LỤC ĐỘ là gì ?

22 Tháng Chín 20202:39 CH(Xem: 7654)
LỤC ĐỘ là gì ?

LỤC ĐỘ là gì ?

                                                          Bài viết của PHAN THANH NHÀN

          Lục Độ, Lục Độ Ba la mật, Lục Đáo bỉ ngạn là từ ngữ do Trung Hoa dịch từ tiếng Phạn. Nguyên văn Phạn ngữ là Sadparamit. Sad là sáu. Paramit dịch âm là Ba la mật. Chữ Paramite dịch theo ý là Độ, có nghĩa là vượt qua, chính nghĩa là “Đáo bỉ ngạn”, tiếng Việt là bờ bên kia.

            Trong kinh A Hàm và kinh Trung Bộ có ghi như sau:

          “Nầy các Tỳ Kheo, ví như có người đi trên một đoạn đường dài đến một vùng nước rộng lớn, bờ bên nầy nguy hiểm, bất an; bờ bên kia yên ổn bình an, nhưng không có cầu bắc ngang cũng như không có thuyền bè để vượt qua từ bờ bên nầy đến bờ bên kia. Chỉ một cách người đó muốn qua bờ bên kia là phải thâu nhặt cỏ, cây, nhánh kết lại thành chiếc bè và nhờ chiếc bè nầy, người đó tinh tấn dùng tay chân làm lực đẩy bè vượt qua đến bờ bên kia một cách an toàn. Khi đến bờ bên kia rồi, người đó suy nghĩ:“Chiếc bè nầy lợi ích nhiều cho ta để vượt qua bờ bên kia an toàn; nay ta hãy đội nó trên đầu hay vác nó trên vai đi đến chỗ nào ta muốn”. Chư Tỳ Kheo, các ông nghĩ thế nào? Chư Tỳ Kheo, nếu người đó làm như vậy, thì có làm đúng sở dụng của chiếc bè không?

            - Bạch Thế Tôn, không đúng!

            Chư Tỳ Kheo, người đó phải làm thế nào cho đúng sở dụng của chiếc bè? Tại đây, chư Tỳ Kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ:“Chiếc bè nầy lợi ích nhiều cho ta, nhờ nó mà ta qua được bờ bên kia an toàn. Nay ta bỏ lại chiếc bè nầy trên khô hay nhận chìm xuống nước, rồi ta đi đến chỗ nào ta muốn”. Chư Tỳ Kheo, người đó làm đúng sở dụng của chiếc bè. Cũng vậy, Ta thuyết pháp cũng như chiếc bè nầy làm phương tiện vượt qua sông, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỳ Kheo, các ông nên hiểu ví dụ cái bè nầy! Chánh pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp.

            Đọc câu chuyện nầy, có mấy điểm chúng ta cần chú ý:

            * Bờ nầy và bờ kia: Bờ nầy ví cho thế giới Ta Bà mà chúng ta đang sống. Thế giới mà con người còn chất chứa đầy phiền não bởi tham lam, sân hận và mê si. Đối lại, bờ bên kia là cảnh giới Niết Bàn, cảnh giới của người đã giác ngộ và giải thoát như chư Phật, chư Bồ Tát là những người không còn tham, sân, si, dứt mọi khổ đau, phiền não, sống với bản tâm thanh tịnh, an nhiên tự tại. Đức Phật đã mượn sự cách biệt của hai bờ sông để ví cho sự dị biệt giữa hai cuộc sống của chúng ta và người đã giác ngộ, giải thoát.

            * Dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia: Ý nghĩa đề cao tinh thần phấn đấu và ca ngợi tính tự chủ của cá nhân không có thái độ ỷ lại nương tựa vào người khác.

            Đức Phật xác định Ngài có thần thông, nhưng Ngài cũng không có quyền giảm tội khổ cho con người đã gây nghiệp ác, cũng không thể ban bố cho ai có hạnh phúc. Ngài cũng từng dạy chúng sanh rằng tự tác tự thọ, tự mình gieo nhân thì thọ quả, không ai thay thế được. Chúng ta gọi Ngài là bậc cứu độ chúng sanh, nhưng chúng ta phải hiểu rằng Ngài chỉ là bậc Đạo Sư hay Pháp Vương, là người chỉ cho ta hai con đường đau khổ và hạnh phúc. Sự lựa chọn con đường nào để chúng ta đi là trách nhiệm của chúng ta chớ không phải trách nhiệm của Đức Phật. Cũng như chúng ta gọi Ngài là vị Lương Y hay Y Vương, vì Ngài biết rõ căn bệnh của chúng sanh và biết cách điều trị. Còn chúng ta muốn cho lành bệnh hay không là do chúng ta chớ không phải trách nhiệm của Đức Phật. Giáo pháp mà Đức Phật đã giảng dạy là những phương thuốc trị bệnh khổ của chúng sanh, nhưng chúng ta có thiệt hành lời dạy đó hay không là quyền của chúng ta.

            *Chiếc bè: là ngụ ý giáo pháp đã được Đức Phật giảng dạy suốt 49 năm nằm trong Tam Tạng Kinh điển. Ý nghĩa rằng, người muốn qua sông phải dùng thuyền bè. Nếu không có thuyền bè làm phương tiện thì khó có thể qua bờ bên kia. Cũng vậy, người muốn đến cảnh giới Niết Bàn của chư Phật phải lấy giáo pháp làm bước tiến tu thì mới thành tựu mục đích. Chiếc bè là phương tiện qua sông cũng như giáo pháp của Đức Phật là phương tiện đưa chúng sanh qua bờ giác ngạn, giải thoát.

            *Đội chiếc bè hay vác nó trên vai: biểu thị thái độ cố chấp của người vô trí. Cái gì không còn giá trị nữa lại không chịu buông bỏ, cứ bám giữ lấy rồi sinh ra khổ đau, không lợi ích gì. Cũng như khi qua sông rồi chiếc bè trở thành vô dụng, không nên có thái độ tri ơn, rồi trả ơn bằng cách đội chiếc bè trên đầu hay trên vai. Cách trả ơn như vậy không hợp lý đối với ý nghĩa của chiếc bè. Chúng ta là người đi trên đường đạo nên có tư tưởng cởi mở không nên cố chấp.

            *Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua sông, không phải để nắm giữ lấy: mang ý nghĩa giáo pháp của Đức Phật chỉ là phương tiện. Cái phương tiện đó là cách giáo dục mà Ngài mượn ngôn ngữ của thế gian để gởi vào trong đó ý nghĩa đích thực mà Ngài muốn trao truyền cho chúng ta. Cái không còn có giá trị thì nên bỏ là thái độ cần thiết và sáng suốt. Như câu “Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan, ly Kinh nhứt tự tức đồng Ma thuyết”: Y vào hình thức chữ nghĩa của Kinh giải thích nhưng lại không hiểu tinh thần giáo dục của Phật thì cách giải thích đó thật oan cho Đức Phật. Ngược lại, không căn cứ vào Kinh điển để diễn giải ý nghĩa lời Phật muốn dạy, lại tự mình suy diễn nói ra, cho rằng Phật dạy thế nầy thế kia, Đức Phật gọi đây là Ma thuyết chớ không phải Phật dạy.

            *Chánh pháp còn bỏ đi, huống chi là phi pháp: câu nầy hiểu theo tinh thần XẢ trong đạo Phật là lấy trí tuệ làm điểm tựa để quyết định vấn đề, nên Xả hay không nên Xả, không phải do Vô minh quyết định. Ở đây, khái niệm Xả được Đức Thầy giảng dạy mang ý nghĩa khi sự kiện không còn giá trị thì mới Xả bỏ, không phải cái gì vẫn còn giá trị cũng Xả cũng bỏ. Hành động như vậy là Xả bỏ theo Vô minh, không phải ý nghĩa Xả chân chính trong đạo Phật. Có người còn lập luận rằng còn chấp trước là còn khổ đau, không thể giải thoát được, không thể thành Phật được, rồi tỏ thái độ ngông cuồng đến độ Phật pháp cũng xả bỏ. Nghe qua thì có lý, nhưng xét kỷ nó không có liên hệ gì đến khái niệm xả trong cách tu tập trong đạo Phật. Ta nên hiẻu câu “Như ý tác lý, phi lý tác ý” như thế nào? “Như ý tác lý” có nghĩa là suy tư của con người phù hợp với đạo lý của đối tượng mà con người suy tư, ý thức và thực tế phải phù hợp với nhau. Đó là nhận thức của con người có trí tuệ, của người giác ngộ. “Phi lý tác ý” là sự suy tư không đúng, nghĩa là cách suy tư của mình không phù hợp với thực tế. Thực tế như thế nầy lại nghĩ như thế khác. Sự khác biệt giữa suy tư và thực tế là nguyên nhân dẫn đến đau khổ.

          Thực tế cho chúng ta biết rằng cái thân ngũ uẩn là không thường còn, nhưng muốn trở thành bậc Thánh Hiền cũng phải nhờ thân ngũ uẩn. Nếu nói xả bỏ thân nầy, đói không cho ăn, khát không cho uống, lạnh không cho quần áo mặc thì lấy gì làm phương tiện tu tập. Chữ Xả trong đạo Phật là khuyên chúng ta xả bỏ những gì có liên hệ đến trí tuệ, như xả bỏ tâm tham lam, sân hận, mê si. Đức Phật dạy chúng ta xả bỏ là loại bỏ những gì xuất phát từ tâm. Như miệng nói xả nhưng tâm cố bám giữ, nó không phải là cái xả trong đạo Phật. Có một điều chúng ta cần phải hiểu, khi chúng ta chưa giác ngộ mà nói xả bỏ Kinh Luật, chẳng khác nào người chưa qua sông mà đòi bỏ thuyền bè.

            Đức Huỳnh Giáo Chủ thuyết:

Chúng sanh mê nên đem pháp thuyết,
Đắc đạo rồi pháp bất khả dùng.

            Cũng cùng ý nghĩa như trên.

          Đức Huỳnh Giáo Chủ dẫn dắt chúng sanh tu hành theo tinh thần Bồ Tát đạo, là nhập thế cứu độ chúng sanh. Ngài cũng cho chúng ta biết:

“Từ ngàn xưa Phật pháp gài then,
                           Nên ít kẻ tu hành đắc Đạo”.
  Cho nên trong thời mạt pháp nầy, như Ngài nói:
“Đạo mở cửa bày câu minh mục,
  Nước Ma Ha tưới tắt lòng phàm.”
  Và Ngài còn nói:
“Ngọn bút sắt chỉ đường người tối,
  Gậy kim cang đưa chúng lên đường”.
  Hay:
“Nay rừng bụi có người mở ngõ,
 Thì nương theo dấu thỏ đàng dê”.
  Cũng như Ngài nói lòng bác ái của Ngài chứa đựng trong toàn bộ giáo lý của Ngài:
“Lời Thầy dạy thật là cặn kẽ,
  Bao nhiêu tình bác ái góp tom”.

            Như vậy tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã quy y, đã tiếp thu học hỏi nhuần nhuyển giáo lý của Đức Tôn Sư thì phải thể hiện tinh thần nhập thế đúng với nghĩa của “giúp thế độ đời”, “gây mối thiện duyên” để “lần lần trí tuệ mở mang, cõi lòng sáng suốt”.

          Tinh thần nhập thế thiết thực chính là bố thí, pháp đầu tiên của Bồ Tát đạo trong “Lục Độ Ba-la-mật” như Ngài khuyên:

“Đồ lao muốn lánh sớm nghe ta,
  Bố thí, trì chay, giữ giới mà.
  Phật đạo trau dồi tâm tánh lại,
  Giác thuyền chuyên chở lúc can qua”.

            1.- BỐ THÍ là pháp thứ nhứt của Lục Độ:

Bố thí là cho, giúp đỡ kẻ khác, còn mang ý nghĩa là Xả. Công năng của Bố thí như lời Đức Huỳnh Giáo Chủ thuyết:

“Muốn trừ tham phải liệu cách nào,
  Phải bố thí diệt lòng ích kỷ”.

Bố thí được chia ra làm ba loại: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.

            -Tài thí là dùng tiền tài, vật chất để giúp người khác, như thiếu ăn thì cho thức ăn, thiếu mặc thì cho quần áo, gặp cơn phong hàn cho chăn mền đắp, đau yếu cho thuốc uống; đó là cách thể hiện lòng từ bi, gần gủi họ và có cơ hội dạy Phật pháp cho họ, như lời Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ bảo:

   “Giúp người đói khó nhu mì,
Dạy nó tâm trì niệm Phật làm ngay”.

            Ngài cũng kêu gọi hết thảy mọi người thể hiện tình tương thân tương trợ, như Ngài khuyên:

“Khùng cả tiếng kêu dân ơi hỡi,
Hãy giúp cho kẻ đói mới nhằm.
Đến loạn ly khổ hạnh khỏi lâm,
Còn hơn đúc chuông đồng Phật bự.
Chẳng làm phước để làm hung dữ,
Rồi vào chùa lạy Phật mà trừ.

            Công năng của tài thí như lời Đức Huỳnh Giáo Chủ thuyết:

Chết rồi bỏ của bơ vơ,
Chi bằng làm phải truyện thơ ghi đời.
Xác phàm còn mấy lăm hơi,
Hỏi vay có một mà lời năm ba.
Của dư cho mượn mới là,
Hảo tâm bố thí Ngọc tòa được lên.
Chê nghèo, giàu nọ đâu bền,
Chi bằng bố đức lập nền từ bi.
Con hiền khá sớm hồi qui,
Nghe lời Phật dạy kịp thì bớ dân.”

            - Pháp thí là dùng Phật pháp, đạo lý giác ngộ, giải thoát giảng dạy chúng sanh, khiến họ hiểu Phật pháp, giảm bớt đau khổ, tăng trưởng hạnh phúc để lo tu hành, Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên ta như sau:

Phật Tiên Thánh lòng nhơn hà hải,
Những ước ao thế giới hòa bình.
Nên khuyên đời truyền bá sử kinh,
Cho sanh chúng sửa mình trong sạch.
Hay:
Cả tiếng kêu cùng khắp chư tăng,
Với tín nữ, thiện nam Phật Giáo.
Nên cố gắng trau thân gìn Đạo,
Hiệp cùng nhau truyền bá Kinh lành.
Làm cho đời hiểu rõ thinh danh,
Công đức Phật từ bi vô lượng.
Đồng dẹp bớt âm thinh sắc tướng,
Lo chấn hưng Phật pháp mới là.
Công năng của Pháp thí như lời Đức Huỳnh Giáo Chủ thuyết:
Ai làm phước in ra mà thí,
Thì được nhiều hạnh phúc sau nầy.
Vì:
Kẻ xa xôi có lòng ái mộ,
Xem Kệ nầy tu tỉnh tại nhà.
Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc.

            -Vô úy thí là làm cho chúng sanh không sợ hãi, gần gũi chúng sanh bằng cách đem tính mạng ra đỡ hay bảo vệ cho người được an vui. Vô úy thí là đừng làm những việc gì không có ích lợi cho chúng sanh hoặc những việc mà họ không kham nổi, trong đó có cả việc quyên góp hoặc nói những gì mà họ không muốn nghe. Nếu chúng ta là những người vì Đạo pháp, đưa Phật pháp đến mọi người và mọi người đã hiểu Phật pháp thì những nhu cầu vật chất để làm phương tiện hoằng dương chánh pháp sẽ đến một cách dễ dàng. Chỉ e rằng Phật pháp chưa đến mà nhu cầu quá nhiều sẽ làm chết hạt giống Bồ đề trong lòng mọi người.

            Bố thí được đặt trên cơ sở của người biết giác ngộ, cho nên của bố thí cũng nhằm vào làm cho người được bố thí bớt khổ. Theo tinh thần Phật giáo, lấy tâm bình đẳng, không phân biệt để bố thí.

Đức Huỳnh Giáo Chủ cho chúng ta một phương châm để hành hạnh Bố thí:

Giúp đời đừng đợi trả ơn,
Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng.

            2.- TRÌ GIỚI là pháp thứ 2 của Lục Độ:

            Tinh thần giữ giới luật của nhà Phật rất giản dị, vì người tu tập chỉ cần tuân thủ câu “chư ác mạc tác” nghĩa là không nên làm bất cứ việc ác nào là đủ nghĩa của giữ gìn giới luật. Tất cả những việc làm từ hành vi đến lời nói xuất phát từ Tham, Sân, Si đều gọi là ác. Vì chúng sanh căn cơ trình độ còn kém cõi không phân biệt được thiện ác, nên Đức Phật mới phương tiện qui định thành giới điều để họ căn cứ vào đó mà trì giới. Nếu không có những qui định cụ thể họ không biết phải làm sao. Mỗi khi Đức Phật chế định ra giới điều nào, đều tùy vào hoàn cảnh không gian và thời gian khác nhau, xã hội khác nhau, con người khác nhau.

            Giới điều của nhà Phật nhằm mục đích giúp con người tu tập đến chỗ giác ngộ, giải thoát. Giới luật của nhà Phật không phải cột trói con người không cho làm điều gì, mà có xu hướng dẫn con người đến giải thoát. Nếu ai hiểu được tinh thần giáo dục của Đức Phật thì bất cứ hành vi nào trong khi đi, đứng, nằm, ngồi đều không đi ra ngoài giới luật. Trái lại, người không hiểu tinh thần giáo dục của Đức Phật dù cho có trói tay chân không cho cử động hay nhốt trong lồng sắt, người ấy vẫn phạm giới của nhà Phật, là Mê Si.

              3.- NHẪN NHỤC là pháp thứ 3 của Lục Độ:

Nhẫn có nghĩa là kham nhẫn, nhẫn nại chịu đựng. Người có trí tuệ khi gặp nghịch duyên như bị nhục mạ vẫn nhẫn chịu không lòng hờn giận, ngược lại có lòng thương hại kẻ nhục mạ mình. Người có lòng kham nhẫn là người làm việc gì cũng dễ thành công, không chán nản, không bỏ cuộc. Người tu học theo đạo Phật cần phát huy đức tính nầy. Tính kham nhẫn là phấn đấu làm người tốt, việc tốt, chớ không phải nhẫn nhục làm việc bất thiện. Làm việc phi pháp, không chịu lắng nghe, không nhận khuyết điểm, tiếp tục việc làm bất thiện, mặc cho người đời chê trách. Thái độ như thế không phải là tự nhẫn nhục trong tinh thần Ba-la-mật của đạo Phật.

            Trong kinh Hoa Nghiêm có ghi:“Nhứt niệm tâm sân khởi, bá vạn chướng môn khai”, có nghĩa là một niệm sân hận nổi lên thì trăm muôn cửa nghiệp chướng đều mở rộng.

Sách của đạo Nho cũng có chép:“Nhứt tinh chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh chi sơn, bán cú phi ngôn ngộ tổn bình sanh chi đức”, nghĩa là một đóm lửa con có thể đốt cháy muôn khu rừng núi, nửa câu nói quấy làm mất cả đức hạnh bình sanh của mình.

            Các bậc Thánh cũng khuyên người đời nhẫn nhịn:“Nhẫn, nhẫn, nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận; nhiêu, nhiêu, nhiêu, thiên tai vạn họa nhất tề tiêu”, nghĩa là nhịn, nhịn, nhịn thì bao nhiêu oan trái đều dứt; dung, dung, dung thì bao nhiêu tai họa đều tiêu.

             Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dạy người tu hành về đức Nhẫn qua bài thi bằng Việt Hán với nhan đề “Bát Nhẫn”:

Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền,
Nhẫn giái kỳ tâm thận thủ yên,
Nhẫn giả hương lân hòa ý hỉ,
Nhẫn hòa phu phụ thuận tình duyên.
Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc,
Nhẫn tánh niên niên đắc bảo truyền.
Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự,
Nhẫn thành phú quới vĩng miên miên.

            Để làm sáng tỏ ý nghĩa bài thi Bát Nhẫn trên, chúng tôi xin nêu ra phần diễn ý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, khi Ngài viết quyển thứ Tư tức “Giác Mê Tâm Kệ”, để cho mọi người thông đạt được đạo Nhẫn:

Rồi hành luôn Bát Nhẫn mới là,
Thì muôn việc đều an bá tuế.
Chữ thứ nhứt Nhẫn Năng Xử Thế,
Là người hiền khó kiếm trong đời.
Lập thân danh tuần trải nơi nơi,
Chờ thời đại mới là khôn khéo.
Chữ Nhẫn Giái trì tâm trong trẻo,  
Khuyên dương trần giữ phận làm đầu.
Nhẫn Hương Lân cùng khắp đâu đâu,
Trên cùng dưới đều hòa ý hỉ.
Nhẫn Phụ Mẫu gọi trang hiền sĩ,
Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau.
Nhịn xóm chòm cô bác mới cao,
Nhẫn Tâm nọ ngày ngày an lạc.
Nhịn tất cả những người tuổi tác,
Nhẫn Tánh lành yên tịnh dài lâu.
Giữ một lòng hiền hậu mới mầu,
Quanh năm cũng bảo toàn thân thể.
Chữ Nhẫn Đức kể ra luôn thể,
Thì trong đời vạn sự bình an.
Chữ Nhẫn Thành báu quí hiển vang,
Khắp bá tánh được câu hòa nhã.

            Trong giáo lý của Đức Huỷnh Giáo Chủ, Ngài thường nhắc nhở chúng ta đừng quên chữ “Nhẫn” trong cách hành xử việc đời hay việc đạo:

Sân si phỏng có điều thêm bận,
Nhẫn nhịn ắt không chuyện kéo dài.
Hay:
Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,
Đợi cho người hết giận ta khuyên.
Chữ Nhẫn hòa ta để đầu tiên,
Thì đâu có mang câu thù oán.
Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng,
Chữ từ bi ta diệt nó liền.
Sự oán thù đáp lại chữ hiền,
Thì thù oán tiêu tan mất hết.
Hay:
Rán nhẫn trăm phần dù khó nhẫn,
Dạ thưa quan chức phận làm dân.
 
Làm dân bá Nhẫn thị lương hiền,
Chữ Nhẫn lời truyền Phật, Thánh, Tiên.
Gương trước Hớn, Tần, Hàn Tín nhẫn,
Đã không khổ lụy khỏi ưu phiền.
Hoặc:
Tha thứ kẻ lỗi lầm ngu xuẩn.
Và nhẫn nhịn đừng ham tranh luận,
Khỏi mất lòng tất cả mọi người.
Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi,
Vậy mới đáng tín đồ Phật Giáo.
Nay ta đã quy y cầu Đạo,
Gây gổ là trái thuyết từ bi.
Hay:
Theo học Đạo mặc ai mai mỉa,
Ta cũng đừng gây gổ với người.

            Trong Kinh lời dạy cuối cùng của Đức Phật, Ngài để lại lời dặn dò cho các đệ tử trước giờ phút ra đi:“Nầy các đệ tử, nếu có ai xúc phạm, thương tổn thân thể các vị, các vị nên kiềm chế tâm mình, đừng để lửa sân hận thiêu đốt. Lại phải giữ lời ăn, tiếng nói, đừng buông lời ác độc để trả đủa ai. Tâm sân hận nổi dậy sẽ làm băng hoại đạo nghiệp, cháy hết công đức tu tập. Đức tính kham nhẫn thì giữ giới và khổ hạnh, không có gì sánh bằng. Thực hành đức nhẫn mới xứng đáng là bậc Thượng Nhơn có sức mạnh. Người nào chưa có thể chịu đựng sự nhục mạ một cách hoan hỉ, như uống cam lồ, thì chưa thể xứng danh là người vào Đạo có trí. Sự sân hận sẽ thiêu hủy tất cả pháp lành, nó nguy hiểm hơn lửa dữ. Các vị phải canh phòng cẩn mật, đừng cho sân hận thâm nhập. Trong các loại giặc cướp công đức thì sân hận là nguy hiểm nhất. Người thế gian sống thọ hưởng dục lạc, thiếu phương pháp chế ngự, nếu có sân hận thì có thể tha thứ được. Người xuất gia hành đạo loại bỏ mọi thú vui của đời mà không loại bỏ được sân hận thì thật đáng trách, cũng giống như bầu trời quang đãng mà có sấm sét nổi lên là điều không thích hợp”.

            4. TINH TẤN là pháp thứ tư của Lục Độ:

          Tinh là chuyên ròng, không xen tạp; Tấn là siêng năng tiến tới. Việc tu học và hành đạo của người tu là phải tinh chuyên và cần mẫn. Mỗi người tu là tu cho chính bản thân, âm thầm trong tâm, chớ không phải khoe khoang cho người khác thấy. Nếu chỗ đông đảo ta làm ra vẻ như tinh tấn tu hành, oai nghi, phép tắc; khi không có ai lại chểnh mảng trong công phu, đó là chấp tướng, như thế chưa phải thật sự tinh tấn. Tinh tấn là điều kiện cần thiết hỗ trợ cho người tu hành. Trong cuộc đời mỗi người có nhiều thành công cũng như thất bại. Thành công ta không nên sanh tâm ngã mạn, lúc thất bại không thối chí ngã lòng, cho nên việc tu cũng vậy dù mau hay chậm ta cũng có sự tiến bộ.

Tinh tấn phải thường xuyên, như ta thấy dòng nước chảy làm mòn tảng đá. Cũng vậy, dòng nước tinh tấn sẽ làm tiêu đi cục đá vô minh. Chúng ta cũng không nên có lúc quá siêng năng, nhưng có lúc bê trễ thì sự tu hành khó đạt được kết quả mong muốn. Chúng ta cũng không có gì đặc biệt tỏ vẻ khác đời, chỉ cần sống đời đạo hạnh bình thường, không lười biếng trong công phu tu tập, đều đặn ngày nầy qua ngày khác là đi đúng theo nẻo đạo.

            Tinh tấn cần có sự hỗ trợ của ý chí và nghị lực mạnh mẽ. Trên đường tu học cũng không phải mọi người đều cư xử tốt đẹp, mọi việc thuận chiều như ý. Khi mới phát tâm tu, nghị lực còn kém, ít bị Ma vương quấy nhiễu. Nhưng khi đường tu tiến lên thì ngũ dục lôi cuốn, nghịch duyên càng kéo đến liên miên. Nếu không có ý chí mạnh mẽ, nghị lực vững vàng, người ta khó vượt qua chướng ngại đó.

            Đức Huỳnh Giáo Chủ luận giải và khuyên chúng ta trong mục Tinh Tấn như sau:

“Phái vô-thần-luận thường cho rằng thân xác tức con người. Thân còn tức người còn, thân mất, người mất. Không có Thánh, Thần, Trời, Phật, không quả-báo luân-hồi; cũng chẳng có tội, có phước, có vía, có hồn. Đời là thân xác con người, sống là tranh đấu, mạnh được yếu thua. Thế nên biết bao nhiêu mánh-khóe gian-hùng, bao nhiêu ngón điêu-ngoa xảo-trá, bao nhiêu tàn bạo ngược-ngang đều được đem ra dùng cả thảy”.

            “Vì vậy mục Chánh tinh-tấn nầy khuyên hãy rán giữ đức-tin cho mạnh mẽ. Dầu các thị dục có lớn lao thế mấy, dầu cho có sức lực gì cám dỗ hay bức bách bỏ lòng tín-ngưỡng Phật Trời đặng theo việc khác, các sự ấy cũng chẳng thế lôi kéo được. Và ta luôn luôn phải nhớ đến công cuộc cứu vớt quần-sanh thoát nơi khổ-hải của Đức Thế-Tôn, phải nhớ rằng sanh-linh đang chìm đắm trong bể hồng-trần, rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng sanh chịu khổ thì ta cũng phải khổ vì họ vậy, rằng ta có cái bổn phận giác ngộ trần-gian bỏ những oan trái luân-hồi cay nghiệt. Muốn thế trước hết phải tìm phương tự-giác, nhắm cảnh Niết-Bàn tấn tới; quyết chí tu hành đắc thành Đạo quả hầu dắt dìu bá-tánh thập phương xa miền tục-lụy. Người bỏ hết các sự rầu buồn các điều tà vạy, dẹp lục căn, lục-trần và rán làm cho tinh-thần được thêm sáng suốt, rèn luyện các đức tánh cho thiện-mỹ: yên-tịnh, hỉ-lạc, nghiêm-trang quyết gắng công phu, một lòng bước tới Niết-Bàn đặng có tế-độ chúng-sanh thoát khỏi luân-hồi quả-báo”.

            Và Ngài cũng viết tiếp như:

Chánh Tinh Tấn dầu thành hay bại,
Cứ một đường tín ngưỡng của mình.
Dầu cho ai phá rối đức tin,
Ta cũng cứ một đàng đi tới.

          Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật cũng dạy:“Nầy các đệ tử, ban ngày thì nỗ lực tu tập pháp lành, cuối đêm cũng không luống bỏ. Giữa đêm tụng niệm tu trì. Đừng vì chuyện ngủ, nghỉ mà để cuộc đời trôi qua vô ích. Hãy tâm niệm rằng ngọn lửa vô thường đang đốt cháy thế gian, để tự tinh tấn độ mình, khắc phục sự lười biếng, ngủ nghỉ. Giặc phiền não luôn luôn rình rập giết các vị, còn nguy hiểm hơn kẻ thù, làm sao các vị có thể mặc tình ngủ nghỉ mà không cảnh giác! Phiền não ngủ trong tâm người cũng như rắn độc nằm trong nhà, phải dùng móc sắt giới hạnh mà lôi kéo nó ra gấp. Rắn độc ra rồi ta mới an tâm ngủ nghỉ. Rắn độc chưa ra mà ta mãi mê ngủ nghỉ thì thật là người không biết hổ thẹn”.

          Đức Phật cũng dạy tiếp: “Nầy các đệ tử, nỗ lực tinh tấn thì không việc gì khó khăn! Thế nên các vị phải siêng năng tinh tấn như như giọt nước thường nhỏ có thể xuyên thủng đá. Người tu hành mà biếng nhác thì khác nào như người cọ cây lấy lửa, cây chưa kịp nóng đã nghỉ, dầu tha thiết được lửa, lửa cũng không vì thế mà có được. Hãy siêng năng tinh tấn không dừng”.

            Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng khuyên chúng ta hãy dũng mãnh tiến bước trên con đường tu tập chớ thối chí ngã lòng:

Rèn lòng giữ dạ sắt đinh,

Đừng phai đừng lợt thân mình thảnh thơi.
Vì:
Tu hành nhiều kẻ chẳng ưa,
Mặc ai gièm siểm sớm trưa chẳng màng.
Hay:
Ai thương ai ghét mặc tình,
Phận mình cứ giữ tâm mình cho ngay.
Để rồi nhắm thẳng một đường đi tới:
Bước tới hùng ca bước tới hoài,
Đạo đời hủy báng mặc tình ai.

            5. - THIỀN ĐỊNH là pháp thứ 5 của Lục Độ:

Nội dung của thiền định là an định nội tâm không cuồng quay theo trần cảnh. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng giải nghĩa thiền định như sau:“Ngoài không chấp dính vào các cảnh là Thiền, trong không loạn động tức Định. Nếu chấp cảnh tâm biến loạn, lìa cảnh tâm được thanh tịnh; chỉ vì thấy cảnh liền chấp theo cảnh nên sanh loạn động. Nếu chúng ta thấy cảnh mà tâm không loạn động mới thiệt là chân định. Ngoài không chấp cảnh tức Thiền, trong không loạn là Định. Ngoài thiền trong định gọi là thiền định”.

            Thiền định không nhất thiết phải ngồi, mà ở bất cứ mỗi lúc mỗi nơi. Trong cuộc sống văn minh khoa học tiến bộ, tiện nghi vật chất tranh đua làm cho con người căng thẳng thần kinh, càng làm mất đi sự an định cho sức khoẻ tinh thần. Bệnh tật do tinh thần kéo theo bệnh về thể chất, nên thiền định là phương thuốc có thể điều trị được những bệnh về thân và tâm.

            Thiền định giữ tâm người bình thản trước phong ba bão táp của cuộc sống. Những tình huống xảy ra hàng ngày ví như tám ngọn gió mà từ trong nhà Phật gọi là Bát phong: Lợi (thu được tài sản), Suy (hao tài tốn của), Hủy (bị hủy báng), Dự (được ca tụng), Xưng (được khen tặng), Cơ (bị chê bai), Khổ (làm buồn khổ), Lạc (được vui vẻ). Tám ngọn gió nầy thổi qua để thử thách người tu hành không lay chuyển thì cơ may sẽ đạt Đạo.

           Thiền định cũng là phương tiện để trí huệ phát sinh. Không có thiền định thì không có trí tuệ, không có tuệ thì không phá vỡ được màn vô minh để Phật tính hiển lộ.

            Thiền định giúp con người có trí nhớ tốt, bình tỉnh trước mọi việc, giúp con người có sức khoẻ tốt, không nóng giận, giữ hạnh phúc gia đình. Thế nên chúng ta cần tu tập thiền định. Đức Huỳnh Giáo Chủ luận giải về thiền định như sau:

“Con người thường hay có những ý định làm cho mình được sáng thêm lên, được giàu thêm lên, được sung sướng thêm lên... nghĩa là những ý-định hoàn-toàn nhỏ-nhen thấp thỏi. Họ không hiểu rằng cuộc đời là giả tạm, nay vầy mai khác, thân-thế lạc-luân, của cải gia-tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo. Những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người này rồi đến người khác... rồi đến người khác nữa, nghĩa là tất cả Nhân-Loại không thiếu sót một ai. Thế mà, họ vẫn cuống-cuồng tâm trí theo bả lợi-danh, mùi phú-quí, đi theo những vặt-vụn, tiểu-ti, eo-hẹp.

            Họ không chịu hiểu rằng ngoài kiếp sống phù-du của trần-thế, có cái gì không di không dịch, vĩnh-viễn trường tồn. Nếu lấy sự Thiền định phá tan màn u-minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn, hết khổ, hết quả báo luân-hồi. Và khi ta dùng sự chánh-định dẹp bỏ hết các sự phiền-não rầu buồn, phá tan các làn sóng thị-dục lôi kéo vào những nẻo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt, không nhiễm ô cảnh ngoại, dứt tuyệt hết phàm trần, lần bước đi đến cõi Giải-thoát”.

            Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật cũng dạy:“Nầy các đệ tử, nhiếp được tâm ý là làm cho tâm an trụ vào định. Tâm trụ thiền định thì sẽ thấu triệt được trạng thái sinh diệt, biến chuyển của thế giới. Các vị phải tinh tấn tu tập thiền định. Tâm định thì trạng thái chao động, tán loạn sẽ tiêu mất cũng như người biết cách giữ nước thì phải bảo vệ tốt đê điều. Cũng vậy muốn có nước trí tuệ, các vị phải khéo tu tập thiền định, không để cho rỉ chảy”.

            6. TRÍ TUỆ là pháp thứ 6 của Lục Độ:

            Đạo Phật là đạo giác ngộ. Đức Phật là bậc giác ngộ vô thượng, nên tất cả những người con Phật đều xem sự giác ngộ là sự nghiệp hết cuộc đời. Dù tu theo pháp môn nào cũng đặt trí tuệ lên hàng đầu. Nếu gọi đầy đủ là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Đức Lục Tổ Huệ Năng giảng như sau:

            “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật là tiếng Phạn, người Trung Hoa dịch: Đại trí huệ đáo bỉ ngạn, nghĩa là trí tuệ lớn, đến bờ bên kia, tức bờ giác. Việc tu do tâm hành chớ chẳng do miệng nói. Miệng nói mà tâm không hành thì như mộng như ảo, như biến hóa, như sương mù, điện chớp. Miệng niệm tâm hành thì lòng và miệng hợp nhau. Chơn tánh mình là Phật, lìa tánh không có Phật”.

            “Chơn tánh của mình có khả năng dung chứa tất cả cảnh vật nên gọi rộng lớn. Các cõi đều ở trong chơn tánh con người. Không chứa chấp trong lòng việc ác, điều lành của người khác, không giữ bỏ, không nhiễm mắc, vẫn bình lặng như không trung rộng bao la, đó gọi là Ma Ha”.

            “Sao gọi là Bát Nhã? Đó là tiếng Trung Hoa, có nghĩa là trí huệ sáng suốt. Tất cả nơi chốn, bất cứ thời gian, các niệm tưởng không mê, thường hành sáng suốt, đó là hạnh Bát Nhã. Một niệm tưởng hôn muội là Bát Nhã dứt, một niệm tưởng sáng suốt Bát Nhã liền sanh”.

            “Bát Nhã không hình tướng, tâm sáng suốt là Bát Nhã. Nếu hiểu rõ như thế tức trí Bát Nhã.”

          “Sao gọi là Ba La Mật? Đó là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa dịch: đáo bỉ ngạn tức bến bờ bên kia, nghĩa là giải thoát, lìa sanh diệt. Chấp cảnh thì sanh diệt nổi lên, như nước dậy sóng là bờ bên nầy. Lìa cảnh sanh diệt dứt, nước lưu thông, là đến bờ bên kia, tức lìa sanh diệt, gọi là Ba La Mật.”

           “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, tối cao, tối thượng là đệ nhứt, không trụ, không đến, không tới lui, ba đời chư Phật nương đây tu hành. Nên dùng đại trí huệ chiếu sạch ngũ uẩn và các phiền não trầm lao, biến ba độc:Tham, Sân, Si thành Giới, Định, Tuệ, tu hành như vậy nhứt định viên thành Phật quả.”

Trí tuệ là hiểu biết, nhận thức được sự thật về bản thân và cuộc đời. Với trí tuệ, với cái thấy đưa lại sự chấm dứt của mọi sầu đau làm phát sinh niềm an lạc.

            Đức Phật nói:”Có tỉnh thức và chú tâm ta mới có khả năng quán chiếu về thực tánh của tâm ta và của hoàn cảnh, có quán chiếu ta mới có tuệ. Tuệ tức là sự hiểu biết.

          “Một khi đã có sự hiểu biết, ta có thể thương yêu và tha thứ. Cuộc đời sẽ bớt khổ rất nhiều khi ta có hiểu biết. Nếu không hiểu biết ta không thể thương yêu và tha thứ. Cho nên con đường giải thoát là con đường thực hiện sự hiểu biết. Hiểu biết là trí tuệ là Bát Nhã.”

           “Mà trí tuệ chỉ có thể do quán chiếu đem lại. Vì vậy con đường duy nhứt đưa đến giải thoát là Giới, Định, Tuệ.”

Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng khuyên chúng ta hãy tỉnh cơn ảo mộng, phải tự tánh giác ngộ, tìm đường giải thoát:

Trời đã hoàng hôn mau chợt tỉnh,
Tìm đèn Trí Huệ lánh thân ra.
                  *
                *  *
Lánh thân ra khỏi kẻo mang tai,
Tầm nẻo cao siêu đến Phật đài.
Bến giác Thần Tiên mau chực sẵn,
Bể mê thần tục phải cao bay.
Hay:
Thế trần tạm giả gạt đời ta,
Lướt nẻo sông mê khỏi ái hà.
Nhân ngã, ngã nhân đừng cách biệt,
Sắc không, không sắc chớ lìa xa.
Diệu huyền chơn lý noi đường sáng,
Ảo thuật tà tâm kiếm nẻo ra.
Lóng lánh gương xưa lời Phật dạy,
Hồng trần ái dục giết tài hoa.
Hay:
Nếu đã tỉnh tâm tầm lẽ thẳng,
Cũng nên rèn tánh gặp đàng ngay.

            Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật dạy:“Nầy các đệ tử, có trí tuệ thì không có tham trước, luôn luôn tự tỉnh thức và tự dò xét, nhờ đó người ấy có khả năng giải thoát trong giáo lý của Như Lai. Nếu không có trí tuệ thì không xứng danh là bậc xuất gia. Trí tuệ là chiếc thuyền vững chắc vượt qua biển sanh tử, là ngọn đèn sáng chói trong hắc ám vô minh, là dược liệu thần y của mọi bịnh tật và là lưỡi búa bén chặt đứt dây phền não. Vì thế các vị cần trau dồi tuệ giác “Văn, Tu, Tư” để tăng trưởng lợi ích. Người có trí tuệ soi chiếu thì dẫu là mắt thịt vẫn là người Chánh Kiến, thấy rõ bản chất mọi vật.”

            Lục Độ Ba La Mật là một pháp tu. Người tu trên đường Bồ Tát Đạo, thiệt hành theo hạnh Bồ Tát, nghĩa là phải có trí, từ, bi, nguyện; trên thì cầu Phật đạo để đạt giác ngộ, dưới cầu hóa độ chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Trì giới, Tinh tấn, Thiền định là ba việc làm của người tu để có trí tuệ, thấu hiểu bình đẳng tánh với muôn loài vạn vật. Đồng nguyện cầu noi gương theo đường lối tu hành của Đức Phật và chư vị Bồ Tát như lời Đức Huỳnh Giáo Chủ thuyết:

Tu cầu trăm họ hiền lương,
Đồng thanh niệm Phật tai ương chẳng còn.
Hay:
Ước trăm họ nhẹ mình có cánh,
Đồng bay về Cực lạc một đàng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

PHAN THANH NHÀN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn