Chú giải 10 câu Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ

06 Tháng Năm 20228:02 SA(Xem: 4299)
Chú giải 10 câu Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ

Câu 1:
Tìm hiểu 10 câu giảng của Đức Thầy:

"Kỳ xả tội nay còn một lúc, 

Sao chẳng tu đặng có hưởng nhờ. 

Gặp giảng kinh trần cứ làm ngơ, 

Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy. 

Địa-ngục cũng tại Tâm làm quấy, 

Về thiên-đàng Tâm ấy tạo ra. 

Cái chữ Tâm mà Quỉ hay Ma, 

Tiên hay Phật cũng là tại nó.

Tu với tỉnh biết làm chẳng khó, 

Nếu lặng Tâm tỏ-ngộ Đạo mầu". 

Câu 2:
Quý vị tìm những Pháp môn nào của Đức Phật, Đức Thầy để tu cho tâm được lặng tâm. Hãy đưa ra và giải thích.

 --------------------------------------------

Chú giải của TÔ THANH TÙNG

Câu hỏi 1 gồm 10 câu giảng trong quyển GIÁC MÊ TÂM KỆ tức quyển Tư gồm 846 câu. Chúng tôi xin chú giải từ câu 283 đến câu 292 như sau:

- 283. KỲ XẢ TỘI NAY CÒN MỘT LÚC:

Thời gian lúc này buổi Hạ Nguơn, nên Trời Phật ân xá những việc làm tổn nhân từ trước, giờ đúng thời kỳ ân xá, vì thời cùng cuối nên người tu được hưởng nhiều đặc ân trong việc tu hành chứng ngộ như sau:

1/- Thời kỳ đại thuận tiện,

2/- Giáo pháp thuận tiện,

3/- Hợp cơ duyên,

4/- Tạm dừng nghiệp cũ.

Nếu tu hành tinh tấn tốt đẹp, có thể một đời này được vãng sanh chầu Phật; Hiện giờ thời điểm thực tại, đang tồn tại chưa hết; Duy nhứt một hướng đi và chỉ còn một giai đoạn.

- 284. SAO CHẲNG TU ĐẶNG CÓ HƯỞNG NHỜ:

Tại sao? Hỏi cho biết cụ thể như thế nào mà không chịu tu hành; Được như vậy như những điều đã nói ở trên, nhân đó mà được tốt và nhận lấy cho bản thân. Do có tu tập, làm theo lời dạy của Phật, của Thầy nên được an lạc hưởng đời an vui, nội tâm giải thoát.

- 285. GẶP GIẢNG KINH TRẦN CỨ LÀM NGƠ:

Thấy được một thể văn vần nói lên chơn lý đạo pháp, hay giải nghĩa tường tận về một vấn đề gì đó để cho mọi người nương theo, hay những lời dạy của Phật thuyết ra, để mọi người nương theo đó mà tu hành. Vì Giảng Kinh là giáo lý đạo pháp, những lời lẽ Phật Thánh ở đây chỉ cho lời chỉ dạy của Đức Thầy, vậy mà người cõi thế gian này mãi lơ là bỏ qua không để ý quan tâm gì đến, cũng như không thấy, không hay biết.

- 286. TRỒNG BÔNG KIỂNG GIỐNG CHI HƯỞNG NẤY:

Vùi hay cắm gốc cây, hay nhánh cây xuống đất cho sống và phát triển thành cây tốt, bông là phần tinh túy của cây, kiểng là loại cây cảnh. Trồng bông hoa cây cảnh, đây nói sự tạo nhân như trồng cây, trồng cây nào hưởng cây nấy, và gieo nhân gì thì hưởng quả ấy; Tất cả mọi người đều có chủng tử Thiện, những việc làm trước đây do mê mờ không nhận ra, nay có đạo pháp có con đường thực tập tu hành, là đang gieo trồng với hạt giống chơn thiện ấy; Nhận lấy kết quả tốt đẹp, nhân đó mà được tốt đẹp cho bản thân.

- 287. ĐỊA NGỤC CŨNG TẠI TÂM LÀM QUẤY:

Nơi chịu khổ của chúng sanh lúc sống tạo ác nghiệp, chết đọa vào địa ngục một trong đường lục đạo luân hồi. Trên hình thức thì nói vậy nhưng địa ngục biến hiện cùng khắp, tùy theo tâm ác tạo tác ra sao thì có địa ngục thích ứng như vậy để trừng trị, những hành động tư duy, ngôn ngữ ác đều là địa ngục biến hiện, nên nói do tâm mà có cùng khắp. Không khác, tâm cùng cảnh ngay nơi mình, do nơi mình, không do ai, thiện ác do mình tạo, tà chánh do mình sanh. Nếu mình lo tu hành hiểu rõ tội phước, học tập sửa đổi theo lời Đức Thầy đã dạy thì không bao giờ ta hành động sai trái, đi ngược với lẽ phải.

- 288. VỀ THIÊN ĐÀNG TÂM ẤY TẠO RA:

Đến thành tựu cuối cùng, là cảnh tiên cảnh thanh nhã an vui thoát tục. Theo nghĩa trong Sấm giảng, Tiên còn có nghĩa đối với tục, bởi tục là phàm phu, Tiên là giải thoát, còn có nghĩa chỉ cho đời Thượng Nguơn Thánh Đức; Tấm lòng bên trong con người bao gồm mọi tình cảm, suy nghĩ, đo lường, làm nên , tạo ra, với mọi sự vật biến hiện thay đổi cũng đều do tâm cả.

- 289. CÁI CHỮ TÂM MÀ QUỈ HAY MA:

Cái tấm lòng mà người xưa đã để lại, lời tiếng, thể tri giác của con người, điểm sinh ra vạn pháp thập thiện nghiệp đều do tâm tạo hễ tâm phát đâu thì sanh đó, phát tâm về Phật thì thành Phật, phát tâm ma quỉ thì sanh ma quỉ, cho nên Phật dạy: “Nhứt thiết duy tâm tạo, vạn pháp do tâm sinh” để chỉ thể tri giác tức tâm.

- 290. TIÊN HAY PHẬT CŨNG LÀ TẠI NÓ:

Tiên là bậc tu hành có công hạnh và phước báu to lớn ở các cõi thanh tịnh, tùy cơ duyên cứu độ chúng sanh, có 2 nghĩa:

1/cảnh giới của các vị Tiên tự tại ở cõi Trời, và cũng chỉ cho đời Thượng Nguơn Thánh Đức,

2/Cõi thanh tịnh Phật độ như cõi Phật, Niết Bàn hay Cực Lạc vậy, ngoài 2 nghĩa trên còn để chỉ sự tốt đẹp quí báu; Sự tương tợ như trên, cùng ở phạm vi ngay đó nơi tâm là vô vi vậy.

- 291. TU VỚI TỈNH BIẾT LÀM CHẲNG KHÓ:

Tu là sửa, hành đạo, thực hiện giáo pháp theo lời dạy của Đức Thầy đã dạy trong Sấm Giảng Thi Văn, cùng với sự tỉnh giác xét biết, sự hành đạo phải nhận rõ bản tâm, thấy được vọng niệm và mọi cảnh trong cuộc đời, không bị lầm lạc say mê mất bản chất trong sạch và thanh khiết.

Về tu tỉnh có 2 phần:

1/Nhận ra mọi niệm mê mờ của tâm, Tham, Sân, Si, nói chung là những lỗi lầm sai trái để sửa chữa và không sanh khởi vọng chấp,

2/Thấy rõ mọi bản chất của sắc cảnh, không bị cuốn hút làm mờ tâm trí đảo lộn con người.

Tóm lại, đây nói sự công phu hành đạo để được sáng suốt thanh tịnh. Hành động đúng cách đúng phương hướng dẫn đến thành tựu, về sự biết làm do nơi quá trình tu tỉnh để nhận ra bổn giác và nguồn tâm hoàn toàn thanh tịnh, ở Thánh không thêm ở phàm không giảm nhận rõ vọng động, hiểu nguồn tâm, biết thực hành để thành tựu nhận được cái biết nơi mình. Và khi biết làm rồi thì không trở ngại và vướng mắc nữa thì đâu có khó gì nếu ta có tâm thành chí nguyện làm được những điều trên thì rất dễ.

- 292. NẾU LẶNG TÂM TỎ NGỘ ĐẠO MẦU:

Từ nhấn mạnh để nói bất kỳ công việc nào, im không nói một tiếng, trong hành động việc làm nhưng biết, thấy tất cả không sót một chút nào cả, không khởi lên một mảy vọng niệm; Nhận ra một cách sáng suốt, không còn mê lầm, do đoạn hết phiền não mà tỏ ngộ, nói lên sự giải thoát chứng quả, giác ngộ đắc đạo người tỏ ngộ là người đã ra khỏi vòng sanh tử trầm luân, trí tuệ sáng soi mọi thứ không còn sự ngăn che, dùng mọi thần thông một cách tự tại; Chơn tâm sâu kín nhiệm nhặt, chơn không mà diệu hữu chỉ bản thể thanh tịnh, biến hóa cùng khắp để chỉ chơn tâm đắc đạo.

Trên đây là phần Chú giải 10 câu Giảng của Đức Thầy, nhờ Quý vị và đồng đạo xem qua và chỉ dẫn thêm, chúng tôi thành thật biết ơn, thân ái chào đoàn kết.
-----------------------------------------

Tiếp theo là phần trả lời câu hỏi 2 như sau:
Tất cả đồng đạo chúng ta hôm nay đang tu theo giáo pháp của Đức Thầy chỉ dạy ở trong quyển “SẤM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ” mà Đức Thầy chúng ta đã rút trong các Luật, các Kinh chỉ dẫn rất tinh tường của Đức Phật Thích Ca trước đây đã dạy. Trước tiên ta tìm quay về với Đạo, với bản thể chơn tâm vắng lặng tức là tìm về Tôn Giáo, con đường tu hành đó là bổn phận cần phải thực hiện cho được trọn vẹn, thực hiện pháp môn để thành tựu chơn tâm thanh tịnh. Khi đã nhận rõ con đường tu hành, thấy biết những thứ mê mờ khổ đau tạm bợ, phải dứt khoát thực hiện pháp môn mà Đức Thầy đã dạy như sau:
1/- Đền trả tứ ân,
2/- Tránh tam nghiệp, chừa thập ác,
3/- Bát chánh đạo vì đó là quyển Kinh nhật tụng của những ai muốn thoát chốn mê đồ tấn triển trên đường giải thoát,
4/Lời khuyên bổn đạo mà tín đồ thường coi đó là Tám điều răn cấm mà người tu học cần phải thi hành triệt để. Cùng với cách thờ phượng, hành lễ và sự ăn ở của một tín đồ.
Ngoài những lời chỉ dạy trên, Ngài còn dẫn chứng chỉ rõ qua lời thơ văn trong quyển Sấm Giảng Thi Văn. Đặc biệt trong quyển Tư, Ngài chỉ dạy rõ về Tứ đổ tường, Tứ khổ, Ngũ uẩn, Lục căn, Lục trần, Tứ Diệu Đế, Bát chánh và Bát nhẫn.
Tiếp theo quyển Năm, Ngài kể lại sự tích của Đức Phật Thích Ca, Luận giải về tám sự khổ trong cõi Ta Bà, về pháp môn Tịnh Độ, cách diệt trừ Ngũ trược, trừ Thập Ác và hành Thập Thiện.v.v…
Ngoài sáu quyển trên, Ngài còn làm Thi Thơ đối đáp xướng họa để dạy riêng một người, hay đáp họa với một người khác, hoặc viết để cảnh giác, hoặc viết để khuyến tu, tựu trung nhứt nhứt đều có bao hàm một giáo nghĩa thâm huyền, mà cho dẫu không phải người trong cuộc, đọc đến cũng đều có lợi ích cho sự tu hành.
Trên đây là câu trả lời cùa câu hỏi thứ 2, nhờ Quý vị và đồng đạo xem qua và chỉ dẫn thêm, chúng tôi thành thật biết ơn, thân ái chào đoàn kết.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn