Ý-nghĩa ngày Đức Giáo-Chủ Phật-Giáo Hòa-Hảo thọ nạn

25 Tháng Ba 202210:21 SA(Xem: 2339)
Ý-nghĩa ngày Đức Giáo-Chủ Phật-Giáo Hòa-Hảo thọ nạn
Ý-nghĩa ngày Đức Giáo-Chủ Phật-Giáo Hòa-Hảo thọ nạn
            Mọi sinh-vật sinh ra đời đều biết tham sống và sợ chết, thì con người cũng thế. Nhưng khác với con vật, con người có trí khôn, biết suy-nghĩ, biết định giá-trị về sự sống cũng như biết chọn cái chết. Luật tự-nhiên của tạo-hóa, có sanh phải có diệt. Là con người ai khỏi chết một lần. Cho nên, vì danh-dự của cá-nhân, của gia-đình, vì tiền-đồ Đạo pháp, vì tương-lai đất nước, nếu phải chết, nên chọn cái chết nào giữ được tiết-tháo của mình.
            Danh-dự mặc dù không thấy, không sờ mó được, nhưng vô cùng quan-trọng, vì thế, bao nhiêu người đã không quản-ngại hy-sinh mạng sống của mình chỉ vì để phục-vụ cho một lý-tưởng mà mình hằng theo đuổi. Thế nên, đã có nhiều nhà ái quốc trên thế-giới chấp-nhận cái chết để đòi hỏi nhân-quyền và dân-quyền, độc-lập cho xứ sở nếu bị ngoại bang xâm lấn như đã xảy ra mới đây tại Tây-Tạng. Họ không chịu ngồi yên để nhìn đất nước bị ngoại-xâm thống-trị và tìm cách đồng-hóa người bản xứ, và họ cũng không chịu ngồi yên để nội-xâm tức những nhà độc-tài đảng trị, hay cường quyền, làm cho xứ sở bị thụt-lùi lại trước trào-lưu tiến-hóa của nhân-loại. Họ bị tước-đoạt tất cả quyền tự-quyết dân-tộc và rồi đến quyền làm người. Trong cuộc chiến chống ngoại-xâm, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã không những là nhà cách-mạng tư-tưởng văn-hóa, một nhà Đạo-đức-học lớn ở tiền bán thế-kỷ 20 của Việt-Nam, Ngài còn là nhà ái-quốc vĩ-đại, mang một hoài-bão giải-thoát dân tộc khỏi ách thống-trị của thực-dân. Lòng thương dân và yêu nước của Ngài đã thể hiện rất rõ trong bài Thiên-Lý Ca qua câu:
“Thương sanh-chúng đòi cơn dạ ngọc,
Ta quyết gìn chủng-tộc giang-sơn.”
(Thiên-Lý Ca, câu 253 – 254)
            Tuy nhiên, trong tiến-trình đấu-tranh đa diện của Ngài, Ngài phải đối-phó với một thế-lực nhuộm ý-thức-hệ cộng-sản, là một thứ nội-xâm trá-hình bằng chiêu-bài giải-phóng dân-tộc. Ngài thừa hiểu cuộc chiến-tranh quốc cộng ở Việt-Nam là phản-ảnh cao-trào giải-phóng giành độc-lập của các nuớc bị trị trong gần một thế kỷ qua, với sự trổi-dậy của cộng-sản quốc-tế, mượn chiêu-bài chống các đế-quốc tư-bản, nhằm bành-trướng thế-lực cộng-sản đệ-tam quốc-tế. Thời-cơ không thuận tiện để Ngài tiếp-tục sứ-mạng cứu đời của mình. Như đã đoán trước được thời-thế không cho phép Ngài xuất đầu lộ diện trong cuộc chiến-tranh lạnh sắp diễn ra sau khi phe trục (Nhựt, Đức, Ý) bại trận và sự phân chia khu-vực ảnh-hưởng giữa khối cộng-sản và tự-do bắt đầu. Sự phân-chia đó khiến cho nhiều phong-trào quốc-gia không cộng-sản lâm vào thế bị động vì thiếu sự hỗ-trợ tích-cực và thành-thật từ các chính-quyền thuộc địa và các đồng-minh thắng trận của thế-giới tự-do. Thế là các phong-trào giành độc-lập không cộng-sản lần-lượt bị tiêu-diệt và các nhà lãnh-đạo của họ, mà trong đó Đức Thầy là một, phải tìm cách hoạt-động theo một phương hướng khác, hoặc chọn một thời điểm khác, như sau năm 1954 khi Hoa-Kỳ ủng-hộ một miền Nam độc-lập không cộng-sản. Đức Thầy là một nhà đại tiên-tri nên một khi biết trước hoàn-cảnh không cho phép, tất nhiên ngài phải chọn cách-thức nào ra đi để ít gây thiệt-hại cho tập-thể tín-đồ còn lại của Ngài và cả những người dân hiền hòa, chất-phác nữa. Mặc dù tài-liệu để lại không thiếu về biến-cố chung quanh ngày Đức Thầy Thọ Nạn tại Ba-Răng Đốc-Vàng ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh-Hợi (nhằm ngày 16-4-1947 dương lịch), nhưng biến-cố ấy vẫn mang nhiều ý-nghĩa huyền-bí, mà phần lớn công-luận từ trước đến nay chưa hiểu một cách thấu-triệt.
            Hôm nay, nhân dịp lễ tưởng nhớ đến ngày Đức Huỳnh Giáo-Chủ thọ nạn cách nay 75 năm, chúng tôi xin trình bày đầy đủ, rõ-ràng bối-cảnh của biến-cố, và nguyên-nhân của việc ấy ra sao? Nhưng, trước hết, thế nào gọi là thọ nạn?
            Nói một cách nôm-na, thọ nạn có nghĩa là bị nạn. Như vậy, thọ nạn phải có hai tác nhân, một là người gây ra tai-nạn và người kia là người chịu khổ vì cái nạn đó.
Người gây ra phải có chủ-ý thì cái nạn mới gây ra được nếu không thì người thọ nạn không thể gọi là thọ nạn được, ví như người thợ săn và con mồi vậy. Thợ săn có giăng bẫy mới bắt được con mồi, và con mồi vì thơ-ngây đi vào bẫy mà không ngờ trước được. Đối với một con người thì hơi khác một chút, đôi khi không vì sự thơ-ngây mà bị nạn, mà vì hoàn-cảnh đưa đẩy dần dần đến chỗ chấp-nhận sự thiệt hại vật-chất, thể-xác hay tinh-thần. Người gây nạn có thể vì sự sân-hận, tham-lam, hay ích-kỷ thì mới gây nạn chứ không vì tinh-thần phục-vụ cộng-đồng. Như vậy, hai chữ nầy áp-dụng trong trường-hợp Đức Thầy có nghĩa rằng người đó hay tập thể đó cố-tình ám-hại Ngài vì mưu-đồ đảng phái riêng tư, tranh-giành quyền-lực, chứ không vì ích-nước lợi-dân. Đức Thầy là một nhà cách-mạng chân-chánh, luôn luôn kêu gọi sự đoàn-kết dân-tộc để bảo-toàn lực-lượng chống ngoại-xâm. Ngài còn kêu gọi mọi người nên thương-yêu đùm-bọc lẫn nhau, nhứt là giữa những đồng bào cùng nòi giống. Thế nên, biến-cố tại Ba-Răng Đốc-Vàng nói lên rằng: Ngài thọ nạn do chính hành-vi cố-chấp và tàn-nhẫn của những người mượn chiêu-bài hòa-giải, rồi lợi-dụng lòng từ-bi bác-ái của Ngài để ra tay, như Ngài thường nói:
“Thấy Tăng-Sĩ thiệt-thà hữu chí,
Vội đem lòng ích-kỷ hại nhân.”
(Thu Đã Cuối, câu 9 – 10)
            Thái-độ đó luôn luôn bị người đời lên án, vì từ xưa đến nay, chẳng ai không nguyền-rủa kẻ tiểu-tâm âm-mưu hại người dám quên mình vì đại-nghĩa, vì tình đoàn-kết dân-tộc, vì bảo-tồn thực-lực để chống ngoại-xâm. Vấn-đề là ở chỗ ai đã chủ-trương biến cuộc thương-thuyết đó thành một biến-cố đẫm máu? Việc họ có thành-công trong việc sát hại Đức Thầy hay không là chuyện khác, nhưng ở đây chỉ nhấn-mạnh đến vấn-đề tánh-chất tiểu-nhân của những thành-phần cực-đoan trong hàng-ngũ cộng-sản Việt-Minh, và trong ý-nghĩa nầy, thì Đức Thầy không hẳn là “thọ nạn”, vì Ngài không phải hành-động như một con mồi thơ-ngây đi vào bẫy.
Ngài đã biết trước sự sắp-xếp của Việt-Minh để mưu hại Ngài, nên khi trên đường đi Ngài đã dặn-dò người cận-vệ của Ngài, người mà sau nầy sống-sót, bằng một mẫu giấy ghi rõ khi thoát-nạn phải làm gì. Như vậy, có phải chính Ngài “sắp-xếp việc thọ nạn” của ngài chăng? Không ai nhận thấy Ngài bị ám-hại và cũng không biết Ngài đi đâu sau biến-cố đó. Tuy nhiên, chúng ta gọi hôm nay là ngày Đức Thầy thọ nạn, phải hiểu về ý-nghĩa tinh-thần hơn là về thực-chất, để nói lên toàn-diện cái khía-cạnh đầy bi-kịch đó, nói lên cái tâm-trạng trò xa Thầy biền-biệt kể từ biến cố ngày 25-2 nhuần năm Đinh-Hợi (16-4-1947 dương lịch).
               I. Đức Thầy có tiên đoán trước nạn tai sắp xảy ra hay không?
Sau biến-cố ngày 25-2 nhuần năm Đinh-Hợi, nhiều tin-tức trái ngược đã được đưa ra. Đối-phương thì nói Ngài đã bị Việt-Minh ám-hại, còn anh em tín-đồ thì tin chắc rằng Ngài đã thoát thân một cách dễ-dàng như kỳ trước (đêm 9-9-1945 tại SàiGòn) và một ngày kia Ngài sẽ trở về. Sau đây là năm lý-do để chứng-minh một cách hùng-hồn rằng Đức Thầy biết trước những nạn-tai mà Ngài sắp phải gánh-vác:
             1/. Đầu tháng ba năm 1947, ông Lê-Trung-Nghĩa mời Đức Thầy, Huỳnh-Văn Trí (Mười Trí) chỉ-huy bộ-đội Bình-Xuyên, Khu-bộ phó Lê-Văn-Viễn (Bảy Viễn) tới Tòa Thánh Tây-Ninh hội-kiến với Ngài Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc...
            Sau khi từ-giã... Ngài Hộ-Pháp cho biết: - Thầy Tư về miền Tây lần nầy bị nạn!
 Đức Thầy đính-chánh: - Tôi về miền Tây lần này để Thọ Nạn!
            Đức Thầy nói thêm với Ngài Hộ-Pháp: - Sẽ có thời gian ngài Hộ Pháp rời đất Việt và gởi xác xứ người!
            Quả thật, hai vị Giáo-Chủ chia-biệt từ ấy... Đức Huỳnh Giáo-Chủ trở về miền Tây lo hòa-giải những cuộc xô-xát giữa Việt-Minh và Dân-Xã Hòa-Hảo... và bị mưu hại ngày 16-4-1947 lúc 9 giờ 15 tối. Còn Ngài Chưởng-Giáo Đạo Cao-Đài Phạm-Công-Tắc (1890 – 1959) rời đất Việt chạy sang đất chùa Tháp Phnom-Penh (Nam-Vang) ngày 15/11/1955 và qui Thiên vào ngày 17/5/1959 lúc 70 tuổi.
               (Xem thêm ảnh chụp tại Tòa Thánh Tây-Ninh ở cuối bài).
              2/. Trước khi xảy ra tai nạn, Đức Thầy có hỏi một nhân-viên hầu cận Ngài: “Bữa nay là ngày mấy âm-lịch?” Nhân-viên nầy trả lời: “Là ngày 25 tháng 2 nhuần”. Đức Thầy bèn chép miệng than rằng: “Ngày nay là ngày đau khổ nhứt! Ôi! Sao mà khổ quá vầy!” Điều nầy chứng-tỏ biến cố đêm 25 tháng 2 nhuần năm Đinh-Hợi 1947 không phải là một tai-biến bất-ngờ mà là một thời-điểm thiên-định để Ngài tạm ra đi một cách huyền-bí như khi Ngài giáng-thế khai đạo.
             3/. Trước khi đi dự hội-nghị, chính Đức Thầy có hỏi ông Mười Tỷ: “Biết hướng nào về Phú-Thành chăng?” Khi ông nầy chỉ hướng thì Đức Thầy nói: “Phải!” Thì ra chính ông Mười Tỷ là người sống sót để chạy về báo tin, còn ba tự-vệ quân kia đều bị giết hết.
             4/. Đức Thầy có nói với ông Ngô-Thành-Bá tức Biện-Đài trong dịp dẫn ông đi núi Tà-Lơn rằng: “Sau nầy Ngài xa vắng bổn-đạo trong một thời-gian, và trong khi ấy, không một tín-đồ nào biết Ngài ở đâu”. Ngài cũng nói với nhiều tín-đồ câu ấy.
               5/. Trong Sấm-Giảng của Ngài, Đức Thầy cũng có nói:
“Rán nghe lời dạy của Thầy,
Để chừng đến việc kiếm Thầy khó ra.”
(Q.3 – Sám Giảng, câu 475 – 476)
            Nhưng vì sao Ngài lại lựa-chọn sự vắng mặt mà không ở lại để tiếp-tục hướng dẫn quần-chúng đánh đuổi thực-dân Pháp?
             II. Vì lý-do nào Ngài lựa-chọn sự vắng mặt?
            Ngài lựa-chọn sự vắng mặt vì ba lý-do chánh yếu sau đây:
            1. Chủ-trương bất bạo động
            Như trên đã nói việc Ngài thọ nạn là Ngài không muốn cảnh các tín-đồ của Ngài và bộ-đội Việt-Minh tiếp-tục xô-xát, và việc vắng mặt của Đức Thầy gây cho Việt Minh bớt lo-sợ về ảnh-hưởng lớn rộng của Phật-Giáo Hòa-Hảo ở vùng đồng bằng sông Cửu-Long, làm trở-ngại cho chúng trong các công-tác truyên-truyền có lợi cho đường-lối đấu-tranh giai-cấp của chúng.
            2. Ưu-tiên xây-dựng một nền pháp-trị và giải-quyết mọi bất đồng trên căn bản đạo-đức và pháp-lý
Chủ-trương của Ngài là xiển-dương tinh-thần Hòa-Hảo, thế nên trong hoàn-cảnh nào Ngài cũng chủ-trương ôn-hòa, và sẵn-sàng đặt tôn-giáo dưới sự chi-phối của luật-pháp một khi nước nhà được độc-lập, để mọi người có thể được đối-xử bình đẳng, không phân-biệt tôn-giáo, đảng phái, và không ai được quyền đứng trên pháp luật. Ngài tôn-trọng sự phân-xử của Tòa-Án nước nhà, dù rằng người phạm pháp thuộc tôn-giáo của mình. Ngài chủ-trương những kẻ lầm-lỗi đối với mình thì mình sẵn-sàng tha-thứ, nếu họ biết lỗi, còn không thì để tòa-án nước nhà xử phạt họ, chứ đừng vì sự nóng-nảy mà trả thù.
            3. Ưu-tiên đoàn-kết dân-tộc để kháng Pháp
            Trong hoàn-cảnh nước nhà bị ngoại-xâm, Ngài cho rằng nhu-cầu cứu quốc cần phải đặt lên trên các khuynh-hướng đảng phái, nên Ngài khuyên tất cả mọi người hãy ưu-tiên đoàn-kết để kháng Pháp như sau:
“Chớ chia rẽ phải đồng tâm lực,
Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.”
(Thu Đã Cuối, câu 61 – 62)
            và:
“Quí nhau từng giọt máu đào,
Để đem máu ấy tưới vào địch quân.”
(Tiếng Chuông Cảnh-Tỉnh, câu 15 – 16)
            Nói tóm lại, như trên đã nói hai chữ “Thọ Nạn” mang nhiều ý nghĩa khác nhau nếu nhìn từ góc cạnh khác nhau. Mới nhìn qua hai chữ nầy có tánh cách bi-tráng, vì nó không khỏi gợi cho người nghe cảm-giác ghê-rợn và sau đó thì bâng-khuâng xúc-động. Đi sâu vào khía-cạnh thực-tế của biến-cố Thọ Nạn tại Ba-Răng Đốc-Vàng, chúng ta, những tín-đồ PGHH sẽ thấy hai chữ nầy có tính-cách biểu-kiến hơn là thực-tế. Lý do là vì suốt trong diễn-tiến nầy Đức Thầy đã báo hiệu cho chúng ta rằng Ngài đã biết trước những gì sắp xảy ra cho Ngài, nên đã chu-đáo chuẩn-bị cho sự vắng mặt của Ngài, và sự vắng mặt của Ngài là do Thiên định. Nói khác đi, Ngài đã hành-động như nhà đạo-diễn một tấn-kịch cho chính mình. Nói một cách khác, Ngài chọn sự vắng mặt cần-thiết để chuẩn-bị cho tín-đồ của Ngài lần lần trưởng-thành để bước sang giai-đoạn mới. Đó là giai-đoạn mà thế-giới sẽ có phân chia chiến-tuyến rõ-ràng giữa Quốc-Gia và Cộng-Sản, giai-đoạn mà Ngài không thể hóa-giải được bằng sự hiện-diện của Ngài, dù Ngài có đủ thần-thông quảng-đại của một vị Bồ-Tát. Ngài đã dùng những chữ như “thiên định tuồng đời sắp hạ” để ám chỉ nhân-loại sắp chịu nhiều thảm-khổ, nào thiên-tai, bệnh-tật, chiến-tranh… những đau-khổ không bút mực nào tả xiết. Do đó, về mặt công luận, biến-cố 25 tháng 2 nhuần năm Đinh-Hợi (16-4-1947 d.l.) và sự vắng mặt của Đức Thầy gắn chặt vào nhau, biến cố nầy đã do bọn hung thủ Cộng-Sản Việt-Minh gây ra để ám-hại Ngài.
            Vì vậy, việc dùng hai chữ “Thọ Nạn” là để nhắc nhở cho công-luận và các thế-hệ mai sau biết rằng do biến-cố lịch-sử đó, Cộng-Sản Việt-Minh đã đưa đất nước và đồng-bào Việt-Nam đến muôn vàn khó-khăn như hiện tại: mất quyền tự-do dân chủ, tự-do tôn-giáo, tự-do hành đạo, tự-do ngôn-luận, tự-do truyền-thông và báo chí... Và con đường Ngài vạch ra cho mọi người chúng ta cùng đi là hướng về các giá-trị thiêng-liêng và cố-gắng tu thân, gìn Đạo như lời dặn-dò của Ngài:
“Ra đi dặn lại ít lời,
Khuyên trong bổn-đạo vậy thời rán nghe.”
(Dặn-Dò Bổn-Đạo, câu 79 – 80)
            Và một ngày nào đó Đức Thầy sẽ trở về, như Ngài nói:
“Ít lâu ta cũng trở về,
Khuyên cùng bổn-đạo chớ hề lãng-xao.”
(Dặn-Dò Bổn-Đạo, câu 129 – 130)
            Thời-gian xa vắng tuy có lâu, nhưng rồi chắc-chắn Ngài sẽ trở lại khi thiên-cơ đến kỳ. Đây là niềm-tin tuyệt-đối mà bất cứ người tín-đồ thuần-thành, trung-kiên nào cũng ghi tâm, khắc cốt. Nó là động-lực thúc đẩy mạnh-mẽ tín-đồ PGHH tinh tấn tu-hiền, không thối-chuyển, một lòng giữ Đạo chờ Thầy hơn nửa thế-kỷ qua với tột cùng khác-khao mong-chờ ngày đoàn-viên, hội-ngộ:
“Chừng nào Thầy lại gia trung,
Thì trong bổn-đạo bóng tùng phủ che.”
(Từ-giã làng Nhơn-Nghĩa, câu 107 – 108)
 Nam-Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật
 Nam-Mô A-Di-Đà Phật
 Nguyễn-Trung-Hiếu
 -------------------------------
Sách Tham Khảo:
─ Dật-Sĩ và Nguyễn-Văn-Hầu: Thất-Sơn Mầu-Nhiệm, nxb Từ-Tâm 1972.
─ Vương-Kim: Đức Huỳnh Giáo-Chủ, nxb Long-Hoa 1974.
─ Nguyễn-Long Thành-Nam: Phật-Giáo Hòa-Hảo Trong Dòng Lịch-Sử Dân-Tộc, nxb Đuốc Từ-Bi 1991.
─ Ngô-Thành-Bá: Dõi Gót Theo Thầy, Giáo-Hội PGHH Hải Ngoại tái-bản 2000.
www
Tại Tòa Thánh Tây-Ninh đầu tháng 3 dương-lịch 1947.
Hàng đầu từ trái: Đức Huỳnh Giáo-Chủ, Ngài Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc, Chưởng-Giáo Đạo
Cao-Đài, ông Huỳnh-Văn-Trí (tức Mười Trí), không rõ 2 vị Chức-Sắc Cao-Đài đứng kế.
Hàng sau từ phải: ông Lai-Hữu-Tài (Đại-diện ông Lê-Văn-Viễn), ông Lê-Trung-Nghĩa, ông
Huỳnh Hữu Thiện (tức Thư Ký Dữ), Thư Ký Văn Phòng Ủy Viên Đặc Biệt của Đức Huỳnh
Giáo Chủ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn