Tìm hiểu về chữ TÂM và TRÍ

23 Tháng Chín 202011:42 SA(Xem: 4646)
Tìm hiểu về chữ TÂM và TRÍ

Tìm hiểu về chữ TÂM và TRÍ

 Bài viết của Trương Văn Thạo

 

          Người đời thường nói: "Có tiền mua Tiên cũng được". Nghĩa là nếu chúng ta có tiền bạc trong tay thì có thể mua bất cứ vật gì trên thế gian nầy.

          Tuy nhiên, nó chỉ đúng ở chỗ Vật chất bên ngoài, nhưng nó không đúng ở chỗ TÂM và TRÍ. Thông thường, khi người ta tạo ra tiền bạc và quyền lực rồi, đồng ý là muốn mua vật gì cũng được, kể cả bằng Tiến Sĩ, Kỹ Sư, Bác Sĩ...Nhưng Tâm và Trí thì không tiền nào mua được.

          Bởi vì :

“Cái chữ TÂM mà quỉ hay ma,
 Tiên hay Phật cũng là tại nó”.
           (Giác Mê Tâm Kệ)

          Vậy tiền có mua được quỉ ma, Tiên Phật không ? Chắc hẳn là không vậy.

“TÂM sáng suốt như đài nguyệt kiến,
  Tánh trong như nước bích mùa xuân”.
Hay:
“Coi TÂM Kệ làm theo mới trúng.
  Để lạc lầm lắm bớ tăng đồ”.
Hoặc là:
“TRÍ linh mẫn nhìn xem các chuyện,
  Phải đừng cho lầm lạc nẻo tà”.
           (Giác Mê Tâm Kệ)
“TRÍ hiền TÂM đức chùi lau,
Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng”.
            (Sám Giảng, Quyển Ba)

          Sau đây chúng ta tìm hiểu thêm về ý nghĩa của chữ TÂM và TRÍ trong Phật Học và những lời Giảng Giải của Đức Thầy:

            TÂM - Chữ tâm có những nghĩa về vật chất và về tinh thần.

            A.- Về vật chất, Tâm là :

            1.- Trái tim.  Như trong Bồ Tát Giới  Kinh có nói : Khi Bồ Tát  nghe tiếng bọn người ác ngoại đạo đem lời gièm pha phá hủy Phật giới, dường như ba trăm mũi giáo đâm vào Tâm mình.
            2.- Chỗ chính giữa. Cũng như trái tim ở chính giữa thân thể, cái chi ở chính giữa sự vât, gọi là Tâm, trung tâm điểm.
            B.- Về tinh thần, Tâm thường dịch nôm na là lòng, nghĩa là :
            1.- Lòng dạ, nỗi niềm cảm động. Như : an Tâm, loạn Tâm, ưu Tâm, hỷ Tâm…
            2.- Nội (bề trong), đối với ngoại (bề ngoài). Như : Tâm nhãn.
            3.- Chí, lòng cương quyết. Như : nhứt Tâm, chuyên Tâm, Tâm lực.
            4.- Ý (Phạn: Citta), tức Tâm ý. Như : tham Tâm, sân Tâm, si Tâm, Bồ đề Tâm.
            5.- Thức (Phạn: Vijnna) tức Tâm thức. Như : trong Bát thức (Tám thức), người ta thường gọi cái thức A lại da là Tâm.
            6.- Trí, tức trí thức, Tâm trí. Như : Phàm Tâm, Vọng Tâm, Thánh Tâm, Phật Tâm, Chơn Tâm…
            7.- Cái linh giác chung của : chúng sanh, vạn vật, vũ trụ, tức là Tâm linh, thần hồn. Như  trong Niết Bàn Kinh, quyển 34, Phật phán : Những chúng sanh ở đời làm thiện hoặc làm ác, khi xả thân, thì Tứ đại đều tan rã hư hoại. Lúc ấy, người nào đã làm nghiệp thuần thiện thì cái Tâm kia đi lên; kẻ nào làm nghiệp thuần ác, thì cái Tâm đi xuống.
            8.- Căn Bổn, chỗ phát sanh, chỗ trụ cốt. Như : Tâm địa, Tâm vương.
            9.- Tánh, tức Tâm tánh. Như : Tâm bình, Tâm trực.
            10.- Chỗ bí mật, như : Tâm sự, Tâm truyền. Tâm đối với : Sắc, Trần, Cảnh, Thân.

            Long Thọ Bồ Tát dạy rằng : Phật pháp lấy Tâm làm gốc, lấy Thân và Khẩu làm ngọn.

           Lục tổ Huệ Năng dạy rằng : Về sự tu tập nền Đại Trí Huệ, trong Tâm phải thiệt hành, chớ chẳng phải duy ở cửa miệng tụng niệm. Miệng niệm mà Tâm chẳng thiệt hành thì như ảo, như hóa, như giọt nước, như  lằn điện. Miệng niệm, Tâm hành, ắt Tâm với miệng ứng nhau, bổn tánh là Phật, rời tánh ra,  không có Phật nào khác.

            TÂM
Ngộ Tâm dung dị tức Tâm nan,
Tức đắc Tâm nguyên đáo xứ nhàn.
Đẩu chuyển tinh vi thiên dục hiểu,
Bạch vân y cựu phú thanh san.
             Dịch:
Ngộ Tâm là dễ, khó dừng Tâm,
Dừng được nguồn Tâm mọi chốn nhàn.

          Bài nầy dạy cho chúng ta thấy ngộ Tâm là dễ mà dứt Tâm lại khó.

           Phật dạy, Tổ dạy, ai cũng nhận ra mình có cái Tâm chân thật. Nhận biết cái Tâm chân thật rồi, mà muốn dứt Tâm lăng xăng dễ hay khó ? Rất khó, cái Tâm chân thật của mình hiện ra đã khó mà còn dễ hơn cái Tâm lăng xăng dừng được sạch. Nếu dừng được Tâm, chừng đó tới đâu cũng thảnh thơi, nhàn hạ.

Sao Đẩu chuyển dời trời sắp sáng,
Như xưa mây trắng che núi xanh.

          Hai câu nầy, dường như tả cảnh chơi không có nói về sự tu hành. Đêm khuya chúng ta nhìn, thấy ngôi sao Bắc Đẩu chuyển dần thì biết trời sắp sáng, mây trắng vẫn che ngọn núi xanh như cũ. Hai hình ảnh nầy nói gì ? Khi chúng ta dừng được Tâm rồi, an nhàn tự tại, chừng đó chúng ta nhìn trời sắp sáng, xem mây trắng che ngọn núi xanh, là hình ảnh tự nhiên của trời đất.  Nghĩa là Tâm lăng xăng dứt thì thấy trời, mây, trăng, sao, cái gì cũng an nhiên tự tại.

            TRÍ

            TRÍ : Tức là Trí thức, Trí huệ. Viết theo Phạn: Bát nhã (Praijna). Tỳ bà xá na.

            Trí nghĩa là : Năng trí, có thể hiểu, biết sự và lý. Còn những điều mà mình biết, hoặc sự, hoặc lý, kêu là sở trí.

           Trí đồng nghĩa với : Thông, Minh, Huệ, tức là dứt lầm lạc mê muội, phiền não. Trái với : Vô trí, Vô minh, Ngu, Si, Ám, Phiền não.

            Trí có hữu lậu và vô lậu. Cái trí hữu lậu là cái tâm trí còn luyến ái, còn ưa ngôi vị trong Tam giới, cái tâm trí chưa giải thoát. Còn Trí vô lậu là cái tâm trí dứt phiền não, không luân chuyển trong Tam giới, cái tâm trí của các hàng đắc Đạo như : La hán, Duyên giác, Bồ tát, Phật.

           Cái trí của Phật là hoàn toàn, cao trổi hơn tất cả các cảnh trí. Cái trí ấy gọi là Nhất thiết chủng trí, cao hơn Nhất thiết chủng trí là cái trí của hàng Thinh văn (La hán) và hàng Duyên giác, và cao hơn Đạo chủng trí là cái trí của hàng Bồ tát.
Trong Niết Bàn Kinh, có xưng Phật bằng mấy đức hiệu nầy:

           Tật Trí (Bực Trí thức lẹ làng), Đại Trí (Bực trí thức to lớn), Lợi Trí (Bực Trí thức bén nhọn), ThâmTrí (Bực Trí thức sâu thẳm), Giải thoát Trí (Bực Trí thức giải thoát), Bất công Trí (Bực Trí siêu việt hơn hàng Tam thừa), Quảng phổ Trí (Bực Trí thức phổ cập tất cả), Tất cánh Trí (Bực Trí thức rốt ráo), Trí bảo thành tựu (Bực Trí thức trọn vẹn, tỷ như Bảo châu vô giá).

            Đức Phật có phán trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh rằng : Những người có Trí (Chư hữu Trí giả) đều nhờ những Bài thí dụ mà hiểu rõ nghĩa lý sâu xa của Phật giảng. Những ai hữu Trí nghe thuyết pháp thì tin và hiểu; những ai vô Trí thì đem lòng nghi hoặc hối hận.

            Cái Trí bao quát của chư Phật, chư Bồ Tát gọi là Đại Trí. Ngài Văn Thù Bồ Tát được Phật khen và ban cái danh hiệu Đại Trí, cũng như Ngài Phổ Hiền được Phật gọi là Đại Hạnh và Ngài Quan Âm được cho hiệu là Đại Bi.

            Bồ tát đương tu tập, muốn mau thành chánh giác, cần phải gia tăng hai mối tu nầy: Trí và Bi.

            Trí là đoạn diệt các phiền não nơi mình, trừ tuyệt các sở lầm.

           Bi là đem lòng từ bi mà làm việc lợi ích, tế độ cho chúng sanh. Tăng Trí tức là tu Huệ; Tăng Bi tức là tu Phước; gia tăng cả hai mối tu hành ấy, gọi là: Phước Huệ song tu.

TRÍ
Ngu nhân trừ cảnh bất trừ Tâm,
Trí gỉa trừ Tâm bất trừ cảnh.
Bất tri Tâm cảnh bổn như như,
Xúc mục ngộ duyên thường trấn định.
Dịch :
Kẻ ngu trừ cảnh chẳng trừ Tâm,
Người Trí trừ Tâm chẳng trừ cảnh.
Đâu biết Tâm cảnh vốn như như,
Chạm mắt gặp duyên luôn vững định.

            Kẻ ngu trừ cảnh chẳng trừ Tâm, Người Trí trừ Tâm chẳng trừ cảnh. Ở đây ý nói : Nếu ai than kẻ tới người lui, lăng xăng lộn xộn, ồn quá tu không được, rồi kiếm hốc núi chui vô ở một mình để tránh cảnh ồn ào. Cứ tưởng rằng tránh cảnh ồn ào tìm cảnh yên là khôn ngoan lắm, đó là mình biết tu. Nhưng đâu ngờ sự rộn ràng lăng xăng lôn xộn là do Tâm chớ đâu phải do cảnh. Vì vậy mà phải lo dọn dẹp, đưổi trừ Tâm đó là cái gốc.

            Đâu biết Tâm cảnh vốn như như. Nhưng nếu biết Tâm nào cảnh nào cũng như như thì khỏi trừ Tâm trừ cảnh gì hết. Nghĩa là cứu cánh như vậy. Đến đây thì:

            Chạm mắt gặp duyên luôn vững định. Tức là gặp người hay gặp việc kia Tâm đều an định, những Tâm lăng xăng khéo trừ sạch, thì đến đâu cũng là chỗ an vui, là chỗ vững định, tức là ở trong Tam muội. (Trích Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục)

            Tiếp theo, là lời chỉ dạy về TÂM TRÍ của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

            Người học Đạo muốn mở mang Trí huệ cần phải tìm phương pháp diệt cái vô minh (tối tăm ngu muội).

           Muốn diệt cái vô minh trước hết phải điêu luyện khối tinh thần cho mạnh mẽ đặng tự lập con đường rõ ràng, duy nhất của mối Đạo mình đang học để lấy đó làm cương mục mà bài trừ những thành kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm siểm, dua nịnh, ích kỷ tự tâm, sự gây gổ, mê đắm trong bể dục tình và sự phiền não nó làm cho náo loạn cõi lòng. Nên bài trừ được nó rồi Trí Huệ tất mở mang vậy.

            Người có TÂM nếu không tập suy gẫm cho mở TRÍ thì hay dễ bị lường gạt.

            Người có TRÍ mà vô TÂM thì hay xảo trá. Nên TRÍ và TÂM của người học Đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai để lấy TÂM làm chủ trì mọi việc, lấy TRÍ mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa vào cho TÂM chủ trì. Được như thế chắc chắn ta học Đạo mau thành công đắc quả.

            Đừng thấy ai theo mối Đạo nào đông đảo rồi ta cũng vội vàng theo Đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý ấy như thế nào.

            Cũng đừng thấy người ta thờ Phật rồi vội vã lập bàn thờ Phật, mà chưa hiểu ông Phật thể nào và tại sao ta phải thờ kính Đức Phật. Nếu tu như thế, thờ Phật như thế, thì càng tu càng thờ bao nhiêu càng tỏ ra cho thiên hạ thấy rõ ta mê tín bấy nhiêu. Đó cũng là cái đích để cho người vô Đạo nhắm đó mà bài bác, nhạo chê hủy báng và cũng rất uổng cho cái công trình thành kính lễ bái của ta vậy. (Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ)

            Chúng ta thử ôn lại câu chuyện của Thầy trò Tam Tạng đi thỉnh Kinh. Nếu chỉ một mình Tam Tạng, chẳng có Tôn Ngộ Không thì làm sao Tam Tạng biết đường đi đến Tây phương và lấy ai trừ yêu đuổi quỉ, hay biết non Tiên cảnh Phật để cầu khẩn các Ngài xuống trợ giúp. Còn Ngộ Không, lúc chưa được Tam Tạng làm Thầy thì tánh tình ngang bướng, chọc Trời khuấy nước, loạn Thiên cung; gạt chư Tiên ăn đào và uống Tiên tửu, đòi làm Tề Thiên Đại Thánh. Chỉ có Phật Tổ mới thâu nhốt y được dưới núi Ngũ Hành và sau nhờ Quan Âm độ rổi, cho làm học trò Tam Tạng để phò tá Thầy đi thỉnh Kinh chuộc tội. Khi Tam Tạng và Ngộ Không hiệp lại mới đi đến Tây phương, thỉnh được 3 tàng Kinh điển đem về.

            Đây là câu chuyện triết lý, Tam Tạng dụ cho cái tâm, còn Ngộ Không dụ cho cái trí. Nếu có tâm từ mà thiếu trí tuệ như Tam Tạng thiếu Ngộ Không, hoặc chẳng nghe lời, tức là người tu không rèn tập được trí huệ thì chẳng phân biệt chơn giả, Phật ma, nên Tam Tạng bị quỉ yêu gạt bắt liên miên. Bằng có trí mà thiếu tâm cũng có hại, như: có Ngộ Không mà chẳng có Tam Tạng làm chủ, điều khiển thì Ngộ Không hay làm xằng, có lúc còn muốn trở về Thủy Liêm động làm chúa yêu. Cho nên khi tâm tín và trí huệ phát triển quân bình, tức đồng hòa vào một thể, bấy giờ hành giả đạt thông Tam Tàng Kinh pháp nơi tự tánh.
            Tóm lại, tâm ví như ông Vua, trí như vị Tể Tướng và cũng như ông chủ nhà và người quản gia. Tâm đức và trí huệ gồm tu thì hành giả có đủ: Bi, Trí, Dũng, cũng gọi là Đại hùng, Đại lực, Đại Từ bi, tức quả vị chánh giác sẽ thành công. Đức Thầy hằng tỉnh thức:

“Phải chổi dậy nương dây hùng tráng,
  Chữ đại hùng, đại lực, đại từ bi”.

            Bởi có tâm đức mới làm chủ được sáu căn, có hùng lực của trí huệ mới thắng được tam bành lục tặc, trừ sạch thập tam ma (thất tình, lục dục). Và soi tan ngũ uẩn, vượt sông mê, sang bờ giác. Do đó Đức Thầy mới dạy chúng ta: “Nên trí và tâm người học Đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai”.  

                                                Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

                                                            Nam Mô A Di Đà Phật

                                                              Trương Văn Thạo   

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn