NGUYỄN TRUNG TRỰC trong lòng người dân Nam bộ - Bài viết của Huỳnh Hoài

06 Tháng Mười 202012:37 CH(Xem: 5391)
NGUYỄN TRUNG TRỰC trong lòng người dân Nam bộ - Bài viết của Huỳnh Hoài

NGUYỄN TRUNG TRỰC

TRONG LÒNG NGƯỜI DÂN NAM BỘ

                                                                                                                                            Bài viết của Huỳnh Hoài
“Tử vì nước còn ghi linh miếu,
 Thác vì đời thanh sử danh bia.”
    (Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ)2020-10-06_113428

          Nguyễn Trung Trực là một vị anh hùng dân tộc đã hi sinh anh dũng cho nghĩa cả cứu nước, cứu dân cách đây vừa tròn 150 năm.

          Ông tên thật là Nguyễn Văn Lịch, thường gọi Chơn, sinh năm 1837 (Đinh Dậu), người làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), mấy đời sinh sống bằng nghề chài lưới. Ông Nguyễn hi sinh ngày 27 tháng 10 năm 1868 (12.9 Mậu Thìn) tại Rạch Giá.

Là con đầu trong gia đình 8 người con của ông Nguyễn Văn Phụng và bà Lê Kim Hồng. Từ nội tổ Nguyễn Văn Đạo, người ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) di cư vào Tân An.

          Tháng 2 năm 1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Ứng theo lời kêu gọi của vua Tự Đức triều Nguyễn, ông đã chiêu mộ quân lính tham gia gìn giữ Đại đồn Chí Hòa, dưới quyền của Trương Công Định. Nhờ lập được nhiều chiến công khắp chiến trường Gia Định, Biên Hòa, … nên được triều đình nhà Nguyễn phong chức Quản cơ, Lãnh binh, rồi Hà Tiên thành Thủ úy. Ông Nguyễn rơi vào tay giặc và thọ hình ngày 27.10.1868 tại chợ Rạch Giá, lúc mới 31 tuổi.

Danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt đương thời bấy giờ có điếu Ông Nguyễn một bài thơ, trong có hai câu rất xuất sắc, để nhắc đến hai chiến công vẻ vang của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực:

“Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”
(Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần).

          Và đây, sử Nhà Nguyễn ghi về công lao của Ông: “Khi ấy quân Tây dương đỗ tàu bọc đồng ở phần thôn Nhật Tảo. Quyền sung Quản binh đạo là Nguyễn Văn Lịch sai sung Phó quản binh đạo là Hoàng Khắc Nhượng, Võ Văn Quang đều đem binh thuyền dọc theo ven sông, tới gần chỗ tàu quân Tây dương đậu, chia quân phòng bị và đặt quân phục kích, bèn đem 59 viên nhân quân chiến tâm chia làm 2 đạo, giả làm thuyền buôn thẳng tới tàu Tây dương, nhảy lên trước đâm chết 4 tên người Tây dương, những người cùng đi đều nhảy lên tàu một lượt giết bừa đi. Quân Tây dương nhảy xuống sông, hoặc chết hoặc thoát thân; còn thì chui xuống khoang thuyền chống bắn. Quang liền hô 30 tên phục binh nổi dậy tiếp chiến. Bọn quản toán là Nguyễn Học, lương thần là Hồ Quang lấy búa sắt phá tàu của Tây dương không vỡ, tức thì phóng lửa đốt cháy hết. Vua thưởng cho bọn Lịch, Quản cơ Nhượng, Quang cộng 20 người làm Cai đội, đều cho ngân tiền và thưởng chung cho binh đinh 1.000 quan tiền, 4 người bị chết cấp cho tiền tuất gấp 2 và ấm nhiêu cho con hay cháu gọi bằng chú bác ruột. Lại chẩn cấp cho những nhà thôn ấy bị Tây dương đốt cháy.

          Thự Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, lĩnh Tuần phủ Định Tường là Đỗ Thúc Tĩnh đều nói trận này là trận xuất sắc nhất, cho nên mới thưởng cho hậu…(1).

Ông Nguyễn trong lòng người Nam bộ.

          Để tỏ lòng tôn kính, dân chúng gọi Nguyễn Trung Trực là “Ông Nguyễn” và đã lập đền thờ cúng ông khắp nhiều nơi ở Tây Nam Việt: Long An, An Giang, Rạch Giá, Phú Quốc, … nhang khói không ngừng. Ngay cả thời Pháp thuộc việc thờ cúng này đã có. Hằng năm, trong lễ kỷ niệm ngày Ông Nguyễn hi sinh, tại Rạch Giá luôn có rất đông quần chúng tự động về tham dự.

          Sau khi ông qua đời, “vua tự Đức [nhà Nguyễn] sắc phong Trực làm Thượng đẳng linh thần thờ tại Vĩnh Thanh Vân (Rạch Giá).” [2]

          Đình thờ Ông Nguyễn ở Rạch Giá: Sau năm 1869, ngày Nguyễn Trung Trực thọ hình, dân chúng tỏ lòng tôn kính, khắc một bài vị tên Ông bằng chữ nho, thờ chung bên trong miếu thờ cá Ông ở Rạch Giá. Chính vì việc nầy, trong lễ kỳ yên năm 1908, “…, trong lễ cúng kỳ yên tại đình, Chủ tỉnh Rạch Giá người Pháp tới dự. Tên này biết chữ nho và đọc được linh vị của Nguyễn Trung Trực nên hậm hực bỏ về.” (3)

           “Năm 1957, linh vị cụ Nguyễn được thỉnh vào bàn thờ chính giữa đình, vị trí của Thành hoàng bổn cảnh. Với hành động này, nhân dân Rạch Giá đã mặc nhiên tôn cụ Nguyễn là Thành hoàng bổn cảnh của mình. Cũng từ năm này, đình chính thức mang tên đình Nguyễn Trung Trực.” (4)

          Lễ giỗ Ông Nguyễn tổ chức ngày 28.8 tại Rạch Giá trước ngày mất hơn nửa tháng. “Các chi tộc con cháu cụ Nguyễn ở Long An, Cái Bè đều giỗ vào ngày 12.09 âm lịch” (5), tức đúng ngày mất thọ hình của Ông. Nguyên nhân này có thể, do: 28.8 là ngày lễ kỳ yên của cá Ông có từ khi miếu mới thành lập, tức có trước năm 1869 lấy ngày nầy làm lễ. Rồi đến năm 1869, khi ông Nguyễn thọ hình, dân chúng khắc bài vị Ông Nguyễn đem vào thờ chung với cá Ông. Do dưới thời Pháp chính sách nghiêm hình, nên vẫn giữ ngày kỳ yên cũ là 28.8 hàng năm, không thể lấy ngày 12.9 sẽ làm lộ việc thờ cúng bí mật nầy. Việc nầy cần có sự nghiên cứu thêm của các nhà sử học.

          Giỗ Ông Nguyễn ở Rạch Giá là một trong các lễ lớn ở Nam bộ, luôn có rất đông quần chúng tự động về tham dự.

Ông Nguyễn với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương

          “Giữa lãnh tụ Nguyễn Trung Trực và Bửu Sơn Kỳ Hương có mối liên hệ bắt đầu từ khi ông về tá túc với gia đình họ Lâm tại làng Mỹ Hội đồng tỉnh Long Xuyên. Tại đây ông sống theo nếp sống tu hành Bửu Sơn Kỳ Hương, thường mặc áo nâu sồng, và lâu lâu ngồi thuyền lên cù lao nhỏ Bình Thạnh Đông thăm Cố Quản Trần Văn Thành. Ông sống rất đạm bạc, mỗi bữa cơm chỉ ăn một con khô sặc. Trên đây là do lời thuật của ông Cả Mười, trong gia đình họ Lâm.” (6)

          Khi hay tin Nguyễn Trung Trực bị Pháp hành hình ở Rạch Giá, Đức Cố Quản Trần Văn Thành đang dấy binh chống Pháp tại Bảy Thưa (Châu Đốc), "Cố bùi ngùi vô hạn. Cố truyền cho binh sĩ phải lặng lẽ ba ngày để tưởng niệm vị anh hùng vừa quá cố, lại sai người làm riêng một linh vị, khắc tên họ cụ Nguyễn, để lên thờ trên án tướng sĩ trận vong mà Cố đã cho đặt ra ở một bên quân doanh." (7)

          “Có một chi tiết đặc biệt là dù lễ cúng Nguyễn Trung Trực diễn ra ở đâu và khi nào thì lễ vật ở bàn thờ chính vẫn là đồ chay cùng với hoa quả, trà rượu. Các món mặn như heo, gà… chỉ dùng để cúng binh gia ở bàn ngoài. Tại đình Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, trong và sau giỗ 3 – 5 ngày còn có tổ chức phục vụ cơm chay cho bá tánh thập phương. Việc cúng chay mang đậm tính Phật giáo này có thể là do Nguyễn Trung Trực có gia nhập đạo Bửu Sơn Kì Hương. Ngay từ những ngày đầu mới kéo quân về miền Tây, ông đã sớm tiếp xúc và gia nhập đạo Bửu Sơn Kì Hương, đồng thời lại là đồng chí thân thiết của Đức Cố quản Trần Văn Thành, một đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An.” (8)

Ông Nguyễn trong lòng người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo

          Trong bài “Lý lịch” Đức Huỳnh Giáo chủ ra đời có đoạn:

“THƯỢNG thẩm Đạo mầu nẻo cao sâu,

ĐẲNG đẳng hãy làm chớ để lâu.

ĐẠI pháp vô vi là chơn lý,

THẦN làm trọn vẹn khỏi lo âu.”

 

          Hay trong bài  thơ của «Ông Bán Chiếu» có đoạn:

“Xưa nay sáu chữ lạnh tanh,

Kim Sơn Phật ấy giáng sanh đành rành.

Ngưỡng cầu Thượng Đẳng Đại Thần,

Phải ra trị nước bảo toàn lê dân.”

          Tín chúng Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) cảm nhận: Có tinh thần, khí tiết Nguyễn Trung Trực “hiện diện” rõ trong Đức Giáo chủ của mình.

          Khi Đức Thầy dắt Đức Ông đi núi, Đức Ông có kể lại: “… Đi được một đoạn đường Ngài bảo Đức Ông mặc đồ lớn vào, rồi chỉ một người ngồi trên vồ đá mà rằng: Đây là ông Nguyễn Trung Trực. Người ta nói ông bị Tây giết mà nay ông còn sống đó. Vậy ông Cả nên lại làm lễ và nói chuyện với Quan Thượng Đẳng. Đức Ông đến nói chuyện và làm lễ hai lạy rồi từ tạ ra đi.”   (9)

          Vì vậy trong Sấm giảng thi văn, Đức Thầy viết:

“Đến hội trăm quan còn hiện được,
 Thì ra xác thịt có cần đâu?”

          Triều đình phong thần cho Nguyễn Trung Trực là Thượng đẳng linh thần. Trong PGHH, theo lời kể của ông Huỳnh Hữu Phỉ, Đức Thầy chỉ dạy ông Phỉ “còn thiên đình thì phong cho Ngài làm Quan Thượng đẳng đại thần … Những trường hợp nguy nan hay hoạn nạn nên niệm danh hiệu của Ngài thì chắc chắn được Ngài bảo hộ.(10) Toàn thể tín đồ PGHH luôn tin tưởng thời nầy là thời của quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực, nên khi gặp khó khăn luôn cầu xin sự gia hộ của Ngài.

          “Sở dĩ Ngài được tôn vinh như vậy là vì Ngài có đủ các đức tính: Hiếu, Nghĩa, Trung, Trí, Dũng và Nhân. Chính các đức tính đó và tinh thần Vô Úy, không vị kỷ, chí không sờn, lòng không sợ, gian nan không nản, khổ cực không màng, giàu sang không mến, phú quí chẳng ham, danh lợi không cần, nghèo hèn không đổi, hy sinh cả mạng sống để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân, quốc gia dân tộc.” (11)

          Nguyễn Trung Trực được coi là hàng Tăng bảo trong PGHH. Trong bài “Quy y” có nói:  “Quan Thượng Đẳng Đại Thần (…) quy y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo”.  Vì Quan Thượng Đẳng Đại Thần đã quy y tu theo Phật đạo rồi, nên nay tín đồ PGHH cũng cùng quy y theo Ngài, quy y theo Phật đạo. Ông được tin đã ẩn trong xác phàm của Đức Huỳnh Giáo chủ để truyền bá đạo Phật, nên tín chúng đã kính ngài là Tăng bảo trong PGHH.

          Nhân đây cũng xin giải thích một nghi vấn mà nhiều người chưa hiểu rõ PGHH vẫn còn thắc mắc: Tại sao “Quan Thượng Đẳng Đại Thần và Chư vị Năm non Bảy núi…” lại được  thờ trên ngôi Tam Bảo?”. Theo tôi, có lẽ bởi vì các vị nầy đã quy y theo Phật đạo rồi, và đã được Đức Thầy mời xuống núi cùng theo Thầy để truyền bá đạo Phật.

“Vậy hỡi chư Thần mau nối gót,
Theo Thầy dắt chúng khỏi nồng cay.”

          Cho nên “Chư vị” nầy cũng được kính là hàng Tăng bảo trong PGHH, chứ không phải bất cứ vị chánh thần nào cũng kính như thế.

          Vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ trước, sau khi trùng tu xong ngôi chùa Tây An Cổ Tự tại Long Kiến, Chợ Mới thì tín đồ PGHH cũng xây ngôi đình thần thờ Nguyễn Trung Trực tại đây, và họ đã tổ chức phái đoàn đi  rước sắc thần Ông Nguyễn ở Rạch Giá về thờ. Trước năm 1975, ngày giỗ của Ông Nguyễn đã được ghi vào lịch lễ chính thức của PGHH, và được hàng triệu tín đồ tham gia tổ chức khắp nơi trên thế giới.

          Hằng năm, đến ngày kỷ niệm Ông Nguyễn hi sinh vì nước, ban trị sự các cấp trong PGHH đều tổ chức lễ để tưởng nhớ. Ngoài việc tổ chức tại địa phương nơi các đình có thờ Nguyễn Trung Trực, tín đồ PGHH còn nườm nượp tề tựu về Rạch Giá để tham dự ngày kỷ niệm này, chiếm đến khoảng 80% lượng khách hành hương tham dự lễ hội. Họ đi từng đoàn, mang theo gạo, tương, bầu, bí, rau … nông sản do họ sản xuất để tổ chức các trại cơm, trại võng, trại nước … hoàn toàn miễn phí, cung cấp cho khách đi lễ hội.

          Ở miền Tây ngày nay, có 2 lễ hội dân gian quy tụ rất đông người tham dự, đó lễ giỗ Ông Nguyễn (Trung Trực) ở Rạch Giá và lễ kỳ yên của bà Chúa Xứ núi Sam. Chúng ta thấy rõ, khách đến Rạch Giá từ các nơi xa xôi để dự lễ Ông Nguyễn chiếm tới 80% là tín đồ PGHH. Trong khi lễ bà Chúa Xứ diễn ra ngay trong tỉnh nhà. quê hương của Đức Huỳnh Giáo chủ (Hòa Hảo, An Giang) thì tín đồ PGHH lại đi dự không tới 1%, có lẽ vì họ không biết rõ căn tích bà Chúa Xứ và bà Chúa Xứ cũng không phải anh hùng dân tộc?

          Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo dù kính trọng Quan Đế Thánh Quân trang nghĩa khí. Nhưng người tín đồ không phượng thờ và hành lễ. Vì Đức Huỳnh Giáo chủ khẳng định phượng thờ và hành lễ: "Chỉ thờ lạy Đức Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ lúc còn sống và các vị anh hùng cứu quốc..." (12) Nên đã thành công trong việc thay hình tượng Quan thánh Đế quân và các gia thần độ mạng trong lòng người Việt miền Tây bằng hình tượng anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, và đã giúp giảm thiểu ở mức đáng kể tập quán thờ cúng các vị thần ngoại lai không công trạng gì với lịch sử đất Việt.

          150 năm qua, tình cảm của người dân Nam bộ nói chung và tín đồ PGHH nói riêng đối với Ông Nguyễn rất là sâu đậm, và mãi mãi về sau càng sâu đậm hơn. Trong lòng người PGHH, Ông Nguyễn là vị thần làm gương cho họ, có khó khăn họ vái ngày phù trợ. Đức Huỳnh Giáo chủ đã thay thế thành công vị Thần nước Việt./.

__________________________________

(1) Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, ĐẠI NAM THỰC LỤC, Tập 7, NXB Giáo Dục, 2007, tr.760

(2) Vương Hồng Sển, Tự vị Tiếng Nói Miền Nam, NXB Trẻ, 1999, Tr, 439: “…. Vua Tự Đức sắc phong Trực làm thượng đẵng linh thần thờ tại Vĩnh Thanh Vân (Rạch Giá)

(3) (Bài vị thờ chung nơi đền thờ Nam Hải tướng Quan ở Châu thành Rạch Giá. Nam Hải tướng Quân là chức phong cho cá ông hay cá voi, do vua ban. Sở dĩ thờ chung như vậy, nghe đâu là do bác sĩ Pháp Le Nestour, có vợ Việt, làm hương cả làng Vĩnh Thanh Vân đề nghị thờ chung như vậy để tham biện chủ tỉnh Rạch Giá không nghi kỵ và ký tên cho phép.”

(4) Anh Kiệt, Kỳ lạ lễ giỗ Nguyễn Trung Trực trước ngày hy sinh gần nửa tháng: http: //baophapluat.vn.tieu-diem.ky-la-le-gio-nguyen-trung-truc-truoc-ngay-hy-sinh-gan-nua-thang-182761.html

(5) Anh Kiệt, Kỳ lạ lễ giỗ Nguyễn Trung Trực trước ngày hy sinh gần nửa tháng: http:  //baophapluat.vn.tieu-diem.ky-la-le-gio-nguyen-trung-truc-truoc-ngay-hy-sinh-gan-nua-thang-182761.html

(6)  Lê Công Lý, Nguyễn Trung Trực trên đất Long An: http: //www.namkyluctinh.com.a-lichsu.lecongly-ntrungtruc.pdf

(7)  Vương Kim, Đức Huỳnh Giáo Chủ, NXB Long Hoa, 1975, tr. 59-60.

(8) (Vương Kim, Tu hiền, NXB Long Hoa, 1972, tr. 49-50.  Nguyễn Long Thanh Nam, Phật giáo Hòa Hảo trong dòng lịch sử dân tộc, NXB Đuốc Từ Bi, 1991, tr.153.

(9) Nguyễn Văn Hầu, Đức Cố Quản hay là cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, 1956, tr. 72. Vương Kim, Đức Huỳnh Giáo Chủ, NXB Long Hoa, 1975, tr. 59-60.

(10) Vương Kim, Tu hiền, NXB Long Hoa, 1972, tr. 49-50.

(11) Trương Văn Thạo & Nguyễn Văn Hiệp, Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực, 2014, tr. 95.

(12)  Sấm giảng thi văn, sđd., tr. 166

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn