SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ VÀ Ý NGHĨA NGÀY 18/5 NĂM KỶ MÃO (1939) - Bài của Huỳnh Minh Quang.

01 Tháng Tám 20208:26 CH(Xem: 41151)
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ VÀ Ý NGHĨA NGÀY 18/5 NĂM KỶ MÃO (1939) - Bài của Huỳnh Minh Quang.

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ

VÀ Ý NGHĨA NGÀY 18/5 NĂM KỶ MÃO (1939)

Bài viết của Huỳnh Minh Quang

 

      ... “Tháng Năm mười tám rõ ràng,
      Cùng xóm cuối làng ai cũng cười reo...”

          Kính thưa chư quý vị đồng đạo! Ngày 18/5 Âm lịch đối với người tín đồ PGHH là một ngày mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Ngày đó, như in đậm dấu ấn trong tâm hồn của mỗi người Hòa Hảo. Hàng năm cứ đến ngày 18/5 ÂL tín đồ PGHH khắp nơi trên thế giới đều hân hoan và trân trọng tổ chức ngày Đại Lễ Khai Sáng Nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo hết sức nghiêm trang mà còn mang một ý nghĩa trọng đại thiêng liêng và cao quý:

                “Dù ai cuộc sống bộn bề,
      Tháng năm mười tám sẽ về bên nhau.
              Anh Đồng Tháp, em Cà Mau,
      Hoa Kỳ, Pháp, Nhựt, Úc châu trở về.
                  Dù cho kẻ Sở người Tề,
      Tháng năm mười tám cũng về gặp nhau.”

        Kính thưa chư quý đồng đạo! “Phật vị nhất đại nhân duyên xuất hiện ư thế” nhằm để “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết:

    ... “Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,
    Khắp hạ giái truyền khai Đạo pháp...”

          Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, tục danh là Huỳnh Phú Sổ sanh ngày 15-01-1920 nhằm ngày 25-11- Kỷ Mùi. Là trưởng nam của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm, một gia đình trung lưu nhiều phúc hậu và phước đức trong vùng. Đản Sanh tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, một vùng xa xôi giáp biên thùy Miên-Việt. Từ thuở nhỏ, Ngài bị bịnh triền miên không có thầy thuốc nào chữa trị được. Sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các núi non am động trong vùng Thất Sơn-Tà Lơn, những núi non linh thiêng hùng vĩ, Ngài tỏ ra đại ngộ và chính thức Khai Sáng Nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo vào ngày 18/5 năm Kỷ Mão (1939). Số tín đồ qui ngưỡng theo Ngài khoảng 2 triệu người.

      Khi các chư Phật lâm phàm độ thế, thường thì: Trên thông thiên văn - Dưới đạt địa lý - Trung quán nhân sự. Trường hợp của Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH cũng thế, Ngài đã quán thông tất cả sự việc vạn hữu, như Ngài đã cho biết:

      ... “Thân bần tăng mặc bộ sồng nâu,
            Cuộc thiên lý một bầu đều hãn...”

                                  (Nang thơ cẩm tú)

        Thấu triệt được khế lý khế cơ, nên Ngài đã dùng phương pháp Tam Độ Nhứt Như mà cứu thế độ đời…“Trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu Tiên gia độ bịnh cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị với trăm quan...”.

         Có rất nhiều chứng bệnh nan y mà các thầy thuốc lừng danh thời bấy giờ đành bó tay. Đức Thầy dùng nước lạnh, giấy vàng và bông hoa cho uống, vậy mà bệnh gì cũng hết một cách lạ kỳ. Sau khi đã gây được niềm tin tưởng trong dân chúng bằng phương pháp trị bệnh, đồng thời Đức Huỳnh Giáo Chủ còn thuyết giảng những giáo lý cao siêu của Đạo Phật.

        Với cách thuyết giảng rất hấp dẫn, bình dị, khiêm tốn cả ngày lẫn đêm mà không biết mệt mỏi, ai nghe qua cũng đều cảm phục và qui ngưỡng theo lời dạy của Ngài hầu ăn năn cải hóa làm lành. Sau khi làm lễ Cáo Hoàng Thiên, Đức Thầy chăm chú vào việc viết quyển nhứt “SẤM GIẢNG KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM” để có dịp đánh thức mọi người rằng: Đã có Phật Tiên giáng thế. Chẳng những thế Ngài còn tiên tri về chiến tranh thế giới lần thứ hai như sau:

            ... “Mèo kêu bá tánh xôn xao,
  Đến chừng Rồng - Rắn máu đào chỉn ghê.
                  Con Ngựa lại đá con Dê,
    Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.
                  Khỉ kia cũng bị xáo xào,
      Canh khuya Gà gáy máu đào mới ngưng.”

    Với quyển hai “KỆ DÂN CỦA NGƯỜI KHÙNG”. Đức Huỳnh Giáo Chủ vạch rõ máy huyền cơ cho nhơn sanh được biết để sớm quày đầu trở lại tu hành, hầu được cứu khỏi trong ngày tận diệt:

        ... “Đời cùng còn chẳng mấy năm,
    Khắp trong các nước thây nằm bằng non.
              Cha thì chẳng thấy mặt con,
    Vợ thì chồng chẳng được còn tại gia.” (Quyển 1)

      Cuộc tận diệt của chiến tranh sẽ lan tràn khủng khiếp và khắp mọi nơi:

    ... “Đến chừng đó bốn phương có giặc,
          Khắp hoàn cầu thiết thiết tha tha.
          Vậy sớm mau kiếm chữ Ma Ha,
          Thì Phật cứu khỏi nơi khói lửa...”. (Quyển 2)

        Trong phần quyển ba “SẤM GIẢNG”. Đức Thầy dạy về tu nhân đạo như sau:

          ... “Tu cầu Cha Mẹ thảnh thơi,
    Quốc vương thuỷ thổ chiều mơi phản hồi.
                  Tu đền nợ thế cho rồi,
      Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen...”.

        Ngài còn khuyên thanh niên nam nữ đã bị nền văn minh vật chất và dục vọng lôi cuốn vào vòng trụy lạc, mau trở lại với thuần phong mỹ tục của Thánh nhân và nghe lời dạy dỗ của mẹ cha:

...Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,
    Sách Thánh hiền dạy đạo làm người...”. (Q. 2)
      Hay là:
        ... “Nghe lời Cha Mẹ cân phân,
    Tam tùng vẹn giữ lập thân buổi nầy...”. (Q.3)

        Nếu làm được như lời của Đức Thầy chỉ dạy, thì phần nhân đạo được xem như hoàn tất để bước lên nấc thang kế tiếp.

        Để cùng tiến đến quyển tư “GIÁC MÊ TÂM KỆ”, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã truyền dạy các pháp môn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi xưa như: Tứ Diệu Đề, Bát Chánh Đạo, Ngũ Uẩn, Lục Căn, Lục Trần. Đặc biệt là pháp Nhẫn Nhục như sau:

    ... “Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,
      Đợi cho người hết giận ta khuyên.
        Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,
        Thì đâu có mang câu thù oán.
        Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng,
              Chữ Từ Bi ta diệt nó liền.
            Sự oán thù đáp lại chữ hiền,
          Thì thù oán tiêu tan mất hết...”. (Q.4)

        Ngài không dứt khuyên chúng sanh rán tìm diệu lý trong sấm kinh để tu hành đắc quả, vì thời kỳ này chỉ có người hiền được chọn lọc và sống còn sau ngày hoại diệt của thế gian:

  ... “Cứu lương hiền chẳng cứu người hung,
              Kẻ gian ác đến sau tiêu diệt...” (Q. 2)
      Hoặc như:
      ... “Long Hoa Tiên Phật đáo ta bà,
            Lừa lọc con lành diệt quỉ ma ...”.
          (Thức tỉnh một nữ tín đồ ở Bạc Liêu)
      Hay là:
        ... “Hội Long Hoa chọn kẻ tu mi,
      Người hiền đức đặng phò chơn Chúa...” (Q. 2)
      Và:
    … “Trở chơn cho kịp Long Hoa,
          Long Hoa có mặt ấy là hiền nhơn...”.
                            (Thiên lý ca)

          Vì thế, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã viết quyển năm để “KHUYẾN THIỆN”. Tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ, trừ Thập ác và hành Thập Thiện. Đặc biệt khuyên nhơn sanh tu theo pháp môn Tịnh Độ, nương nhờ tha lực của Đức Phật cầu vãng sanh về Tây phương Cực lạc mà học Đạo cho hoàn toàn để trở lại cứu vớt chúng sanh:

... “Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh độ,
          Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
              Nếu như ai cố chí làm lành,
      Chuyên niệm Phật, cầu sanh Phật quốc.
            Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,
        Dầu Tiên, Phàm, Ma, Quỷ, Súc sanh.
        Cứ nhất tâm tín nguyện phụng hành,
          Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
        Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,
          Thoát mê đồ, dứt cuộc luân hồi...”.

          Cuối cùng, để hướng dẫn tường tận cho người học đạo, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chỉ dạy “NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT, CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA NGƯỜI BỔN ĐẠO”. Từ cách thờ phượng cúng lạy, nghi thức cử hành tang lễ, hôn nhân, cách đối xử với các tăng sư và tôn giáo khác.

          Nét đặc biệt độc đáo nhất đó là thuyết Học Phật Tu Nhân và hành sử Tứ Đại Trọng Ân đã trở nên nét đặc thù của Phật Giáo Hoà Hảo.

          Ngược dòng thời gian 81 năm về trước ngày 18/5 năm Kỷ Mão. Trong bối cảnh lịch sử đen tối, xã hội băng hoại, đạo đức suy đồi, nhân tâm ly tán, thảm họa chiến tranh sắp tràn lan. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã khai sáng nền Đạo PGHH để cứu độ và:

... “Dìu nhân sanh khỏi chốn mê lầm,
Bờ giác ngạn chuyên tâm lần bước tới..."
             (Gởi Bác sĩ Cao Triều Lợi ở Bạc Liêu)

          Như Ngài đã tiết lộ trong phần Sứ Mạng: “...Vì thời cơ đã đến, lý Thiên Đình hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan..." và... “Thiên Tào đà xét định, khắp chúng sanh trong thế giới, trong cái buổi Hạ Nguơn nầy, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh, gây nên nghiệp quả, luật trời đà trị tội, xét kẻ thiện căn thì ít, người tội ác quá nhiều..." Vì lẽ đó, nên Ngài..." Khuyên kẻ thế hướng thiện quày đầu, cải tà qui chánh thì mới mong Thiên Đình ân xá bớt tội căn để kíp đến Long Hoa chầu Phật..." mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã minh định rõ ràng như sau:..." Nên ngày 18/5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh..."

        Trong sứ mạng cứu nhân độ thế này, Ngài mạnh mẽ..."Chấn hưng Phật Giáo học đường..." và canh tân phương pháp hành Đạo. Dùng ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu nhưng rất cao siêu nhiệm mầu. Đặc biệt nhất, Ngài dùng ngôn ngữ tiếng Việt Nam trong Kinh Giảng một cách tài tình, dễ đọc, dễ hiểu, nên được sự hưởng ứng mãnh liệt bởi nhiều tầng lớp, từ nông dân chất phác hiền lành, đến bậc khoa bảng trí thức Nho gia như: ông Chín Diệm (Nguyễn Kỳ Trân), Bác sĩ Trần Văn Tâm, Luật sư Mai Văn Dậu, Thi sĩ Việt Châu (Nguyễn Xuân Thiếp)...v.v.

Như Đức Thầy cho biết:

..."Quá mắc mỏ bởi chưng Phạn ngữ,
Nên người đời khó kiếm cho ra.
Mõ chuông bày đọc tụng ó la,
Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa lý..." (Q. 4)

        Thử hỏi, nếu người tu hành không hiểu rõ ý nghĩa của Kinh Giảng, thì làm sao hành Đạo đúng đắn cho được. Nên Ngài mạnh dạn diễn giải chữ Tu là gì? rất dễ hiểu cho người hạ căn thiểu trí:

..."Tu không cần lạy, cần quì,
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau...” (Q. 3)
Hay là:
..." Tu đầu tóc không cần phải cạo,
Miễn cho rồi cái Đạo làm người..." (Q. 4)

        Đặc biệt hơn nữa, Giáo Lý PGHH đã đưa các hình thức âm thinh sắc tướng trở về Vô Vi chánh pháp chơn truyền của Đức Phật Thích Ca:

... “Đạo Vô Vi của Phật ân cần,
Nối theo chí Thích Ca ngày trước...". (Q. 4)

        Bởi thời mạt hạ này, người tu quá chú trọng vào hình tướng bề ngoài, mà quên đi trao sửa tâm tánh bên trong, nên làm cho Đạo Phật suy đồi:

..."Đúc Phật lớn chùa cao bối rối,
Mà làm cho Phật Giáo suy đồi.”
Tu Vô Vi chớ cúng chè xôi,
Phật chẳng muốn chúng sanh lo lót...." (Q. 2)
Hoặc là:
..."Tạo làm chi những cốt với hình.
Khùng nói cho già trẻ làm tin,
Theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú..." (Q. 2)

        Theo Đức Lục Tổ Huệ Năng ở đây có nghĩa là trực chi nhân tâm Kiến Tánh thành Phật, tìm sự giác ngộ và giải thoát ở nơi tự tâm của mình. Còn theo Thần Tú là tu theo hình thức bề ngoài, chuông mõ, đọc tụng ó la, xá phướn, lầu kho, giấy tiền vàng bạc...vv.

..."Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mõ,
Từ xưa nay có mấy ai thành?
Phật từ bi độ tử, độ sanh,
Là độ kẻ hiền lương nhơn ái.
Xá với phướn là trò kỳ quái,
Làm trai đàn che miệng thế gian.
Kẻ vinh hoa phú quí giàu sang,
Mướn tăng chúng để làm chữ hiếu..." (Q. 2)

      Chẳng những thế, Ngài còn phá bỏ những tập tục mê tín dị đoan kỳ quái..." Chẳng nên rước những ông thầy dưng bông, đốt giấy tiền vàng bạc, xá phướn lầu kho. Vì đó là chuyện tốn tiền vô ích..."

..."Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,
Chớ có đốt tốn tiền vô lý...". (Q. 2)

        Nên Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH dạy rằng:"Ta không nên đốt giấy tiền vàng bạc mà tốn tiền vô lý. Vì cõi Diêm Vương không bao giờ dùng hối lộ của ta, mà cũng không xài được nữa. Phải để tiền lãng phí ấy mà trợ cứu cho những người lỡ đường, đói rách, tàn tật..."

Thậm chí đến cả Phật và Tam bảo, Đức Thầy cũng đơn giản hóa tối đa cách thờ cúng như sau:"Nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nháng bề ngoài...". Và...."Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh. bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang dùng đặng bán mùi uế trược..." và chỉ thờ một bức trần dà..." Lại nữa, từ trước đến giờ các sư dùng màu dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình, và màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật..."

..."Ngôi Tam Bảo hãy thờ Trần Đỏ,
Tạo làm chi những cốt với hình..." (Q. 2)

        Từ chỗ đơn giản hóa phương thức thờ phượng cúng lạy, Ngài khuyến tấn đệ tử đi đến chỗ vô vi chánh pháp..."Vô pháp tướng mới là thiệt tướng..." hay..."Hoặc nhà cửa nhỏ hẹp quá không có chỗ thờ phượng, thì đến giờ cúng kiếng chỉ vái thầm và niệm Phật trong tâm cũng đặng..."

Phải nói rằng, đây là nét vàng son của giáo lý PGHH. Vì người tín đồ PGHH có thể cúng bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh và thời gian nào, đi trên máy bay, trên xe, trên tàu bè, đi chợ, đi làm, đi chơi, đi ngủ..vv. Cúng lạy trong tứ tướng oai nghi không cần gì phải đợi khi có bàn thờ hay nhang đèn chẳng hạn:

..."Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc..." (Q. 4)

        Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tóm lược yếu lý của Đạo Phật để đưa thẳng vào đời sống con người. Đào tạo con người có thái độ nhập thế, sống ở thế gian, tu với thế gian, phục vụ thế gian, đó là hành động thực tế để lập công bồi đức, về cõi Niết Bàn sau khi chấm dứt ở thế gian. Người tín đồ PGHH nào cũng hiểu rằng:"Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần...". Nếu không làm xong bổn phận tại thế gian hôm nay, tất nhiên ngày mai không có hy vọng tiến lên cõi Cực Lạc:

..."Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen..." Và:
..." Đến ngày biển cạn non mòn,
Tứ Ân đã trả chẳng còn tội căn..."

        Tính chất nhập thế của giáo lý PGHH và thái độ nhập thế để hành đạo của người tín đồ PGHH đã diễn tả mối liên hệ mật thiết giữa Đạo và Đời qua câu nói như sau của người đời:

..." Đời không Đạo, đời vô liêm sỉ,
Đạo không đời, Đạo biết dạy ai...". Và Đức Thầy cũng dạy:
..."Ai ai cũng ở trong đời,
Chốn nào không Đạo là đời vô liêm...". (Để chơn đất Bắc)

        Hơn thế nữa qua lời dạy của Đức  Huỳnh Giáo Chủ:..."Khi nào nước nhà được cường thạnh, đạo Phật mới đặng khuyếch trương tự do, hầu gieo rắc tư tưởng Thiện Hòa và tinh thần Từ Bi, Bác Ái khắp bàng nhân bá tánh...". Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ không những nhắc nhở con người nên có lòng từ bi, bác ái, mà còn khuyến tấn thực thi giáo lý của Đạo Phật vào đời sống thế gian một cách thực tế. Để thực hành Bồ Tát Đạo ngay tại thế gian, ngày 14-11-1946 Đức Huỳnh Giáo Chủ tuyên bố trên tờ báo Quần Chúng như sau:..."Tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở Thiền lâm mà cò phải thực hiện trên trường chính trị...". Vì trước mắt là một xã hợi bất công, phân chia giai cấp trầm trọng, mà chủ trương và đường lối của Phật Giáo Hòa Hảo là:"Toàn dân chánh trị - Chống độc tài bất cứ hình thức nào...".

        Qua Giáo lý PGHH và lời kêu gọi của Đức Thầy, nhiều điền chủ đã qui y, từ bỏ thủ đoạn bóc lột, chấm dứt áp bức, tự xé giấy nợ và chia đất cho tá điền làm chủ. Từ mối quan hệ chủ tớ, đã trở thành mối tương quan Hòa Hảo thân ái yêu thương, thuận hòa tốt đẹp, để hố chia ngăn cách không còn nữa. Trước hiện tượng xã hội băng họai, đạo đức suy đồi, nhân tâm ly tán được Đức Thầy cho biết như sau:

..."Ở thị thiềng đua chen xướng khởi,
Những tuồng hư cho bọn gái lẫn trai.
Nào hút thuốc phiện, hội ve chai,
Nào trùm đĩ, ma cô, nghề hút máu..." (Trao lời cùng Ông Táo)

        Qua "Lời Khuyên Bồn Đạo" tức Tám Điều Răn Cấm, mà Điều thứ nhất: "Ta chẳng nên uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàng điếm. Phải giữ cho tròn luân lý Tam Cang Ngũ Thường". Đã phát huy và hình thành được cuộc sống hài hòa lương thiện, cần kiệm, nói chung là lối sống đạo đức, cho nên rất ít chuyện chơi bời đàng điếm, cờ bạc hút xách, trụy lạc rượu chè, đầu trộm đuôi cướp tại những vùng PGHH ảnh hưởng. Đến đây chúng ta thấy rằng, Giáo Lý PGHH chẳng những làm thay đổi bộ mặt xã hội thời bấy giờ được tốt đẹp hơn, mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đưa tinh thần Đạo Phật vào đời sống một cách tài tình nhằm kiến tạo một xã hội Văn Minh - Phú Cường - Công Bằng và Nhân Đạo.

        Để Sứ Mạng cứu độ chúng sanh sớm thành công viên mãn, từ căn bản Đạo Phật, Ngài đã xiển dương pháp môn Học Phật Tu Nhân mà cốt lổi là hành sử Tứ Đại Trọng Ân. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã làm nổi bật sự liên hệ giữa Đạo Pháp và Dân Tộc như sau: "Hễ nước mất thì cơ sở Đạo bị lấp vùi, nước còn thì nền Đạo mới được phát khai rực rỡ...". Đức Thầy đã khế lý khế cơ, dùng các món thiện pháp khơi dậy tinh thần yêu nước, nên được sự hưởng ứng mãnh liệt của quần chúng thời bấy giờ. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã giải thích sự nghịch lý giữa Tu Hành và Tranh Đấu như sau:..."Nếu trong cõi nhơn gian này, còn có chúng sanh tiền tiến áp bức chúng sanh hậu tiến, thì là một việc trái hẳn với giáo lý chơn chánh ấy...". Vì hành động xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, trái hẳn với tinh thần Từ Bi và Bình Đẳng của Đạo Phật qua câu: "Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh" Phật cũng đồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh.

Đã có sự bình đẳng như thế, nên sự xâm lăng của thực dân Pháp buộc người PGHH phải tranh đấu đòi sự công bằng, đòi lại quyền độc lập, tự chủ cho nước nhà. Họ đấu tranh không phải vì tham danh đoạt lợi hay ích kỷ nhỏ nhen. Mà người PGHH tranh đấu vì:"Cảm thấy bổn phận phải bảo vệ quê hương khi bị kẻ xâm lăng dày đạp. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị...". Bảo vệ quê hương đất nước là thương dân Ái Quốc, mà ái quốc là khía cạnh của Từ Bi. Họ đấu tranh vì chính nghĩa, vì đức hiếu sanh, dám hy sinh cứu nguy một đất nước, cứu khổ một dân tộc giống nòi.

..."Ngàn năm Bắc địch vày bừa,
Mà còn đứng dậy tống đưa quân thù.
Hồn chiến sĩ nghìn thu rạng tỏ,
Gương anh hào chói đỏ như châu.
Non sông thanh bạch một bầu,
Ngọn cờ độc lập bay hầu khắp nơi...". (Gọi Đoàn)

        Khi chúng sanh đang điêu linh đắm chìm trong bể khổ, khi một dân tộc đang bị đọa đày oằn oại đớn đau, khi một đất nước bị mất quyền tự chủ sống trong ô nhục tối tăm. Lẽ nào kẻ tu hành nhắm mắt làm ngơ, ngồi nhìn ngoại bang giày xéo trên quê cha đất tổ. Nên Đức Huỳnh Giáo Chủ là bậc giác ngộ đã hóa thân thành nhà cách mạng tiên phong trong phong trào giành độc lập tự do để giải thoát cho dân tộc và đất nước:

..."Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,
Quyết rứt cà sa khoác chiến bào.
Đuổi bọn xâm lăng gìn đất nước,
Ngọn cờ độc lập phất phơ cao.” (Quyết rứt cà sa)

        Người tín đồ PGHH vừa tu hành vừa trả ơn đất nước. Tu Nhân để lập bồi công đức hầu có mặt trong Hội Long Hoa, rồi tiếp tục Học Phật để “được trọn lành trọn sáng về cõi Tây phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sanh...”.

Trong lần đi khuyến nông tại Phụng Hiệp, Đức Thầy có hỏi rằng: "Tôi là một nhà tu-hành, lẽ thì vào chốn non cao, núi thẳm tu tâm dưỡng tánh, cớ nào hôm nay lại xen vào chánh trị." Không một ai trả lời, sau đó Ngài có ngâm bài thơ tứ tuyệt sau đây:

"Yêu nước bao đành trơ mắt ngó,
Thương đời chưa vội ẩn non cao.
Quyết đem tâm sự tâu cùng Phật,
Coi lịnh từ-bi dạy lẽ nào." (Yêu nước)

        81 năm kể từ ngày Khai Sáng Nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo đến nay, thời gian tuy ngắn so với các Tôn Giáo khác, nhưng dưới sự dìu dắt của vị Giáo Chủ siêu phàm độ thế, với bảo pháp Học Phật Tu Nhân, và giáo lý Tứ Ân thực tiễn đã phát triển mạnh mẽ, ăn sâu vào quần chúng và sớm trở thành một Tôn Giáo Dân Tộc. Một sức mạnh tinh thần dũng mãnh, một khối nhân lực không nhỏ đã đóng góp vào công cuộc giành độc lập tự do cho nước nhà. Ngày hôm nay dù Đức Tôn Sư còn xa vắng, người PGHH phải giữ vững niền tin, kiên trì chịu đựng, giữ Đạo chờ Thầy. Cho dù phải hy sinh cho đại nghĩa như đã từng dâng hiến trong quá khứ và hiện tại. Người PGHH vẫn giữ được bản chất trong sáng của kẻ tu hành, không màng vật chất, gạt bỏ lợi danh. Đó chính là nét độc đáo và tinh hoa của Phật Giáo Hòa Hảo.

Hiện tại đất nước đang còn bị thống trị bởi kẻ vô thần, chưa có Nhân Quyền, chưa được Tự Do Tôn Giáo. Người PGHH chưa thể ngồi yên, nhắm mắt làm ngơ, mà còn phải dấn thân tranh đấu cứu lấy quê hương giống nòi. Đến khi nào đất nước hết thương đau, dân lành không còn thảm khổ, thì họ sẽ trở về vui câu đạo hạnh, tiếp tục tu hành đến ngày thành công viên mãn. Như Đức Thầy đã minh định:

..."Tăng sĩ quyết chùa, am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô.
Chừng ấy mới tịnh vô nhứt vật,
Bụi hồng trần rứt sạch cửa không.
Chuông linh ngân tiếng đại đồng,
Ta bà thế giới sắc không một màu..." (Tặng thi sĩ Việt Châu)

        Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thể hiện hình ảnh cao đẹp của bậc chơn tu ái quốc. Vua Trần Nhân Tông, Điều Ngự Giác Hoàng của Trúc Lâm Yên Tử. Một Đại Đức Khuông Việt mặc dù đã lánh bụi hồng trần nhưng vẫn ra tay gánh vác san hà. Đức Thầy là tấm gương chói sáng cho hậu thế, là ngọn hải đăng dẫn đường trong tăm tối, là ánh sáng chân lý đưa chúng sanh đến bờ giải thoát.

        Hôm nay Kỷ Niệm Lần Thứ 81 Ngày Khai Sáng Nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, 18/5 năm Kỷ Mão (1939) - 18/5 năm Canh Tý (2020). Hầu hết khắp mọi nơi trên thế giới, ở nơi nào có tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo, thì ở nơi đó mọi người hân hoan vui mừng tổ chức và nghinh đón ngày Lễ Trọng Đại này đúng như lời Đức Thầy đã cho biết:

      ... “Ước mơ thế giới lân Hòa Hảo,
        Nhà Phật con tiên hé miệng cười ...”.

         Trân trọng kính chào chư quý vị đồng đạo. Kính chúc chư quý vị thân tâm thường an lạc, Đạo quả sớm viên thành, Tin tấn tu hành để được diện kiến Đức Thầy khi Ngài trở gót./.

 

Huỳnh Minh Quang

(Mùa Đại Lễ 18/5 năm Canh Tý – 2020)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn