Câu chuyện tâm tình : CÙNG TĨNH TÂM HÒA HỢP - Bài của BIÊN NHÂN

23 Tháng Tám 20207:56 CH(Xem: 1944)
Câu chuyện tâm tình : CÙNG TĨNH TÂM HÒA HỢP - Bài của BIÊN NHÂN

CÙNG TĨNH TÂM HÒA HỢP
CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT
                                                                                           Bài viết của BIÊN NHÂN

Mới 4 giờ sáng, có tiếng dép từ cổng đi vào, con chó vừa sủa lên mấy tiếng rồi quay sang hứ hứ như chào mừng người quen. Anh Chín bước ra mở cửa, bật đèn.
- A! Anh Chín thức sẵn rồi đó hả?! Em, Bảy đây anh Chín.
- Vậy anh mời chú Bảy vào nhà. Có việc gì vui hả chú? Tôi châm trà mời chú.
- Có trà Thái Nguyên đây anh. Em đem trà lạ đến biếu anh dùng thử. Không biết hương vị thế nào mà cha em chê quá tệ. Ông nói vui: Trà móc câu, móc ngoặc gì mà trớt quớt, không nghe mùi hương níu ghịt gì hết!

Nhận gói trà từ tay chú Bảy, anh Chín quay vào bàn, nơi có ấm nước đang sôi trên bếp từ. Vừa vệ sinh bình pha trà, anh Chín như đang tâm tình cùng chú Bảy, giọng trầm trầm chậm rãi.
- Bác Hai đã quá quen với hương trà vùng mình, trước đây thường sao ướp thủ công với hoa sen, hoa ngâu, hoặc hoa lài… rồi gần đây là nhuộm màu và ướp mùi hóa học gần giống như sen, lài… bà con nông dân mình có gì dùng nấy riết rồi quen và ghiền với màu mùi hóa học đó. Vì vậy mà thỉnh thoảng có gặp trà hay café thứ thiệt nhưng vì lạ hương vị nên không thưởng thức được và đôi khi lầm tưởng rằng trà hay café đó là giả, trong khi mình đã ghiền trà giả hương và chê trà hương vị thiên nhiên thật!.
- Nầy anh Chín, anh đã gặp và đọc kỹ bài “Cầu nguyện, những chi tiết cần trao đổi” đăng trên Tạp Chí Hương Sen 2 chưa vậy?
- Có đọc rồi, chú. Anh Chín vừa rót trà cúng nơi bàn thờ ông bà, vừa trả lời.
- Anh Chín thấy thế nào?
- Tôi thấy tác giả là một trong những cây viết có nhiệt tình với đạo và có trách nhiệm khi viết. Tác giả đã chân thành trình bày nhận thức của mình về vấn đề khá nhạy cảm. Tác giả cũng đã thẳng thắn đề nghị nhưng không bảo thủ, cố chấp. Trong phần kết của bài, tác giả còn tỏ ý cầu thị chân tình.
- Như vậy là anh thống nhất với tất cả những gì do tác giả viết?
- Cũng có vài chi tiết cần tham khảo, trao đổi lại; Nhưng không vì thế mà đồng đạo chúng ta vội phủ nhận tất cả những đóng góp đầy tâm huyết của tác giả. Nhân dịp nầy, anh em mình nên chân thành ngồi lại và thật bình tĩnh góp ý nhằm đi đến thống nhất những chi tiết trong cầu nguyện. Trước kia, đồng đạo lớp trước không có ai tranh luận “Nam Mô” hay “Vái”, người hướng dẫn tự nhiên đọc. “ Nam mô Phật Tổ, Phật Thầy nay chúng con…” thì anh chị em đồng đạo hoan hỉ và hành theo trong im lặng hòa hợp. Vậy hôm nay, phần chú Bảy đã đồng thuận và chưa đồng thuận những gì nào? Anh Chín cười tươi và nhìn chú Bảy chờ đợi…

-Dạ, hôm đại lễ 18/5 vừa qua em cũng đã gặp gỡ, thảo luận với một số đồng đạo và đa số những anh em này có suy nghĩ là không nên thêm từ Nam Mô vào.
-Đồng đạo mình có dẫn giải lý do vì sao không hở chú?
-Dạ, có! vì 2 lý do sau đây:

1. Đức Thầy không viết 2 chữ Nam Mô trước những từ Phật tổ, Phật Thầy. Nếu đọc thêm dễ nẩy sinh ý kiến bất đồng.
2. Ở phần mở đầu bài cầu nguyện, từ Nam Mô vừa được niệm đọc 6 lần (3 lần Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và 3 lần Nam Mô A Di đà Phật). Vì thế từ Nam Mô không nhất thiết phải niệm đọc thêm ở đây. Tuy nhiên, những đồng đạo này cũng tỏ bày cảm nghĩ là: “Bài nguyện trước bàn thờ Phật” mà chúng ta thường nguyện đọc sáng chiều: Nam Mô Phật Tổ Phật Thầy… thì lúc cầu nguyện có đọc thêm cũng không có gì sai quấy.

-Nghe chú nói đến đây, tôi sực nhớ lại chuyện hơn 40 năm về trước; lúc Đức Bà chưa viên tịch và đang là Hôị Trưởng Danh Dự Tối Cao của Đạo. Lúc đó, trong văn bản hướng dẫn 3 đêm cầu nguyện: “Thế giới hòa bình, nhân sanh an lạc”, có kèm theo một bài mẫu cầu nguyện thống nhất. Tôi còn nhớ rõ, câu nguyện mở đầu như sau: “Nam Mô Phật Tổ Phật Thầy, nay con thành tâm cầu…”
Anh Chín ngừng lời. Sau một phút im lặng, anh nhỏ giọng như nói với chính mình:
- Từ trong lòng tôi, tự ngày nào, khi cầu cúng ở đâu và lúc nào, hai tiếng Nam Mô cũng luôn được trân trọng mở đầu câu nguyện vái. Nay, nếu đồng đạo mình đều thống nhất không được thêm Nam Mô khi tập thể cầu nguyện cho người chết, thì tôi cũng chìu lòng không đọc để được thống nhất với anh em.

(VÁI)

Như chợt nhớ ra điều còn lại, anh Chín nhìn sang chú Bảy, hỏi tiếp:
- Còn chữ Vái ở đầu câu, trước hai dấu chấm(:), chú có đồng thuận không đọc như bài viết của đồng đạo Hà Thọ không vậy?
- Dạ. Rất đồng thuận! Hầu hết đồng đạo chịu nghiên cứu kỹ bài “Cách cầu nguyện cho người chết”, đều nhất trí không đọc từ Vái trong lúc nguyện niệm. Nhưng không đọc không phải vì “nghe không thanh bai…”, mà từ Vái là từ có chức năng chỉ dẫn/ hướng dẫn cách thức; từ Vái cũng giống như những từ sau đây, chúng có mặt trong bài cầu nguyện nhưng đều không nằm trong dấu ngoặc kép nên chúng ta không đọc nguyện niệm: "Mỗi người đứng trước bàn Phật niệm", "3 lần", "tên người chết", vv… Những từ này cũng đều là lời/từ do Đức Thầy viết ra nhưng là lời hướng dẫn cách thức, nên chúng ta đều không đọc lúc nguyện niệm.
Vậy gọn lại theo ý kiến thống nhất của nhiều đồng đạo:
* Không nguyện niệm thêm từ Nam Mô
* Không đọc từ “Vái”. Chỉ nguyện niệm những từ in nghiêng đặt trong ngoặc kép.

(Sao y nguyên văn)
CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT

Mỗi người đứng trước bàn Phật niệm: “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” (ba lần) và “Nam Mô A Di Đà Phật” (ba lần)
Vái: “Phật Tổ, Phật thầy, nay mình thành tâm cầu nguyện cho tên . . . (tên người chết) nhờ ơn Đức Phật từ bi cứu độ vong linh được thoát chốn mê đồ, vãng sanh miền Cực Lạc!” Trong lúc ở nhà hoặc trong lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ chức sắp hàng chấp tay niệm: “Nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi tiếp dẫn vong linh A Di Đà Phật” Nếu người chết là nhà sư thì câu chót đọc: “tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật”.
NÊN LƯU Ý: Tang gia đừng nên khóc lóc làm trở ngại sự siêu thoát anh linh của người chết.

(Trích lại nguyên văn và cách in nghiêng và in đứng trong SGTV toàn bộ, bản in năm 1966)

Và, nếu tỉ mĩ đọc, xem thật kỹ bài “Cách cầu nguyện cho người chết” như trên đây, đồng đạo chúng ta sẽ thấy toàn bài có tất cả 159 từ. Trong đó có 2 phần rõ rệt:

* Phần in đứng đặt NGOÀI dấu ngoặc kép ..." "...
hoặc TRONG NGOẶC ĐƠN (...), có 67 từ:
Phần này là lời hướng dẫn / chỉ dẫn cách thức cầu nguyện. Đồng đạo cần đọc kỹ để hiểu cách thức, nhưng không buộc phải thuộc lòng và tất nhiên không cần phải đọc lúc cầu nguyện.

* Phần in nghiêng đặt TRONG DẤU NGOẶC KÉP "...", có 92 từ:
Phần này đồng đạo cần phải thuộc lòng để nguyện niệm trong lúc cầu siêu, cầu nguyện. Người cầu nguyện không thể viện lý do nào để chờ xướng ngôn viên đọc dùm rồi chỉ biết xá lạy thụ động.

* Đặc biệt lưu ý:
Trong phần in nghiêng có 2 từ “mình” và “tên” mà hầu hết đồng đạo đều thay đổi từ “mình” bằng từ "con" hoặc 2 từ "chúng con", và từ “tên” thay bằng từ "ông" hay "bà" hoặc "đồng đạo" (nên thống nhất dùng từ đồng đạo), và cũng đã được đồng đạo đồng ý thay đổi như vậy cho thích ứng từng trường hợp, và tuy tự anh em mình thay đổi nhưng cũng không ai thắc mắc cho rằng cải sửa lời Đức Thầy.

Tóm lại, trong bài "Cách cầu nguyện cho người chết" gồm tất cả có 159 từ nhưng đồng đạo chúng ta nguyện đọc khi cầu nguyện nhiều lắm chỉ có 92 từ: Ở đây chúng ta cũng rất nên lưu ý tựa bài/tiêu đề: Đây không phải là “bài cầu nguyện” mà là “CÁCH cầu nguyện”, do đó nên có lời hướng dẫn xen lẩn với lời cầu nguyện. Vì vậy mà có một sô đ/đ́ hiểu lầm là đọc luôn từ "vái" với lý lẽ là "đọc y nguyên lời ĐT" , nhưng lại bỏ qua, không đọc những từ "Mỗi người đứng trước bàn Phật niệm", "3 lần", "tên người chết", "trong lúc ở nhà hoặc trong lúc đưa tang"… v.v… Đồng Đạo mình cố bảo vệ từ vái, quyết phải đọc từ vái, cũng là từ hướng dẫn, nhưng lại bỏ qua các từ hướng dẫn còn lại. Rất ngộ!

(NAM MÔ)
NAM MÔ = NAMAH
Nguyên âm từ phạn ngữ. Mẫu tự la tinh của Sanskrit ngữ viết NAMAS, Pàli ngữ viết NAMO.
Tùy theo âm giọng của nhiều quốc gia, từng địa phương ảnh hưởng Phật giáo mà có nhiều cách phiên âm/ phát âm khác nhau, như: -Namô, -Namvô, -Nama, -Nẳngmạc, -Nạpmạc, -Nạpmô...v.v. và cũng đã có nhiều cách dịch nghĩa Hán Việt, tuy không hoàn toàn giống nhau nhưng cũng không hoàn toàn khác nghĩa nhau, như: -Cúi kính, -Kính lễ, -Qui kính, -Qui ngưỡng, -Qui y, -Qui mạng, -Tín tùng...v.v.
Chúng ta cần hiểu đủ và đúng để mở rộng cảm thông với nhũng người không giống mình, và cũng chẳng vội khẳng định: không nguyện, đoc, phát âm giống mình là sai.

Ngồi chăm chú lắng nghe chú Bảy trình bày, phân tích, rồi tóm tắt, anh Chín biểu lộ sự đồng thuận bằng nét mặt rạng rỡ. Anh Chín rót trà ra chung và ân cần trao tận tay chú Bảy, và chậm rãi từng lời:
- Tiếp theo tin vui từ chú, tôi cũng xin góp lời chân thành nhắc chú một ý đặc biệt như sau: Khi cầu nguyện tập thể, người hướng dẫn (cũng gọi xướng ngôn viên ) chỉ nên xướng/ nói lời hướng dẫn. Thí dụ như sau khi trao nhang và báo họ tên người được cầu nguyện, xướng ngôn viên chỉ nên nói: “kính mời đồng đạo xá 3 xá… cùng quỳ xuống… Chấp hương đưa lên trán… và thành tâm đọc bài cầu nguyện…” đến đây xướng ngôn viên nên ngừng lời, trả lại sự im lặng hoàn toàn để cho mỗi thành viên trong đoàn được nhất tâm nguyện niệm bài cầu nguyện. Nghĩ rằng: rất không nên viện lẽ vì một vài em chưa thuộc bài cầu nguyện mà xướng ngôn viên lớn tiếng đọc thay, làm mất sự tập trung của từng thành viên và cũng làm cho không gian của giờ phút cầu nguyện giảm đi tính đặc biệt của sự im lặng trước khói hương hòa quyện thiêng liêng (1)
Và, trong lúc đưa tang cũng vậy: “ Bông hoa cầu Phật hiệp vầy đi chôn”: Hiệp vầy trong trật tự của ý nghĩa “im lặng đi chôn”. Nơi đây xướng ngôn viên rất nên chắt lọc, tiết kiệm ngôn ngữ; chỉ nên nói những lời hướng dẫn thật cần thiết nhưng phải ngắn gọn rõ ràng, đặc biệt là nên để cho đồng đạo đưa tang tự mật niệm bài Tây phương tiếp dẫn trong khung cảnh trang nghiêm im lặng và đồng thời cũng để cho quan khách cùng thân quyến của tang gia (có thể không cùng nghi thức tôn giáo với Ban Tổ Chức tang lễ) được tự do trong im lặng và tùy ý mật niệm lúc đưa tang. (2)
- Ồ, anh Chín! Em hiểu rồi, góp ý bổ sung của anh thật sát với ý nghĩa của lời dạy “im lặng đi chôn”. Nếu được áp dụng nghiêm chỉnh thì những buổi cầu nguyện, lễ tang trở nên đặc biệt hơn:
* Bớt được hình tướng âm giọng bổng trầm, đã có một vài nơi xướng ngôn viên nói nhiều, nói lạc đề như đây là buổi thuyết giảng, hoặc đọc lắp vắp, sai chữ hoặc phát âm không chuẩn – gây phản cảm cho người nghe đọc.
* Không còn bị xướng ngôn viên giành quyền đọc thay, nên mỗi thành viên được chủ động tập trung nguyện đọc bài cầu nguyện theo tâm cảm của chính mình. Và, đặc biệt là không phân tâm bởi Vái hay Nam Mô.
* Có được thời khoảng im lặng quí báu lúc cầu nguyện. Im lặng giúp cho mỗi đồng đạo chúng ta dễ tĩnh tâm tiếp giao với nơi, cõi mà chúng ta nguyện cầu.

- Này chú Bảy, dù cho suy nghĩ trên đây được căn cứ vào lời dạy của Đức Thầy trên giấy trắng mực đen, nhưng cũng nên trình bày để được trao đổi và chân tình đón nhận thêm ý kiến của đồng đạo xa gần. Và đặc biệt là người viết không o ép những đồng đạo có nhận thức chưa giống nhau.
- …?!
- Kìa, chú Bảy! Dùng trà đi chú. Đây là trà búp móc câu mà chú nói là Bác Hai chê đó. Chú thưởng thức lần nữa và nghe kỹ xem sao.
Nhận thêm chung trà mới từ tay anh Chín. Lần này chú Bảy không uống vội. Đưa lên mũi, ngửi, hớp một ngụm nhỏ, ngậm cho trà ngấm qua rêu lưỡi, rồi từ từ cho trà đi qua cổ. Nghe, tìm, và rồi hớp thêm một ngụm nữa, và…
- Cũng được chứ, anh Chín! Không gặp màu vàng sẫm, không thấy mùi thơm như trà mình thường uống ở đây. Nhưng nếm vào nghe vị đậm đà, rit lưỡi, chát đắng mà hậu lại ngòn ngọt. Hương vị thanh nhã của cây lá thiên nhiên, anh hả?
- Chú Bảy nầy! Chuyện đời chuyện đạo… cũng gần giống như anh em mình vừa “tiếp xúc” với trà mà mình không quen dùng. Vì thói quen lâu ngày thành nếp, mình dễ sanh chấp thủ và ít chịu tiếp nhận, suy ngẫm cái khác với những gì mình đang có, trong khi cuộc sống của tất cả luôn vô thường, chúng ta không thể không “… Cải cách hầu hòa hợp với lương dân và tôn giáo khác”
Cả hai cùng nhìn nhau trong nụ cười thông cảm và cùng mời nhau chun trà mới. Bên ngoài mặt trời đã ửng đỏ một vùng phía đông. Trời đất đang chuyển sang một ngày mới.

Biên Nhân
--------------------

1. Càng giảm nhẹ hình thức âm thinh, sự im lặng trong trang nghiêm trầm hùng cùng nhang khói, càng làm cho nội dung lễ cầu nguyện thêm sâu sắc ý nghĩa của Đạo: Đạo vô vi.
Thiền học có câu: “Mặc như lôi” = Sự im lặng sấm sét. Im lặng ở đây không phải là không diễn bày, không ngôn ngữ, mà im lặng chính là ngôn ngữ tuyệt đỉnh của ngôn ngữ.

2. Tôn trọng tự do của người không cùng tín ngưỡng, cũng có nghĩa là đáp ơn mọi người đã và đang tôn trọng tự do tín ngưỡng của mình.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn