TU TẠI GIA

22 Tháng Chín 202010:03 SA(Xem: 5626)
TU TẠI GIA

TU TẠI GIA

Bài viết của Huỳnh Chi

            Ca dao, Tục ngữ Việt Nam có câu:

“Thứ nhứt là tu tại gia,

Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.”

            Hay là:

“Tu đâu cho bằng tu nhà,

Thờ cha kính mẹ, mới là chân tu.”

           Thật vậy, ở chùa vì có nhiều thiện duyên, có đầy đủ điều kiện thuận tiện nên tương đối dễ tu. Ở chợ thì khó tu hơn một chút vì phải giữ lòng ngay thẳng, không gian manh, xảo trá, không lường cân tráo đấu…. Trong khi ở nhà vì công việc của người Phật tử tại gia thật là bề bộn và phức tạp, vừa lo sanh kế nuôi gia đình, phụng dưỡng Ông bà Cha mẹ… vừa lo học hỏi chánh pháp để tu thân, nên việc tu hành rất là khó khăn nếu so với người xuất gia, dựa thân vào cửa Thiền hoặc núi non am cốc.

            Quyển Ba tức Sấm Giảng (có người còn gọi là Sám Giảng) do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng tác vào cuối mùa Thu năm Kỷ Mão (1939) lúc Ngài còn ở Tổ Đình Thánh Địa Hòa Hảo. Nội dung của quyển nầy phần nhiều Đức Thầy dạy các phương cách tu tròn Nhân Đạo, vẹn đáp Tứ Ân để đền xong nợ thế…Ngoài ra, Ngài còn khuyên các môn đồ trong Tam Giáo nên bãi bỏ những nghi lễ thờ cúng rườm rà đượm mùi mê tín; thức tỉnh các Thầy lễ, Nhưn bông, Phù thủy sớm quay về với vô vi chánh Đạo. Đặc biệt, câu Sấm Giảng sau đây đáng để chúng ta mà hầu hết thuộc hạng tại gia Cư sĩ cần suy gẫm:

“Qua sông nhờ được cầu Lam,

 Tu hành nào đợi chùa am làm gì.”

            Đại ý câu Sấm Giảng nầy, Đức Thầy dùng điển tích “cầu Lam”, ý dạy người tu hành giải thoát, không luận phải tìm nơi Chùa, Miễu, Am cốc mà bất cứ nơi nào, dù ở thành thị hay miền quê thôn dã, miễn ai có căn duyên và nhiệt tâm hành Đạo là được.

            Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa chữ “cầu Lam”, sau đó phân tích xem tại sao Đức Thầy khuyên tín đồ của Ngài cứ “tại gia” tu hành, không cần gì phải có chùa chiền hay am cốc.

            Trước hết, cầu LAM là do chữ “Lam Kiều”, cây cầu bắc ngang dòng sông Lam, thuộc huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây bên Trung Hoa. Nơi đây, Bùi Hàng được gặp Vân Anh và sau thành Tiên. Trong “Thái Bình Quảng Ký” có ghi điển tích nầy như sau
            Đời nhà Đường (Trung Hoa) triều Mục Tông (821-825), có thư sinh Bùi Hàng, trên đường đáp thuyền đi Tương Hán, bất ngờ được cùng đi chung thuyền với nàng Vân Kiều, người đẹp vào hàng quốc sắc. Bùi Hàng nhờ người hầu gái của Vân Kiều đưa thư qua lại, nên được tiếp chuyện với Vân Kiều và được nàng tặng cho bài thơ:

“Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh,

Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh.

Lam Kiều tiện thị Thần Tiên quật,
Hà tất khi khu thượng Ngọc Kinh.”

Tạm dịch:

Uống rượu quỳnh tương trăm cảm sinh,

Huyền sương giã thuốc thấy Vân Anh.

Lam Kiều vốn thiệt nơi Tiên ở,

Hà tất băng đường đến Ngọc Kinh.

            Bùi Hàng xem thơ, còn chưa hiểu hết ý ra làm sao thì người đẹp đã mất dạng rồi. Về sau, Hàng vô tình đi ngang vùng Lam Kiều nhân thấy cạnh đường có ngôi nhà lá, trong nhà có một bà lão bện dây gai. Hàng bèn ghé vào xin nước uống, bà lão gọi Vân Anh đem nước ra mời. Hàng liền sực nhớ lại câu thơ Vân Kiều tặng, trong bụng lấy làm nghi. Uống nước xong, Hàng thấy lòng bâng khuâng, cảm sắc đẹp của Vân Anh đi không dứt, bèn giả bịnh xin ở lại, bà lão bằng lòng.

Tối đến, Hàng đem chuyện Vân Anh ra hỏi bà lão và ngỏ ý muốn đem hậu lễ đến đón nàng về làm vợ. Bà lão bảo: “Ta nay đã già, mọi việc chỉ nhờ cậy một mình Vân Anh là cháu gái. Trước đây thần tiên có cho ta một huờn linh dược cần có chày cối bằng ngọc để giã mới dùng được… Bao giờ nhà ngươi có đủ các thứ đó mang lại thì ta sẽ gã cho. Còn vàng bạc, gấm vóc ta không cần đến.”

            Nhờ lòng nhiệt thành và quyết chí đi tìm, Hàng được thần tiên tặng cho chày và cối ngọc nên cưới đuợc Vân Anh. Lão bà sau đó chỉ cho Hàng về cách công phu tu tập và bảo Hàng dùng cối chày đó tán thuốc Tiên trọn ba tháng. Khi làm thuốc xong, cả ba người cùng uống, họ đều được thành Tiên hết.

            Rõ ràng, nhờ lòng nhiệt thành và nhứt là do có căn duyên nên Bùi Hàng cưới được vợ và thành Tiên ngay tại cầu Lam mà không cần phải “băng đường đến Ngọc Kinh” xa xôi diệu vợi.

Do điển tích trên đây mà các Kinh sách xưa nay cùng các nhà văn, thường dùng từ ngữ cầu Lam, hoặc Lam Kiều, để chỉ con đường đưa đến cảnh Tiên.

            Trở lại câu “Qua sông nhờ được cầu Lam” đã cho ta biết ý chỉ của Đức Thầy: Cầu Lam chính là phương tiện (ví như pháp môn Học Phật Tu Nhân) giúp ta “qua sông” một cách dễ dàng (tức là từ bến Mê qua bên kia bờ Giác).

            Tuy nhiên, cũng theo lời Đức Thầy cho biết toàn thể tín đồ PGHH đều thuộc hạng tại gia Cư sĩ nên “Tu hành nào đợi chùa am làm gì” có nghĩa là muốn tu hành thì tại gia cũng được chớ không phải đợi xuất gia vào chùa mới gọi là đi tu; vì Ngài giải thích rằng: “Thế nên ở tại nhà, họ phượng thờ Đức Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh, răn lòng, ủng hộ các sư. Như thế họ cũng lần lần lên con đường giải thoát.” (Quyển Sáu – Tôn chỉ Hành đạo)

Bàn xét về vấn đề tu tại gia, trong Pháp Bảo Đàn Kinh (Phẩm thứ Ba: Nghi Vấn), Đức Lục Tổ giải nghi cho một số người cho rằng: muốn tu theo Phật, tất phải xuất gia, Tổ mới bảo: “Nếu muốn tu hành, tại gia tu cũng được, không cần xuất gia. Người tại gia làm lành giống như người ở phương Đông mà tâm thiện, còn người xuất gia làm ác giống như người ở phương Tây tạo tội.”

           Như vậy người tại gia mong vào chùa để được yên ổn tu hành, dứt bỏ những điều xấu dở, nhưng khi vào chùa lại không bỏ những điều xấu dở ấy, vẫn còn phiền não thì khi ấy sẽ chạy về đâu? Vì lẽ đó, Tổ khuyên chúng ta: “Ở đâu cũng tu được, miễn là biết làm lành và biết diệt trừ tâm xấu ác.”

            Chính Ngài đã sống chung với nhóm thợ săn suốt 15 năm dưới hình thức một Cư sĩ mà tâm Ngài vẫn thanh tịnh. Thế nên, Ngài dạy chúng ta ở chùa hay ở nhà mà biết tu cũng đều tốt và quý cả.

            Thứ Sử Vi Cừ lại hỏi rằng: “Người tại gia làm sao tu hành? Cúi xin Ngài chỉ dạy”.

          Tổ bảo: “Tôi vì đại chúng làm một bài tụng Vô Tướng, chỉ y đây mà tu, thường cùng tôi đồng ở không khác, nếu không tu như thế nầy dù có cạo tóc xuất gia, đối với Đạo cũng không có ích gì.”

Bài tụng “Vô Tướng” như vầy:

1. Tâm bình không nhọc giữ giới,  Hạnh thẳng không cần tu thiền,

2. Ân thì nuôi dưỡng cha mẹ, Nghĩa thì trên dưới thương nhau.

3. Nhường thì trên dưới hòa mục, Nhẫn thì các ác không ồn,

4. Nếu hay dùi cây ra lửa,  Trong bùn quyết mọc sen hồng.

5. Đắng miệng tức là thuốc hay,  Nghịch tai là lời ngay thẳng.

6. Sửa lỗi ắt sanh trí tuệ,  Giữ quấy trong tâm không hiền.

7. Mỗi ngày thường làm lợi ích,  Thành đạo không do thí tiền,

8. Bồ đề chỉ hướng tâm tìm,  Đâu nhọc hướng ngoại cầu huyền.

9. Nghe nói y đây tu hành,  Cực lạc chỉ ngay trước mắt.

            Tổ lại bảo: “Nầy thiện tri thức! Cả thảy phải y Kệ đây mà tu hành, nhận lấy tự tánh, thẳng đó thành đạo, Pháp không đợi nhau, mọi người hãy giải tán, tôi trở về Tào Khê, nếu thính chúng còn có nghi, đến đó hỏi nhau”.

Nhận thấy bài Tụng nầy có ảnh hưởng thiết thực cho người tu tại gia, chúng tôi xin ghi lại phần lược giải như sau:

            1.- TÂM bình ví như mặt nước phẳng lặng, không có gợn sóng, nghĩa là Tâm không động. Tâm không động thì đâu còn tạo nghiệp nữa mà phải trì giới. Sở dĩ chúng ta giữ giới là để ngừa Tham, Sân, Si; nếu như Tâm đã bình thì đâu còn ba thứ độc chướng nầy để mà ngừa. Thế nên “Tâm bình không nhọc giữ giới” là vậy.

Tổ còn nói: “Lòng Từ bi, tức là Quan Âm, lòng Hỉ xả tức là Thế Chí, lòng Năng tịnh (trong sạch) tức là Thích Ca, lòng Bình trực (bình đẳng và chánh trực) tức là Di Đà”.

Đức Thầy cũng nói rõ: “Biết tỏ ngộ ấy là gặp Đạo”, mà ai muốn được tỏ ngộ, tức phải lặng tâm: “Nếu lặng tâm tỏ ngộ Đạo mầu”. Hay là:

 “Nếu ai mà biết chữ tu trì,

  Tâm bình tịnh được thì phát huệ.”

     (Q.4. Giác Mê tâm kệ)

            Theo lịch sử Phật Giáo, Thái tử Sĩ Đạt Ta sau khi xuất gia đã trải qua nhiều năm đi tầm đạo và tu khổ hạnh, nhưng vẫn chưa đạt được đạo quả như ý muốn. Ngài tự bảo, cái đạo ấy không phải đi tìm đâu xa mà chính là phải đi tìm trong trí huệ sáng suốt của mình, nên Ngài:

 “Định tâm thần như nước mặt hồ,

  Suy với nghĩ, nghĩ suy đường lối.”

      (Q.4, Giác Mê tâm kệ)

            Và cứ thế, Ngài đã ngồi tham thiền nhập định suốt 49 ngày đêm dưới cội Bồ đề cho đến khuya ngày mùng 8 tháng Chạp âm lịch, lúc sao Mai vừa lố dạng thì Ngài “minh tâm kiến tánh”, hốt nhiên đại ngộ, thấy rõ được chơn lý của vũ trụ và nguồn gốc sanh tử của chúng sanh. Ngài đã thành Phật với danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật.

            - HẠNH ở đây cũng là Tâm (Tâm Hạnh). Hạnh thẳng là tâm không vướng bận bên nầy, không kẹt bên kia. Thường thường chúng ta hay dấy niệm chạy theo phải, quấy, tốt, xấu…đó là hai bên. Nhưng nếu Tâm ta ngay thẳng, không kẹt hai bên thì còn gì nữa mà tu Thiền? Tu Thiền là dứt Tâm vọng động, nếu Tâm vọng động không còn nữa, tu Thiền là dư, nên Tổ nói “Hạnh trực không cần tu Thiền.” Chính Đức Thầy xác nhận:

“Cho hồn linh yên lặng an cư,

 Thì mới được huờn nguyên phản bổn.” (Q.4)

            Ngài còn cho biết, việc tu chẳng đợi phải học giỏi hay thông suốt Kinh văn, nếu ai biết xoay về bản tâm của mình, lọc hết các vọng niệm tà quấy, tức được tỏ ngộ chơn tánh:

 “Lòng ngộ rồi chẳng đợi nhiều kinh,

  Thì cũng thấy bổn lai diện mục.”

             (Sa Đéc)

            2.- Về cách xử sự tại gia, Tổ dạy: “ÂN thì nuôi dưỡng cha mẹ, NGHĨA thì trên dưới thương nhau.”

            Nói về ÂN, trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật có dạy: “Người nào biết đền ơn, giả sử ở xa ta ngàn dặm, cũng như ở bên cạnh ta, người không biết đền ơn, dầu đứng hầu bên cạnh ta, cũng như cách xa ta ngàn dặm.” Ngài giải thích: “Không ân nào hơn ân cha mẹ, thân nầy có từ nơi cha mẹ, nên đem cả sanh mạng bù đắp cho cha mẹ cũng không phải là quá! Người biết ơn là phải nuôi dưỡng cha mẹ.” Người như vậy, đối với Tổ đó là người Tốt, còn đối với Phật đó là người gần với Phật. Điều nầy, Đức Thầy có dạy:

“Mẹ cha là kẻ trọng ân,

Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già.” 

(Q.3, Sám Giảng)

            Nói về NGHĨA, tình thâm nghĩa nặng nhất là tình nghĩa ruột thịt; không gì hơn tình nghĩa anh chị em, kẻ trên người dưới đều thương yêu nhau. Nếu tình thương ruột thịt không có thì tình thương xã hội khó mà có được. Điều căn bản mà Phật và Tổ dạy chúng ta là đối với cha mẹ phải lấy ÂN để đền đáp, đối với anh em phải lấy NGHĨA mà thương mến nhau, như lời Đức Thầy nhắc nhở:

“Anh em đừng có đổi dời,     

Phụ phàng dưa muối se lơi nghĩa tình.” (Q.3)

            3.- NHƯỜNG nhịn nhau thì anh em, trên dưới mới được hòa thuận. Còn người có tánh NHẪN thì những việc ác không còn làm ồn náo (tức quấy rầy) họ nữa. Do đó, Đức Thầy luôn nhắc nhở:

“Thêm kính nhường anh chị, kẻ cố tri,

  Mắt chẳng thấy lũ gian phi xảo trá.”

        (Không buồn ngủ)

Hoặc là:

“Ai chưởi mắng thì giả điếc,

Đợi cho người hết giận ta khuyên.

Chữ NHẪN hòa ta để đầu tiên,

Thì đâu có mang câu thù oán.” (Q.4)

            4.- Người tu tại gia hay gặp nhiều phiền não nhưng khéo tu thì cũng như trong bùn mọc lên hoa sen, dùi cây ra lửa vậy. Ở đây, ý Tổ muốn khuyến khích người Cư sĩ tại gia phải nỗ lực tiến tu dù ở hoàn cảnh khó khăn nào cũng không nên thoái chuyển mà phải biến dở thành hay. Nên chi Đức Thầy có nói:“Chịu cay đắng tu hành mới giỏi.” (Q.4) Hay là:

  “Đường đạo lý chớ nên chán nản,

  Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm.

  Phật Tây Phương thiệt quá xa xăm,

  Phải tìm kiếm ở trong não trí.” (Q.2)

Hoặc:

Phật tại Tâm chớ có đâu xa,

  Mà tìm kiếm ở trên non núi.” (Q.2)

            5.- Theo quan niệm xưa, thuốc hay tất phải đắng miệng, lời nói nghịch tai là lời ngay thẳng; tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng.” đều cùng một ý nghĩa. Do đó, nếu là người biết tu thì chúng ta nên tập làm sao, trước những lời nói trái tai, vẫn vui vẻ nghe để sửa mình, bởi vì chính đó là những lời ngay thẳng. Trên bước đường truân chuyên truyền Đạo, đôi khi Đức Thầy cũng bị người đời gièm pha, ghét bỏ vì Ngài dùng lời ngay lẽ thẳng mà giác tỉnh họ vào con đường Đạo đức. Cho nên Ngài than trách:

“Bởi vì lời lẽ thẳng ngay,

Cho nên chúng nó ghét bài phú thi.”

      (Thiên lý ca)

            6.- Người có lỗi mà che dấu là không phải người HIỀN; trái lại, người làm quấy mà biết sửa đổi là người có TRÍ TUỆ.

            Tóm lại, những lời dạy của Tổ vô cùng thực tế trong đời sống người tại gia Cư sĩ. Trên kính thờ cha mẹ, dưới thuơng anh em và nhường nhịn nhau cho trong nhà được vui vẻ, đem lại sự hòa mục, nhẫn nhịn để lòng mình hết ồn ào. Được như vậy thì mình như ở trong bùn mà mọc hoa sen, dùi cây ra lửa. Ngài còn dạy lời nói ngay thẳng tuy nghe rất trái tai nhưng có lợi, vì đó là lời trung thực cũng như thuốc đắng đã tật vậy; còn có lỗi liền biết sửa, đó là trí tuệ, có lỗi mà che dấu thì không phải là người hiền (tức là kẻ dữ).

            7.- Mỗi ngày thường làm những điều lợi ích cho mọi người, cho chúng sanh. Người tu không phải đem tiền bố thí mà thành Đạo; thành Đạo là do tu nơi Tâm mình cho được giác ngộ, còn bố thí tiền của chỉ là Phước ở bên ngoài, mong được quả tốt cho đời sau mà thôi. Vì vậy, Đức Thầy có dạy:

“Lập thân giúp thế nên công quả,

  Muôn kiếp danh hiền sách vẫn biên.”

        (Luận việc tu hành)

“Muốn cho rắn đặng hóa cù,

Xả thân làm phước Diêm phù vượt qua.”

        (Khuyên người giàu lòng phước thiện)

            8.- Bồ Đề chỉ cho tánh Giác của mình. Bồ đề phải hướng trong Tâm mà tìm, không nên nhọc công hướng ra ngoài mà cầu sự huyền diệu. Muốn giác ngộ phải ở ngay nơi Tâm mình, bên ngoài không có những huyền diệu đó. Trong Quyển 4 tức Giác Mê Tâm Kệ, Đức Thầy chỉ bảo:

 “Chữ Bồ Đề như cội bá tòng.

  Rán dưỡng nuôi chữ đó trong lòng,

  Thì là được định chừng diệu quả.”

Hay là:

“Rán tu cho quỉ khiếp thần khâm,

 Được tâm phát Bồ Đề vững chắc.”

        (Q.5, Khuyến Thiện)

            9.- Người nào y theo bài Kệ nầy mà tu hành thì cõi Cực Lạc ở ngay trước mắt.

            Tóm tắt, Đức Lục Tổ trước kia và Đức Huỳnh Giáo Chủ sau nầy đều cho rằng người tu tại gia nếu vượt thắng mọi khó khăn chung quanh hàng ngày như phụng dưỡng Ông Bà, cha mẹ, chăm sóc vợ con, công ăn việc làm, giao tiếp với đủ hạng người trong xã hội… vẫn có thể giác ngộ, giải thoát khỏi lục đạo luân hồi hay vãng sanh về Lạc quốc.

Đặc biệt, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tùy theo căn cơ và hoàn cảnh thích hợp với người tu hiện thời, nên lược kể những cương yếu, cho mỗi tín đồ tiện bề tu học đúng theo tôn chỉ của Đạo.

            Thêm vào đó, Ngài còn đưa ra nhận xét về hai hạng tu: xuất gia và tại gia đã có trong Đạo Phật từ trước. Để rồi Ngài xác định hầu hết môn đồ PGHH đều là hạng “tại gia cư sĩ học Phật tu Nhân”, mà chính Ngài đã nêu gương hạnh, trong đoạn giảng mở đầu của Quyển 5, Khuyến Thiện:

  “Ta là cư-sĩ canh điền,

Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành.

  Xa nơi tranh-đấu lợi-danh,

Giữ lòng thanh-tịnh tánh lành trau-tria.

  Gắng công trì niệm sớm khuya,

Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê”.

            Vì rằng xuất gia với hình thức suông, cũng chưa giải thoát luân hồi mà phải xuất gia bằng nội tâm, mới ra khỏi nhà lửa tam giới. Sở dĩ Ngài đề vạch tôn chỉ Học Phật Tu Nhân, là vì nếu người riêng tu Nhân mà không tu Phật thì chỉ tiến tới bực siêu nhơn thôi, chớ chưa thoát vòng sanh tử. Bằng chỉ tu Phật, chẳng hành xử Đạo Nhân, tuy được phần tự giác và nhàn tịnh, nhưng dễ bị kẹt vào tư tưởng tiêu cực, yếm thế; không thực hiện được tính từ bi cao thượng trong quảng đại quần chúng. Đã không đền được nợ thế, lại thiếu phần nhơn nghĩa phước đức, nên Đức Thầy hằng khuyên:

“Tu đền nợ thế cho rồi,

 Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen”. (Q.3)

Và:

“Bạch trinh giữ lấy nghĩa nhân,

 Muốn về cõi Phật, lập thân cõi trần.

            Vì vậy chúng ta có lập thân cõi trần mới trả xong nợ thế, và thiệt thi được lòng giác tha để đạt đến giác hạnh viên mãn, chứng thành Phật quả.

            Đức Thầy còn dạy: Việc tu khỏi cần phải trang diện hình tướng bên ngoài, như cạo đầu, mặc áo cà sa, bá nạp hay bồ đề chuỗi hột…miễn làm sao thi hành cho được cái Đạo làm người.

            Ngài Đạo Thanh Hòa Thượng nói: “Dục tu Tiên Đạo, tiên  tu Nhân Đạo; Nhân Đạo bất tu, Tiên Đạo viễn hĩ”. (Muốn tu đạo Tiên hay Phật, trước phải tu Đạo làm người; nếu Đạo người không tu thì Đạo Tiên hay Phật còn xa lắm vậy).

Lại nữa, Đạo Nhân như nấc thang đầu, Đạo Phật như nấc thang cuối, nếu chúng ta bước nấc thang đầu rồi đứng đó, ắt không bao giờ đạt được mục đích. Bằng muốn leo lên nấc cuối mà chẳng chịu bước nấc đầu, cũng không khi nào kết quả. Cho nên cả Đạo Nhân và Đạo Phật, người tín đồ PGHH phải đồng hành cho trọn vẹn và có thể nói đó là TU biết cách:

“Tu biết cách như đươn biết đát,

  Đươn đát rành được dựa Xe-Loan.”

            Chúng ta đều biết, muốn làm nên cái thúng để xài, nếu chỉ đươn mà không biết đát thì sẽ không thành cái thúng mà chỉ thành cái mê. Còn người tu biết cách thì phải thực hành đúng theo Tôn chỉ của Đức Thầy đã dạy, tức là hai phần “Học Phật” và “Tu Nhân” cần phải thiệt thi cho trọn vẹn. Trước hết lo đền đáp Tứ ân, diệt trừ Thập ác và rèn luyện các đức tánh tốt đẹp để hoàn thành phần Nhân Đạo, tức là trả xong nợ thế. Ấy gọi là đươn.

            Đồng thời phải nghiêm trì giới luật, thực hành theo các pháp môn tu Phật, như: Tứ Diệu Đề, Bát Chánh Đạo hoặc trì niệm Lục tự Di Đà v.v… tức gọi là biết đát. Nếu ai thi hành trọn vẹn hai phần kể trên thì chẳng những gần được “Bệ ngọc các lân”, mà còn được siêu sanh về Cực lạc, Niết bàn (tức hết ). Có được vậy mới gọi là người tu biết cách.

            Tóm lại, có tu Nhân mới trả xong nợ thế (tức là hình thức tu tại gia), vừa sinh hoạt đời thường vừa tu hành giữ giới nên có thể dứt nghiệp sanh tử và tạo được vô lượng phước đức để làm nền tảng trên đường giải thoát. Và có tu Phật mới diệt tận phiền não vô minh, để trí huệ phát khai, kiến tánh thành Phật, hoặc vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc hay hưởng quả Niết Bàn./.

Nam Mô A Di Đà Phật !

------------------------------------------------------------------ 

(1) Tam Giáo là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo.

Trong bài viết mang tên "TRÊN 100 NĂM PHẬT GIÁO BỬU SƠN KỲ HƯƠNG HÒA MÌNH THEO DÂN TỘC ĐỂ GIỮ GÌN DÂN TỘC TÍNH", nhà biên khảo HÀ TÂN DÂN đã đưa ra nhận định như sau:

“Cách đây trên 100 năm, vào thời mạt diệp của nhà Nguyễn, trong nước giặc giã rối beng, bên ngoài thì Quân Pháp nhiều phen gây khó dễ, toan xâm chiếm Việt-Nam làm đất Thực dân.

Trước tình thế đó, Triều Đình còn phải lo đối phó với sự rối bời của một xã hội đang lung lay tận gốc rễ.

Đạo Phật thì, chỉ còn là thuyết “Thầy cúng” các bực “Đầu tròn áo vuông” siêu độ cho người quá vãng bằng Xá hạt, Xá mã, đầu phướn, Ông Tiêu, trống kèn, chuông mõ chọi Đẩu rình rang, trong các cuộc Trai Đàn cất giá ăn tiền cũng như các nghề làm ăn khác.

Đạo Nho thì, rập theo khuôn thước khoa cử tầm chương trích cú: Văn, Thi, Chiếu, Chế, Biểu…ra công “thập niên đăng quả” để chờ cho đặng võng anh đi trước, võng nàng theo sau, chớ ít ai nghĩ đến việc dùng triết thuyết của Thánh Hiền mà hòa hợp thành cái thực học để Kinh bang Tế thế.

Đạo Tiên (hay Lão Giáo) thì những thuyết Cần, Kiệm, Liêm, Chính hoặc: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh.” (cái Đạo nói ra được thì không phải là Đạo, cái Danh có thể gọi được thì không phải là Danh) không còn ăn khách nữa, người ta cho rằng siêu thực quá, theo làm chi cho mệt ! Do đó, Đạo Giáo của Lão Tử chỉ còn là thuyết Thầy phù, thầy pháp, bóng rỗi, Ông lên Bà xuống…”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn