Tùy bút: Đêm Ba Răng - Bài viết của Lê Yến Dung

06 Tháng Tám 20207:25 CH(Xem: 5329)
Tùy bút: Đêm Ba Răng - Bài viết của Lê Yến Dung

(Nhân Lễ Kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Ra Đi được tổ chức tại Hội quán PGHH vào sáng Chủ Nhật 19-3-2017)

Ngày 25 tháng 2 Al  của 70 năm về trước, trên đường đi tham dự buổi họp với Việt Minh, Đức Huỳnh Giáo Chủ có than thở : “Hôm nay là ngày đau khổ nhất ! Ôi ! sao mà đau khổ quá vầy!”.

Chiều Ba Răng xưa ấy, trời bỗng thôi nắng, mây đen vần vũ kéo nhanh, đen kín cả một bầu trời, im lặng, không một tiếng gió, mọi sinh hoạt như ngừng hẳn.Thật là thê lương.

Hai bờ sông trong những năm tháng kháng chiến, lau sậy um tùm mọc tràn lan, khiến đêm hoang vắng  Ba Răng càng thêm âm u rùng rợn.


Đức Huỳnh Giáo Chủ ra lệnh cho đệ tử chèo thuyền. Ngài vào trong khoang thuyền theo sau là bốn cận vệ quân.Thuyền chầm chậm rẽ nước đi từ ngọn Ba Răng đến chợ Phú thành và vòng tới Đốc Vàng Hạ rạch Láng Thượng nơi có hẹn với Bửu Vinh.


Không ai nói một lời, họ len lén nhìn Đức Huỳnh Giáo Chủ và nhận thấy nét trầm tư nghiêm nghị của Ngài mờ tỏ ẩn hiện qua ánh đèn dầu, đong đưa theo nhịp sóng vỗ, cùng với âm thanh xào xạc của lau sậy hai bên bờ sông giữa màn đêm u tịch. 

Bỗng chốc Đức Huỳnh Giáo Chủ lướt nhìn 4 người cận vệ quân của Ngài bằng ánh mắt từ bi và Ngài hỏi : “Có ai biết đường về căn cứ của mình không ?”. Ba người cận vệ  đồng thanh trả lời : “Thưa Thầy con không biết”. Chỉ có Ông Phan văn Tỷ trả lời : “Dạ thưa Thầy con  biết”. Ngài nói bằng giọng ôn tồn cương quyết  với Ông Phan văn Tỷ :  “Có gì khó, cứ nhắm hướng sao cày chạy riết thì về tới chớ gì”.

Thuyền dừng lại. Đức Giáo Chủ đi trước, theo sau là 4 cận vệ quân lên bờ vào nơi hội họp. Đức Huỳnh Giáo Chủ và Bửu Vinh ngồi đối diện nhau và bắt đầu câu chuyện.


Khoảng 10 phút sau, 8 tên bộ đội Việt Minh từ ngoài vào, chia cặp, kè sát 4 bảo vệ quân của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Ba người bị đâm chết ngay, chỉ còn Mười Tỷ nhờ giỏi võ nên thoát thân. Thấy có biến Ngài đã bình thản đứng dậy lẹ làng, thổi tắt ngọn đèn dầu. Văn phòng trở nên tối đen, không ai biết Ngài đi đâu. Tiếng súng nổ liên hồi liên hồi. Người chèo thuyền chạy về báo cho các tướng lãnh hay.


Và  cũng chính đêm ấy, sau khi được tin tại văn phòng thường trực Chi Đội 30 của các tướng lãnh Phật Giáo Hòa Hảo ở căn cứ Phú Thành, tiếng la hét gào thét , khóc ré, nghẹn ngào nức nở, tiếng tù và, tiếng trống mõ nổi dậy inh ỏi, rung chuyển cả một bầu trời, muôn vạn ánh đuốc bập bùng, hằng trăm hàng ngàn đoàn dân quân với: thương, đao, tầm vông vạc nhọn, súng ống  trong một đêm tối đen thê thương, họ đã sẵn sàng để kéo đi giải nguy, báo thù cho Đức Huỳnh Giáo Chủ ...


Bỗng có tiếng vó ngựa dồn dập hí vang và người kỵ mã chạy vô rất nhanh, hét to : “ Có lệnh của Đức Giáo Chủ Ông Trần văn Soái, Ông Nguyễn Giác Ngộ đâu?”. Tất cả mọi người chen nhau vây quanh người kỵ mã, cúi đầu tiếp lệnh của Đức Tôn Sư:


Ông Trần văn Soái, Ông Nguyễn Giác Ngộ,

Tôi vừa  hội hiệp với Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân, còn điều tra, trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay là mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động, cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chổ,
sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi sẽ về sau.
Phải triệt để tuân lệnh.”

Ngày 16/4/1947, 9 giờ 15 đêm

Ký tên: HUỲNH PHÚ SỔ

Đây rõ ràng là bút tích của Đức Tôn Sư. Tất cả những quân dân, Tướng lãnh binh sĩ, những tín đồ của Ngài phải cúi đầu, tuân thủ mệnh lệnh của Ngài ... Nước mắt tuôn trào rơi trong oán hận, trong căm hờn.


Thế rồi  từ ngày 16 tháng 4 năm 1947 nhằm ngày 25 tháng 2 al nhuần năm Đinh hợi, Thầy tôi đã ra đi trong một đêm tối, trời sầu gầm thét, sấm sét lập lòe, gió căm hờn lên bão rít như tiễn bước Đức Tôn Sư. Và cũng từ ngày ấy  đất nước  tôi, súng vẫn nổ khắp trời quê hương mù mịt  khói đạn chiến tranh.

Bao nhiêu trai trẻ đã ra đi không hẹn ngày trở lại. Ý đạo dù có bàng bạc khắp làng quê thôn xóm, nhưng vẫn bị khỏa lấp bởi tiếng gầm thét của đạn bom.

Thế gian vốn nhiều đau khổ đêm đêm dưới những ngọn nến lung linh, hàng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn nép mình trước bàn thông thiên cầu nguyện Mười Phương Chư Phật gia hộ cho quê hương tôi, cho đất nước tôi sớm ngừng thôi: đạn bay, bom nổ. Ngừng, thôi: xiềng xích thống trị ngoại lai, mà những tín đồ nào yêu Đạo vẫn tưởng nhớ đến Đấng Tôn Sư đang rừng ngăn núi cách, ngàn nẻo mù sương ...  Đức Tôn Sư đã phải lặng lẽ ra đi để: “Ta chịu khổ khổ cho bá tánh”, để đổi  lấy duyên nghiệp  xương máu trả vay của chúng sanh nhiều đời kiếp, nhưng vì vô minh nên nhóm người, nhóm đảng vô thần đã tạo ra một đất nước ngã nghiêng suốt thế kỷ qua đi.

Bảy mươi năm trôi nhanh, Đức Tôn Sư vẫn biền biệt, bảy mươi năm qua, toàn thể tín đồ của Ngài đêm đêm vẫn bùi ngùi trông ngóng, để  ước nguyện đến hội mây rồng, đời mạt hạ sẽ chấm dứt, Hội Long Hoa khai mở để dọn đường cho thờiThượng Ngươn Thánh Đức, an lạc, thái bình. Ngày đó là ngày khải hoàn để đón rước Đức Tôn sư. Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đã từng mong mõi:


Lập rồi cái hội Long Hoa,
Đặng coi hiền đức được là bao nhiêu?

(Sám Giảng Thi Văn, quyển 3)


Và như Ngài đã thấu triệt huyền cơ thời gian Thầy xa vắng tín đồ nên Ngài nói:


Thấy thiên cơ khó nỗi yên ngồi,
Thương lê thứ tới hồi khổ não.
Thầy lạc tớ không ai chỉ bảo,
Như vịt con dìu dắt nhờ gà.
(GMTK,tr 139)

 
Cũng như để cho thế gian đầy trầm luân khổ ải này, giờ thì chưa phân biệt ai chánh, ai tà, biết rằng :   

Vì yêu dân ta kể ngọn ngành,
Khuyên lê thứ làm lành mà tránh.aax
Cảnh Niết bàn là nơi cứu cánh,
Về chốn ni xa lánh hông trần.
Dầu không siêu cũng đặng về Thần.
Nhờ hai chữ trung quân ái quốc.
Chừng lập hội biết ai còn mất,
Giờ chưa phân chưa biết chánh tà.(GMTK,tr 135)


Đức Giáo Chủ cũng đã viết trong quyển 2 “Kệ Dân của người khùng”:


Xưa Tây Bá thất niên Dũ lý,
Huống chi ta sao khỏi tiếng đời.


Dù Tây Bá Hầu Cơ Xương xưa vẫn biết ra đi phải chịu tai nàn, bảy năm dũ lý nhưng Cơ Xương  vẫn đành cam chịu còn phận Ngài ?


Ta vì vưng sắc lịnh Ngọc Tòa,

Đền Linh Khứu sơn trung chịu mạng.(GMTK,tr 135)

Với lòng ngưỡng mộ thiết tha đạo giáo, tôi lại càng suy nghĩ về cảnh Niết Bàn mà Đức Giáo Chủ đã cho rằng nơi đó mới chính là cứu cánh của mọi người rèn tâm tu niệm.

Trong một đoạn khác của Sấm Giảng quyển  4 “Giác Mê Tâm Kệ” Đức Giáo Chủ cũng đã cho biết :

Ta Khùng Điên của cải chẳng màng,
Miễn lê thứ được câu hạnh phúc .
Cờ thế giới ngày nay gần thúc,
Nên Phật Tiên phải xuống hồng trần.(GMTK,tr 132)


Vì thương chúng sanh muôn loài nên Thầy tôi đành rời xa cảnh thường trụ Niết Bàn để  cứu vớt chúng sanh nhiều đau khổ. Niết Bàn phải là cái đích tối cao, để con người qui y, là nơi an lạc cho từng cá nhân, nơi hiệp đồng trụ xứ cho toàn thể chúng sanh. Nên Đức Thầy nói có Niết Bàn. Như vậy Niết Bàn không phải là nghĩa tiêu cực, hư vô mà là nghĩa tích cực, chân thật, tức là đối với vô thường là thường trụ, đối với khổ là lạc, đối với ngã là chân ngã, đối với bất tịnh là thanh tịnh, đối với hư vọng là chân thật, đối với sai biệt là bình đẳng.

Tình thương của Đức Tôn Sư lớn rộng mênh mông hơn cả vũ trụ, lòng người sao dị biệt chia rẻ không biết yêu thương nên tiếp tục tạo ra bao cảnh thảm khóc tang thương cho nhau, tiếp diễn mãi và đã làm cho bao con tim thiết tha yêu đạo kính Thầy phải tái tê xót xa thương cảm.

Hôm nay đêm 25 tháng 2 âm lịch của 70 mùa xuân ảm đạm đi qua, là 70 lần kỷ niêm để luôn nhớ trời Ba Răng xưa ủ dột mây mù, hoa lá cũng phai úa rủ sầu.Vì đêm ấy và ngàn đêm sau, người Phật Giáo Hòa Hảo, hàng triệu tín đồ của Ngài, đang gục đầu trầm tư...  vững tin chờ đợi ngày trở về của Ngài, dù có nhiều cam go ngăn trở và  trên nẻo đạo đường đời chúng con vẫn luôn nhớ lời căn dặn của ĐứcTôn Sư:

Sống sanh ra phận râu mày,
Một đời một Đạo đến ngày chung thân.


Thầy ơi ! Chúng sanh đang mong đợi Ngài, chúng  con đang thiết tha mong đợi ngày trở về của Thầy trong nước mắt.

                                                                                                                                                          Lê Yến Dung

Ngày 25/2 Al năm Đinh Dậu 2017. 

 

duc-thay-di-khuyen-nong-1945

                      Đức Huỳnh Giáo Chủ đi Khuyến Nông tại các tình miền Tây giúp đồng bào miền Bắc năm 1945

 

duc-thay-2-750x524

                                                                              Đức Huỳnh Giáo Chủ



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn