NHỮNG SỰ KIỆN VÀ DẤU CHÂN CỦA ĐỨC THẦY - Bài viết của Lê Văn Tính

26 Tháng Chín 20202:25 CH(Xem: 2025)
NHỮNG SỰ KIỆN VÀ DẤU CHÂN CỦA ĐỨC THẦY - Bài viết của Lê Văn Tính
NHỮNG SỰ KIỆN VÀ DẤU CHÂN CỦA ĐỨC THẦY
Kính gởi: Chư quý đồng đạo trong và ngoài nước
Kính thưa liệt quý vị,
Đã từ lâu rồi, tôi luôn cưu mang nguyện vọng và hoài bão thiết tha là làm thế nào để thực hiện công việc đi sưu tầm các sự kiện và dấu chân của Đức Thầy trong suốt thời gian Ngài chu du thuyết đạo cứu đời trên khắp mọi miền đất nước. Thế nhưng, vì vấp phải những trở ngại khách quan cho nên mãi đến bây giờ niềm ưu tư mong mỏi ấy cũng vẫn còn nằm trong tâm tưởng, bởi các lý do sau đây:
-Thứ nhất: Trước ngày 30/4/1975 đất nước còn nằm trong trạng huống đối tượng của chiến tranh, nên đường đi nước bước luôn bị hạn chế. Có những nơi hết sức cần thiết phải đến để thu thập sự kiện mà không thể đến được.
-Thứ hai: Tình trạng đất nước bị qua phân giữa 2 miền Nam – Bắc, cho nên muốn đi tìm vết chân của Đức Thầy ở những khu vực nằm bên kia chiến tuyến là điều không thể.
-Thứ ba: Vì các thế hệ tiền bối đã đi xả hết rồi, nhất là những vị đã từng sống và làm việc cận sát với Đức Thầy, nên không còn ai truyền lại những điều mắt thấy tai nghe về mọi hoạt động trong thời gian Ngài đi hoằng truyền chơn lý tế độ quần sanh, cũng như lúc Ngài ra tham chánh cho đến khi Ngài vắng mặt; Và,
-Thứ tư: Sau ngày 30/4/1975, khi chánh quyền miền Nam bị thất thủ, bản thân người cầm bút đã 2 lần bị chế độ cộng sản sanh cầm trong lao lý, trước sau cộng lại là 28 năm tù, coi như là hoàn toàn bị cách với xã hội thì làm gì có cơ hội để tiếp cận thế giới bên ngoài để thực hiện ý nguyện?!
Nhưng rồi dịp may đã đến, đúng là “Nhân hữu thiện nguyện, thiên tất hựu chi”, nhờ ơn trên Tổ Thầy vận chuyển nên tôi gặp được một người bạn đạo đã sẵn sàng cung cấp cho tôi một sự kiện cực kỳ quan trọng liên quan đến các ngôi làng Đồng Thạnh ở miền Bắc. Điều này chẳng những riêng tôi mà hầu hết người tín đồ PGHH đều đặc biệt quan tâm và thao thức kiếm tìm, bởi đây là một trong những sự kiện huyền bí như một ẩn số cần phải được giải mã! Ở đây chúng tôi vẫn không quên bày tỏ niềm cảm động và nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần cao quý của vị đồng đạo thân hữu này, đã vì lòng kính Thầy trọng đạo mà tự thân xuất tiền túi không nhờ bất cứ nhà tài trợ nào, và tự âm thầm đi các nơi để tìm được chính xác địa danh của các ngôi làng mà Đức Thầy của chúng ta đã diễn tả trong bài Để Chơn Đất Bắc trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý toàn tập:
Để chơn đất Bắc Thầy trò,
Dân còn quê kịch hát hò nghêu ngao.
Xóm làng Đồng Thạnh xôn xao,
Cùng nhau bàn tán khác nào trong Nam.
Chúng dân tựu ngũ tùng tam,
Kẻ ma người mị kẻ ham người cười.
Làng này đông đúc nhiều người,
Dân tình cũng được đôi mươi tu hành.
Nhiều người già cả lòng lành,
Có nhiều kỳ lão biết rành tích xưa…
Điều quý báu, mầu nhiệm được khẳng định ở đây là Đức Thầy đến giảng đạo ở các khu vực này Ngài chỉ đi bằng hình thức hóa thân chứ không phải đi bằng xác phàm nhục thể. Ấy vậy mà vẫn tìm thấy và xác minh một cách rõ ràng cụ thể, là bằng chứng vô cùng cao siêu huyền bí, nó vượt ra ngoài khả năng thực nghiệm của khoa học, và vô hiệu hóa hoàn toàn học thuyết duy vật chủ nghĩa của Mác – Ăng Ghen.
Ngoài ra, đây cũng còn là một trong những sự kiện vô hình đã được xác minh, kiểm chứng cụ thể qua một số điển hình về sứ mạng hóa tha của Đức Thầy đã được hiện-thực-hóa ngay từ bước đầu khai đạo. Vì chỉ trong vòng mấy tháng của 2 năm Kỷ Mão (1939) và tháng giêng năm Canh Thìn (1940), mà song song với công cuộc cứu đời trong thực tại, Ngài còn biến thân hóa hiện đi du thuyết khắp 6 tỉnh miền Nam để hóa độ chúng sanh như Ngài đã thố lộ “Dạo lục châu đặng cứu bá gia…*” Ngài xuất hiện bằng nhiều dạng thức khác nhau, chẳng hạn như:
Khi già lúc lại trẻ thơ,
Giả quê giả dốt khắp trong thị thiềng…
Hoặc:
Tớ Thầy liền giả đui mù,
Bèn đi ca hát kiếm xu kiếm tiền.v.v.
Thậm chí Ngài còn đi tận các nơi ở miền Bắc như đề tài đang lý giải và chứng minh hôm nay.
Thực ra muốn thực hiện công tác sưu tầm các sự kiện và những bước chân của Đức Thầy qua gần 8 năm (1939 – 1947) Ngài thực thi sứ mạng giáo đạo cứu đời để kết tập quyển tài liệu lịch sử là cả vấn đề nan giải, vì đã ngót 8 thập niên qua rồi vẫn chưa có tổ chức hay cá nhân nào có thể thu thập đầy đủ để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi và mong muốn cả!
Cụ thể là trước đây ông giáo sư Nguyễn Văn Hầu, Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương, Giáo Hội PGHH suốt 2 nhiệm kỳ đã dồn nỗ lực để lo thực hiện chương trình sưu tầm tìm kiếm này, nhưng kết quả cũng chỉ dừng lại trong phạm vi rất hạn chế mà thôi.
Và sau ngày 30/4/1975, cũng đã có một số đồng đạo nhiệt thành vì Thầy, vì đạo đã quyết tâm đi thực địa, đến những nơi mà Đức Thầy đề cập trong Sấm-Thi và họ còn đi đến một số địa điểm ở miền Bắc nhưng cuối cùng họ cũng chỉ ghi nhận được một số sự kiện nhất định nào đó chứ chưa được toại nguyện theo mục đích yêu cầu. Nhất là họ chưa tìm được ngôi làng Đồng Thạnh như Đức Thầy đã có nói rõ trong bài Để Chơn Đất Bắc. Chính vì thế mà gần đây đã có một vài cá biệt dám đại ngôn quả quyết theo quan điểm chủ quan rằng không bao giờ có ngôi làng mang tên này trên địa phận của miền Bắc! Lời khẳng định này hết sức nguy hại, nếu không muốn nói là cực kỳ tội lỗi, bởi vô tình mình đã cho rằng Đức Thầy nói sai sự thực hay sao?! Thà rằng chúng ta bảo, dù đã có quyết tâm nhưng vẫn chưa tìm thấy thì còn có lý và dễ thông cảm hơn vì nó vượt ngoài tầm giới hạn của mình.
Vậy để làm sáng tỏ vấn đề, câu hỏi đặt ra là có hay không cái ngôi làng bao trùm sự bí ẩn mà Đức Thầy đã nói rõ trong Thi Văn Giáo Lý? Trước hết phải khẳng định rằng: khi Đức Thầy nói ra bất luận điều gì dù lớn hay nhỏ cũng đều là chân lý giáo đời không bao giờ sai lệch cả! Do đó, người cầm bút xin đưa ra cả 3 ngôi làng Đồng Thạnh nằm trong 3 tỉnh ở miền Bắc sau đây để chứng minh giá trị thực tế về sứ mạng trên bước đường chu du cứu thế của Đức Thầy thông qua hình thức hóa thân huyền bí:
1- Tỉnh Vĩnh Phú (là Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay): Làng Đồng Thạnh nằm trong huyện Vĩnh Lộc của tỉnh này.
2- Tỉnh Thái Bình: Đến làng Cổ Quán hỏi thăm thì biết ngôi làng Đồng Thạnh; và
3- Tỉnh Thanh Hóa: Làng Đồng Thạnh nằm trong huyện Ngọc Lặc của tỉnh này.
Tóm lại, vấn đề đặt ra là trong 3 địa điểm đã nêu trên, Đức Thầy chúng ta đều có đặt chân tới hay chỉ có một? Theo thiển nghĩ của người cầm bút thì điều chắc chắn là Đức Thầy đã đến ngôi làng Đồng Thạnh của huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, bởi ở đây có thêm sự kiện liên quan để xác minh ngôi làng này có 1 rừng thông đúng như lời của Đức Thầy đã mô tả:
Rừng Thông bên cạnh gần kề,
Bôn phi lê thứ nhiều bề gian nan.
Bắc Kỳ còn hỡi hò khoan,
Chúng dân đi cấy reo vang ruộng đồng…
Đây chỉ là nhận xét sơ bộ của riêng bút giả mà thôi, mong rằng các giới đồng đạo cả trong và ngoài nước quan tâm bổ cứu để làm sáng tỏ vấn đề vô cùng trọng đại của bước đường chu du hóa đạo của Đức Thầy tôn kính của chúng ta.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Kim Sơn Phật
Thánh Địa Hòa Hảo, ngày Rằm Tháng Bảy-2020
Người viết
Lê Văn Tính
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn