Chú giải 8 câu Sấm thi (từ câu 17 đến câu 24) trong bài "LUẬN VIỆC TU HÀNH" của Đức Huỳnh Giáo Chủ (Phần III).

13 Tháng Năm 20227:09 SA(Xem: 2931)
Chú giải 8 câu Sấm thi (từ câu 17 đến câu 24) trong bài "LUẬN VIỆC TU HÀNH" của Đức Huỳnh Giáo Chủ (Phần III).
Chú Giải 8 câu Sấm Thi của Đức Huỳnh Giáo Chủ           
Sau đây là bài Chú giải từ câu 17 đến câu 24 trong bài Sấm thi “Luận Việc Tu Hành” của Đức Huỳnh Giáo Chủ (Phần III):
"Tiếc vì không đức, tiếc chi tiền,
Phật Thánh xưa kia sách vẫn biên.
Bác-ái xả thân tầm Đạo chánh,
Độ người lao khổ dạ không phiền.
Mình vàng Thái-tử ngôi còn bỏ,
Vóc ngọc Đông-cung tước phế liền.
Xem đó hỡi người mau lập chí,
Tu-hành khá nhớ giữ cho nguyên".
17- TIẾC VÌ KHÔNG ĐỨC TIẾC CHI TIỀN,
Giải: Uổng, cảm thấy khó chấp nhận một việc gì đó, có nguyên nhân, cảm thấy uổng cho một nguyên nhân gì đó; Chẳng có Tôn Giáo, chẳng có con đường thoát khổ, chẳng có Thánh nhơn giáo hóa dạy bảo phương hướng tu hành, tránh ác làm lành, giữ tâm thanh tịnh thì nơi ấy sẽ nhiều tai khổ, kém phước thiếu duyên; Uổng, không vui, Gì, hỏi lại để khẳng định với ý nghĩa là không, Giấy bạc thứ mà sẽ mua được nhiều thứ và làm cho cuộc sống sang trọng, vinh hiển về vật chất nở mặt nở mày. Nhưng với những người có tiết tháo, có đạo tâm thì nó chỉ là phương tiện, không vì nó mà lao mình gây tội lỗi.
18- PHẬT THÁNH XƯA KIA SÁCH VẪN BIÊN.
Giải: Phật là bậc giác ngộ thanh tịnh, Thánh là bậc thanh tịnh đối lại với phàm phu, là hai bậc thiêng liêng cao cả, giải thoát thanh tịnh tùy căn cơ mà phổ hóa chúng sanh; Thuộc ngày tháng đã qua cũng lâu nay nhắc lại, thời điểm nào đó chẳng hạn chuyện hồi trước, nay nhắc lại với sự kiện được xác định, ở khoảng thời gian nào đó; Công cụ để lưu trữ, truyền bá trí thức từ thế hệ này sang thế hệ khác, vật dụng để giải trí tinh thần làm cho người đọc hiểu biết rộng ra mọi lĩnh vực, cũng như tích lũy kinh nghiệm thêm cho bản thân đối với một số người nó còn là con đường sống, phản ảnh giá trị đạo đức của ngàn đời, nhằm vào việc tu thân hành thiện, cải taọ tâm hồn. Nên ở mọi đời, mọi thế hệ, mọi quốc gia dân tộc đều có sách chép lại các lĩnh vực để lưu kiến thức lịch sử hầu làm gương hạnh soi rọi kinh nghiệm lại đời sau; Vốn là từ biểu thị sự khẳng định, có ghi chép lại vào sách.
19- BÁC ÁI XẢ THÂN TẦM ĐẠO CHÁNH,
Giải: Quảng đại yêu thương, tình yêu thương rộng lớn, vượt ngoài tình cảm gia đình hay phạm vi nào đó, nếu được đặt vào đạo Phật thì bác ái là lòng từ bi có 2 phần: 1/ Tình thương không giai cấp, xóa bỏ hết những gì mà con người có tính cách ước lượng như, giàu nghèo, sang hèn, trên dưới, mà chỉ có lòng nối tiếp với lòng, nơi chơn tâm mỗi người hằng chơn thiện như nhau thì làm gì có việc thân sơ, hay con người cũng có cảm niệm để sống, ai cũng ăn cũng mặc, nếu quí trọng thương yêu nhau thì đâu nở làm khổ nhau tất giai cấp ấy được xóa. Đức Phật dạy: “Không có giai cấp khi con người có giọt máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn.” Và chính sự ra đời của Đức Phật đã xóa bỏ hết giai cấp gắt gao hằng bấy lâu nay tồn tại của Ấn Độ để đem lại sự thoải mái cho con người, ấy cũng gọi là bác ái.
2/ Tình thương bình đẳng, bình đẳng là quyền tự do của con người, không có lý do gì anh làm được mà tôi làm không được, hay tôi không cho anh làm việc đó. Sự bình đẳng của Phật Giáo không có nghĩa thế gian, mà nó hàm xúc chơn tâm của mỗi người như nhau không sai khác Đức Phật bảo: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.” Nghĩa (Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật) ấy là tinh thần bình đẳng của mọi người, chúng sanh có tất cả những gì Đức Phật có, ta tự do sống và thực hành như chư Phật, tâm ta cũng Từ Bi vĩ đại, cũng rộng lớn vô biên, cũng biết thương người và thành Phật được. Tóm lại là tình thương không giai cấp lúc nào cũng bình đẳng thường để chỉ cho tâm Phật, ấy là đại diện cho bác ái. “Bác Ái là tinh thần độ tận chúng sanh.”; Không kể xác thân, mạng sống, hy sinh thân để thực hiện việc đạo nghĩa lớn lao mà không kể đến thân, như Đức Phật là người xả thân hành đạo; Tìm, tôn giáo, con đường, đúng chân thật đối lại với tà. Tìm về con đường tu hành đạt được chân tâm, đây nói đến Thái Tữ Sĩ Đạt Ta bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để tìm con đường giải thoát cho mình và cho vạn loại chúng sanh. Vào thời ấy có vô số tôn giáo lạ lùng, Đạo Bà La Môn thống trị tất cả, Đức Phật đã trải nghiệm qua và cuối cùng Ngài đã Đại Ngộ bằng con đường Thiền Định, Giác Ngộ, lấy trung đạo làm đệ nhất nghĩa tu trì, lấy Tứ Diệu Đế làm phương châm để thực hiện Bát Chánh Đạo, nên gọi con đường của Phật là con đường Giác Ngộ mà Đức Phật đã tìm ra. Hôm nay ta nương vào con đường Phật đã dạy, quyết thực hành để đạt tới Giác Ngộ, không còn bị các vọng tâm ham muốn buộc ràng, với tinh thần quyết tu cầu đạo giải thoát nên gọi là tầm đạo chánh.
20- ĐỘ NGƯỜI LAO KHỔ DẠ KHÔNG PHIỀN.
Giải: Vượt qua, dùng phương tiện cứu giúp, nhơn loại có đầu óc phân minh và sự nhận định cao xa hơn các loài khác, biết chế biến dụng cụ cuộc sống. Giúp  nhơn loại vượt qua cảnh khổ, nhận được chân lý giáo pháp tu hành đến giải thoát; Cực nhọc, vất vả, chỉ cái khổ của chúng sanh cõi Ta Bà từ thân đến tâm tức tám điều khổ Sanh, Già, Bệnh, Chết, Cầu muốn không được, Oán ghét gặp nhau, Thương yêu chia lìa, Buồn rầu lo sợ, còn thêm hoàn cảnh như: Bão tố, sóng thần, núi lửa, đói kém chiến tranh, đều ảnh hưởng đến cuộc sống nên gọi là khổ; Trong lòng trong tâm chẳng buồn. Bậc giác đời cứu độ chúng sanh dù có khổ khó cách mấy đi nữa lòng vẫn an nhiên tự tại không một chút mảy may bận lòng.
21- MÌNH VÀNG THÁI TỬ NGÔI CÒN BỎ,
Giải: Cơ thể, thân, kim loại quí, chỉ sự quí báu. Thân quí báu chỉ cho thân Vua Chúa, thân của Thái Tử Sĩ Đạt Ta, thân tôn quí gọi là mình vàng; Con trưởng của Vua được chọn sẵn để sau này nối ngôi Vua. Vị Thái Tử ở đây là Ngài Sĩ Đạt Ta con của Vua Tịnh Phạn, sau xuất gia tu hành đắc đạo cứu độ chúng sanh hiệu là: “Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.”; Đỉnh cao của địa vị, đang tồn tại, tương lai là một vị Vua, nhưng Sĩ Đạt Ta không màng, không quan tâm đến.
22- VÓC NGỌC ĐÔNG CUNG TƯỚC PHẾ LIỀN.
Giải: Dáng của thân quí như ngọc, chỉ cho thân của Thái Tử Sĩ Đạt Ta là thân quí báu, mình vàng thân ngọc, ăn uống thì đồ trân quí, ở thì nơi cao sang, cũng như viên ngọc quí phải để chổ cao quí nhất; Đông cung là ngôi cung điện ở hướng đông, kiến trúc theo cung điện Vương Triều, xây dựng tòa nhà phía đông là để Thái Tử con trai lớn của Vua ở, người sẽ được tiếp nối ngai vàng khi Vua cha băng hà, nên gọi là Đông Cung Thái Tử. Đây nói đến nơi ở của Ngài Sĩ Đạt Ta; Lột bỏ, không dùng nữa, ngay lập tức, ngay nơi đó, không có sự lưu luyến hay hối tiếc. Đây nói sự giác ngộ của Đức Phật khi còn là Thái Tử, Ngài đã bỏ tất cả danh vọng, sắc đẹp, của cải, rời Thành Ca Tỳ La Vệ tìm chơn lý giác mình, giác chúng.
23- XEM ĐÓ HỠI NGƯỜI MAU LẬP CHÍ,
Giải: Nhìn coi, nhận biết bằng mắt, từ nơi này đến nơi kia; Tiếng gọi một số đông người với tính cách thân mật, tất cả người ở trên đời nói chung không trừ một ai; Nhanh nhanh, phải nhanh lên không còn chần chờ lôi thôi nữa, hãy tạo ra xây dựng cho mình một đường hướng, lòng mong muốn xây dựng sự nghiệp lớn lao, quyết tâm theo dõi con đường. Theo Phật giáo người lập chí là người hành đạo quyết theo đuổi mục tiêu, cởi mở nghiệp duyên, làm lành tạo phúc đức giải thoát trên tinh thần tự giác, giác tha. Trên tinh thần Bồ Tát Đạo là lập chí giác ngộ và lập chí cứu độ chúng sanh ấy là phát Bồ Đề Tâm.
24- TU HÀNH KHÁ NHỚ GIỮ CHO NGUYÊN.
Giải: Sửa chuyển đổi tam nghiệp, thực hiện theo lời Phật thánh chỉ dạy, giữ tâm thanh tịnh làm việc nhân từ, Làm, thực hiện ứng dụng việc làm ấy vào đời sống. Thực hiện giáo pháp, thanh lọc tâm hồn, sống đời sống tiết tháo thanh cao. Đây nói người sống theo giáo pháp, lời Phật Thánh dạy; Đáng lưu mãi, không quên một điều gì, lúc nào cũng nghĩ tới. Những điểu nên nhớ không thể quên được; Gìn, nắm mãi không rời, không buông bỏ được. Nhờ sự giữ đó mà được thành tựu, trọn vẹn như lúc ban đầu. Đây nói đến sự tu hành không lay chuyển, lúc nào cũng hết lòng thực hiện bổn phận cũng như hành đạo, giữ giới, ăn chay, cúng lạy, niệm Phật, làm lành, thực hiện những điều đã nêu trên bằng cả tấm lòng không biếng trễ, đó là giữ cho nguyên. Gương hạnh của Đức Phật Thích Ca là điển hình cho sự trọn vẹn đó. Ngài không đam mê danh lợi tình, thế gian, đến danh xưng trong đạo Ngài cũng bỏ đi, sự xả ly đó là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
Kính mong Quý đồng đạo xem qua và góp ý cũng như chỉ dẫn thêm, xin chân thành biết ơn.
Thân ái chào đoàn kết./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Nam Mô A Di Đà Phật.
(Tô Thanh Tùng chú giải – Phổ biến trên trang Facebook của Đấu Nguyễn).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn