LUẬT NHÂN QUẢ

22 Tháng Chín 20205:50 CH(Xem: 5236)
LUẬT NHÂN QUẢ

LUẬT NHÂN QUẢ

                                                   Bài viết của Nguyễn Văn Lía

 

          Nói đến nhân quả, người tín đồ đạo Phật hiểu ngay đến luật trả vay, vay trả của thế trần. Vì vậy những ngôn ngữ được bàn bạc qua tâm tư trí não của họ, như: “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”, “ghét cái nào trời trao cái nấy”…Sách Minh Tâm Bửu Giám của Nho gia cũng dạy chúng ta: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo giữ lai trì” (Lành dữ đến lúc đều có trả, chỉnh e sớm muộn mà thôi!).

          Vậy chúng ta thử tìm hiểu coi nhân quả là gì? Khi hơn một lần Đức Huỳnh Giáo Chủ đã khẳng định:

“Luật nhân quả thật là cao viễn,
 Suốt cổ kim chẳng lọt một ai?"

          Nhân quả:  Nhân, theo nghĩa một của nó là nguyên nhân; quả là kết quả. Hay nói bằng cách khác: nhân là hột giống, quả là trái bông. Nghĩa là chúng ta gieo rấm giống chi, tạo tác sự việc gì, thì kết quả nó trả lại cho ta thụ hưởng bằng giống ấy, sự việc đó. Chính Đức Thầy cũng bảo: “Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy”.

          Vẫn biết luật nhân quả rất  sâu kín nhiệm mầu, song sự kết quả, nghĩa là sự hình thành của nó có chậm mau. Sự chậm mau ấy có thể tóm lược làm ba phần:

          I. Nhân quả một đời: 

Khi mình tạo nhân lành dữ gì trong kiếp nầy, kết quả của nó trả lại cho ta trong kiếp hiện tiền, chớ không kéo dài đến kiếp tới. Đúng như câu:

“Đời xưa quả báo thì chầy,
  Đời nay quả báo một giây nhãn tiền”.

          II. Nhân quả hai đời: 

Mình tạo nhân lành dữ gì trong kiếp nầy, phải đợi kiếp sau mới được hưởng, hay chúng ta đã tạo những nhân ở kiếp trước hôm nay kết quả trả lại. Cổ nhân đã am tường qua vấn đề nầy, nên đã bảo:

“Bởi kiếp trước mở hồ bao bố thí,
  Nên kiếp này địa vị giàu sang.
 Kiếp nầy bỏn xẻn tham gian,,
Kiếp sau đói khó nghèo nàn khổ thay.

          III. Nhân quả trong nhiều đời:

          Nghĩa là mình tạo nhân lành dữ gì, phải đợi nhiều kiếp sau mới hưởng lấy, chớ không trả ngay ở kiếp hiện tại hoặc sự hưởng thọ lành dữ, nghèo khó hay giàu sang, thọ mạng sống lâu hay chết sớm…đều do sự “gieo rấm”, do nguyên nhân của nhiều kiếp trước.

          Bởi vậy kiếp sống của con người; muốn biết rõ nguyên do của ta từ bao kiếp trước hãy xem sự hưởng thọ trong đời nầy. Còn muốn rõ sự việc những kiếp lai sinh, thì hãy xem lại sự tạo tác trong hiện sinh. Kinh “Nhân quả lục” có chép: “Yếu tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Yếu tri hậu thế quả, kim sanh tác giả thị”. Âu cũng là chuẩn xác!.

Và nguyên do luật nhân quả có chậm mau là do nơi sự gieo nhân mạnh hay yếu. Hễ mạnh thì kết quả mau, nhược bằng yếu thì kết quả chậm, chớ không khi nào sai mất. Vì:

“Quả sanh vì bởi có nhân,
  Nếu nhân không có quả sanh bao giờ.” (Thanh Sĩ)

          Kinh Phật cũng dạy:“Dã sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”. Phỏng dịch:

Dẫu trăm ngàn kiếp xa mờ,
Nghiệp kia nào mất chỉ chờ đấy thôi.
Nhân duyên quả báo đủ rồi,
Mình làm thọ hưởng đền bồi nhân xưa. (N.V.L)

          Và Đức Thầy đã hằng khuyến tấn môn nhơn:

“Trồng cây lành vị quả thơm tho,
 Tuy không thấy mà sao chẳng mất.”

          Trong giáo lý đạo Phật, sự chi phối của luật nhân quả còn có biệt nghiệp và cộng nghiệp.

          Biệt nghiệp: sự gây tạo của cá nhân; thì sự trả lại cũng chỉ mình ta thọ lấy, chớ không ai gánh lấy được.
          Cộng nghiệp: nhân quả liên quan đến nhiều người, khi đã cùng gieo nhân nay cùng chung hưởng quả (tốt, xấu).

          Ông Thanh Sĩ có minh thị hiển bày:

“Tạo cộng nghiệp tức mang cộng quả,
  Sự đồng tâm chớ khá xem thường.
 Chỉ gật đầu cũng đủ tai ương,
 Đâu đợi đứng chủ trương mới tội.”

          Ngoài những điểm chính trình bày trên, còn có sự “nhồi quả” nữa. Về điểm nầy có thể nói là người tu phải gánh lấy nhiều hơn hết. Tại sao? Bởi lẽ người tu luôn luôn muốn thoát ly cảnh đời đau khổ, rời dứt đi sự trói buột ở trần gian.
          Cho nên bao quả bất lành từ lũy kiếp được giải quyết ngay ở kiếp hiện tại. Chẳng khác nào người đời thiếu nợ bạc tiền của kẻ kia, mà muốn dời đi nơi khác, phải trả cho xong. Vì vậy người tu hành nếu vướng phải trường hợp nầy chúng ta nên cố gắng nhận chịu tất cả, và coi đó như là một cơ thử thách để vun quén cội lành càng sum suê nảy nở thêm lên. Đức Thầy đã dạy:

“Ông nhồi quả cho người hành đạo,
  Lúc nguy nàn thối chí cùng chăng,
 Nếu bền lòng vị quả cao thăng,
Chẳng chặt dạ bỏ lăn Phật Thánh”.

          Đã hiểu qua luật nhân quả rất khéo mầu, ngay trong kiếp hiện tại chúng ta cần phải phấn đấu tạo cho kỳ được những nhân lành dù phải gian lao trở ngại, dầu phải hi sinh cũng cố làm việc lành cho đến khi nào được tròn đủ. Chừng đó chúng ta tin rằng những kiếp tới không có cái ác quả nào trả lại cho chúng ta. Vì sao? Vì chúng ta không tạo nghiệp ác, cố nhiên không có quả khổ trả lại và ta nên hằng mặc niệm khắc ghi qua lời phán dạy của Đức Thầy : “Luôn luôn, lúc nào cũng phải nhớ câu Nhơn quả của Phật dạy, nếu Nhơn toàn thiện thì Quả cũng sẽ do đó được toàn thiện vậy”.

         Qua phần trình bày cô đọng và giản lược trên mong rằng chúng ta cố gắng “tạo nhân lành để hưởng quả ngọt” về sau./.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn