Chú giải bài Thi văn Giáo lý CHO CÔ HAI GƯƠNG (CẦN THƠ) - Bài của Trần Văn Lợi

29 Tháng Tám 20208:43 SA(Xem: 3098)
Chú giải bài Thi văn Giáo lý CHO CÔ HAI GƯƠNG (CẦN THƠ) - Bài của Trần Văn Lợi
Chú giải bài Thi Văn Giáo Lý
CHO CÔ HAI GƯƠNG (CẦN THƠ) (Phần I)
                                                                                                                                    Bài của Trần Văn Lợi

 

CHÁNH VĂN:

"Thầy thương đệ-tử ngẩn-ngơ sầu,

Vẫn biết công-phu con dãi-dầu.

Nhưng nỗi tiền-khiên gây lắm nợ,

Đời nầy trả dứt mới mong cầu"

 

DẪN NHẬP:

Cô Hai Gương, không rõ năm sanh năm mất, chỉ biết cô quê ở làng Nhơn Nghĩa, tỉnh Cần Thơ (năm 1939 nơi nhà ông Hương bộ THẠNH thuộc làng Nhơn Nghĩa, tổng Định Bảo, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Nay là ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ), là cháu kêu ông Hương bộ Thạnh bằng cậu, ông bà Hương bộ không con nên rất thương cô, xem cô như con của mình. Năm 1940 cô đã nghe tin về Đức Thầy và lên Tổ Đình qui y với Ngài, chính cô là người hỏi ông Hương bộ để Đức Thầy về Cần Thơ, để Ngài lưu lại nơi này thời gian 78 ngày rộng khai nền đạo, khi đó cô trạc tuổi khoảng 40, cô là người có công lớn trong việc phổ truyền đạo pháp thời đó. Đời cô là cả một quãng đường buồn, cô đau yếu từ bé, lại thêm gia đình làm ăn sa sút về kinh tế, đến việc cô không có chồng cũng bị tiếng đời mỉa mai chua chát, do thường bịnh tật liên miên. Biết bao ý niệm về đời nên ít thấy cô vui. Mặc dầu cô rất hiền từ đức hạnh, được nhiều người và đồng đạo cảm mến và trân trọng. Từ khi qui y với Đức Thầy, cô như người sắp chết đuối giữa biển khơi, nhờ nương được phao cứu sinh thoát hiểm. Do đó đối với đạo là thuyền từ tế độ, là ánh quang minh soi chiếu tâm hồn, là chỗ cô nương tựa hầu phát xuất nghị lực và niềm tin, để cô nhẹ bước qua những biến cố tang thương chua xót. Cô quyết theo lời Đức Thầy chỉ dạy, dốc tâm hành đạo, hướng đến tương lai thánh đức an lành. Nhưng những lượn sóng trần cứ mãi dồn dập, trái tim yếu đuối của một nữ nhân mới bước vào đạo đã không thật sự bình an, mặc dù cô đã rất cố gắng, những tác động của cuộc sống và gia đình như một đám lửa lớn đã thiêu đốt niềm tin và nghị lực mới vừa nhen nhúm trong cô, có lúc tưởng chừng như ngã gục ở vệ đường, cô đã cố hết sức bám trụ vào giáo pháp, tin tưởng nơi Đức Thầy, nước mắt đã chảy, cô khóc thật nhiều và rồi phải tiếp tục sống để tu, tu để có cơ hội thoát trần. Và rồi với hoàn cảnh gia đình cô lại buồn, có lúc ý chí thoát ly cũng do đó mà lu mờ, bịnh tật càng nhiều thêm. Đức Thầy đang ở Bạc Liêu, cảm nhận tâm trạng của cô trong hoàn cảnh bị nghiệp lực bao quanh, nên Ngài viết bài này khuyên cô. Nhờ người mang về chuyển cho ông Hương bộ và bài pháp thâm ân đã đến với cô như giọt nước nhành dương làm trái tim dịu mát, cho ý sống dâng trào, là hành trang để cô vững niềm tin trên đường hành đạo và đối diện với cuộc sống đầy nghiệt ngã. Thời gian sau đó không lâu, gia đình chuyển đi nơi khác, cô cũng theo cha mẹ ra đi, từ đó không ai biết cô ở đâu và ra sao. Chỉ lưu lại bài giảng 20 câu này, mà ban sưu tập đặt cho một cái tựa lấy tên cô là “Cho Cô Hai Gương” (1). (Bài này đề ngày viết là Bạc Liêu 24/8 năm Nhâm Ngũ (3/10/1942)

 

ĐẠI Ý:

Xin phép được đặt ở mỗi câu một cái tựa như tóm gọn đại ý và phần đại ý tất cả sẽ ghi ở phần tổng luận.

 

ĐỀ 1. (Xin chia ra 4 câu cho một mệnh đề)

CÂU 1, THẤY KHỔ THỜI THƯƠNG:

Thầy: người có trình độ hướng dẫn, dạy bảo. Theo Phật giáo nói đến 3 hạng thầy dạy (tam hữu sư):

1) Người có kinh nghiệm kiến thức và đạo đức trao truyền chỉ bảo lại cho người kế thừa về học vấn, nghề nghiệp…thì gọi thầy (Thế gian sư).

2) Bậc giải thoát, đã lìa phiền não, từ bi vào đời cứu độ chúng sanh theo nhân duyên thời kỳ, ngàn năm khó gặp, hữu duyên tốt phước mới lãnh hội được bậc long tượng (Xuất thế sư).

3) Đức bổn sư, từ để chỉ vị thầy gốc của muôn đời là Đức Thích ca Mâu ni, nên còn gọi là vị thầy cao thượng nhất (Vô thượng sư).

Vị thầy ở đây là tiếng Đức Thầy ần cần xưng hô với cô Hai Gương, tức Đức Huỳnh Giáo Chủ bậc đã thanh tịnh thị hiện vào đời. (2)

Thương: nghĩa của chữ từ bi, để chỉ tình thương cao thượng của Phật, tình thương bất vụ lợi, không mong sự đền đáp, tình thương ấy được biểu hiện ở hai nghĩa:

1) Siêu việt: vượt lên hơn mọi sự yêu thương của cá nhân, tình thương xuất phát từ tâm từ bi, tức không có tâm phân biệt hay ngã chấp.

2) Rốt ráo: không có tình thương nào bằng, thường với tâm chúng sanh thì tình thương có thời hạn, đẹp thì thương, xấu thì không, nghe theo thì thương, không nghe theo thì ghét, nó vẫn còn đối đãi. Tình thương rốt ráo là bao lâu cũng thương, như thế nào cũng thương ấy là cái thương nhất chân của tâm thanh tịnh.

Đệ tử: đệ là em, tử là con. Người có hiểu biết sau nên gọi em, được sự chỉ dạy, tạo điệu kiện cho phát triển thì gọi là con. Vậy đệ tử đây là học trò, tiếng trìu mến của người thầy xưng hô với người theo học và tu.

Thầy thương đệ tử: Đức Thầy với lòng từ bi thương học trò, mà cụ thể ở đây là cô Hai Gương (4 chữ này nói đến lòng từ bi của Phật).

Ngẩn ngơ: thẫn thờ, không còn chú ý đến xung quanh, tâm trí đang để đâu đâu. Truyện Kiều có câu: “Từ phen đá biết đuổi vàng/ Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ”.

Sầu: buồn, bi thương, trong lòng đau thương lo lắng.

Thái Thuận (1441-?) một tiến sĩ thời Lê sơ (Lê Thánh Tông), trong bài “Liên ứng thí bất nhập cách tác” đã viết: “Đông phong xuy tán hoa sao vũ/ Hóa tác ngân song nhất đoạn sầu” (Mưa đậu cánh hoa tan trước gió/ Thành đoạn thơ ngâm cửa sổ buồn). Ngẩn ngơ sầu: buồn bã một cách sâu đậm, tâm trí không còn tập trung vào việc gì. Một nỗi buồn sâu uất nơi lòng (3 chữ này nói lên tâm trạng cô Hai Gương).

“Thầy thương đệ tử ngẩn ngơ sầu” đây nói, lòng từ bi của Đức Thầy thấy được nỗi buồn bã sâu đậm của cô Hai Gương, một nỗi buồn sâu kín của đời tu, vì cô có quá nhiều ngang trái trong cuộc sống, bịnh hoạn, thân nương nhờ, lại chẳng chồng con. Tóm lại, thấy sự khổ học trò mà động từ tâm của ân sư.

CÂU 2, THẤU HIỂU SỰ CHÂN THẬT TU HÀNH:

Vẫn: vốn, từ biểu thị ý khẳng định giá trị đã xảy ra. (3)

Biết: hiểu, thấu rõ.

Công: lao nhọc từ sức lực đến tinh thần.

Phu: người thực hiện một cách ân cần, vất vả.

Công phu: có ba nghĩa:

1) Khéo léo, hay giỏi, tinh xảo, bản lĩnh.

2) Để chỉ cho việc khó khăn mà vẫn cố chịu để thực hiện. Trần Nguyên Đán (1325-1390) có câu: “Cùng kinh bác sử công phu đại/ Kính lão sùng Nho chính hóa tân” (Rành sử thông kinh công phu lớn/ Kính Lão sùng Nho kỷ cương đầy).

3) Để chỉ việc ra công hành đạo, dốc lòng tu hành, dùng hết tâm trí thực hiện pháp môn, sống theo giới luật. Khả Mân (một tăng nhân thời Tống, Liêu, là nhà thơ chuyên về Tịnh Độ không rõ năm sanh năm mất) trong bài “Vô đề” đã viết: “Cúc não khương nha nhất phạn dư/ Kỳ tha an cảm phí công phu/ Tòng kim thập chỉ vô nhàn hạ/ Thả tận bình sinh lộng cổ châu” (Song trăng, trà khúc, cảnh nhàn tu/ Ngày tháng năm qua với số châu/ Mười ngón lần tràng không rảnh rỗi/ Phù sinh dám để phí công phu) bản dịch của Hòa thượng Thích Thiền Tâm.

Vẫn biết công phu: vốn hiểu sự hành đạo, đây nói Đức Thầy thấu hiểu khả năng cùng sự hết lòng hành đạo.

Con: tiếng cha mẹ gọi người mình sinh ra, hay thầy gọi học trò.

Dãi dầu: do thành ngữ “nắng dãi mưa dầu” (4) có nghĩa khi thì nắng quá nhiều khi thì mưa quá ít. Với nghĩa khái quát là chịu đựng vất vả, gian truân.

Con dãi dầu: con đã chịu lắm vất vả, gian truân. “Vẫn biết công phu con dãi dầu” đây nói Đức Thầy đã thấu hiểu sự khó khăn sống và cố công hành đạo rất là khó nhọc của cô hai.

CÂU 3, NGHIỆP TRƯỚC BAO QUANH:

Nhưng: từ biểu thị quan hệ đối lập, ý ngược lại điều vừa nói. (5)

Nỗi: cớ sự (6), sự tình, tâm trạng.

Nhưng nỗi: cớ sự ngược lại, sự tình lại khác hơn (bởi nguyên do tiếp theo)

Tiền: trước, lúc trước, nhiều kiếp đã qua.

Khiên: tội lỗi, sai lầm, lầm lỡ. Sách Luận Ngữ chép: “Thị ư quân tử hữu tam khiên: ngôn vị cập chi vi ngôn, vị chi “táo”. Ngôn cập chi nhi bất ngôn, vị chi “ẩn”. Vị kiến nhan sắc nhi ngôn, vị chi “cổ”” (Quí Thị (tên người) hầu chuyện với người quân tử dễ mắc phải ba lỗi này: chưa đến lúc mình nói đã nói, là “nóng nảy”. Đến lúc mình nói mà không nói, là “che giấu”. Chưa nhìn thấy sắc mặt mà nói, là “mù quáng”). (7)

Tiền khiên: tội lỗi trước đây, do thân, khẩu, ý thể hiện làm đau khổ, tổn hại đến người khác, trong quá khứ (nhiều đời trước). Sách “Thiền tông quyết nghi tập” chép rằng: “Ngũ thể đầu địa nhiên chỉ nhiên hương, phát lộ tiền khiên cầu an sám hối” (Năm vóc gieo xuống đất đốt tay đốt hương, phơi bày tội trước cầu sám hối).

Nhưng nỗi tiền khiên: do cớ sự tội lỗi, sai lầm trước đây, nhiều đời trước.

Gây: làm cho phát sinh, chủ động tạo nên, cố ý làm. Như gây chiến, gây nghiệp, gây chuyện.

Lắm: nhiều, nặng nề, đến mức độ được coi là cao.

Nợ: việc đã vay phải trả, nghiệp quả phải báo đáp. Thuật ngữ thường sử dụng trong trường hợp phải hoàn trả, đền bù. Đây là việc phải thanh toán không sớm thì muộn. Gây lắm nợ: tạo ra nhiều tội lỗi nặng nề, cố ý hay vô tình đã gây tạo nhiều nghiệp nặng. “Nhưng nỗi tiền khiên gây lắm nợ” đây nói, do nghiệp trước đã gây tạo nhiều điều bất lành, làm đau khổ chúng sanh.

CÂU 4, BÌNH TÂM TRẢ NGHIỆP:

Đời: kiếp sống, con người từ sanh ra đến lúc chết là một đời.

Nầy: đây, ngay đây. Từ nhấn mạnh sự việc hay biểu thị người. Như người này, việc này. (8)

Trả: đền bù việc đã gieo tạo. Chấp nhận điều tương ứng mà đã làm đối với người khác.

Dứt: hết, xong. Như dứt nợ là hết nợ, dứt bịnh là hết bịnh.

Đời này trả dứt: đền bù lại những gì đã gieo tạo trong kiếp hiện tại. Theo Phật giáo để trả hết nghiệp của quá khứ chỉ có chứng ngộ, nhân chứng ngộ mà nghiệp sạch tình không (sát na diệt khứ tăng kỳ nghiệp), như ông nhà giàu mà chi trả vài đồng lẻ. Nhưng chưa phải ngộ đạo mà nghiệp đã đến thì hiện tại phải:

1) Sám hối tội lỗi: sám hối là hổ thẹn việc làm từ trước và nguyện bỏ từ đây về sau không làm nữa. Sách viết: “Sám giả, sám kỳ tiền khiên, tùng tiền sở hữu ác nghiệp, ngu mê, kiêu cống, tật đố đẳng tội... Hối giả, hối kỳ hậu quá, vĩnh bất phục khởi, tất giai tận nguyện sám hối” (Sám có nghĩa ăn năn tội lỗi trước đây, từ trước đến nay các tội ác nghiệp, ngu mê, kiêu ngạo, ganh tỵ… hối là chừa bỏ lỗi sau, mãi về sau không phạm, nguyện bỏ dứt hết thảy đều sám hối).

2) Chịu khổ: phải chấp nhận và chịu đựng những khổ đau, oan trái mà đang vướng phải, lúc nào cũng quán rằng nhân quả nghiêm minh, ta đau khổ hôm nay là do bởi quá khứ đã gieo tạo điều bất lành, nên hôm nay phải chịu như thế, nếu không thể vui mà trả được thì đừng oán trách trời đất, con người để khỏi vay thêm.

3) Công phu và làm lành: ra công hành đạo, quyết làm điều thiện lành, hầu chuyển nghiệp để vượt qua khó khăn bởi “Phước càng tăng thì tai họa càng lìa”. Để thực hiện được những điều trên đòi hỏi hành giả phải giữ có chánh niệm. Vì có chánh niệm mới thấu bản chất giả hợp của thân tứ đại và sắc chất vô thường, trí não có thanh cao mới tiến đến lìa vọng xa rời xúc động ái tình. Nên Ngài dạy rằng: “Để thoát chỗ luân hồi bỏ cuộc đời lầm than hoạn họa, hãy rán tưởng niệm phương pháp hành đạo, bỏ các điều phù phiếm, ghi nhớ công lao đức Phật đối với quần sanh, bia tạc vào lòng những điều Phật giáo”(9)

Mới: bắt đầu, ngay đây. Từ biểu thị sự quan hệ trước và sau, làm được thì ngay đây, bắt đầu tiến đến. Làm xong mới tính nữa. Bỏ điều đó mới an lòng.

Mong: muốn, hy vọng, ước muốn đạt được.

Cầu: nguyện, thỏa lòng. (10)

Mong cầu: thỏa nguyện, thành tựu đúng theo mong muốn. Chữ mong cầu ở đây không còn là nguyện ước nữa, mà là thành công, ở nghĩa quả chứng.

Mới mong cầu: ngay đây mới thành tựu thỏa nguyện (3 chữ này nói đến sự thành công tu hành). “Đời này trả dứt mới mong cầu” đây nói hiện đời cần phải trả hết nghiệp mới thỏa lòng nguyện ước, thành tựu đạo quả.

………………………………….

GHI CHÚ đề 1.

(1) Theo sách "Từ Ngữ Dẫn Giải Sấm Giảng Thi Văn" tập 1 trang 361.

(2) Tham khảo sách "Pháp Số Lược Khảo"

(3) "Từ Điển Việt Nam" của Bùi Đức Tịnh.

(4) Nắng dãi hay còn viết là dãi nắng tức là chịu sương nắng cực khổ, mưa dầu để chỉ mưa ít, mưa hiếm như dầu, thành ngữ tương đồng nghĩa trên là “Nắng lửa mưa dầu” (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị cuốn 2).

(5) Việt Nam Từ Điển.

(6) Đại Nam Quốc Âm Tự Vị

(7) Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn.

(8) "Từ Điển Tiếng Việt" của Bùi Đức Tịnh.

(9) Quyển Sáu

(10) Từ Điển Nguyễn Quốc Hùng./.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn