Thế nào là Nội quang cảnh & Ngoại quan hình - Trích từ Facebook.

01 Tháng Mười Một 20208:05 CH(Xem: 1971)
Thế nào là Nội quang cảnh & Ngoại quan hình - Trích từ Facebook.
THẾ NÀO LÀ NỘI QUANG CẢNH & NGOẠI QUAN HÌNH
                                                                                                                                 Trích từ Facebook

Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết sứ mạng của Ngài là vưng lịnh Đức Thế Tôn (Phật Thích Ca) lâm phàm khai Đạo cứu đời trong thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp.
Nhằm thích hợp với căn cơ và tập quán của chúng sanh thời hiện tại, Ngài đã xiển dương Pháp môn “Học Phật Tu Nhân” vì rất dễ tu, dễ chứng đắc.
Với pháp môn nầy, Ngài hướng dẫn phương cách tu hành không quá chú trọng ở hình tướng mà chỉ mang sắc thái người Cư sĩ tại gia. Đó là vừa Tu Nhân, vừa Học Phật và Tu Phật:
-Về Tu Nhân là vẹn gìn trung hiếu tiết nghĩa, đền đáp Tứ đại Trọng ân để hoàn thành phận sự của một con người trong Đạo làm người.
- Học Phật và Tu Phật là trì hành đúng theo chánh pháp Vô vi của Đức Phật Thích Ca khi xưa đã truyền dạy:
“Nội quang cảnh tâm vô kỳ vật.
Đường đạo đức bước đi từ nấc,
Ngoại quan hình bất chấp kỳ hình”.
(Diệu Pháp Quang Minh)
Để ra khỏi sanh tử đến cõi vô sanh bất diệt:
“Tầm vô vi kiếm cảnh Niết Bàn”.
Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu xem thế nào là Nội quang cảnh và Ngoại quan hình để từ đó cố gắng thoát khỏi vòng lục đạo, luân hồi hầu tiến đến cảnh Niết Bàn tịch tịnh.
Nội Quang Cảnh: Nội là trong tâm; Quang là sáng suốt; Cảnh là mọi cảnh vật vô hình (tức là tư tưởng, ý nghĩ bên trong). Nghĩa bóng ba chữ nầy là ý nói trong tâm của người chứng Đạo lúc nào cũng sáng suốt, không hề dính mắc hay chứa chấp một cảnh vật nào, dù là vô vi hay hữu vi. Ở đây chỉ cho tâm, tức là “bản lai vô nhứt vật”. (Tâm Vô Kỳ Vật là tâm không chứa bất cứ vật gì).
Ngoại Quan Hình Bất Chấp kỳ Hình: Bên ngoài thì quán xét mọi hình tướng cảnh vật, nhưng tâm thì chẳng hề dính mắc một cảnh vật nào. Vì bất chấp nên tâm không động tịnh. Đã không động tịnh thì Ngũ Uẩn, Lục Căn, Lục Trần, Lục Thức, không còn tồn tại nơi tâm của người chứng đắc.
Nghĩa là người tu hành làm các việc từ thiện, giúp đời, tuy quán biết mọi cảnh vật lành dữ, có, không, động tịnh: ngũ uẩn, lục căn, lục trần, lục thức đều thấy biết rõ ràng, nhưng tâm trí vẫn như như bất động…vẫn tu, vẫn học, vẫn chứng đắc; nhưng không hề thấy mình có tu, có học, có chứng đắc.
Đúng như câu:“Thật tế lý địa, bất nhiễm nhứt trần, Vạn hạnh môn trung, bất xả nhứt pháp”.(Nhà tu đúng theo lý pháp của Đạo thì tâm không ô nhiễm một mảy trần nào cả, nhưng đối với muôn hạnh lành trong thế gian thì chẳng bỏ một hạnh nào hết).
Nếu đã biết nội, ngoại là giả tạm thì Tâm đâu còn chỗ nào để động. Vì vậy, người hành đạo sẽ đi đến chỗ bất sanh bất diệt.
Cho nên trong “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”, Đức Phật nói:“Quán tự tại Bồ Tát hành thâm bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thế khổ ách.” (Sau khi hành thâm kinh Bát nhã rồi, thấy ngũ uẩn đều là không, thì không còn thấy khổ nữa). Giống như trong giấc chiêm bao, mọi cảnh vật đều có, như vậy giấc ngũ còn vô minh. Nhưng khi thức dậy thì mọi cảnh vật đều không, tức là vô minh bị diệt, vô minh diệt thì trí huệ sanh, trí huệ sanh thì Phật tánh hiện bày.
Đức Lục Tổ Huệ Năng khi nghe câu:“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”(Câu này ở kinh Kim Cang Bát Nhã: theo tự điển nghĩa là không chỗ trụ mà sanh tâm. Nếu dùng ý căn để sanh phân biệt, thì vô minh khởi: thương, ghét, yêu, thích, ảnh hưởng đến sự phân đoán, tạo nên nghiệp, rồi phải luân hồi. Không nên để tâm dính bất cứ một thứ gì ), thì Ngài hoát nhiên đại ngộ:
“Nào dè tánh mình vốn sẵn thanh tịnh,
Nào dè tánh mình vốn chẳng sanh diệt
Nào dè tánh mình vốn chẳng lay động,
Nào dè tánh mình vốn sẵn đầy đủ.
Nào dè tánh mình hay sanh muôn pháp.”
Như chúng ta đã thấy nội, ngoại và sắc, không hết sức quan trọng.
Xin hãy đọc hai bài Kệ của Đức Lục Tổ và Đại sư Thần Tú sau đây, chúng ta sẽ thấy thế nào là không và sắc:
1/-Kệ của Đại sư Thần Tú
Thân thị bồ đề thọ,
Thân là cội Bồ đề,
身 是 菩 提 樹
Tâm như minh cảnh đài,
Tâm như đài gương sáng,
心 如 明 鏡 臺
Thời thời cần phất thức,
Luôn luôn phải lau chùi,
時 時 勤 拂 拭
Vật sử nhá trần ai.
Chớ để dính bụi bặm.
勿 使 惹 塵 埃
2/-Kệ của Đức Lục Tổ Huệ Năng
Bồ đề bổn vô thọ,
Bồ đề vốn không cội,
菩 提 本 無 樹
Minh cảnh diệc phi đài,
Gương sáng chẳng phải đài,
明 鏡 亦 非 臺
Bổn lai vô nhất vật,
Xưa nay không một vật,
本 來 無 一 物
Hà xứ nhá trần ai?
Chỗ nào dính bụi bặm?
何 處 惹 塵 埃
Đại Sư Thần Tú: Chấp thân là Bồ đề. Chấp tâm là gương sáng. Nếu chấp có thì phải lau chùi bụi bặm. Ngược lại Đức Lục Tổ Huệ Năng thì không chấp có cây, không chấp có gương thì bụi bặm lấy đâu mà bám. Như vậy Đại sư Thần Tú và chúng ta còn bị tam nghiệp là Tham, Sân, Si chi phối. Và vì do nói chấp có mà bị:“Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra…
…Trong sắc thân giám thị lục căn.
Đừng cho chúng tính lăng quằng,
Ngoài thì chấp thủ mà ngăn lục trần.
Phá ngũ uẩn rứt lần tham ái,
Cội sân si cũng phải tảo trừ.
Đem về giác tánh chơn như,
Kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh.”
(Cho ông Cò tàu Hảo)
Để hiểu thêm ý nghĩa:“Nội quang cảnh và Ngoại quan hình” người tu hành nên tìm biết và hành thêm Thiền Định.
Trong Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn, giải thích như sau: Thiền Định .-Dhyana-samadhi: tức là Tham thiền và nhập định.
Thiền là chữ Phạn: Thiền na (Dhyana) viết tắt; dịch nghĩa: tư duy tu, tĩnh lự. Tư duy tu nghĩa là đối cảnh mà suy nghĩ, xét nét, nghiên cứu, tu tập cho chí cùng. Tĩnh lự là tâm thể tịch tĩnh: yên lặng, như vậy mới có thể thẩm xét.
Định tức chữ Phạn Tam muội (Samadhi) dịch nghĩa: Tâm định chỉ vào một cảnh, bèn rời khỏi các sự phân tán, lay động. Nói tóm, một lòng khảo cứu sự lý, kêu là Thiền; tĩnh niệm vào một cảnh kêu là Định. Nhà tu hành lúc mới ngồi trầm tư mặc tưởng, thì ở cảnh Thiền, tới chừng tâm trí tập trung lại một cảnh cao viễn, thì vào cảnh Định. Như vậy kêu là Thiền Định, tức là tiếng hiệp chung hai trạng thái liên tiếp nhau. Đắc phép Thiền Định là người tu rất cao.
Hành giả khi ngồi kiết già mà đắc phép Thiền thì tinh thần vượt khỏi cõi Dục giới tức là cõi Người và cõi Tiên còn ưa muốn, bèn lên một từng trong bốn từng trời Sắc giới:1.- Sơ thiền, 2.- Nhị thiền, 3.- Tam thiền, 4.- Tứ thiền.
Nếu hành giả đắc luôn phép Định, tinh thần bèn vượt cõi Sắc giới mà lên đến một từng trong bốn từng trời Vô sắc giới: 1.- Không vô biên xứ ,2.- Thức vô biên xứ, 3.- Vô sở hữu xứ ,4.- Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Hành giả đắc bốn phép Thiền và bốn phép Định ấy, nhưng chưa ra khỏi, thì kêu là Thiền Đinh hữu lậu, được Ngũ thông (năm phép thần thông) là cùng.
Nếu ra khỏi tức là đạt tới phép Diệt tận định thì được giải thoát hoàn toàn, kêu là Thiền Đinh vô lậu, bèn đắc Lục thông, thành La hán hoặc Phật.
Cách nhập Thiền Đinh và cách xuất Thiền Đinh của bực La hán, bực Phật đại để như vầy: các Ngài dùng tinh thần mà lần lượt trải qua bốn cảnh Thiền, bốn cảnh Định và cảnh Diệt tận định. Rồi các Ngài từ cảnh Diệt tận định mà lần lần trở xuống bốn cảnh Định và bốn cảnh Thiền. Chừng xuống tới cảnh Sơ thiền, các Ngài mới ra khỏi cảnh ấy mà mở mắt và đứng dậy rời khỏi bồ đoàn (ngôi tham thiền).
Trong “Trí Độ Luận”, có chép một sự tích của Đức Phật Thích Ca ngồi Thiền như sau. Thuở ấy, Ngài là một bực tu Tiên trên non, hiệu là Lỏa kế, tên là Thượng xà Lê. Ngài thường nhập định Tứ thiền tại một gốc cây to. Ngài ngồi lâu cho đến đổi chim tưởng Ngài là cái cây, bèn chui vào đầu tóc Ngài mà đẻ trứng. Chừng Đức Bồ tát tỉnh cơn thiền, Ngài biết rằng trên đầu Ngài có trứng chim. Ngài bèn nghĩ rằng:“Nếu ta đứng dậy thì chim chẳng dám lại đây nữa, mà mấy cái trứng kia cũng bể hết!”. Rồi Ngài nhập định trở lại. Cho đến khi chim trở về ấp thành con và chim con bay đi được, bấy giờ Ngài mới ra khỏi cơn Thiền và đứng dậy đi.
Tóm lại, đã là người tu hành thì trong tâm không chấp chứa bất cứ vật gì, còn bên ngoài không dính mắc đến một cảnh vật nào. Do đó, nội ngoại đều không thì chỗ đâu tâm trụ.
Đức Phật nói trong Kinh Kim Cang:“Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát.”(Nầy Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát còn có tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ Tát).
Như trên, Đức Thầy khuyên chúng ta nếu Tâm không chấp hình tướng nội ngoại thì Phật tánh sẽ hiển bày, cũng như Đức Phật đã chỉ rõ, nếu ai còn thấy tướng thì sẽ không thấy Đạo. Điều này cũng giống như câu trong Kinh Bát Nhã, đó là “Biết không, không khổ”.
Như vậy, người hành đạo khi quán thấy tất cả đều không thì Tâm sẽ sanh trí huệ. Trí huệ sanh thì vô minh bị diệt. Chừng đó, chúng ta sẽ thấy:
“Phật tại Tâm chớ có đâu xa,
Mà tìm kiếm ở trên non núi.”
Sau đây, xin quý vị cùng chúng tôi đọc và suy nghiệm mẩu đối thoại được trích từ quyển Phật Học Phổ Thông do HT. Thích Thiện Hoa biên soạn, để thấy được chân lý mà Đức Thầy đã ân cần chỉ dạy:
Một hôm, Ngài Thiện Hội Thiền Sư vào phòng hỏi thầy Cảm Thành Thiền Sư: Trong Kinh Phật có dạy:“Đức Thích Ca Như Lai xưa kia từng tu hành trải vô số kiếp mới thành Phật, thế mà nay thầy cứ dạy rằng “Tâm tức là Phật, Phật tức là Tâm” là nghĩa làm sao? Thật đệ tử không hiểu, xin thầy dạy rõ cho.
Cảm Thành Thiền Sư nói: Ngươi bảo trong kinh Phật nói, thế là ai nói đó?
-Vậy lời ấy không phải là Phật thuyết sao?.
-Lời ấy phải đâu là Phật thuyết. Kinh Văn Thù, Phật có dạy:“Ta trú ở thế gian dạy chúng sanh 49 năm, chưa từng đặt ra một câu bằng văn tự để nói với ai bao giờ”. Vì theo chánh Đạo, nếu lấy văn tự làm bằng chứng để cầu Đạo, ấy là nệ; lấy sự khổ hạnh để cầu Phật, ấy là mê; lìa tâm ra mà cầu Phật, ấy là ngoại Đạo; mà cố chấp cái tâm, ấy là Phật, cũng lại là Ma vậy.
-Nếu bảo tâm ấy tức là Phật, thì trong tâm ấy, cái gì là Phật, cái gì là không phải Phật?.
-Ngày xưa có người hỏi Mã Tổ rằng:“Nếu bảo Tâm ấy là Phật, thì trong Tâm ấy cái gì là Phật?” Mã Tổ trả lời:“Thế ông ngờ trong Tâm ấy, cái gì không phải là Phật, hãy chỉ vào đấy cho ta xem!”. Người ấy không chỉ được. Mã Tổ lại tiếp:“Đạt được thì khắp mọi nơi chỗ nào cũng Phật, mà không đạt được thì cứ sai lầm đi mãi mãi”.Thế là chỉ vì một lời nói nó che đi, mà thành ra sai lầm đó thôi. Ngươi đã hiểu chưa?.
Ngài Thiện Hội trả lời: Nếu vậy, đệ tử hiểu rồi.
-Ngươi hiểu thế nào?.
-Đệ tử hiểu rằng khắp hết mọi nơi, chỗ nào cũng là tâm Phật cả.
Nói xong Thiện Hội Thiền Sư sụp xuống lạy.
Ngài Cảm Thành nói: Thế là ngươi hiểu tới nơi rồi!./.
Nam Mô A Di Đà Phật !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn