NIỆM PHẬT CŨNG PHẢI GIỮ GIỚI

11 Tháng Mười Hai 202011:34 SA(Xem: 4597)
NIỆM PHẬT CŨNG PHẢI GIỮ GIỚI
NIỆM PHẬT CŨNG PHẢI GIỮ GIỚI
                                                                                            ĐAN LÊ
          Tòa nhà của đạo Phật được xây lên từ Giới Định Huệ, ai muốn vào tòa nhà nầy phải phủ lên thân tâm mình ba món công đức ấy mà Giới được sắp làm một chiến tướng đi đầu dẹp an (Định) mới phản chiếu ánh sáng (Huệ) thì sự sự vô ngại pháp giới hoàn hảo.
          Đạo Phật đưa ra nhiều pháp môn dạy chúng và pháp môn nào trong khi hành đạo, Giới, Định, Huệ cũng ở ngôi chủ. Nay tôi xin trình bày với quý vị về giới cấm tức nói qua khả năng của một chiến tướng đi đánh trận đầu. Như ta thấy pháp môn Niệm Phật được Đức Phật Thích Ca giới thiệu và ca ngợi tán thán công Đức của vị Phật giáo chủ cõi Tây Phương, đề ra phương pháp dễ tu nhất vì chỉ có niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT là được, không đợi học thuộc nhiều Kinh Kệ, lấy bằng Phật học gì gì. Hành trì pháp môn Niệm Phật, người ta sẽ không bàn đến hành giả của pháp môn nầy có học hay vô học, thông minh hay khờ khạo. Nam Mô A Di Đà PHẬT chỉ là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT không cần giải thích, bởi lẽ, hành giả của pháp môn nầy cần chánh niệm hơn là sự giải thích, vì giải thích làm mất Chánh Niệm. Ở chỗ không cần giải thích mà sanh nhiều sự giải thích, bắt buộc hành giả phải áp dụng biện pháp dùng giới cấm ngăn chận sự giải thích lại trong khi đang Niệm Phật và đề cao sự giới cấm lên hàng đầu, chặt đứt mọi ý niệm, lý lẽ, để không bị chúng quấy rối trong khi đang hạ thủ công phu. Đức Thầy dạy:
“Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp,
Niệm Phật thì phải diệt lòng tà.”
          Tâm ô tạp là cái tâm đụng đâu cũng dính mắc, ô nhiễm tạp nhạp, không có phương thức, hàng ngũ, kỷ luật… gì cả. Cuộc đời cứ bị sóng gió mãi, hết trận sóng gió nầy đến trận sóng gió khác, trên thuyền đi qua bờ giác lúc nào cũng bị chao đảo, lắc lư, đe dọa nhận chìm. Cái tâm ô tạp nặng nề như vậy, để lâu trong lòng thì mỗi lúc vi cánh nó thêm nhiều, lực lượng hùng hậu của chúng có thể ép ta bỏ tu, bỏ cái ước mong vãng sanh Cực Lạc mà nhiều năm qua ta luôn theo đuổi.
          Trước mắt ta, không phải đã có khá nhiều người tu bỏ cuộc giữa chừng rồi sao! Trong số họ đâu phải không có người thông minh tiếng tăm lừng lẩy một thời, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm… đường tu lâu như vậy, chỉ một phút sơ hở, cái tâm ô tạp nó đột nhập vào căn cứ mà ta không phát hiện kịp thời để đuổi chúng hay làm cản tay cản chân trì trệ sự phát triển thì chúng hất chúng ta văng. Nếu chúng bị cản thì độ tiến công của chúng không nhanh, ta còn thời gian may ra có cơ hội gỡ được nước cờ bí, lấy lại công phu Niệm Phật. Hành giả Niệm Phật mà ngay khi đó tâm ô tạp chen vào đồng hành cũng dễ dãi bỏ qua việc đuổi khách, khách càng ở lâu, chúng càng bành trướng lực lượng, lấn đất giành quyền. Lấn chỗ thường còn đỡ, đến khi ta cúng nguyện, Niệm Phật mà chúng ô tạp cũng lấn đất giành quyền nữa thì lúc ta cúng đâu phải là cúng Phật và thay vì Niệm Phật là niệm chúng.
          Để cho chúng lấn đất giành quyền lâu ngày, đến cử ngồi Niệm Phật nó đứng chần dần ra đó thì niệm nó chứ có Niệm Phật được đâu? Chúng soán ngôi đẩy ta đi càng xa pháp môn, mất phương hướng vãng sanh Tây Phương, leo núi chưa đến đâu thì chúng đá văng xuống.
          Đừng nói là tu hai, ba mươi năm thì gốc gác cứng như tường đồng vách sắt, lở có sơ hở chúng cũng không đẩy lật nổi. Ta tu hai, ba mươi năm mà Pháp Lành không hỗ trợ Tâm Lành, cứ hiện pháp ác mãi thì tâm lành phải ẩn khuất còn đâu nữa xưng cho dữ? Tu mà pháp lành không hỗ trợ tâm lành hành giả thật là cô độc như người lính chiến ở giữa vòng vây giặc. Nói pháp lành tâm không lành, luận pháp bén ngót, nghe thấy không có chỗ hở, cái gì cũng không không còn tâm thì thích đủ thứ, pháp thanh nhưng tâm dính đầy trược, hành động trược… tâm dính đầy trược, hành động trược, đụng chuyện ta chỉ có mình ta thôi, không được đức lành kề vai tiếp sức trong khi tâm ô tạp ta để cho nó mỗi lúc chiêu binh mãi mã thêm đông, ta sức một chọi mười, chọi một trăm làm sao thắng nổi. Ta bị chúng đạp rớt xuống núi là phải thôi. Có vị rớt xuống núi, thua cuộc nhưng vẫn giữ kỷ niệm với tương chao tàu hủ, có vị hai, ba mươi năm tu, hễ chịu xuống núi rồi thì tương chao tàu hủ mấy mươi năm cũng văng sạch bách ra.
         Để trừ được cái “Tâm Ô Tạp” nầy, tu hành cho đến nơi đến chốn, theo Đức Thầy, chỉ phải giữ giới cấm mới chu toàn, thượng lộ bình an. Giới cấm như làm hàng rào ngăn chận sự xâm nhập của quân ô tạp. Trong lúc Niệm Phật là lòng chỉ có Đức Phật thôi, không niệm gì khác, tất cả niệm ngoài niệm Phật đều là quân ô tạp cần phải chận đuổi quyết liệt. Làm sao cho tiến độ tu hành tăng lên chứ không sụt giảm, nếu hoàn cảnh có xảy ra nhiều chướng ngại không tiến lên bậc thang kế tiếp thì ở tại chỗ “Cấm sào trì chí” chứ đừng hoảng sợ bỏ chạy lui về. Tập sự tu hành trở nên bén nhạy, bén để chặt đứt những mối nhợ của phiền não, nhạy là khi phiền não tràn vào là hay, nhờ đó phát hiện sự có mặt của quân ô tạp trong khi hành đạo, hay là hành động liền theo đó tức khắc sẽ mất chúng. Nhạy hay như vậy chúng chẳng những không kịp phá hại được gì mà còn bị đuổi đi nhanh chóng.
         “Niệm Phật thì phải diệt lòng tà”. Như chúng ta biết, ô tạp là sự tổng hợp của nhiều thứ chướng, tâm ô tạp là tâm bị nhiều thứ cảm nhiễm; nay nhiều thứ cảm nhiễm đó bị hành giả giữ giới cấm chận đuổi, sự lu bu nhiều manh mối không còn, bấy giờ trong Niệm Phật chỉ còn có tà và Chánh xen nhau. Chánh đây là Chánh Niệm, tà là tà niệm. Người tu pháp môn Niệm Phật là muốn giữ Chánh Niệm liên tục, do vì ý muốn và việc làm không cùng nhau, nói là liên tục Niệm Phật chứ không có liên tục, tạo kẻ hở cho tà niệm xông vào hoành hành không hay không biết. Tà niệm ở lâu sẽ thêm vi cánh, chúng lấn sân và tăng dần cường độ độc chiếm để thời giờ ta nói là Niệm Phật lại niệm chúng nhiều hơn mà ta không hay.
          Xét qua hai câu giảng nêu trên, chúng ta hiểu Đức Thầy có nhủ ý rằng: đừng tưởng Niệm Phật không là được. xưa nay người tu niệm Phật có cùng hai mục đích: một là, vãng sanh về cõi Phật ngay sau lúc lâm chung, hai là, Niệm Phật để tìm lại Phật của chính mình. Trong thời gian chưa được vãng sanh mà Phật của chính mình cũng chưa xuất hiện, đâu dễ an khi ta biết cõi thế gian là cõi khổ, sanh lão bệnh tử là khổ nhưng nhiều người trong chúng ta quá đam mê vào cuộc sống thế gian đến đổi quên cầu vãng sanh, quên tìm Phật chính mình. Hành giả của pháp môn Tịnh Độ đúng với ý nghĩa là chí thành Niệm Phật, ngay cả trong tứ oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi Đức Thầy cũng nhắc nhở “Rán niệm chớ quên không đợi gì thời khắc". Là hành giả ta tự nhắc nhở mình “Rán niệm chớ quên” nhưng ta hay quên. Một trong tứ oai nghi là Tịnh Tọa, cái thế đã vào bài bản vững chắc hơn hết trong ba oai nghi kia: đi, đứng, nằm, phần nhiều chỉ là lý thuyết nhằm khuyến tấn đừng quên lãng việc hành trì. Niệm Phật là điều được nhắc nhở trong tứ oai nghi cho ta không quên nhưng ta lại quên, hay có Niệm Phật mà quên nhớ Phật để nhớ những gì khác đều là do cái thói quen của tâm ô tạp phủ chụp một màu đen lộn xộn, nếu hành giả tự đề cao sự giữ giới phủ lên đời tu niệm, cử công phu tịnh tọa sẽ dễ dàng vào Chánh Niệm.
          Đức Thầy dạy: “Cần tu thập thiện thì sự Niệm Phật mới có hiệu quả. Tu thập thiện, dứt được thập ác (cũng gọi là tịnh tam nghiệp)”. Vậy Niệm Phật cũng phải cầu tịnh tam nghiệp, tịnh tam nghiệp là kết quả của sự giữ giới.
“Cầu tịnh ba nghiệp xong xuôi,
Tây Phương quyết đến chung vui Phật Đài.”
“Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp,
Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho”.
Đan Lê
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn