HẾT VÔ MINH LÀ GIÁC

05 Tháng Mười 20207:15 SA(Xem: 4940)
HẾT VÔ MINH LÀ GIÁC
HẾT VÔ MINH LÀ GIÁC
Phan Thanh Nhàn
"Bị vô minh vọng tưởng vạy tà,
Nên quay lộn Ta bà cõi khổ."
Hay:
"Màn vô minh che mờ căn trí,
Nên thường hay nhận ngụy làm chơn."
          Trên đây là lời giáo thuyết của Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ. Vậy vô minh là gì? Vô là không, minh là sáng. Vô minh tức là không sáng. Vô minh là mê lầm, đen tối.
          Trong kinh A Hàm, Đức Phật dạy: “Thấy các pháp không biết đúng như thật gọi là vô minh”. Mọi sự vật trên đời nầy mà không biết đúng như thật, biết một cách tưởng tượng, mơ hồ thì đó là vô minh hay “vô minh là không thấy, không biết đúng sự thật”. Đó là lời giải thích trong kinh A Hàm. Trong kinh Viên Gíac, dẫn lời Đức Phật, như có một vị Bồ Tát hỏi: “Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh?” Đức Phật dạy: “Vô minh là đối với thân tứ đại duyên hợp, tưởng lầm là thật, là quý. Đối với tâm duyên theo bóng sáu trần cho đó là tâm thật, đó là vô minh”. Như vậy, nếu ai còn thấy thân mình là thật, thấy tâm mình nghĩ tưởng việc nầy việc nọ là tâm thật, đó là vô minh. Chúng ta bị vô minh dẫn nên vòng sanh tử không dừng. Người tu theo đạo Phật không mong cầu bất cứ điều gì ngoại trừ tu cầu giải thoát, “Tu cầu thoát khỏi tử sanh, Nương theo Phật quốc, lời lành hằng nghe” như lời Đức HUỲNH GIÁO CHỦ dạy.
          Trong kinh Vô Minh có ghi lại những lời đối đáp giữa ngài Xá Lợi Phất và ngài Ma Ha Câu Hi La. Khi được ngài Ma Ha Câu Hi La hỏi về ý nghĩa của vô minh, ngài Xá Lợi Phất giải đáp rằng: “Vô minh tức là không biết. Không biết những gì? Sắc là vô thường mà không biết như thật sắc là vô thường; sắc là pháp sanh diệt, mà không biết sắc là pháp sanh diệt . Thọ, tưởng, hành, thức, cũng thế. Nầy Ma Ha Câu Hi La! Đối với năm uẩn nầy mà không thấy, không biết như thật, ngu si, mờ tối, không sáng tỏ, thì đó gọi là vô minh…” Chúng ta vì mê muội chạy theo sắc tướng bên ngoài rồi cho đó là thật nên bám víu chấp chặt vào chúng. Muốn diệt mê si, con người phải mở tánh giác như lời Đức HUỲNH GIÁO CHỦ dạy:
            Diệt mê si phải nương thuyền giác,               
            Muôn việc làm chính trực khôn ngoan.               
            Đừng bạ đâu tin bướng nghe càn,                 
            Làm ngu muội đọa thân một kiếp.  
          Khi mê thì bị những tâm tình vọng động khống chế, khi giác ngộ thì chúng ta làm chủ nhân ông cuộc đời mình.            Đức Phật có kể chuyện về một người vô minh: Có một anh thương buôn cưới một người vợ xinh đẹp. Họ sinh được một đứa bé trai kháu khỉnh. Người vợ ngã bịnh rồi mất. Người chồng bất hạnh dồn tất cả tình thương vào đứa con. Đứa con trở thành nguồn vui và hạnh phúc của anh. Một hôm vì việc buôn bán nên anh phải rời khỏi nhà, có một bọn cướp kéo đến đốt phá và cướp sạch cả làng, bắt đứa con của anh đi, lúc ấy đứa bé mới lên năm tuổi. Khi trở về chứng kiến cảnh tang thương điêu tàn, anh thương gia đau khổ vô ngần. Trong lúc bươi bới những đống vật liệu còn cháy dở ngổn ngang ở nền nhà, anh thấy xác một đứa bé bị cháy nám đen. Ngỡ là xác của đứa con mình, anh quẩn trí, than khóc thảm thương không sao nguôi ngoai được. Sau đó anh đem xác của đứa bé đi hỏa táng rồi lấy một ít tro gói vào một mảnh lụa quý. Anh luôn đeo gói tro ấy vào người dù đang làm việc, đang ăn uống hay đang ngủ nghỉ. Thỉnh thoảng ngồi yên một mình nhớ lại đứa con yêu quý của mình và mỗi lần như thế anh lại khóc vì thương tiếc. Một thời gian sau, bỗng nhiên đứa bé trốn thoát được bọn cướp, tìm đường lần mò về tới làng. Đứa bé tìm được căn nhà mới của cha mình thì lúc ấy đã vào đêm tối, mừng quá đứa bé đập vào cửa liên hồi mong được gặp lại cha. Trong nhà người cha đang nằm khóc trên giường, gói tro đặt bên cạnh, liền cất tiếng hỏi:                                                                                                  
           -Ai đấy?      
           Đứa bé đáp lại:  -Con đây, cha ơi, con của cha đây, mở cửa cho con vào!    
         Trong lúc đang buồn và hoang mang, người cha ngỡ rằng có kẻ nào muốn trêu chọc, chế nhạo cảnh khổ đau của mình, liền giận dữ và hét to lên: -Hãy cút đi, hãy để yên cho ta!          
          Và rồi anh ta lại tiếp tục khóc, đứa con vẫn tiếp tục đập cửa. Người cha qủa quyết cho rằng đây không phải là con của mình vì con của mình nằm trong cái bọc lụa quý đang ở bên cạnh mình. Đứa bé thất vọng, đau khổ và bỏ đi. Từ đó hai cha con không còn gặp nhau nữa. Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy vô minh không phải là sự thiếu hiểu biết, mà chính là sự hiểu biết sai lạc và lầm lẫn như người cha cứ đoan chắc rằng tro của con mình đang được gói trong bọc lụa qúy. Sự hiểu biết lệch lạc, mơ hồ là vô minh là nguồn gốc dẫn đến đau khổ. Không hẳn khổ đau là do sự thiếu hiểu biết mà trên đời nầy không phải kẻ ít có trí thông minh lại hành động sai lầm không đem lợi lạc gì cho họ mà lại lâm vào cảnh long đong, vất vả do phải đối phó với những khó khăn. Cái gọi là thông minh sai lạc đó, kinh sách gọi là tà kiến
          Dù cho hết sức thông minh cũng không sao tránh khỏi sự quyết đoán không chính xác một sự việc nào đó cho là đúng, nhưng thật sự việc đó đã sai rồi do vô minh chi phối. Sự qủa quyết sai lầm đem đến sự khổ đau, nhưng người ta lại không ý thức được điều ấy như người cha bất lực và lầm lẫn kia trong câu chuyện nầy.
          Ta không nên đánh giá thấp vô minh xem như cái gì ngu xuẩn, thiển cận, khờ khạo. Vô minh thật ra nó cũng khôn ngoan, tinh ranh, nham hiểm, thâm độc, nó luôn tìm cách đánh lừa ta. Vô minh đủ sức sai khiến người cha trong câu chuyện, quyết giữ cái bọc tro mà không còn nghe thấy tiếng kêu khóc của đứa con ở ngoài cửa. Vô minh không thụ động mà nó có sức chủ động tích cực bênh vực quan điểm của mình về một sự việc để đi đến tranh cải rồi xô xác với nhau. Trên bình diện rộng lớn trong lịch sử nhân loại, Hitler, Tần Thủy Hoàng không phải là những người thiếu thông minh, nhưng vì vô minh họ tự cho mình là đúng, nên đưa đến thảm họa cho thế giới mà hậu qủa còn tồn tại đến ngày nay. Thực tế hình như mỗi người trong chúng ta vẫn còn ôm ấp cái “ngã” của mình, chấp chặt cái vô minh, mặc cho sự thật kêu gọi sự thức tỉnh của chúng ta. Lời dạy của Đức Phật, Đức Thầy là bảo ta hãy diệt bỏ cái ngã để đón nhận sự thật, hãy xử dụng chánh kiến và trí tuệ của mình để loại trừ vô minh.
          Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy: “Diệt mê si phải nương thuyền giác”, chúng ta hãy trở về với lòng giác ngộ (tức Bồ Đề tâm), trau giồi trí huệ cho sáng suốt, phá tan màng vô minh vọng hoặc. Chúng ta đã học theo Phật, hiểu Phật pháp, không còn sai lầm, vậy thì chúng ta giác ngộ cái gì? Giác ngộ biết thân nầy là giả, tâm sanh diệt là giả. Biết được hai cái đó giả rồi thì sự tu hành thật không khó. Do chấp thân, chấp tâm nên khó thiền định. Khi biết được thân giả, tâm sanh diệt là giả, chúng ta dễ dàng an định thân tâm. Ai nhìn đúng sự thật thân giả, tâm sanh diệt giả, tức là người đó đã giác rồi. Lại nữa người đó quán chiếu thấy rõ đời là vô thường, khổ nơi thân và tâm để từ đó quyết gở bỏ những tham đắm, chấp thủ mà bấy lâu nay gắn bó với con người và cuộc đời. Nhãn quan của đạo Phật về cuộc đời quá rõ ràng như trong kinh Kim Cang dạy: Nhứt thiết hữu vi pháp, Như mộng huyễn bào ảnh, Như lộ diệc như điển, Ưng tác như thị. Dịch nghĩa: Tất cả các pháp hữu vi, Như mộng, huyễn, bọt, bóng, Như sương, như chớp lóe, Hãy quán chiếu như thế.
          Kinh Kim Cang cũng dạy: “Phàm hữu sở tướng, giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”, nghĩa là những gì có tướng đều hư dối, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức là giả, đó là thấy Phật vì Phật là giác.
Theo giáo lý nhà Phật, con người có vị thế tối thắng hơn chúng sanh khác để tu chứng, giải thoát thành Phật. Vì thế thác sinh được làm người là khó. Câu “Nhân thân nan đắc” của Nho gia là nhằm nhắc nhở chúng ta đang có phúc duyên, đang có vị thế thuận lợi để đi vào con đường giác ngộ như Đức Phật, đã trải nghiệm rồi đắc Thánh quả thành đấng Toàn Giác, thầy của Trời và Người.                                                            
          Nhà Phật dạy ta giác thẳng nơi con người chớ đừng cầu tìm bên ngoài. Sự giác ngộ chân thật không phải từ bên ngoài mà ngay nơi mình phát ra, nghĩa là không ai thay thế cho mình được. Trọng tâm đặt ngay nơi con người. Chúng ta học Phật là học đạo Giác Ngộ, mà nếu không chịu giác thì biết học cái gì. Trên đời nầy cũng có kẻ càng học lại càng mê. Có người chỉ vì một câu nói vu vơ của người khác rồi âu sầu phiền não nhớ mãi, trằn trọc suốt đêm, ăn không ngon, ngủ không yên. Nào là chuyện làm ăn lỗ lã, lý luận với ai bị thua rồi tính làm sao cho hơn họ.. Phải chăng đời người lúc nào cũng sống trong sự nắm giữ của người khác, dù chuyện vui, chuyện buồn nào cũng đều bị người khác điều khiển. Muốn cho người nào đó thích chỉ cần khen vài câu tốt đẹp. Trái lại muốn cho phiền não chỉ cần phê bình vài câu không hay!  
          Chữ “Đạo” trong đạo Phật cũng chỉ đơn giản là con đường, là phương pháp đưa chúng ta đến giác ngộ. Đã đi con đường giác ngộ mà lại trở thành mê tín thì thật nghịch lý, muốn làm sao cho mau thành Phật, nay đi cúng chỗ này, mai đi cầu bà kia xin đủ thứ, đó là một sai lầm. Con đường thành Phật như Đức Thích ca Mâu Ni dài lắm tính bằng các kiếp sống. Đức Phật cũng từng nói Ngài trải qua “vô lượng kiếp”, đến kiếp sau cùng nầy mới thành Phật. Từ một Đức Phật lịch sử ấy, chúng ta thấy sự đại ngộ của Ngài không phải là một cái gì bí hiểm và cũng không phải là sự ngẫu nhiên. Điều ấy khích lệ chúng ta đặt trọn niềm tin trong sạch về sự giáo huấn của Ngài. Đức Phật Thích Ca đã nói lời xác quyết: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” và hãy nhớ là chúng ta “sẽ thành Phật”, chớ đừng ngộ nhận là thành Phật. Muốn thành Phật thì phải đi theo dấu chân của Đức Bổn Sư, tức là phải làm theo giáo huấn của Ngài. Ngài chỉ nhận mình là bậc hướng đạo sư mà thôi: “Các người hãy làm việc của các người, Như Lai chỉ dạy con đường”. Đức Phật đã từng bảo chúng ta rằng: Mỗi người đều chịu trách nhiệm về mỗi hành vi thiện hay ác của chính mình. Cũng như sự giác ngộ là nỗ lực tự thân mỗi người chớ không thể nhờ người khác giác ngộ thay cho mình được. Đức Phật chỉ là người Thầy chỉ đường chớ Ngài không chịu trách nhiệm về sự tu chứng của mỗi chúng sanh. Lại nữa có tu mới chứng, không tu làm sao chứng được. Đạo Phật là đạo thực nghiệm, kinh nghiệm thực tế của từng cá nhân trên con đường tìm Đạo, đạt Đạo. Chúng ta cũng nên nhớ mỗi người là một vị Phật trong tương lai như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh, khi gặp ai Ngài cũng lễ lạy khen ngợi họ, kể cả khi bị đánh mắng, hay ném đá, gậy gộc vào Ngài cũng không sờn lòng, niềm tin “bất thối chuyển” cho mình và cho người khác rằng “Qúy vị đều sẽ thành Phật”. Hành vi thánh thiện của vị Bồ Tát Thường Bất Khinh nầy nhằm kêu gọi chủng tử Như Lai của mỗi người mà Phật giáo gọi là “giáo dục đánh thức”, làm thức dậy Phật tính là tính sáng suốt hằng có nơi mỗi người. Phật tính cũng không phải cái gì khác, đó là TÂM. Cái tâm ấy như mặt trời rộng lớn bao la có ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi, lại luôn bị lớp mây mù che khuất, không lộ ra được. Lớp mây mù ấy chính là Tam Độc: Tham, Sân, Si. Cho nên sự giác ngộ để tu là nhằm xóa tan lớp mây mù ấy mà thôi. Muốn giải thóat kiếp luân hồi khổ ải nầy, trước hết chúng ta phải sớm giác ngộ. Vô minh chính là gốc của sanh tử luân hồi. Vậy thế nào là minh? Thấy thân nầy không thật, tâm hư dối không thật là minh. Minh và vô minh chỉ ở sát bên nhau chớ không xa xôi gì hết, chỉ cần một suy nghĩ đúng để nhận ra cái nào là thật, cái nào là giả. Chúng ta tu là để mong cầu cái gì? Cầu giác bỏ mê, cầu được minh (sáng suốt) bỏ vô minh (ngu muội). Thay đổi cái nhìn từ sai lầm chuyển qua tỉnh ngộ thì hết mê. Hết mê là giác, mà tâm giác là tâm Phật, tâm Bồ Tát. Như vậy từ kẻ phàm phu chuyển qua Bồ Tát cũng không có gì là khó. Câu chuyện về một ông hàng thịt nghe lời dạy của một Thiền sư, liền thức tỉnh đọc bài kệ: Tạc nhật dạ xoa tâm, Kim triêu Bồ Tát diện, Dọa xoa dữ Bồ Tát, Bất cách nhất điều tuyến.         
         Bài kệ nói lên ranh giới giữa mê và ngộ. Hôm qua mê là tâm dạ xoa, ngày nay giác là mặt Bồ Tát. Bồ Tát và dạ xoa không cách một đường tơ. Thật ra không có gì ngăn trở mình chuyển mê thành giác. Chuyển không được, tại chúng ta không quyết chí chuyển thôi. Chúng ta hiểu giác thì phải tập giác (tri và hành), ngày nay chuyển chưa được, ngày mai tiếp tục bất thối chuyển (tinh tấn). Ông hàng thịt còn chuyển dễ dàng, chúng ta đâu có tội lỗi bằng ông hàng thịt. Nếu không chuyển được tại chúng ta chưa biết tu Phật. “Phật sẽ thành” là một tiềm năng giác ngộ vẫn còn xa lắm đối với chúng ta. Nói như vậy không có nghĩa bi quan tiêu cực, bởi có đi thì sẽ có đến, vậy chúng ta hãy cất bước ngay ngày hôm nay. Chúng ta hãy như Bồ Tát Thường Bất Khinh  trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, khơi dậy tiềm năng giác ngộ nơi mỗi chúng ta. Nhưng sự học Phật thật là mênh mông, chúng ta sẽ bân khuân không biết bắt đầu từ đâu. Phật giáo chỉ cho chúng ta tường tận từ hiếu thuận với cha mẹ, muôn vạn quyển kinh của Phật, Thánh, Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu (Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên). Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy: “Hôm nay đã quy đầu Phật tu niệm tại gia, ta hãy cố gắng vâng lời Thầy Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu nghĩa”. Vậy muốn học Phật có kết qủa phúc báu trước hết phải học làm người tốt. Đánh thức tiềm năng giác ngộ thành Phật của con người luôn là mục đích tối hậu của giáo lý Phật Đà.
          Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật                            
           Nam Mô A Di Đà Phật                 
                                                                                                                                       Phan Thanh Nhàn
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn