“CHỮ HÒA-THUẬN KỂ SAO CHO XIẾT" - Bài viết của Nguyễn Hiếu Trung

26 Tháng Hai 20251:19 SA(Xem: 159)
“CHỮ HÒA-THUẬN KỂ SAO CHO XIẾT" - Bài viết của Nguyễn Hiếu Trung
“CHỮ HÒA-THUẬN KỂ SAO CHO XIẾT,
Tâm đồng nhau thượng thiện vui vầy.”
 Nguyễn Hiếu Trung

           Lịch sử nhân loại đã trải qua rất nhiều khổ đau trong việc giải quyết các mâu thuẫn xung đột: bằng bạo động, bằng chiến tranh, bằng loại trừ một mất một còn, gây ra biết bao thảm họa. Chúng luôn  gieo rắc vào tâm thức con người đầy dẫy những bất an, kinh khủng!.

Thảm trạng sảy ra, chính là do lòng tham của con người dẫn đến sự bất hòa, phân hóa; khiến cho con người cuốn trôi theo vòng tục lụy.... Để khắc phục, Đức Phật từng chế định ra sáu pháp hòa kính (Lục hòa), có năng lực hóa giải tất cả mọi xung đột giữa cá nhân và tập thể, trong cuộc sống chung đụng từ vật chất đến tinh thần cho môn nhân đệ tử được hòa thuận, khiêm nhu, ái ngữ lẫn nhau mà tu tập (1).

Nối theo chí Thích Ca, Đức Giáo Chủ PGHH cũng khuyến nghị:

 “Lúc sống sanh tìm lấy cuộc nhân hòa,
                     Chữ thuận thảo hay hơn là tranh đấu”.
Chúng ta là người con Phật cần phải có tinh thần “hiếu  Hòa” để trở  thành điều ước nguyện chân thành, yêu thương, liền ruột cội nguồn với đồng bào và nhân loại, hầu biến “Ước mơ thế giới lân hòa hảo” trở thành hiện thực!.  

“Hòa” chữ tượng hình của Trung Quốc xuất hiện thời văn hóa lúa nước mang một mơ ước thật giản dị.  Chữ Hòa có nhiều lối viết, ở đây xin đơn cử hai loại.

1./ Chữ Hòa gồm hai phần: nửa bên trái vẽ hình cây lúa biểu tượng một cánh đồng vàng rộm, đang chờ thu hoạch; nửa bên phải là chữ khẩu (cái miệng) biểu tượng con người đang trông đợi sự no đủ tràn đầy.

2./ Chữ Hòa còn là hình tượng: bên trái  một cây sáo trúc; bên phải  trên miệng người  đang tấu lên “khúc hoan ca” hòa âm cùng thiên nhiên đang hào phóng ban tặng phẩm vật nuôi dưỡng loài người. Người nông dân trên cánh đồng lúa "trông trời, trông đất, trông mây" cầu mong mưa thuận gió hòa để được một mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà, gà lợn đầy chuồng, nhà nhà no đủ. Làng xóm sống trong hòa khí vui tươi, phấn khích.

          1. “Chữ Hòa -Thuận kể sao cho xiết”

“Hòa” là khái niệm cốt lõi trong tư tưởng Nho giáo. Ý nghĩa cơ bản của nó là âm thanh hài hòa tương ứng nhau. Nghĩa mở rộng là hài hòa, hòa hợp, hòa bình, hòa hảo. Hòa   là yếu tố trong cùng một sự việc, hay nhiều sự việc khác nhau trong kết cấu hệ thống nhất định, duy trì được một trạng thái tương đối cân bằng với một tinh thần bao dung hỷ hảo.  

Từ nguồn gốc chữ “Hòa” các từ ghép được phái sinh đa nghĩa. Cổ thư chép về chữ hòa thuận rất phong nhiêu, tinh tế. Xin trích dẫn:

1. Dịch Kinh: “Hòa thuận ư đạo đức” (Thuyết quái truyện), Thuận ứng với đạo đức của thánh nhân.

2. Hòa mục thuận tòng. Quản Tử: “Phụ mẫu bất thất kỳ thường, tắc tử tôn hòa thuận” (Hình thế giải) Cha mẹ không trái đạo thường, thì con cháu ngoan hiền gọi dạ bảo vâng.

3. Tính tình tốt lành hòa ái ôn thuận “Hòa thuận tích trung, nhi anh hoa phát ngoại” (Nhạc kí) Ý nói: Tư niệm việc tốt lành lâu ngày, hòa ái thuận hợp tích chứa trong lòng; lời nói âm thanh êm dịu “đoan chánh hiền từ” phát ra bên ngoài.

4. Điều hòa thích hợp. Tư Mã Quang: “Phong vũ hòa thuận” (Nghị biện, Sách vấn thập đạo) Gió mưa điều hòa.

5. Sách Luận Ngữ viết: “Lễ chi dụng, hòa vi quý”, đại ý là trong các tác dụng của lễ thì hòa hợp là điều đáng quý nhất.

6. Sách Thượng Thư viết: “Có thể làm sáng tỏ đức lớn thì khiến người trong cửu tộc thân thiết. Cửu tộc thân thiết thì khiến bách tính phân biệt rõ tốt xấu. Bách tính phân biệt rõ tốt xấu thì khiến vạn bang hài hòa”.

Sách Thượng Thư cũng miêu tả cảnh tượng thiên hạ thái bình thời vua Nghiêu vua Thuấn như sau: Thời kỳ đó, trên dưới hòa mục, bách tính an cư lạc nghiệp, “mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi”. Đó cũng chính là xã hội lý tưởng của Nho gia. Mà sự hình thành của một xã hội như thế là dựa vào chữ “Hòa”: Gia tộc hài hòa, bách tính hài hòa, vạn bang hài hòa, thiên hạ thái bình. Mà muốn nhân hòa thì yêu cầu người người đều tự giác tuân thủ đạo đức xã hội và phép tắc chung. Người xưa chủ trương “làm sáng tỏ đức lớn”, cũng chính là nhấn mạnh rằng cần phải dùng tài trí và đạo đức để cảm phục mọi người. Sau này, Tử Tư lại phát huy tư tưởng chuộng hòa của Khổng Tử, coi hòa là đạt đạo của thiên hạ, có thể giải quyết mọi mâu thuẫn của thiên hạ: “Vạn vật bính dục nhi bất tương hại, đạo bính hành nhi bất tương bội”, nghĩa là vạn vật sinh trưởng mà không làm hại nhau, nhật nguyệt vận hành bốn mùa thay nhau mà không nghịch lẫn.

Nói chung: Hòa là một khái niệm quan trọng và giá trị cốt lõi của tư tưởng văn hóa truyền thống Nho giáo. Văn hóa “hoà” của Nho giáo là tinh tuý văn hóa truyền thống Trung Hoa. Hòa bao gồm ba ý nghĩa:

1./ “Hòa” của phẩm chất đạo đức,

2./ “Trung hòa” của bản thể đạo đức,

3./ “Thái hòa” của bản thể thế giới.

Ba món ấy nó bao gồm định hướng giá trị của “hòa vi quý”, cơ chế động lực của “hòa nhi bất đồng” (hòa với mọi người mà không về hùa với ai), đường hướng phát triển của “hòa thực sinh vật” (chỉ khi có hài hòa, hợp thông mới có thể sản sinh và phát triển vạn vật), cách suy tư của “chấp lưỡng dụng trung” (nắm hai đầu mà dùng cái ở giữa, ý nói không thái quá, không bất cập “con đường trung đạo”. Làm việc phải căn cứ vào tình huống khác nhau, mà dùng phương pháp thích hợp), nhắm vào mục đích cuối cùng là “thiên nhân hợp nhất”. Những yếu tố này trở thành một hệ thống Logic, thể hiện thực chất lý luận văn hóa “hòa” của Nho giáo. Cách Nho giáo thực hiện hòa chủ yếu là lễ, yêu cầu cụ thể là “minh phận” (hiểu rõ trách nhiệm), “an phận” (làm theo bổn phận), “tận luân tận trách” (luân là thân phận, biết rõ thân phận của mình mà làm trọn bổn phận), “trung tiết” (làm việc đúng lễ độ).

Nói tóm: “Muôn vật sống với nhau mà không cùng hại. Mọi đạo lưu hành với nhau mà không cùng trái. Ấy là điềm làm cho Trời Đất lớn rộng vậy.” (Sách Trung dung)

2. “Tâm đồng nhau”...

“Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”. là câu tục ngữ đã nói lên ý nghĩa sự thành công to tát “dời non lấp biển” bằng tấm lòng đồng tâm hiệp lực, là điều cốt yếu của mô thức hợp quần lấy nguyên tắc “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Trên tinh thần chung lưng đấu cật,  Đức Thầy kêu gọi:

 “Đừng chia lìa Bắc tổ Nam tông,
Chỉ biết giống Lạc hồng thượng cổ”.

Xưa, Chu Dịch cũng viết: “Hai người đồng tâm thì có sức mạnh sắc bén chặt đứt mọi sắt thép” (nguyên văn: “Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim”). Ý nghĩa là hai người đồng tâm hiệp lực thì sẽ tạo nên sức mạnh vô cùng.

Lại nói: “Lời nói đồng tâm thì thơm như hoa lan” (nguyên văn: Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan”). Chúng ta thường nói “kết nghĩa kim lan” cũng là có nguồn gốc từ đây.

Sau thời Khổng Tử, Mạnh Từ chủ trương “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và nói: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa” (Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa). Cái gọi là “nhân hòa” chính là lòng người cùng hướng, là đoàn kết nội bộ. Mạnh Tử nhìn từ góc độ quân sự, nhân hòa là quan trọng nhất, kế đó là địa lợi, cuối cùng mới là thiên thời. 

          Xưa, khi thấy các hoàng tử chia rẽ nội bộ, vua Hung Nô bèn gọi các con lại, đưa cho mỗi người một mũi tên và bảo họ bẻ gãy. Các vương tử đều dễ dàng bẻ gãy mũi tên. Vua lại đưa cho mỗi người con một bó tên, kết quả là không ai có thể bẻ được. Ông bèn nói với các con rằng: “Hiện nay anh em các con bất hòa, mỗi người như một mũi tên này, rất dễ bị kẻ địch đánh bại từng người một. Nếu các con đoàn kết thì giống như bó tên này, không ai có thể địch nổi”. Đây chính là sức mạnh của Hòa.

Tình cảnh này, Đức Giáo Chủ PGHH từng kêu gọi:

 “Lòng trẻ thảo biết đoàn biết kết,
   Phí xác phàm mê mệt đâu nài” 

Mạnh Tử nói: “Người (Vua) vui với niềm vui của dân thì dân cũng vui với niềm vui của họ. Người lo nỗi lo của dân thì dân cũng lo nỗi lo của họ”. Bậc quân vương thánh minh là người đồng cam cộng khổ với dân, trong lòng chứa cả bách tính thiên hạ, như vậy mới được dân chúng kính yêu ủng hộ. Trong mối quan hệ giao tiếp giữa người với người, làm thế nào để có hòa khí, hòa mục? Cổ nhân đã để lại rất nhiều lời dạy tinh tế sâu sắc.

          Khổng Tử chủ trương lấy học thuyết nhân-lễ làm chuẩn tắc cơ bản: “Tác dụng của lễ thì hòa là trân quý”. Nghĩa là trong các tác dụng của lễ thì hòa là cảnh giới cao nhất. Việc chế định ra các loại quy phạm xã hội đều nên thúc đẩy sự hài hòa giữa người với người và giữa con người với thiên nhiên.

          Tuy nhiên ở thời đại của Khổng Tử, ông chưa tuyệt đối hóa chữ hòa, cho nên nói “Tri hòa nhi hòa, bất dĩ lễ tiết chi, diệc bất khả hành dã”. Đối với những kẻ bề ngoài có vẻ như trung hòa song thực ra là “ba phải” như bèo trôi theo sóng một cách vô nguyên tắc, thì ông mắng là “Hương nguyện, đức chi tặc dã” (Kẻ đàn anh trong làng là kẻ làm hại đạo đức vậy).

          Nhưng “Hòa” ấy không phải là không có nguyên tắc. Luận Ngữ viết, đại ý rằng: Người quân tử hòa hợp, hài hòa thân ái với người khác nhưng không cẩu thả đồng tình với ý kiến người khác. Kẻ tiểu nhân thì luôn đồng tình đón ý người khác nhưng không hài hòa, không thân ái với người khác. (Nguyên văn: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”).

Khổng Tử cho biết người quân tử khác với kẻ tiểu nhân. Quân tử có chủ trương riêng của mình, đồng thời lại có thể khoan dung đối xử với người khác, cùng chung sống hòa mục với người khác, đó chính là “hòa nhi bất đồng”.

Kẻ tiểu nhân dễ dàng chịu ảnh hưởng của người khác, người ta nói gì thì cũng nói theo, a dua nịnh hót. Nhưng một khi có xung đột lợi ích thì họ không thể chung sống hòa hợp với người khác được, đó chính là “đồng nhi bất hòa”.

Khổng Tử còn nói thêm: “Quân tử hòa hợp với mọi người mà không mù quáng theo trào lưu” (nguyên văn: “Quân tử hòa nhi bất lưu”). Người xưa gọi những người có tu dưỡng phẩm đức cao là quân tử nên rất tôn kính với họ, đồng thời cũng có yêu cầu tương ứng. Người quân tử hòa hợp thiện lương, trông có vẻ là ôn hòa thuận theo, nhưng nội tâm lại rất cương nghị. Tuy họ khiêm tốn hòa hợp nhưng lại có tín niệm của riêng mình, do đó sẽ không bị trôi theo dòng nước, không bị cuốn theo trào lưu.

“Quân tử kết giao nhạt như nước, tiểu nhân kết giao ngọt như rượu. Quân tử nhạt mà thân ái, tiểu nhân ngọt mà tuyệt tình.” (Nguyên văn: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ. Quân tử đạm nhi thân, tiểu nhân cam nhi tuyệt”) – Trích “Trang Tử – Sơn mộc”.

Tóm lược, chúng ta có thể lấy lời bình của nhà tư tưởng Sử Bá, làm lời kết cho cương mục “tâm đồng” rằng: “Hòa thực sinh vật, đồng tắc bất kế, dĩ tha bình tha vị chi hoà” (Yếu tố bất đồng nhưng hài hòa nhau, thì sự vật được phát triển phồn vinh, nếu yếu tố đồng nhất cộng lại nhau mà thôi, thì sự vật sẽ đình trệ hay chết). Nên trời đã dùng thổ hỗn hợp với kim, mộc, thủy, hỏa, thành vạn vật. Cũng như ngũ vị (mặn, ngọt, chua, cay, đắng) hài hòa mới ngon miệng, ngũ âm (cung, thương, giốc, chủy, vũ) hài hòa mới sướng tai; (Trong Quốc Ngữ - Trịnh Ngữ ghi) 

3. “thượng-thiện vui-vầy.”

Thượng thiện là bậc đã trọn lành, trọn sáng, bên trong có trí đức, bên ngoài gồm đủ thắng hạnh. Ví dụ: Bậc Thượng thiện tri thức.

Để minh chứng về ngữ nghĩa cao thâm trên, xin trưng dẫn một số lời dạy uyên bác của các nhà tư tưởng đông phương. Khởi đầu là Đức Thánh Khổng Phu Tử thuyết: “Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn”, người có trí huệ thì luôn suy nghĩ thông thoáng, vạn hóa giống như đặc tính của nước. Còn người nhân hậu lại tâm cảnh bình lặng, sống khoan dung độ lượng cho người. Thế nên, người trí huệ thì sống vui vẻ, người nhân hậu lại sống trường thọ”…

          Cùng quan điểm trên, Lão Tử viết: “Thượng thiện nhược thuỷ” (được bắt nguồn từ chương thứ 8 cuốn “Đạo Đức Kinh”). Ý nói rằng: cảnh giới tối cao của việc hành thiện chính là đối nhân xử thế giống như nước đối với vạn vật. Nước nuôi dưỡng vạn vật nhưng nước lại không tranh giành danh lợi với bất kỳ ai.

Lại nói: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố cố ki ư đạo. Cư thiện địa, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân, ngôn thiện tín, chánh thiện trị, sự thiện năng, động thiện thì. Phù duy bất tranh, cố vô ưu”.

Ý của Ông cho rằng: “Cảnh giới cao nhất của thiện chính là nằm ở chỗ giống như nước, nước đem lại lợi ích cho vạn vật mà không tranh giành với vạn vật, có thể ở những chỗ mà mọi người không thích nhất, cho nên nước gần với Đạo. Làm người phải giống như nước, khéo lựa chọn chỗ khiêm nhường (chỗ thấp) mà ở, lòng thì khéo giữ cho trầm tĩnh mà sâu sắc, cư xử với người thì chân thành, nói thì phải giữ lời, làm việc thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ. Không tranh giành với ai, cho nên nước cũng không có rắc rối, không có kẻ thù”.

Cũng ví như biển lớn có thể dung nạp được trăm sông chính là vì biển chọn cho mình chỗ thấp để ở, có thể bao dung trăm sông không phân biệt sông đục sông trong. Thales, một trong 7 nhà hiền triết Hi Lạp cổ cũng từng nói: “Nước là tốt nhất”, sự kiến giải này so với tư tưởng “Thượng thiện nhược thuỷ” trong Đạo giáo của Lão Tử có thể nói là tương đồng.

Xưa nay, người thiện lương nhất thường là người có thái độ hòa ái, chân thành, vô tư vô ngã, lời nói và hành động luôn thủ tín chân thành. Vì không tranh với người cho nên mới đạt cảnh giới tối cao đại đức đại thiện. Nước tạo phúc cho vạn vật nhưng lại không mong, không cầu hồi báo, đây chính là sự thể hiện của người đại thiện.

“Giúp đời đừng đợi trả ơn,
Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng”.

          Nước vốn dĩ không bao giờ có hình thái cố định, nước có thể tiến nhập được vào cả những không gian vật chất không có kẽ hở. Vậy nên cổ ngữ mới có câu: “Nước đục qua đá”. Đạo lý này giúp cho ta hiểu được điểm ưu việt của sự “mềm mỏng và vô hình”.

Kỳ thực, đạo lý làm người cũng lại như vậy, làm người mà cứng rắn quá chỉ khiến bản thân mình bị tổn thương, người cứng rắn thường phải chịu khuất phục trước người mềm mỏng. Thế nên, làm người trong đối nhân xử thế, cổ nhân vẫn luôn thường dạy lấy nhu chế cương, lấy thiện lương chế điều tàn ác; đó chính là làm người hướng thiện như nước vậy.

4. Thay lời kết

"Hòa" là một trong những chữ có công năng nhất, cao cả nhất trong mọi thời đại được Đức Giáo Chủ PGHH đặt lên hàng đầu:

“Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên”.
Thì đâu có mang câu thù oán.”

Một gia đình luôn luôn hòa thuận vui vầy, một thôn xóm quanh năm an cư lạc nghiệp, một tôn giáo hòa đồng hỷ hảo, một quốc gia đồng tâm nhất trí, một thế giới hòa bình thạnh trị, đó là hoài bảo tha thiết của con người từ khi biết đau khổ và ước mơ.

Đoàn kết là danh từ cũng là một động từ ôm trọn nghĩa rộng lớn của chữ Hòa: Hòa hợp, hòa mục, hòa ước, ôn hòa, hòa dịu, hòa nhã, hòa khí, hòa hảo... và cao cả nhất là hòa bình. Hòa bình muôn đời là niềm ước ao khao khát của nhân loại.

Chữ Hòa – “Hòa bình” sẽ mang lại sự yên lành cho trái đất. Các quốc gia trên thế giới cùng hội nhập chung tay hiệp lực giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống an cư lạc nghiệp  cho nhân loại ngày càng no ấm, văn minh, hiện đại.

Tóm lại, bản thể của vũ trụ là một tổng thể, một sự chung cùng, hòa hợp. Đối lập, xung đột là tự hại, tự sát. Đoàn kết, hòa bình là sống; chia rẽ, chiến tranh là chết. Vậy nên, Đức Giáo Chủ PGHH cất cao tiếng gọi cùng toàn thể anh em:

       “Cả kêu lớn nhỏ quày vìa,
Trên hòa dưới thuận chớ lìa chớ phân”

NGUYỄN HIẾU TRUNG (Tổng hợp và Biên soạn)                                                                                      

-----------------------------------------------------------------------

 

 Chú thích:

 6 pháp Lục hòa gồm có:

1. Thân hòa cộng trụ, là trên phương diện sinh hoạt hằng ngày trong một tổ chức, chúng ta cùng sống chung trong một tập thể, thường nên chiếu cố giúp đỡ lẫn nhau.

2. Khẩu hòa vô tránh, đứng trên phương diện giao tiếp chỉ bảo qua ngôn ngữ lời nói lẫn nhau, luôn luôn thể hiện tinh thần khuyến khích khuyên bảo cùng nhau làm thiện, dứt trừ làm ác.

3. Ý hòa đồng sự, là đứng trên phương diện tư tưởng, lúc nào cũng tôn trọng và ái kính ý kiến người khác, nếu tư tưởng ý kiến đó là đúng, còn nếu không thì hãy cùng nhau bàn bạc cho ra lẽ và vui vẻ chấp nhận.

4. Giới hòa đồng tu, là chúng ta cùng sống chung trong một tập thể, lúc nào chúng ta cũng nên tuân thủ cùng nhau tu tập theo giới luật chung đã được đặt ra.

5. Kiến hòa đồng giải, là kiến giải có được về chân lý, hay lý đạo đã thông xin chia sẻ cùng mọi người, cùng nhau tu tập.

6. Lợi hòa đồng quân, là tất cả mọi thứ của cải vật chất có được từ sự hỷ cúng của các thí chủ được chia đều cùng nhau một cách bình đẳng một cách hợp pháp, có nghĩa là bình đẳng trong đồng đẳng./.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn