NGUỒN SỐNG VĨNH CỬU

09 Tháng Tám 20204:10 CH(Xem: 3979)
NGUỒN SỐNG VĨNH CỬU

NGUỒN SỐNG VĨNH CỬU

Bài viết của Trần Văn Lợi

 

            “Thiền định đặt làm thể, trí tuệ đặt làm mạng, linh hồn nhập liên hoa, siêu sanh vào cõi Niết Bàn”. (Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ)

            Sự sống! Một vấn đề mà suốt từ bao nhiêu triệu thế kỷ đến nay đã tồn tại, đồng nghĩa với sự tồn tại của muôn loài vạn vật trên hành tinh này. Sống là lý tưởng tối hậu cho mọi chặng đường phấn đấu liên tục, là tiêu chuẩn chính yếu nhất để xác lập tất cả hiện hữu.

            Từ ông vua, bà chúa trên ngôi cao, vị công chúa nơi khuê phòng cho đến anh công nhân trong xưởng máy, bác nông dân giữa ruộng đồng... mọi người đều dồn hết tâm huyết sức lực để giữ gìn cho bằng được sự sống.

Nhìn ra xung quanh, ta thấy từng đàn ong xúm xít nhau xây tổ, từng đàn kiến hì hục lôi mấy hạt bắp rơi. Cạnh đó, những cây lao, cây sậy tưởng chừng như vô thức cũng cố gắng vươn mình lên cao hứng ánh nắng ấm mặt trời, còn bộ rễ bám chặt xuống bãi sình màu mỡ để hút lấy nước, lấy phân.

            Có những con người, thân thể đã kiệt quệ, thịt da đã tan nát, nhưng một khi nhịp tim còn thoi thóp đập, dòng máu đỏ còn rỉ chảy trong huyết quản, họ vẫn còn gắng sức hớp từng ngụm không khí cuối cùng để được sống. Đoàn hành khất lê lết tấm thân cùi lở, què quặt trên đường phố, không đủ bát cơm lót dạ, thiếu manh vải che lưng trần, vậy mà họ vẫn trìu mến nâng niu sự sống, vẫn cố tình muốn kéo dài đời sống cực nhọc ấy. Loài mang lông, đội sừng, loài bò, bay, mái, cựa, những loài vật mà ai cũng cho rằng sự hiện diện ngốc nghếch của chúng chỉ để làm vật hi sinh cho con người, nhưng chính chúng “cũng có linh hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống còn như nhân loại”.

Sự sống chắc hẳn vô cùng quý báu nên mới được tất cả sinh vật bảo trì nó một cách quá chặt chịa. Thế nhưng thật chất của sự sống là gì? Có phải chăng nó là mục tiêu cuối cùng của mọi nỗ lực, hay nó là một phương tiện, là một con đường để dẫn tới mục tiêu ấy?

            Tìm hiểu nguyên lý và cứu cánh rốt ráo của sự sống để rút ra được một nhân sinh quan, đó là vấn đề khá tế nhị. Người ta đã nói nhiều về sự sống. Khoa sinh học, kinh tế học, cụ thể hóa sự sống bằng những con số, biểu diễn cho “trình độ sinh hoạt” những con số mà phần đông chúng ta đều yên tâm cho rằng đó là thước đo chuẩn xác nhất để đánh giá mức sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tập thể.

            Số lượng calori được hấp thụ và tiêu hao, số lượng áo quần, giày mũ may sắm, số lượng lần tham gia các cuộc vui, đó là những số liệu cần thiết tiêu biểu cho mức sống của một cá nhân.

            Trong một gia đình, lợi tức thu nhập hằng năm, số kilôoát điện đã sử dụng hằng ngày, số thành phẩm đưa ra thị trường trong mỗi chu kỳ sản xuất, giá trị tài sản cố định, giá trị các tài khoản ở ngân hàng, chế độ khẩu phần trong các bữa ăn... cũng là những con số biểu thị mức sống ở gia đình đó cao hay thấp.

            Khi đánh giá mức sống của một quốc gia, người ta cũng thường căn cứ vào số liệu tổng tài sản nông nghiệp, công nghiệp hoặc hiệu quả kinh tế có được từ các ngành ngoại thương và tất cả các thành phẩm kinh tế khác trong nước.

Suy ra cho cùng, các số liệu trên đây toàn là những dữ kiện thông tin về tình hình tạo ra, gìn giữ và hưởng thụ vật chất của con người ở phạm vi một cá nhân, một gia đình hay cả một cộng đồng. Các nguồn vật chất ấy nhằm đáp ứng ba nhu cầu lớn của xác thân là ăn, mặc và ở, cùng với những nhu cầu phụ nhưng cũng không kém phần quan trọng của nó như đi lại, tắm giặt, ngủ nghỉ... Vậy thì chính xác thân đã làm căn bản cho sự sống rồi. Đây là điều hết sức hiển nhiên. Hầu hết mọi người chúng ta đều không chút ngần ngại gắn liền và hơn thế nữa đồng hóa lẽ sống của mình với sự tồn tại và phát triển cơ thể.

Ở cuộc sống, chủ yếu là người, sự tồn tại của thân mạng theo tri giác, đây là điểm chúng ta chưa thấy có ở thực vật. Thân người không chỉ là khối vật chất biết vận động như dây bầu vô tư bò lên giàn. Thân người còn có những tính năng vô cảm của cơ bắp, của làn da, của các cơ quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác khi tiếp xúc với thế giới xung quanh. Thâm sâu hơn, tinh tế hơn hết là tính năng rung cảm, phân tích những hình tượng ngoại giới được tái hiện nhờ trung khu thần kinh. Tính năng này ta vẫn gọi là ý. Các chu trình phản ứng sinh học và hóa học trong cơ thể còn duy trì tiếp diễn đó là yếu tố quyết định sự tồn tại của lẽ sống, nhưng chính những rung cảm của mắt, tai, mũi, lưỡi, xúc, ý mới là các hoạt động cao cấp của xác thân.

            Các hoạt động này vô cùng phức tạp, tuy nhiên, chúng ta có thể xếp những nguồn rung cảm của giác quan vào hai nhóm: khoái lạc và đau khổ. Cả hai đều có khả năng tạo thành những “thói quen” cho xác thân. Nguồn rung cảm khoái lạc tạo thành thói quen chê chán. Một khi có đối tượng làm thỏa mãn thói quen đam mê ở xác thân tức khắc sẽ xuất hiện người rung cảm khoái lạc mới, và ngược lại. Như đã nói, các hoạt động này được gắn liền với sự tồn tại của cơ thể. Các nguồn rung cảm, các thói quen sẽ mãi mãi thừa tiếp nhau dệt thành một chuỗi dài. Dòng diễn biến trên đây chỉ chấm dứt khi nào các chu trình phản ứng sinh hóa trong cơ thể bị bế tắc, gián đoạn vì một lý do nào đó, kéo theo sự tan rã của xác thân. Các nguồn rung cảm, các thói quen xác thân nói lên tính hiện hữu của sự sống và khi chúng chấm dứt cũng nói lên rằng sự sống cũng kết thúc, cho nên chúng được người ta xem như là “mạng sống” của muôn loài sinh vật.

Bộ mặt của dòng sống với những biểu hiện rung cảm phong phú, làm cho sự sống toát lên nhiều hương vị đặc biệt và lắm khi cực kỳ hấp dẫn nữa là khác. Chúng đã buộc người ta phải nỗ lực vận dụng tất cả phương tiện để giải quyết vô số vấn đề phức tạp, chung quy cũng vì sự sống, thành cả một bức tranh linh hoạt.

          “Mặt nước biển lô nhô lặn hụp,

            Chim đua bay cá lại tranh mồi”.

                  (Nang Thơ Cẩm Tú)

            Để kéo dài mạng sống, người ta lo che chở, tẩm bổ xác thân là điều trước nhất. Trong khi đó, để “sống hạnh phúc” người ta lại hết sức tìm kiếm các đối tượng làm thỏa mãn các thói quen đam mê như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, uy quyền,...

            Trong chúng ta ai cũng cần ăn, cần mặc, cần có cửa nhà để trú mưa đụt nắng và có lẽ trong chúng ta cũng không ai muốn bịt tai bịt mắt trước mọi hình sắc, âm thanh. Phải rồi, chúng ta không phủ nhận sự tồn tại của xác thân, cũng không phủ nhận tính năng linh hoạt của mắt, tai, mũi, lưỡi, xúc, ý mình. Nhưng chúng ta cần nhấn mạnh rằng, nếu lẽ sống có và chỉ có quanh quẩn bấy nhiêu vấn đề ấy thì rõ ràng lẽ sống đã mất hết tính thanh cao, không thể xây dựng được cõi đời hạnh phúc, vì một lý do là chưa thể hiện được tính chất độc lập, như nhiên của nguồn sống vĩnh cửu.

Ai cũng lấy thân làm gốc, nhưng xác thân này không trường tồn. Xác thân chỉ là vật giả hợp vay mượn, nó chẳng phải là một thể thuần nhất và độc lập.

            Mỗi người chúng ta đều có một hình hài xác thịt. Ta không quên ơn cha mẹ đã cho ta một xác thân khang kiện. Thái độ “nhớ ơn” đó của ta đã phơi bày một sự thật khá phũ phàng: “thân này không phải của mình”. Đúng thế, chúng ta chẳng hề giữ được vai trò chủ động trong việc tạo thành xác thân ta trong giai đoạn bắt đầu kiếp sống. Sau khi chào đời, thân này lớn dần theo năm tháng bằng những giọt sữa của mẹ, bằng những hạt cơm, ngụm nước của cha anh, của đồng bào nhân loại. Ta mượn khí trời làm hơi thở, lấy sức sống thiên nhiên làm thân nhiệt. Nói chung, xác thân chỉ là một thể vật chất được xây dựng bằng nhiều loại chất liệu khác nhau. Sự tồn tại của xác thân thực chất là một chuỗi dài trả vay liên tục, trong đó các chất liệu luân phiên nhau đến rồi đi, tan rồi hiệp, trải qua bốn chu kỳ: sinh ra, tồn tại, biến thái và tiêu diệt.

            “Tạo duyên giả phàm gian thân giả”.

                  (Cho Ông Tham Tá Ngà)

            Xác thân đã giả hợp vay mượn nên đương nhiên sự tồn tại của xác thân chỉ tạm thời trong một giai đoạn, tùy theo sự hội tụ của những điều kiện nhất định. Khi một trong những điều kiện ấy không còn hội đủ nữa, các chất liệu cấu thành xác thân sẽ ly tán và cơ thể sẽ mục rữa. Ngay cả lúc sinh thời, sức khỏe, sắc đẹp con người là những vật hết sức khó giữ gìn cho bền bỉ, con người cứ hết mạnh đến đau, hết trẻ đến già, hết đẹp đến xấu, hết béo đến gầy... Đó là điều tiên báo chắc chắn xác thân sẽ rã tan thành cát bụi.

            “Trải bao phen dãi gió dầm mưa,

             Ngày kiệt sức huyễn thân tan nát”.

                   (Quyển Năm)

            Các nguồn rung cảm vốn được khởi động từ xác thân nên chiều hướng phát triển của chúng một phần lớn phụ thuộc vào tình hình diễn biến ở bên trong xác thân và một phần lớn phụ thuộc vào tình hình diễn biến ở tạp cảnh bên ngoài. Khoái lạc hay đau khổ trong trường hợp này thực ra chẳng có một tiêu chuẩn khách quan độc lập gì để xác định cả, mà chỉ tùy thuộc vào thói quen ở từng cá nhân. Thậm chí lắm khi còn có những nguồn rung cảm khoái lạc rất dữ dội nhưng đó lại là tiến trình hủy diệt xác thân. Tế bào thần kinh bị tê liệt vì ma túy, tâm dao động lại mang đến nguồn rung cảm khoái lạc cho người nghiện và người mê thích.

            Mọi rung cảm của xác thân quả thật không có tính độc lập thuần túy. Tất cả chỉ là một bức tranh ô tạp, được phết vẽ liên tục, diễn tả những tính tình khát khao của nhục thể trước thế giới hình sắc, âm thanh, mùi vị... Khoái lạc có được khi khát vọng được thỏa mãn kia không thể nào giữ mãi được và thế thì đau khổ, sầu hận đến rồi. Mạng sống con người là dòng thủy lưu vô định, cái vui cái buồn, tiếng cười và tiếng khóc đã, đang và sẽ mang theo trên hành trình đua chen, vùng vẫy.

            “Lắm lúc đua chen vui lẫn giận,

             Nhiều khi vùng vẫy khóc pha cười”.

                   (Tỉnh Bạn Trần Gian)

             Là sinh vật có tình cảm, chúng ta không bao giờ phủ nhận sự sống. Ta rất cần sống, ta thành khẩn tiếp nhận sự sống mà tạo hóa đã ban rải một cách bình đẳng cho khắp cả sinh linh. Ta luôn giữ gìn và khai thông nguồn sống, luôn vun vén nó như vun vén ngọn lửa thiêng, ta muốn ngọn lửa ấy mãi mãi không tắt và ngày càng rực rỡ thêm lên.

Chính vì thế, ta không thể chấp nhận một sự sống chỉ được phát nguyện suông từ xác thân giả hợp với những biểu hiện rung cảm hời hợt thoát hại từ xác thân giả hợp đó. Xác thân sẽ suy tàn, sẽ hoại diệt, ấy là điều không thể tránh khỏi. Mạng sống bám níu vào xác thân có khác chi nhánh chùm gởi bám vào cây mục, cây ngã cành khô là tất nhiên.

            “Tuồng đời chuốt ngót cho xong tiếng,

             Cuộc thế trau dồi mượn tấc hơi.

             Nín thở nằm ngay không cựa quậy,

             Xót thương con trẻ khóc đôi lời”.

                  (Tỉnh Bạn Trần Gian)

            Con người là một biểu tượng của vũ trụ, lẽ sống con người hòa nhập với bản thể vũ trụ. Bản thể vũ trụ là một thể toàn nhất và độc lập, chưa từng bị pha trộn tạp loạn hay lệ thuộc vào bất cứ một thứ gì. Đây mới thật sự là nguồn sinh lực trường tồn vĩnh cữu.

            “Lẽ sống chơn thật” chẳng phải là lý thuyết không tưởng. Vả chăng, sống không chỉ có sống ở xác chất mà còn có nguồn sống tinh thần. Xác yếu thần suy là chuyện thường tình, nhưng tại sao lại bảo rằng người giữ được phong thái trầm tĩnh, an nhiên dù khi thân xác lâm cảnh đọa đày là người chỉ biết sống trong ảo tưởng?

            Trạng thái tâm lý ấy đã phản ảnh một sự sống đầy đặn, khi mà tất cả tính linh hoạt của nó đều phát nguyên từ bản thể vắng lặng hồn nhiên, không lệ thuộc ngoại cảnh sai biệt và cũng không lệ thuộc ở xác thân ô trược giả hợp này. Không lệ thuộc ngoại cảnh không có nghĩa chạy trốn ngoại cảnh, không lệ thuộc xác thân cũng chẳng phải có nghĩa là chối bỏ xác thân. Cái mà chúng ta chưa nhìn thấy ra là dù ngoại cảnh có sai biệt, dù xác thân có biến đổi nhưng bản chất của cảnh, của thân vốn bất biến và hằng còn.

            “Thấy đạo lý chớ nào thấy tánh,

             Còn ẩn nơi tim óc xác phàm”.

                     (Quyển Tư)

            “Khó tìm cho gặp chủ nhân ông,

             Còn ẩn ánh nơi vòng sanh chúng”.

                     (Sa Đéc)

            Bản chất ấy chính là thể vắng lặng vậy. Thể vắng lặng là nguồn sống vĩnh cửu. Cũng như giữa trùng dương, dù cho phong ba nổi dậy, nhưng muôn đời tính chất vắng lặng của mặt nước vẫn trường tồn, sỡ dĩ ta thấy mặt trùng dương gợn sóng là vì gió còn liên tiếp thổi; gió yên tức sóng dừng, mặt nước sẽ trở về một màu yên tĩnh.

Như vậy, “sống chơn thật” bao gồm một nhân sinh quan siêu lên trên những hiện tượng sinh ra, tồn tại, biến thái, tiêu diệt của bản thân, của cảnh để rảnh rang trở về hòa nhập tròn vẹn với bản thân vắng lặng của vũ trụ.

“Định thần dẹp hết tà tâm,
Huờn lại bổn tánh thần khâm quỷ nhường”.
      (Thu Đã Cuối)
Và đó là khai thông nguồn sống bất diệt:
“Đường sanh mạng Phật, ta đồng thọ,
Tánh an nhiên bất diệt trường tồn”.
      (Quyển Năm)

            Thể tánh bình lặng an nhiên sẽ diễn xuất ra vô lượng phẩm hạnh và linh tri siêu phàm; bởi vì tự nó đã thoát khỏi tất cả tập quán, thành kiến huân tập suốt từ nghìn đời vạn kiếp. Thì ra, chơn lý thực tại vẫn biểu hiện ngay trước tầm mắt, tầm tai, trước những sự việc bình thường. Một khi mặt nước hồ trở về trạng thái yên tĩnh, trong không bị khuấy đục, ngoài không bị gió lùa thì cả trời xanh vô tận, cả tăm cá bóng chim, không cần vẫy gọi cũng hiện lên sáng rỡ làu làu.

“Tâm sáng suốt như đài nguyệt kiếng,
Tánh trong như nước bích mùa xuân”.
          (Quyển Tư)

            Dưới công năng lớn lao của trí tuệ, các giác quan sẽ không còn bị động trước ngoại cảnh, cũng không còn bị động trước ngoại cảnh, cũng không còn là công cụ đắc lực của bao nhiêu thói quen tạp loạn nữa. Giác quan vẫn nhìn, nghe, ngửi, nếm, rờ mó, phân biệt nhưng tất cả những việc đó sẽ giúp con người trực nhận ra nguyên lý hằng hữu trong thế giới sai biệt. Đó là cái “tướng” chơn thật của muôn vật, nó dung thông khắp cả sự vật mà chưa từng bị trói cột trong một sự vật gì, tồn tại muôn đời, xóa bỏ hết ranh bờ, năng sở, bỉ thử.

“Dẹp năm tên được mới mừng cười,
Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”.

            Giữa cõi đời ô trược, mang mển lấy xác thân bẩn thỉu tanh hôi, nhưng một khi đã khai thông nguồn sống vĩnh cửu, linh hồn ta sẽ giữ mãi màu sắc thanh khiết, không gợn chút nhơ bợn vạy tà, chẳng khác gì đóa hoa sen hồng vẫn giữ mãi hương vị thơm tho dù thân phận còn nương trong ao bùn nước đọng.

            Nguồn sống vĩnh cửu sẽ luân lưu để đổ về biển tịch diệt rộng thênh thang, cảnh giới vạn pháp đồng quy, rực rỡ sắc thái thường còn, an vui, bền bỉ và trong sạch thật sự./
                                                                                                                                                                                                             Trần Văn Lợi (9-08-2020)         

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn