Những Cống Hiến Của Đức Huỳnh Giáo Chủ - Bài viết của Lê Yến Dung

06 Tháng Tám 20207:33 CH(Xem: 4425)
Những Cống Hiến Của Đức Huỳnh Giáo Chủ - Bài viết của Lê Yến Dung

                                       NHỮNG CỐNG HIẾN CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ
Lê Yến Dung

(Nhân mùa kỷ niệm ngày Đức Giáo Chủ ra đi, tháng 2 âl năm 2017)

Nhân kỷ niệm năm thứ 70, ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo vắng mặt (16-4-1947 nhằm ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi). Chúng tôi xin nhắc nhở những cống hiến quí giá của Đức Huỳnh Giáo Chủ cho đất nước Việt Nam, và nhân loại quần sanh. 

Trong tinh thần thương Thầy, mến Đạo, hằng năm cứ đến ngày kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt, tất cả khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nói riêng, nhân loại quần sanh nói chung, không ai không khỏi ngậm ngùi, tái tê xót cảm khi hồi tưởng lại những năm tháng đi qua, vào một đêm tối thê lương, trời sầu đất thảm, giây phút bàng hoàng xúc động của biến cố tại Rạch Đốc Vàng (Ba Răng) đã để lại dấu ấn lịch sử đau thương, vì toàn thể tín đồ của Ngài phải đành phải gục đầu tuân lệnh của Đức Tôn Sư.

Vì thể hiện lòng từ bi và cũng để đổi lấy duyên nghiệp của chúng sanh, Ngài đã lặng lẽ ra đi để tránh cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, cùng chủng tộc phải cấu xé lẫn nhau, mà bọn vô thần vì vô minh nên đã giết hại bao nhiêu sanh linh vô tội, đã cố tình giẫm nát lên quê hương yêu dấu, gây cảnh nồi da xáo thịt, tạo ra một đất nước ngã nghiêng cho đến bây giờ.
 
Cao quý thay cho Đấng cứu đời giác ngộ, vì thương muôn dân nên Ngài đã:
 
"Lòng thương lê thứ đáo ta bà,
Thừa chuyển pháp luân dụng khuyến ca.
Cảnh tỉnh người mê về cõi ngộ,
Dạy răn kẻ tục vượt nê hà."

(Trích bài Chuyển Pháp Luân)

Vì thương trần thế nhiều đau khổ, nên Ngài đã đáo ta bà với chí nguyện cứu vớt chúng sanh lìa mê về cõi ngộ. Ngài đã nhọc nhằn chịu nhiều oan trái với một chí hướng độ đời dù nhiều cam go thử thách, để cống hiến cho nhân loại quần sanh kho tàng pháp bảo và vĩ nghiệp về chính trị cũng như quân sự.

 
duc-thay-2-750x524Đức Huỳnh Giáo Chủ


Vào năm 1941-1942, mặc dù Phật Giáo Hòa Hảo ra đời chỉ trong một thời gian ngắn (nếu tính từ ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939) nhưng Phật Giáo Hòa Hảo đã phát triển rất mạnh, có thể nói là kỷ lục, khắp cả miền Tây Nam Việt, gây thành một phong trào đạo đức chưa bao giờ thấy. Những kết quả mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã biến cải về đời sống tâm linh vật chất đã cứu vớt được hằng triệu tâm hồn người dân Việt đang sống trong vô vọng dưới chế độ cai trị của ngoại xâm.

Về việc chấn chỉnh phong hóa, Ngài đã thay đổi đời sống bê tha trụy lạc, đạo lý suy đồi ảnh hưởng bởi phong hóa ngoại lai mà ngót thế kỷ qua dân chúng sống trong xích xiềng nô lệ. Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo đã đem dân tộc trở về với đời sống thanh thản, bình dị, rán lo tu hành không còn cảnh đam mê cờ bạc, rượu chè, hút sách hay Điếm đàng. Nhờ phương cách thờ phượng đơn giản của Ngài mà người ta không còn thấy những tượng cốt trên bàn thờ nữa mà chỉ thấy có Ngôi Tam Bảo với tấm Trần Dà biểu tượng cho tinh thần thoát tục.

Để đào tạo đức tính cao đẹp, Ngài đã hết sức rèn luyện cho môn nhân đệ tử của Ngài cần tuân hành Tám Điều Răn Cấm, để được bồi đắp các đức tính tốt mà trở thành cao quí trong việc xử thế, để hoàn thành hạnh tu, tức đạo làm người: cần kiệm, tinh tấn, khoan dung, thanh đạm, chân chính, bố thí, cương trực, nhân từ, hiếu sinh. Chúng ta cũng biết: Cần kiệm là biết phòng xa, để giúp đỡ những ai cần giúp đỡ. Tinh tấn để biết đường ngay lẽ phải tu sửa vẹn toàn. Khoan dung để tha thứ, để dẹp lòng thù hận, tà mị, ganh ghét nhỏ nhoi. Thanh đạm để bỏ tính ăn xài xa xí. Chân chính để dẹp tánh đố kỵ, tánh lợi dụng, tiền tài. Bố thí để dẹp lòng ích kỷ nhỏ nhoi. Cương trực để vứt bỏ xu phụng, nịnh hót và bội phản. Nhân từ để độ lượng khoan dung tha thứ cho những ai còn kém trí, sân nộ, cuồng si. Còn về tánh hiếu sinh, chúng ta phải thương sót đến tất cả chúng sanh muôn loài để tránh sát sinh hại vật.

Ngoài ra, Ngài còn rèn luyện cho tất cả tín đồ của Ngài: Phá tà kiến, bỏ dị đoan để mang lại chánh kiến là thấy đúng, chân chính, chân lý và suy xét. Đức thầy cũng dạy: “Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy. (Điều Răn Cấm thứ bảy)

Ngài còn dạy lòng vị tha tương thân tương ái. Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý còn khuyến tấn, đào luyện các đức tính như: Nhẫn nhục để vượt khó khăn, kiên trinh để giữ lòng trong sạch, như lời Ngài dạy:
 
"Tín nữ Thiện nam gìn mối Đạo,
Dầu cho lăn lóc rán kiên trinh."
(Trích bài Tỉnh Bạn Trần Gian)


Hoặc phải hổ thẹn cho việc làm không tốt mà cương quyết thi thiết, thực hành những việc cần đúng, biết tự trị như lời Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên dạy :
 
"Coi rồi phải thân mình tự trị,
Chẳng độ xong Phật khó dắt dìu
."

(Trích Quyển tư Giác Mê Tâm Kệ)          

Ngoài những đức tánh cao quí trên mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy chúng ta trở thành bậc hiền đức, cho nên mục đích hay sứ mạng của Phật Giáo Hòa Hảo là đào tạo người hiền, tin lý nhân quả và làm việc thiện, sống một đời sống thanh cao như Đức Thầy đã nói:
"Cư trần bất nhiễm là người Thánh,
Lẫn tục đừng mê chứng bực hiền
.”(Trích bài
Luận ViệcTu Hành)

 
Như vậy muốn chứng được quả Thánh chúng ta phải hiền, có tu hiền thì mới được vào cửa Thánh. Vì muốn cho tất cả chúng sanh thoát khổ ở thời kỳ Hạ nguơn mạt pháp nầy, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng khuyên:
 
"Tu là tâm trí nhu mì,
Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong.
Tu cầu cứu vớt Tổ Tông,
Với cho bá tánh máu hồng bớt rơi.”
(Trích Quyển 3 Sám Giảng)


Bao giờ Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng nhắc nhở quần sanh: “Khá tu nhân đạo cho tròn mới hay.”

Với phương pháp dùng huyền diệu của tiên gia để chữa trị cho những người kém căn trí, cảm mến mà tu hành, Ngài còn viết Sấm Giảng để dìu dắt kẻ có lòng mộ Đạo qui căn. Cho nên họ đã qui ngưỡng rất đông và chỉ trong một thời gian ngắn mà Phật giáo Hòa Hảo lan rộng ra khắp cùng, tạo thành một tình huống mộ đạo chưa từng thấy. Mùi thiền như tỏa khắp thôn quê làng mạc, khắp cả hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng có bóng dáng của những người hiền đức, những trụ sở của Ban trị sự, Độc giảng đường mọc lên như nấm. Tối đến những bàn Thông thiên trước cửa nhà của những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nghi ngút khói hương hòa lẫn mùi thơm của các loại hoa cúng Phật Trời, thật là trang nghiêm vừa quyến rủ vừa huyền ảo thần tiên như ánh Đuốc Từ Bi của Ngài, của tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo đã soi rọi muôn phương, khắp chốn.

Đồng thời, Ngài cũng luôn nhắc nhở tín đồ phải thực thi tứ đại trọng ân mà Ngài đã rèn luyện. Đứng trước hoàn cảnh ngã nghiêng của đất nước bị trị, Ngài đã un đúc tinh thần yêu quê hương, xứ sở, tất cả người dân phải có bổn phận bảo vệ, quê cha đất tổ…Chính nhờ vào tinh thần ái quốc đó, mà mọi người ai cũng cảm thấy mình phải có trọng trách với quê hương tổ quốc.


duc-thay-di-du-hoi-nghiĐức Thầy đi dự hội nghị


Sau khi Nhựt rút quân, Đức Huỳnh Giáo Chủ cho thành lập Đội Bảo An để bảo vệ làng ấp, chính vì thế mà làng xã được trật tự hơn và an ninh hơn. Trước tình hình hổn loạn của đất nước, Ngài cho thành lập quân đội và chính Ngài cũng xông pha ngoài trận tuyến để cùng các anh em chiến sĩ bảo tồn non nước Việt. Chí khí yêu nước chống xâm lăng của Ngài đã tràn trề bộc lộ qua bài thơ: Quyết Rứt Cà-Sa
 

Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,

Quyết rứt cà-sa khoác chiến-bào.

Đuổi bọn xâm-lăng gìn đất nước,

Ngọn cờ độc-lập phất-phơ cao.

                          

Ngọn cờ độc-lập phất-phơ cao,

Nòi giống Lạc-Hồng hiệp sức nhau.

Tay súng tay gươm xông trận địa,

Dầu cho giặc mạnh há lòng nao.      

 

Dầu cho giặc mạnh há lòng nao,

Nam-Việt ngàn xưa đúc khí hào.

Lúc giặc xâm-lăng mưu thống-trị,

Anh-hùng đâu sá cảnh gian-lao.

                          

Anh-hùng đâu sá cảnh gian-lao,

Chiến-trận giao-phong rưới máu đào.

Miễn đặng bảo-tồn non nước cũ,

Giữ an tánh mạng cả đồng-bào.
                             Miền Đông năm 1946

 
Ngài đã phát động phong trào, trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh chống Pháp. Làm theo các vị Thiền sư yêu nước như: Khuông Việt, Tuệ Trung Thượng Sĩ...

 

Ngoài ra, Ngài còn đào luyện nên hai hạng người bất khuất: Một là hạng kháng Pháp, hai là hạng người giữ tinh thần “Bất hợp tác”. Chính vì vậy nên Ngài cũng kêu gọi những tín đồ đã làm việc cho thực dân Pháp:

Cả kêu kìa hỡi là ai, Quan trường rời dứt mặt mày chùi lau. Lui chơn ra khỏi cho mau, Tìm trong lánh đục tẩu đào mới ngoan. (Trích bài Thiên Lý Ca)

Vì hưởng ứng lời khuyên dạy của Ngài, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, những người đang làm việc cho Pháp đều từ chức, gây thành một phong trào “Bất hợp tác” sâu rộng. Lúc bấy giờ thực dân Pháp đã ra lệnh đàn áp truy nã và giam cầm. Nhiều tín đồ trung kiên của Ngài, một số bị bắt, một số khác bị đày đi Côn Đảo hoặc đưa đi an trí nơi rừng thiêng, nước độc. Riêng bản thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ thì họ bắt lưu trú từ nơi nầy sang nơi khác.

Ngoài tinh thần ái quốc, Ngài còn rèn luyện cho hành giả, hạnh vô úy là hạnh cao nhất trong ba hạnh: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Vô úy thí là hạnh chịu hy sinh cả bản thân, không sợ hãi để đem lại an bình cho chúng sanh.

Với ý nguyện cho tín đồ lập công bồi đức,  Ngài đã thành lập một tổ chức chính trị, lấy tên là Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (Dân Xã Đảng), và cho lập Nghĩa binh với mục đích xả thân cứu đời để tiến tu cầu đạo siêu sanh giải thoát.

Về tinh thần vị tha bác ái, với những cuộc khuyến nông, Ngài kêu gọi nhà nông rán lo cày cấy để giúp đỡ đồng bào hai Miền Bắc, Trung đang đói khổ vì chiến tranh và thiên tai. Ngài rèn luyện tinh thần vị tha lo chăm sóc từ thiện giúp đỡ đồng bào ruột thịt, hàn vá lại vết thương, vơi bớt nỗi thống khổ cho đồng bào. Nhiều cơ quan Từ thiện được dựng lên khắp nơi, nơi nào có bóng dáng của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là nơi đó dân chúng bớt lầm than, đói khổ…Họ vui vẻ làm hết sức của mình chỉ mong góp một bàn tay, chia sẻ chung vai gánh vác phần nào để cho mọi người, dân chúng được vui vẻ hơn, an tâm hơn mà tu hành…Các cơ sở Từ thiện được dựng lên nhiều nơi như: Bệnh viện miễn phí, Phòng phát thuốc lưu động, Viện nuôi trẻ mồ côi, cất nhà cho người nghèo v.v...

Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cũng thực hành “Nắm gạo cứu đói” bằng cách mỗi bữa ăn mỗi gia đình đều bóc một nắm gạo "Tích thiểu thành đa" để dành riêng một bên và mỗi tháng có Ban Chẩn Tế đến nhận để phân phát cho đồng bào khắp nơi đang đói khổ. Ngoài ra đồng đạo PGHH cũng có quỹ chôn cất, để dành cho những ai qua đời không có tiền mua hòm, là lập tức có những chiếc hòm mang tới tận nhà và dụng cụ chôn cất được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lo rất là nhiệt tình, chu đáo.

Muốn cho dân chúng khỏi trở ngại trong việc giao thông là công tác bồi đường đắp lộ hoặc sửa sang lại những chiếc cầu bị hư sập…Những công cuộc từ thiện trên được phát triển một cách ân cần, thường xuyên là do tinh thần vị tha, từ thiện mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã rèn luyện cho tín đồ của Ngài, qua những hành vi thực tiễn hay qua những lời khuyến dạy trong Sấm Giảng: "Muốn cho rắn đặng hóa cù, Xả thân làm phước Diêm phù vượt qua. Giữ bo đến lúc phong ba, Gặp cơn bát loạn khó mà yên thân."
 
Hay:
"Của dư cho mượn mới là,
Hảo tâm bố thí ngọc tòa được
lên."

(Trích bài Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện)

Có lẽ những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã được rèn luyện ngay từ buổi đầu quy y theo Tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo, nên khắp mọi nơi trên thế giới, nơi nào có tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thì nơi đó có những nụ cười hiền hòa nhân ái, lúc nào họ cũng vui vẻ và luôn sẵn sàng chờ đợi để giúp đỡ những ai cần giúp.

Riêng tại đất nước Hoa Kỳ, một đất nước tự do, dân chủ, giàu mạnh nhứt thế giới, nhưng hôm nay cũng còn những kẻ đói rách, không nhà, sống trong các lều nhỏ núp dưới những chiếc cầu , các cao ốc của Thành phố...

Vào những đêm đông giá buốt, chúng tôi không cầm được nước mắt, khi thấy họ đang co ro trong chiếc mền mỏng, cũ rách, thì làm sao được ấm áp để lây lất qua những đêm đông vô tận... Chúng tôi chấp tay khấn vái trời cao, mong tháng ngày qua nhanh và những người kém may mắn đó, họ sẽ sớm nhận xong nghiệp trả vay của tiền kiếp mà họ đang vương mang. Trời hôm nay lạnh lắm, dù nắng đã lên cao, những giọt nắng ban mai như tung tăng nhảy múa và những ánh mắt chan chứa tình người của họ đang thiết tha nhìn vào chúng tôi, như để cám ơn, để mong cầu sự đỡ đần, chia sẻ của những tấm lòng nhân ái, từ thiện cứu khổ, cứu nạn. Đó là tinh thần hòa hảo của những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thương yêu và thấp thoáng đâu đây lời thệ nguyện của Đức Thầy:
 
"Chúa vững ngai vàng sãi mới yên,
Rời ngay cảnh tục trở về Tiên.
Chẳng còn tham luyến nơi trần thế,
Vì cả thế gian hết não phiền
."
(trích bài Dụng Kinh Quyền)

 

Lê Yến Dung
Tháng Tư Đen 2017

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn