Ý nghĩa ngày Đại Lễ 18/5 - Bài viết của Phan Nhất Lĩnh

22 Tháng Tám 20203:19 CH(Xem: 3430)
Ý nghĩa ngày Đại Lễ 18/5 - Bài viết của Phan Nhất Lĩnh

Ý NGHĨA NGÀY ĐẠI LỄ 18/5

 

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật!

Nam mô A Di Đà Phật! 

Kính thưa:

- Quý vị Lãnh đạo tinh thần các Tôn Giáo bạn.

- Quý vị Chủ tịch, Hội trưởng các Hội đoàn, các Đảng phái Chính trị, các Hội Ái Hữu trong cộng đồng Việt Nam vùng Virginia, Maryland và Washington D.C.

- Quý vị Đại diện cho các cơ quan Truyền thông, Truyền hình và Báo chí…

- Quý vị Quan khách, Quý vị Đồng đạo và Bạn bè, Thân hữu, Đồng hương kính mến.

Kính thưa toàn thể Quý vị!

Ngược dòng thời gian 81 năm về trước, Đạo Phật Việt Nam bị đình đốn sai lạc, dân chúng thì khốn khổ lầm than, chạy theo mê tín dị đoan, chìm đắm trong biển lợi danh mà gây nên nghiệp quả.

Trên thế giới thì chiến tranh tàn khốc nên cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan, còn chúng sanh thì đắm chìm trong biển tục, lăn lộn chốn mê đồ, suy đồi đạo đức...

Vì lòng từ ái chứa chan, thương trăm họ vướng cảnh đồ lao, nên ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (1919) Đức Huỳnh Giáo Chủ đã hóa hiện xuống thế gian, mượn một xác phàm để thực hiện sứ mạng cứu độ chúng sanh đang còn lặn hụp trong chốn lầm than, sông mê, biển khổ…

“Cảnh thiên trước thơm tho nồng nặc,

Chẳng ở yên còn xuống phàm trần.

Ấy vì thương trăm họ vạn dân,

Nên chẳng kể tấm thân lao khổ.”

Vì vậy, sau khi cùng Đức Ông đi viếng các am động miền Thất Sơn và Tà Lơn về, Ngài tỏ ra đại ngộ, nên vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), Ngài đã trang trọng làm lễ Cáo Hoàng Thiên, chánh thức nhận lấy sứ mạng thiêng liêng, và Ngài tuyên bố khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, như lời Ngài tiết lộ trong bài Thay Lời Tựa: “Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, vì thời cơ đã đến, lý Thiên đình hoạch định… Ta không thể đem phép huệ linh mà cứu an tai họa chiến tranh… Nhưng mà thử nghĩ: Sinh ra trong vòng đất Việt Nam nầy, trải qua bao kiếp… lòng si mê đã diệt, sự vị kỷ đã tan, lòng đà quảng đại từ bi, thương trăm họ vướng cảnh đồ lao chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ” và “cùng thù đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp Ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh.” Khi ấy Ngài mới 19 tuổi.

Ngài là bậc tu hành liễu đạo, cơ mầu đà thấu tỏ đang “ngao du tứ hải, dạo khắp Tiên bang” nhưng “vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính tới hồi tai họa.” nên phải “len lỏi xuống chốn hồng trần, đặng chịu cảnh chê khen.” Đó chẳng qua vì Ngài “là một trong các vị cứu đời” đang thi hành sứ mạng do Thiên đình và Phật Tổ giao phó, để chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi...

Như Ngài đã thố lộ trong bài: ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC

“Liên Hoa chín phẩm ở Ngọc Tòa,

Được lịnh Thiên hoàng nấy sai Ta.

Hạ giới dạy khuyên truyền đạo lý,

Giả dạng Điên Khùng mượn thi ca.”

Ngài khai sáng một tôn giáo đậm đà bản sắc dân tộc, giáo pháp của Ngài tuy cao siêu nhưng không kém phần thực tế, có thể áp dụng ở bất cứ nơi đâu và cho cả người có trình độ thế nào cũng đều thấu hiểu.

“Quyết dạy trần nên nói lời thường,

Cho sanh chúng đời nay dễ biết.”

Ngài là một nhà cách mạng tôn giáo, cắt bỏ tất cả những nghi lễ phiền toái không đúng nguyên căn của Đức Phật Thích Ca, gạt bỏ mê tín dị đoan đồng thời canh tân nhiều phương pháp mà trước kia không hề có.

Ngài dạy tín đồ nên học Phật tu Nhân, giữ vẹn Tứ ân, thực hành pháp môn Tịnh độ để tìm phương cứu cánh:

"Môn Tịnh-độ là phương cứu cánh,

Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa.

Lòng từ bi chẳng quản nắng mưa,

Xông thuyền giác rước đưa sanh chúng."

Bước đầu mở đạo, tùy theo trình độ của Tín nữ Thiện nam, trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn… dưới dùng huyền diệu của Tiên gia độ bệnh, để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư vị với Trăm quan… phương pháp trị bệnh của Ngài rất đơn giản chỉ dùng: bông trang, nước lã, bông thọ, lá cây, giấy vàng… và quan trọng là khuyên rán cần chuyên cầu nguyện và nhứt tâm niệm Phật.

“Thành lòng nước lã nên hồ,

Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban.”

Ngài cũng không ngần ngại cho tín đồ biết Ngài xuống trần kỳ nầy chịu nhiều sắc lịnh của Chư vị sau đây thọ ký:

1- Ngài vưng sắc lịnh của Đức Phật Vương xuống trần để chọn người hiền đức đưa về cõi Thượng nguơn Thánh đức lập nên Hội Long Hoa.

“Hội Long Hoa chọn kẻ tu mi,

Người hiền đức đặng phò chơn chúa.”

2- Ngài vưng sắc lịnh của Đức Ngọc Đế đến Hội Long Hoa để cầm cân thưởng phạt và lập bảng Phong Thần.

“Lão đây vâng lịnh Phật Tôn,

Cầm cân thưởng phạt chư môn dữ lành.”

Hoặc:

“Một câu quân lý Tứ Ân,

Ta đừng phai lạt Phong Thần bảng ghi.”

3. Ngài vưng sắc lịnh của Đức Phật A Di Đà xuống trần để phổ truyền Pháp môn Tịnh độ, và khuyên chúng sanh tu hành tìm về cõi Tây phương Cực lạc .

“Tìm Cực lạc đây rành đường ngỏ,

Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu.

Tận thế gian còn có bao lâu,

Mà chẳng chịu làm tròn Nhân đạo.”

Ngài còn truyền bá cho người đời Pháp môn Tịnh Độ, không ngoài mục đích dẫn dắt chúng sanh tìm đường giải thoát:

“Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng, hành.

Được cứu cánh về nơi an dưỡng.

Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,

Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”

4. Ngài vưng sắc lịnh của Đức Phật Quan Âm xuống trần để cứu độ chúng sanh thoát qua biển khổ, sông mê… đầy khổ nạn trong thời kỳ Hạ nguơn mạt pháp.

“Thấy biển khổ đâu an lòng đặng,

Xông thuyền ra cứu vớt chúng sanh.”

5. Ngài vưng sắc lịnh của Đức Phật Thích Ca (Ngài cũng thừa nhận Ngài là đệ tử trung thành của Phật Thích Ca) xuống hạ giái để truyền khai đạo pháp.

Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,

Khắp hạ giái truyền khai Đạo pháp.”

Ngoài thừa vưng những sắc lịnh trên, Đức Huỳnh Giáo Chủ còn phải gánh vác nhiều Sứ mạng trọng trách khác như:

1. Chịu nhiều cay đắng để chấn hưng Phật Pháp

“Dầu cho phải chịu ngàn cay đắng,

Cũng nguyện Đạo mầu sẽ chấn hưng.”

2. Chèo thuyền bát nhã để cứu vớt chúng sanh qua khỏi bến sông mê.

“Thuyền bát-nhã ta cầm tay lái,

Quyết đưa người khỏi bến sông mê.”

3. Khuyên chúng sanh hãy mau tu tỉnh để tìm đường về Tây phương Cực lạc

“Tìm Cực-Lạc, Đây rành đường ngõ,

Hãy mau-mau tu tỉnh mới mầu.”

4. Thu phục  con nghiệt thú

“Con sông nước chảy vòng cầu,

Ngày sau có việc thảm sầu thiết tha.

Chừng ấy nổi dậy phong ba,

Có con nghiệt thú nuốt mà người hung.

Đến chừng thú ấy phục tùng,

Bá gia mới biết người Khùng là ai.”

5. Lập bảng Phong Thần, chọn người hiền đức có tên trong ngày Long Hoa đại hội:

“Đến kỳ thi danh Thầy chạm bảng,

Trên đài cao gọi các linh hồn.”

6. Vưng lịnh Phật Tôn để cầm cân thưởng phạt

“Lão đây vưng lịnh Phật Tôn,

Cầm cân thưởng phạt chư môn dữ lành.”

Để hoàn thành SỨ MẠNG thiêng liêng cao cả của chư Phật, Trời phó thác, Ngài đã từng thệ nguyện:

“Thương quá sức nên Ta bịn rịn,

Quyết độ đời cho đến chung thân.

Nếu thế gian còn chốn mê tân,

Thì ta chẳng an vui Cực Lạc.”

Hay:

“Thương trần Ta cũng rán thề,

Đặng cho bá tánh liệu bề tu thân.

Tu hành chẳng được đức ân,

Thì ta chẳng phải xác thân người đời.”

Rất tiếc là từ ngày khai sáng Đạo đến ngày Đức Thầy vắng mặt chỉ vỏn vẹn gần 8 năm. Nhưng Ngài đã thu phục được hơn 2 triệu tín đồ tại miền Nam Việt Nam và ảnh hưởng mỗi lúc càng lan rộng ra.

Kể từ khi Ngài vắng mặt đến nay người tín đồ chẳng khác gì bầy gà con lạc mẹ, biết bao sóng gió hãi hùng ập đến, nhưng các tín đồ từ trong nước cho đến hải ngoại vẫn một lòng tinh tấn, thế hệ này nằm xuống thì thế hệ khác lại đứng lên để nối tiếp đường tu, vẫn một lòng kiên định, sắt son quyết “GIỮ ĐẠO CHỜ THẦY”

Vì Ngài có nói:

“Ít lâu ta cũng trở về,

Khuyên cùng bổn đạo chớ hề lãng xao.”

Hôm nay ngày 18 tháng 5 thiêng liêng lại về, hàng năm cứ đến ngày này là bổn đạo và tín đồ ở khắp mọi nơi đều long trọng hân hoan tổ chức Đại lễ kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Hàng triệu con tim mến Đạo thương Thầy từ khắp năm châu đều hướng về Thánh Địa Hòa Hảo để tưởng nhớ công đức vô lượng của Ngài. Vì Ngài đã vì chúng sanh, bỏ ngôi vị bồ đề trường thọ, mà xuống trần gian độ thế cứu dân và lúc nào cũng luôn mong ước cho đồng bào và nhơn loại được Hòa Hảo an vui, Thái bình, Thịnh vượng...

“Ước mơ thế giới lân Hòa Hảo,

Nhà Phật con Tiên hé miệng cười.”

Đây chính là ý nghĩa của ngày 18 tháng 5. Ngày mà hàng triệu con tim của tín đồ PGHH ở khắp mọi nơi đều nằm lòng ghi nhớ:

“Tháng năm mười tám rõ ràng,

Cùng xóm cuối làng ai cũng cười reo.”

 

MỪNG 81 NĂM ĐẠI LỄ KHAI SÁNG ĐẠO
             

Hải ngoại Đạo kỳ phất phới bay,

Tám mươi mốt Lễ thật vui vầy.

Tín đồ khắp chốn về sum họp,

Đồng đạo mọi nơi đến đủ đầy.

Viễn xứ tưng bừng mừng Đại lễ,

Tha hương nhộn nhịp đón ngày này.

Trong niềm hoan hỷ tình Hòa Hảo,

Mười tám tháng năm Đạo sáng khai.

 

Sáng khai nền Đạo dẫu thăng trầm,

Cứu thế độ dân, chống ngoại xâm.

Không quản nhọc nhằn khi mở ý,

Chẳng màng vất vã lúc khai tâm.

Quyết lòng truyền bá Kinh huyền bí,

Gắng chí chỉ rành Kệ diệu thâm,

Thoát khỏi khổ đau trong sáu cõi.

Gìn theo Giáo lý tránh mê lầm.

 

Trân trọng kính chào chư Quý vị!!!

Nhất Lĩnh

18-5-Canh Tý (2020)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn