Những từ ngữ "đặc biệt" trong Sấm Giảng và Thi Văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ - Bài viết của Nguyễn Văn Hiệp

02 Tháng Mười 202011:57 SA(Xem: 7944)
Những từ ngữ "đặc biệt" trong Sấm Giảng và Thi Văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ - Bài viết của Nguyễn Văn Hiệp

NHỮNG TỪ NGỮ "ĐẶC BIỆT" TRONG SẤM GIẢNG

& THI VĂN CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ

Bài viết của NGUYỄN VĂN HIỆP

 

          Mỗi khi tán dương văn tài của Đức Huỳnh Giáo Chủ, mọi người thường nhắc đến câu thơ mà Ngài viết trong bài “Nang Thơ Cẩm Tú” tại làng Nhơn Nghĩa ngày 29-5 năm Canh Thìn:“Miệng nhích môi đầy văn tao nhã, Hạ bút thần thơ đã đề khai.”

Sau nầy, Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương Giáo Hội PGHH (Nhiệm kỳ I, 1964-1966) trong bài “Vài nét về Đức Huỳnh Giáo Chủ” có viết: “Văn chương của Ngài cực kỳ bình dân nhưng rất hàm súc hấp dẫn. Ngài viết không cần giấy nháp.” và trong bài Khải Ngôn thì cho biết:“Một điều đặc biệt đáng chú ý là trong khi cầm bút, dù tản văn hay vận văn, Ngài luôn luôn viết thẳng một mạch không vấp không ngưng, không dùng giấy nháp và không hề bôi xóa, cắt xén như các văn sĩ thường làm...”

Thêm vào đó, rải rác trong Sấm Giảng và Thi Văn Giáo Lý, chính Ngài cũng đã tỏ lộ Thánh ý và mục đích của mình:

-“Kể từ nay nói chuyện chiều mơi,
Chớ chẳng nói dông dài khó hiểu.” (Q.2 -Tr.66)
-“Quyết dạy trần nên nói lời thường,
Cho sanh chúng đời nay dễ biết.” (Q.4 -Tr.90)
-“Dạy bổn đạo nói câu trung đẳng,
Chẳng nói cao vì sắp rốt đời.” (Q.4 -Tr.106)
-“Bút nghiên hạ viết bài an lạc,
Dẫu cho người dốt nát cũng nghe.”
(Xuân Hạ tác cuồng thơ -Tr.281)
-“Xuống trần lão dụng khuyến ca,
Đầu đuôi cạn tỏ ngâm nga ít bài.”
(Từ giã bổn đạo khắp nơi -Tr.282)

        Chính vì vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài đã thu phục được gần hai triệu tín đồ tại miền Tây Nam Việt mà đa số là hạng dân quê ít học và chất phác. Điều nầy, đã được Cố Giáo sư Nguyễn văn Hầu nhận xét như sau:-“Phải có lối bình dân giản dị mới làm rung động được những tâm hồn phác thực, trong lành.

        -Phải có tính chất vần vè mới gợi cảm được những quả tim mà từ khi còn ở trong nôi, đã từng biết nghe những câu hát ru em qua tiết điệu Ca dao, thơ Vân Tiên, vè Sáu Trọng.

        -Phải có những tiếng nói, nói được cái nói của gã chèo đò, của cô hàng nước, của bác nông phu, mới có tác dụng kích động tâm tính hồn nhiên của những hạng người ấy một cách chân thành.”

          Cùng với lòng tôn kính vô biên và tán thán văn tài kiệt xuất của Đức Tôn Sư, chúng tôi xin được trình bày về những từ ngữ hết sức “đặc biệt” mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã sử dụng trong các bài thi văn để thấy rằng Ngài quả thật là một bậc siêu phàm, quán thế. Trước hết, như lời Ngài cho biết:

“Chuyển miền Nam địa lung lay,
Nam Trung cùng Bắc một tay giáo đời.”
(Để chơn đất Bắc -Tr.262)

        Vì vậy, chúng tôi thấy tiếng địa phương của ba miền Nam Trung Bắc đều có đủ trong quyển SGTV-TB:

        -Tiếng miền Bắc: vang mồm niệm Phật (tr.34) gà cồ ăn bẩn (tr.91) Ta đà kể nốt (tr.129) đòi xơi bữa (tr.272) gát bút nghĩ suy (tr.251) cất bút mượn thi ca (tr.268) hết bỡn Khùng Điên (tr.281) bút liền ra cơ (tr.283) lầm than bể khổ (tr.292) đút nhét đầy mồm (tr.293) mặc áo, mặc quần (tr.404) thấy bát đầy đây (tr.407) mà nhờm đi thôi (tr.442) để vòi mề đay (tr.463) mà bẩn tiết trinh (tr.466) ...

        -Tiếng miền Trung: chuyện ni tỏ tường (tr.49) chuyện ni rõ ràng (tr.78) thiệt rành tiếng ni (tr.79) bằng ni rõ ràng (tr.79) Về chốn ni (tr.98) đâu biết ở mô (tr.132) cũng lẽ tự ni (tr.206) Bịnh ni là tâm bịnh (tr.364) như thể bây chừ (tr.380) Chừ dầu có (tr.419) hùng cường thế ni (tr.465) dạ mỗ (tr.207) thân mỗ (tr.323)…

        -Tiếng miền Nam: vưng lịnh Minh Vương, Phương Tây (tr.25, 49, 61, 189) dòm xem (tr.37, 44, 264, 271, 288) Dòm biển trần (tr.56) dòm thấy (tr.42, 59) bận áo màu (tr.44) chuông đồng Phật bự (tr.64) nói chuyện chiều mơi (tr.66, 73, 76, 84, 244) rồi lại đói mơi (tr.70) Dòm trước mắt (tr.89) mà dưng làm gì (tr.77) cũng là quá bự (tr.107) cõi Tiên mới bảnh (tr.108) đỡ nưng chống chỏi (tr.124, 336) chay to đám bự...dưng cúng bạc tiền (tr.136) dang lưng mà chịu (tr.94, 369) lớn nhỏ quày vià (tr.200) Đặng trở lợi (tr.203) vưng sắc Ngọc tòa (232) Thừa vưng sắc lịnh (tr.244) đến chưn, ôi ! khó nhảy (tr.265) Dòm khắp chốn (tr.281) Dòm trong bản chữ (tr.283) Lo nưng đỡ (tr.291) dòm êm trời (tr.299) dòm lưng trời (tr.301) mang soi bận áo dà (tr.311) dòm riết chú chàng vùng mắc cỡ (311) dòm ngó...dòm trời (tr.313) có tật đái dầm (tr.384) ổng quên...ổng đành...ổng kéo (tr.422) đứa biểu đầu...đứa biểu đừng (tr.426) Đành ngó non sông (tr.461)…

        Ngoài ra, có những nhóm từ thường xuất phát từ cửa miệng của giới bình dân, quê mùa, chất phác (mà phần lớn là dân miền Tây Nam Việt) cũng đã được Ngài đem vào:

        -chẳng có bao dai (tr.27) -miệng nói vang rân (tr.32) -làm chức nắc nia (tr.33) -con đĩ chó (tr.38) -nhổ bừa cái răng (tr.44) -nói riết dần lân (tr.50) -có ăn bỏn sẻn (tr.58) -chưởi mắng um sùm (tr.64) -các việc tầm phào (tr.75) -ăn xài lả lê -chưởi thề vang rân (tr.84) -thì rinh ra ngoài (tr.85) -thêm bắt chán (tr.188) -thấy chàng ray (tr.187) -rã bèn sạch trơn (tr.215) -khéo bày bá láp (tr.255) -có mấy lăm hơi (tr.271) -lê mê lết mết (tr.291) -quèo móc chi ta...đi xa đánh chén...rỗi nhàn cụng ly (tr.332) -quá cũ mèm! (tr.336) -chần ngần chun ra (tr.378) -đòn bể đít (tr.384) -một lần sướng rang (tr.455) -phùng mang trợn mắt (tr.463) -ngồi trơ mỏ chó (tr.464)…

         Bên cạnh những từ địa phương của ba miền Nam Trung Bắc, còn có một số tiếng Pháp và Tàu cũng được Ngài sử dụng:

-Lang-sa (Francaise = nước Pháp, tiếng Pháp) (tr.20, 77)

-toa mỏa (toi moi = tao mầy hoặc tôi và anh) (tr.362)

-mét-xì (merci = cám ơn)

nơ-quô-rẻn (ne vaut rien = không gì cả)

Xăng-phú-ba-manh (S’en f...pas mal) (tr.372)

-“ách-ta-lê” (Hatle là ! = Ê ! đứng lại đó) (tr.422)

-Ạc-núc (Arnout = tên Thực dân Pháp) (tr.425)

-Đờ-cu (Decoux = Tên toàn quyền người Pháp) (tr.426)

-Phát-xít (Fasciste = bọn độc tài quân phiệt) (tr.46)

-mề-đay (médaille = huy chương) (tr.463)

-Ba-ri (Paris = thủ đô nước Pháp) (tr.465)

-bót (poste de police = trạm cảnh sát) (tr.46)

-xẩm hia (tiếng Trung hoa = thím và anh) (tr.269)

          Hoặc có một vài từ nói lái sau đây:-Dùng tôi thiểu mà an bá tánh (tr.110) tôi thiểu là tiêu thổi.

          (Được biết, khi còn ở Tổ Đình, Đức Thầy thường xưng là “Thầy tu” là thù Tây, hay nói “bán chồng” để chỉ hạng bóng chàng.

          Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) cách nay 385 năm có tiên đoán “Bất chiến tự nhiên thành” còn Đức Thầy thì “Ra đời bất chiến”(tr.192). Phải chăng “Bất chiến” tức là “Biến chất” từ chế độ Cộng sản tự nhiên thành Dân chủ Tự Do mà không cần đổ máu như các nước ở Đông Âu và Liên-Xô hồi 20 năm về trước?).

          Đồng thời, Đức Thầy còn sử dụng một số từ kép nửa mới nửa cũ đã làm cho âm điệu thơ văn của Ngài càng thêm gần gũi với ca dao, hò vè Nam bộ:

          -bông lông (tr.26, 40) -sơ sơ (tr.26, 320) -lăng xăng (tr.30, 40, 44, 46, 130, 310, 332) -thoi loi (tr.45) -dần lân (tr.50) -phang ngang (tr.75) -hoa hoè (tr.76) -lung lăng (tr.78) -hồ đồ (tr.79) -lục thục (tr.93) -lòng dòng (tr.94) -thẳng bẳng (tr.108) -lỏng bỏng (tr.124) -lu bù (tr.130) -bôn chôn (tr.131) -thủng thỉnh (tr.181) -long đong (tr.190, 195, 221, 288, 369) -sồn sộn (tr.19) -lôi thôi (tr.196) -thung dung (tr.224) -lưng chưng (tr.249, 323) -lùng tung (tr.230, 231) -nưa nửa (tr.293) -thỏn mỏn (tr.295) -lung tung (tr.315, 330) -lụp bụp, lây quây, men mét (tr.319) -lỡ vở(tr.332) -lát đát (tr.333) -ong ỏng (tr.337) -ngà ngà (tr.343) -linh đinh (tr.350) -lục đục (tr.368) -lăng quằng (tr.377) -chần ngần (tr.378) -li bì (tr.418) -tanh banh (tr.454)…

          Điều đáng ghi nhận nữa trong cách dùng từ vô cùng “đặc biệt” của Đức Thầy là từ “nói trại” (to mispronounce as...). Thông thường, nói trại là do cách phát âm khác nhau giữa hai miền Nam Bắc như: ngày mơi => ngày mai, võ trụ=> vũ trụ, huỳnh hôn => hoàng hôn, vít tì => vết tì, bịnh tình => bệnh tình, trở lợi => trở lại, đi vìa => đi về…

Hoặc do từ cổ và từ mới như: thoàn => thuyền, giái => giới, quờn => quyền, tầm => tìm, phang => phương, ngỡi => nghiã...hay do sự húy kỵ từ triều đình nhà Nguyễn đặt ra như : Hoa kiều => Huê kiều, Vĩnh Long => Vãng Long, cảnh Tiên => kiểng Tiên… 

          Trong quyển SGTV-TB, chúng tôi tìm thấy có rất nhiều từ nói trại như sau: -thiềng thị là thành thị (tr.39, 40, 48) -Thị thiềng là Thị thành (tr.30, 40, 46, 48, 348) -thiềng lòng là thành lòng (tr.30) -thiềng tâm là thành tâm (tr.33) -Thiên Trước là Thiên Trúc (tr.30, 55, 187) -bực tu mi là bậc tu mi (tr.56, 369) -pháp tràng là pháp trường (tr.56) -đảnh núi là đỉnh núi (tr.69) -đảnh thượng là đỉnh thượng (tr.69) -tầm bực là tìm bực (tr.69) -tầm phương là tìm phương (tr.122) -bốn phang là bốn phương (tr.354) -tầm kiếm là tìm kiếm (tr.54, 250) -máu điều là máu đào (tr.94) -thiệt hành là thực hành (tr.135, 327) -ngũ giái là ngũ giới (tr.99) -Thượng Giái là Thượng Giới (tr.65, 108, 349) -Hạ giái (tr.263), trì giái (tr.298), thế giái (tr.327) là Hạ giới, trì giới, thế giới. -Bát Nhã Thoàn, thoàn nhã là Bát Nhã Thuyền, thuyền nhã (tr.54, 377) -cỡi thoàn là cỡi thuyền (tr.73) -thoàn nhỏ là thuyền nhỏ (tr.187, 232, 263) -thoàn tình là thuyền tình (tr.262) -dời thoàn là dời thuyền (tr.202) -chèo thoàn là chèo thuyền (tr.299) -thoàn linh đinh là thuyền linh đinh (tr.350) -xa xuôi là xa xôi (tr.105, 245, 288, 305, 307, 410) -Khùng troàn là Khùng truyền (tr.104) -sạ duơn là sự duyên (tr.72, 75, 244) -làm duơn là làm duyên (tr.47, 57) -tuần huờn là tuần hoàn (tr.125, 354, 420) -tước quờn là tước quyền (tr.198, 328) -nâu sùng là nâu sòng (tr.422) -các bực là các bậc (tr.265) -bực Thánh là bậc Thánh (tr.292) -bực siêu nhơn là bậc siêu nhân (tr.297) -bực anh hào là bậc anh hào (tr.380) -bực tiên hiền là bậc tiên hiền (tr.117) -đúng bực là đúng bậc (tr.262) -đói mơi là đói mai (tr.70) -chiều mơi là chiều mai (tr.66, 73, 76, 84, 244) -kiểng tiên là cảnh tiên (tr.245, 250) -kiểng vật là cảnh vật (tr.361) -đương cơn là đang cơn (tr.454) -đương đồ thán là đang đồ thán (tr.249) -bốn phang là bốn phương (tr.354) -đoạn tràng là đoạn trường (tr.350) -đảm đương là đảm đang (tr.342) -huỳnh hôn là hoàng hôn (tr.291) -phòng huê là phòng hoa (tr.120) -vinh huê là vinh hoa (tr.43, 137, 258, 460) -trồng huê là trồng hoa (tr.328) -huê mỹ là hoa mỹ (tr.105) -thẳng kiếng là thẳng cánh (tr.134) -thiệt hành là thực hành (tr.135, 327) -đồng thinh là đồng thanh (tr.138) -não nồng là não nùng (tr.106, 204, 254, 259) -thiệt thà là thật thà (tr.340) -nhơn ngỡi là nhân nghiã (tr.393) -đạo ngỡi là đạo nghiã (tr.298) -bằng an là bình an (tr.302, 419) -nhu sĩ là nho sĩ (tr.320) -võ trụ là vũ trụ (tr.352, 385) -vó cu là vó câu (tr.300,319) -yên hào là anh hào (tr.351) -ngày mùng là ngày mồng (tr.230, 231) -tân tấn là tân tiến (tr. 117) -hẫng hờ là hững hờ (tr.139, 362, 451) -hạnh phước là hạnh phúc (tr.472) -hy sanh là hy sinh (tr.473) -giải vi là giải vây (tr.443) -phương phép là phương pháp (tr.211)

          Tuy nhiên, còn một cách dùng từ thật “đặc biệt” nữa của Đức Thầy là đảo ngữ. Có lẽ do nhu cầu âm vận giữa các câu thơ mà Ngài đã dùng rất nhiều từ đảo ngữ trong Sấm Giảng và Thi phú của Ngài. Điều suy đoán nầy, chúng tôi xin chờ các nhà nghiên cứu và các bậc cao minh phán đoán: -cấn gay là gay cấn (tr.27) -thông lảu là lảu thông (tr.35) -pha xông là xông pha (tr.309) # xông pha (tr.123, 416, 418) -hiền tu là tu hiền (tr.312) # tu hiền (tr.220) -thảo lương là lương thảo (tr.488) -trẻ trai là trai trẻ (tr.58) -kính thành là thành kính (tr.58) -lương hiền là hiền lương (tr.54, 58, 60,421) # hiền lương (tr.70, 72) -cần chuyên là chuyên cần (tr.59, 73, 124) # chuyên cần (tr.73) -gạt lường là lường gạt (tr.27) -góp tom là tom góp (tr.301) -trễ bê là bê trễ (tr.387, 319) -thơi thảnh là thảnh thơi (tr.56) -bình hòa là hòa bình (tr.117) -nhứt thống là thống nhứt (tr.104) -tranh cạnh là cạnh tranh (tr.110) # cạnh tranh (tr.117) -hạn nắng là nắng hạn (tr.295) -sầu ưu là ưu sầu (tr.126) -cừu oán là oán cừu (tr.126) -góp tom là tom góp (tr.126, 285) -dân thứ là thứ dân (tr.55) -trang võ là võ trang (tr.118) -tráng cường là cường tráng (tr.124) -Thích-đạo là đạo Thích (tr.204, 265) -siêu cao là cao siêu (tr.224) -tố trần là trần tố (tr.249, 301) # trần tố (tr.292) -giái ngũ qui tam là tam qui ngũ giái (tr.379) # tam qui ngũ giái (tr.377) -tịnh thanh là thanh tịnh (tr.404) -cao thanh là thanh cao (tr.60) -bộn bề là bề bộn (tr.39) -bại lụn là lụn bại (tr.370) -thế trần là trần thế (tr.72) # trần thế (tr.111) -khờ khật là khật khờ (tr.136, 267) -đài lầu là lầu đài (tr.205) -trần hồng là hồng trần (tr.282) -giục thúc là thúc giục (tr.223, 289, 319, 321) -thảo thuận là thuận thảo (tr.295) -liễu kết là kết liễu (tr.314) -châu trân là trân châu (tr.316) -siểm gièm là gièm siểm (tr.334) -xé xâu là xâu xé (tr.348) -sơn xuyên là xuyên sơn (tr.349) -môn tông là tông môn (tr.354) -cau mo là mo cau (tr.362) -luân trầm là trầm luân (tr.371)# trầm luân (tr.411) -cao thanh là thanh cao (tr.384) -trọng tôn là tôn trọng (tr.415) -tầm truy là truy tầm (tr.460) -đạp vày là vày đạp= giày đạp (tr.462) -thơi thảnh là thảnh thơi (tr.56) -xéo vày là vày xéo = giày xéo (tr.129) -tục thô là thô tục (tr.292) -báu quí là quí báu (tr.63) -thương thảm là thảm thương (tr.218, 219) -luận biện là biện luận (tr.298) -cang kỷ là kỷ cang (tr.315, 338)…

          Tuy nhiên, điều cần phải nói thêm là ngoài các từ “đặc biệt” trên, chúng tôi còn tìm thấy được rất nhiều Thành Ngữ và Điển Tích trong quyển SGTV-TB:

          -Thành Ngữ: -Trộm gà cắp vịt (tr.82) -đàng tiên cõi tục (tr.82) -lên ngựa xuống xe (tr.57, 82) -Gà cồ ăn bẩn cối xay (tr.91) -gạo châu củi quế (tr.111) -chia áo rẽ bâu (tr.111) -dày gió dạn sương (tr.115) -ngọc thốt hoa cười (tr.119) -dãi gió dầm mưa (tr.125) -cò bay thẳng kiếng (tr.134) -bọt nước làn mây (tr.134) -rày đó mai đây (tr.134) -gặp sông quên nguồn (tr.139) -mắt lấp tai ngơ (tr.139) -ăn giấy bỏ bìa (tr.285) -nước đổ lá môn (tr.207) -mua bưởi bán bồng (tr.285) -gió kép mưa đơn (tr.244) -kim chi ngọc diệp (tr.288) -được cá quên nơm (tr.293) -đặng chim bẻ ná (tr.293) -thiên kim vạn lượng (tr.293) -đầu trâu mặt ngựa (tr.293) -ngưu đầu mã diện (tr.316) -đồng khô cỏ cháy (tr.301) -tiếng kèn lời huyễn (tr.316) -tang bồng hồ thỉ (tr.318) -mưa hòa gió thuận (tr.321) -biển lấp non dời là dời non lấp biển (tr.321) -phú trọng bần khinh là trọng phú khinh bần (tr.325) -múa mỏ khua môi (tr.329) -miệng mối lưỡi lằn là miệng lằn lưỡi mối (tr.341) -xổ lồng tháo cũi là tháo cũi xổ lồng (tr.342) -Mài sắt nên kim (tr.369) -Mưa đơn gió kép (tr.377) -biển cạn non mòn (tr.378) -Nằm gai nếm mật (tr.380) -Nền xưa nếp cũ (tr.385) -thở vắn than dài (tr.385) -giá áo túi cơm (tr.442) -nghinh tân yểm cựu (tr.55) -đường tà nẻo chánh (tr.64) -nồi da xáo thịt (tr.157) -khóc đứng than ngồi (tr.157) -sửa kiểng trồng huê (tr.328) -tóc bạc da mồi (tr.396) -ăn sống nuốt tươi (tr.58) -trau tâm trỉa tánh (tr.10) -đổi họa làm may (tr.133) -sóng lặng gió êm (tr.134) -thay lòng đổi dạ (tr.293) -thổi lông tìm vít (tr.316) -vạch lá tìm sâu (tr.295) -phùng mang trợn mắt (tr.398, 463)…

          -Điển Tích: Trụ Vương ham mê Đắc Kỷ... (tr.33) Quản chi nắng Sở mưa Tần, (tr.41) mưa Tần nắng Sở (tr.342) Ông Quan, tên ..Vân Trường...(tr.41) Non cày vua Nghiêu (tr.42), thời buổi Thuấn Nghiêu (tr.324) Chàng Lý Phủ... Trọng Ngư (tr.37) Thói Điêu Thuyền, Lữ Bố (tr.55) Xưa mạt Thương, non Kỳ, Bởi Võ Vương... (tr.56) Xưa Tây Bá ...Dũ lý (tr.56) Ghét bạo chúa Trụ Kiệt. thương Minh Vương, Thuấn Nghiêu (tr.56) Ở Cao Miên vì mến Tần Hoàng (tr.57) Theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú (tr.61) Đức Lục Tổ ít ai dám sánh (tr.99) Thần Tú ra đời...(tr.278) Thần Tú bày chè (tr.370) Cầu Lam (tr.71) Lam kiều được lên (tr.271) Non Tần (tr.71), ác thú non Tần (tr.95), chư quốc non Tần (tr.205) Ngũ Viên Kỳ (tr.77), bốc ngọn lửa Tần (tr.349) Gia Tĩnh triều Minh...nàng Kiều (tr.84) Hớn Hoàng (tr.85) -Mạnh Tông khóc măng (tr.85) Đời Bàn Cổ (tr.94) -Trạng Trình truyền sấm. Nhớ thuở..Lương Võ Đế (tr.101) Tử Phòng (tr.110) Mắc kế Trương Lương (tr.192) Lão Bành (tr.112) Nhan Hồi còn trẻ (tr.112) thầy Nhan bầu nước...(tr.298) Thuở Trung Quốc nhà Châu Chiêu Đế (tr.118) Vua Tề với vợ Thôi Tử, An lộc Sơn với Dương quí Phi (tr.154) Gương Thạch Sùng, Vương Khải (tr.157) Thạch Sùng, Vương Khải (tr.270) Chim Ô đà dựa cầu Ngân (tr.202, tr.274) Say như Lưu Khánh..Say thể Trần Đoàn...(tr.214) Say như Nhơn Quí (tr.214) Hiền thần Nhơn Quí (tr.286) Non Lịch rừng nhu (tr.246) -Diệm Hồng Liên thơ thới...(tr.267) Bá Nha hiệp mặt...Tử Kỳ trổi giọng (tr.280) Ngặt ông thất thủ Hạ bì (tr.281) -Tam Hoàng Thượng cổ...(tr.281) Tử Nha hưng Châu (tr.281) Trụ kia bạo ác...Võ Vương hữu đức...(tr.281) Thuyền Đông Pha lèo lái...(tr.282) -đợi thời vua Kiệt hồi qui (tr.282) Đường Tăng...may nhờ Đại Thánh (tr.282, 287) Hạng Võ mắc lừa Trương Lương (tr.286) kế Trương Lương (tr.369) Cửu Thiên (tr.286) tỉnh giấc Nam Kha (tr.288) Giấc mộng Nam Kha (352) chợt tỉnh Nam kha (tr.381) Trưng Vương (tr.290) -Xưa Châu Xáng..ngăn Sư Đồ..cứu Ngũ Viên (290) Say như...Huỳnh Bào. Trần Di ngủ say (tr.291) Tạo Lư Bồng...Khương Tử Nha...(tr.291) -Đức Khổng Thánh...nước Lỗ (tr.92)...Chiến Quốc Xuân Thu...Thầy Mạnh...(tr.292) Trương Ban Xương...Tống Khâm Tôn (tr.293) -Gã Tần Cối...Nhạc Phi (tr.293) Thuở Hiến Đế...nhà họ Đổng nhờ Tư Đồ...lập Liên Hoàn. (tr.293) Lưu Hoàng Thúc nhờ Viên Thiệu. Quan Công Hầu. (tr.293) Cấp cô Độc là nhà bá hộ (tr.294) -người Bùi Kiệm, Tiên mù...Trịnh Hâm (tr.294) đức Hoàng Thang luật chế (tr.295) -Gặp Biển Thước, Hoa Đà ...(tr.295) Mưa Ngâu...sương Đông hạ (tr.295) Tam Tạng, Bát Giái, Sa Tăng, Đại Thánh Tề Thiên (tr.299) Nhạc âm Châu Võ...(tr.308) -chàng Nhạc Nghị, Ông Bàn Cử. (tr.320) Hằng Nga, Hậu Nghệ, U đô, Dương cốc...(tr.322) -Hằng Nga (tr.381) Khổng Minh nhờ gió (tr.341) chỉ Võ Hầu..(tr.474) mộng Võ Hầu (tr.475)…

(Ghi chú: Đặc biệt những số trang trích dẫn trong bài tham khảo nầy được xuất xứ từ quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ - Ấn bản năm 1965).

          Thật ra, những từ “đặc biệt” mà chúng tôi liệt kê trên đây vẫn chưa đầy đủ và hoàn toàn chính xác. Sở dĩ chúng tôi đưa ra vấn đề nầy vì có những mục đích như sau:

          1/-Quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ là Kho tàng Pháp bảo vô cùng quý giá không những dành làm của riêng cho tín đồ PGHH mà còn phải ban phát đến toàn thể nhơn loại. Vì vậy, ngoài việc điều chỉnh một số lỗi Chánh tả (mà phần lớn là do lỗi của ấn công), chúng ta còn phải tiến hành việc Chú thích hoặc Chú giải những từ ngữ cổ, từ nói trại, đảo ngữ từ, từ Hán-Việt, từ ngoại quốc, thành ngữ, điển tích, cố sự...nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa những lời dạy bảo quý báu của Đức Huỳnh Giáo Chủ mà từ hơn 70 năm nay có rất ít người quan tâm nghiên cứu. Chúng tôi nói đến việc điều chỉnh lỗi Chánh tả (theo tinh thần Thông báo số 40/BTS.TƯHN ngày 10-07-2004 của Ban trị sự Trung Ương Hải Ngoại) và Chú thích cùng Chú giải chớ không dám nói đến việc sửa đổi Sấm Giảng và Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ vì chúng tôi quan niệm rằng bất cứ ai hễ là thân phàm mắt thịt đều không được quyền sửa đổi bất cứ câu Sấm Giảng hay Thi Văn nào của Đức Thầy ngay cả những dấu chấm, phết.

          2/-Chúng tôi đề nghị Chú thích hoặc Chú giải quyển SGTV-TB của Đức Thầy vì nhận thấy trong đó có rất nhiều từ ngữ “đặc biệt” nên người đọc không rõ nghĩa hoặc hiểu một cách lệch lạc. Chẳng hạn như : -sạ duơn (tr.72, 75, 244) -đồ hổ bịt (tr.79) -mấy đon đời nầy (tr.83) –hình vóc dảy chưn (tr.200) –chững mới rầu (tr.224) -tìm đạo quá mòm (tr.301) –nào khờn dạ ái (tr.304) -niềm chích mát (tr.355) cái nhiệt vọng (tr.437)... Đặc biệt là có gần một trăm bài thơ bằng chữ Hán, hàng trăm Thành ngữ, Điển tích và cố sự nếu được các bậc cao minh hoặc quý cao đồ để tâm chú giải thì Kho tàng Pháp bảo nầy sẽ trở nên vô giá. Chúng tôi là tín đồ PGHH thuộc thế hệ thứ ba, có chút ít học vấn nhưng còn rất nhiều câu trong Sấm Giảng và Thi Văn của Đức Thầy vẫn không hiểu nghĩa, nhứt là những bài thơ bằng chữ Hán thì lại càng mù tịt. Chúng tôi nghĩ rằng khi đến đời con cháu sau nầy, chúng sẽ gặp nhiều trở ngại mỗi khi muốn nghiên cứu hoặc học hỏi Giáo lý của Đức Thầy.

          3/-Quyển SGTV-TB hiện nay đã được tái bản lần thứ 9 tại Hải ngoại và lên đến 584 trang (Ấn bản 2004). Vì vậy, nếu có thêm phần Chú thích hay Chú giải thì quyển sách sẽ rất dầy không tiện khi sử dụng. Do đó, chúng tôi đề nghị nên có quyển Chú thích & Chú giải SGTV-TB riêng biệt để những ai muốn tìm hiểu, tra cứu nên chịu khó dùng thêm quyển sách nầy.

          4/-Những đề nghị của chúng tôi hôm nay thực ra đã do Viện Nghiên Cứu PGHH (do cố đồng đạo Trần văn Tươi làm Viện Trưởng và đồng đạo Trần Bá Phải làm Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành) đề xuất trong Chương trình hoạt động của Viện từ năm 1996. Tuy nhiên, tính đến nay đã trên 14 năm nhưng không biết kết quả đã đi đến đâu rồi, không ai được biết. Trong hoàn cảnh hiện thời, Giáo Hội PGHH không thể tổ chức các lớp đào tạo Giảng viên Phổ thông Giáo lý như xưa kia, nên công việc biên soạn để giải nghiã các từ ngữ, cũng như giải thích những lời dạy của Đức Thầy thật vô cùng cần thiết.
          Theo quyển “Phật học Phổ thông” do Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn thì sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni Phật nhập Niết bàn đã có đến bốn thời kỳ kết tập kinh điển tại Ấn Độ. Trong bốn kỳ kết tập nầy thì hai kỳ đầu chưa cần đến sự biên chép, nghiã là chỉ đọc tụng lại, xem lời lẽ nào là của Đức Phật đã nói ra, hay xét cho những ý nghĩa nào là đúng với chánh pháp. Đến thời kỳ thứ ba và thứ tư mới dùng đến văn tự để biên chép thành sách vở. Trong sự biên chép nầy, chư Tăng chia làm hai phái: Phái Nam thì ghi bằng văn Pali, còn phái Bắc thì ghi bằng văn Phạn. Được biết, kỳ kết tập thứ ba được tổ chức sau hơn hai thế kỷ kể từ ngày Đức Phật nhập Niết bàn (274 năm trước Tây lịch) còn kỳ kết tập thứ tư xảy ra vào thế kỷ thứ nhứt của Tây lịch.
          Theo đó, chúng ta là tín đồ PGHH phải nói là rất “có phước” vì những lời giáo huấn của Đức Tôn Sư đều được lưu lại đầy đủ bằng giấy trắng mực đen và được kết tập thành quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ. Là những tín đồ trung kiên của Đức Huỳnh Giáo Chủ, không gì khác hơn là tuân thủ theo Giáo pháp của Ngài, tu hành theo những Pháp môn mà Ngài truyền thụ và đặc biệt là phải truyền bá cùng phát huy Giáo lý PGHH đến khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Những tín đồ PGHH hiện đang sống ở hải ngoại, phần lớn là ở độ tuổi 60, 70 hoặc 80 có nghĩa là những bước thăng trầm của nền đạo PGHH trải dài trong các thập niên vừa qua, quý vị đều có chứng kiến và thu hoạch được nhiều kinh nghiệm sống. Đồng thời, những điều thấu đáo của quý vị về Giáo lý PGHH chắc chắn không phải ít. Chúng tôi tha thiết yêu cầu quý vị nên đem sở học của mình có liên quan đến Sấm giảng và Thi văn của Đức Thầy truyền thụ cho thế hệ kế thừa cũng như làm cho nền đạo PGHH ngày càng phát khai rực rỡ. 
          Thời gian gần đây, chúng tôi may mắn đọc được bảy quyển “Chú giải Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ” do ông Thiện Tâm tức cố đồng đạo Bùi văn Ưởng dày công biên soạn. Đồng đạo Thiện Tâm là một Cư sĩ cả đời xả thân tu học, là Giảng viên trong Ban Hoằng Pháp chùa Tây An Cổ Tự và Ban Phổ Thông Giáo Lý Giáo Hội Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo trước năm 1975. Vì nhận thức sự cần thiết của một bộ Chú Giải Sấm Giảng Thi Văn để giúp chư đồng đạo khắc phục các trở ngại nêu trên nên đã bỏ thật nhiều thời gian và công sức tự nguyện đứng ra làm công tác khó khăn nầy. Nhận thấy đây là tập tài liệu vô cùng quý báu rất có giá trị, đặc biệt là đã Chú giải các quyển Sấm Giảng và một số bài Thi Văn tiêu biểu của Đức Thầy một cách tường tận để đồng đạo chúng ta hoặc thế hệ mai sau mỗi khi muốn học hỏi hoặc nghiên cứu Giáo lý của Đức Thầy đều cảm thấy thoải mái và thâu thập nghĩa lý một cách tinh tường, nhanh chóng. Vì vậy, ước mong quý đồng đạo có thẩm quyền nhất là Ban Phổ thông Giáo lý Trung Ương GH/PGHH nên đặc biệt lưu tâm đến bộ sách hữu ích nầy để phát động công tác ấn tống sớm được hoàn thành viên mãn./.

Nam Mô A Di Đà Phật!

 

NGUYỄN VĂN HIỆP (2008)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn