Luật Nhân-Quả và Lý Luân-Hồi - Bài viết của Nguyễn Trung Hiếu.

07 Tháng Năm 20227:52 SA(Xem: 2606)
Luật Nhân-Quả và Lý Luân-Hồi - Bài viết của Nguyễn Trung Hiếu.
Luật Nhân-Quả và Lý Luân-Hồi.
              Đức Huỳnh Giáo-Chủ viết trong quyển Khuyến Thiện rằng:
“Luật nhơn-quả thật là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.
Vậy ta nên làm việc thẳng ngay,
Cứ bền chí có ngày thong-thả.”
(Quyển V: Khuyến Thiện, câu 553 – 556)
            Qua đoạn thơ trên, Đức Thầy muốn khuyên dạy chúng ta là đừng gây nghiệp bất lành để ngày sau phải trả quả không tốt bởi vì trong đời nầy không một ai có thể thoát khỏi luật nhân-quả chi-phối. Do đó, Đức Thầy khuyên chúng ta phải làm việc thiện hay gieo nhân lành để ngày sau được hưởng quả tốt.
            Tất cả chúng ta đều công-nhận câu nói trên là rất chí-lý. Chính Đức Thích-Ca Mâu-Ni đã thành Phật rồi mà còn không lọt khỏi. Số là một hôm Đức Phật nằm nghỉ ở chân núi nọ, bị Đề-Bà Đạt-Đa xô một tảng đá lớn ngay đầu, nhưng nhờ một vị Tiên đánh tạt phiến đá rớt gần chỗ Phật nằm. Một miếng đá văng ra chém vào ngón chân của Phật ra máu nhiều và hết sức nhức-nhối. Nhưng Đức Phật không cho đệ-tử làm hại Đề-Bà và Phật giảng rằng đó là quả báo cuối cùng do một cái nhơn (nhân) tạo ra từ vô lượng kiếp. Vậy, chúng ta nên tìm hiểu về luật nhân-quả cho thật tường-tận.
Luật Nhân-Quả là nền tảng đạo-đức căn-bản trong đạo Phật, hể gieo giống chi thì ra quả nấy. Thánh nhân cũng có nói:
“Chủng qua huờn đắc (khổ) qua, chủng đậu huờn đắc đậu!”
            Như vậy, muốn ăn trái nào thì gieo cái hột đó xuống đất, chắc-chắn là sẽ được ăn trái đó, nghĩa là muốn có quả nào thì gieo nhân nấy!
            1. Thế nào là Nhân và Quả?
            Nhân là cái hột, hạt giống, hay cũng có thể gọi là nguyên-nhân.
            Quả là cái trái, hay cũng có thể gọi là hệ-quả.
         Hệ-quả (effect) là sự việc xảy ra do nguyên-nhân (cause) liên-hệ nào đó tác động, có thể mang đến kết-quả (result) tốt, hay hậu-quả (consequence) xấu, tai-hại cho kẻ thọ quả. Thí-dụ: nhà máy Formosa thảy chất độc hóa-học (nguyên-nhân) xuống biển làm nước biển bị ô-nhiễm, cá chết hàng loạt (hệ-quả) khiến cho ngư-dân (thọ quả) mất việc làm, gặp rất nhiều khó-khăn (hậu-quả xấu).
          Vật-Lý-học ngày nay cũng công-nhận Luật Nhân-Quả (Law of Cause and Effect, or Causality / Loi de Cause et Effet, ou Causalité). Từ việc nhỏ, như khi ta liệng một trái banh vào tường, nó liền dội lại; liệng mạnh thì dội mạnh, liệng nhẹ thì dội nhẹ. Khi ta ném một cục đá xuống hồ nước thì ta nghe một tiếng chõm, liền đó nước động thành các lượn sóng nhỏ tản ra xa dần dần, rồi các con cá, con nhái, các cộng rong cộng cỏ đều bị ảnh-hưởng. Chí đến việc lớn như một trái bom nguyên-tử nổ, thì lòe ra một ánh-sáng có thể làm hư mắt người ở xa mấy cây số ngàn, một sức nóng ghê hồn thiêu-rụi tất cả vật chung quanh, kim-khí cháy ra tro, nước cũng sụt-sôi, ảnhhưởng một khu-vực đường kính lớn tới mấy chục cây số, sau cùng là phóng-xạ không kém phần nguy-hiểm, mây gió đem đi thật xa, và một thời-gian sau là có mưa phóngxạ làm hại người và súc-vật ở xứ khác.
            Người tu cần phải có nhận-thức để thấy rõ tiến-trình sanh-khởi của NhânQuả, sáng-suốt lựa-chọn trước khi tác ý khởi tâm muốn làm điều gì để khỏi phải sai lầm mà vướng nghiệp không lành.
            2. Tiến-trình sanh-khởi của Nhân và Quả như thế nào?
            Nhân sanh-khởi là do tác-động của thân khẩu ý, lặp tới lặp lui nhiều lần gọi là Nghiệp (dịch từ chữ Phạn Karma). Người dạy học hằng ngày gọi là nghề giáo hay nghiệp giáo. Người cùng làm một việc thì gọi là bạn đồng-nghiệp. Có người là có nghiệp; người, nghiệp không rời nhau. Giả sử như ông thầy giáo đi đường có mang theo một số tiền, bất thần ông bị tai-nạn, bao nhiêu tiền của ông mang theo đều bị mất hết. Nhưng nghiệp dạy học của ông không mất, về nhà ông vẫn tiếp-tục đến trường dạy học trò. Như vậy, tiền của, sự sản là cái ngoài mình, nên bị mất dễ-dàng không thể giữ được mãi mãi. Còn nghiệp là cái không ngoài mình, nên không bao giờ mất. Thế mà trong cuộc sống hằng ngày, mọi người đều nghĩ làm sao cho có nhiều tiền, làm sao cho có của, nếu có tiền có của rồi thì muốn có địa-vị, danh-vọng.
            Trong ba thứ đó nghĩ tới tiền nhiều nhứt, rồi tới của cải, danh-vọng. Khi chết, thì tiền của từ-giã mình trước nhất, tức là khi chết nó ở lại chớ không theo mình. Chúng ta biết rằng trong đời nầy không ai là không chết, hoặc chết sớm hoặc chết muộn, khi chết thì không ai đem được tiền của theo, chỉ có nghiệp nhân lành hay nghiệp nhân dữ theo mà thôi. Thế nên, nếu là một người biết tu khôn-ngoan sáng-suốt, dù cho làm ra nhiều tiền của mà làm ác thì nhất định không làm, vì khi chết tiền của không cứu được tội khổ và phải để lại tất cả, chỉ có một mình mình chịu quả-báo đau khổ. Nghĩ và nói ác mà đem lại lợi lộc cho mình cũng không nói. Như thế, mới không bị tiền tài sai khiến tạo nghiệp nhân ác. Đức Thầy có dạy rằng:
“Lúc tận số nằm trơ một xác,
Gẫm kim-tiền bội-bạc bất tài.
Không làm cho ta được sống dai,
Lại chẳng bước tiễn đưa một bước.”
(Quyển V: Khuyến Thiện, câu 609 – 612)
            Ngày nay không gây tạo tội-lỗi, không bị người chê-trách, mai kia chết đi cũng được nhẹ-nhàng thảnh-thơi, đó là khéo giữ tu ba nghiệp (thân, khẩu, và ý nghiệp).
            Chúng ta tu là tạo cho cuộc sống hiện-tại tốt-đẹp an-vui, ngày mai lại càng an-vui tốt-đẹp hơn. Người biết tu thì thường nhớ tới nghiệp nhân, để tránh nghiệp nhân ác làm nghiệp nhân lành, hơn là nhớ tới tiền của vật chất. Tuy trong cuộc sống, chúng ta phải làm ra tiền mới sống được, nhưng phải làm sao cho công-bằng lương-thiện, mình an-vui, người không khổ, hiện-tại mình hạnh-phúc mai sau cũng được an-lành.
            Vậy, tu không phải mong cầu cái gì cao-sâu huyền-bí, mà ngay trong thực-tế, thường làm lợi mình lợi người một cách cụ-thể không mơ-hồ viễn-vong. Ca-dao Việt-Nam có câu khen-ngợi cho những người khéo tu như sau:
“Bởi chưng kiếp trước khéo tu,
Ngày nay con cháu võng dù nghêng-ngang.”
                Nghiệp có hai thứ: Biệt-nghiệp và Cộng-nghiệp.
            - Biệt-nghiệp là nghiệp riêng của cá-nhân. Chúng ta tạo nghiệp do Thân ba (sát-sanh, đạo-tặc, tà-dâm), Khẩu bốn (lưỡng-thiệt, ỷ-ngôn, ác-khẩu, vọngngữ), và Ý ba (tham-lam, sân-nộ, mê-si), tất cả là mười ác nghiệp. Nếu diệt được thập ác thì nó sẽ đổi ra làm thập thiện (xem quyển Khuyến Thiện, và TônChỉ Hành Đạo của Đức Thầy).
            - Cộng-nghiệp (Đồng-nghiệp) là nghiệp chung của nhiều người. Nhiều người ở cùng một xứ, ở cùng một gia-đình hay ở cùng một hoàn-cảnh đã tạo ra cộng nghiệp rồi sau cùng trả quả chung với nhau. Như ngày xưa ở Ý-Đại-Lợi, cả thành-phố Pampéi đã sụp xuống lòng đất sâu. Gần đây ở Chilê (Nam Mỹ) một thành-phố cũng sụp xuống biển. Riêng nhân-dân Việt-Nam sau 85 năm bị Pháp đô-hộ và 21 năm phải chịu cảnh khổ cốt-nhục tương-tàn, có phải do hậu-quả của ông cha ta đã diệt-chủng cả dân-tộc Chiêm-Thành chăng?
               Quả chia làm bốn loại bao gồm: Hiện-quả, Sanh-quả, Hậu-quả, và Nhồi quả.
            - Hiện-quả là quả dính-liền với nhân. Ví-dụ như người nhảy từ trên cao xuống đất phải bị thương-tích liền lúc đó; người ăn quá nhiều bị phát ách.
            - Sanh-quả là quả thấy hiện bên, ngay trong đời sống hiện-tại. Chúng ta thường thấy nhiều người, nhiều gia-đình trả quả trong hiện kiếp.
            - Hậu-quả là những quả phải trả trong một hay nhiều kiếp sau (trường-hợp của Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni nói trên).
              - Nhồi quả là nhiều quả đến cùng một lúc mà chúng ta không thấy rõ cái nhân.
            Chính nó đã gây ra sự hoang-mang trong tín-đồ Phật-Giáo và làm gãy-đổ biết bao nhiêu thiện-chí, làm mất đức tin của nhiều người vì không hiểu đạo một cách sâu xa.
            Người thiếu hiểu biết thường hay trách-móc, tưởng là tu thì được phước mới chịu tu không dè lại mang họa. Dưới đây xin kể một câu chuyện điển-hình:
            “Ngày xưa, ở bên Tàu, có vợ chồng người buôn-bán chế ra cây cân có cán đựng thủy-ngân. Khi mua hàng thì đè nặng cán cân cho thủy-ngân chạy ra cái chót cân nên được nhiều đồ; lúc bán ra thì dốc cao cán cân lên là thủy ngân đổ dồn xuống đầu cân cho nặng thêm. Chẳng mấy năm mà vợ chồng người buôn-bán trở thành rất giàu-có, lại sanh một lượt hai đứa con trai mặt mũi khôi-ngô. Một đêm nọ, vợ chồng bàn tính với nhau tỏ ra rất ăn-năn hối-hận việc làm của mình ngày trước, sở-dĩ làm chuyện bất chánh là vì quá nghèo, ngày nay giàu sang thì nên chẻ bỏ cái cân đó đi. Vợ chồng đồng tình sáng ngày chẻ cán cân ra thì thấy toàn là máu tươi thật ghê-rợn...
            Nhưng sau đó vài hôm, thì bất thần, hai đứa con lăn ra chết hết. Vợ chồng hết sức buồn-rầu tuyệt-vọng nhất là người vợ thì đấm đầu bức tóc, oán-trách Trời Phật bấtminh: khi làm ác thì hưởng phước giàu sang, lúc ăn-năn hối-hận tu-tỉnh thì lại mang họa. Ngay trong đêm đó, vợ chồng đồng nằm mộng thấy thần-nhân mách bảo cắt nghĩa cho biết rằng vì vợ chồng biết ăn-năn hối-lỗi, làm chuyện lương-thiện, tu-nhân tích-đức nên Trời Phật mới gia-hộ bắt hai con quỷ ấy đi, nếu không thì ngày sau lớn lên chúng nó sẽ phá tan sản-nghiệp và gây tai-vạ cho hai người gặp lắm cảnh khổ-sở lao-lung, để trừ căn nghiệp làm bất chánh thuở xưa... Sáng hôm sau, vợ chồng phú ông bàn với nhau bán phân nửa gia-sản bố-thí cho kẻ nghèo, và kể từ đó vợ chồng trì tâm tu tỉnh...”
            Có nhiều mẫu chuyện tương-tợ, rất tiếc vì thời-giờ eo-hẹp không thể kể hết được.
            3. Nhân-Quả trả như thế nào?
           Vẫn biết luật nhân-quả rất cao-sâu và mầu-nhiệm, song tiến-trình từ nhân thành quả có chậm có mau. Sự chậm mau ấy tóm-lược như sau:
          - Nhân-Quả trong một đời là mình tạo nhân lành ở kiếp nầy được hưởng quả lành ngay kiếp nầy; tạo nhân dữ ở kiếp nầy, chịu quả dữ ngay kiếp nầy, chớ không đợi đến kiếp tới. Do nhân-quả trong một đời thường xảy ra hơn cả, nên Đức Thầy đã khuyên dạy như sau:
“Đời xưa quả-báo thì chầy,
Đời nay quả-báo một giây nhãn-tiền.
Dương-trần phải rán làm hiền,
Đừng trọng bạc tiền bỏ nghĩa bỏ nhân.”
(Quyển I: Sấm Giảng khuyên người đời tu-niệm, câu 865 – 868)
            - Nhân-Quả trong hai đời là mình tạo nhân lành ở kiếp nầy phải chờ tới kiếp sau mới hưởng được quả lành; tạo nhân dữ ở kiếp nầy phải đợi đến kiếp sau mới chịu hậu-quả dữ, chớ không trả liền ở kiếp nầy.
            - Nhân-Quả trong nhiều đời là mình tạo nhân dữ ở kiếp nầy phải chờ đến nhiều kiếp sau mới trả, hay là trả liên-tục trong nhiều kiếp sau mới hết, chớ không trả ngay ở kiếp hiện-tại (như trường-hợp Đức Phật Thích-Ca nói trên).
Sự chậm mau của Nhân-Quả là do đâu? Chính là do nghiệp tích-lũy của người tạo nghiệp và phải đợi hội đủ cơ-duyên mới kết thành quả.
            Chúng ta biết rằng một khi nhân đã gieo thì không thể tự-nhiên kết thành quả được mà phải cần đến sự trợ duyên, cũng như hạt giống gieo xuống đất phải nhờ đến nước, ánh nắng mặt trời, cùng bàn tay của người chăm-sóc mới nẩy mầm được. Những yếu-tố giúp cho hạt giống được nẩy-nở gọi là trợ duyên. Do đó, khi gây ra nghiệp nhân, phải đợi hội đủ các cơ-duyên thì mới ra kết-quả.
            Vì vậy, chúng ta từng thấy có kẻ làm hung-dữ, gian-ác mà được giàu sang, còn người hiền-lành lại nghèo-khổ, những người gian-ác mà được giàu sang ấy bởi vì kiếp trước họ tạo nhân lành, biết bố-thí nên sanh lên kiếp nầy nhờ cái dư phước ấy mà được giàu sang. Song kiếp nầy họ không tạo thêm phước, thì kiếp tới họ trở lại nghèo-khổ khốn-đốn, hoặc là trở nên nghèo-khổ ngay kiếp nầy nếu dư phước từ kiếp trước đã xài hết. Còn những người hiện giờ làm hiền-lành mà bị nghèo-khổ, taiương bởi vì tiền kiếp của họ tạo nhiều nghiệp bất thiện, tham-lam hoặc vay thiếu
người không trả, nên kiếp nầy họ phải chịu nghèo-khổ để trả nghiệp bất lành mà họ đã gây ra. Hiểu như thế, chúng ta sẽ không còn thắc-mắc và không cho luật nhânquả là bất công nữa.
            Về thuyết nghiệp, Phật có giảng về Cận Tử NghiệpTích-Lũy Nghiệp. Tích-Lũy Nghiệp là nghiệp tích-lũy từ nhiều kiếp đến giờ. Cận Tử Nghiệp là nghiệp mới tạo ra lúc sắp chết. Cận tử nghiệp và tích-lũy nghiệp có ảnh-hưởng, chi-phối lẫn nhau mà quyết-định đưa người chết đến cõi lành hay cõi dữ. Ví-dụ người có tích-lũy nghiệp lành từ xưa đến nay, bất thần họ mê-muội có người xúi-giục họ làm điều ác, làm điều ác nầy đáng lý phải đọa địa-ngục, nhưng vì tích-lũy nghiệp lành của họ còn nhiều nên chưa đọa địa-ngục liền. Lại cũng có người làm nhiều điều ác, đáng lý phải đọa địa-ngục, nhưng gần chết họ làm nhiều điều lành, tâm họ luôn nghĩ tưởng đến điều lành, nên không đọa địa-ngục. Thế nên, nói làm ác khi chết nhứt định đọa địa ngục, làm thiện lên thiên đàng, thì không đúng hẳn. Vì tuy họ có làm ác, nhưng lúc gần chết cận tử nghiệp thiện của họ quá mạnh có thể đưa họ đến cõi thiện. Còn người tuy làm nhiều điều thiện nhưng khi gần chết họ lại nổi sân quá hung-dữ, lúc đó cận tử nghiệp ác có thể đưa họ đến các đường xấu. Thế nên, không phải chỉ tu khi sắp chết, hoặc chỉ tu ở giai-đoạn còn khỏe-mạnh, mà phải luôn giữ thân, khẩu, ý lành từ lúc còn trẻ-trung mạnh-khỏe cho đến chung cuộc của kiếp người. Đức Thầy có dạy rằng:
“Tích thiện thì thường có phước dư,
Bằng tích ác họa-ương đeo-đắm.”
(Quyển V: Khuyến Thiện, câu 495 – 496)
            Xưa có Ma-ha-nam, con của Cam-lộ-phạn Vương, con chú của Đức Phật, Ma-hanam cư-sĩ tu giữ năm giới, tu thập thiện, thọ bát quan trai… một hôm hỏi Phật rằng:
            - Bạch Thế-Tôn, bình thường con giữ năm giới, thọ bát quan trai, tu thập thiện. Giả sử con chết bất đắc kỳ tử bởi một tai-nạn xảy ra, sau khi con chết sẽ đi về đâu?
            Phật trả lời bằng một ví dụ:
            - Có một cây mọc từ đất lên, thân và cành cây nghiêng về một bên. Vậy khi cưa, thân cây ngã về bên nào?
            Ma-ha-nam đáp:
            - Cây sẽ ngã về bên mà nó đang nghiêng.
            Phật dạy tiếp:
          - Cũng vậy, bình thường ông hay làm điều lành, khi chết tuy bị khủng-hoảng, nhưng nghiệp thiện tích-lũy nhiều sẽ hướng ông đến chỗ lành, không sao, đừng sợ. Vậy, chủ yếu của việc tu-hành, chẳng những tạo nghiệp lành trong lúc còn mạnhkhỏe, mà lúc gần chết tâm niệm cũng phải lành thì mới bảo đảm đi đến cõi lành. Còn nếu bình-thường tạo nghiệp lành, mà lúc gần chết tạo nghiệp dữ thì chưa bảođảm đi đến cõi lành. Và bình-thường nếu lỡ làm ác, lúc gần chết tâm niệm lành thì cũng chuyển được phần nào nghiệp dữ, vì nghiệp không cố định.
            4. Tu có chuyển được Nhân-Quả không?
            Từ lâu, chúng ta thường nghe nói gây nhân nào thì chịu quả nấy, tức là ai tạo nhân gì thì phải thọ quả-báo đúng như vậy, không sai! Nhưng, xưa kia vì chưa biết tu-hành đã làm nhiều điều tội ác, ngày nay tu-hành là mong giảm bớt khổ đau. Như vậy, nếu gây nhân nào thọ nhận quả nấy thì tu để làm gì? Lý Nhân-Quả của đạo Phật không cố-định là tác nhân nào thọ quả nấy, cũng không phải tác nhân mà không thọ quả. Đây là điều mà chúng ta phải hiểu cho tường-tận, nếu không, thì sẽ bị thối tâm không tu được.
            Trong kinh A-hàm, Phật có dạy: Người gây nhân bất thiện, trước hoặc sau họ biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ thay-đổi. Nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy, không sai biệt. Nhưng, nếu gây nhân mà biết chuyển nghiệp thì quả cũng thay-đổi. Vậy thế nào là Tu Thân, Tu Giới, Tu Tâm?
            - Tu Thân là nơi thân nầy không làm điều ác, tất cả mọi điều ác dù lớn hay nhỏ đều phải tránh, còn mọi điều thiện phải cố-gắng làm, luôn nhớ và làm, đó là biết tu thân như Đức Thầy đã dạy như sau:
 “Điều cần yếu là phải:
- Làm hết các việc từ-thiện,
- Tránh tất cả điều độc-ác,
- Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch.”
(TVGL 1942, Phật là gì? Đường Trung Đạo của Phật)
            - Tu Giới là người cư-sĩ tại gia, sau khi quy-y rồi, Phật dạy phải giữ năm giới, đó là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
            - Tu Tâm là bỏ được lòng tham-lam, tánh sân-hận, đố-kỵ, si-mê, … Ca-dao Việt Nam có câu:
“Sân si nghiệp chướng không chừa,
Bo-bo mà giữ tương dưa làm gì?”
            Ăn chay, ăn tương dưa là để chừa tham sân si. Có chừa bỏ được tham sân si thì tâm mới sáng-suốt, tâm sáng-suốt thì không nói bậy làm bậy, không nói bậy làm bậy thì nghiệp chướng tội-lỗi theo đó mà giảm. Nếu không chừa bỏ tham sân si thì nghiệp chướng tội-lỗi khó mà hết được, như Đức Thầy đã dạy: “Tham, Sân, Si chớ để trong lòng” (Quyển II: Kệ Dân, câu 234), và chúng ta luôn nhớ rằng:
“Tham của tạm làm điều tàn-nhẫn,
Nhắm mắt rồi đâu có mang theo.”
(Quyển V: Khuyến Thiện, câu 605 – 606)
            Tuy nói tu thân, tu giới, tu tâm, nhưng chủ-yếu là tu tâm. Nếu tu tâm mà được viên-mãn thì mọi nghiệp chướng gần như không còn, mọi họa khổ sẽ hết, không phải trả nặng như lúc gây tạo. Và không bị nghiệp chi-phối làm cho đau khổ thì không giải thoát là gì? Điều đó đã được Đức Thầy khẳng-định:
“Rán tỉnh tâm dẹp được lòng tà,
Thì thấy được Phật, Tiên, Thần, Thánh.
Việc hung-dữ hãy nên xa lánh,
Theo gương hiền trau-sửa làm người.”
(Quyển II: Kệ Dân, câu 191 – 194)
            Chúng ta nhớ, tu là bỏ ác làm lành; một khi đã nguyện bỏ ác làm lành, thì ở trong đời nếu có tai-nạn xảy ra, biết đó là nghiệp quá-khứ còn rơi-rớt lại, không sợ-hãi, không thối-chí, vững lòng tu mà không thối chuyển. Đừng nghĩ tu là mọi nghiệp xấu sạch hết, mọi việc xảy ra đều như ý.
            5. Có phải do Nhân-Quả mới dẫn đến luân-hồi sanh tử?
            Đạo Phật chủ-trương tu là để giải-thoát, song nói giải-thoát có vẻ xa-vời quá!
            Nhưng, nếu thực-tế thân chúng ta không làm ác là giải-thoát được cái nghiệp ác của thân. Nếu miệng không nói lời hung-dữ ác-độc thì giải-thoát được nghiệp ác của miệng. Ý không nghĩ ác thì giải-thoát được tâm niệm xấu-xa buồn ghét người khác. Tuy không hoàn-toàn giải-thoát nhưng có giải-thoát từng phần; tu ít thì giải-thoát ít, tu nhiều thì giải-thoát nhiều, có tu là có bớt khổ. Nên người biết tu không sợ chết, vì ai cũng phải chết, và biết rằng mình không tạo nghiệp ác, thường tạo nghiệp lành, sau khi chết sẽ an-vui không khổ. Vì vậy, mà Phật Tổ mới dạy chúng ta: Tu là nguồn cội hạnh-phúc, hết phiền-não, hết khổ đau.
           Từng phần giải-thoát là bậc thứ nhứt, tu mà còn luân-hồi sanh tử, nhưng biết lựa chọn nghiệp lành để đi trong đường tốt hưởng phước báu. Thế nên, tuy còn ở trong vòng lục đạo luân-hồi, sau khi bỏ thân nầy, muốn cho đời sống của thân sau được an-vui hạnh-phúc, thì ngay hiện-tại phải biết lựa-chọn nghiệp lành để làm và tránh xa nghiệp ác, đó là gốc của sự tu-hành. Vì vậy, Nghiệp là động-lực dẫn chúng ta đi trong luân-hồi sanh tử. Nghiệp là việc làm của chính mình, mình làm chủ và tạo-tác thành thói quen, rồi cũng chính mình thừa-nhận hậu-quả do nó đưa tới. Đức Phật có dạy: “Chúng-sanh làm chủ tạo nghiệp (nhân) và thừa kế cái nghiệp (quả) mà mình đã tạo, không do ai khác ngoài mình”. Do đó, nếu muốn luân-hồi chỗ tốt, thọ thân lành mạnh tốt đẹp, sống được an-vui hạnh-phúc, thì hiện-tại phải biết tạo nghiệp thiện.
            Ngược lại, tạo nghiệp ác thì luân-hồi đến cõi xấu, sống đời đầy đau khổ u-tối. Hạnh phúc hay đau khổ là do mình chủ-động trọn vẹn, chớ không do ai khác, nếu khôn-ngoan đã chọn cho mình hướng đi tốt đẹp thì cứ theo đó mà đi, chớ có thay-đổi. Có người ngoại đạo nghi-vấn: Hiện-tại thân nầy hành-động tạo nghiệp thiện hay ác, mai kia thân hoại rồi hành-động cũng mất, vậy nghiệp còn hay mất?
            Đa số người không tin luật nhân-quả họ nghĩ rằng sau khi thân hoại, hành-động không còn thì nghiệp cũng mất. Trong kinh Phật thường nói: “Nghiệp theo mình như hình với bóng vậy; đời quá-khứ, đời hiện-tại, đời vị-lai có sự liên-hệ tùy theo nghiệp của mỗi người.” Ví-dụ có hai người khách qua sông, một người chuyên nghề giáo, một người chuyên nghề thương-mại, khi đi đường người thương-mại mang theo nhiều vàng bạc của cải, nhà giáo chỉ mang theo một cặp sách vở và chút ít tiền lộ-phí, thuyền qua giữa sông bất thần gặp sóng gió làm chìm. Khi thuyền chìm, mạnh ai nấy lội vào bờ để thoát chết, lên đến bờ thì tất cả của cải tiền bạc của nhà thương-mại không còn; cặp giấy tờ, tiền lộ-phí của nhà giáo cũng mất. Cả hai đều trắng tay, nhưng kiến-thức giáo-dục của nhà giáo không mất, kiến-thức mua bán của nhà thương-mại cũng không mất. Kiến-thức là cái chuyên-môn, sở-trường của con người không mất tức là nghề-nghiệp không mất. Như vậy để thấy: Qua những cuộc biến-đổi, tất cả những cái có hình-tướng ngoài mình thì mất, nên khi thân nầy có hoại đi, nghiệp thức không ngoài mình nên không mất. Của cải tài sản thế-gian, chúng ta tạo sắm nhiều thế mấy, khi chết rồi tất cả đều phải để lại không mang theo được một món nào, chỉ có mang theo nghiệp mà thôi, chính nghiệp nhân lành hay nghiệp nhân dữ mà mình đã tạo ra, nó dẫn mình đi thọ thân trong cảnh giới sungsướng hay khổ đau. Đó là một lẽ thật, như Đức Thầy đã dạy:
“Gần hấp-hối tâm-thần xao-xác,
Trí vẩn-vơ kinh-sợ vô cùng,
Rồi mòn lần đến lúc lâm-chung,
Giã cõi tạm theo đường tội phước.”
(Quyển V: Khuyến Thiện, câu 311 – 314)
            Đức Thầy dạy tiếp:
“Chỉ có tội phước hỡi còn,
Đến nơi thẩm-phán cửa son Diêm-Đài.
Phước nhiều tiên-cảnh lên rày,
Tội nhiều sa-đọa nhiều ngày thảm-thê.
Chừng ấy mới biết chỉn ghê,
Ăn-năn chẳng kịp khó bề tính-toan.”
(Quyển V: Khuyến Thiện, câu 755 – 760)
             Luân-hồi (lục đạo): Lúc người ta chết, thần-thức xuất ra khỏi xác chỉ mang theo cái Nghiệp, nói cho dễ hiểu hơn là Tội Phước mà thôi. Những hành-động của ta lúc sanh-tiền đều chứa đựng trong A-lại-da-thức là thức thứ tám (xem DuyThức-học) do Thân, Khẩu, Ý (gọi là Tam nghiệp) tạo ra. Nghiệp lực có một sức mạnh phi-thường, nó thu-hút cái thần-thức của người chết vào đúng chỗ, phù-hợp với cái nghiệp của người đó không hề sai chạy mảy-may, nghĩa là phải tái sanh để mà trả quả. Tùy theo trình-độ và căn-cơ, mỗi chúng-sanh đều phải lăn-lộn trong sáu đường (lục đạo: Thiên, Nhơn, Atula, Súc-sanh, Ngạ-quỉ và Địa-ngục) đời đời, kiếp kiếp quây-quần không ra khỏi vòng luân-hồi sanh tử để mà chịu khổ. Chính vì vậy, Đức Phật đã ví nước mắt chúng-sanh nhiều như nước biển đại dương.
            Chúng-sanh ở cõi Trời (Thiên) tương-đối sung-sướng hơn, là khỏi lo ăn, lo mặc, khỏi bị đau ốm, lạnh nóng, lo-lắng đến đời sống hằng ngày. Họ luôn luôn vui chơi bất chấp thời-gian; nhưng than ôi! khi lúc hưởng phước tận rồi thì cũng phải trở lại làm người để chịu khổ. Đức Phật ví cái Phước đó như mũi tên bắn lên không trung, tới lúc nó mãn sức rồi cũng phải rơi xuống.
            Đối với những người mộ việc tu-hành, ham bố-thí cúng dường; song tánh còn nóng giận, ngạo báng thì thọ cảm sanh về hạng Atula (Thần). Nếu hạng Atula mà tiếp tục lo tu-hành, lập thêm phước-đức (Atula thiện-đạo) thì tái sanh làm người danh-giá, hay tái sanh lên cõi Trời mà hưởng sung-sướng. Trái lại, nếu còn mê-muội, hại phá (Atula ác-đạo) thì sẽ đọa xuống các bực: Súc-sanh, Ngạ-quỉ, Địa-ngục.
            Trong sáu đường, chỉ có người là phần-tử ưu-tú nhứt vì người có nhiều điều-kiện thuận-tiện để tu và mau thành Phật hơn các chúng-sanh khác: như ở cõi Trời thì quá sung-sướng vui-vẻ rất khó tu, như Atula thì tánh còn nóng giận cũng khó tu, và súcsanh thì quá ngu-đần cũng không tu được. Thế nên, được sanh làm người là rất quý, rất khó (xem Tứ-thập-nhị chương Kinh). Vậy, đã có phước được sanh làm người và gặp được Đạo nữa mà không tu thì thật rất uổng phí cho một kiếp người, Đức Thầy cũng có dạy: “Làm chẳng trọn uổng thay một kiếp” (Quyển IV: Giác Mê Tâm Kệ, câu 382).
Bốn quả Thánh (Phật, Bồ-Tát, Duyên-Giác, và Thinh-Văn) là đã thoát khỏi vòng sanh tử luân-hồi, không còn tái sanh nữa, trừ phi những trường-hợp các vị đó tự nguyện trở lại cõi trược để cứu-độ chúng-sanh.
            Tái Sanh: Bây giờ chúng ta thử xem các nhà khoa-học hiện tại hiểu biết về vấn-đề tái sanh ra sao?
Các nhà khoa-học cho rằng cái bào-thai chỉ do sự phối-hợp tinh-trùng của người cha và cái noãn-bào của người mẹ tạo ra. Tùy theo cái hột giống (genes / gènes) của cha và của mẹ mạnh hay yếu thì đứa con giống cha nhiều hay giống mẹ nhiều; có khi nó lại giống một trong những người thân từ mấy đời trước.
            Nhưng làm sao họ cắt nghĩa được những trường hợp dưới đây:
            ‒ Tại sao hai đứa con sinh đôi mà tánh-tình và mạng sống lại khác nhau?
           ‒ Tại sao cũng đồng một cha một mẹ mà con, đứa thì trung-chánh, đứa thì xảo quyệt điêu-ngoa, đứa thì thông-minh đỉnh-ngộ, đứa thì xấu-xí, ngu-xuẩn, tật-nguyền, đứa thì hiền-lành cao-thượng, đứa thì đanh-ác hèn-hạ?
Ở Âu-Châu, ngày xưa có một đứa trẻ mới vừa 7 tuổi đã là một nhạc-sư hữu danh; một đứa trẻ khác lên 4 đã nói được 7 thứ tiếng và một đứa lên 10 đã viết được một bộ “Lịch-sử Thế-giới” rất có giá-trị. Ở xứ ta, có Ông Lê-Quí-Đôn mới vừa 6 tuổi đã nổi danh là một nhà văn có tài xuất khẩu thành thơ. Vả lại, nếu khí huyết của cha mẹ gặp nhau mà không có một linh-hồn làm chủ thì cái bào-thai đó chỉ là khối thịt vô tri, vô giác mà thôi.
          Trái lại, với thuyết nhân-quả, Đạo Phật đã cắt nghĩa rất rõ-ràng những thắc-mắc nêu ở trên. Một linh-hồn lúc tái sanh đã mang theo cái Nghiệp tạo ra từ kiếp trước.
            Vì vậy, nếu muốn biết kiếp trước chúng ta đã làm gì thì cứ xem cái quả kiếp này là thấy rõ; còn nếu muốn biết kiếp tương-lai ra sao, thì chúng ta cứ suy-nghĩ về những hành-động của chúng ta trong kiếp hiện-tại.
Một hôm, có người ngoại đạo đến hỏi Phật:
            - Thưa ngài Cù-đàm, cái gì định đặt cho con người sinh ra kẻ thì nghèo-nàn khổ sở, người thì giàu sang sung-sướng, kẻ thì sống lâu người thì chết yểu, kẻ thì yếu đau người thì khỏe-mạnh, kẻ thì ngu tối người thì thông-minh?
            Phật trả lời:
            - Tất cả sự sai-biệt giữa con người và con người là do nghiệp mà họ đã tạo ra, nên có người ưu kẻ liệt.
            - Do tạo nghiệp gì khiến cho người sống lâu và do tạo nghiệp gì khiến cho người chết yểu?
            - Người không tạo nghiệp sát hại chúng sanh thì được thọ mạng lâu dài. Người tạo nghiệp sát, đoản mạng sống của chúng sanh nên thọ mạng yểu.
            - Do tạo nghiệp gì mà thân người được khỏe mạnh và do tạo nghiệp gì mà thân hay yếu đau bệnh tật?
         - Do nghiệp ác làm cho người đau-khổ nên thọ thân hay bệnh tật đau yếu. Và do tạo nghiệp lành, an-ủi, giúp-đỡ người qua những tai-nạn khốn-khổ, nên được thọ thân khỏe-mạnh, vui-tươi.
          - Do tạo nghiệp gì mà sanh ra trong gia-đình giàu sang, sung-sướng và do tạo nghiệp gì mà sanh ra trong gia-đình nghèo đói, khốn-khổ?
           - Do đời trước biết làm lành, biết bố-thí cúng dường, biết giúp-đỡ người nghèo đói bệnh tật, nên đời nầy được sanh ra trong cảnh giàu sang sung-sướng. Người ở đời trước không biết bố-thí cúng dường, không biết giúp-đỡ người nghèo khó, lại còn tham-lam rút-rỉa của người, nên đời nầy sanh ra trong cảnh nghèo đói thiếu-thốn.
            - Do tạo nghiệp gì người sanh ra được thông-minh sáng-suốt và do tạo nghiệp gì người sanh ra lại ngu-dốt tối-tăm?
          - Người ở đời trước do siêng-năng học-hỏi tìm-hiểu chân-lý, ưa-thích giúp người được học-hỏi hiểu-biết nên đời nầy được thông-minh. Người ở đời trước do lười-biếng học, không chịu tìm-hiểu chân-lý, cản-ngăn sự học-hỏi của người khác nên đời nầy bị tối-tăm, ngu-dốt.
            Vậy, tất cả quả tốt hay xấu mà chúng ta đang thọ nhận hiện nay là từ cái nhân mà chúng ta gây ra thuở trước, chớ không phải bổng dưng mà có. Khi đã biết như thế, chúng ta muốn ngày mai được tốt-đẹp an-vui hay bị đau-khổ, thì ngay bây giờ chúng ta phải chuẩn-bị. Nếu chuẩn-bị bằng nhân thiện thì sẽ được đến cõi lành và được an-vui hạnh-phúc, nếu chuẩn-bị bằng nhân ác thì sẽ đi vào đường dữ và bị đau-khổ.
             KẾT-LUẬN
           Luật nhân-quả là nồng-cốt của Đạo Phật ví như cây cột cái với cái mái nhà; nhà không cột cố nhiên nhà sập. Người không tin luật nhân-quả không phải là Phật-tử vậy! Người ta thường nói rất đúng: “Bồ-tát sợ nhân, chúng-sanh sợ quả”, bởi vì các vị Bồ-tát đã thấu-triệt luật nhân-quả, nên các Ngài cố tránh trước những nhân xấu; do đó, tạo-tác việc gì cũng không có quả xấu. Trái lại, chúng-sanh thì rất ít hiểu biết, cứ hành-động bừa-bãi, tới lúc thấy quả sắp đến là lo-âu sợ-sệt, nhưng đã quá muộn rồi.
          Vậy chúng ta nên thận-trọng trong lời nói và việc làm để khỏi ăn-năn hối-hận về sau, và luôn luôn trì niệm lời dạy của Đức Thầy:
“Việc hung-ác hễ vừa thấp-thoáng,
Chữ từ-bi ta diệt nó liền.
Sự oán-thù đáp lại chữ hiền,
Thì thù-oán tiêu-tan mất hết.”
(Quyển IV: Giác Mê Tâm Kệ, câu 547 – 550)
            Vì vậy, trước khi làm điều gì, chúng ta phải suy-xét đến cái kết-quả cuối cùng của nó rồi mới thực-hiện, để tránh thọ quả khổ hiện-tạitương-lai như Đức Thầy đã dạy: “Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo-đức, ta phải suy-xét cho minh lý rồi sẽ phán-đoán việc ấy.” (Quyển VI: Tôn-Chỉ Hành Đạo, Lời Khuyên Bổn-Đạo, Điều thứ bảy). Đức Thầy dạy tiếp:
“Trí linh-mẫn nhìn xem các chuyện,
Phải đừng cho lầm-lạc nẻo tà.
Dầu việc người hay việc của ta,
Nên phán-đoán cho tường cho tận.
Tội với phước xét coi nhiều bận,
Mới khỏi lầm tà-kiến đem vào.”
(Quyển IV: Giác Mê Tâm Kệ, câu 651 – 656)
            Đức Thầy có viết trong quyển VI – Tôn-Chỉ Hành Đạo rằng: “Luôn luôn, lúc nào cũng phải nhớ câu Nhơn-Quả của Phật dạy, nếu Nhơn toàn thiện thì Quả cũng sẽ do đó được toàn-thiện vậy. Kẻ nào hành-động ngông-cuồng không suy-xét cẩn-thận để đến đỗi thất-bại đem đến sự khó-khăn, khổ-não rồi trách cứ kẻ mạnh sao không cứu mình, Thầy sao không giúp mình, Trời Phật sao không độ mình, thì sự lầm-lạc ấy rất đáng thương-hại.” (Cách thờ-phượng, hành lễ và sự ăn ở của một tín-đồ PGHH).
            Vậy, từ đây về sau, trọn đời còn lại của quý đồng-đạo nên quyết tâm tránh tất cả các điều ác, phải hết sức cố-gắng làm mọi việc lành như Đức Thầy đã dạy:
“Trồng cây lành vị-quả thơm-tho,
Tuy không thấy mà sau chẳng mất.”
(Quyển V: Khuyến Thiện, câu 663 – 664)
            Luôn nhớ rằng:
“Luân-hồi quả-báo rất công-bằng.”
(TVGL 1940, Khuyên Sư Vãi, câu 6)
            và:
“Người làm phải như tằm trong kén,
Có muôn tơ bao-bọc ấm thân.”
(TVGL 1940, Sa-Đéc, câu 61 – 62)
Nam-Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật
Nam-Mô A-Di-Đà Phật
        Nguyễn-Trung-Hiếu
------------------------------------------------
Tài-liệu tham-khảo:
1. Đoàn-Trung-Còn, PHẬT-HỌC TỪ-ĐIỂN, nxb Phật-học Tòng-thơ, in kỳ đầu ngày 3-5-1966 tại Sài-Gòn, Việt-Nam.
2. Bác-Sĩ Đào-Tuấn-Kiệt, LUẬT NHÂN-QUẢ dưới cái nhìn khái-quát,.Đuốc Từ-Bi số 19 – 20, Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo phát-hành tháng 9 và 10 năm 1966 tại Việt-Nam.
3. Thanh-Sĩ và Vương-Kim, Chú Nghĩa Pháp Môn HỌC PHẬT TU NHÂN, Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo, tái-bản năm 2000 tại Hoa-Kỳ.
4. Đức Huỳnh Giáo-Chủ, SẤM GIẢNG THI VĂN TOÀN BỘ, Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo, tái-bản năm 2019 tại hải ngoại.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn