LỢI DANH - Tùy bút của Trần Văn Lợi

31 Tháng Mười 20206:28 CH(Xem: 1465)
LỢI DANH - Tùy bút của Trần Văn Lợi
LỢI DANH
Lợi là nhu cầu vật chất giúp cho con người bảo tồn sự sống. Danh là tiếng tốt tự nhiên mà xã hội dành cho con người tài ba, đức hạnh. Không có nhu cầu vật chất, tất con người phải chết. Không có tiếng tốt danh thơm thì con người chỉ là kẻ vô dụng, hèn hạ. sống ở đời chẳng ai chạy trốn được lợi danh, nhưng lòng ham lợi hiếu danh lại là điều đáng nói.
Lòng ham lợi bắt nguồn từ tâm trạng cảm thấy thiếu thốn trong đời sống hằng ngày. Ba nhu cầu lớn cho sự sống con người là: ăn, mặc, và ở. Bưng chén cơm, cầm đôi đủa mà trong ý người ăn không vui, vì trên mâm chỉ đạm bạc toàn tương rau dưa muối. Mỗi khi bước ra đường, lòng cô gái thấy ái náy vì cái bộ y phục lỗi thời mà cô đang mặc. Ông chủ nhà hết sức khổ tâm vì cảnh nhà cửa chật chội, nhưng đến khi cất được nhà rộng thênh thang mà chẳng có đồ nội thất. Vậy là ba người này bắt đầu nghỉ đến tiền tài, bởi lẻ tiền là phương tiện giải quyết những nhu cầu bức xúc của họ.
Còn đối với danh. Ngày xưa, khi tục lệ “hương ẩm” còn thịnh hành ở thôn quê Việt Nam, sự phân biệt về địa vị thể hiện rất rõ trong các kỳ đình đám: những người có danh vọng, có chức quyền như hương chức, hội tề thì được ngồi chiếu ăn trong đình, còn đám dân làng thấp cổ bé miệng thì chen chút nhau ăn ở ngoài hiên, đã vậy mà còn luôn bị người trên trước khoát nạt, sai khiến. Vậy là hạng thấp cổ bé miệng kia tự thấy tủi nhục đau đớn. Xã hội càng đặt nặng ở giai cấp quí tiện, thì người thuộc giai cấp thấp, địa vị kém càng hằng sâu tâm trạng mặc cảm tự ti về thân phận. Biên giới cách biệt giữa người dân thường với người có quyền tước, giữa người dốt nát ở nông thôn với người trí thức ở thành thị rất khó được xóa nhòa, một phần cũng vì tâm trạng tự ti cố hủ từ những thời kỳ xã hội bị phân hóa.
Tâm trạng mặc cảm tự ti vì địa vị hay vì tài lợi luôn ngầm chứa thái độ không bằng lòng với hiện thực, nếu không muốn nói đó chính là tâm lý nổi loạn tiêu cực. Trong thời pháp thuộc, có những người quê từ miền Bắc, miền Trung, vì bị đời rẻ khinh nên tức chí bỏ xứ vào nam làm phu đồn điền cao su; hoặc ngược lại có những người từ miền nam bỏ xứ ra Bắc kỳ làm phu hầm mỏ. Họ hy vọng cuộc phiêu lưu ấy sẽ làm họ đổi thay được vận số, nào ngờ cuối cùng không ít người chỉ đành phải bỏ xương nơi rừng thiêng nước độc. Thật là “vận nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo”.
Cha mẹ cho con tới trường học tập văn hóa hoặc trau giồi nghề nghiệp với ý nguyện để con mình mở rộng kiến thức hay trở thành người hữu dụng thì ít, mà để chúng đỗ đạt nên danh, gầy dựng sự sản thì nhiều.
Người ta mong đợi ngày thành công trên trường danh lợi của con cái như mong đợi rửa sạch nỗi nhục hèn cho tông tộc và cũng để cháu chắc đời sau không oán trách cha ông chúng. Mà thật chẳng ít người từng qui lỗi cho sự vô trách nhiệm của tiền nhân đã làm cho họ ngày nay phải lâm vào cảnh đói nghèo. Đây cũng là một lý do khá phổ biến để người chạy theo lợi danh biện hộ cho hành động của mình.
Sách xưa còn chép đầy những chuyện như Sào Phủ - Hứa Do gạt ngoài tai lời lẽ công danh, hoặc chuyện thi hào Tô Đông Pha chống gậy ngâm câu: “Tích nhật phú quí, nhất trường xuân mộng”. Ngày nay nếu có người như thế chắc chắn sẽ chẳng được sách nào ghi chép mà nếu có ghi chép chắc cũng ít có người học tập, noi gương.
Nhịp điệu sinh hoạt của thời đại diễn ra cực kỳ khẩn trương con người không còn thời giờ và tâm trí đâu để thả hồn theo gót Lão Trang mà tọai hưởng thú nhàn. Phải, chúng ta chưa có quyền nghĩ đến chữ nhàn khi mà nhân loại còn đói khổ và xã hội còn lắm bất công, song chúng ta cũng nên nhìn lại lòng mình, để xét xem trên hành trình dong ruỗi theo danh lợi, chúng ta có được chút thỏa mãn nào chưa?
Lòng tham danh lợi vốn không cùng, và cũng không có thỏa mãn, nếu có thỏa mãn trong việc hưởng thụ lợi danh thì đó là cái lợi danh của kẻ khác. Ông già đóng giày nghĩ Vua là người sướng nhất đời, nhưng tới khi mình được làm Vua, ông chẳng hề thỏa mãn với cái địa vị và sự giàu sang tột đỉnh mà ông đang hưởng thụ. Ước vọng đổi thay vận số dù có thực hiện được , thì những tâm trạng về sự thiếu thốn nơi con người cũng chẳng phải nhờ thế mà hết được.
Các nhà đại tư bản, hoặc giám đốc các công ty, xí nghiệp, ngân hàng tư nhân, những người được cho là giàu nhất thế giới, thường rất khó giữ được thứ hạng của mình được lâu dài. Họ phải phấn đấu cực lực, vắt cạn tim óc, dùng đủ cả ngón nghề kể cả gian trá, mạo hiềm trong việc vạch định phương hướng làm ăn, nếu không, tức khắc sẽ bị người khác chèn ép, qua mặt. cũng như những người lúc đương thời chiếm được tột đỉnh uy quyền như Thành Cát Tư Hãn, Hit-le phải suốt đời dấn thân vào trận mạc, tâm tư phải triền miên sống trong hận oán, sầu khổ.
Lời xưa thường nói: “Vi phú bất nhơn”. Quá ham phú quí vinh hoa tất phải hy sinh điều nhân nghĩa. Có nhiều cách làm giàu hoặc thăng quan tiến chức mà người ta không vi phạm pháp luật của nhà nước hoặc qui điều của tôn giáo đấy. Nhưng nhân nghĩa là ở lòng dạ của con người. Lòng mình chỉ có tự mình biết lấy, nên chẳng thể lấy thước pháp luật, qui điều mà đo đươc điều nhân nghĩa. Sự thật thì rất ít khi có nhà phú nông nào lại muốn lúa rẻ, mặc dù ông biết rằng giá lúa gạo lên cao sẽ làm nhân loại phải đói khổ lầm than .Con sắp thi đại học, cũng ít có cha mẹ nào muốn con của người khác học giỏi hơn con mình, mặc dù họ biết rằng nhân tài càng ít thì đất nước tương lai sẽ càng suy yếu. Xem thế thì ta đủ hiểu lòng tham danh lợi buộc con người phải quên đi đạo nghĩa, và đây còn là mầm mống đưa đến thảm cảnh thù hiềm tranh đoạt. Đức Huỳnh Giáo Chủ thường khuyên người đời nên tiết chế lòng hiếu danh vụ lợi, chẳng phải Ngài đề ra cách sống thanh bạch một cách không hữu lý mà chính vì Ngài thấy rõ cái viễn ảnh nhân loại tương tàn:
“Đời vật chất văn minh tranh cạnh,
Chữ lợi quyền giựt giết lẫn nhau”
(Giác Tâm Mê Kệ)
Để tiết chế lòng ham danh lợi, Phật Thánh dạy ta nên nghĩ đến tính chất giả tạm của lợi danh. Tiền là bạc, quyền là hành. Cả hai thứ đều luôn bạc bẽo, đổi đời. Người xưa ví bả vinh hoa phú quí chẳng khác gì giấc chiêm bao hay trò vân cẩu. Đức Thích Ca còn lưu lại cho chúng sinh tấm gương thoát tục mà ngày nay, Đức Huỳnh Giáo Chủ luôn nhắc nhở để biểu dương cho tất cả tín đồ:
“Mình vàng Thái Tử ngôi còn bỏ,
Vóc ngọc Đông cung tước phế liền.
Xem đó hởi người mau lập chí,
Tu hành khá nhớ giữ cho nguyên.”
(Luận Việc Tu Hành)
Người tại gia cư sĩ, thân lăn lóc trong lợi danh, mới nghe như có gì mâu thuẩn. Thật ra thì kẻ cắt ái ly gia, tâm cũng chưa chắc lìa được lợi danh. Không còn danh đời, biết đâu họ lại bám chặt vào danh đạo; không còn mong lợi từ nguồn sản xuất kinh doanh, biết đâu họ lại mong cầu lợi dưỡng từ nguồn chu cấp của bá tánh thập phương. Dù tại gia hay xuất gia nhưng con người có khống chế được dục vọng hay không, và có chịu dừng lại ở chỗ nên dừng hay không, dó mới là điều quan trọng.
Đâu là chỗ nên dừng? Chỗ ấy ở nơi tâm hồn ta. Con người phải thường nên an trụ nơi tâm lành tánh thiện mới khỏi bị dục vọng dẫn dắt phiêu lưu vào vòng danh lợi. Túi không tiền nhưng lại muốn đổi kiểu chiếc đồng hồ đeo tay, chưa làm được gì nhưng lại khát thèm được nghe lời tâng bốc. Đó là những ý tưởng dù nhỏ nhặt nhưng đều mang tính cách phiêu lưu, nó sẽ có tác dụng lần hồi đẩy ta vào đường đua chen danh lợi, làm mờ lu trách nhiệm. Mở đầu quyển Khuyến Thiện ĐHGC đã vẽ lên hình ảnh mộc mạc của người Cư Sĩ Vô Danh, xa lìa danh lợi, vẹn giữ tánh lành:
“Xa nơi tranh đấu lợi danh,
Giữ lòng thanh tịnh, tánh lành trau tria…”
Khát vọng được làm giàu, khát vọng được trở thành một nhân vật quan trọng là những khát vọng chẳng phải dễ dàng thành đạt. Ngoài điều kiện về tài năng, đức hạnh, thời cơ, dưới mắt nhà Phật, còn do nơi phước báu của từng người. Chạy theo cái khó được, để rồi ta phải đánh mất tâm lành , phải hao mòn thể xác, nhưng cuối cùng phải tan theo mây khói, chi bằng cứ giữ lòng an nhiên mà sống tròn theo lẽ Đạo.
Trần Văn Lợi
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn