Tường thuật về công tác Điếu Viếng "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA" cuối năm 2020 của Nguyễn Văn Nhựt

22 Tháng Hai 202112:45 CH(Xem: 1493)
Tường thuật về công tác Điếu Viếng "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA" cuối năm 2020 của Nguyễn Văn Nhựt

TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO HÒA HẢO

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN, ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

[ĐIẾU VIẾNG]

 

            “THI ÂN MẠC NIỆM, THỌ ÂN MẠC VONG” với tinh thần ấy người dân tộc Việt Nam trong nhiều thế hệ luôn thực hiện trách nhiệm Uống Nước Nhớ Nguồn, Ăn Trái Nhớ Kẻ Trồng Cây và tuyệt đối hơn thế nữa bởi thấm nhuần qua Giáo Lý Tứ Ân của Đức Huỳnh Giáo Chủ nên mỗi người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo [PGHH] luôn tự khắc ghi, quyết lòng thực thi trách nhiệm Thọ Ân, Báo Ân “Tứ ân đã trả chẳng còn tội căn”.

            Do vậy, trên 13 năm qua cứ mỗi độ Hè mãn, Thu sang, Đông tàn, Xuân lai đáo người tín đồ PGHH lại có dịp báo ân các bực tiền nhân, đồng đạo đã vì dân tộc, vì đại cuộc, vì Thầy Tổ, vì Đạo nhà mà hiến cả thân mạng, máu xương, bất khuất trước cường quyền bạo lực.

            Năm nay nhân dịp trước thềm xuân Tân Sửu 2021, chương trình ấy lại tiếp tục thi hành với sự hỗ trợ của quý Giáo Hội PGHH Hải Ngoại về mặt tài chánh và sự cộng tác đắc lực của quý đồng đạo quốc nội, do vậy chương trình Uống Nước Nhớ Nguồn [Điếu Viếng] năm nay đã thành công tốt đẹp!

Sau đây là phần lược thuật của chuyến công tác Giáo Sự vừa qua:

 

Ngày 19/12/2020 âl.

Ngày nầy, đoàn gồm có:
Tô Văn Mãnh,
Nguyễn Quý Giới,
Huỳnh Hữu Lợi,
Võ Thị Ngờ,
Nguyễn Thị Thùa,
Nguyễn Văn Y,
Trương Hồng Hoa,
Phan Văn Phương,
Lê Văn Bưng,
Nguyễn Văn Tuốt,
Nguyễn Thị Khi,
Phan Thị Thu Hồng,
Nguyễn Thanh Tùng,
Lê Thị Thanh Tâm,
Mai Tuấn Khang,
Nguyễn Văn Địch,
Đỗ Thị Lắm,
Võ Thị Đừng,
Nguyễn Thị Nga,
Nguyễn Văn Nhựt,
Mguyễn Thị Ánh Mỹ.

            8 giờ sáng, chúng tôi hiệp mặt nhau tại Tổ Đình, trình lễ trước chánh điện và cố Đức Ông, Đức Bà cùng Đức Tôn Sư để khai mạc chương trình Điếu Viếng, sau ấy đến trước linh bàn ông sáu Huỳnh Thạnh Mậu [bào đệ Đức Thầy] dưng phẩm vật nguyện cầu. Trước di ảnh đầy sự thiêng liêng, oai hùng, chúng tôi rưng dòng lệ khi hồi nhớ lại ngày 7/10/1945 [2/9 Ất Dậu] tại sân vận động Cần Thơ, các ông Huỳnh Thạnh Mậu, Trần Ngọc Hoành, Nguyễn Xuân Thiếp đã bị sát hại sau cuộc biểu tình ngày 8/9/1945 nhằm chống chế độ độc tài và ủng hộ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất.

            Làm lễ và lau đi dòng nước mắt, chúng tôi rời khỏi Tổ Đình đến viếng nhà ông út Huỳnh Văn Quốc [bào đệ Đức Ông]. Ông Út là người có túc duyên được quy y trong giai đoạn khi Đức Thầy mới mở đạo và ông đã được Đức Thầy trực tiếp dạy chỉ nhiều điều trong Phật Pháp, trong sự tu hành. Ở những nhiệm kỳ đầu tiên của Giáo Hội PGHH, nhà ông cũng đã cống hiến rất tích cực cho đoàn thể...

            Rời nhà ông Út, đoàn tiến đến nhà ông Hoài Vân, con trai cụ Nguyễn Ngọc Tố [Họa Đồ Tố] - Đệ nhất Phó Hội Trưởng BTS. GH. PGHH/ TƯ nhiệm kỳ 1 - để viếng cụ. Thắp hương dưng phẩm vật, nguyện cầu xong đại diện đoàn gửi lời chúc tết đến gia đình và đoàn nhận lại được sự xúc động nghẹn ngào của ông Hoài Vân với lời bày tỏ: Tôi xin trân trọng cảm ơn quý bà con đã luôn nhớ tưởng đến cha tôi, hằng năm đều đến đây như thế nầy. Thật sự tôi không biết nói làm sao cho hết sự trân quý của tôi giành cho quí vị; mong quí vị nhận lại nơi tôi lời cảm ơn chân thành và chúc quí vị thượng lộ bình an, tu hành tin tấn, năm mới nhiều sức khỏe!

Ra khỏi nhà ông Hoài Vân, chúng tôi tìm đường lên đến ấp Phú Mỹ Thượng, xã Phú Thọ, Huyện Phú Tân, An Giang để kính viếng ông Nguyễn Văn Hiệu (Năm Hiệu) người tín đồ lão thành, gương mẫu của PGHH và là người đã vinh dự được Đức Thầy tổ chức đám tang.

            Phía trên nhà ông Năm không xa, đoàn ghé lại viếng nhà ông Biện Hùm. Một người cao niên trong làng đạo, đã có rất nhiều cống hiến đáng kể cho đoàn thể.  Căn nhà ông, một căn nhà ngói xưa rất đặc biệt được Đức Thầy gác cây đòn dông đã trên 70 năm không bị hư hao, hiện tại vẫn còn rất chắc.

            Dưng phẩm vật, chiêm ngưỡng cây đòn dông Thánh Tích ấy xong, chúng tôi gửi lời chúc tết đến gia đình và từ giã để đến nhà ông Mười Hạnh ở Phú An, Phú Tân điếu viếng cụ Lê Phát Khuynh. Cụ là một tín đồ thân cận khi Đức Thầy mở Đạo, năm 1945 lúc Đức Thầy đi khuyến nông, có những đoạn đường không thể đi xe nên cụ Khuynh là người trực tiếp bơi xuồng đưa Thầy đi. Đoàn đến trước chân dung ông thắp hương và một phút tưởng nhớ công ân bậc tiền bối đã có nhiều đóng góp cho Đạo.

            Hơn 10 giờ trưa, chúng tôi tiếp tục đội nắng đi ngược đến chợ Vàm, Phú Tân, An Giang ghé lại đối diện nhà lồng chợ Điếu Viếng cụ Huỳnh Hữu Phỉ [Hương Hào Phỉ]. Lúc Đức Thầy hoằng hóa Đạo Pháp, cụ Hào Phỉ là người luôn kề cận và trực tiếp được Ngài dạy chỉ nhiều điều. Những trọng trách Thầy giao, ông đều thực thi hoàn mãn.

            Rời nơi đây, đoàn đi ngược lên nữa khoảng 400 mét tìm nhà cháu ngoại cụ Phan Bá Cầm [Vương Kim, Thiện Duyên]. Cụ Vương Kim là ngưới có kiến thức uyên bác, nhà Đạo học nghiên cứu Phật Pháp cao thâm, viết rất nhiều tác phẩm có giá trị cao về PGHH. Là một đảng viên của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, ông đã bị bắt tù đày Côn Đảo dưới chế độ Ngô Triều. Sau ngày 1/11/1963 ông là Bí Thư Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng và sau ngày 30/4/1975 ông bị bắt cầm tù ở Chí Hòa và mất trong nhà tù ngày 13/12/1979 [24/10 âl] thọ 71 tuổi.

            Cái nắng chói chang không một chút nhường bước của trưa Xuân, chúng tôi bỏ quên những giọt mồ hôi lả tả tiếp tục đến xã Phú Lâm, Tân Châu, An Giang để viếng cụ Chiến Sĩ Bảo An Quân Nguyễn Văn Măng. Cụ là một Chiến Sĩ gan dạ đã bị bọn độc tài sát hại tại Tân Thành, Cả Cái, nay thuộc Huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp lúc tuổi đời 23. Thân xác cụ bị bọn họ vùi lấp trong nấm mồ tập thể, hiện nay người cháu nội tên Tuấn đang thờ cụ.

            Dưng phẩm vật nguyện cầu cùng một phút tưởng niệm người tiền bối xong, chúng tôi trở về Thánh Địa Hòa Hảo để kính viếng nơi thờ tự cụ Nguyễn Duy Hinh. Xưa, cụ là thân tộc Tổ Đình. Sau ngày quy y theo Đạo PGHH cụ đã chép giảng của Thầy phổ biến khắp nơi, vào năm 1969 cụ đảm nhiệm chức vụ Đệ Nhất Phó Hội Trưởng Trung Ương nhiệm kỳ 2. Thắp hương kính nguyện trước di ảnh người tiền nhân đã vun vén cho Đạo nhà, cả đoàn dành một phút yên lặng hồi tưởng công ơn của ông mà nơi mỗi cá nhân đồng đạo, ai nấy đều cảm phục một người tài đức đã lèo lái cho Giáo Hội phát huy đáng kể trong một thời gian dài.

            Xuôi đường xuống Chợ Đình, chúng tôi ngừng xe trước cổng số 2 và trịnh trọng đem phẩm vật dâng trước bàn thờ gia tiên nhà bà sương phụ Phan Thị Kim Chi để Điếu viếng đồng đạo Nguyễn Văn Thanh [tự út Thên]. Sau ngày khúc phim bị đứt 30/4/1975, Giáo Lý của Tôn Sư bị cho là một văn hóa đồi trụy, họ quyết xóa sạch tất cả những gì có liên quan đến PGHH, đồng đạo út Thên đã can đảm dù phải trốn tránh và rất dễ bị tù đày, ông quyết đem Giáo Lý phổ biến những nơi có tín đồ PGHH. Năm 1999, Ban Trị Sự quốc doanh được phép ra đời, hầu làm bức bình phong để qua mắt Quốc Tế, ông Nguyễn Văn Thanh đã thấy rõ âm mưu nên không quy phục; ông hợp tác cùng rất nhiều đồng đạo vạch ra con đường tìm tự do cho Đạo nhà và rồi bị bắt bớ, khó khăn mọi mặt... Ngôi Tổ Đình PGHH sau ngày Ban Trị Sự quốc doanh ra đời, họ âm mưu xóa bỏ và đổi lại là Phủ Thờ họ Huỳnh, phong trào đấu tranh quyết liệt để giữ bằng được ngôi Tổ Đình cũng từ đó được huy động, trong số đông đồng đạo bảo vệ Tổ Đình, út Thên là người đáng được đề cao danh bảng.

            Rời nhà Út Thên, cả đoàn cùng nhau đến hẽm Số 1 hỏi thăm tìm đến nơi phượng thờ ông Lê Văn Mõng [pháp danh Thiện Hòa]. Ông Lê Văn Mõng [Ba Mõng] là một tu sĩ PGHH sau ngày 30/4/1975 ông bị kẻ độc tài bắt bớ bởi tội lo tu và bị phá dỡ tan nát am trại. Không thể chịu đựng nổi cái khắc nghiệt của một xã hội được gọi là tự do, ông cùng các đồng đạo: Lê Thị Thu, Lê Minh Triết viết bài đấu tranh gởi nước ngoài và vận động cộng đồng người Việt ở Hải Ngoại buộc nhà nước Việt Nam thay đổi chính sách, đặc biệt về vấn đề tự do Tôn Giáo cho PGHH. Ông bị bắt ngày 30/3/1994 với mức án 4 năm tù. Nơi đây cả đoàn trịnh trọng dưng phần phẩm vật trước ngôi thờ gia tiên cùng di ảnh đồng đạo Ba Mõng, nguyện hương rồi thành kính một phút tưởng nhớ sự hy sinh của ông.

            Cùng con hẽm ấy, chúng tôi lội bộ đến nhà con trai cụ Chí Viễn, Lê Hòa Nhựt. Sau khi chào hỏi, đại diện đoàn xin phép được dưng phẩm vật và thắp hương trước di ảnh tiền bối của mình. Cụ Lê Hòa Nhựt ở Giáo Hội PGHH trước, cụ đảm nhiệm chức Đệ Nhất Cố Vấn Ban Trị Sự Trung Ương nhiệm kỳ 1 và là người soạn môn nghi thức Tôn Giáo của Giáo Hội năm xưa.

            3 giờ chiều đã đến, tranh thủ với thời gian chúng tôi tiến hành lên phía trên An Hòa Tự không xa lắm ghé nhà cô giáo Nguyễn Thị Lam là con gái út của cụ Nguyễn Chi Diệp để Điếu Viếng cụ ông Nguyễn Chi Diệp [Hương Quản Diệp]. Suốt thời gian Đức Thầy khai Đạo, cụ là người được gần gũi Đức Thầy. Rất nhiều tác phẩm Ngài viết ra đều do cụ Diệp giữ bản chính rồi sao chép truyền bá cho mọi người [khi đọc Sấm Thi của Đức Thầy, chúng ta hay thấy cuối bài có ghi “Chép theo bản chánh do ông Nguyễn Chi Diệp giữ”].

            Rời nơi đây, đoàn tiếp tục đến nhà chú Phi con trai cụ Ngô Thành Bá [Biện Đài]. Cụ ông là người rất thiện duyên được Đức Thầy dẫn đi núi Tà Lơn và ông là một tín đồ trung kiên, gương mẫu của PGHH. Rất lạ, suốt thời gian 7 năm 10 tháng lẽ 7 ngày Đức Thầy gần gũi tín đồ, chưa bao giờ ai nghe Ngài gọi tín đồ là mầy xưng tao, duy chỉ có ông Biện Đài đặc biệt hơn hết.

            Qua con đò nhỏ chúng tôi đến xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để viếng đồng đạo Lê Minh Triết. Ông Lê Minh Triết là một tù nhân Tôn Giáo, sau ngày 30/4/1975 ông như bao nhiêu tu sĩ khác, bị dỡ am trại và bị bắt bớ liên tục bởi cái tội tu hành. Không thể nào chịu nổi sự vô lý quá tàn nhẫn và quyết tìm sự tự cho cho mình cùng những đồng đạo khác, nên ông đã cùng các đồng đạo: Lê Thị Thu, Lê Văn Mõng viết đơn tố cáo nhà cầm quyền đương nhiệm và rồi không khác các đồng đạo ấy, ông cũng bị bắt kết án tù 6 năm.  Sau ngày ra tù, ông không ngừng đòi hỏi tự do cho PGHH bằng hành động và bằng phổ biến bài vở, đơn từ, kêu gọi sự cộng tác từ quốc nội cho đến hải ngoại...Đứng trước linh bàn còn khói hương nghi ngút, ngày đồng đạo Lê Minh Triết mất đến nay chưa đầy 2 năm, chúng tôi ngậm ngùi một phút tưởng niệm người đồng đạo đã sống có ích cho đoàn thể và tiếc thương vô hạn bởi sự ra đi quá sớm của người bạn đồng môn.

            Rời nhà đồng đạo Lê Minh Triết, đồng hồ đã điểm 5 giờ 30 phút, chúng tôi gấp rút tranh thủ đến nhà đồng đạo Phạm Văn Mơi để viếng ông, khi đến nơi được biết hôm nay cũng là ngày cầu tuần nhị thất cho ông. Cả đoàn dưng phẩm vật nguyện cầu, rồi một phút lặng yên nhớ người bạn đã ra đi mà lòng nghe đau nhói, bởi thương và tiếc làm sao ấy một con người bộc trực dám nói lên sự thật, can đảm đấu tranh để cầu mong được tự do cho đoàn thể. Nhớ năm nào trong chương trình Điếu Viếng nầy, ông Phạm Văn Mơi góp mặt cùng anh em rất tích cực nhưng nay anh em đứng đây ông lại yên ngồi trên linh bàn không lời tâm sự. Cố nén lòng nhưng nước mắt cứ rơi chúng tôi đến trước bàn Phật lộ thiên hợp tác cùng gia đình cầu nguyện cho ông. Ba hiệp cầu nguyện khi đã xong, chúng tôi nhận lời cảm ơn từ con trai ông Mơi rồi từ giã ra về khi trời vừa sụp tối. Thế là cả đoàn chào nhau, hẹn ngày mai tiếp tục!

 

Ngày 20/12/2020 âl

            7 giớ sáng, chúng tôi gặp nhau tại nhà đồng đạo Tám Diêm, lấy quà rồi chia lên xe và bắt đầu cuộc hành trình của ngày mới. Hướng đến của chúng tôi trong ngày mới nầy là chợ Vàm Nao, Mỹ Hội Đông để Điếu Viếng ông Nguyễn Văn Xuân, tự Xoàn. Ông là tín đồ thuần thành có công sao chép kinh giảng của Thầy để truyền bá rộng rãi trong những năm 1940. Ông sống rất nghĩa khí, hôm nọ đang làm việc trước nhà bỗng thấy 4 người bị trói trên chiếc xe lôi vì thiếu thuế thân, ông nhanh nhẹn đến cởi trói và kêu họ chạy đi. Bởi nguyên nhân đó, ông bị Pháp truy nã, đày ra Côn Đảo và mất trong nhà tù năm 1944. Hiện tại, hai đứa cháu gái sống độc thân đang thờ tự ông tại tư gia.

            Rời nơi đây chúng tôi chạy theo con lộ cặp bờ sông Vàm Nao, phía dưới ấy không xa chúng tôi ghé nhà cháu cồ cụ Lâm Thế Xương để viếng cụ [cụ là con thứ bảy của ông cả Mười, Lâm Tuấn Vĩ ]. Đến đây gia đình ép buộc chúng tôi phải ngồi lại dùng nước và tâm tình đôi điều chung quanh đời sống của cụ Thế Xương. Sau khi dùng nước, chúng tôi nhắc lại năm xưa cụ Xương là một bộ đội trong Quân Đội Nguyễn Trung Trực do Thiếu Tướng Nguyễn Giác Ngộ lãnh đạo, tên thường dùng của cụ là Ngô Trung Hưng và Ngô Văn Hai. Ông là một bộ đội xuất sắc trong bộ đội Nguyễn Trung Trực, là Đại đội trưởng Đại đội 2, Chi đội 30. Sau ngày giải giới trong Quân Đội, cụ là Bí Thư Ban Chấp Hành VNDCXHĐ tỉnh bộ An Giang.

            Lúc Đức Thầy về Ba Răng [Phú Thành] cụ xin đi theo Thầy. Khi Thầy đi hội nghị với Bửu Vinh cũng xin theo nhưng Thầy không cho, Ngài bảo ông nên ở lại để lo việc khác.

            Khi nước bánh, tâm sự chuyện xưa đã xong, chúng tôi vào làm lễ và xin phép cáo từ để qua nhà cụ Cả Mười Lâm Tuấn Vĩ. Một căn nhà cổ rất đồ sộ, uy nghi, nơi đây là kỷ niệm trong năm Canh Thìn [1940] chuyến xuất du đầu tiên của Đức Thầy, Ngài đến làng Mỹ Hội Đông ở gia đình ông Cả Mười và tác phẩm “VIẾNG LÀNG MỸ HỘI ĐÔNG” cũng được Đức Thầy viết tại đây [22/1/ Canh Thìn]. Ông Lâm Tuấn Vĩ nói riêng, nói chung gánh họ Lâm đã có công lớn hỗ trợ Đức Thầy lúc Ngài khai Đạo; kịp thời đưa Đức Thầy rời khỏi Bạc Liêu lúc ở nhà ông Ký Giỏi để thoát khỏi tay người Pháp vì họ chuẩn bị đưa Thầy sang Lào.

            Nơi đây chúng tôi có ra phía sau nhà viếng mộ phần của các cụ: Lâm Tuấn Vĩ, Lâm Thơ Cưu, Lâm Thế Xương, Lâm Văn Trung...

            Rời Mỹ Hội Đông, qua đò đến Thành Phố Long Xuyên, Số 3, đường Đình Triễu, phường Mỹ Long là nhà ông Võ Văn Thơi, chúng tôi Điếu Viếng cụ Võ Tăng Sâm. Cụ Sâm là một cao đồ của Đức Thầy bị VM sát hại vào năm 1945 tại Lấp Vò, Đồng Tháp. Chúng cho xác cụ vào bao rồi bỏ xuống sông Lấp Vò.

            Cúng bái, tưởng niệm công ơn cụ Sâm xong, chúng tôi đến đường Võ Thị Sáu, phường Mỹ Xuyên, số nhà 521 để Điếu Viếng cụ Thi Sĩ Nguyễn Xuân Thiếp. Thi Sĩ Việt Châu vâng lệnh Đức Thầy ngày 8/9/1945 đi Cần Thơ hòa giải vụ việc tín đồ PGHH bị bắt giữ sau cuộc biểu tình. Nào ngờ khi đến nơi cụ bị bắt luôn và giam giữ đến ngày 7/10/1945 [2/9/ Ất Dậu] họ đem ra tử hình chung với hai ông Trần Ngọc Hoành, Huỳnh Thạnh Mậu.

            Kế đó chúng tôi đến nhà Số 28/1a, khóm Đông Thạnh, Thành Phố Long Xuyên viếng đồng đạo Huỳnh Thị Hồng Thu. Bà Thu quê ở Sông Cầu, Phú Yên bởi kính mến Đạo Thầy nên bà vào Nam quyết chí tu hành. Chẳng bao lâu ngày đen tối ập đến, Đạo nhà ngữa nghiêng, bà không yên để đoàn thể bị suy vong nên viết bài gửi lên báo đài quốc tế “Đòi hỏi quyền tự do Tôn Giáo”. Bà bị bắt, án tù 6 năm ở kênh ông Cò, An Giang trong vụ cùng ông Lê Minh Triết, Lê Văn Mõng, Phan Thị Kịp. Do sự đọa đày, ăn uống thiếu thốn bệnh hoạn, thuốc men khan hiếm nên bà mất ngày 14/2/1997 âl tại trại giam.

            Chúng tôi thắp hương nguyện vái và tưởng niệm một người nữ kiệt anh thư của PGHH, xin đang ở cõi vị nào hướng về đây chứng minh cho việc làm của đoàn thể, cùng gia trì cho tất cả bình yên, mạnh lành, tu hành tin tấn và Đạo nhà sớm ngày phát khai rực rỡ.

            Chạy theo con đường Thành Phố đến Ngã Ba Lộ Tẽ, hướng về Kiên Giang chúng tôi tìm nơi thờ tự và mộ phần ông sáu Phạm Chí Hiền [Sáu Viên]. Sau một hồi tìm hỏi, chúng tôi đến con hẽm Số 4, xã Vĩnh Trinh, Ô Môn, Thành Phố Cần Thơ, nơi nhà cháu của ông Sáu đang thờ tự ông. Với sự tiếp đón nồng hậu của gia đình ân cần bánh nước, không thể phụ lòng dù trời đã chiều thời gian không còn nữa, khi dùng xong chúng tôi tiến hành viếng mộ và kính dâng phẩm vật lễ lạy trước di ảnh người tiền bối đã hy sinh cuộc đời mình cho đoàn thể và để lại rất nhiều bài học quí giá cho hậu nhân... [tìm hiểu thêm quyển Tự Truyện Bác Sáu Viên sẽ rõ cuộc đời ông].

            Rời nơi thờ tự ông Sáu không xa, chúng tôi sang sông để Điếu Viếng cụ Trần Văn Tập [Giáo Tập]. Cụ Tập là một trong những người được Đức Ông ủy thác đi Sài Gòn vào tháng 10/1962, bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt và thủ tiêu. Hiện chú Đỉnh đang thờ cha mình.

            Dưng hương cùng phẩm vật nguyện cầu xong, đại diện đoàn gủi lời chúc tết đến gia đình rồi từ giã ra đi. Trở lại con đường cũ, gần đến ngã ba lộ tẽ, chạy theo con lộ mới làm để dẫn lên cầu Vàm Cống, khi qua cầu chúng tôi tìm đến đến xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp để viếng đồng đạo Trần Văn Út [Út Hòa Lạc]. Trong đợt tấn công tín đồ PGHH ba tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp ngày 5/8/2005, công an bắt ông Võ Văn Thanh Liêm, Võ Văn Thanh Long, Nguyễn Văn Điền, Tô Văn Mãnh, Võ Văn Bửu, Mai Thị Dung... Công an hành hung Trần Văn Út. Không để người bắt bớ, út Hòa Lạc đã châm lửa tự thiêu trên nóc nhà... phản đối hành động đàn áp Tôn Giáo của công an. Út Hòa Lạc là một tu sĩ, sống hạnh độc thân, dám hiến thân mình để đỏi hỏi sự tự do cho anh em khi tuổi đời 37. Trong khói hương quyện bay, chúng tôi tưởng niệm người trai trẻ thuở nào đã chấp nhận hy sinh thân thể, bỏ lại mẹ già tuổi đã bát tuần hầu quyết chí phụng sự cho đoàn thể. Sự ra đi ấy để lại một tấm gương kiên cường bất khuất cho người sau và để lại sự thương tiếc, cùng lòng ngưỡng mộ cao dày.

            Xuôi theo quốc lộ 54, chúng tôi đến nhà đồng đạo Trần Văn Thiếp [Tư Búa]. Một con người trung cang nghĩa khí, gan dạ, quyết không đầu kẻ độc tài dù phải bị cắt nhượng chân, tù cải tạo nhiều phen. Với tánh tình bộc trực, quyết nói lên sự thật, ông đã vạch mặt nhiều âm mưu đen tối của kẻ vô thần và những chiêu trò hăm dọa của họ bị ông phá tan bằng lưỡi búa trung cang luôn đem theo bên mình. Cũng bằng hành động luôn xung phong ra chiến trận chiến đấu cùng bọn độc tài với lưỡi búa trung cang kia mà người ta đặt chết danh ông là Tư Búa...Khi đoàn đến nhà thì bàn linh Tư Búa vẫn còn hương khói ngạt ngào [mất chưa giáp năm], đứng trước di ảnh người bạn đồng chí hướng và đã nhiều phen nắm chặt tay nhau ra trận mạc, lòng chúng tôi bùi ngùi thương nhớ một người oai hùng, rất khó ưa với bọn hung tàn vô thần, nhưng là một đồng đạo rất ưa, dễ thương và dễ gần gũi với bạn đồng môn!

            Rời làng Định An, đoàn nhắm thẳng hướng về xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp để viếng đồng đạo Đặng Thành Tân. Ông Tân khi còn sanh tiền là một người khét tiếng ở vùng nầy bởi tinh thần hào hiệp, đầy gan dạ khi đã nhiều phen đối đầu với kẻ độc tài. Ông luôn làm  họ khiếp sợ cái tinh thần PGHH đầy sự gan dạ, mãnh liệt, quyết bảo bọc cho đoàn thể mình bất chấp súng, còng, nhà tù, đổ máu... ông Đặng Thành Tân là một con người như thế ấy!

            Dưng phẩm vật và tưởng niệm người đồng môn xong thì đồng hồ cho biết đã quá 6 giờ chiều, mặt trời sụp tối. Tranh thủ đi tiếp đến nhà ông Trương Kim Long, nhưng dù tranh thủ bằng mọi cách, vậy mà đến nhà ông Long ở gần chợ Cái Tàu, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thì cũng hơn 7 giờ đêm. Với sự niềm nở của gia đình, bánh nước tươm tất và để đáp lại sự nhiệt tình ấy, chúng tôi dừng lại trên 15 phút dùng bánh nước và nghỉ mệt. Xong đó, tiến hành làm lễ trước ngôi thờ để dưng phẩm vật cùng tưởng niệm người quá cố. Dù rất mệt nhưng miệng nó cứ bảo phải nói, phải nói! Tôi chấp nhận cố gắng hết hơi nhắc lại đôi nét về sự hy sinh của đồng đạo Trương Kim Long với đoàn thể. Ông Long là khi còn sanh tiền đã nhiều công trận cho đoàn thể, ngôi Tổ Đình PGHH còn được uy nghi như hôm nay trong đó có máu ông Long nhiều lắm! Ông bị đánh, bị hành hung rất khốc liệt trong giai đoạn sau năm 1999 đến khi gần ngày mất, vì bởi ông không yên ngồi nhìn thấy đồng đạo bị kẻ độc tài hành hạ, ép bức và không để Giáo Sản bị mai một, bị tịch thu nên ông chấp nhận hy sinh thân thể, chấp nhận tù tội để giành lại những gì đoàn thể PGHH phải có... Với sự cống hiến hết mình cho Đạo nhà, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng, tủi nhục vì chúng tôi chưa được sánh một góc nhỏ việc làm của ông cho đạo mình.   Hương dưng lên người anh hùng PGHH, cùng một phút tưởng niệm việc làm quá công trận của ông rồi gửi lời chúc tết đến gia đình và từ giã, chia tay cả đoàn, hẹn ngày hôm sau tiếp tục!

 

Ngày 21/12/2020 âl

            5 giờ sáng, cá nhân mỗi đồng đạo trong nhóm chúng tôi rời nhà và hẹn gặp nhau tại ngã 3 Lộ Tẽ lúc 8 giờ. Điểm điếu viếng vị tiền bối đầu tiên trong ngày mới nầy là gia đình cháu cồ cụ Huỳnh Qưới Vinh. Cụ là người nhất tâm tín ngưỡng Đức Thầy, nhất quyết không bước qua chân dung Thầy khi bị VM bắt buộc. Khi bắt được ông, họ bảo: “Bước qua thì sống, không phải chết”. Cụ chọn cái chết “trung thành với Thầy” vào ngày 11/9/1945 âl. Trước đây người cháu ngoại của cụ thờ tự nhưng gần đây vợ chồng người cháu ngoại ấy do tuổi cao nên đã chịu dưới định luật chung của vô thường và hiện tại người kế vị lo bổn phận phụng thờ là người cháu gọi cụ Vinh bằng ông cồ.

            Rời nhà cụ Huỳnh Qưới Vinh, chúng tôi ghé lại Đạo Tràng Minh Thiện, Huệ Thọ dùng cơm trưa rồi mới tiếp tục hành trình vượt trên 50 km trở về Kinh Xà No, làng Nhơn Nghĩa, Phong Điền điếu viếng cụ Hương Bộ Võ Mậu Thạnh. Ngày trước, khi Tôn Sư còn hiện diện, người Pháp an trí Ngài tại gia đình nầy, lúc ấy cụ Hương Bộ được Đức Thầy đặc trách một nhiệm vụ rất đặc biệt và điều ấy được khẳng định qua câu: “Hỏi thăm Hương Bộ vậy mà cách tu”.  Ông là một tín đồ gương mẫu, một bậc lão thành, có công rất lớn trong việc truyền bá Đạo Thầy. Hiện tại người cháu gọi bằng ông đang thờ tự.

            Thắp hương nguyện vái dưng phẩm vật nhân dịp Xuân Tân Sửu sắp về, kế đến đoàn tiến ra phía sau nơi mộ phần ông bà Hương Bộ để kính viếng và từ giã ra đi cùng lời chúc tết với sự bắt tay nồng hậu của chủ gia.

            Tiếp tục nữa, chúng tôi về Thành Phố Cần Thơ đến Xóm Chài, Điếu Viếng bà Nguyễn Thị Thu [Năm Thu], người đã đấu tranh đòi hỏi quyền tự do Tôn Giáo. Sau nhiều công cuộc góp mặt với anh em đấu tranh quyết liệt, bà cảm thấy đến lúc phải đốt lên ngọn lửa đại hùng để sưởi ấm bao con tim giá lạnh của đồng môn và còn để đánh thức lương tri của bọn bất nhân, vô thần, vô nhân tín. Bà chọn ngày 25/2 âl 2001, ngày mà bà cùng rất nhiều anh chị em đã hằng ao ước được tự do tổ chức kỷ niệm Tôn Sư Thọ Nạn dùng thân mình đốt lên ngọn lửa đại hùng, bất diệt làm sáng chói cả thế giới, chấn động một góc trời, rung rinh tâm trí bao con người tàn nhẫn vô lương tâm.

            Thắp hương trước di ảnh người đồng đạo Nữ Tướng Cờ Dà mà bên tai thầm nghe lời thủ thỉ: “Kẻ đi trước yên rồi một kiếp,  Người sống còn tái tiếp noi gương”.

            Sau đó, đoàn chúng tôi trở về Đạo Tràng MinhThiện Huệ Thọ dùng cơm chiều rồi mới trở về Bần Tăng [Thới Long], Ô Môn, Thành Phố Cần Thơ điếu viếng Nghĩa Trang Nghĩa Quân Cách Mạng.

            Nơi đây trước kia do Trung Tướng Lê Quang Vinh [Ba  Cụt] thành lập để làm chỗ an nghỉ sau cùng của các chiến sĩ hy sinh vì đại cuộc.

            Trong các năm trước đây, khi đoàn đến viếng thường gặp tình trạng bị khó dễ, bị hăm he đủ chuyện, nhưng năm nay bởi Nghĩa Trang ấy được giao trách nhiệm cho Ban Trị Sự địa phương cai quản nên có sự khởi sắc, đoàn đến viếng rất hân hoan và nhận được sự tiếp đón rất niềm nở của quí đồng đạo nơi nầy. Khi chúng tôi đến, quí bà con có một vài vị dọn cho một mâm bàn rất trang nghiêm hương đèn tươm tất. Cảm ơn xong chúng tôi kính cẩn dâng phẩm vật, hương nước trước các anh linh nằm dưới từng mộ phần nơi đây, cùng Trung Tướng Lê Quang Vinh rồi kính nguyện tập thể, một phút tri ân công đức các Ngài. Sau rốt trịnh trọng phân bổ hương đến trước từng mộ phần dưng cắm.

            Cụ ông Võ Tòng Hối người ở Đường Chùa, Thị Trấn Trung Nhất, Phường Thốt Nốt là điểm viếng kế tiếp của đoàn. Ông Tòng Hối sinh năm 1919, mất ngày 2/10/Tân Mùi [1991] thọ 73 tuổi. Cụ Tòng Hối có thiện duyên được gần gũi Đức Thầy khi Ngài mới khai Đạo, trong giai đoạn năm 1943 đến 1945 ông là người kề cận Đức Thầy trực tiếp lái xe đưa Ngài đi đây đó. [điểm điếu viếng nầy chúng tôi đã cộng tác cùng quí đồng đạo trong nhóm của bác Bảy Đồng]. Trên 30 đồng đạo sau khi thắp hương kính nguyện và viếng mộ cụ xong, chúng tôi được sự hướng dẫn của đồng đạo Tám Thọ qua nhà cố đồng đạo Văn Ngân Lánh. Bà Văn Ngân Lánh là nghĩa tử của Đức Ông [thân sinh Đức Thầy], sau ngày 30/4/1975 các nơi tu sĩ của PGHH đều bị bắt bớ, buộc phải về nhà không cho ở am trại tu hành vậy mà bà Văn Ngân Lánh là người can đảm kêu gọi huynh đệ, em cháu đến nhà bà để bảo dưỡng cho sự tu hành...

 

Ngày 23/12/2020 âl

            Sau một ngày được nghỉ ngơi lấy sức, chúng tôi tràn trề năng lượng cho một cuộc hành trình tiếp tục. Trong tinh thần phấn chấn, sáng sớm ngày 23 chúng tôi tập hợp nhau tại nhà cô Nguyễn Thị Thùa để phân bổ quà lên xe chở đi và trong ngày nầy đoàn có thêm các thành viên mới:

Nguyễn Thanh Triết,
Lê Văn Thêm,
Trương Văn Cưu,
Phan Văn Mầm.

Điếu Viếng vị tiền bối đầu tiên hôm nay là cụ Tăng Văn Quãng, một vị Trung Đội Trưởng Bảo An Quân đã bị tên Tây là Tám Tàng với khẩu “ Mi-trây-dết” nhả hết một băng đạn vào nhóm người đang họp kín lên kế hoạch tấn công đồn Mặc cần Dưng đánh Pháp. Kết quả 5 người chết vào đêm 6/3/ âl 1947, trong đó có cụ Quãng. Với chí hy sinh vì Tổ Quốc nhân dân của cụ, tất cả đồng đạo đều sùng ngưỡng. Hiện tại bà Tăng Thị Lệ Hoa, con gái thứ Năm đang thờ tự cụ.

            Điếu Viếng cụ Quãng xong chúng tôi về chợ Vịnh Tre ghé lại nhà con ông hai Lê Văn Phú, tự Tho để viếng ông. Ông Hai là một vị đồng đạo cao niên, lão thành, có rất nhiều cống hiến to lớn cho dân tộc và Đạo Pháp. Năm 1949, cụ tham gia vào quân đội của tướng Lâm Thành Nguyên với chức vụ Trung Úy Đại Đội Phó, sau ấy vào cuối năm 1964, cụ làm Hội Trưởng Ban Trị Sự tỉnh Châu Đốc. Năm 1965, cụ được tham dự phiên Đại Hội ngày 17/5 và được dự khóa Đào Tạo Giảng Viên, trúng tuyển Khóa Sinh Ưu Tú. Sau ngày ấy, cụ đã tổ chức nhiều khóa học Đạo như: Đạo Pháp Khai Tâm, Tu Học Sơ Cấp và đi đây đó thuyết giảng với trách nhiệm đặc biệt khó ai sánh kip: Giải Đáp Nghi Vấn qua Giáo Lý PGHH. Hơn nữa, cụ là người tiên phong đem Giáo Lý Tổ Thầy ra tận miền Trung truyền bá. Cụ còn là Cố Vấn Hội Đồng Ban Trị Sự Trung Ương GH/PGHH nhiệm kỳ 1...

            Rời Vịnh Tre, chúng tôi về ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang để tìm nhà ông Trần Văn Lách con trai cụ Trần Văn Đầy. Xưa, cụ Trần Văn Đầy là một liệt sĩ có tinh thần bất khuất trước cường quyền bạo lực. Sau khi theo Thầy, đến năm 1945 cụ là Bảo An Quân lại là Trị Sự Viên BTS.PGHH xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Đốc. Với ba phát súng của tên Hồng Cẩm Hòa – Uỷ viên Quân sự  Uỷ Ban Hành Kháng tỉnh Châu Đốc cụ đã gục chết. Xác cụ bị tên Hòa xô xuống sông. Ba ngày sau, thân nhân và tín hữu mới tìm vớt được. Trước khi bị giết, tên Hòa đằng đằng sát khí gặn hỏi cụ: “Muốn sống phải bỏ Đạo. Có biết không?” Cụ trả lời cương quyết rằng: “Tôi theo Đạo, tôi theo Thầy”. Thế là cụ Đầy bị bắn, mọi người khi nghe đến cái chết của cụ, ai ai cũng  kính nể bởi tinh thần bất khuất, trung kiên tận trung với Đạo, tận hiếu với Thầy.

            Cúi đầu kính nguyện trước linh bàn xong, chúng tôi gửi lời chúc tết đến gia đình và từ giã ra đi. Điểm đến kế tiếp ở cổng chào Châu Đốc, hẽm Lò Gạch nơi gia đình bà Trần Hồng Thủy con gái ông Trần Ngọc Hoành, cháu nội ông Trần Văn Soái [Năm Lửa]. Ngoài trách nhiệm Điếu Viếng nhân dịp tết Tân Sửu đang về, chúng tôi đến đây còn để đáp lại lời mời của cô hai Trần Hồng Thủy dự ngày Kỷ niệm cúng giỗ cho nội tổ cô là ông Trần Văn Soái.

            Ông Trần Ngọc Hoành là một trong ba vị đã bị sát hại tại Cần Thơ chung vụ với các ông: Thi Sĩ Việt Châu, Huỳnh Thạnh Mậu. Ông nội cô là Trung Tướng Trần Văn Soái [Năm Lửa] một trong bốn tướng lãnh của PGHH. Khi dưng phẩm vật trong ngày kỷ niệm cúng giỗ cụ Trung Tướng Năm Lửa và anh linh tử sĩ PGHH Trần Ngọc Hoành xong, chúng tôi dùng bữa cơm thân mật tại đây rồi tiếp tục hành trình về xã Phú Vĩnh, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang điếu viếng ông Nguyễn Đông Ngô, tín đồ PGHH, chiến sĩ VNCH, đã bị CS hành quyết tại Thốt Nốt ngày 27/6/1981.

            Thứ đến, qua đò Số 11 đến Phú Thuận, Hồng Ngự viếng đồng đạo Nguyễn Văn Thành [Cụt Thành]. Trước 1975, ông là một chiến sĩ quân lực VNCH đã hiến một phần thân thể cho đất nước. Sau 1975, ông là một tín đồ PGHH hết lòng tận tụy với Đạo, với Thầy; là một trong những đạo hữu tham gia tích cực đòi hỏi quyền tự do Tôn Giáo cho Đạo nhà. Nay nhân dịp tân Xuân sắp về, đứng trước di ảnh người bạn đồng cam cộng khổ, cùng chung vai sát cánh trên lộ trình vun vén Đạo nhà, bao kỷ niệm ùa về khó cưỡng!

            Rời nơi đây, anh em chúng tôi qua thêm một con đò nữa đến khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành Phố Hồng Ngự viếng nhà ông Phạm Hoàng Lập. Một đồng đạo vừa qua đời cách nay một năm, ông Lập là một tín đồ hết lòng tận trung với Đạo, tận hiếu với Thầy. Tấm bảng Tổ Đình PGHH còn được như ngày hôm nay đã phải đổ rất nhiều công lao khó nhọc của đoàn thể, trong đoàn thể ấy có cá nhân đồng đạo Phạm Hoàng Lập.

            Trời chiều đã ngã bóng, anh em chúng tôi trong nhóm tranh thủ về chợ An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp điếu viếng cố đồng đạo Nguyễn Văn Láng mất ngày 12/10 âl 2003. Trước ngày mất một năm, Ông Láng đã đến Quang Minh Tự vào ngày rằm tháng 10/2002 để viếng chùa lễ Phật, bị công an tỉnh vây đánh. Đồng đạo Láng bị thương nặng và cũng từ đó sức khỏe cứ giảm dần rồi đi đến cái chết, trong khi tuổi đời mới 43. Chúng tôi thắp hương tưởng niệm bạn đạo hồi thuở nào đã cùng hăng say bảo vệ Đạo Pháp, đòi hỏi quyền tự do Tôn Giáo.

            Xã Phú Thành, huyện Tam Nông là điểm kế tiếp chúng tôi đến để điếu viếng ông Thái Văn Quang, Trưởng ban Tổ chức BTS/GH.PGHH tỉnh Kiến Phong [nay là tỉnh Đồng Tháp] bị sát hại trên đường đi công tác Giáo Sự ngày 21/3 âl 1975, lúc ông vừa 36 tuổi. Hiện tại người cháu gọi ông Quang bằng chú đang thờ tự.

            Khi cúng nguyện dưng lễ vật vừa xong, đồng hồ báo đã quá 6 giờ chiều. Lật đật chúng tôi nhanh rời khỏi nơi đây để trở về xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp để điếu viếng cố đồng đạo Hồ Thanh Văn [Tư Nan]. Ông là một vị cao niên, trí thức trong làng Đạo, bình sanh ông đã cống hiến từ tinh thần lẫn vật chất cho đoàn thể, thường xuyên cộng tác với anh em đòi hỏi tự do Tôn Giáo.

            Đứng trước di ảnh người đồng đạo cao niên, đã góp nhiều thành tích rất đáng kể cho Đạo nhà, chúng tôi cúi đầu thầm nhớ những công ơn ấy và mong cầu ông gia hộ cho đoàn thể luôn vững mạnh, kiên trinh như ông để phục vụ Đạo nhà!

 

Ngày 25/12/2020 âl

            Sáng  7 giờ chúng tôi gặp nhau tại nhà đồng đạo Tám Diêm để tập trung chở quà đã gói sẵn đem đi. Điểm đến đầu tiên là cụ Nguyễn Bảo Toàn [Nguyễn Hoàn Bích] xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Khi Đức thầy thành lập VNDCXHĐ, dù không phải là tín hữu PGHH nhưng cụ được sự tín nhiệm của Đức Thầy bầu làm Tổng Bí Thư nhiệm kỳ đầu tiên, đã đem lại nhiều lợi ích cho quê hương và PGHH. Cụ bị bắt vào cuối năm 1962 và bị thảm sát vào tháng giêng năm 1963 dưới chế độ Ngô Triều.

            Ngược lên phía trên nữa, đoàn có mặt tại Dinh Thờ Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Trung Trực. Sau khi chuẩn bị đạo phục, cả đoàn tiến vào chánh điện dưng phẩm vật và nguyện cầu cho Quốc Thới, Dân An, mưa thuận, gió hòa, nhà nhà an cư lạc nghiệp. Đất nước Việt Nam thái bình thạnh trị, dịch bệnh Corona sớm tiêu tan khắp chốn, đạo PGHH nói riêng, nói chung các Chánh Giáo khác sớm ngày phát khai rực rỡ.

            Làm lễ xong chúng tôi lui ra, đi bộ đến phía sau hậu Dinh Thờ, Điếu Viếng Nghĩa Trang Bảo An Quân Nguyễn Trung Trực do Thiếu tướng Lâm Thành Nguyên chỉ huy. Nơi nầy hiện tại còn 207 ngôi mộ, trong các năm trước đây khi chúng tôi đến viếng chưa lần nào không bị sự nhìn ngó của các an ninh và phải chạnh lòng bởi sự thiếu tôn trọng của người dân xung quanh, họ đem rác thải quăng ném bừa bãi lên các mộ phần, nhưng năm nay có khác, không khí khi đoàn đến đó rất nhẹ nhàng dễ chịu, từng ngôi mộ một được sơn phết sáng sủa. Chúng tôi trịnh trọng dưng bày phẩm vật, hoa nước rồi kính nguyện cầu, cung thỉnh chư anh linh chiến sĩ Bảo An Quân cùng Thiếu Tướng Nguyễn Giác Ngộ tọa bàn thọ thực và cảm ứng chứng minh cho việc làm, gia trì phổ độ cho đoàn thể mạnh lành, tu hành tin tấn, đạo nhà sớm ngày phát khai rực rỡ. Nguyện xong bái tạ rồi chia hương cấm đều từng mộ một.

            Cặp theo con lộ nhỏ của xã Long Giang, chúng tôi đến xã Kiến Thành ghé nhà ông Đặng Thành Tựu, một tín đồ cao niên uyên thâm nho học của PGHH. Khi Đức Thầy ra đời dạy Đạo ông tư đã trực tiếp diện kiến quy y và được Ngài dạy chỉ nhiều điều thâm sâu mầu nhiệm, về sau khi Tôn Sư vắng bóng ông đã cùng cộng sự với Giáo Hội vun vén Đạo nhà phát huy đáng kể.

            Điếu Viếng ông tư  Đặng Thành Tựu xong, chúng tôi lên phía trên ấy không xa ghé lại nhà cố đồng đạo Nguyễn Văn Ý. Ông Ý là một đồng đạo không khuất phục trước cường quyền, cương trực, dám nói lên sự thật, tận trung với Đạo, tận hiếu với Thầy.

            Rời nhà ông Ý, đoàn nhín lại 30 phút, ghé nhà thăm đồng đạo Nguyễn Văn Lía, người đã tiên phong tổ chức chương trình Điếu Viếng nầy tại quốc nội và là một tù nhân Tôn Giáo, một đồng đạo chịu nhiều đòn roi, khổ hình bởi đòi hỏi tự do Tôn Giáo hiện đang bệnh trầm trọng. Qua những lời thăm hỏi, trà nước xong ông Nguyễn Văn Lía gửi lởi cảm ơn chư đồng đạo đã ghé thăm và ca ngợi hết mực việc làm tiếp nối không bị mai một của đoàn đang thực hiện. Ông ao ước những năm kế tiếp sẽ luôn có chương trình Điếu Viếng nầy vì đây là một chương trình rất ý nghĩa, rất thiết thực. Kế đó chúng tôi chuyển máy để ông Lía nói chuyện với đồng đạo Nguyễn Văn Mậu ở Hải Ngoại...

            Những giây phút tâm tình, thăm hỏi tạm thời thỏa mãn, chúng tôi tạm biệt ra đi để kịp với thời gian. Cách đó không xa, chúng tôi ghé lại nhà chú Sơn để Điếu Viếng ông nội chú là cụ Lê Văn Hay. Cụ Hay bị bắt đày ra Côn Đảo và trút hơi thở cuối cùng ngoài ấy, khi cụ đã làm xong trách nhiệm truyền bá và sao chép kinh giảng của Đức Thầy phổ biến.

            Kế tiếp chúng tôi về xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang để viếng cố đồng đạo Võ Văn Diêm. Ông là một con người chí khí, bất khuất trước cường quyền, không nại gian nguy chịu nhiều đòn roi của kẻ vô thần để nói lên tiếng nói trung nghĩa. Nhiều phen đổ máu cùng anh em trong công cuộc đòi hỏi tự do Tôn Giáo.

            Đứng trước bàn vong khói hương hòa quyện, chúng tôi bỗng dưng ngậm ngùi ứa lệ khi ngó lên linh bàn lại có chân dung người bạn đồng cam cộng khổ suốt mấy chục năm qua giờ đã lặng lẽ yên ngồi, không lời qua lại...

            Từ gia gia đình ông Diêm, chúng tôi đến nhà con ông Nguyễn Văn Hạo để Điếu Viếng ông. Được biết ông Hạo lúc 15, 16 tuổi là một thiếu niên rất gan dạ dũng cảm. Một hôm có thằng Tây mang khẩu súng trường từ chợ Bà Vệ qua Mỹ Luông [thuộc huyện Chợ Mới], ông đã dùng thế võ từ sau nhảy tới đánh vô quay hàm tên ấy và cướp khẩu súng đem trình Đức Ông [thân sinh Đức Thầy]. Đức Ông vò đầu và cười nói: “Nhỏ có chí khí”. Đức Ông ban lời khen tặng và bảo ở lại Tổ Đình, chứ về nhà e nguy hiểm tính mạng. Ông được sung vào đại đội tình báo lúc bấy giờ và được biệt phái sang bộ đội Trung Tướng Lê Quang Vinh, sau đó được phái về bộ đội Nguyễn Giác Ngộ. Trước 1975, ông từng là Bí Thư chấp hành VNDCXHĐ huyện Chợ Mới nhiều nhiệm kỳ và có tham gia ngành Cảnh sát Quốc gia thời VNCH. Sau 1975, ông bị tù cải tạo...

            Khi cúng viếng người đồng đạo có máu anh hùng ấy xong, chúng tôi ghé lại Quang Minh Tự, nơi có nhiều kỷ niệm gian truân của anh em PGHH do ông Võ Văn Thanh Liêm trụ trì. Khi dưng phẩm vật nguyện cầu trước chánh điện xong, chúng tôi tập trung lại tổ chức một phiên họp tổng kết chương trình Điếu vừa qua...

            [Vì lý do gia đình, nên cụ Phan Văn Mười [Mười Tỷ], một trong bốn phòng vệ của Đức Thầy, có mặt trong cuộc biến cố tại Đốc Vàng 25/2 nhuần, Đinh Hợi 1947. Cụ Mười Tỷ là người duy nhất mai duyên thoát chết trong vụ ấy. Chúng tôi có đến Điếu Viếng trong ngày mùng 3 tết].

            Chương trình Điếu Viếng kết thúc với tổng số 55 vị tiền bối, đồng đạo và 2 Nghĩa Trang, còn một số gia đình những năm trước có điếu viếng, nay không điếu viếng được là do điều kiện an ninh, kinh tế cho người thân của gia đình ấy. Mong những thân nhân vui lòng thông cảm cho chúng tôi!

Riêng về các vị như:
Triệu Thị Vạng [bà Ký Giỏi],
Nguyễn Thị Anh [bà Năm Cò],
Nguyễn Thị Nhạn [bà Sáu Nhạn],
Huỳnh Hữu Thiện [Thư Ký Dữ],
Cao Bá Hấn,
Võ Văn Giỏi [ông Ký Giỏi]…

            Do tình hình dịch bệnh Corona căng thẳng, nơi mộ phần, linh bàn các vị ấy lại ở gần trung tâm dịch bệnh bị kiểm soát chặt chẽ. Chúng tôi phải đắng lòng không trực tiếp đến trước mộ phần, linh vị  thắp hương kính lạy được, mong gia đình con cháu quí tiền bối có tên trên thứ lỗi cho chúng tôi, bởi giữ an toàn chung cho tất cả!

            Trong chương trình Điếu Viếng đã trên 13 năm được thực hiện, chúng tôi nhận thấy rằng, phần đông khi đến điếu viếng gia đình thân nhân quí tiền bối, đồng đạo họ vô cùng niềm nở, hân hoan, xúc động trước việc làm Giáo Sự nầy. Một việc làm thể hiện đậm chất tinh thần người dân Việt “Uống nước nhớ nguồn. Đền ơn đáp nghĩa”, cha ông họ đã hy sinh, đã góp nhiều công sức cho Đạo nhà tưởng chừng bị quên lãng theo thời gian, nhưng không ngờ những việc làm ấy luôn được khắc ghi trong tâm khảm người hậu sanh Hòa Hảo. Riêng về phần chúng tôi [những người trong đoàn Điếu Viếng] tự cảm thấy rằng, các vị anh hùng liệt sĩ, tấm gương chói sáng rạng ngời, sống ích nước, lợi Đạo, quyết hy sinh vì đoàn thể, vì Ân Sư trong PGHH còn nhiều, nhiều lắm! Song với hoàn cảnh hiện tại chưa thoải mái hanh thông, trong sự giới hạn chúng tôi chỉ thực hiện được bấy nhiêu. Tự nói với nhau trong những năm tới, mỗi năm phải cố gắng tăng thêm, tăng thêm nhiều hơn nữa. Rất mong thân nhân những vị chưa được Điếu Viếng thông cảm, hoan hỷ cho!

            Nhân dịp Tân Xuân đang khoe mình, đua hương sắc, chúng tôi Khối Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo Quốc Nội xin gửi đến chư đồng đạo trong và ngoài nước lời chúc phúc an khang, thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt trong chánh nghiệp và tu hành tin tấn theo Chánh Đạo PGHH đến ngày hưởng trọn vẹn một mùa Xuân Di Lặc.

Thân ái kính chào!
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Đồng đạo Nguyễn Văn Nhựt kính thuật!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn