Đức Phật Thầy Tây An sơ tổ Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương - Bài viết của Nguyễn Văn Hiệp

23 Tháng Chín 20203:00 CH(Xem: 5401)
Đức Phật Thầy Tây An sơ tổ Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương - Bài viết của Nguyễn Văn Hiệp

ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN

Sơ tổ Tông phái BỬU SƠN KỲ HƯƠNG

Bài viết của Nguyễn Văn Hiệp

          Cách đây trên 165 năm, vào thời mạt vận của Triều đình nhà Nguyễn, trong nước thì giặc giã rối beng, bên ngoài thì quân Pháp nhiều phen gây khó dễ, toan xâm chiếm Việt-Nam làm thuộc địa. Các quan viên đương triều thì lúng túng, nếu không nói là quá xa lạ trước vấn đề ngoại giao với người da trắng, mà lúc bây giờ họ gọi là “Bạch Quỷ”.

          Trước tình thế đó Triều Đình còn phải chứng kiến sự rối bời của một xã hội đang lung lay tận gốc rễ: Đạo Phật thì chỉ còn là thuyết “Thầy cúng”. Các bực “đầu tròn áo vuông” siêu độ cho người quá vãng bằng Xá hạt, Xá mã, đầu phướn, trống kèn, chuông mõ, đờn đẩu rình rang trong các cuộc Trai Đàn định giá ăn tiền cũng như các nghề làm ăn khác.

          Trong khi đó, đạo Nho thì rập theo khuôn thước khoa cử tầm chương trích cú: Văn, Thi, Chiếu, Chế, Biểu .. Người ta ra công mười năm đèn sách để chờ một hội khoa thi, nghĩa là làm sao đặng “kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau”, chớ ít ai nghĩ đến việc dùng triết thuyết của Thánh Hiền mà hòa hợp thành cái thực học để kinh bang tế thế.

          Còn đạo Tiên (hay Lão Giáo) thì những thuyết Cần, Kiệm, Liêm, Chính hoặc:“Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh” không còn ăn khách nữa, người ta cho rằng siêu thực quá, theo làm chi cho mất công, không thấy kết quả! Do đó, Đạo Giáo của Lão Tử chỉ còn là thuyết Thầy phù, Thầy pháp, Ông lên Bà xuống. Mỗi khi các Ngài đi độ sanh thì cũng định giá ăn tiền cũng như hạng thầy độ tử!  

          Giữa lúc sanh linh đồ thán và nhơn tâm điên đảo ấy thì vào năm Kỷ Dậu (1849) “Ông Đạo Khùng” xuất hiện. Ông Đạo chỉ dạy người Học Phật bằng cách niệm Phật, tưởng Phật vào tâm, giản dị hóa Kinh chú, Tu Nhân theo đạo Thánh Hiền bằng cách kính trọng Tứ Ân. Nguyện cho người quá vãng bằng cách cầu Phật hộ trì cho được trực vãng Tây Phương Cực lạc. Trị bịnh cho người đời bằng những chất liệu tro nhang, giấy vàng, lá cây, nước lã…Khỏi phải sai đồng khiển tướng, bốc thuốc đầu thang, mà bịnh nào cũng khỏi!

          Từ độ sanh đến độ tử thảy đều “độc đáo” quá, nhứt là khỏi tốn xu nhỏ nào, khiến cho các bực “đầu tròn áo vuông” đều há mồm trợn mắt, các đấng “Nho gia cử tử” bực tức mỉa mai, cũng như các Ngài “điều binh khiển tướng” không ngớt chỉ trích ganh tị, nhưng chúa Ôn hay bà Hồng, bà cố Hỷ không ai dám xâm phạm đến ông Đạo nầy. Hàng ngàn người đến quy y nhập đạo đều được ông Đạo phát cho một tờ giấy nhỏ có bốn chữ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG trên một cái ấn nhỏ hình chữ nhựt. Thế là Tông phái BỬU SƠN KỲ HƯƠNG ra đời từ đó và ông Đạo ấy chính là Đức Phật Thầy Tây An.

          Theo tài liệu của Vương Kim & Đào Hưng, Đức Phật Thầy tục danh là Đoàn Minh Huyên sanh vào giờ Ngọ, ngày Rằm tháng Mười năm Đinh Mão (1807), tại làng Tòng Sơn, tổng An Tịnh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thành. Sau nầy, làng Tòng Sơn đổi thành xã Mỹ An Hưng, quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc (hiện nay là Tỉnh Đồng Tháp), trên lộ từ Cái Tàu Thượng đi Bắc Mỹ Thuận.

         Bình sanh, Ngài cũng như bao nhiêu người khác, sống nghề ruộng rẫy, chí thú làm ăn. Nhưng đến năm 43 tuổi, Ngài bỗng nhiên thay đổi trạng thái mà người đời cho là Khùng, Điên. Ngài không còn lo làm ăn nữa mà suốt ngày chỉ nói toàn những việc nửa hư nửa thực, khi phàm khi Thánh.

          (Theo tài liệu của GS Nguyễn văn Hầu: Căn cứ vào nhiều bậc bô lão ở đây cho biết chắc chắn thì Đức Phật Thầy bỏ nhà ra đi từ lúc tuổi còn nhỏ lắm. Ngài đi đâu và làm gì, cả người trong làng cho đến thân nhơn cũng không ai biết được. Một hôm, khoảng đầu năm Kỷ Dậu (1849), Ngài quá giang một chiếc ghe buôn từ miệt trong trở về làng, tạm trú ở mái hiên sau đình thần làng Tòng Sơn. Cũng năm ấy, bịnh dịch tả tràn lan khắp nơi làm chết nhiều nguời. Hương chức trong làng và các thầy pháp lập đàn giết heo, gà, vịt cúng vái Ôn thần, bày ra lễ “tống gió” để đuổi gió độc đi nơi khác. Đức Phật Thầy biết được đứng ra ngăn cản:“Mình tống gió độc đi cho ai chịu thay mình đây? Đó là ích kỷ hại nhân, lại còn sát sanh hại vật vô lý. Thánh Thần nào chứng cho những điều tội lỗi đi ngoài chánh pháp tín ngưỡng đó.” Thế là, vì cho là lời nói gở nên Ngài bị mấy ông Hương chức đuổi ra khỏi đình với lý do là không chứa chấp những người lạ mặt).    

            Sau đó, có lẽ vì sự khinh bạc của dân làng, Ngài ra đi với một chiếc xuồng con, ngược ra rạch Cái tàu Thượng, rồi trổ ra rạch Xẻo Môn làng Kiến Thạnh, bây giờ là làng Long Kiến, tỉnh Long Xuyên (An Giang). Căn cứ theo Giảng xưa thì Ngài đến Kiến Thạnh vào mùa Thu năm Kỷ Dậu (1849) giữa lúc bịnh dịch tả đang hoành hành dữ dội. Số người mắc bịnh chết rất nhiều nhưng các vị lương y hoặc pháp sư trong vùng đành bó tay, ngồi nhìn không chữa trị được. Nơi đây, tại đình làng Kiến Thạnh, Ngài tự xưng “Ta là Phật Thầy giáng thế cứu đời” rồi đem huyền diệu của Tiên gia chận đứng hữu hiệu nạn ôn dịch nầy bằng cách dùng nước lạnh, giấy vàng mà trị hết bịnh cho tất cả bịnh nhơn; đồng thời, Ngài nhơn cơ hội nầy, khuyến cáo cho mọi người nên ý thức thời Hạ ngươn mạt pháp mà quay về với Phật pháp, cố gắng tu hành, làm cho dân chúng vô cùng thán phục và họ truyền tụng rằng Ngài chính là Phật Thầy giáng thế cứu đời.

Ngài tạm trú ở đình nầy được ba hôm thì dời về cái cốc của ông Kiến, tức là nền chùa Tây An Cổ tự bây giờ, để tiếp tục phát phù trị bịnh và muốn có chỗ thờ Phật để cho bá tánh dễ bề lễ bái, nhơn đó mà mà dìu dắt họ từ chỗ khâm phục đến chỗ tín phụng.   

           Nhờ cảm lòng từ bi đã cứu cho khỏi bệnh hoặc thoát chết, và nhờ cách hướng dẫn tu hành giản dị của Ngài, nên nhân dân miền Hậu Giang không mấy lúc mà theo về quy y đông đảo. Mỗi tín đồ, sau khi làm lễ quy y, được cấp phát một “lòng phái” bằng giấy màu vàng trên đó có in triện màu đỏ bốn chữ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG, và đặc biệt cái “lòng phái” nầy mỗi tín đồ của Ngài đều giữ kỹ, sống chết gì cũng phải giữ cho còn, không đuợc trao lại cho bất cứ ai. Về cách thờ phượng, Ngài không đòi hỏi chùa cao, tượng lớn, chỉ một tấm trần điều tượng trưng trên bàn thờ, với ba lễ vật đơn sơ là nước lạnh, nhang và bông hoa. Ngoài ra, người tín đồ cũng không phải mất công đi đến chùa hay miễu, chỉ cần cúng lạy và niệm Phật tại gia đình. Đồng thời, họ nên tránh các điều dữ, làm các điều lành và luôn nghĩ đến bổn phận phải đền trả Tứ Đại Trọng Ân mà con người ai cũng gánh chịu. Giáo lý và phương thức tu hành nầy rất thích hợp với quần chúng nông thôn nghèo khó, bình dị, ít học lại thích nghi với nếp sống nông nghiệp, cho nên được phổ biến và cảm nhận rất dễ dàng, mau chóng trở thành một phong trào quần chúng tín ngưỡng rất đông đảo ở vùng Hậu Giang mà trong lịch sử truyền bá Phật Giáo tại Việt Nam, có thể nói đây là lần thứ nhứt diễn ra như thế.   

           Do đó có thể nói, Tông phái Phật Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương được khai sáng vào năm Kỷ Dậu (1849) và vị Giáo tổ chính là Đức Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên).

          Cũng vì vậy mà Đức Phật Thầy trở thành đối tượng chống phá của các thầy pháp, phù thủy, lang băm vì mất lợi, mất khách hàng nên họ đâm ra ghen tức, tìm cách hãm hại. Họ tố cáo với nhà cầm quyền tỉnh An Giang cho rằng Đức Phật Thầy là “gian đạo sĩ”, có liên hệ đến các ông sãi Miên đang âm mưu gây loạn như Sãi Kế, Lâm Sâm... Thế là, Trấn binh tỉnh An Giang phái hai người là Cai nhứt Trung và Đội nhì Bồng đến làng Kiến Thạnh bắt Ngài giải về Long Xuyên (bấy giờ gọi là tỉnh An Giang).

          Khi về đến Tỉnh lỵ, các quan muốn trắc nghiệm xem Đức Phật Thầy có phải đúng là người xuất chúng hay chăng. Trước hết, họ để tượng Đức Phật Bà Quan Âm ở dưới rồi trải chiếu bông lên trên và mời Đức Phật Thầy đến ngồi. Đức Phật Thầy từ chối, nói rằng không thể vô lễ với Phật, rồi Ngài giở tấm chiếu lên làm lộ tượng Phật ra, làm cho mọi người đều kinh ngạc. Lần khác, họ thử Ngài bằng cách trong ngày chay lạt, dọn cơm mặn lẫn cơm chay nhưng vùi thức ăn dưới cơm để không thể nhìn bề ngoài mà phân biệt được chén nào chay, chén nào mặn. Đức Phật Thầy ung dung ngồi ăn một lúc bốn chén nhưng chỉ toàn là cơm chay. Ăn xong, Ngài chỉ vào cái hộp trước mặt quan Trấn binh mà hỏi rằng:“Bây giờ, ông có muốn trói tôi nữa không?” Các quan nghe hỏi bèn lắc đầu khâm phục vì trong hộp đã có để sẵn một sợi dây luộc và có lịnh nếu Đức Phật Thầy ăn nhằm cơm mặn thì lính sẽ tới bắt trói liền. Ngoài ra, cũng trong thời gian bị giam trong khám đường, có nhiều người vẫn thấy Đức Phật Thầy đang ung dung đi dạo mát ngoài đường phố. Cuối cùng, nhà cầm quyền vì không thấy Đức Phật Thầy có hành động nào là “gian Đạo sĩ” hay liên hệ với loạn quân, đồng thời, vị Tổng Đốc An Giang lúc đó (Theo tài liệu của GS Nguyễn văn Hầu thì vị Tổng Đốc nầy tên là Huỳnh Mẫn Đạt) sau khi nghe Đức Phật Thầy thuyết giảng đạo Phật, nhận thấy đây là một vị chơn tu nên dâng biểu về Triều đình (thời vua Tự Đức) xin sắc phong cho Ngài tước hiệu “Đại Đức Chơn Tu”.  

          Ngài được chỉ định vào chùa Tây An tại núi Sam (Châu Đốc) là một ngôi chùa sẵn có do giáo phái Lâm Tế lập ra và đã được Triều đình chấp nhận để dễ bề kiểm soát hành vi của Ngài, mặc dầu chùa nầy thờ Phật cốt và gõ mõ tụng kinh không giống cách trần thiết và nghi thức hành đạo của Ngài. (Chính vì vậy mà khi Đức Phật Thầy viên tịch, người ta hiểu lầm nên khắc vào mộ bia cho rằng Ngài thuộc dòng Lâm Tế trong Phật giáo).

          Từ đó Ngài ở tại núi Sam, lấy chùa Tây An làm nơi thuyết giáo nên có thêm danh hiệu là Đức Phật Thầy Tây An và không bao lâu, số tín đồ của ngài rải rác có mặt khắp cả miền Tây Nam-Việt và một số người từ các tỉnh miền Đông, nghe danh và cảm đức cũng tìm đến quy y hành đạo. Tuy sống tại chùa, Đức Phật Thầy vẫn quảng truyền giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương qua các đại đệ tử, bằng công thức lập các trại ruộng để quy tụ dân chúng vừa tu hành, vừa sản xuất lúa gạo tự nuôi lấy mình.

            Các trại ruộng do đại đệ tử của Đức Phật Thầy điều hành lúc bấy giờ vẫn còn vết tích đến ngày nay, là:

          1/- Trại ruộng Thới sơn: bao gồm hai làng Hưng Thới và Xuân Sơn thuộc vùng Thất sơn nằm dưới chân núi ông Kéc, do ông Bùi văn Thân (còn gọi là Bùi Thiền Sư) và Bùi văn Tây (tức ông Đình Tây) lãnh đạo.

          2/- Trại ruộng Láng Linh: thuộc làng Thạnh Mỹ Tây (tỉnh Châu Đốc), cách bờ sông Hậu khoảng 10 cây số từ kinh xáng Vịnh Tre đi vô. Nơi đây được Đức Phật Thầy đặt danh hiệu là Bửu Hương Các do Đức Cố Quản Trần văn Thành lãnh đạo, sau nầy trở thành Tổng hành dinh kháng chiến của chiến khu Bảy Thưa.

          3/- Trại ruộng Cần Lố: tại bờ Tiền giang, phía Đồng Tháp Mười do ông Đặng văn Ngoạn (tức Đạo Ngoạn) lãnh đạo, tại đây có dựng ngôi chùa tên là Trà Bông.

          4/- Trại ruộng Cái Dầu: nằm sát hữu ngạn Hậu giang do ông Nguyễn văn Xuyến (tức Đạo Xuyến) lãnh đạo.

Ngoài số tín đồ đông đảo không thể ước lượng, Đức Phật Thầy có mười hai Đại Đệ Tử còn được gọi là Thập Nhị hiền thủ, đó là :                   1/- Ông Trần văn Thành tức Đức Cố Quản (…- 1873).

2/- Ông Tăng Chủ (chỉ biết họ Bùi nhưng không rõ tên …-1907).
3/- Ông Bùi văn Tây tức Đình Tây (1802 – 1890).
4/- Ông Nguyễn văn Xuyến tức Đạo Xuyến (1834 – 1914).
5/- Ông Nguyễn văn Ngoạn tức Đạo Ngoạn (1820 – 1890).
6/- Ông Phạm Thái Chung tức Đạo Lập (…- 1877).
7/- Ông Đạo Lãnh (không rõ tên họ) biệt tích 1856.
8/- Ông Trần văn Nhu tức Cậu Hai Nhu (1847 – 1914).
9/- Ông Nguyễn văn Thới tức Ba Thới (1866 – 1926).

          (Danh sách trên đây gồm 9 vị, những vị còn lại có thể là: ông Đạo Sang ở Cái Dầu (Châu Đốc), ông Đạo Thạch ở Thạnh Mỹ (Châu Đốc) ông Đạo Sĩ, Đạo Thắng, Đạo Chợ, Đạo Đọt…nhưng không biết chắc vị nào nằm trong Thập nhị hiền thủ.

          Tuy nhiên, theo ông Thiện Tâm trong quyển “Chú giải Sấm giảng và Thi văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ” thì Thập nhị Hiền thủ gồm có những vị sau đây: 1/- Ông Cử Đa, Đạo hiệu Ngọc Thanh. 2/- Thượng Đẳng Đại thần Nguyễn Trung Trực. 3/- Cố Quản Trần Văn Thành. 4/- Ông Đạo Xuyến. 5/- Ông Đạo Lập. 6/- Ông Tăng Chủ. 7/- Ông Đình Tây. 8/- Ông Đạo Ngoạn. 9/- Ông Đạo Thắng. 10/- Ông Đạo Sĩ. 11/- Ông Đạo Chợ. 12/- Ông Trần Văn Nhu.)

          Bên cạnh đó, công việc phổ biến các tín điều của Bửu Sơn Kỳ Hương cũng được Ngài phân công cụ thể:

- Ông Đạo Lãnh và bà Năm Chòn Dầu: phụ trách khu vực biên giới hướng sang Chân Lạp (Campuchia).
- Ông Đạo Ngoạn ở khu vực Sa Đéc, Vĩnh Long.
- Ông Đạo Xuyến ở khu vực Định Tường, Biên Hòa.
- Ông Đạo Lập ở Hà Tiên, Rạch Giá.

          Sau nhiều lần vân du khắp nơi, Ngài trở về núi Sam, tịch diệt vào giờ Ngọ ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856), thọ 50 tuổi. Trước đó, Ngài có dặn sau nầy ngôi mộ của Ngài không được đắp nấm mà phải ban bằng mặt. Hiện nay, ngôi mộ của Ngài vẫn còn, nằm phía sau chùa Tây An dưới chân núi Sam.   

          Sau đây là một bài thơ của Đức Phật Thầy, có bốn chữ khoán thủ đề danh cho tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, được truyền tụng mãi đến ngày nay với sự ẩn khúc nhiêu khê có thể đọc theo chiều dọc, ngang (tung hoành đọc) đều có ý nghĩa. Đây là chiều ngang của bài thơ:

Bửu Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,
Sơn Trung Sư Mạng Địa Nam Tiền. 
Kỳ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc, 
Hương Xuất Trình Sanh Tạo Nghiệp Yên.
            
            
            
        香            
Và đây là chiều dọc:
Bửu Sơn Kỳ Hương, 
Ngọc Trung Niên Xuất. 
Quân Sư Trạng Trình, 
Minh Mạng Tái Sanh. 
Thiên Địa Tân Tạo. 
Việt Nam Phục Nghiệp, 
Nguyên Tiền Quốc Yên.

            Bài thơ có nhiều cao từ ẩn ngữ, cần phải dùng lối chiết tự đảo cú pháp mới khám phá hết ý nghĩa uyên thâm của nó. Riêng về bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương là một danh từ ghép vừa dùng đặt tên cho một môn phái, vừa ý thức cho mọi người một kỷ nguyên mới trong Phật giáo với dụng nghĩa là do Núi Báu ấy (Bửu Sơn) mà sau nầy non sông sẽ rạng rỡ và mùi thơm lạ (Kỳ Hương) sẽ bay khắp mười phương, mở ra thời kỳ Long Hoa Đại Hội.

          Suốt một thời gian bảy năm, từ năm 1849 đến năm 1856, nghĩa là khi bắt đầu hóa độ cho đến khi viên tịch, Ngài truyền bá một cách tu vô cùng giản dị, thích hợp với hạng người nông dân hiền lành, chất phác. Đó là Pháp môn học Phật tu Nhân với những phương pháp quy nguyên chân truyền của Phật Tổ và canh tân Phật đạo.

          Về học Phật, Đức Phật Thầy đã dạy các môn nhơn noi theo gương Đức Phật Tổ cùng chư Phật mà tu hành. Điều quan hệ là phải làm lành, tránh ác chớ không cần khổ hạnh hoặc cách ly thế gian. Như Ngài có nói trong kinh Giác Mê: 

                      “Đi đâu cho khó nhiều đàng, 
                   Kìa non Bửu Tự, nọ ngàn Ma Ha. 
                       Kiểng nào kiểng chẳng có hoa, 
                 Non nào non chẳng có tòa thiên thai”.

         Đồng thời với việc làm phước, người tín đồ BSKH phải nỗ lực giúp đời bằng mọi phương tiện và chỉ cần giữ lặng tâm mình. Bởi vì:

“Lọc lừa thì đặng nước trong, 
Ma Phật trong lòng nào phải tìm đâu!”

          Hạnh tu đại khái chỉ cần như vậy, rồi cứ chuyên trì niệm Phật cho nhất tâm bất loạn là ngộ đạo rồi. Ngài hằng khuyên dạy các môn nhân đệ tử:

“Đêm ngày tưởng Phật Như Lai, 
Lòng ta dc quyết hoài hoài đừng quên.”

          Hoặc:

“Giữ lòng niệm Phật Di Đà, 
Chừng lên sơn lãnh thấy mà thời hay.”

          Và:

“Hỡi người niệm Phật cho bền, 
Mai sau cũng đặng gần bên Phật Thầy.”

          Ngài đã vạch con đường tắt để mọi người dễ dàng tiến bước. Người theo đạo Ngài không cần phải ly gia cát ái mà cần tích cực làm việc giúp đời để đền đáp Tứ Đại Trọng Ân, cho tròn nhân đạo. Đó là công việc tu nhân. Ngài dạy:

                                                                   “Loài cầm thú còn hay biết ổ,

Huống chi người nở bỏ Tứ Ân.”

         Vì ý thức như thế nên sau khi được chánh quyền chỉ định chỗ ở tại núi Sam, Phật Thầy cho tín đồ khai phá rừng hoang, thành lập nhiều làng mạc quanh vùng Thất Sơn, như ở Thới Sơn, ở Láng Linh và dựng những cơ sở gọi là Trại Ruộng để cho các tín đồ vừa có chỗ tu học, vừa khuếch trương nông nghiệp.

          Cũng chính vì mục đích tu nhân mà Đức Phật Thầy dạy các môn nhơn, đệ tử cứ tự do để tóc để râu, không thờ cốt Phật, chỉ thượng lên giữa nhà một trang thờ Tam Bảo với tấm Trần Điều, tiêu biểu cho tinh thần vô vi của Đạo Phật.

         Hầu hết tín đồ của Ngài là hạng tại gia Cư sĩ, các đại đệ tử của Ngài như ông đạo Thành (tức Đức Cố Quản Trần văn Thành), ông đạo Xuyến (Nguyễn văn Xuyến), ông Đạo Ngoạn (Đặng văn Ngoạn) v..v.. đều không được phép xuất gia. Điển hình là ông Đạo Ngoạn và ông Đạo Xuyến là hai bậc hiền thủ (trong Thập nhị Hiền thủ) đã có ý ly gia cát ái, nhưng được Phật Thầy khuyên trở về nguyên quán lấy vợ để sanh con nối nghiệp.

          Cách tu này như đã nói, là con đường tu tắt. Nhưng con đường tắt thường không phải là con đường dễ đi. Bởi một lẽ rất giản dị là tắt thì chóng đến nhưng lắm khi trong nẻo tắt có nhiều núi sông hiễm trở hoặc chông gai khó bước.

Sở dĩ Đức Phật Thầy hướng dẫn các môn nhơn tu theo pháp môn ấy là vì tuy khó giữ, khó hành nhưng nếu người ta nhất quyết tinh tấn thời rất dễ và rất mau đến nơi đến chốn.

          Nhờ có cách truyền giáo giản dị, gần với nếp sống của lương dân, họ là những người từng phen chịu khổ qua bao nhiêu lần chiến tranh dữ dội với quân Xiêm (1833), loạn Lê Văn Khôi (1833), loạn Lâm Sâm (1841) cho nên ảnh hưởng của phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Đức Phật Thầy khai sáng dễ lan rộng sâu xa. Người ta răm rắp tuân hành giáo lý của Ngài như người chiến sĩ tuân theo một quân lịnh:

“Bữa cháo rau đã an phận khó, 
Còn hơn người bán chó, treo dê. 
Khát thời uống nước Tào Khê, 
Đói ăn ma Phạn, tối về canh tân”.

          Thật vậy, Đức Phật Thầy đã canh tân Phật giáo. Ngài đã thấy trước cái viễn ảnh của dân tộc Việt Nam, nên đã đặt ra nhiều vấn đề hệ trọng cho cuộc sống. Phải tu, phải học, phải cố gắng lo đời chứ không được tách lìa cõi thế. Ngài cũng đã suy ra rằng trong các giáo điều của Đức Thế Tôn trên hai ngàn năm qua có nhiều chỗ bị sai lạc do người sau xuyên tạc và có chỗ không còn hợp thời nữa, nên mới chủ trương chỉnh lại Phật pháp. Công việc nầy cũng đã được Đức Huỳnh Giáo Chủ tiếp tục để trở thành Tôn chỉ hành đạo cho nền đạo PGHH sau nầy và Nghi thức tụng niệm cho hàng triệu tín đồ mà hầu hết đều là hạng Cư sĩ tại gia.      

          Học giả Lê Văn Siêu, khi nhìn qua giáo lý của Đức Phật Thầy với nhãn quan Xã hội học, đã nhận xét rằng: “Một miền đồng bằng phì nhiêu có dân cư trù mật như miền Hậu Giang, nếu không có Giáo lý học Phật tu Nhân của Phật Thầy hóa độ, tất có thể khiến đám dân tứ chiếng quần cư này biến ở đây thành một nơi điếm đàng trụy lạc. Bởi cái sức trù phú, sung mãn của nó, nếu không được hướng dẫn bằng một học thuyết tâm linh giản dị trên tư tưởng tự do chắc chắn sẽ đưa tới lạc lõng, đổ vỡ”. Nhận xét nầy, thật vô cùng chí lý đáng để cho chúng ta suy gẫm vậy.

Điểm đặc biệt là khi nói đến Đức Phật Thầy, mọi người đều nghĩ đến Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng ít ai nghĩ rằng Ngài còn là một nhà kinh tế, xã hội, một người cổ xúy cho phong trào khai hoang đầu tiên ở vùng Hậu Giang.

        Thật vậy, khi vừa đến núi Sam, Ngài nhận thấy người dân nơi đây nghèo đói trong khi đó thì đất còn bỏ hoang rất nhiều. Do đó, Ngài khuyến khích tín đồ vốn phần đông giỏi về võ thuật, về y khoa nên ứng phó có hiệu quả trong vùng sơn lam chướng khí, cọp sấu hoành hành, dẫn dắt dân chúng phá rừng khai hoang trồng lúa bắp, dựng lên làng ấp. Ban ngày thì lo phá cây rừng, đốt cỏ cày cấy; ban đêm thì về nhà để chút ít thời giờ suy gẫm lời dạy Đạo của Đức Phật Thầy hầu tu tâm dưỡng tánh. Nhưng địa thế Thất Sơn rất bất lợi cho sự phát triển nông nghiệp: sườn núi rất ít đất chỉ còn vùng Láng Linh thì đất lại quá thấp. Mùa hạn thì biến thành sa mạc nắng cháy, khói bốc lên mịt trời; còn mùa nước nổi thì nước ngập mênh mông như biển cả dâng tràn. Vì vậy, việc khai hoang lúc đầu kết quả không được mấy tươi sáng, như lời ông Vương Thông một tín đồ BSKH cho biết:

Tiếng cò nghe át la vang,

Đậu khoai nuôi bữa, bắp rang đỡ lòng.”

          Tuy nhiên, công cuộc khai hoang vùng Láng Linh lần lần có kết quả tốt đẹp, nhờ có giống lúa sạ từ Kompong-Cham mang đến. Dân chúng ở khắp Láng Linh và vùng hữu ngạn Hậu Giang bắt đầu dư giả về lúa gạo và nhờ đó mà nhà cửa bắt đầu dựng lên đông đúc. Giống lúa sạ nầy không những thích hợp cho miền Láng Linh, Châu Đốc mà sau đó còn lan tràn đến các tỉnh kế cận như Long Xuyên, Sa Đéc, Vĩnh Long, Rạch Giá, Cần Thơ, Kiến Phong khiến cho miền Hậu Giang và cả vùng Đồng Tháp Mười trở thành cánh đồng phì nhiêu, vựa lúa vô tận của vùng Đông Nam Á. Đó chính là nhờ công đức của Đức Phật Thầy và những môn nhơn đệ tử của Ngài đã đi tiên phuông trong công cuộc khai hoang, phá rừng đốt cỏ, phát triển nông nghiệp và lập nhiều trại ruộng.

           Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn, đó là tình cảm đậm đà tha thiết của người Việt Nam muôn thuở. Thế nên, mỗi khi về Hậu Giang, ngang qua Tòng Sơn với dấu xưa tích cũ hay lên núi Sam nhìn lại tấm bia lờ mờ nét rêu thiên cổ, chắc chắn trong chúng ta ai cũng cảm thấy nao nao trong dạ khi hoài niệm đến các bậc tiền nhân đã dày công khổ nhọc, tưới biết bao giọt mồ hôi xuống cánh đồng bao la bát ngát để hậu thế có được mảnh giang sơn gấm vóc như ngày hôm nay.

Đặc biệt, hàng năm vào ngày 12 tháng 8 âm lịch thì người tín đồ PGHH dù ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào đều tổ chức trọng thể lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An vị Giáo tổ khai sáng nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương như một đền đáp phần nào Tứ Đại Trọng Ân mà Ngài đã dày công hoằng hóa từ hơn 165 năm trước./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn