Tìm hiểu 8 câu Sấm Thi trong bài "Luận Việc Tu Hành" của Đức Huỳnh Giáo Chủ (phần II).

10 Tháng Năm 20222:42 SA(Xem: 3132)
Tìm hiểu 8 câu Sấm Thi trong bài "Luận Việc Tu Hành" của Đức Huỳnh Giáo Chủ (phần II).
Tìm hiểu 8 câu Sấm Thi sau đây của Đức Huỳnh Giáo Chủ:
"Muốn đặng về Thần với Thánh-Tiên,
Kỹ xem cõi thế thấy kia liền.
Cư trần bất nhiễm là người Thánh,
Lẫn tục đừng mê chứng bực hiền.
Phú quí tạo đời thêm mệt xác,
Tham danh phế Đạo chí đâu yên.
Sao bằng cửa Phật vui thanh-tịnh,
Lánh cõi trần mê giải nghiệp duyên".
(Bài Tham Luận này là để tiếp tục chú giải bài “Luận Việc Tu Hành” của Đức Huỳnh Giáo Chủ, từ câu 9 đến câu 16):
I. MỞ BÀI:
“Sanh ra ở trong trần con người thường hay bị các thị-dục cám-dỗ: lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng…”
Đa phần người thế gian thường mê nhiễm của trần thế như danh, lợi, tình “Mắt ưa xem sắc đẹp, tai ưa nghe tiếng hay, mũi ưa ngửi hương thơm, lưỡi ưa đồ ngon béo, thân ưa sự sung-sướng, ý ưa chức phận cao”.
Người đời thường nhiễm một vách trong tứ đỗ tường: tửu, sắc, tài, khí. Có người thì ghiền rượu, có người ghiền á phiện, người thì ghiền bài, người thì mê sắc... kết quả thân tàn ma dại, sự nghiệp tiêu tan.
Chúng ta là người Đạo thì hãy nghe lời Đức Thầy cảnh tỉnh:
-Đeo danh lợi như con thiêu thân:
“Con phù-du hẫng-hờ nào biết,
Thấy bóng đèn thì quyết chun vô.
Thảm thương thay chết héo chết khô,
Nhìn đèn nọ thấy mồ phù-dũ.
Kệ khuyên trần đã mãn mùa thu,
Đeo danh-lợi như con vật ấy.
Giống xe cát biển đông thường thấy,
Tên dã-tràng rất uổng công-trình.
Khi nước ròng nhờ lúc bình-minh,
Lúc nước lớn cát kia tan rã”.
“Mãi say-sưa theo cuộc vui chơi,
Nên kiếp kiếp đời đời lên xuống”.
“Nếu mãi mê-mang mùi tục lụy,
Linh hồn chìm đắm chốn nê-hà”.
“Rán tu ân đức chớ tu tiền.
Lợi danh chớp nháng như luồng gió,
Thấy đó rồi đâu bỗng mất liền.
Sớm thức tỉnh tâm tầm đạo chánh,
Sau nầy về Phật với ngôi Tiên”.
II. THÂN BÀI:
9- MUỐN ĐẶNG VỀ THẦN VỚI THÁNH TIÊN,
Giải: Lòng mong mỏi, được như thế, đến nơi thành tựu cuối cùng. Theo Đạo Giáo, Thần là nguyên thần, đỉnh cao của trí huệ là bậc hoàn toàn thanh tịnh giác ngộ; Theo Phật Giáo, Thần có hai phần là, giải thoát Thần và phàm Thần.
Giải Thoát Thần có bậc A La Hán, Bồ Tát là bậc được liệt vào thanh tịnh Thần, Phật là đệ nhất nghĩa Thần, ấy là giải thoát Thần. Thành tựu công hạnh giải thoát nhờ căn trần thanh tịnh, xa lìa tất cả cảm nhiễm thành tựu trí huệ giải thoát;
Kết quả là Thánh, theo phạn ngữ Pali: Ariya được hiểu là bậc vượt lên thế tục tầm thường tức là những tư tưởng lời nói hành động có tính thanh tịnh, giáo dục con người trở nên tốt đẹp thánh thiện, có hai bậc:
1/ Thế gian Thánh là bậc Thánh còn trong tam giới như Khổng Tử, Chu Công…
2/ Xuất thế gian Thánh, là bâc Thánh đã ra khỏi Tam Giới như Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật;
Tiên là bậc có thần thông, có tuổi thọ cao, xinh đẹp hơn người cũng có nhiều bậc:
1/ Thế gian Tiên là các vị tu hành có thần thông, chế thuốc trường sanh, sống lâu và đời sống tự tại;
2/ Thiên Tiên là các vị Tiên trên cung trời, có thần thông và hưỡng các phước báu an vui;
3/ Giải Thoát Tiên là các bậc Tiên đã ra khỏi tam giới hoàn toàn giải thoát như A La Hán, Bồ Tát; 4/ Đại Tiên là chỉ cho Phật vị Tiên Cao Kiến vượt lên trên các Tiên còn gọi là đệ nhất nghĩa Tiên. Thánh Tiên là các bậc thiêng liêng đẹp lạ khác thường có phép mầu nhiệm và đời sống rất an vui, chỉ chung cho thế gian và xuất thế gian.
10- KỶ XEM CÕI THẾ THẤY KIA LIỀN.
Giải: Dòm nhìn một cách tận tường, xét cho rỏ ràng chu đáo; cảnh giới của đời, cảnh thế gian. Chỉ cho người sống ở thế gian; Cảm nhận bằng chính mắt của mình, nhận ra một cách rõ ràng thấu đáo. Đó, ngay theo đó liền nhau.
11- CƯ TRẦN BẤT NHIỄM LÀ NGƯỜI THÁNH,
Giải: Ở đời không thấm vào, đam mê bất cứ thứ gì. Đây nói đến tâm thanh tịnh không còn đam mê các vật dục ở thế gian, như hoa sen trổ từ bùn nhơ mà không nhiễm bùn, đây cũng gọi là đối cảnh vô tâm của Ngài Trần Nhân Tông vậy; Từ trực tiếp để chỉ tên gọi, hay ở nghĩa tất nhiên, như làm được diều nhân ắt hưởng quả; Người Thánh là bậc đã giải thoát. Theo Đạo Phật thì bậc từ Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật là Thánh.
Theo kinh Tăng Nhất A Hàm thì Thánh có năm bậc:
1/ Tu Đà Hoàn, 2/ Tư Đà Hàm, 3/ A Na Hàm, 4/ A La Hán, 5/ Bích Chi Phật, chỉ cho bậc giải thoát.
12- LẪN TỤC ĐỪNG MÊ CHỨNG BỰC HIỀN. Giải: Trôn lộn hòa vào nhau, thế gian nơi nhiều ô nhiễm, Đối với cảnh tốt đẹp (cảnh Tiên). Hòa vào cảnh thế gian, cảnh đời, người tu hành với phương thức nhập thế đi vào trong đời mà không ô nhiễm, giữ tâm an nhiên với bao cám dỗ cùng mọi sự khen chê khó dễ của người đời, mà vẫn giữ được nụ cười bình an trạng thái tâm thanh tịnh, đó là người thành công trong việc tu hành vào đời; Chấp nhận sự thật đã thấy, là sự cảm ứng của tâm thành; Bực là bậc tiếng tôn trọng để gọi người đạo đức cao, Hiền là thiện, lành có hai phần:
1/ Thế gian hiền là người có tu tập lành thiện, có lòng tốt lo cho mọi người, như đệ tử của Ngài Khổng Tử có thất thập nhị hiền (72 ông hiền) hay Đức Phật Thầy Tây An có thập nhị hiền thủ (12 người hiền)
2/ Xuất thế gian hiền là người giải thoát, ở ngay cõi đời mà không nhiểm lại, thường đem công hạnh cứu độ chúng sanh có hai phần: a) Thanh Văn, Duyên Giác, giữ gìn phạm hạnh giải thoát đứng ngoài vòng sanh tử, ở trần mà không nhiễm, hằng hằng sáng tỏ, thanh tịnh chánh nhơn. b) Bồ Tát, Phật, đem công hạnh vào đời giải thoát chúng sanh, nơi nào có đau thương thì nơi đó có nguyện lực độ tận, dù ở địa ngục hay súc sanh cũng làm xong bổn phận, đi đến đâu cũng mang an lạc cho đời, tâm thì chẳng dính chút bợn ấy là bực Đại Hiền.
13- PHÚ QUÍ TẠO ĐỜI THÊM MỆT XÁC,
Giải: Giàu có sang trọng, nói đến vật chất ở đời, cái không bền chắc lâu dài, thứ mà đời ham thích không dừng, quyết tạo cho kỳ được. Nhưng với cặp mắt của bậc giác ngộ nó chỉ là vương lụy trở ngại cho sự giải thoát; Gầy dựng làm nên việc ở thế gian. Đây nói sự tạo dựng vật chất trong cuộc sống của con người trong đời này; Gánh nặng nhiều thêm lên làm cho khó chịu, Uể oải hao tốn sức khỏe, làm cho thân đau khổ, nhọc sức thêm nhiều, còn người biết đạo cuộc sống vừa đủ không quá cầu kỳ, đem cả thân mạng tạo lấy của cải rồi cũng đi theo định luật Vô Thường chỉ thêm nhọc sức có còn lại gì đâu.
14- THAM DANH PHẾ ĐẠO CHÍ ĐÂU YÊN.
Giải: Lòng ham muốn, tiếng tâm quyền tước. Lòng ham muốn được người khác kính trọng ca tụng, làm chức quyền ở địa vị cao. Từ chỗ quá mong cầu về địa vị nên không còn nghĩ đến đạo đức, cũng như con đường thoát khổ ra khỏi luân hồi, đem sự quí báu thanh tịnh ngàn đời để đổi lấy cái tạm bợ khổ đau còn gây thêm nghiệp quả. Là một trong ba điều tham (danh, lợi, tình) thuộc về Tam độc chướng; Đường hướng ý muốn nào đâu có dừng lại, tâm lúc nào cũng xáo trộn không an ổn.
15- SAO BẰNG CỬA PHẬT VUI THANH TỊNH,
Giải: Chỉ cho biết cụ thể để chứng minh một điều gì đó; Cửa Phật do chữ Phật môn, để chỉ cửa chùa nơi tôn nghiêm tu hành, nơi thờ Phật và phát huy giáo lý trên tinh thần Từ Bi Hỷ Xả tự giác và giác tha. Ngoài ra còn có nghĩa để chỉ cho giáo pháp lời Phật dạy, để thực hành đi vào bản thể thanh tịnh thường trụ của mổi người; Có tâm trạng thích thú, hớn hở ra mặt; Trong sạch và yên lặng, hoàn toàn trong sạch và vắng lặng, chỉ cho trạng thái tâm an vui, không còn phiền não vọng động, là nơi rốt ráo của từng quả vị.
16- LÁNH CÕI TRẦN MÊ GIẢI NGHIỆP DUYÊN.
Giải: Xa rời cảnh tối tâm mù mịt, chỉ cảnh giả tạm sanh diệt của thế gian, theo “Từ Điển Pháp Số.” Chúng sanh đầu sanh cõi trần do nghiệp mê nhiễm; Tâm mê nhiễm sanh vào cõi thích ứng với nó. Từ đó muốn lánh xa cõi trần mê thì phải thật tâm công phu cắt đứt mọi duyên ràng buộc, hướng về tự tánh thanh tịnh, tất xa rời mê nhiễm tức thoát trần mê vậy; Thoát khỏi không còn vướng mắc; Sự tạo tác theo quả khổ, sự dính líu vào nẽo khổ khó mà thoát ra cũng có hai nghĩa sau: 1/ Nếu nghiệp duyên lành thì quả lành vui, 2/ Nghiệp duyên dữ thì quả dữ khổ đau. Hết thảy mọi chúng sanh do duyên nghiệp mà sanh ra và thọ khổ vui ở cảnh giới sanh diệt.
III. KẾT LUẬN:
Trong đoạn thơ, Đức Thầy cảnh tỉnh cho chúng ta:
“Phú quí tạo đời thêm mệt xác,
Tham danh phế Đạo chí đâu yên”.
Ngài dạy cho môn đệ: “Muốn đặng về Thần với Thánh-Tiên”. Dầu sống trong đời, mình không được mê nhiễm thế gian như danh, lợi, tình:
“Xa nơi tranh đấu lợi danh,
Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria ».
Xa lánh tứ đổ tường:
“Chốn tửu điếm ta nên xa lánh,
Tứ đổ tường đừng có nhiễm vào.
Người tránh xa mới gọi trí cao,
Sa bốn vách mang điều nhơ nhuốc”.
Đừng cho lục căn nhiễm lục trần:
“Lo tu tỉnh mặc ai khinh-ngạo,
Diệt Lục-Căn đừng nhiễm Lục-Trần.
Chữ Sắc Thinh chớ có hầu gần,
Hương với Vị xác trần nên lánh.
Chữ Xúc Pháp treo gương Hiền Thánh,
Tránh Sáu Đường cũng đặng về Thần”.
Sống như loài sen:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhuỵ vàng.
Nhuỵ vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Học theo gương của Thái tử Sĩ Đạt Ta, bỏ ngôi thái tử, lìa cha già vợ đẹp con cưng.
“Mình vàng Thái-Tử ngôi còn bỏ,
Vóc ngọc Đông-cung tước phế liền”.
Học theo gương của Vua Trần Nhân Tông, bỏ ngôi vua, cung điện, vợ con, mỹ nữ lên núi tu hành.
Học theo gương ông Cử Đa.
“Phong-trần tâm đã rời ra,
Ngọc-Thanh là hiệu ai mà dám tranh”.
Kiếp trước của Đức Thầy:
“Điên nầy xưa cũng như ai,
Vào các ra đài tột bực giàu sang.
Nghĩ suy danh lợi chẳng màng,
Bèn lên ẩn-dật lâm-san tu-trì”.
Chúng ta phải sống theo gương của các vị: Bành Tổ, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trung Trực.v.v…
“Mấy ai trăm tuổi ở đời,
Được như Bành-Tổ mà rời lợi danh?
Quyết lòng tầm kiếm cõi thanh,
Lánh nơi trần tục học hành đường Tiên”.
Tóm lại là người tu theo Đạo PGHH thì phải làm theo lời Đức Thầy dạy:
“Lánh thân ra khỏi kẻo mang tai,
Tầm nẻo cao siêu đến Phật-đài.
Bến giác Thần, Tiên mau chực sẵn,
Bể mê phàm tục phải cao bay.
Nợ duyên đeo-đắm nơi đời tạm,
Kiếp số luân-chìm chốn gốc gai.
Rày gặp mưa nhuần ân Thánh-Đế,
Cam-lồ rưới tắt lửa trần-ai”.
Nam Mô A Di Đà Phật,
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Tô Thanh Tùng và Đấu Nguyễn họp soạn)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn