Tìm hiểu 16 câu giảng của Đức Thầy, trong quyển "Giác Mê Tâm Kệ".

06 Tháng Năm 20222:35 SA(Xem: 2109)
Tìm hiểu 16 câu giảng của Đức Thầy, trong quyển "Giác Mê Tâm Kệ".

Đề tài: Tìm hiểu 16 câu giảng của Đức Thầy

“Trong bá-gia nhiều ít lòng chay, 

Để giữ trọn trong nền Phật Pháp. 

Gìn giới cấm sửa tâm ô-tạp, 

Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà. 

Nhớ từ-bi hai chữ ngâm-nga, 

Dầu làm lụng cũng là trì chí.  

Chờ Thiên-Địa châu-nhi phục-thỉ,

780. Như đời xưa có gã Tử-Phòng. 

Xem thời cơ người đã rõ thông, 

Dùng tôi thiểu mà an bá-tánh. 

Đời vật-chất văn-minh tranh-cạnh, 

Chữ lợi quyền giựt-giết lẫn nhau. 

Động lòng hiền chư Phật đớn đau, 

Cho kinh sấm dạy răn trần-thế. 

Nhìn thấy chuyện gạo châu củi quế, 

Nghèo bạc vàng đạo-đức cũng nghèo”.

Tham luận của Tô ThanhTùng

16 câu giảng này trích trong Quyển Tư “Giác Mê Tâm Kệ” do chính tay Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng tác vào ngày 20 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939) tại Hòa Hảo, gồm 846 câu. Phần tham luận sau đây từ câu 773 đến câu 788.
773- TRONG BÁ GIA NHIỀU ÍT LÒNG CHAY,
Giải: Tất cả trăm nhà, chỉ cho tất cả mọi người trong cuộc sống này; Lắm, đông người; Hoặc không nhiều. Dù nhiều hay là ít có tâm nhân từ, tâm trong sạch, Tâm thượng cầu thành Phật, hạ hóa chúng sanh, nêu gương hạnh Từ Bi cao cả. Theo: “Từ Điển Phật Học.” Lòng chay để chỉ tâm bất sát, yêu thương muôn loài.
774- ĐỂ GIỮ TRỌN TRONG NỀN PHẬT PHÁP.
Giải: Lấy đó mà nhắc nhở, gìn, nắm mãi không rời, không buông bỏ, trọn vẹn đầy đủ, hoàn toàn tất cả; Những qui định và thói quen, nói chung để duy trì sự ổn định trật tự trong sinh hoạt cũng như trong công việc; Phật là đấng giác ngộ thanh tịnh, Pháp là chơn lý, lời phật dạy. Giáo Pháp tức chơn lý của Phật nói ra để giác ngộ chúng sanh, về sau từ Phật Pháp được mỡ rộng để chỉ cho chánh pháp, lời của chư Bồ Tát, Chư Tổ, nương theo lời Phật hóa độ chúng sanh cũng gọi là Phật pháp.
775- GÌN GIỚI CẤM SỬA TÂM Ô TẠP,
Giải: Giữ mãi không rời, những điều răn của Phật của Thầy đã dạy cho người tu được thanh tịnh, Ngăn, không được làm. Giữ những điều mà Đức Phật Đức Thầy đã dạy, điều nào không cho thì không làm để dược trong sạch từ thân đến tâm để tiến đến quả vị giải thoát. Đây là điều căn bản của người tu hành là nấc thang để được định hầu tiến đến mọi quả vị. Nên nói nơi nào có giới luật là nơi đó có Phật pháp, nơi nào có giới luật thì nơi đó không có tội lỗi, bởi tâm mọi người đều hướng thiện, thưc hiện điều tốt đẹp; Tu hành chuyển đổi, Lòng, thể tri giác, chuyển đổi mọi vọng niệm, tư tưởng xấu để trở nên tốt đẹp, bởi tâm là gốc, đổi tâm xấu ra tâm tốt là tu hành, là hành đạo; Ô là dơ là đen tối, Tạp là đủ mọi thứ, chỉ cho mọi vọng niệm, cái vọng niệm đen tối, chỉ cho tâm vọng mọi thứ nhớ tưởng lăng xăng nơi lòng.
776- NIỆM PHẬT THÌ PHẢI DẸP LÒNG TÀ.
Giải: Tức niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, để lòng được thanh tịnh đoạn trừ phiền não, đủ tín đức nguyện lực, làm theo lời Đức Thầy đã chỉ dạy để được thanh tịnh vãng sanh; Là, nên bỏ, hãy bỏ không nên giữ. Đây nói tâm nhỏ mọn hẹp hòi, thị phi; Tâm suy nghĩ mông lung, vọng niệm vẩn vơ, suy nghĩ sai trái lằng xằng, còn gọi là vọng niệm chúng sanh cần phải đào thải tâm hồn không ngay thẳng điều xấu ác xằng bậy.
777- NHỚ TỪ BI HAI CHỮ NGÂM NGA,
Giải: Nghĩ đến và giữ mãi trong tâm trí không bao giờ quên, Hai trong bốn Đại Đức của chư Phật, thuộc về ban vui cứu khổ để chỉ cho bậc giác ngộ; Từ để chỉ ký tự chánh liền kế theo sau nói lên nghĩa trọng yếu của sự việc; Đọc theo lối có chất giọng để thưởng thức, có âm điệu diễn cảm.
778- DẦU LÀM LỤNG CŨNG LÀ TRÌ CHÍ.
Giải: Dù, nếu, tiếng dùng trong lời ví dụ; Lao động bằng chân tay vào công việc một cách mệt nhọc hay vất vả; Quyết, dầu sao cũng phải nắm giữ không buông, Chí hướng, ý chí, sức mạnh của tâm hồn. Giữ một lòng tiến đến mục đích định hướng không thối chuyển, không thay đổi càng lúc càng mạnh mẽ thêm lên.
779- CHỜ THIÊN ĐỊA CHÂU NHI PHỤC THỈ,
Giải: Đợi đến chỗ, đến lúc,đến giờ; Trời, Đất, bầu Trời và Trái Đất chỉ cho tất cả khắp thế gian; Giáp vòng, mà, trở lại, ban đầu. Giáp vòng rồi trở lại như xưa do câu: “Thiên Địa tuần huờn châu nhi phục thỉ.” (Trời Đất xoay chuyển hể giáp vòng thì trở lại mối đầu) Đây là định luật tự nhiên từ xưa cho đến nay, trong mọi việc hết suy tới thạnh, hết vinh tới nhục, như vòng quay của kim đồng hồ hể 12 giờ thì tới 1 giờ cứ thế mà tiếp tục. Đây là luật tự nhiên xoay vòng của tạo hóa.
780- NHƯ ĐỜI XƯA CÓ GÃ TỬ PHÒNG.
Giải: Tương tợ như vậy, thế hệ con người cũ đã qua, chuyện cũ, thế hệ, giai đoạn đã qua lâu, thuở xa xôi về trước; Tồn tại một nhân vật nào đó đã để tiếng tốt lưu lại cho hậu thế; Tử Phòng tên thật là Trương Lương (262-188) Trước công nguyên. Ông dòng dõi người nước Hàn từ thời chiến quốc, Tổ Tiên nhiều đời làm quan cho nước Hàn, Cha ông làm tới chức Tướng Quốc. Nước Hàn bị Tần diệt, cha và anh ông đều chết lúc đó ông còn nhỏ nên chưa làm quan nước Hàn, nên ông có mối thâm thù với Tần quốc, và nghĩ đến nước mất nhà tan, mọi người dân khổ sở với sự cai trị bạo tàn của chế độ nhà Tần. Ông đi khắp nơi trong thiên hạ tìm cách kết nối các sĩ phu liên minh đánh Tần. Có lúc ông thích khách Tần Thủy Hoàng, nhưng việc bất thành ông lánh nạn qua xứ khác. Trên đường lưu vong ông đã gặp Tiên Ông Huỳnh Thạch Công cho ba quyển: “Binh Pháp Thiên Thơ Đồ Trận.” Ông dốc tâm học và làm xong tâm nguyện. Ông là Khai Quốc Công Thần của triều Hán, cùng với Hàn Tín và Tiêu Hà, được người đời ca tụng là Tam Kiệt Nhà Hán giúp Lưu Bang diệt Tần buộc con Vua Tần là Nhị Đế Tử Anh ra hàng, ông theo kế lui về Bao Trung để chuẩn bị lương thực, củng cố binh mã, đốt đường sạn đạo cho Hạng Võ tin, khiến Hạng Võ dời đô về Bành Thành, hầu tạo dựng mọi thứ để đưa đến thắng lợi hoàn toàn. Tiếng tiêu của ông đã trở thành một đòn đánh tâm lý đi thẳng vào lòng khiến quân Sở bỏ đi hết, chấm dứt chiến tranh Hán-Sở, khiến Hạng Võ phải bỏ mình ở bến sông Ô Giang. Ông là người công thành danh thoái theo gương Phạm Lãi và tương truyền rằng sau này ông đã đắc quả Tiên.
781- XEM THỜI CƠ NGƯỜI ĐÃ RÕ THÔNG,
Giải: Coi, nhận biết bằng mắt; Khoảng thời gian được xác định, máy, sự vận hành của tạo hóa. Mà người đã đoán được thời gian nhất định cần phải làm gì; Nhân loại xa xưa, thường để chỉ bậc Thánh nhân Hiền Triết; Hiểu tường tận minh bạch, thấu suốt không còn chướng ngại ngăn che. Đặt trọn niềm tin không còn có sự nghi ngờ hay chướng ngại.
782- DÙNG TÔI THIỂU MÀ AN BÁ TÁNH.
Giải: Sử dụng, tiêu thổi, từ nói láy, để chỉ khúc tiêu của Trương Lương làm tan quân của Sở Bá Vương. Tiếng tiêu ấy đã làm nên chiến thắng cuối cùng tạo nên nhà Hán, chấm dứt thế lực bạo tàn đẫm máu liên tiếp từ Tần Thủy Hoàng đến Sở Bá Vương. Ghi chú sách: “Thất Sơn Mầu Nhiệm.” Viết: Ông Cả Đào Thành Đô hỏi Đức Thầy: Người ta dùng tôi lương đống sao Đức Thầy dùng tôi thiểu? Đức Thầy đáp: Tôi nói láy đó tôi thiểu là tiêu thổi; Như vậy được yên; Trăm Họ, chỉ hầu hết tất cả mọi người. Từ bá tánh này để chỉ cho bá quan trong triều, vì quan mới được phong họ, mà mỗi một họ chỉ ở một vùng, mặc dù họ đó có phát triển như thế nào cũng dùng từ bá tánh để chỉ chung.
783- ĐỜI VẬT CHẤT VĂN MINH TRANH CẠNH,
Giải: Việc thế gian, việc ứng xử với mỗi người, những thứ thuộc về nhu cầu thể xác của con người như: ăn uống, mặc ở, đi lại, nói chung cho mọi thứ sở hữu thuộc về vật chất. Đối với cái thấy không được là tinh thần; Dáng bề ngoài, sáng, cái tia sáng của đạo đức, lễ nhạc, giáo hóa một cách đẹp đẽ rõ ràng, là trình độ phát triển đạt ở mức nhất định trong xã hội loài người, có những phát triển văn hóa tinh thần đặc trưng riêng (nền văn hóa phát triển thì gọi là văn minh vậy); Giành nhau, hơn thua nhau để được phần hơn. Ở đây nói vì tiền bạc danh lợi mà con người hơn thua tranh giành với nhau.
784- CHỮ LỢI QUYỀN GIỰT GIẾT LẪN NHAU.
Giải: Lời, tiếng, ký tự người xưa để lại; Còn gọi là quyền lợi, cái quyền được hưởng lợi, hưởng danh vọng, bạc tiền, nói chung là vật chất, thứ mà người thế gian yêu thích; Lấy ngang trên tay người khác, lấy mạng người làm cho chết. Hơn thua nhau đâm chém, sự tranh giành giết chóc để lấy lợi phần mình; Hòa cùng chung có qua lại, có mối tương tác nhau, mà lại giựt giết lẫn nhau, cũng vì quyền lợi.
785- ĐỘNG LÒNG HIỀN CHƯ PHẬT ĐỚN ĐAU,
Giải: Phát khởi tâm hồn, thể tri giác của mọi người, thiện lành. Tâm thiện tâm nhân từ tâm ấy là chơn thiện, xuất phát từ tự tánh chơn thật, hòa cùng tâm Phật, hợp với lẽ tự nhiên của Vũ Trụ nên gọi là Chơn Thật Tâm hay Thiên Nhiên Tâm; Nhiều, số đông, Phạn ngữ gọi Buddha, Tàu dịch là Phật Đà, bậc đã thấu triệt chơn lý là Đại Thánh có đầy đủ tam giác (tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn) thấu suốt hết thảy mọi tinh tướng đúng như thật. Là quả vị cao nhất trong Phật giáo; Lòng Từ Bi thương xót cùng tột của Phật đối với chúng sanh, mê mờ bị khổ nghiệp và phiền não nhiểu hại, lòng đau đớn cùng tột của Phật muốn cứu độ chúng sanh cho qua bể khổ ấy, nên gọi là đớn đau.
786- CHO KINH SẤM DẠY RĂN TRẦN THẾ.
Giải: Dành riêng ban tặng, giáo pháp chơn lý; Sám, chỉ những lời Phật dạy để cải sửa tu tập cùng những lời Tiên tri của Đức Thầy; Chỉ dẫn trao truyền, khuyên bảo ngăn cấm. Chỉ dạy trọn vẹn mà nghiêm khắc, với sự nhận định của người được dạy là chơn chánh, đúng lý phải hết lòng làm, là lời dạy phải làm để đi đến mục đích tối hậu; Bụi đời, cõi đời, cõi bụi bặm, chỉ thế giới loài người đang ở trên mặt đất, cũng để chỉ con người ở nhân gian.
787- NHÌN THẤY CHUYỆN GẠO CHÂU CỦI QUẾ,
Giải: Tận mắt chứng kiến, sự thật rất rõ ràng diễn cảnh ở ngay nơi trước mắt, sự việc được nói ra; Hai thứ cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày để nuôi sống con người, Gạo quí như châu ngọc, còn củi thì mắc như quế. Từ này xuất phát từ điển tích của nhà du thuyết Tô Tần nổi tiếng thời Đông Châu Liệt Quốc. Ông đến nước Sở yết kiến Vua Sở, mà ba ngày không gặp được Sở Vương, nên ông quay ngựa về nước Triệu. Vua Sở nghe tin thân hành chạy theo xin lỗi. Tô Tần thưa. “Gạo nước Sở quí như ngọc châu, Củi quí như cây quế, kẻ hèn này xin yết kiến không gặp được Vua, có khác chi loài Tiểu Quỉ mong gặp Thượng Đế.” Sở Vương nhiều lần xin lỗi Tô Tần rồi đón Tô Tần về Triều thỉnh giáo thiết đãi như Quốc Khách. Do điển tích trên với thành ngữ: “Gạo Châu Củi Quế.” Để chỉ sự đắc đỏ của các thứ cần dùng.
788- NGHÈO BẠC VÀNG ĐẠO ĐỨC CŨNG NGHÈO.
Giải: Thiếu thốn vật chất, không đủ sống thiếu trước hụt sau; Tiền của và ngân lượng, tài sản quí giá của con người, thứ mà người ta yêu thích bo bo cất giữ, tạo mọi phương tiện để có nó. Từ để chỉ cho sự vô ơn của vật chất, thứ chẳng phải của mình, cái mà mình lo tích trữ, nhưng đến khi lâm nguy như: bệnh hoạn, chiến tranh, tắt thở, nó không giúp gì được; Phật dạy: “Tài vật ngũ gia phi sở hữu.” Ngũ gia ấy là:
1/ Lửa đốt cháy,
2/ Nước cuốn trôi,
3/ Trộm cướp lấy,
4/ Nhà nước tịch thu,
5/ Con cái phá hoại;
Đạo lý và đức hạnh, lẽ phải chơn lý, nguyên lý tự nhiên, mọi hoạt động tu hành của người con Phật. Làm lành lánh dữ, điều phải thì gọi là đạo đức. Theo Khổng Tử đạo đức là những qui tắc tốt đẹp của con người trong xã hội. “Phật Học Đại Từ Điển” có giải rằng: (Chánh pháp của Phật thì gọi là Đạo, được đạo rồi cố giữ gìn mà tu tập không để cho sai mất thì gọi là Đức.); Tương tợ như vậy, ngoài thiếu thốn vật chất ra, nghèo còn để nói thiếu những gì cần thiết để làm nên một nội dung có ý nghĩa như: Đạo đức nghèo nàn, ý tứ nghèo nàn./.
Phần tham luận 16 câu giảng đã xong mời Quí vị và đồng đạo xem qua, nếu còn chỗ nào sai sót nhờ quí vị chỉ dẫn thêm. Xin chân thành biết ơn, thân ái chào Đoàn Kết.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
----------------------------------------------------------

Chú giải thêm 6 câu giảng sau đây của Đức Huỳnh Giáo Chủ:
299- ĐẶNG SAU XEM LIỆT QUỐC TRANH HÙNG,

Giải: Được, rốt lại, tìm hiểu để nhận xét cho sát đúng; Dùng hết khả năng chiến đấu để kết cuộc biết ai là người mạnh người chiến thắng. Để chỉ lực lượng các nước chiến đấu với nhau.

300- ĐƯỢC SANH SỐNG NHỜ ƠN CHÍN BỆ.

Giải: Đặng, tiếp nhận những thành quả tốt đẹp từ sanh ra và lớn lên, sự tồn tại qua mọi sinh hoạt trong cuộc đời. Nói chung đời sống của con người; Thừa hưởng sự giúp đỡ, nhận được ân huệ từ bậc trên; Cửu trùng, tức chín nấc thang đến chỗ vua ngồi, chín từng mây đến Trời. Ở đây nói đến, cương thường đạo đức phép tắc làm người, và cũng chỉ sự che chở yêu thương của Minh Chúa, Tiên, Phật.

301- HÓA PHÉP LẠ BIẾT BAO MÀ KỂ,

Giải: Biến hiện thần thông, để chỉ cho cảnh phúc đức trang nghiêm, được tạo lập bởi công đức phép mầu; Chẳng biết bao nhiêu mà kể, nói lên như câu hỏi, phỏng để chỉ cho số nhiều, kể sao cho hết.

302- CHÍN TỪNG MÂY NHẠC TRỔI TIÊU THIỀU.

Giải: Theo quan niệm đạo gia chín từng mây, mỗi từng là mỗi màu, một từng mây là một cảnh Tiên, chín từng mây để chỉ cảnh phúc lạc vui tươi thanh nhã, theo: “Từ Điển Nho Lão Phật.” Chín cảnh Tiên cho chín từng mây ấy là: Thượng Tiên, Cao Tiên, Thái Tiên, Huyền Tiên, Thiên Tiên, Chân Tiên, Thần Tiên, Linh Tiên, Chí Tiên. Tóm lại để chỉ cảnh Linh Diệu của người biết trau sửa thân tâm; Đồng khởi lên âm nhạc, phát ra âm thanh theo điệu hòa âm; Tiếng sáo, có đến chín giọng êm đẹp vui tươi. Thời xa xưa như Nghiêu, Thuấn dùng loại nhạc này để làm đẹp cho đời và an lạc thái bình cho thiên hạ, để chỉ sự hành thiện an vui, cũng nói lên giáo pháp tuyệt vời, Người xưa cũng từng hát: “Chuông trống vui chung ao cá nhảy, Tiêu Thiều hòa tấu Phượng múa may.”

303- KẺ TÀ GIAN SAU BỊ LỬA THIÊU.

Giải: Người không ngay thẳng, người có tâm địa xấu, hành động dối trá xảo quyệt. Đây nói đến những người có tâm ác như trộm cướp, ăn của hối lộ, lấy của công, thường hay tính toán mưu hại người, gây bao tang thương thảm khốc, đều gọi là tà gian cả; Đến ngày trả quả cuối cùng của đời Hạ Nguơn thì lửa Trời đốt cháy. Cũng như hai vị Vua Cổ của Trung Hoa là Trụ và Kiệt, lúc còn tại vị thẳng tay làm khổ dân chẳng tiếc thương ai, bắt dân làm đau khổ cho Vua làm cuộc vui, than oán bất phục với cách bạo ngược ấy, mọi người đã đứng lên chiến đấu và cuối cùng hai ông Vua Ác độc phải bị vùi mình vào lửa đỏ. Đây là hai ông Vua gian tà cùng có những kết cuộc là phải chết cháy giống nhau như vậy, cũng là hậu quả của những việc làm trái với đạo đức nhân phẩm làm người. Tóm lại lửa thiêu là kết quả của kẻ bất chánh gian ác phải chịu trả quả.

304- NGƯỜI TU NIỆM SỐNG ĐỜI THƯỢNG CỔ,

Giải: Người có quy y theo đạo, hành đạo giữ giới luật, làm theo lời đã nguyện hứa sống đời đạo đức; Niệm cái tự tánh, niệm một cách rõ ràng không mù mờ. Niệm Phật như thế nào gọi là tự tánh? Phật không có một niệm, tánh vốn không có một vật và không có niệm là như nhau chơn nhất một con đường, hành giả gom hết các vọng niệm vào một niệm Phật gọi là lòng thành chẳng có niệm thứ hai, thì gọi đó là nhất tâm vậy, mà nhất tâm thì đồng nghĩa với Niết Bàn rồi, nó vốn vô sanh, chẳng có vật, vì vậy gọi niệm bản lai thanh tịnh, niệm sáng tỏ không mờ mịt thì đó là nhứt tâm; Tồn tại trên cõi đời, cảnh sống ở thế gian của thời kỳ lâu xưa, thời kỳ thịnh trị thái hòa tốt đẹp, được ví như thời Thượng Nguơn. Theo thư tịch Trung Hoa thời thượng cổ là thời Tam Hoàng Ngũ Đế, thời này trước Tây lịch khoảng 5.000 năm con người sống trong xã hội thánh thiện đạo đức, với tâm hồn an nhiên của rơi không ai lượm nhà ngủ không đóng cửa. Bài: “Vỗ Bụng Trời Nghiêu.” Nói đến cảnh Thượng Cổ như sau: (Xuân Thu thời tiết thuận, Ba ngày cơn mưa ngọt, Gió không thổi rụng lá, Phụng múa đầy khắp sân, Trời không sanh độc tố, Đất không mọc góc gai, Người vật cùng vui sống, Ăn no vỗ bụng ca). Tóm lại thượng cổ ở đây chỉ thời tốt đẹp thời Thượng Nguơn Thánh Đức, Chư Phật, Tiên tại thế.
TÔ THANH TÙNG (Chú giải)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn