Ân Đất Nước trong Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo

19 Tháng Giêng 20213:01 CH(Xem: 8114)
Ân Đất Nước trong Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo

 

Ân Đất Nước Trong Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo

Sứ mạng lâm phàm của Đức Huỳnh Giáo Chủ là để cứu độ chúng sanh trong thời kỳ đại nạn, thế nên Ngài đã hiển thị “Pháp Môn Học Phật Tu Nhân”, vì Ngài muốn cho nhân loại trở thành người hiền đức và sẽ được trọn lành, trọn sáng để dự Hội Long Hoa, được đưa sang sống đời Thượng Ngươn Thánh Đức.
109492883_1545840942244033_7146257840849129592_nĐức Huỳnh Giáo Chủ PGHH
Đó là phần giáo lý, mà Ngài đã ân cần dạy cho chúng ta, với chủ trương nhập thế để chuẩn bị cho cư sĩ tại gia, phải trang nghiêm tu tiến đến giải thoát, còn về phần hành sử, thực hành, chúng ta cũng cần phải hành trọn Tứ Đại Trọng Ân trong giáo lý của Ngài:


“Nào là luân lý tứ ân,
Phải lo đền đáp xác thân mới còn.”(Quyển 3)
hay là,
“Đến ngày biển cạn non mòn,
Tứ ân đã trả chẳng còn tội căn.”(Cho Ông cò Tàu Hảo)

Những lời giáo huấn trên của Đức Tôn sư đã cho thấycái tầm quan trọng của Tứ ân. Tứ ân là nền tảng, là căn bản, là mối chốt của người tu:

Ân thứ nhứt của Giáo lý PGHH là Ân Tổ Tiên Cha Mẹ:

Tổ Tiên, Cha Mẹ là những người đã tạo nên “thân mạng” cho chúng ta; với công lao to tát hy sinh khổ cực trăm bề để nuôi dưỡng chúng ta lớn khôn nên người. Chúng ta phải lo đáp đền ân sâu nặng nầy mới trọn đạo làm người, lúc cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời. Chính Đức Phật cũng dạy ân đức cha mẹ khó đền đáp, dù các con có báo hiếu bằng cách cắt thịt da dâng cho cha mẹ lúc cha mẹ đói khát cũng không đáp được công ơn cha mẹ.

Về phương diện tinh thần, chúng ta cũng phải thấm nhuần cái ân thứ ba để ân cần trân trọng, đó là Ân Tam Bảo. Nhờ sự giúp đỡ của Phật Pháp Tăng, các Ngài sẽ khai mở trí óc cho ta được sáng suốt, để chúng ta hiểu về Phật Pháp, giáo lý nhiệm mầu của Phật. Chúng ta nương theo đó mà tu hành, hầu thoát khỏi bể trầm luân khổ ải, luân hồi tái sanh vô tận.

Ân Thứ Tư đã nhắc nhở cho chúng ta biết ân sâu của đồng bào nhân loại, họ là những người cùng sanh ra trên lãnh thổ quê hương của mình. Nhờ họ mà ta đã có những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống, cũng như họ đã chở che giúp đỡ cho chúng ta những khi đau yếu, phong vũ nhiệt hàn. Ngoài ra chúng ta còn có những người khác trên thế giới nầy. Đó là nhân loại, là những người cũng đang cặm cuội, cần lao, cung phụng cho ta những vật dụng cần thiết liên quan đến đời sống hằng ngày của con người. Sáng tạo những phát minh mớivề y tế, kỹ thuật, nhằm một mục đích chung, để phục vụ cho thế giới loài người...Chính vì vậy mà chúng ta cũng phải hết sức trân trọng để biết ơn đến họ là nhân loại cùng chung sống với chúng ta trên quả địa cầu nầy. 

Và đặc biệt hơn nữa ân Thứ Hai trong bốn đại trọng ân của Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo cũng luôn nhắc nhở, hun đúc để cho tín đồ của Ngài phải ý thức một trọng trách của một công dân, để có bổn phận phải đền đáp, bảo vệ lãnh thổ mình. Đức Giáo Chủ cũng đã ân cần khuyên dạy:


“Sanh ra, ta phải nhờ Tổ tiên cha mẹ, sống ta cũng nhờ đất nước quê hương. Hưởng những tất đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo, và làm cho được trở nên được cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ-cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc-gia mạnh giàu mình ta mới ấm. Hãy tùy tài tùy sức, nỗ-lực hy-sinh cho xứ-sở. Thảng như không đủ tài lực đảm-đương việc lớn, chưa gặp thời-cơ giúp đỡ quê-hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ-xuất đến đỗi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất-nước”.


Thế nên trong thời gian đất nước bị ngoại xâm, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, Ngài đã đứng ra hướng dẫn môn nhân đệ tử của Ngài, một tinh thần bất khuất, can đảmđể đối phó với quân xâm lược Pháp. Thời gian ấy, Ngài cũng đã không quên mình là một công dân của đất nước bị trị, và dù đã khoác áo nhà tu, không vướng bận miền tục lụy, nhưng khi quốc gia hữu sự, Ngài tự thấy mình cũng phải có bổn phận để chống trả lại quân thù, để bảo tồn non nước Việt. Ngài đã cùng với các môn nhân đệ tử của Ngài đêm ngày băng rừng, vượt suối xông pha ngoài trận tuyến với biết bao nhiêu gian khổ để đấu tranh.

Và người ta cũng không bao giờ quên chí cả yêu nước của một vị Cứu đời, siêu xuất trần gian qua mấy dòng tâm huyết trong Sấm Thi của Ngài bài: “Riêng Tôi” 

Nhìn thấy non sông suối lệ trào,

Lòng nguyền giữ vững chí thanh cao.

Hậu thế muôn thu xét thử nào?

Lòng nầy yêu nước biết là bao?

Để trả ơn đất nước. Ngài quyết chống xâm lăng, dầu phải hy sinh tánh mạng trong bài “Tặng Chiến Sĩ Bình Xuyên”.


Ách nô lệ dân ta đà chán biết,

Nên quyết lòng nổi dậy chống xâm lăng.

Chỉ quân Tây thề một tiếng rằng:

Thà cam chết, không làm dân bị trị.


Để nêu cao cờ độc lập, Ngài đã:


Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,
Quyết rứt cà sa khoác chiến bào.

Đuổi bọn xâm lăng, gìn đất nước,
Ngọn cờ độc lập, phất phơ cao. (Quyết Rứt Cà Sa)Hinh QĐ

                                                                                     Quân Đội Nữ PGHH

Ngài luôn ý thức trọng trách của thanh niên tráng sĩ, là rường cột của nước nhà để noi theo chí hướng của tiền nhân, những anh hùng dân tộc, đã bao phen hy sinh để giành lại dãy giang sơn nước Việt.


Mặc dầu trải qua nhiều thử thách gian truân nguy hiểm, nhưng lòng yêu nước nồng nàn của Ngài đã không sờn chí trước sự xâm lăng của quân xâm lược Pháp, để cương quyết tiếp tục cuộc tranh đấu, nguyện đền ơn đất nước. Người ta đã không quên tinh thần bất khuất kiên cường đấu tranh của Ngài để môn nhân đệ tử của Ngài ý thức được trách nhiệm của thanh niên thời binh biến, thời gian mà đất nước Việt Nam dưới ách thống trị của ngoại xâm trong Sấm Thi, bài Gọi Đoàn Chiến Sĩ:


Bắc Nam một dãy san hà,

Mồ hôi giọt máu ông cha tài bồi.

Trải qua cũng lắm hồi vận bĩ,

Rồi anh em tráng sĩ đứng lên.

Liều mình đục pháo xông tên,

Liều mình giết giặc xây nền tự do.

Tiếng roi lại bình Ngô, sát Đát,

Sử xanh còn ngào ngạt hương thơm.

Trông phường giá áo túi cơm,

Trông phường úy tử mà nhờm đi thôi.

Nay vận nước đến hồi thịnh thái,

Chí anh hùng ta hãy noi gương.

Một mai nước được phú cường,

Tấm thân tráng sĩ cột rường nhà Nam.


Vì tình thế cấp bách của vận nước, Ngài luôn kêu gọi tinh thần đấu tranh của cả đồng bào, nhất là môn nhơn đệ tử của Ngài và Ngài cũng dấn thân vào cuộc tranh đấu chống ngoại xâm, quyết quét sạch quân thù, bồi đắp non sông nước Việt, nêu cao tinh thần quật cường của một giống nòi liệt oanh. Chúng ta hãy nghe tiếng lòng của Ngài trong Sấm Thi bài: “Chí Nam Nhi”.


Khí thiêng liêng sông núi nhiệm mầu,

Un đúc giống anh hùng vang bốn bể.

Gương sáng ấy soi chung hậu thế,

Anh em ơi! theo dõi gót cùng ta.

Ra tay quét sạch san hà,

Ra tay bồi đắp nước ta hùng cường.


Muốn cho nhân loại chúng sanh nhanh chân bước vào Hội Long Hoa, trong thời kỳ hoại diệt. Ngài nhận thấy trong các hạnh thi thiết cứu đời, chỉ có hạnh vô úy là hạnh cao nhất, nên Ngài đã phương tiện tạo ra Bộ đội Nguyễn Trung Trực, đảng chính trị Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Đây cũng là một cơ hội hiếm có để rèn luyện cho người tu hành, ý thức được trách nhiệm của mình, của mỗi công dân để tự lập lấy thân danh trong giai đoạn đất nước Việt Nam đang ngã nghiêng, để cùng đứng lên hy sinh xương máu giành độc lập tự do cho đất nước. Ngài cũng luôn nhắc nhở toàn thể tín đồ của Ngài: “Một câu luân lý tứ ân” hầu lập lấy công danh để xứng đáng là người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, cũng để đền trả “Ân Đất Nước” mà phàm con người ai ai cũng phải đã thọ ngay từ lúc mới chào đời, để không bao giờ quên lời vàng ngọc của Tôn Sư trong Sấm Thi của Ngài bài “Để Chơn Đất Bắc”.

Cuộc biến động nay mai nguy ngập,
Một hội nầy rán lập thân danh.

Kìa kìa các bực công khanh,

Miễu son tạc để đành rành chẳng sai.
Đất với nước hậu lai vinh diệu,
Đạo lo tròn yểu điệu tấm thân.

Một câu luân lý tứ ân,
Ta đừng phai lợt phong thần bảng ghi.


Theo Đức Huỳnh Giáo Chủ, lập quân đội hay tham gia vào hàng ngũ của quân đội là để làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước, một ân trọng trong Tứ Đại TrọngÂn mà người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo phải thi hành đúng với pháp môn Học Phật Tu Nhân phải lo đền đáp trước nhất. Một nghĩa vụ của con dân đối với đất nước.


Ngoài việc thành lập quân đội để chống xâm lăng,Đức Huỳnh Giáo Chủ còn thành lập chánh đảng để tranh đấu, thực hiện mục tiêu chính trị, để xây dựng nước Việt Nam “Công bình,nhân đạo, một nước Việt Nam tương xứng với các nước dân chủ trên thế giới” mà chính trị là mục tiêu, còn quân sự là phương tiện để đến mục tiêu. Chính vì vậy mà Ngài đã kêu gọi các nhà trí thức yêu nước thành lập Đảng chính trị để lãnh đạo đường lối tranh đấu, lãnh đạo quân đội chống xâm lăng cứu nước. Chính trị thủ lấy một vai trò quan trọng cho cuộc kháng chiến muốn thành công, khi đã hoàn thành quân sự xong, chúng ta cũng cần có một giai đoạn xây dựng đất nước sau những đổ vỡ tàn phá của chiến tranh, hay để tái thiết lại quốc gia. Chính vì vậy mà hành động chính trị luôn luôn phải trường kỳ. Một lý do chánh cho việc thành lập Đảng chính trị “Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng”.

Vì lợi ích của muôn dân cho nên Đảng chính trị Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng đã không ngừng hoạt động từ năm 1947 cho đến cuối tháng 4 năm 1975 trong lập trường chủ trương xây dựng trên nền tảng tự do, dân chủ và đạo đức.

Chúng ta hãy nhớ lại ý nghĩa và lập trường chính trị của Đức Giáo Chủ đã nói với Ông Hồn Quyên, báo Nam Kỳ phát hành ngày 29 tháng 11 năm 1946 như sau:

Ông Hồn Quyên hỏi: Xin Ông cho biết lý tưởng chính trị của Ông có liên quan với giáo lý nhà Phật không ?
Ngài đáp: “Theo sự nhận xét của tôi, về giáo lý nhà Phật do nơi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng, lấy chủ nghĩa từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nồng cốt, thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng, vì những câu: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhứt thể bình đẳng với chúng sanh”. Đã có những sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng đượcĐức Phật, là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với Đức Phật được, nếu trong cõi nhơn gian nầy còn có chúng sanh tiên tiến áp bức những chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo lý chơn chánh ấy. Giáo lý đó Đức Thích Ca Mâu Ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài là do hoàn cảnh xã hội Ấn Độ xưa không thuận tiện. Ngày nay trình độ tiến hóa của nhơn loại đã tới một mức khả quan, đồng thời với tiến bộ về khoa học thì ta có thể thực hành giáo lý ấy để thiệt hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo. Thế nên với cái tâm hồn bác ái, từ bi mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức Xã hội mới, để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại”.

Và rõ hơn Ngài xác nhận:

“Đối với toàn thể tín đồ PGHH, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca, tôi tin chắc rằng, giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở thiền lâm mà còn phải thực hiện trên đường chính trị”.

Là bậc Giác ngộ, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhận thấy bước tiến của nhân loại, cho nên Ngài chuẩn bị cho Việt Nam có đủ điều kiện để đóng lấy vai trò siêu đẳng của mình trong cái xã hội Thánh đức an lạc cho ngày mai.

Chúng ta rất là may mắn, gặp hồi nước nhà nguy khốn, được có chư Phật, Thánh lâm phàm dìu dắt, trao phương tiện thực hành hạnh vô úy thí. Có nhận thức được chí nguyện cứu độ của Đức Huỳnh Giao Chủ đối với chúng sanh, nhứt là tín đồ của Ngài, đã trực tiếp đặt mình dưới sự lãnh đạo của Ngài, mới hiểu được hết ý nghĩa việc Ngài thành lập Bộ đội Nguyễn Trung Trực, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng cũng đủ thấy lòng yêu nước và ý chí chống xâm lăng của Ngài thật là tha thiết và cương quyết.

Đức Huỳnh Giáo Chủ mặc dù ở địa vị Giáo chủ, siêu xuất trần gian, nhưng Ngài vẫn phương tiện gánh vác việc nước để làm gương cho môn nhân đệ tử noi theo, Ngài đã lập thêm hạnh: Đền nợ nước, rửa thù Tổ Tiên, cho nên Ông Thanh Sĩ là đại đệ tử của Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng có những dòng ai cảm cho những ân đức của Ngài như sau:
 
Xuống dương thế cốt ban ân,
 Ân kia chưa mãn mà thân xa mù.
 Trước đem đạo khuyến người tu,
 Sau đền nợ nước rửa thù Tổ Tiên.
 Ân ấy mãn mới lành duyên,
 Ngày sau nhà Phật, cửa tiên được về.


Lê Yến Dung
(Kỷ niệm Đản Sanh thứ 101 của Đức Giáo Chủ PGHH 25/11Al/20).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn