Anh hùng Nguyễn Trung Trực và Giáo lý Tứ Ân

23 Tháng Chín 202010:44 SA(Xem: 6643)
Anh hùng Nguyễn Trung Trực và Giáo lý Tứ Ân

Anh Hùng Nguyễn Trung Trực và Giáo lý Tứ Ân.

Bài viết của Nguyễn Văn Hiệp

 

          Trong cuộc chiến đấu chống lại sự xâm lăng của Thực dân Pháp nhằm dành lại chủ quyền cho dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước Việt nam vào thế kỷ 19, tiền nhân chúng ta đã không quản ngại máu xương, gian khổ cùng một lòng quyết đánh đuổi bọn xâm lăng ra khỏi mảnh đất thân yêu mà Tổ tiên ta đã bao đời dày công gầy dựng. Xuyên suốt từ Nam đến Bắc, ở đâu và lúc nào cũng có những vị anh hùng dân tộc đứng lên liều mình cứu nước.

          Ngoài Bắc và Trung nổi tiếng có Hùm thiêng Yên thế Hoàng Hoa Thám (Đề Thám), có Đinh Công Tráng với Chiến lũy Ba đình, có Nguyễn Thiện Thuật với Chiến khu Bãi sậy, có Phan Đình Phùng với Phong trào Văn thân ….Cùng lúc, ở trong Nam có Nguyễn Hữu Huân (Thủ khoa Huân), Truơng Công Định, Trần Văn Thành, Võ Duy Dương (Thiên hộ Dương)…Và một trong những tấm gương hy sinh sáng ngời mà chúng ta không thể quên được, đó là Anh hùng Nguyễn Trung Trực.

          Ngài Nguyễn Trung Trực tên thật Nguyễn Văn Chơn nhưng khi đầu quân với cụ Trương Công Định lấy tên là Nguyễn Văn Lịch, sau làm đến chức Quản cơ nên được gọi là Quản Lịch. Gia đình Ngài gốc người miền Trung nguyên quán làng Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, sau di chuyển vào Nam lập nghiệp, ngụ tại làng Bình Nhựt, huyện Thuận An, phủ Tân An (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An), sống bằng nghề chài lưới.

          Sinh ra và lớn lên giữa lúc Thực dân Pháp đem quân vào xâm lược Việt Nam, Ngài không thể khoanh tay ngồi nhìn cảnh quốc phá gia vong, sanh linh đồ thán nên cùng bạn là Nguyễn Văn Cầm chiêu tập nghiã binh, áp dụng chiến thuật du kích đánh Pháp và mặc dù với vũ khí thô sơ nhưng đoàn nghiã binh của Ngài đã lập nên nhiều chiến tích lẫy lừng, làm khiếp đảm quân thù xâm lược.

          Điển hình là ngày 11-12-1864, Ngài tổ chức hỏa công đốt chìm chiến thuyền Espérance tại vàm sông Nhựt Tảo (Tân An), tiêu diệt tất cả quân Pháp trên tàu (còn tên Trung úy hải quân Parfait nhờ đang hành quân trên bờ nên thoát chết). Chiến thắng nầy đã làm phấn khởi lòng dân chúng khắp nơi và làm quân cướp nước giảm đi phần nào nhuệ khí.

          Sau đó, vào đêm 15-7-1866, Ngài chỉ huy nghiã binh đánh úp đồn Pháp tại Kiên Giang trong một trận chiến đấu thần tốc ác liệt, tiêu diệt toàn bộ quân giặc trong đó có năm tên võ quan Pháp, tịch thu hàng trăm khẩu súng và đã làm chủ tình hình Kiên Giang suốt một tuần lễ.

          Với hai chiến công hiển hách nầy, nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã tán thán công nghiệp của Ngài bằng hai câu đối như sau:

Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

          Nhưng sau đó khi nghe tin quân Pháp mang viện binh từ Sài gòn đến, Ngài cho chở hết võ khí, lương thực về núi Trầu (Hà Tiên) rồi sau đó kéo qua đảo Phú Quốc lập chiến khu tại Cửa Cạn.

          Quân Pháp cho cô lập hoàn toàn chiến khu và huy động toàn lực tấn công nghĩa binh nên lực lượng của Ngài dần dần suy yếu. Thêm vào đó, hai tên Việt gian là Huỳnh Công Tấn và Đỗ Hữu Phương bày mưu cho Pháp bắt mẹ Ngài và một số đồng bào làm con tin, rồi báo cho Ngài biết nếu không chịu ra hàng, chúng sẽ chặt đầu mẹ Ngài và giết hết dân làng. Biết không thể tiếp tục chiến đấu được nữa, Ngài tự trói mình ra hàng để cứu mẹ và dân lành vô tội. Quân Pháp nhiều lần chiêu dụ không được nên đem Ngài ra hành quyết tại chợ Rạch Giá ngày 27 tháng 10 năm 1868 (nhằm ngày 28 tháng 8 năm Mậu Thìn). Được tin Ngài thọ tử, Vua Tự Đức cho làm lễ truy điệu và sắc phong Ngài làm Thượng Đẳng Linh Thần, thờ tại làng Vĩnh Thanh Vân (Rạch Giá) nơi Ngài hiên ngang chịu chết chớ không chịu đầu hàng giặc Pháp. Dưới đây là bài điếu với chính bút ngự của vua Tự Đức:

Ký bi ngư nhân                     Giỏi thay người chài
Hùng tại quốc sĩ                    Mạnh thay quốc sĩ
Hỏa Nhựt Tảo thuyền            Đốt thuyền Nhật Tảo,
Đồ Kiên Giang lũy                 Phá lũy Kiên Giang.
Địch khái đồng cừu               Thù nước chưa xong
Thân tiên tự thỉ                     Thân sao đã mất
Hiệu khí cổ kim                     Hiệu khí xưa nay
Thử nhân nam tư                  Người nam tử ấy
Xích huyết hoàng sa              Máu đỏ, cát vàng
Ô hô dĩ hi                             Hỡi ơi thôi vậy
Huyết thực thiên thu             Ngàn năm hương khói,
Chương nhữ trung nghĩa.      Trung nghĩa còn đây. (Thái Bạch dịch)

          Được biết, các vị Thượng Đẳng Thần của Việt Nam đều được Triều đình sắc phong và đồng bào sùng bái như Đức Trần Hưng Đạo, Tả quân Lê Văn Duyệt, Chưởng cơ lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh…Tuy nhiên, có người thắc mắc là đất nước Việt Nam từ xưa đến nay có biết bao là anh hùng, liệt nữ nhưng tại sao PGHH ngoài các ngày lễ có tính cách Tôn giáo lại có Lễ giỗ của Anh hùng Nguyễn Trung Trực? và lý do nào khiến Ngài có được vị thế quá đặc biệt như vậy?

          Như chúng ta đã biết, PGHH là một tiếp nối của Bửu Sơn Kỳ Hương, một tông phái đạo Phật do Phật Thầy Tây An khai sáng từ năm Kỷ Dậu (1849). Với chủ truơng chấn hưng Phương pháp hành đạo, qui nguyên Giáo điều; đồng thời xiển dương một Pháp môn tối thắng nhằm hóa độ chúng sanh trong thời Hạ nguơn mạt pháp mà đa số là căn cơ thiển bạc, phước mỏng nghiệp dầy được dễ tu, dễ hành hầu có mặt trong ngày Long Hoa đại hội, đó chính là Pháp môn Học Phật Tu Nhân. Pháp môn nầy dạy chúng ta muốn đạt được cứu cánh giải thoát, đạt được Phật quả thì trước hết phải làm tròn nhân đạo, như lời Đức Thầy chỉ bảo:

“Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi toà sen.” (Q.3)

          “Tu đền nợ thế” tức là làm tròn nhân đạo, mà hễ muốn làm tròn nhân đạo thì phải hành xử trọn vẹn Tứ Ân; đó là:

           1/- Ân Tổ Tiên cha mẹ.

           2/- Ân đất nước.

           3/- Ân Tam bảo.

           4/- Ân Đồng bào và Nhơn loại.

          Vì vậy, nếu nghiên cứu kỹ về cuộc đời của Anh hùng Nguyễn Trung Trực và Giáo lý Tứ Ân của PGHH, chúng ta thấy có sự tương quan vô cùng mật thiết. Điều đáng ghi nhận là ngoài cương vị của một lãnh tụ kháng chiến tài ba, đảm lược, Ngài còn là người có gồm đủ Trung, Hiếu, Tiết, Nghiã và đã hành sử trọn vẹn Tứ đại Trọng ân, là một tín đồ tiêu biểu của tông phái BSKH, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo, đó là lý do tại sao Ngài được người tín đồ PGHH ngày đêm sùng bái.

          Về TRUNG, vì ý thức “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” nên Ngài đã đứng lên chiêu mộ nghiã binh đánh đuổi bọn xâm lược cứu quê hương dân tộc. Hành động nầy thể hiện tinh thần ái quốc cao độ của một người yêu nước, thương dân, hết lòng tận Trung báo quốc; điều nầy Ngài đã đền xong Ân đất nước. 

          Về HIẾU, dù đa đoan công vụ nhưng khi hay tin mẹ bịnh, Ngài đã hết lòng lo lắng thuốc thang cho mẹ. Một tay Ngài chống trên đốc kiếm, tay kia cầm quạt để quạt siêu thuốc cho mẹ còn miệng thì bàn luận kế hoạch hành quân với nghiã binh, đợi đến khi mẹ hết bịnh mới chịu ra đi. Cuối cùng, vì âm mưu thâm độc của bọn Việt gian, Ngài phải tự trói mình ra hàng để cứu mẹ và dân chúng trong vùng. Hành động nầy, Ngài đã hoàn thành chữ Hiếu và cũng là báo đền Ân Tổ tiên Cha mẹ.

          Về TIẾT, mỗi khi nhắc đến Anh hùng Nguyễn Trung Trực, điều làm cho Thực dân Pháp nể trọng nhứt là cái khí tiết của Ngài. Khi chúng dụ Ngài chịu hàng sẽ ban cho chức phó Soái, Ngài khẳng khái trả lời: “Tụi bây hãy kiếm cho tao chức gì giết Tây được nhiều, chớ chức phó Soái tao không màng.” và còn thốt lên câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Cuối cùng, khi chúng hỏi Ngài muốn gì trước khi chết, Ngài ôn tồn đáp: “Số mạng tôi đến đây đã đủ rồi, tôi muốn cứu nước mà không thành công, tôi xin một chuyện là truất sự sống của tôi càng sớm càng tốt.”
          Điều quan trọng chúng tôi muốn nêu lên ở đây là sự bình thản, an nhiên tự tại của Ngài trước khi lên pháp trường. Thái độ nầy chỉ có được ở người đã đạt Đạo. Thật vậy, khi đã đạt đến trình độ xem xác thân nầy là giả tạm, là do tứ đại hợp thành, có đến phải có đi, có sanh phải có tử thì Ngài mới có được cái tâm bình tịnh, cái tâm thanh thản để ngâm lên bài thơ khí khái sau đây:

“Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
Yêu gian đảm khí hữu long tuyền.
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa,
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.”
Thi sĩ Đông Hồ dịch như sau :
               “Theo việc binh nhung tự thuở trai,
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
Anh hùng gặp phải hồi không đất,
Thù hận chang chang chẳng đội trời.”

          Có nghiã là muốn đạt sự an nhiên, tự tại đương nhiên phải là người tinh thông đạo pháp, am tường Giáo lý của đạo Phật. Đặc biệt, trong quyển “Bửu Sơn Kỳ Hương”, học giả Vương Kim trình bày rõ ràng như sau: “Bị cô thế, Ông Nguyễn Trung Trực di binh về miền Tây. Binh sĩ thì cho đóng ở Tà Niên (Rạch Sỏi - Rạch Giá) còn ông thì ẩn náu nơi gia đình họ Lâm tại Mỹ Hội Đông, tỉnh Long Xuyên. Gia đình nầy tu theo tông phái BSKH của Đức Phật Thầy Tây An và trong thời gian nầy ông đã qui ngưỡng theo Giáo pháp Học Phật Tu Nhân của BSKH. Ông thuờng mặc nâu sồng và lâu lâu ngồi thuyền lên Cù lao nhỏ ỏ Bình Thạnh Đông thăm Đức Cố Quản Trần Văn Thành, một đại đệ tử của Đức Phật Thầy”.

          Điều nầy, cho chúng ta thấy sự giao tình thân thiết giữa Ngài và Đức Cố Quản Trần Văn Thành là việc đương nhiên vì hai ông vừa là đồng chí lại vừa là tín đồ thuần thành của BSKH. Nhờ thấm nhuần Giáo lý Tứ Ân, Ngài đã tranh đấu trong tinh thần đòi hỏi quyền bình đẳng cho dân tộc Việt Nam, đó cũng là tinh thần của Phật giáo mà Đức Huỳnh Giáo Chủ có lần xác nhận: “Theo sự nhận xét của tôi về giáo lý nhà Phật do nơi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng lấy Chủ nghiã từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nồng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng; vì những câu “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhứt thể bình đẳng với chúng sanh”. Đã có những sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh không còn bằng được Đức Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhơn gian nầy còn có chúng sanh tiên tiến áp bức những chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo lý chơn chánh ấy.” và Ngài Nguyễn Trung Trực đã tranh đấu với tinh thần “những giáo lý chơn chánh ấy” tức là Ngài thực hành Ân Tam bảo vậy.

         Về NGHIÃ, khi gặp cơn nguy khốn, Ngài không nỡ bỏ nghiã binh mà ra đi một mình dù những thủ hạ nhiều lần khuyên nên trốn đi nhưng Ngài vẫn cương quyết ở lại cùng sống chết với họ. Một trong những điều kiện mà Ngài đưa ra với giặc Pháp trước khi ra hàng là “Thả hết đồng bào và nghiã quân đã bị bắt cho họ đuợc an lành trở về nhà và được tiếp tục làm ăn.” Ngay khi dấn thân tranh đấu vì đại nghiã cho dân tộc, Ngài lúc nào cũng nghĩ đến sự an nguy và hạnh phúc của toàn dân, vì dân mà chiến đấu; cuối cùng, Ngài cũng vì dân mà chịu thọ hình. Đó chính là Ngài đã đền ơn đáp nghiã cho đồng bào đã cưu mang, giúp đỡ trong thời gian chống Pháp và cũng là cơ hội Ngài hoàn thành Ân Đồng bào và Nhơn loại.

          Chính vì những đạo quả đắc thành đó mà Danh hiệu Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực đã được Đức Huỳnh Giáo Chủ đưa vào bài nguyện Quy Y trước ngôi Tam Bảo để nguời tín đồ PGHH cầu nguyện vào hai thời cúng lạy mỗi ngày, trong đó có đoạn: “Nam mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, chư quan cựu thần, chư vị sơn thần, chư vị Năm Non Bảy Núi, cảm ứng chứng minh, nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo.” đã chứng tỏ Ngài Nguyễn Trung Trực là một vị tiền bối hiển đạo.

          Thật vậy, đáng lý Ngài là một lãnh tụ nghiã binh hết lòng lo cho dân, cho nước thì “Sanh vi Tướng, tử vi Thần” như Sắc Lệnh truy phong của vua Tự Đức hay như Đức Huỳnh Giáo Chủ có dạy:

“Dù không siêu cũng đặng về Thần,
                             Nhờ hai chữ trung Quân ái Quốc”. (Q.4)
          Nhưng vì Ngài đã hoàn toàn quên mình, đã hy sinh vì hạnh phúc của người khác tức là lìa được “bản ngã”, không còn cái Ta nữa; và nếu một người dù đang hành đạo Nhân mà lìa được cái Ta thì sẽ được tiến thẳng vào Phật đạo, như Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết :
“Hiếu Trung lòng chớ vội quên,
 Sống lo tròn Đạo, thác lên Tiên đài”. (Q.5)

          Tóm lại, Anh hùng Nguyễn Trung Trực không những là một biểu tượng, một niềm hãnh diện chung cho cả Dân tộc Việt Nam, mà tinh thần Nguyễn Trung Trực đã trở thành một truyền thống trong Tông phái BSKH và PGHH. Cho nên, khi thành lập đơn vị Nghiã quân kháng chiến chống Pháp đầu tiên của PGHH, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đặt tên cho đơn vị nầy là Bộ đội Nguyễn Trung Trực và hàng năm cứ đến ngày 28 tháng 8 âm lịch, hàng triệu tín đồ PGHH nói riêng và đồng bào của các Tỉnh miền Tây nam Việt Nam đều cử hành trọng thể Lễ tuởng niệm để ghi nhớ công đức của Ngài. 

          Hiện nay, ngoài Đình thần thờ Ngài Nguyễn Trung Trực tọa lạc tại số 8 đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; đền thờ Ngài còn đã được dựng ở nhiều nơi như Long An, Rạch Giá, Phú Quốc, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng… nhưng ngôi đền ở Rạch Giá được xem là lớn nhất. Đặc biệt tại Đình nầy trong hai ngày 27 và 28 tháng 8 âl thì con số vài trăm ngàn trước đây đã lên đến con số 1 triệu người mà phần lớn đều là tín đồ PGHH từ khắp nơi về tham dự. Được biết, tín đồ PGHH đã có mặt trong Ban Tổ chức và điều hành các Trạm Cơm chay miễn phí liên tục suốt 2 tuần lễ, trước và sau ngày Lễ Giỗ. (Mỗi Trạm cơm có thể khoản đãi khoảng 300 người mỗi lượt, có bàn ghế đàng hoàng).

          Điều nầy, đủ chứng minh cho mọi người biết rằng Ngài Nguyễn Trung Trực không những là Anh hùng của Dân tộc Việt Nam đáng lưu truyền vào trang sử Việt muôn đời mà còn là Tín đồ thuần thành của Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương rất xứng đáng để hàng triệu tín đồ PGHH tôn thờ và noi gương để cố gắng hành sử Tứ đại Trọng Ân mà Đức Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dày công hoằng hóa./.

NGUYỄN VĂN HIỆP

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn