LỤC TỰ TRÌ TÂM

11 Tháng Mười Hai 202011:57 SA(Xem: 5825)
LỤC TỰ TRÌ TÂM
LỤC TỰ TRÌ TÂM
ĐAN LÊ
          Hôm rằm qua có một số khách đi chùa bái Phật, tiện dịp ghé thăm và yêu cầu tôi cho một món ăn tinh thần. Tôi chưa biết nói gì làm vui lòng khách thì có người khác đưa ra hai câu Sám giảng của Đức Thầy làm câu hỏi hỏi tôi, hai câu ấy là:
“Chữ lục tự trì tâm bất viễn,
Thì lâm nguy có kẻ cứu mình.”
          Đáng lẽ đặt câu hỏi xong thì thôi chờ giải đáp đàng nầy chú ấy diễn lý: Người học Phật nhất là hành giả của pháp môn Tịnh Độ, niệm Lục Tự Di Đà cầu vãng sanh Phật Quốc ngay sau khi mãn kiếp hồng trần phải được y cầu. Niệm Phật A Di Đà thì Phật A Di Đà cứu độ, Đức Thầy dùng từ “có kẻ cứu mình”. “Kẻ” là ai mà có khả năng cứu lâm nguy cho nhân thế? Chẳng lẽ Đức Thầy gọi Đức Phật A Di Đà là “KẺ “? Nhờ ông cho lời giải thích để tôi mở được gút lòng.
          Nghe đặt câu hỏi với lý luận dài tôi có hơi lúng túng với ý nghĩ lạ lùng của vấn chú. Chú giải về đề “Chữ lục tự trì tâm bất viễn, thì lâm nguy có kẻ cứu mình” xưa nay các vị giảng viên lớp tiền bối, trung bối đã giảng giải quá nhiều, đáp số tương đối, nhưng hỏi cái kiểu “bắt từ” như vầy tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Bị hỏi ý lạ, lòng chưa có câu trả lời nên tôi cố kéo dài thời gian để có may ra gỡ nước bí, không thì chào chua chứ không đáp miễn cưởng. Tôi hy vọng sẽ có kiến giải thích hợp. Đúng là có kiến giải, tôi đáp:
          Đạo hữu đặt câu hỏi có nhiều vế, trước hết tôi trả lời thẳng thắng vế hỏi “Chẳng lẽ Đức Thầy gọi Đức Phật là kẻ”? Xin đáp: “Kẻ” không phải là Đức Phật và vì thế Đức Thầy không gọi Đức Phật là kẻ. Vậy kẻ ấy là ai chúng ta từ từ bàn nha.
          Như ai cũng biết thế gian là cõi khổ Đức Thầy lâm phàm dạy đạo bằng đưa ra phương pháp niệm Phật, tu cầu Đức Phật từ bi tiếp dẫn vong linh được thoát chốn mê đồ vãng sanh miền Cực Lạc. Tiếp dẫn vong linh hay cứu độ vong linh là chỉ xảy ra trong giờ phút có ai đó thoát trần, nó khác với cái gọi là “lâm nguy” hay “nạn tai”. Chữ vong linh tức nói hồn người chết. Người ta không muốn thân nhân mình hay bạn bè yêu quí chết đi bị đọa xuống ba đường dữ, sáu nẽo luân hồi chịu hết hình phạt bởi nhân quả phải đầu thai lên cõi dương gian làm người, hay vì quá si độn phải sanh vào loài cầm thú. Dầu người thân của mình lúc sinh tiền có tu hay không tu, ác nhiều thiện ít, người biết đạo cũng tổ chức đặt bàn cầu Phật tiếp dẫn và cứu độ vong linh thoát chốn mề đồ vãng sanh miền Cực Lạc. Tiếp dẫn hay cứu độ vong linh chỉ có Đức Phật mà nói cho chuẩn là Đức Phật A Di Đà mới có khả năng đưa người từ chốn hồng trần sanh qua Cực Lạc.
          “Kẻ” không phải ngụ ý là Phật mà là người trong cõi thế gian, dầu là bậc tu hành chơn chánh lắm công đức và trí tuệ minh mẩn cũng không có khả năng tiếp dẫn vong linh một chúng sanh thoát chốn mê đồ về Phật Quốc bởi bậc tu hành nầy chưa từng ở Phật Quốc thì không có lý cứu độ vong linh về Phật Quốc như về nhà của ông ta được.
          Cực Lạc là quốc độ của Đức Phật A Di Đà, Ngài mở bày phương cách dạy chúng sanh niệm danh hiệu của Ngài đến nhứt tâm bất loạn, tức trong lúc niệm Phật, NAM MÔ A DI ĐÀ PHÂT chỉ là NAM MÔ A DI ĐÀ PHÂT thôi, không để xen vào niệm gì khác ngoài sự niệm Phật. Niệm Phật có những niệm khác xen vào là không “nhứt tâm”, tâm tâm vọng khởi, là “loạn” chứ không phải “bất loạn”. Khi chúng sanh tu đạt chỗ yếu chỉ của pháp môn Ngài dạy thì Ngài cứu chứ “kẻ” nào cứu được.
          Cứu độ lúc “lâm nguy” hay xảy ra “nạn tai” chỉ là cứu an tạm thời cho qua lúc gặp chuyện khó khăn bức hại, câu “thì lâm nguy có kẻ cứu mình” hay “Nạn tai cũng thoát như không” (lời Đức Thầy). Nếu tôi nói “kẻ” đó không phải là Phật nhưng Phật sai tới cứu người vượt khỏi hiểm nguy thì quý đồng đạo đây có tin không?
          Chuyện Trần Huyền Trang Tam Tạng sang Đông Độ thỉnh Kinh, người ta đã đưa vào phim ảnh phổ biến rộng rãi, đâu đợi người tu mài mò sử nghiệp Phật Giáo mới để lòng mà cả người đời cũng thích. Trên đường thỉnh Kinh, Trần Huyền Trang gặp biết bao tai nạn và tai nạn nào cũng thừa chết nhưng đâu có chết. Bồ Tát Quán Thế Âm khiến Tề Thiên Đại Thánh, Bát Giới, Sa Tăng ba vị đệ tử thuộc dạng tài phép hơn người theo phò hộ. Nếu gặp trận lớn, đụng tới mấy con yêu có nhiều phép thuật, ba đệ tử tác chiến không dẹp nổi yêu tinh thì Tề Thiên dùng phép bay lên tìm Ngọc hoàng Thượng Đế hay Đức Phật Tổ, Ngọc Hoàng sai thiên binh thiên tướng xuống cứu “thì nạn tai của Trần Huyền Trang cũng thoát như không” thôi. Đức Thầy dạy đạo khuyến tu có kể sự tích của Trần Huyền Trang đi thỉnh Kinh với nhiều chướng ngại mà nhờ kiên trì, lòng tưởng Phật, niệm niệm nối liền thoát qua biết bao nhiêu cửa tử:
“Lúc Tam Tạng Tây Phương quyết đáo,
Bị loài yêu làm bạo lắm phen.
Đức Từ Bi phải lộ trắng đen,
Lôi Âm Tự cũng đi đến chốn.
Đi dọc đường yêu tinh làm hỗn,
Thấy Đường Tăng thơm thịt mướn ăn.
Nhờ môn đồ Bát Giái Sa Tăng,
Với Đại Thánh Tề Thiên cứu vớt.
Lòng sáu chữ nhớ không có ngớt,
Thì nạn tai cũng thoát như không”.
          Đức Thầy viết Sám Giảng Giáo Lý nhắc nhở người tu gìn lòng “Ai coi qua xin đừng bỏ lãng, gắng công trình vạch lá tìm sâu”. Nhờ vậy hễ ai xem qua để vào lòng, có còn ở ngoài nữa đâu mà quên? Từ khi để lòng mới có cơ hội vạch tìm ý nghĩa như “vạch lá tìm sâu” vậy; có vạch lá tìm sâu mới biết con sâu trốn đâu trong lá để tự trị, mặt khác, khi sâu đã hóa nghiệp hoành hành khiến ra tai nạn: nghèo đói, bệnh tật, lâm nguy, sẽ chuyên niệm Phật hành thiện, nguyện cầu Phật Trời hộ độ ngay lúc bệnh tật, lâm nguy. Ta không thấy Phật Trời hiện thân đến độ nhưng có kẻ khác đến giải quyết tháo gỡ tai nạn, nghèo đói, bệnh tật, lâm nguy cho ta. Chuyện “Có kẻ cứu mình” thế gian nầy biết bao nhiêu là chuyện, tôi xin kể một chuyện điển hình:
          Xưa, ông Trần Minh Thiệu (Ba Thiệu) Trưởng ban Phổ Thông Giáo Lý quận Lấp Vò, trước năm 1975 thuở đó PGHH được tự do tôn giáo một cách đúng nghĩa, sinh hoạt đạo sự, truyền bá giáo lý tôn giáo không hạn chế bất cứ nơi nào trong đất nước Việt Nam. Ông Trần Minh Thiệu chở Sám Giảng và Thi Văn PGHH ra miền Trung phát thí, đêm đó ngủ tại tỉnh Nha Trang. Trời chưa sáng thì ông và những đồng đạo đi cùng được gọi thức để đi ra Phú Yên cho sớm. Mỗi chiếc xe HonDa SS 67 đều có chở một bao Sám Giảng và Thi Văn Giáo Lý, ra tới cận trạm ngoại ô cảnh sát chận lại nhưng không hỏi giấy tờ tùy thân mà vào quán nước ngồi nhăm nhi tách cà fê bốc khói.
          Ông Trần Minh Thiệu thấy sao mà chú cảnh sát quá vô tình vô ý, kêu lại không hỏi gì lại bỏ đi, ông liền đi ngay lại quán nước hỏi mấy chú cảnh sát rằng: Sao không kiểm tra giấy tờ đặng chúng tôi đi đường xa cho kịp? Tên cảnh sát cười nói: Các bác trong Nam ra phải không? Chưa đến lúc hỏi giấy thì các bác cứ ở đợi, đừng phiền. Chờ cho đến mỏi cả lòng, ngoài Trời hanh nắng, có chiếc xe nhà binh đi qua thì mấy chú cảnh sát kêu chúng tôi đi đi. Chạy một chút là nghe tiếng nổ ầm ầm phía trước, là Việt Cộng đấp mô giật mìn. Bây giờ tôi mới nghĩ ra: tại sao chú cảnh sát chận giữ xe lại mà không hỏi xem giấy tờ? Cảnh sát ấy chính là “kẻ cứu mình” không thì mìn của mấy ông Việt Cộng gài, nổ banh xác còn gì.
          Tóm lại, cứu độ hay tiếp dẫn vong linh người thoát chốn mê đồ vãng sanh miền Cực Lạc là Đức Phật A Di Đà, còn cứu khỏi lâm nguy tai nạn là người với người giúp nhau mà người cứu tai nạn hiểm nguy có thể là Phật Trời sai khiến “kẻ cứu mình”, hoặc do người tu gieo nhân lành không thể hưởng quả dữ, gặp dữ thì dữ cũng hóa lành.
          Bàn xét như trên Đức Thầy dùng từ “kẻ cứu mình” trong lúc “lâm nguy” không ám chỉ Đức Phật, đã quá rõ nghĩa.
          Đan Lê
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn