Kỷ Niệm lần thứ 74, ngày Đức Thầy Thọ Nạn 16-4-1947

09 Tháng Tư 20216:10 SA(Xem: 9771)
Kỷ Niệm lần thứ 74, ngày Đức Thầy Thọ Nạn 16-4-1947

Kỷ Niệm lần thứ 74 ngày Đức Thầy Thọ Nạn 16-4-1947

(nhằm 25-2 nhuần, năm Đinh Hợi).

     Kính thưa chư quý vị đồng đạo, tín đồ PGHH khắp nơi trên thế giới! 

     Hằng năm cứ vào những ngày  cuối cùng của tháng hai âm lịch, bầu trời dường như u ám, những áng mây đen nặng trĩu bỗng kéo về, giọt mưa lệ sầu bi thảm tràn ngập cả không gian, như thể hiện một sự giao cảm giữa đất trời, với những tấm lòng còn đang nặng trĩu nỗi tiếc nhớ, đau buồn thương Thầy xa vắng. 

    Ký ức đó như trỗi dậy, những hình ảnh xưa cũ lại hiện về một cách rõ nét hơn, những đau thương mất mát,của một khúc quanh đen tối nhất trong trang sử Phật Giáo Hoà Hảo và trong dòng lịch sử  dân tộc nói chung.

    Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH, là con Trưởng nam của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm, tục danh là Huỳnh Phú Sổ, sanh ngày 15-01-1920 (Nhằm ngày 25-11-Năm Kỷ Mùi), tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, một vùng xa xôi hẻo lánh của biên thùy Nam Việt.

    Ngược dòng lịch sử nhân loại trên thế giới, từ xưa đến nay, các vị Phật-Thánh ra đời cứu thế, đều gặp những hoàn cảnh vô cùng gian nan thảm khổ. 

    Như Đức Phật Thích Ca Mâu-Ni từ phụ, đã thắp sáng lên ngọn đèn chân lý, chỉ dẫn chúng sanh con đường giác ngộ giải thoát, nhưng bị nhóm người ngoại đạo Bà Là Môn độc ác  ganh tị, cũng như người anh em họ là Đề Bà Bạt Đa nhiều lần mưu hại.

    Cũng như Đức Chúa Jesu, bị bọn môn đồ Judas phản bội bán cho Do Thái giáo. Ngài bị đóng dinh vào thập tự giá, thân xác chịu vô vàn hình phạt đau đớn, kiệt sức chết đi sống lại, mà chịu cái tội cho nhơn loại chúng sanh.

  Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH cũng thế:

          “Ta chịu khổ, khổ cho bá-tánh.”

                   (Trích bài: SA-ĐÉC).

     Hay là: 

   “Nghiêng hai vai gánh nặng non-sông.”

             Vớt trăm họ lầm-than bể khổ “

         (Trích bài: DIỆU PHÁP QUANG-MINH).

    Chẳng những thế, mà Ngài còn thệ nguyện, quyết chí độ đời cho đến ngày chung cuộc:

        “Thương quá sức nên Ta bịn-rịn,

         Quyết độ đời cho đến chung thân. 

            Nếu thế-gian còn chốn mê tân,

            Thì Ta chẳng an vui Cực-Lạc.”

         (Trích Quyển 4: GIÁC MÊ TÂM KỆ).

    Kể từ khi khai sáng nền Đạo PGHH, vào ngày 18-5-năm Kỷ Mão, (nhằm ngày 04-7-1939, là ngày Độc Lập Hoa Kỳ). Với thuyết Học Phật Tu Nhân, hành sử Tứ Đại Trọng Ân rất phù hợp với dân chúng, nên số tín đồ qui ngưỡng theo PGHH lên đến gần 2 triệu người. 

    Thấy sự ảnh hưởng quá lớn mạnh, của Đức Huỳnh Giáo Chủ đối với quần chúng, Thực dân Pháp và Việt Minh cộng sản, sanh gian tâm lo sợ. Pháp tìm đủ mọi thủ đoạn ngăn cấm và lưu trú Đức Thầy, khắp mọi nơi ở miền Nam nước Việt, nhằm cản trở thệ nguyện, và sứ mạng cứu thế độ đời của Ngài. Như Đức Thầy cho biết:

        “Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,

       Khắp hạ-giái truyền khai Đạo pháp.”

     (Trích bài: “DIỆU PHÁP QUANG- MINH.”).

     Mục đích của thực dân Pháp là muốn làm suy giảm niềm tin và cắt đứt sự liên hệ của Ngài với khối tín đồ PGHH, cũng như ý đồ ngăn chặn và khống chế tinh thần yêu nước nồng nàn của người dân nước Việt trước mộng xâm lăng của chúng.

    Nhưng lạ thay, với lòng từ bi bác ái và giáo lý giải thoát chúng sanh rất phù hợp, Đức Huỳnh Giáo Chủ đi đến đâu, thì số tín đồ lại qui ngưỡng càng đông đến đó:

            “Càng đi càng biết nhiều nơi,

      Càng đem chơn-lý tuyệt-vời phổ thông.”

     (Trích bài: “TỪ-GIÃ LÀNG NHƠN-NGHĨA”).

    Trận đói Ất Dậu năm 1945 khoảng 1 triệu người chết. Đức Thầy phải đích thân đi khuyến nông 107 chỗ, Ngài kêu gọi giới nông phu lo sản xuất lương thực để cứu đồng bào miền Trung-Bắc, đang oằn oại trong cơn đói lịch sử của thế kỷ hai mươi. Ngài cảnh tỉnh như sau:

             “Hỡi đồng-bào! Hỡi đồng-bào!

          Thần chết đã tràn vào Trung-Bắc,

           Ngày lại ngày siết chặt giống nòi

                   Lật qua các báo mà coi,

           Thấy con số chết xem mòi kinh-nguy.

                  Cũng tại vì Tây-di bày kế,

            Phá-hoại nền kinh-tế nước ta.

                  Làm cho điên-đảo Sơn hà,

            Làm cho điêu-đứng con nhà Lạc-Long.”

                (Trích bài: KHUYẾN NÔNG).

         Đức Thầy đã chỉ giáo rằng:

             “Muốn cứu khỏi tai-nàn của nước,

              No dạ-dày là chước đầu tiên.

              Nam-Kỳ đâu phải sống riêng,

        Mà còn cung-cấp cho miền Bắc, Trung.”

             (Trích bài: KHUYẾN NÔNG ).

    Với lòng từ ái chứa chan thương bách tính tới hồi tai họa, nên Đức Huỳnh Giáo Chủ phải nhận lãnh cái khổ đau do chiến tranh tàn khốc thay cho nhân loại, mà thọ nạn để hóa giải cái nghiệp sát giết, do loài người tàn bạo gây nên. 

              “Nhìn dân châu lụy ủ-ê,

        Biết sao trút hết gánh về ta mang.

           Mang cho hết tai-nàn thế-giới,

         Kẻ tâm lành bớt đợi chờ trông.”

             (Trích bài: BÓNG HỒNG).

    Hoặc là:

         “Hay vì sanh-chúng còn lao-lý,

       Nguyện uống cho đời chén thuốc cay.”

           (Trích bài: VÌ SANH CHÚNG).

NGUYỄN NHÂN VIỆT MINH CỘNG SẢN ÁM HẠI

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ:

    Do chủ trương tàn sát tận gốc mà Việt Minh cộng sản được lệnh triệt để thi hành đối với Phật Giáo Hoà Hảo.

    Ngày 8-9-1945 tại Cần Thơ, trong cuộc mít-tinh ôn hòa đã được xin phép trước, nhằm phản đối chính sách độc tài của Việt Minh Cộng Sản, nêu thỉnh nguyện đòi cải tổ Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ, ủng hộ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất. 

    Chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Cần Thơ, lúc bấy giờ là Trần Văn Khéo, đã xuyên tạc và vu khống: “Phật Giáo Hoà Hảo âm mưu cướp chánh quyền và chiếm cứ Cần Thơ”.  

    Họ đã sát hại hàng ngàn tín đồ PGHH, trong đó có 3 vị nhân sĩ cao cấp của Đạo là:

    1- Ông Huỳnh Thạnh Mậu (Bào đệ của Đức Thầy).

    2- Ông Nguyễn Xuân Thiếp (Thi sĩ Việt Châu).

    3- Ông Trần Ngọc Hoành (Trưởng nam của ông Trần Văn Soái).

    Mục đích của Việt Minh CS rất thâm độc khi sát hại 3 vị này, họ muốn khích động sự trả thù của người tín đồ PGHH, để bọn chúng có lý do tàn sát khủng khiếp hơn nhằm triệt tiêu và xóa sạch PGHH sau này.

     “Lúc bây giờ muôn binh xâm-lược,

       Đang đạp giày non nước Việt-Nam. 

         Thù riêng muôn vạn cho cam,

      Cũng nên gát bỏ để làm nghĩa công.”

     (Trích bài: TIẾNG CHUÔNG CẢNH-TỈNH).

    Đức Huỳnh Giáo Chủ thần cơ diệu toán, thấu rõ âm mưu của chúng, nên Ngài chẳng những không chút thù hận về tội ác của họ, mà Ngài vì lòng vị tha của Bồ Tát, thương xót hết cả chúng sanh mà gát bỏ thù riêng, tìm phương gỡ ách xích xiềng nô lệ, để phục hưng tinh hoa của nòi giống Tiên Rồng, mà việc này chỉ có bậc giác ngộ mới có thể làm được:

       ”Điên như Ta Điên giống Tiên Rồng,

           Điên gỡ ách xích-xiềng thế tục.”

     (Trích bài: “DIỆU PHÁP QUANG-MINH”).

    Tại Sải Gòn đêm ngày 9-9-1945, Trần Văn Giàu ra lệnh cho Quốc Gia Tự Vệ Cuộc tức là công an võ trang, đến bao vây trụ sở Phật Giáo Hòa Hảo ở số 8 đường Sohier và gốc đường Miche, để lùng bắt Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH. 

    Bọn CS Trần Văn Giàu chẳng những không chuyển tâm hồi ý mà chúng còn dùng thủ đoạn đê hèn độc ác, chúng dùng bản án “Việt Gian” vu khống và bao vây hòng bắt Đức Thầy. 

    Với quỉ kế được toan tính trước, ông ta gọi điện đến văn phòng nhằm xác định Đức Thầy đang có ở đó hay không, để bọn chúng ập vào bắt dễ dàng, nhưng lạ thay khi chúng lục soát khắp mọi nơi chẳng thấy Đức Thầy đâu cả, Ngài đã hóa thân không cho chúng bắt, sau đó Ngài lánh nạn vào vùng Cỏ May, Bà Rịa.

    Còn một nguyên nhân sâu xa nữa, đó là Luật Sư Dương Văn Giáo từ Thái Lan trở về nước sau thời kỳ lưu vong trốn Pháp, đã trưng bày một tập tài liệu hồ sơ Trần Văn Giàu làm tay sai cho thực dân Pháp, do Hiến Binh Nhật giao cho ông tại Vọng Các (Thái Lan).

    Trong phiên họp của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất vào đầu tháng 9-1945, tại nhà vợ chồng Bác sĩ Hồ Vĩnh Ký và Nguyễn Thị Sương trên đường Phan Đình Phùng. Thành phần tham dự gồm có sự hiện diện của các tổ chức đấu tranh ái quốc Miền Nam, ngoại trừ phe Đệ Tam Cộng Sản. Những người có mặt gồm các ông:

    - Vũ Tam Anh - Lê Kim Tỵ (Cao Đài).

    - Phạm Hữu Đức (Việt Nam Quốc Dân Đảng).

    - Hồ Văn Ngà (Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng).

    - Nguyễn Văn Hướng (Đại Việt).

    - Đức Huỳnh Giáo Chủ (Phật Giáo Hòa Hảo).

    - Bác Sĩ Hồ Vĩnh Ký.

    - Lâm Ngọc Đường.

    - Luật Sư Dương Văn Giáo. 

    - Luật Sư Huỳnh Văn Phương (Sau là Giám đốc công an Nam Bộ).

   Trong phiên họp này, Luật Sư Dương Văn Giáo có đưa ra tập hồ sơ được đánh máy cho ông Lê Kim Tỵ xem qua, đã được ông Phạm Hữu Đức, và ông Huỳnh Văn Phương xác nhận rằng: “Tài liệu MẬT về Trần Văn Giàu làm mật thám cho Pháp”, do Hiến Bình Nhật lấy được tại bót CATINAT, là trụ sở mật thám của Pháp khi bị Nhật đảo chánh ngày 9-3-1945. 

    Ngoài ra Luật Sư Huỳnh Văn Phương cũng đưa ra bằng chứng, “Hồ Sơ Trần Văn Giàu” mà ông có được lúc ông làm Tổng Giám đốc Công An Nam Bộ.

    Sau khi được phân tích các chi tiết trong hồ sơ và xét thấy rằng, sẽ bất lợi cho công cuộc chung cứu nước, vì lúc này Trần Văn Giàu là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ. 

    Ông Vũ Tam Anh có đưa ra một đề nghị rất táo bạo, là sẽ bắt Trần Văn Giàu - Dương Bạch Mai - Nguyễn Văn Tạo và những cán bộ của Việt Minh Cộng Sản đang tiếp tay cho thực dân Pháp. Nhưng hội nghị không tán thành, vì e ngại gây cảnh nồi da xáo thịt trong khi thực dân Pháp, là kẻ thù trước mắt của dân tộc Việt Nam. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã cảnh tỉnh:

    “Hãy tỉnh giấc hỡi muôn ngàn chiến-sĩ,

        Mở lòng ra thương nghĩ sanh-linh.

              Đồng-bào ai nỡ dứt tình, 

        Mà đem chém giết để mình an vui.”

     (Trích bài: TIẾNG CHUÔNG CẢNH TỈNH).

    Sau này, hầu hết những người dự phiên họp đêm hôm đó, đều bị cộng sản giết hết, ngoại trừ ông Vũ Tam Anh còn sống sót. (Về sau bị mật vụ của chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu sát hại. 

    Còn ông Nguyễn Văn Hướng bị cộng sản cầm tù ở Bắc Việt, rồi sau năm 1975 cũng bị chết dưới chế độ cộng sản. Ông Hồ Văn Ngà bị sát hại tại Kim Qui Đá Bạc, Kiên Giang. Ông Tạ Thu Thâu bị giết ở hàng dương liễu, bãi biển Mỹ Khê Quảng Ngải ...v v).

    Trong đêm hội nghị ngày 7-9-1945 tại trụ sở Tổng Công Đoàn Sài Gòn, có 2 đại diện tổng bộ Việt Minh là Cao Hồng Lãnh và Hoàng Quốc Việt (tức Hà Bá Cang) từ Hà Nội vào Sài Gòn, nhằm mục đích là hạ nhiệt qua việc “Cải tổ”, để bao che tội lỗi nghiêm trọng do Trần Văn Giàu đã gây ra với các nhà sĩ phu yêu nước thời bấy giờ.

    Trong phiên hội nghị này bác sĩ Hồ Vĩnh Ký, nhân danh là Phó Giám Đốc Công An Nam Bộ, đã tố cáo Giàu làm cho y rất hằn học và căm thù. Hai người được Giàu coi là kẻ thù phải tiêu diệt cho kỳ được, đó là Ông Hồ Vĩnh Ký và Đức Huỳnh Giáo Chủ.

      Có lần Trần Văn Giàu bị Đức Thầy chất vấn về hồ sơ trên, Giàu không trả lời được nên nuôi hận thù cá nhân, và đây cũng là nguyên nhân sâu xa nhất mà sau này Trần Văn Giàu quyết tâm mưu hại Đức Thầy.

     Sau đó vợ chồng bác sĩ Hồ Vĩnh Ký và Nguyễn Thị Sương đều bị sát hại, còn Đức Thầy bị tên Mai Văn Bộ một cán bộ tuyên truyền của cộng sản, thừa lịnh Trần Văn Giàu tung đòn xuyên tạc và vu khống Đức Thầy là “Mưu Loạn Cướp Chánh Quyền” để truy bắt kết tội.

     Trên bước đường truân chuyên lánh nạn Ngài vô cùng thống thiết bi ai, nhận thấy cảnh non sông trở nên tăm tối, quê hương ngập tràn lũ cướp nước Tây di, bọn khủng bố phi nhân vô thần cộng sản thi hành chính sách độc tài đảng trị giết hại giống nòi, gây nên cảnh nồi da xáo thịt có lợi cho bọn thực dân Pháp tàn sát đồng bào.

    Đức Thầy đã thốt ra lời bi cảm như sau:

        “Gió hiu-hắt bên rừng quạnh quẽ,

       Nhìn non-sông đượm vẻ tang-thương.

           Mối tình chủng-loại vấn-vương,

    Thấy quân xâm-lược hùng-cường căm gan.

        Vừa toan rút gươm vàng ngăn giặc,

            Bỗng họa đâu gieo-rắc bất kỳ.

             Cường quyền một lũ ngu-si,

         Oan này hận ấy sử ghi muôn đời.

        Truyền khắp nước muôn lời vu cáo,

         Dùng trăm ngàn thói bạo hiếp dân.

              Làm cho trong nước rẽ phân,

      Làm cho giặc Pháp một lần sướng rang”.

                (Trích bài: TỰ THÁN).

    Khi thực dân Pháp trở lại xâm lăng Việt Nam lần thứ hai, hầu hết cán bộ cộng sản chạy trốn về vùng Chợ Đệm và miền Tây, Trần Văn Giàu chạy sang Thái Lan bỏ mặc cho vận nước thăng trầm nổi trôi, gây cảnh sanh linh đồ thán. 

    Tại Thái Lan, ông Trịnh Hưng Ngẫu ghi trong tài liệu, “Tặng Thế Hệ Nay Và Mai Sau” có đoạn: “Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Nam bộ, chạy thoát sang Bangkok (Thái Lan), và gặp tôi ngày 13-6-1946. Trần Văn Giàu thú nhận rằng, chính hắn ra lịnh thủ tiêu gần 2,500 cán bộ quốc gia trong mấy tháng nắm chính quyền.”

     Để rồi với tấm lòng yêu nước sắt son vô bờ bến, Đức Thầy một lần nữa hòa mình với những chiến sĩ tiên phong, giương cao ngọn cờ độc lập cho nước nhà.

        “Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,

          Quyết rứt cà-sa khoác chiến-bào.

          Đuổi bọn xâm-lăng, gìn đất-nước,

          Ngọn cờ độc-lập phất-phơ cao.”

           (Trích bài: QUYẾT RỨT CÀ-SA).

    Chẳng những thế Ngài còn kêu gọi xóa bỏ thù riêng, quyết tâm tống đưa quân thù để giành quyền tự chủ cho dất nước:

       “Ngàn năm Bắc địch vày-bừa,

        Mà còn đứng dậy tống đưa quân thù.

           Hồn chiến-sĩ ngàn thu rạng tỏ,

        Gương anh-hào chói đỏ như châu.”

              (Trích bài: GỌI ĐOÀN).

    Tháng 4 năm Ất Đậu (1945), khi đi khuyến nông ở Phụng-Hiệp, sau khi diễn thuyết Đức Thầy hỏi câu này: 

    “Tôi là một nhà tu-hành, lẽ thì vào chốn non cao, núi thẳm tu tâm dưỡng tánh, cớ nào hôm nay lại xen vào Chánh-trị ? ! “. Không ai nói gì, Đức Thầy có vẻ buồn, cau chơn mày rồi ngâm bài thơ tứ tuyệt sau đây:

        “Yêu nước bao đành trơ mắt ngó,

           Thương đời chưa vội ẩn non cao.

           Quyết đem tâm sự tâu cùng Phật,

                   Coi lịnh từ-bi dạy lẽ nào.”

                   (Trích bài:  YÊU NƯỚC ).

     Thời gian lánh nạn chịu hàm oan ngang trái, Ngài được giới yêu nước kính trọng tha thiết mong mỏi Đức Thầy trở lại, dấn thân cứu lấy non sông, đấu tranh giải thoát ách nô lệ ngoại bang cho một giống nòi, đang bị kẻ bạo cường dày xéo trên quê Cha đất Tổ.

         “Tăng-sĩ quyết chùa, am bế cửa,

          Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.

               Đền xong nợ nước thù nhà,

          Thiền môn trở gót Phật-Đà nam-mô.”

          (Trích bài: TẶNG THI-SĨ  VIỆT-CHÂU).

    Vì  lòng từ ái chứa chan, Đức Huỳnh Giáo Chủ đồng ý những thỉnh cầu, nhưng chỉ tham gia Lâm Uỷ Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ, với vai trò hết sức khiêm nhường là Uỷ Viên Đặc Biệt hầu đem lại sự đoàn kết trong toàn dân.

     Thấy uy danh của Đức Huỳnh Giáo Chủ ngày càng lớn mạnh, gây bất lợi cho cộng sản tại Miền Nam. Trần Văn Giàu quyết định thực hiện quỉ kế, “Ám hại Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH “. Đây cũng là một vết nhơ đen tối nhất, trong lịch sử nước ta dưới thời Nam bộ kháng chiến.

DIỄN TIẾN BIẾN CỐ NGÀY ĐỨC THẦY THỌ NẠN TẠI

ĐỐC VÀNG HẠ 16-4-1947 (nhằm 25-02 nhuần, năm Đinh Hợi):

    Sau khi Đức Thầy nhận được hai văn thơ, một của Trần Văn Nguyên Thanh tra Chánh trị miền Tây Nam Bộ, và một của Bửu Vinh Chi đội trưởng Vệ quốc quân, kiêm Ủy viên quân sự tỉnh Long Xuyên, mời Đức Thầy đến dự  họp tại làng Tân Phú, để định liệu kế hoạch hòa giải giữa Việt Minh và Hòa Hảo Dân Xã.

   Theo tác giả Hervé đã viết: “Tháng 3-1947, đụng độ quân sự đẫm máu đã xảy ra, tình hình càng ngày càng nghiêm trọng, cho đến tháng 4-1947 thì Trần Văn Nguyên, Thanh tra chính trị miền Tây của Việt Minh công khai lên án Huỳnh Phú Sổ, rồi bày kế bắt ông này...”. (Trích Hervé- Les Hoa Hao).

    Vào 7 giờ sáng ngày 15-4-1947 (nhằm 24-2 nhuần, năm Đinh Hợi) Đức Thầy xuống ghe đi với ba người chèo, (Ông Quắn,  Ông Dùng, Ông Khả), bốn phòng vệ quân, (trong đó có Ông Phan Văn Tỷ là người còn sống sót sau này), Ông Đại đội trưởng Đại đội 2 (Ngô Trung Hưng) và người thư ký văn phòng là Ông Huỳnh Hữu Thiện.

    Khoảng 8 giờ sáng, ghe tới chợ Ba Răng có Trần Văn Nguyên xuống bến đón Đức Thầy lên chợ. Ngài diễn giảng trước đám đông người, kêu gọi sự đoàn kết chống xâm lăng và gạt bỏ hận thù giữa Việt Minh và Dân Xã.

    Đến trưa, Ngài dùng cơm với Trần Văn Nguyên trong một căn phố gần đó. Sau buổi cơm độ chừng 12 giờ trưa, Trần Văn Nguyên và một thư ký xuống đi chung ghe với Ngài đến Đốc Vàng Hạ thuộc làng Tân Phú. 

    Đến đây một bản Hiệu triệu được công bố, cho biết các cấp chỉ huy hai bên đang bắt tay lo việc hòa giải và kêu gọi hai bên đừng xô xát nhau. Sau khi dùng cơm chiều, Đức Thầy đi nghỉ ở nhà của một tín đồ gần đó. 

     Ngày 16-4-1947, khoảng 7 giờ sáng, Đức Thầy trở lại hội đàm với Trần Văn Nguyên, rồi phái ông Ngô Trung Hưng cùng một nhân viên của Trần Văn Nguyên đi các thôn hòa giải.

     Sau khi dùng cơm trưa, Đức Thầy xuống ghe nghỉ thì Bửu Vinh đến đưa thơ yêu cầu được gặp Ngài. Trong cuộc hội kiến, Bửu Vinh báo cáo rằng Dân Xã và Việt Minh xô xát ở Lấp Vò và buộc Đức Thầy phải đến đó, nhưng Ngài tỏ ra cương quyết biện bác và đòi Bửu Vinh cùng đi. Bửu Vinh khước từ và đòi phải cho bộ đội võ trang theo phòng vệ thì mới đi. Đức Thầy trả lời một cách cứng cỏi:

    - “Tại sao tôi có một ít người, không có bộ đội ủng hộ lại dám vào sào huyệt của các ông? Như thế quí ông không thành thật.”

    Bửu Vinh không trả lời được, nên buộc lòng phải chấp nhận, và yêu cầu Đức Thầy đến văn phòng của y để cùng đi. Liền lúc đó Trần Văn Nguyên đến trao cho Ngài một mảnh giấy mà nói rằng: “Có điện tín từ Ủy ban Hành chánh Nam bộ, mời Ngài trở về miền Đông lập tức để dự phiên họp bất thường.” Đức Thầy trả lời: “Không thể trở về dự phiên họp được, vì còn lo việc hòa giải.” 

    Chiều hôm đó, Trần Văn Nguyên từ giã Ngài vào lúc nhá nhen tối. (Đoạn này, ý đồ của Trần Văn Nguyên là ném đá dấu tay, giả vờ như không biết chuyện gì sắp xảy ra, hầu dễ chạy tội về sau). 

     Y lời hẹn, Đức Thầy xuống ghe đến văn phòng của Bửu Vinh, có một liên lạc viên dẫn đường. Trời đen tối như mực, bỗng có tiếng kêu:

   - “Ghe ai đó? sao giờ này đã thiết quân luật mà còn dám đi?.”

    Người liên lạc trả lời:

    - “Đi lại Văn phòng ông Bửu Vinh.“

    Liền đó có lịnh kêu ghé lại, đèn chiếu rọi xuống biết là ghe của Đức Thầy nên chúng nói là ông Bửu Vinh mời Đức Thầy lên văn phòng họp.

    Đức Thầy cùng 4 phòng vệ lên một căn nhà ngói của ông Mười Đủ, cũng là văn phòng của Bửu Vinh. Ngài ngồi đối diện nói chuyện với Bửu Vinh trên một chiếc trường kỷ, giữa nhà là bàn thờ, hai bên là hai tấm màn vải bông, che kín cửa buồng vào bên trong, còn 4 phòng vệ thì cầm súng đứng hai bên cửa gần đó.

     Mười phút sau, khoảng 7:30 tối, có 8 người Việt Minh cộng sản từ ngoài đi vào, chia làm 4 cặp tràn tới đâm 4 phòng vệ của Đức Thầy. 3 người bị đâm chết tại chỗ chỉ còn ông Phan Văn Tỷ nhờ có võ nghệ nên tránh kịp đòn truy sát của kẻ thù, một trong hai tên Việt Minh bị đồng bọn đâm nhầm mà chết. Sau đó ông Tỷ thoát ra ngoài và bắn một tràng tiểu liên báo động. (Đoạn này do ông Phan Văn Tỷ thuật lại).

     Bửu Vinh vội ra ám hiệu, bằng cách ngã người về phía sau ghế.

     Thấy việc chẳng lành Đức Thầy lẹ thổi tắt ngọn đèn, thì lập tức một loạt súng máy bắn vào vị trí nơi Đức Thầy ngồi đối diện với Bửu Vinh.

     Phía dưới sông, Ông thư ký Huỳnh Hữu Thiện và 3 người chèo ghe lẹ làng tẩu thoát về báo hung tin, tiếng mõ, tù và inh ỏi báo động liên hồi.

     Thời gian chầm chậm nặng nề trôi qua, không khí bóng đêm tử thần đầy ngột ngạt, như đang tràn ngập khắp cả không gian u tối, gây nên nỗi kinh hãi đến rợn người.

     Bỗng Đức Thầy cất giọng kêu chủ nhà thắp lại ngọn đèn, Bửu Vinh cũng xuất hiện kịp lúc ấp a ấp úng như muốn bào chữa hay chạy tội về sự việc xảy ra. Bửu Vinh nói:

     - “Người ta định giết tôi và ông, nhưng may quá chúng ta không có sao hết”. (Thử hỏi, có ai dám manh động nổ súng trong lúc Bửu Vinh đang họp tại văn phòng và trong vùng kiểm soát của ông ta ???.Ngoại trừ tay chân bộ hạ đã có lệnh và được sự sắp đặt của ông nầy từ trước).

    Đức Thầy vẫn thản nhiên điềm tĩnh, ôn tồn nói với Bửu Vinh nhờ ông gọi một vài tín đồ PGHH đến cho Ngài dạy việc. Một lát sau có 3 người tên là: Thôi, Lăng và Mùi đến trước mặt Đức Thầy. Ngài nghiêm nghị nói:

    - “Các anh có biết tôi là ai không?.”

    Một trong ba người trả lời: 

    - “Dạ thưa, Ngài là Đức Huỳnh Giáo Chủ của chúng con.”

    Đức Thầy tiếp:

    - “Các anh hãy nhìn tôi cho kỹ, không ai có thể giết và mưu hại được tôi hết nghen.”

    (Diễn biến trên đây, được anh Khâm là con trai của ông Mười Đủ chủ nhà kể lại).

     Đoạn rồi sau đó, Đức Thầy có giao cho anh Thôi và anh Lăng mang bức thư về Phú Thành nơi đóng quân của PGHH, trao cho Ông Trần Văn Soái và Ông Nguyễn Giác Ngộ, hai anh này phải dùng ngựa băng đồng chạy đường tắt, vì sợ Việt Minh sẽ đuổi theo truy sát.

         Nội dung của bức thư như sau:

    “Ông Trần-Văn-Soái và Ông Nguyễn-Giác-Ngộ.

    Tôi vừa hội hiệp với Ông Bửu-Vinh, bỗng có sự biến cố xảy ra tôi và Ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân còn điều tra. Trong mấy anh em phòng-vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo-cáo rằng tôi bị bắt hay mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo-động.

    Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ, sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu-Vinh điều tra kỹ-lưỡng rồi về sau.

                    Phải triệt-để tuân lịnh.

                Ngày 16-4-1947; 9 giờ 15 đêm.

                                    Ký tên.

                                         S  ”

     Khoảng 11 giờ đêm, Ông Mai Văn Dậu nhận được bức thư, sau đó đem đối chiếu chữ viết chữ ký và được xác nhận chính là của Đức Thầy. Thế là mọi người phải tuân lịnh, nhìn nhau thở dài với niềm hy vọng ngày mai Đức Thầy sẽ trở về. 

    Nhưng cũng từ đêm ấy, Ngài đã biền biệt ra đi, để lại biết bao nhung nhớ đau thương trong lòng hàng triệu con tim tín đồ PGHH.

                “Từ nay cách biệt xa ngàn,

       Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy.

                Giữa chừng đờn nỡ đứt dây,

        Chưa vui buổi hiệp bỗng Thầy lại xa.”

     (Trích bài: TỪ GIÃ BỔN-ĐẠO KHẮP NƠI).

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ ĐÃ BIẾT TRƯỚC THIÊN CƠ:

        “Ta vì vưng sắc-lịnh Ngọc-Tòa,

           Đền Linh-Khứu sơn-trung chịu mạng.”

         (Trích Quyển 4: GIÁC MÊ TÂM KỆ).

    Nên Ngài đã thiết tha nhắn nhủ với tín đồ rằng:

             “Rán nghe lời dạy của Thầy,

       Để chừng đến việc kiếm Thầy khó ra.”

             (Trích Quyền 3 SẤM GIẢNG).

     Đức Huỳnh Giáo Chủ đã biết trước âm mưu của cộng sản định ám hại Ngài. Bằng chứng là ngày 15-4-1947, khi Ngài bước xuống ghe đi hội hiệp, Ngài tỏ ra áo não mà than Trời ba tiếng và thốt lên rằng:

     - “Hôm nay là ngày đau khổ nhất!. Ôi sao mà đau khổ quá vầy”. Và Ngài nói tiếp: “Nhịn thì chết ít, không nhịn thì chết nhiều”.

      Sau đó Đức Huỳnh Giáo Chủ đưa ánh mắt từ bi nhìn mọi người và hỏi một người phòng vệ:

     - “Như bây giờ bỏ anh tại đây, anh có biết đường về Phú Thành không?”

     - Người phòng vệ trả lời: “Dạ biết”. 

     Đức Thầy nói tiếp:

     - “Cứ nhắm hướng sao Cày mà chạy thì tới chớ khó gì.”

     Quả nhiên, chính anh phòng vệ ấy là Ông Phan Văn Tỷ cũng gọi là Mười Tỷ, còn sống sót trở về báo tin sau khi sự việc xảy ra.

     Cho đến tận bây giờ vẫn còn nhiều người thắc mắc rằng: Tại sao Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH là một vị Phật lâm phàm cứu thế, là đấng Sanh Nhi Tri, sanh ra là biết tất cả sự việc vạn hữu trên đời, sao lại mắc lầm vào âm mưu đen tối của bọn vô thần cộng sản tàn ác kia chớ?.

       Như Ngài đã minh định rõ:

        “Thân bần tăng mặc bộ sồng nâu,

          Cuộc thiên-lý một bầu đều hãn.”

     (Trích bài: “NANG THƠ CẨM TÚ”).

        Đức Thầy cũng đã cho biết rõ, vì Thiên lịnh mà Ngài phải đợi chờ:

           “Giờ mắc câu thiên lý vị nhiên,

             Nên còn đãi thiên oai nấy lịnh.”

     (Trích bài: “NANG THƠ CẨM TÚ).

     Có lẽ trong chúng ta ít nhiều gì cũng đã từng nghe qua mẫu chuyện, Đức Thầy dẫn ông Biện đài Ngô Thành Bá “Dõi Gót Theo Thầy” ngao du vùng “Thất Sơn Mầu Nhiệm”. Một hôm Đức Thầy có nói với ông Ngô Thành Bá rằng:

     - “Ngày sau Thầy xa cách bổn đạo một thời gian, trong thời gian ấy, tín đồ phải chịu đau khổ và không một ai biết Thầy ở nơi nào.”

      Cũng như vậy có lần tại nhà ông Út Quốc, Đức Thầy lộ cơ huyền cho bà Út biết rằng:

     - “Bà Út biết không! Lần đầu họ đến bắt tôi, tôi dùng hóa thân không cho họ bắt, lần sau tôi đến để cho họ bắt. Từ đó tôi xa vắng tín đồ tôi luôn.”

      Vì Thiên lịnh, nên việc dạy đạo đức của Ngài, phải đành tạm ngưng Sứ mạng “Dìu nhân sinh thoát chốn mê lầm...”

     Như Đức Thầy cho biết trước:

             “Nay Thầy chịu lịnh về Tây,

      Tạm ngưng Đạo-đức ít ngày Thầy qua.”

     (Trích bài:  TỪ GIÃ BỔN-ĐẠO KHẮP NƠI).

      Ngài phải dùng diệu kế, chọn thời gian địa điểm đủ đầy khế lý khế cơ, hầu thuận tiện và có lợi cho cơ đạo pháp của Ngài. Thế nên Đức Thầy mới tương kế tựu kế lấy cớ mà vắng mặt.

               “Việc đời nói chẳng có cùng,

          Đến sau mới biết đây dùng kế hay.

                  Bây giờ mắc việc tà-tây,

         Nên mới làm vầy cho khỏi ngại-nghi.”

     (Trích Quyển Nhứt: SẤM GIẢNG KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU-NIỆM).

     Đến đây chúng ta thấy rõ, Ngài trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý, trung quán nhân sự, thì làm sao mà có chuyện Ngài bị lầm độc kế của Việt Minh cộng sản được.

     Ý NGHĨA NGÀY ĐỨC THẦY VẮNG MẶT:

     Sự kiện Đức Thầy vắng mặt trong biến cố Đốc Vàng Hạ ngày 16-4-1947 (25-02 nhuần, Năm Đinh Hợi), mang một dấu ấn quan trọng trong lịch sử nước nhà và có những ý nghĩa sâu xa huyền bí như thế nào.

     —- Đợi Thời Cơ: 

      Đức Thầy vắng mặt, vì Ngài hiểu rõ thời cơ chưa thuận tiện trong cuộc độ hóa nhân sanh. Như Ngài đã cho biết;

         “Thôi cũng an lòng nơi số phận,

           Đợi chờ vận tới sẽ tuông mây.”

     (Trích bài: Gởi Bác-Sĩ CAO-TRIỀU-LỢI ở Bạc-Liêu).

     Vì hiểu rõ thời cơ chưa chín muồi, nên ẩn nhẫn chịu tiếng đời gièm pha:

                 “Vì Điên chưa đến cái thời,

           Nên còn ẩn dạng cho người cười chê.”

    (Trích Quyển Nhứt: SẤM GIẢNG KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU-NIỆM).

     —- Giữ Gìn Khí Tiết:

      Khi thời cơ chưa đến, Thiên lịnh chưa ban ra, dầu có mặt cũng không làm được gì hoặc hóa ra bất tài bất lực hay sao? Còn nếu phải làm gì đó, thì trái với Lịnh Thiên và khó tròn danh phận. Cho nên:

        “Ta dừng tay chờ đợi lịnh Thiên.”

     (Trích bài: “DIỆU PHÁP QUANG-MINH”).

       Hay là: 

        “Ta vì vưng sắc-lịnh Ngọc-Tòa,

   Đền Linh-Khứu sơn-trung chịu mạng.”

      (Trích Quyển 4: GIÁC MÊ TÂM KỆ).

      —- Thử Thách Tín Đồ:

     Sự vắng mặt của Ngài còn có dụng ý thử thách, sau một thời gian được giáo hóa tín đồ có còn phụng hành theo chỉ giáo, có còn nghiêm thủ giới luật như Ngài đã dạy hay không? Ai xiêu, ai ngã, ai bền.

         “Nấu lọc rành mới biết vàng thau,

            Ai thật tánh ai người giả đạo.”

                 (Trích bài: SA-ĐÉC)

     Hay là: 

             “Ai biết tri việc phải cứ làm,

          Sau mới biết ai Phàm ai Thánh.”

       (Trích  Quyển 4: GIÁC MÊ TÂM KỆ).

     Lại thêm nữa:

            “Bây giờ bạc lộn với chì,

        Nữa sau lọc lại vít tì cũng chê.”

           (Trích Quyển 3 SẤM GIẢNG).

     —- Luyện Tánh Tự Lực:

     Sự vắng mặt của Đức Thầy còn là cơ hội, tập cho tín đồ có được tánh tự lực tự cường, bỏ tánh ỷ lại, mọi việc gì cũng trông chờ vào Thầy của mình. Như Đức Lục Tổ có nói: “Khi mê thì Thầy độ, lúc ngộ thì trò tự độ”. Đức Thầy cũng cho biết: “Thường nhớ câu đại lực đại hùng...”.

     —- Tăng Lòng Mong Cầu:

      Sự ra đi của Ngài, khiến cho tín đồ càng đem lòng thiết tha ngưỡng vọng. Ngài vắng mặt lâu chừng nào, tín đồ chân thành càng trông chờ đến đó. Cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan, chiến tranh chết chóc khắp mọi nơi, thế nên chúng sanh mới thiết tha, một niềm tin tưởng vững chắc, chờ Ngài trở lại để cứu độ thế gian.

        “Ngóng trông chờ vận-thời đưa đến,

      Đặng chung cùng một tiệc quỳnh-tương.

       Cây ngô-đồng hứng vẻ đượm sương,

       Cho chim phụng mặc tình sè múa.”

     (Trích bài: “NANG THƠ CẨM TÚ”).

      Đức Thầy cũng khẳng định với tín đồ nào biết nghe lời Ngài sẽ được sự chở che viên mãn:

            “Chừng nào Thầy lại gia trung,

      Thì trong bổn-đạo bóng tùng phủ che.”

     (Trích bài: “TỪ-GIÃ LÀNG NHƠN-NGHĨA”).

     —- Tiết Kiệm Xương Máu:

      Đứng về phương diện hoạt động chính trị, đấu tranh cách mạng để cứu nước, Ngài luôn kêu gọi đoàn kết và tha thứ lẫn nhau, để tạo thành một khối sức mạnh trước kẻ thù. 

     “Khắp Bắc Nam Lạc-Hồng một giống,

        Tha thứ nhau để sống cùng nhau.

              Quí nhau từng giọt máu đào,

        Để đem máu ấy tưới vào địch quân.”

     (Trích bài: TIẾNG CHUÔNG CẢNH-TỈNH).

    Đứng trên lập trường dân tộc tự quyết phải tranh đấu chống xâm lăng, còn bọn cộng sản độc tài chỉ vì theo chủ thuyết ngoại lai vô thần, cố ra tay sát hại các thành phần ái quốc để độc chiếm quyền lãnh đạo. 

            “Đồng-bào nỡ giết nhau chi,

       Bạng duật tương trì lợi lũ ngư-ông.”

     (Trích bài: TIẾNG CHUÔNG CẢNH TỈNH).

      Còn bọn Chính phủ Nam kỳ nô lệ chỉ biết lòn cúi hút máu và vày bừa lên đầu của đồng loại, mặc cho bọn thực dân pháp xé nát quê hương, cướp sạch đi quyền lợi của một giống nòi.

         “Đả-đảo bọn Nam-Kỳ nô-lệ,

         Kiếp cúi lòn thế-hệ qua rồi.

         Lời vàng kêu gọi khắp nơi,

      Anh em chiến-sĩ nhớ lời ta khuyên.”

     (Trích bài: TIẾNG CHUÔNG CẢNH TỈNH).

       Không thể hợp tác với các phe phi nghĩa được, nên Ngài chọn phương thức tiết kiệm xương máu, ít tổn hại sinh mạng và tài sản, mà vẫn giữ tròn được khí tiết chánh nghĩa.

      Chính vì những lẽ trên đây, nên Đức Thầy phải vắng mặt, để lúc trở về của Ngài với một sứ mạng được viên mãn, và tròn câu đạo hạnh cứu nhân độ thế.

      “Biết làm sao gieo Đạo khắp đại-đồng,

     Đưa nhơn-loại đi vào vòng hạnh-phúc.”

     (Trích bài: KHÔNG BUỒN NGỦ).

    —- Đức Thầy Còn Hay Mất ?

     Như chúng ta đã biết, trong bức thư gởi cho Ông Trần Văn Soái, và Ông Nguyễn Giác Ngộ có đoạn như sau:

        “Nếu có ai chạy về báo-cáo rằng tôi bị bắt hay mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo-động.”

      Qua đoạn thư trên, Đức Thầy muốn nhấn mạnh rõ ràng, là Ngài không có bị bắt hay chết gì cả. Vì sao??? Vì Đức Thầy là Phật có đủ Tam thân: Viên Mãn Báu thân, Thanh Tịnh Pháp thân và Thiên Bá Ức Hóa thân.

     - Chứng Minh: 

       1/-: Đơn cứ một trong những trường hợp sau đây: Có lần Trần Văn Giàu bao vây trụ sở Phật Giáo Hoà Hảo, tại số 8 đường Sohier để bắt Đức Thầy, nhưng Ngài đã Hóa thân không cho họ bắt. (Còn nhiều trường hợp khác nữa).

      2/-: Khi thực dân Pháp lưu trú Đức Thầy tại nhà thương Chợ Quán, Pháp ép buộc ông bác sĩ Trần Văn Tâm phải mang ly nước A-xít đến cho Ngài uống. 

      Đức Thầy hỏi: “Hôm nay ông mang thuốc quí cho tôi uống phải không ông Bác sĩ ? ”.

    Bác sĩ Trần Văn Tâm không trả lời, Đức Thầy đưa ánh mắt đầy thương cảm, nhìn ông rồi từ từ bưng ly A-xít uống phân nửa, nửa ly còn lại Đức Thầy bảo: “Ông đem thuốc này về cho vợ ông uống, ông là một Bác sĩ mà không trị hết bịnh nan y cho vợ của ông.“

      Quá ngạc nhiên và thán phục, trước sự mầu nhiệm huyền bí của Đức Thầy, tại sao? Ngài biết vợ của mình bệnh nan y? cũng như bao nhiêu lần chứng kiến, Đức Thầy thay đổi xác thân từ một người trẻ, trở thành một ông lão đầu tóc bạc phơ, chỉ trong thời gian tít tắc ở cùng một căn phòng. 

     Bác sĩ Trần Văn Tâm là giới trí thức, luôn tin tưởng vào sự phát triển của văn minh khoa học, sao lại có thể tin vào chuyện huyền bí mà qui y theo Đức Thầy. Chất cường toan cực mạnh như A-Xít, còn không thể làm gì được Đức Thầy, thì nói chi đến chuyện chết sống. 

    Điều này chứng minh rằng, Đức Thầy là một vị Phật có Thiên bá ức hóa thân. Nhưng phải chờ đợi lịnh trên ban xuống. Như Ngài đã cho biết:

           “Ta dừng tay chờ đợi lịnh Thiên.”

     (Trích bài: “DIỆU PHÁP QUANG-MINH”).

      Hay là:

           “Khương Tử-Nha sông Vị còn phiền,

           Câu không ngạnh chờ non phụng gáy.”

       (Trích bài: “DIỆU PHÁP QUANG-MINH”).

     —- Dẫn Chứng Lịch Sử:

     Đứng về khía cạnh của Tôn Giáo.

    - Trường hợp Thiên Chúa Giáo: là một tôn giáo lớn nhất nhi trên thế giới, với số tín đồ hiện nay lên đến hàng tỷ, trong đó có biết bao nhiêu là trí thức, khoa học gia và các nhà bác học. Vậy mà họ vẫn tin tưởng sâu sắc, về trường hợp Đức Chúa Giê Su, bị bọn Judas tử hình đóng đinh trên cây Thập tự giá, rồi ba ngày sau, Chúa sống lại đi vân du khắp nơi hóa độ, sau 10 ngày rồi lại thăng Thiên biến mất.

     - Trường hợp Phật Giáo: Trong lịch sử Phật Giáo, cũng có trường hợp hóa thân giống như vậy. Có lẽ người Phật tử nào cũng biết câu chuyện của Ngài Đạt Ma Sư Tổ bị đệ tử của Ngài là ni cô Dương Yên Chi, vì muốn tranh giành ngôi vị nên mưu toan đầu độc Thầy của mình. Ngài đã biết trước nên uống thuốc độc mà chết. Để rồi Ngài hóa thân thành chiếc giày nằm trong áo quan, mà kim thân của Ngài dùng cây lau để vượt Đại hà trở về Ấn Độ. 

     - Trường Hợp Hồi Giáo:  Đối với tín đồ Hồi giáo thì hình ảnh của Thánh A-La Mohammed, vẫn sống mãi vĩnh cửu trường tồn trong tâm thức của họ.

     Nhiều Tôn Giáo khác cũng có niềm tin là như thế. 

     Vậy thử hỏi tại sao người tín đồ PGHH, không được quyền khẳng định Đức Thầy của mình không chết, đối với đức tin của họ về sự việc ra đi của Ngài. 

     Đức Huỳnh Giáo Chủ sẽ trở về, để hoàn thành sứ mạng của Ngài khi còn đang dang dở. Chẳng hạn như các việc sau đây:

     - Thu phục con nghiệt thú Năm chèo:

        “Thâu cho được con long ác-nghiệt,

            Thì khắp nơi mới biết mến yêu.”

                    (Trích bài: SA-ĐÉC).

    Hay là: 

          “Đến chừng thú ấy phục-tùng,

      Bá gia mới biết người Khùng là ai.”

     (Trích Quyển Nhứt: SẤM GIẢNG KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU-NIỆM).

     - Lập Bảng Phong Thần: 

           “Đến kỳ thi danh Thầy chạm bảng,

              Trên đài cao gọi các linh hồn.”

           (Trích bài: “NANG THƠ CẨM TÚ”).

     Cậu Hai Thanh Sĩ cũng cho biết rằng:

           “Khuyên đừng có lắm phân vân,

     Không Thầy cái Hội Phong Thần ai phong.”

   - Thưởng phạt công minh:

          “Lão đây vưng lịnh Phật-Tôn,

       Lãnh cân thưởng phạt chư môn dữ lành.”

          (Trích bài: THIÊN-LÝ ca).

     Hay là: 

               “Có ngày mở rộng qui-khôi,

      Non thần vang chuyển Khùng ngồi xử phân.”

              (Trích bài: “BÓNG HỒNG”).

     - Tá quốc an bang:

                “Một tay tá quốc an bang,

       Nước nhà vững đặt Hớn-đàng hiển-vinh”

            (Trích bài: MƯỢN CÂY ĐUỐC HUỆ).

     - Lập Hội Long Hoa:

           “Lập rồi cái Hội Long-Hoa, 

        Đặng coi hiền-đức được là bao nhiêu.”

           (Trích Quyển 3 SẤM GIẢNG).

     Hoặc là: 

           “Trở chơn cho kịp Long-Hoa, 

     Long-Hoa có mặt ấy là hiền Nhơn.”

            (Trích bài: THIÊN LÝ ca).

     Đối với các bậc siêu phàm thì không thể đặt vấn đề sống hay chết. Các hiện tượng chuyển kiếp hay hóa hiện là việc thường của bậc siêu nhân, chỉ có Tôn Giáo mới lý giải được mà thôi.

      Như Đức Thầy đã cho biết:

                     “Ít lâu ta cũng trở về,

       Khuyên cùng bổn-đạo chớ hề lãng-xao.”

            (Trích bài DẶN-DÒ BỔN-ĐẠO).

    Đức Thầy cũng khẳng định với những tín đồ biết nghe lời dạy của Ngài và sẽ được sự chở che viên mãn:

            “Chừng nào Thầy lại gia trung,

          Thì trong bổn-đạo bóng tùng phủ che.”

         (Trích bài: “TỪ GIÃ LÀNG NHƠN-NGHĨA”).

     Cũng xin nhắc lại rằng, có lần Ông Trần Văn Soái đến nước Pháp, người Pháp vây quanh và hỏi ông rằng: “Đức Huỳnh Giáo Chủ sống hay chết?”

    Ông Trần Văn Soái không trả lời, mà hỏi ngược lại: “Nếu các ông nói rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chết? Thì tôi hỏi các ông, Ngài chết ở nơi nào và xác ở đâu?” Cả hội trường im lặng và không ai trả lời được câu nào.

    Thế mới biết và bây giờ mới hiểu ra rằng tại sao Đức Thầy phải:

            “Chọn một chàng tuổi trẻ tục-phàm,

               Mượn tay gã, tờ hoa Thần hạ bút.”

            (Trích bài: “TRAO LỜI CÙNG ÔNG TÁO”).

      Hoặc là:

        “Tạo xác Huỳnh danh thanh sắc trẻ,

          Chờ thời Thiên định thiết hùng ca.”

     (Trích bài:  HAI MƯƠI CHÍN THÁNG CHẠP).

     Cái xác thân bất hoại mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chọn, phải được giữ gìn chở che một cách tuyệt đối không ai có thể làm gì được, đi ra sao, lúc trở về cũng y như vậy. Như Đức Thầy đã cho biết rất lâu từ trước:

     “song vì tình cốt-nhục tương thân, cũng ủng-hộ, chở che cho xác phàm bớt nỗi cực hình.”

     - Vì sao Đức Thầy căn dặn “các ông đừng tin và dừng náo động”?

     Vì Đức Thầy đã biết trước, sớm muộn gì các thế lực của Pháp, Việt Minh cộng sản sẽ tung tin xuyên tạc và ngụy tạo sự kiện, nhằm làm cho khối tín đồ PGHH hoang mang náo động do “rắn mất đầu”, sẽ mất định hướng đấu tranh cũng như bỏ hết công việc giữ đạo chờ Thầy.

     Bằng chứng là ngày 25-4-1947 cộng sản tuyên truyền rằng, có một tòa án Đặc biệt do Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ thành lập, đã tuyên án tử hình và hành quyết Đức Thầy. 

     Cánh báo chí truyền thông còn tung tin chấn động và ly kỳ hấp dẫn hơn nữa, họ đưa tin nào là Đức Thầy bị chặt làm ba khúc, lấy thịt làm nhân bánh bao bán cho tín đồ PGHH ăn ... v v. Ai cũng biết, phần nhiều báo chí thời bấy giờ chỉ là công cụ của thực dân Pháp và cộng sản. 

     Người Pháp tung tin nhằm mục đích kích động sự thù hận giữa khối tín đồ PGHH và Việt Minh cộng sản để tàn sát lẫn nhau, để lọt vào kế độc của chúng, đó là “Ngao cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”. 

     Nhưng thực dân Pháp đã lầm, Đức Thầy đã hóa giải quỷ kế của họ một cách vi diệu và tài tình, để sau này mang lại một nước Việt Nam độc lập hoàn toàn trong đó có sự đóng góp rất lớn của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

     Chính vì lẽ đó mà Đức Thầy quả quyết đừng tin và đừng náo động.

     —- Trả Thù Hay Nhẫn Nhịn:

     Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nghiêm lịnh:

       “Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ, sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu-Vinh điều tra kỹ-lưỡng rồi về sau.

               Phải triệt-để tuân lịnh.”

      —- Vì sao Đức Thầy lại cấm chỉ đồn đãi. 

      - Thứ nhứt theo thiển ý nông cạn của cá nhân tôi, có thể là Đức Thầy muốn sự vắng mặt của Ngài không bị trở ngại và được hoàn tất một cách trọn vẹn trong “Diệu Kế” của Ngài. 

    Nên Đức Thầy đã chọn đúng thời điểm và hoàn cảnh để ra đi trong sự thương nhớ tột cùng của đồng bào, và kể cả kẻ thù đã ám hại Ngài cũng không có lý do gì vu khống hay oán thù cho được, mà ngược lại sẽ làm tăng thêm sự Chánh Nghĩa khi Ngài vắng bóng.

      - Thứ hai, có thể Đức Thầy không muốn tình hình trở nên khủng hoảng toàn diện, gây ảnh hưởng không tốt đến cuộc kháng chiến chung chống kẻ thù xâm lược thực dân Pháp sẽ lợi dụng gây chia rẽ sâu rộng thêm trong khối đại đoàn kết dân tộc, để chúng dễ dàng thực hiện mộng xâm lăng của họ, kể cả bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh Trung Quốc sau này.

      —- Tại sao Đức Thầy phải cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ.

     - Sở dĩ Ngài phải chọn phương cách, “Án binh bất động” là vì: Nếu lúc đó, lực lượng quân đội của Ông Trần Văn Soái và Ông Nguyễn Giác Ngộ kéo quân đi tiếp cứu, thì chuyện gì sẽ xảy ra?. 

     Chắc chắn là sẽ không còn một tên Việt Minh cộng sản trong vùng sống sót, hận thù chồng chất, máu xương ngập tràn, đó cũng là lý do sau này Cộng sản sẽ tận diệt tín đồ, cũng như sẽ làm bế tắc sự phát triển cái đạo của Ngài.

     Như vậy chẳng phải hóa ra sự ra đi của Đức Thầy là vô ích, không có ý nghĩa gì trong kế hoạch cao siêu của Ngài hay sao?.

      Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thể hiện “Dĩ Đức Hiếu Sanh”, khoan hồng đại độ của một vị Phật, mà tha thứ cả những chúng sanh gây nên nghiệp ác bất lành. Cũng giống như xưa kia, trường hợp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bị người em họ là Đề Bà Bạt Đa bao nhiêu lần ám hại.

          “Tuy ngày nay chúng nó hùng-cường,

             Chừng phân định thì Ta cao-quí.”

          (Trích từ Quyển Tư: GIÁC MÊ TÂM KỆ).

     Đức Thầy đã đem cái Đức hạnh cao quý Từ-Bi-Hỷ-Xả mà cảm hóa người hung bạo. 

      “Trước kia chúng nó hả-khắc ta, chúng nó đành; ngày nay ta hà-khắc lại, sao đành. Vì lòng chúng nó đầy sự hung-tàn, còn lòng ta lại đầy nhân-ái !”. 

     Chính vì lẽ đạo cao siêu nhiệm mầu như thế, nên có lần Đức Thầy đã cho biết: “Sau này Thầy trở về, họ theo Thầy hết”. 

      Việc này hiện nay đã có phần ứng nghiệm. Như chúng ta đã biết kể từ khoảng giữa năm 1999, khi nhà cầm quyền CSVN cho phép Đạo Phật Giáo Hòa Hảo tái phục hoạt. Họ đã cài đặt rất nhiều cán bộ Cộng sản trong các Ban Trị Sự từ Trung Ương cho đến địa phương, nhằm theo dõi để phát hiện và bắt bớ những tín đồ PGHH nào mà họ cho là “Chống Chính Quyền”. 

     Chống ở đâu không thấy, chỉ thấy toàn những người tu hiền chơn chất, giỏi làm từ thiện như: Cất nhà tình thương, xây cầu bồi lộ, xe đưa rước bệnh nhân nghèo miễn phí, phòng thuốc Nam từ thiện, cơm cháo chay miễn phí tại các Bệnh viện, những chuyến xe chở nước ngọt cứu cấp cho đồng bào, trong lúc nguy nan ở tận vùng Gò Công- Bến Tre, sau những lần nước biển xâm thực...v v.

     Nhất là họ có dịp được nghe qua và tìm hiểu Giáo lý cao thâm của Phật Giáo Hòa Hảo, rất phù hợp, dễ hiểu dễ hành, nên đã cảm hóa được những người lúc đầu là cộng sản, dẩn dần họ đã trở thành một tín đồ PGHH thuần thành từ lúc nào không hay biết.

     —- “Phải triệt để tuân lịnh”.

      Đây là Thánh lịnh bắt buộc mọi tín đồ PGHH phải tuân thủ và làm theo, không thể mượn lấy bất cứ lý do gì mà cải lịnh, cho dù lý do đó là: Các người ám hại Thầy của chúng tôi, nên chúng tôi phải trả thù.

      Nếu không nghe lời dạy của Ngài, chẳng những chúng ta không xứng đáng là tín đồ, mà còn bị mang trọng tội vong Sư phản Đạo, và không được cứu độ trong tình thương của Ngài.

                “Ai mà Ta dạy chẳng gìn,

        Thì sau đừng trách mất tình yêu-đương.”

              (Trích Quyển 3: SẤM GIẢNG).

     — Nhẫn nhịn:

       Đành rằng nhẫn nhịn có thể làm đau khổ cho những người mới bước vào cửa Đạo, cũng chẳng nên lấy đó mà thở than kêu Thầy cứu độ, mà nên xem đó là một pháp môn tối thượng để diệt lòng sân hận, giúp hành giả tiến thêm một bậc cao hơn.

        “Lòng sầu riêng hãy nên nguôi bớt,

          Đừng thở-than bận đến lòng Ta.

             Để cho Thầy đi dạo Ta-bà,

            Đặng dạy kẻ đường xa chưa rõ.”

                (Trích bài:  SA-ĐÉC).

     Người quân tử học đạo phải êm dịu nhẹ nhàng, mềm mại len lỏi để thẩm thấu, bền chí vượt chướng ngại khó khăn và cần nhẫn nhịn như tánh của Nước. 

     Nước êm dịu nên chế ngự được vật thể cứng chắc, nước len lỏi thẩm thấu để vượt bức tường thành, nước bền bỉ để tạo thành sông suối, tuôn tràn về biển cả mênh mông, nước nhẫn nhịn để tha thứ, dung nạp những cặn bã được trở nên trong sạch và ngọt ngào, nước là nguồn gốc để đem lại sự sống an vui cho muôn loài hoa lá cỏ cây, cho chim muông cầm thú và là giọt nước cam lồ cứu khổ nhân loại chúng sanh.

       “Rán nhẫn trăm phần dầu khó nhẫn,

         Dạ thưa quan chức phận làm dân.”

         (Trích bài:  NHẪN ĐỢI THỜI CƠ).

     Hay là: 

       “Chữ thứ nhứt Nhẫn-Năng-Xử-Thế,

         Là người hiền khó kiếm trong đời.

         Lập thân danh tuần trải nơi nơi,

         Chờ thời-đại mới là khôn khéo.”

         (Trích Quyển 4: GIÁC MÊ TÂM KỆ ).

     Nhẫn để lập bồi công đức, để trở thành hiền nhân trung hiếu, hầu diện kiến bậc Thánh Đức trong ngày Long Hoa sắp khai mở:

           “Hội Long-Hoa chọn kẻ tu-mi,

            Người hiền-đức đặng phò chơn Chúa.”

        (Trích Quyển 2: KỆ DÂN CỦA NGƯỜI KHÙNG).

        Hoặc là:

    “Cõi Trung-Ương luân-chuyển phương Nam,

      Mở hội Thánh chọn người trung hiếu.”

      (Trích bài: “DIỆU PHÁP QUANG-MINH”).

     Người tín đồ PGHH trong giai đoạn này cần phải khôn khéo, ẩn nhẫn chờ thời mà phục vụ cho đạo.

          “Đấng nam-nhi ẩn-nhẫn tùy thời,    

           Vậy mới gọi khôn-ngoan hữu chí.”

          (Trích Quyển 4: GIÁC MÊ TÂM KỆ).

     Đức Thầy cũng căn dặn thêm như sau:

           “Chớ nóng-nảy sân-si hư việc,

            Phải đợi thời vua Kiệt hồi qui.”

     (Trích bài: “XUÂN-HẠ TÁC CUỒNG-THƠ”).

         Nói chung, Đức Huỳnh Giáo Chủ lánh mặt, vì muốn tiết kiệm máu xương và bảo tồn sinh mạng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho Đạo của Ngài được phát triển mạnh mẽ sau này. Như Ngài từng hé lộ:

            “Ước-mơ thế giới lân Hòa-Hảo,

           Nhà Phật con Tiên hé miệng cười.”

        (Trích bài: PHÒNG VẮNG ĐÊM KHUYA).

    Hay là:

         “Mảng chờ trông bá-tánh thảnh-thơi,

            Khắp bốn biển liên dây hòa-hảo.”

        (Trích bài: “DIỆU PHÁP QUANG-MINH”).

     Cho đến tận bây giờ cứ vào những ngày cuối của tháng Hai âm lịch, hàng triệu con tim tín đồ PGHH không thể quên kẻ bạo tàn Cộng sản đã gây nên một vết thương lòng khó thể xóa nhòa trong tâm trí họ được, khiến người tín đồ phải sống trong tủi hờn thương xót, ngậm ngùi và oán hận.

       Biến cố Đốc Vàng Hạ ngày 25-02 nhuần, năm Đinh Hợi, nhằm ngày 16-4-1947, Việt Minh Cộng Sản đã ám hại Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH, là một bằng chứng hùng hồn không thể chối cãi mà CSVN phải chịu trách nhiệm trước lịch sử nước nhà và công luận quốc tế.

-   25-02 âm lịch nhuần, năm Đinh Hợi  (16-4-1947). Tính đến nay đã 74 năm trôi qua mà hàng triệu tín đồ PGHH hằng khắc cốt ghi xương, là 74 lần xoáy mũi dao nhọn vào vết thương vẫn còn ứa máu của hàng triệu con tim Hòa Hảo. Nỗi tiếc nhớ thương bạn bè, đồng đạo đã bỏ mình hy sinh vì Đạo Pháp, những tín đồ PGHH còn ở lại quê nhà vẫn còn oằn oại chịu đựng ngọn roi thù của kẻ bạo quyền cộng sản, hoặc đã ra đi vì tuổi đời chồng chất.

-  25-02 là 74 lần những người tu hành vẫn từng ngày ngậm ngùi, nhìn thân thể với những vết sẹo, những thương tật, đang còng lưng gánh nặng những đau buồn tủi nhục của người bị đàn áp, mà không phải họ bất tài hay yếu hèn. Nhìn lại bao nhiêu năm, các cơ sở Đạo bị nhà cầm quyền CSVN chiếm đoạt, tự do Tôn Giáo chưa được thực hiện. 

-   25-02-nhuần, năm Đinh Hợi (16-4-1947), là 74 năm đã trôi qua, những người tín đồ PGHH, vẫn còn mắc nợ với Tổ tiên tiền nhân, nợ Tam Bảo, nợ quê hương đất nước và đồng bào nhân loại, nhưng cuối nẻo đường trần họ vẫn chưa bao giờ trả hết, nhất là họ chưa đòi lại được tên làng Hòa Hảo thiêng liêng cho đạo PHẬT GIÁO HÒA HẢO .

     Kính chúc chư quý vị đồng đạo, thân tâm thường an lạc, đạo quả sớm viên dung, phát tâm Bồ Đề dũng mãnh, tin tấn tu hành để được ban cho xứng vị xứng ngôi khi Đức Thầy trở gót./.

      Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

                  Nam Mô A-Di-Đà Phật.

      Trân trọng kính chào quý đồng đạo.

                Huỳnh Minh Quang.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn