, lão khổ, chết khổ, mưu cầu không được nên khổ, yêu thương mà cách biệt nhau nên khổ, oán ghét mà trông thấy nhau nên khổ và năm ấm của thân tâm cứ đối chọi chi phối nhau hoặc đắm nhiễm sáu trần mà tạo ra phập phồng lo sợ (ưu sầu) nên khổ.

          Sự thật thứ hai là nỗi thống khổ chắc thật có nguyên nhân cội rễ ngầm chứa trong đó chớ không phải ngẫu nhiên nảy sanh. Nên, Phật gọi đó là Tập Đế (Sameda Dukkha), tập là nhóm chứa, tiềm ẩn. Tập đế gồm 10 phiền não gốc do vô minh tạo ra, rồi từ các gốc phiền não đó mà sinh ra vô vàn phiền não ngọn ngành. Mười phiền não gốc là tham, sân (nóng nảy), si (mê mờ, thiếu sáng suốt), mạn (luôn luôn thấy mình là cao giỏi hơn người), nghi (thiếu đức tin) và chấp chặt vào năm cái thấy biết chủ quan: coi thân ngũ ấm là cái thật ta (thân kiến), thấy cục bộ thay vì tổng thể (biên kiến), cho sự hiểu biết của mình luôn luôn đúng (kiến thủ), cuồng tín, bảo thủ giới cấm vô lý của tà đạo (giới cấm thủ), mê tín dị đoan (tà kiến). Mười phiền não gốc đó trói buộc chúng sanh mãi mãi lăn lộn, xuống lên trong sáu nẻo luân hồi đầy đau khổ. Trên đường tu học, hành giả rất cần nhận rõ tính chất mê lầm đó phát xuất từ đâu, do thấy rồi khởi ý phân biệt mà sanh (tức kiến hoặc, cái lầm của ý thức) hoặc do mê si dính mắc vào trần cảnh mà sanh (tức tư hoặc, cái lầm của 5 thức cảm giác). Biết rõ các phiền não, nguồn gốc và tính chất của chúng, hành giả lên đường khởi tu để diệt khổ. 

          Sự thật thứ ba là sự chắc thật của cảnh giới chơn thường an lạc mà Đạo Phật gọi là Niết-bàn. Sau khi biết rõ khổ đau và nguyên nhân sanh ra nó, hành giả diệt trừ hết khổ đau thì cảnh giới nầy sẽ xuất hiện. Phật gọi đây là Diệt Đế (Nirodha Dukhha), một sự thật hiển nhiên mà chính Ngài đã trải nghiệm.

          Sự thật thứ tư là những nẻo đường chắc thật, những phương tiện tất yếu để diệt trừ đau khổ, tức là Đạo Đế (Nirodha Gamadukhha). Đây cũng chính là đề mục giới thiệu toàn bộ kho tàng giáo lý cao siêu sống động của Đạo Phật, vì con người, vì chúng sanh mà Phật đã trải qua 49 năm thuyết giảng. Bát Chánh Đạo là giáo lý nòng cốt của sự thật nầy.

          Vậy, Tứ đếbốn đề tài mà Đức Phật đã chỉ dạy con người về lộ trình giải khổ phát xuất từ kinh nghiệm sống của Ngài. Ngài chỉ chân thật cảnh khổ trước (Khổ đế), nguyên nhân chân xác của cảnh khổ (Tập đế) sau; kế đến, Ngài chỉ cảnh giới thật chân an lạc (Diệt đế) và con đường chơn chánh (Đạo đế) để đi tới cảnh giới an lạc đó. Đó là hai cặp Nhân-Quả / Quả-Nhân chắc thật không biến đổi qua không gian lẫn thời gian để đưa một chúng sanh từ vị trí phàm phu đến Thánh quả Niết-bàn giải thoát.

          Trong bài Pháp luận “Phật là gì?”, Đức Thầy nói: “Khi Đức Thích-Ca thành Phật thì Ngài nói pháp tứ-đế mà độ đời trước hơn các pháp”. Trong giáo lý PGHH, Đức Thầy không nặng việc giảng lại mặt lý thuyết của hệ thống Tứ Đế. Mục đích của Ngài là muốn hướng dẫn chúng sinh thâm nhập từng bước thực hành pháp Tứ Đế quan trọng nầy trong tinh thần mà Ngài đã xác minh: “Đường đạo đức bước đi từ nấc” (Bài DPQM). Trước hết, để đại chúng dễ hiểu, Ngài gọi đó là bốn đề mục mầu diệu: TỨ DIỆU ĐỀ, thay vì lặp lại thuật ngữ “Tứ Diệu Đế” ghi trong kinh Phật, bởi vì chữ “đế” gốc Hán rất xa lạ và khó hiểu. Trong sự hướng dẫn, rõ ràng Ngài đã dẫn tín đồ đi “từ nấc” mà chúng ta có thể lược kể như sau:

          Ngay trong những ngày đầu mở Đạo, khi viết Quyển giảng thứ 4 (Giác Mê Tâm Kệ) trong năm 1939, Ngài có giải Tứ Diệu Đề như một phương pháp mầu diệu dẫn chúng sinh từng bước thâm nhập vào đạo Phật theo trình tự nhận thức: Tập-Diệt-Khổ-Đạo, nghĩa là muốn đi vào Đạo để tu hành, tín đồ cần phải tập sống trong khuôn khổ nghi luật trước, kế tiếp là phải diệt trừ các tập nghiệp vô minh tạo ra phiền não, thứ ba là phải chịu đựng sự gian khổ để vượt qua mọi thử thách ban đầu, cuối cùng là nhập đạo quyết chí tu hành. Trong việc nhập Đạo để tiến tu, Bát Chánh Đạo là pháp tu quan trong nhứt nên được Ngài giải tiếp sau đó. Với nội dung nầy, Tứ Diệu Đế của Phật dạy chưa được Ngài đem ra khai thác để giảng dạy.

          Năm 1942, sau 3 năm mở Đạo, tín đồ đã làm quen với nếp sống Đạo, Đức Thầy mới chánh thức sơ giải Tứ Diệu Đề, trực tiếp khai thác nội dung pháp Tứ Diệu Đế của Phật. Tứ Diều Đề được Đức Thầy sắp xếp như sau:

          1.-Khổ đề: Gồm các sự khổ trong đời.

          2.-Tập đề: Gồm có các tập-nhơn sanh ra quả khổ.

          3.-Đạo đề: Gồm có tám đường chánh.

          4.-Diệt đề: Phương-pháp diệt khổ, hưởng quả Niết-Bàn. (SGTV 2015, tr. 453).

          Ngài giải kỹ Khổ Đề bao gồm 8 sự khổ trong đời: Sanh, Lão, Bệnh, Tử, Mưu cầu bất đắc, Ái biệt ly, Oan tắng hội, Ưu sầu lo ngại (đã được giải bằng văn vần trong quyển Khuyến Thiện năm 1941 và giải lại bằng tản văn năm 1942); Tập Đề gồm các tập nhơn sanh ra quả khổ (tức pháp Thập Nhị Nhân Duyên, được giải năm 1942); Đạo Đề gồm 8 đường chánh, được Ngài giải nhiều lần; Diệt Đề là phương pháp diệt khổ, hưởng quả Niết-bàn (tức là Môn Hoàn Diệt, được giải năm 1942). Trong cặp Nhân-Quả thứ nhì, Ngài trình bày Nhân (Đạo Đề) trước và Quả (Diệt Đề) sau, thay vì Quả (Diệt Đề) trước và Nhân (Đạo Đề) sau của pháp Tứ Diệu Đế ghi trong kinh Phật.

         

          BÁT CHÁNH ĐẠO:

Nói đến Tứ Diệu Đề thì phải nói đến Bát Chánh Đạo hay Bát Thánh Đạo là pháp nòng cốt trong Đạo Đề. Đức Thầy giải Bát Chánh Đạo đến 3 lần: lần đầu trong Quyển Giác Mê Tâm Kệ (1939), lần hai trong bài Dặn Dò Bổn Đạo (1940) và lần ba trong Quyển 6 (1945). Bát Chánh Đạo là 8 con đường chánh dắt chúng sanh từ vị trí phàm phu chịu thăng trầm đau khổ trong 6 nẻo luân hồi lên vị trí chứng quả Niết-bàn giải thoát. Bát Chánh Đạo gồm có:

          1.  Chánh kiến: Dòm thấy, xem đúng theo sự thật,

          2.  Chánh tư duy: Tư tưởng chơn chánh,

          3. Chánh nghiệp: Việc làm chánh đáng ngay thẳng,

          4.  Chánh tinh tấn: Tín ngưỡng chơn chánh và lướt tới,

          5.  Chánh mạng: Sanh mạng chơn chánh, trong sạch,

          6.  Chánh ngữ: Lời nói chơn thật,

          7.  Chánh niệm: Ghi nhớ chơn chánh,

          8.  Chánh định: Suy gẫm chơn chánh.

                                  (SGTV: Q.6)

          Tùy theo Chánh định rốt ráo đạt được thấp cao mà Thánh quả có thấp cao. Thánh quả thấp nhứt là A-la-hán (Thanh văn thừa), Bích-chi Phật (Duyên giác thừa), cao hơn là Bồ-tát (Bồ-tát thừa) và tột cao là quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Tối Thượng thừa) của Phật. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chứng quả tột cao đó, rồi Ngài chuyển pháp luân lần đầu độ 5 anh em ông Kiều Trẩn Như chứng quả A-la-hán và vô số hành giả xuất gia lẫn tại gia khác chứng A-la-hán trong thời Chánh pháp cũng nhờ pháp Bát Chánh Đạo nầy.

          Do tính cách cực kỳ quan trọng của đạo Bát Chánh mà Đức Thầy chẳng những giải nhiều lần mà còn nhắc nhở nhiều lần:

-“Chữ Bát Chánh rõ ràng trong giấy,
Là Chơn Truyền của Đức Thích Ca.” (Q.4)
-“Đạo mầu Bát Chánh rán ghi,
Thứ nhứt Chánh kiến việc chi xem nhìn.
Luận bàn chơn lý cho minh,
Việc chi xét đoán xảo tinh mới là.
Thứ nhì Chánh mạng vậy mà,
Việc làm do lịnh tâm hồn khiến sai.
Thứ ba Tư duy bằng nay,
Các điều tưởng nhớ thẳng ngay mới mầu.
Thứ tư Chánh nghiệp mặc dầu,
Nghề chi thì cũng ngõ hầu làm ngay.
Tà gian tánh ấy tù đày,
Của người tham nhũng nghề nầy chớ ham.
Thứ năm Tinh tấn hội đàm,
Sạch trong kỹ lưỡng mà làm mới ngoan.
Thứ sáu Chánh ngữ liệu toan,
Nói năng điều chánh thì an chớ gì!
Thứ bảy Chánh niệm vậy thì,
Khi cầu khi nguyện chuyện gì thành tâm.
Thứ tám Chánh định chớ lầm,
Từ Bi hai chữ đứng nằm khó quên.”
            (Dặn Dò Bổn Đạo)
-“Thiền lâm Phật Thích thuở xưa kia,
Non Tuyết rèn ra Bát Chánh kìa.
Phổ hóa dân lành trong khắp chúng,
Hoàn cầu bốn biển khắp danh bia. ”
            (Đến Làng Nhơn Nghĩa)
-“Câu Bát Chánh rán mài chạm dạ,
Tứ mục điều người khá hành y.”
            (Thiên Lý Ca).
-“Diệu thâm Bát Chánh lời truyền giáo,
Xa thẳm tứ đề tiếng giục ông.”
(Cho Ông Chín Diệm)

 

          LÝ DUY TÂM :

          Đạo Phật là đạo “duy tâm”. Tất cả mọi hiện tượng trên đời nầy đều do Tâm mà ra cả. Cho nên, Giáo lý đạo Phật vô cùng phong phú nhưng chung quy đều nhằm để sửa cái Tâm.

 

          1). Nhứt thiết duy tâm tạo:

          Trong quyển Giác Mê Tâm Kệ, Đức Thầy nói:

              “Cái chữ Tâm mà quỉ hay ma,

                Tiên hay Phật cũng là tại nó.” (Quyển 4)

            Ai cũng hiểu rằng Đức Thầy muốn nhắc đến cái lý “Nhứt thiết duy tâm tạo”. Nghĩa là tất cả muôn pháp, muôn cảnh, từ tốt xấu, cao thấp, trí ngu…đến Phật, Tiên, Thần, Thánh hay ma quỉ, cũng đều do tâm tạo ra cả.

          Trong “Tâm Địa Quán Kinh”, Phật bảo: “Tâm như họa sư, năng họa chủng chủng sắc cố. Tâm như đồng bộc vi chư phiền não sở sách dịch cố. Tâm như Quốc vương khởi chủng chủng tự đắc tại cố. Tâm như oán tặc, năng linh tự thân thọ đại khổ cố.” (Tâm như thợ vẽ, vẽ được tất cả các thứ hình sắc. Tâm như đứa tớ bé, bị các phiền não thúc hối và sai khiến. Tâm như vị Quốc vương, phát khởi được các việc an vui tự tại. Tâm như cừu thù, khiến tự thân phải chịu các điều thống khổ).

          Và trong “Pháp Bửu Đàn Kinh”, Đức Lục Tổ cũng nói: “Lòng từ bi, tức là Quan Âm, lòng hỉ xả tức là Thế Chí, lòng năng tịnh (trong sạch) tức là Thích-Ca, lòng bình trực (bình đẳng và chánh trực) tức là Di-Đà”. Ngược lại, “lòng nhơn ngã là núi Tu-Di, lòng tà vạy là nước biển, lòng phiền não là sóng trào, lòng độc hại là rồng dữ, lòng dối trá là quỉ thần, lòng trần lao là cá trạnh, lòng tham sân là Địa ngục, lòng ngu si là súc sanh”. Đức Thầy hiện nay cũng cho biết:

               “Làm gian ác là quỉ là ma,

               Làm chơn chánh là Tiên là Phật.” (Q.2)

 

    2). Phật tại tâm:

          Trong quyển Kệ Dân, Đức Thầy cũng nói:

            “Phật tại Tâm chớ có đâu xa,

              Mà tìm kiếm ở trên Non núi.”

          Và: “Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm.”

          Các câu giảng nầy là muốn xác quyết rằng tâm của chúng sanh đều đồng một bản thể với chư Phật. Từ vô thỉ trong thể Chơn như ấy, vì một niệm bất giác (vọng niệm sai lầm) nên khởi hiện đám mây phiền não che lấp Phật tâm. Từ đó, mọi nhận thức đều do phiền não chi phối, nên ta không thể thấy được Phật tâm của mình. Cũng ví như hồ nước đang trong sạch, bỗng bị gió thổi, sóng trào, khiến cặn cáu nổi lên làm nước đục ngầu, không thể nhìn ra đâu là nước trong. Nhưng khi hết gió, sóng lặng, bùn cặn lắng chìm tận đáy, bấy giờ ta thấy hồ nước trong lành trở lại.

          Do đó, người muốn tìm Phật mà cứ chạy theo hình tướng bên ngoài, hoặc tìm nơi non cao rừng thẳm là sai lầm. Bởi không có Phật nào khác hơn là Bản lai thanh tịnh của chính mình. Bản lai thanh tịnh còn gọi là Bổn lai tâm, tức là Phật tâm của chính mình. Vì vậy nên kinh nói “giác ngộ là Phật, còn mê muội là chúng sanh”. Cũng như nước và sóng, chơn và vọng, thật và giả,... chúng đều cùng chung một bản tánh cả.

          Chuyện xưa kể:

          Đức Lục Tổ ở xứ Lãnh Nam vốn là người không biết chữ, một hôm Ngài đi đốn củi đổi gạo gặp một Sa-môn đọc kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, thì Ngài giác ngộ đi tu. Sau tám tháng giã gạo tại chùa Huỳnh Mai, Ngài được Ngũ Tổ bảo hãy vào nhà sau để Tổ truyền pháp. Ngũ Tổ cũng lấy kinh Kim Cang giảng nghĩa cho nghe, và cũng đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” như trên thì Ngài liền đắc ngộ và thốt lên bài Kệ:

          “Nào dè tánh mình vốn sẵn thanh tịnh,

Nào dè tánh mình vốn không sanh diệt.

Nào dè tánh mình hay sanh muôn pháp,

Nào dè tánh mình vốn sẵn đầy đủ,

Nào dè tánh mình vốn luôn trong sạch.”

           Ngoài ra, trong Kinh Niết bàn, Phật bảo: “Nhược nhơn bất tri Phật tánh giả, tắc vô trượng phu tướng giai danh nữ nhơn” (Nếu người không biết mình có tánh Phật thì người đó không phải là bậc trượng phu, chỉ gọi là nữ nhơn thôi).

            Sau Đức Phật Tổ, Đức Phật Thầy Tây An cũng dạy:

               “Lọc lừa thì được nước trong,

            Ma, Phật trong lòng lựa phải tầm đâu ?”

          Đức Thầy nay cũng đã hằng khuyên:

           “Nhàn thanh tìm kiếm, kiếm nơi tâm,

           Phật cũ ngày xưa hãy rán tầm.”

                              (Đến Làng Nhơn Nghĩa)

 

           3). Sắc tức thị Không (Sắc và Không chẳng phải hai):

          Tiếp theo, trong bài “Sa Đéc”, Đức Thầy có viết:

            “Chuyện cao siêu Phật pháp còn dài,

              Khó gặp chữ không không mà có.”

          Ý của câu giảng này là Đức Thầy muốn nói đến cái lý sắc không hoặc cái lý chơn không bất hoại. Bản thể của nó vốn là chơn không (tức là Phật tâm), cho nên nói sắc chẳng khác gì không. Vả lại, từ cái chơn không, hiện ra mọi cảnh vật (hoạn sắc) cho nên không chẳng khác gì sắc. Tuy nói là chẳng khác nhưng hai tiếng “không và sắc” vẫn còn.

          Trong “Bát Nhã Tâm kinh”, Phật có giải: “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” (Sắc chẳng khác nào Không, Không chẳng khác nào Sắc; hoạn sắc tức là chơn không, chơn không tức là hoạn sắc). Nghĩa là nói ngoài các hoạn sắc không có cái chơn không, ngoài cái chơn không cũng không có các hoạn sắc. Hiểu lý nầy, ta sẽ tránh được sự thiên chấp (vốn là cái gốc của phiền não) mặc dù hai tiếng sắc và không trong ngôn ngữ vẫn còn.

          Như thế, sắc chất và chân không cũng chỉ là một tâm thể như sóng và nước. Vậy câu “kiếm chữ sắc không” là nói thấu đạt cái “bản thể” cái “chân như thật tướng” của chính mình. Đức Thầy từng dạy:

           “Hãy tìm kiếm cái không mới có.” (SG, Q.2)

            Và:

            “Sắc không không sắc chớ lìa xa.”

                              (Tỉnh Bạn Trần Gian)

          Tóm tắt, sắc là tướng có, thể của nó là không; cho nên, sắc chẳng khác gì không, sắc chính là không; vả lại, từ cái không hiện ra các cảnh vật hữu vi (hoạn sắc) nên không chẳng khác gì sắc, không cũng chính là sắc vậy.

 

          4). Chơn tâm bất nhị:

          Sau đây, chúng ta tiếp suy xét câu:

            “Lời thuyết pháp chẳng vì nhơn ngã.” (Q.4)

          Phải chăng câu giảng nầy ý nói lời thuyết pháp của Đức Thầy, chẳng hề có tâm phân biệt giữa người và ta trong chỗ cao thấp, trí ngu. Ngài chỉ vì lòng từ mẫn mà có bổn phận đánh thức kẻ còn mê để sớm được tỉnh giác.

          Cùng với ý nghĩa nầy, trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói: “Ví như mặt trời mọc, trước tiên chiếu các dãy núi chúa, kế đến chiếu tất cả núi lớn, rồi chiếu núi Kim Cang Bảo, sau rốt chiếu khắp đại địa. Ánh sáng mặt nhựt chẳng nghĩ rằng: trước tiên ta nên chiếu các núi chúa lớn, lần lượt mới chiếu đến đại địa. Nhưng vì núi non đất liền có cao thấp, nên ánh sáng chiếu có trước sau. Tâm của Đức Như Lai cũng y như vậy, Ngài thành tựu vô lượng vô biên pháp giới trí huệ, nhựt luân thường phóng vô lượng trí huệ quang minh vô ngại, trước hết chiếu các vị Bồ Tát,…Kế đến chiếu các bậc Duyên Giác, Thinh Văn, kế nữa chiếu những chúng sanh có thiện căn, quyết định tùy theo chỗ đáng hóa độ. Sau cùng chiếu đến cả thảy chúng sanh, nhẫn đến kẻ tà định, vì họ mà làm nhơn duyên lợi ích cho đời vị lai…”

          Đức Thầy nay cũng từng nói:

           “Giàu sang nghèo khó cũng người,

           Nên ta thương hết dầu cười hay khen.”

              (Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện)

          Đặc biệt hai câu thơ sau đây trong bài “Sa Đéc”, chúng ta thấy tột đỉnh triết lý của đạo Thánh, đạo Phật, đạo Tiên đều xuất phát từ cái tâm vô sai biệt:

          “Sách có câu “Minh đức tân dân,

          Được thủ trụ, huyền khai nhứt khiếu.”

         “Minh đức tân dân” là một câu chữ trong sách Đại Học của Đức Khổng Tử, nói đủ là “Đại học chi đạo tại minh đức, tại tân dân, tại chí ư chí thiện” (Cái Đạo lớn của bậc Thánh hiền là trước nhứt phải làm cho tâm mình được sáng, dân chúng được mới và đưa họ đến tột chỗ lành). “Đặng thủ trụ” tức là chỉ câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”của Kinh Kim cang: nếu trụ được cái tâm vào chỗ không trụ thì Phật tâm xuất hiện. Lục Tổ Huệ Năng nghe đến câu kinh nầy thì Ngài biết lối vào đạo. Cuối cùng, Ngũ Tổ gọi Ngài vào phòng; Ngũ Tổ giảng tới câu Kinh nầy thì Huệ Năng hoát nhiên đại ngộ và được Ngũ Tổ truyền y bát làm Tổ thứ sáu. “Huyền khai nhứt khiếu” là thuộc triết lý của đạo Lão: Cái khiếu huyền quang được khai mở, tức cái trí huệ sẵn có (vô sư trí) được bừng sáng.

          Ba đoạn kinh kể trên nằm trong Tam giáo (Phật, Lão, Nho) được Đức Thầy dung thông trong hai câu giảng rất sâu mầu để truyền dạy tín đồ của Ngài. Bởi dưới cái nhìn của đạo Phật, ba yếu lý trên đều xuất phát (chiếu soi) từ cái Chơn như tâm vô sai biệt, thường hằng. Tâm trong sáng của Nho, trí vô sư của Lão, tâm vô trụ của Phật chính là Chơn tâm; cái tâm nầy là một thể nhất như vô sai biệt, trải khắp không gian và thời gian vô giới hạn. Đức Thầy đã xác định cái Đạo của Ngài được khai mở từ Tam giáo để dạy chúng sanh quy nguyên về cái cội nguồn Tam giáo vốn nhất như vô phân biệt:

          “Trong Tam Giáo ân cần mở đạo,

          Trường ngoại bang phục đáo như xưa.”

                                      (Thiên Lý Ca).

 

           5). Chơn tánh tiềm ẩn trong tâm chúng sanh:

          Tiếp theo là hai câu Sấm Giảng trong Quyển Giác Mê Tâm Kệ:

           “Thấy đạo lý chớ nào thấy tánh,

              Còn ẩn nơi tim óc xác phàm.”

          Hai câu nầy có nghĩa phần đông người tu chỉ thấy Giáo lý của Đạo, chớ ít kẻ được thấy tự tánh (tên khác của Phật tâm) của mình. Bởi tự tánh tiềm ẩn nơi tim óc của mỗi người. Tự tánh là cái bản tánh Chơn như sẵn có từ vô thỉ, nhưng bị lấp vùi bởi vô minh vọng niệm. Ví như trong ly nước đục vẫn có sẵn thể nước trong, nhưng vì ta chưa lọc được bùn cặn ra, nên không thấy được nước trong.

          Kinh Di Đà Sớ Sao, có chép: “Linh minh đổng triệt, trạm tịch thường hằng, phi trược, phi thanh, vô bối vô hướng, đại tai chân thể bất khả đắc như tư nghị giả” (Người đời hễ có huyễn thân, tất nhiên có tự tánh. Bản thể của tự tánh là linh thiêng sáng suốt, rỗng rang thông thấu, trong trẻo vắng lặng, còn hoài chẳng mất, chẳng phải trược, chẳng phải thanh, không lui, không tới; rất lớn thay cái chơn thể của nó, không thể nghĩ bàn được).

          Vậy chúng ta muốn thấy được tự tánh cần phải phản chiếu nơi tâm một cách rõ ràng vi tế, không để một nhân duyên tập khí nào ám ảnh, và lòng cứ luôn như thế, mới hoát nhiên trực kiến được bản tánh. Lúc ấy ta sẽ tự thấy viên minh, tự tại vô ngại, không còn bị trói trăn câu thúc, trong lẽ hư vọng vô minh. Vì vậy, Đức Thầy có dạy:

               “Tu rèn tâm trí cho minh,

            Tánh kia thành kiếng phỉ tình chùi lau.” (Q.3)

 

          6). Một số câu giảng liên hệ tới Chơn tâm:

          Sau đây là một số câu giảng có liên quan đến khái niệm Chơn tâm trong Kinh Phật:  

       - “NẾU LẶNG TÂM TỎ NGỘ ĐẠO MẦU” (Q.4).

          Một khi thấu đạt cái chơn lý diệu mầu của Đạo, gọi tắt là ngộ đạo, tức là cái tri kiến chơn tâm bừng mở ra, liền chứng ngộ đạo Bồ Đề.

          Kinh Pháp Hoa thường gọi“Ngộ Phật Tri Kiến”. Hiện nay, Đức Thầy cũng nói rõ:“Biết tỏ ngộ ấy là gặp Đạo”, mà ai muốn được tỏ ngộ, tức phải lặng tâm thì sẽ gặp Đạo.

          -“VÔ PHÁP TƯỚNG MỚI LÀ THIỆT TƯỚNG” (Q.4).

          Bởi cái tâm vốn chơn không, cho nên người tu không nên chấp vào các pháp tướng. Vì các pháp đều không có thật thể và thường tồn.

          Kinh Kim Cang có dạy: “Người tu hành đến khi nào không còn bị các tướng câu thúc, tức là không còn phân biệt có tướng người, tướng ta, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tất nhiên cái thiệt tướng thường hằng tái hiện ra sừng sững vậy”.  

           - “MÊ VỚI TỈNH NHẬN RA LÀ LÝ” (Q.4).

          Người tu hành cần phân tách và thấu hiểu được thế nào là mê, thế nào là tỉnh, tức là cần nhận rõ được chân lý của Đạo. Từ đó, nương về với tâm tỉnh giác để tiến đến quả Bồ Đề.

            Trong Tỉnh Thế Ngộ Chơn có câu:

            “Nhơn nhơn tỉnh ngộ, nhơn nhơn Thánh,

             Tại tại hôn mê, tại tại luân”.

            (Người biết tỉnh ngộ, ấy là người Thánh,

              Kẻ tạo hôn mê, tất phải luân trầm).    

           -“ĐỊNH TÂM THẦN NHƯ NƯỚC MẶT HỒ” (Q.4).       

Giữ tâm trí cho được yên lặng, không để chút trần lao phiền não làm xao động, thì sự sáng suốt mầu nhiệm sẽ phát ra. Đức Thầy cũng nói:

          “Định thần dẹp hết tà tâm,
   Huờn lai bổn tánh thần khâm quỉ nhường.”

                              (Thu Đã Cuối)

          Trong Khế Kinh, Phật có bảo: “Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất hiện.” (Để tâm định lại một chỗ thì không việc gì mà không thành tựu).

          Vô Lượng Thọ Kinh, Phật có nói: “Các hàng Bồ-Tát sanh qua cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, hiểu rằng các pháp đều là như như”.

          Và trong Trung Luận cũng chép: “Chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng thường cũng chẳng đoạn, chẳng một cũng chẳng khác, chẳng lại cũng chẳng đi. v.v…Những tướng, những pháp như vậy, tức là như như, cũng gọi là Như-lai”.

            Đức Thầy nay cũng có câu:

           “Cảnh như như chẳng có đổi thay,

           Không màng biết phân chia nhơn ngã.”

                              (Q.5: Khuyến Thiện)

          Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật có phán dạy: “Những Phật tử tuy cách ta từ ngàn dặm mà thật tâm gìn giữ giới luật của ta, chắc chắn sẽ đắc đạo như ta. Còn những kẻ tuy ở gần bên ta, mà không trì hành giới luật của ta thì không xứng đáng là Phật tử và không thể đắc đạo”. Đức Thầy hiện nay cũng dạy:

             “Đem tâm hồi hướng gốc lành,

             Làm tôi Phật Tổ chí thành chí chơn.”

                            (Cho Ông Cò tàu Hảo)

     - “RÁN TU TÂM DƯỠNG TÁNH COI ĐỜI” (Q.2).

          Trau sửa cái tâm và điều dưỡng cái tánh. Tâm và Tánh đồng một bản thể nhưng vì ứng dụng nên có hai tên. Vẫn biết tâm tánh của chúng sanh và chư Phật gốc cũng như nhau, nhưng vì tâm tánh của chúng sanh bị vô minh vọng hoặc nên nay cần phải tu dưỡng lại, chớ không phải tìm cầu cái tâm tánh nào khác.

          Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật bảo ông A Nan:“Tất cả chúng sanh cùng mười phương chư Phật, đồng một bản thể chơn tâm thanh tịnh không hai. Bởi các ông bị vô minh vọng tưởng nên sanh ra mười phương hư không và thế giới nhiều như vi trần…Chẳng khác nào một điểm mây nhỏ sanh trong nền trời xanh. Nếu nay hết mây, tức ngộ được chân tánh thì mười phương hư không và thế giới đều tiêu diệt”.

          Vậy chúng ta cần tu sửa cho sạch hết các vọng tâm phiền não và điều dưỡng cái tánh cho được hòa vào một bản thể giác ngộ với chư Phật, tất nhiên huệ nhựt hiện bày, dứt hết nghiệp sanh tử, tự tại giải thoát, như Đức Thầy đã dạy trong Quyển Khuyến Thiện:

          “Trau tâm luyện tánh cho minh,

           Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn.”

 

      KẾT LUẬN:

Sau khi trưng dẫn một số câu giảng trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Thầy có liên hệ đến Phật pháp, chúng ta mới thấy rõ ràng Giáo Lý PGHH đều xuất phát từ Phật pháp và chỉ dạy chúng sanh thực hiện Phật pháp để đạt đến cứu cánh giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Ngoài những Giáo Lý căn bản của Phật Giáo như Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, chúng ta còn tìm thấy được rất nhiều quyển Kinh nổi tiếng và thường dùng trong việc tu học, tụng niệm của các giới Phật tử xuất gia lẫn tại gia như: Bát Nhã Tâm Kinh, kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác, kinh Pháp Bảo Đàn, kinh Kim Cang, kinh Pháp Hoa, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Đại Niết Bàn, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Tiểu Bổn A Di Đà,... hay Tham Thiền Chỉ Yếu luận, Thập Mục Ngưu Đồ luận, Trung Quán luận, Tối Thượng Thừa luận... đã được Đức Thầy diễn giải và áp dụng rải rác khắp cùng trong Giáo lý của Ngài.

          Trong công cuộc khai hóa nhân sanh, Đức Thầy chẳng những diễn giải Phật pháp mà còn mượn tư tưởng Thánh đạo để chỉ dạy chúng sanh hiểu biết tường tận mà ứng dụng ích lợi vào đời sống:

          “Ta dạy thế mượn lời Phật Thánh,

          Nên truyền ban cho chúng-sanh tường.” (Q.4)

          Dụng ý của Đức Thầy muốn đưa chúng ta từ chỗ mới phát tâm tu thân hành thiện bằng những lời khuyên dạy đơn giản đến chỗ truy tìm nghĩa lý huyền sâu trong Phật pháp để tiến xa trên bước đường Tu Nhân Học Phật. Bởi vì, hành thiện không chưa đủ, vì nó mới là bước sơ cơ, cần phải truy tìm Kinh kệ học tập để mở mang trí tuệ lên cao. Lời kinh tiếng kệ vốn là chìa khóa mở cửa kho tàng Pháp bảo – nơi tàng trữ các pháp môn hướng dẫn tu hành. Đức Thầy dạy tín đồ học Kinh kệ chính là Ngài muốn giúp chúng mở các then chốt mà khám phá các yếu lý của Đạo Phật để không bị lầm đường lạc hướng trong sự tiến tu.

          Đức Thầy từng nói tu học là cần phải tìm hiểu, nghiên cứu cho chính xác yếu lý Phật pháp, rồi cố gắng thực hành theo thì mới thâm nhập được:

           “Quay về cội phúc đường chân đạo,

           Phật pháp Thiền-na dốc thực hành.”

                               (Cho Cô Võ Thị Hợi)

          Tuy hiện giờ lắm kẻ ỷ mình có thế lực lấn áp, chế nhạo người tu, nhưng đến ngày sau: “Phật Thánh Tiên Đông độ lướt sang, Miền Nam địa phân chia đẳng cấp” thì bá tánh sẽ thấy rõ sự cao quí của kẻ xả thân tu hành tích đức./.

                                                                                                                          NGUYỄN VĂN HIỆP
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn