LÀM MỚI THÂN TÂM - Bài của Phan Thanh Nhàn

05 Tháng Hai 20241:23 SA(Xem: 1026)
LÀM MỚI THÂN TÂM - Bài của Phan Thanh Nhàn

LÀM MỚI THÂN TÂM​​​​​

Bài của Phan Thanh Nhàn

          Trong bài “Thi Xuân” viết tại Hòa Hảo ngày 28 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1939), Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo dạy:
          “Bước qua năm mới, mới mừng à,
          Khuyến khích dân tầm đạo Thích Ca.”
và đầu năm mới, đêm mùng Một tháng Giêng năm Canh Thìn (1940), Đức Giáo Chủ khai bút với mấy vần thơ Xuân trong bài “Tối Mùng Một”, Ngài nguyện “Chí nguyện một lời Ta độ tận” bằng cách:
          “Khai rừng kinh kệ câu huyền bí,
          Để cứu nhơn sanh khỏi thảm sầu”.
Đồng thời Ngài khuyên:
          “Làm lành đâu phải tốn tiền xu.
          Mà sau lại được về Tiên cảnh,
          Thêm thoát ngu mê chốn Diêm phù”.​​​​​​​​​
        Muốn cho năm mới thật sự mới thì bản thân của chúng ta phải mới. Nếu không có gì mới mẻ, dù chúng ta có gọi đó là năm mới thì chẳng có gì khác, nó vẫn là năm cũ mà thôi: “Thì ra năm mới như năm cũ” (Ngày Tết).
          Vậy để có một năm mới, chúng ta phải làm mới chính mình. ​​​​​​​​​Hầu như chúng ta nghĩ rằng năm cũ mọi việc đã đi qua, nhưng thật sự vẫn còn ở lại với chúng ta vì những hành động bằng thân, bằng lời, bằng ý của chúng ta chính là “Nghiệp” mà chúng ta đã tạo nên trong năm qua.
Theo luật nhân quả, chúng ta bắt đầu gặt hái những nghiệp quả mà chúng ta đã gieo trồng trong năm qua. Cho nên nói năm cũ đã rời chúng ta, không có gì chắc chắn, nó có thể ở lại với chúng ta trong năm mới dưới hình thức nghiệp quả.​​​​​​​​​​​
          Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ đã từng dạy: “Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy” (Giác Mê Tâm Kệ). Những hành động nhân ái, những lời lẽ dễ thương từ hòa mà chúng ta đã thể hiện trong năm cũ sẽ cho hoa, cho quả trong năm mới. Và Ngài cũng dạy:
           “Trồng cây lành vị quả thơm tho,
            Tuy không thấy mà sau chẳng mất.” (Khuyến Thiện).
          Những hành động từ bi, thương yêu mà chúng ta đã làm trong suốt năm qua, chúng ta sẽ gặp lại chúng trong năm mới, đó là nghiệp quả.​​​​
            Chúng ta thử quán xét lại mình, xem chừng có thể không có gì mới mẻ trong năm mới mà vẫn “cũ mèm”. Nghiệp cũ, tâm cũ và các tập khí cũ ngàn đời vẫn còn đó, có sức mạnh chi phối cả đời sống của chúng ta, nghiệp mệnh của chúng ta. Chúng ta là người học Phật, tu Phật, cần phải thấu rõ cái cũ, cái mới rốt ráo nầy.​​​​​​​​​​​​   Như nói về nghiệp cũ, chúng ta có mặt trên đời nầy làm kiếp người là do nghiệp dẫn dắt, do nghiệp quyết định.
            Có nhiều loại nghiệp: nghiệp có sự chủ ý mạnh mẽ, gọi là trọng nghiệp; nghiệp do thói quen thực hiện một công việc hằng ngày, gọi là tập quán nghiệp hay thường nghiệp; nghiệp do tích lũy mỗi ngày, gọi là tích lũy nghiệp; nghiệp do hành động trước khi lâm chung, gọi là cận tử nghiệp.
            Trong giây phút cuối cùng của đời người, nghiệp nào có năng lực mạnh sẽ quyết định tâm thức tái sanh.​​​​​​​​​​​​ Nghiệp quyết định tâm thức tái sanh thì nó mang theo tự thân thiện ác, tốt xấu, nhiều đời nhiều kiếp. Nói cách khác, nếu nghiệp thiện lành thì chúng ta ít tham, sân, si, có nhiều đức tính tốt của con người. Ngược lại, nghiệp xấu ác thì chúng ta có nhiều tham, sân, si và có nhiều thói hư tật xấu.​​​​​ Hình như đa số trong chúng ta vẫn còn sống theo nghiệp cũ không tích cực chuyển nghiệp hoặc tạo nghiệp thiện lành mới. Họ sống theo nghiệp cũ nên vẫn còn sát giết chúng sanh. Tâm tham lam bất tri túc chưa bao giờ biết đủ. Tâm còn si mê thiếu óc phán đoán, thiếu sự suy nghĩ, chỉ biết tin bướng làm càn, không tìm hiểu con đường giải thoát. ​​​​​​Khi nào hành động qua thân, khẩu, ý, mà không có chánh niệm tỉnh giác soi rọi là chúng ta sống theo nghiệp cũ, tâm cũ. Người có tánh sân nộ, hễ có chuyện trái ý nghịch lòng thì nóng nảy, bực tức khởi lên đó là tánh khí cũ, rồi hành động qua thân, khẩu, ý, do lực tánh sân chi phối. Hành động như vậy gọi là sống theo nghiệp cũ, tâm cũ.
            Trái lại cũng trường hợp như trên, người có chánh niệm tỉnh giác ghi nhận trạng thái nóng giận của mình, cho nên tánh sân nộ không chi phối người ấy được. Lại nữa, người biết thực hành chánh niệm tỉnh giác là người ấy biết mình có tâm sân thì tự tâm sân cũng tự diệt. Đây là trường hợp không sống theo nghiệp cũ, tâm cũ, mà đang bắt đầu chuyển hóa sống theo nghiệp mới, tâm mới.​​​​​​​
            Trong kinh Pháp Cú câu 183, Đức Phật dạy: “Chớ làm điều ác bao giờ, Làm điều lành tốt người chờ, người mong. Giữ tâm giữ ý sạch trong, Là lời Phật dạy ghi lòng chớ quên”.​​​​ Thay nghiệp tâm thì cảnh sẽ mới “tâm cảnh nhất như”. Đây chính là cái mới của người học Phật tu Phật cần phải nghiêm túc thấu hiểu để chuyển hóa cuộc đời mình.​​​​​​
            Xưa kia có người hỏi Đức Thế Tôn: Điều gì là thiện? Ngài trả lời: “Thực hành chánh đạo, giữ sự chân thật là thiện”. Như vậy thực hành chánh đạo ở cấp độ thấp nhất là chúng ta thấm nhuần giáo lý của Phật dạy, hành xử với cuộc đời theo tiêu chuẩn đạo lý, theo chân lý tương đối của nhân gian là giữ gìn chánh đạo. Thực tập cách sống trong đời bằng tâm hiền thiện, như thực hành Tam Quy, Ngũ Giới, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo… Chúng ta không nên xem thường vì đó là căn bản trong cuộc sống.​​​​​​​​​​​​ Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ dạy:
          “Cung kính Phật, cung kính Pháp, cung kính Tăng,
          Tam quy ngũ giái lòng hằng gìn theo.” (Bài cho Ông Cò tàu Hảo),
          “Câu Bát Chánh rán mài chạm dạ,
    Tứ mục điều người khá hành y.” (Bài Thiên Lý Ca),
          “Diệu thâm Bát Chánh lời truyền giáo,
          Xa thẳm Tứ đề tiếng giục ông.” (Bài Cho Ông Nguyễn Kỳ Trân),
          “Chữ Bát Chánh rõ ràng trong giấy,
          Là chơn truyền của Đức Thích Ca.” (Giác Mê Tâm Kệ) và:
          “Tâm từ bi sánh thể ngọc ngà,
          Trong các báu khó bì tánh Thiện.” (Giác Mê Tâm Kệ).​​​​​​​​​​​​​
            Khi chúng ta đã nếm được hương vị Phật pháp thì yêu cầu thực tập thường xuyên, miệt mài liên tục là cần thiết. Chúng ta tu là gieo hạt mầm trí tuệ để nở hoa giác ngộ nên cần có sự điều tiết cho phù hợp với cuộc sống là quan trọng. Không nôn nóng cũng không buông lỏng. Sửa đổi những gì bên ngoài thì dễ, chớ tu sửa những tập khí bên trong của một đời là rất khó. Tu lơ mơ như “Tu theo nước lớn, ròng bèn thả trôi” thì cả một đời không sao chuyển được nghệp. Nghiệp sân si rất khó diệt trừ. Càng về tuổi già, nghiệp giận, nghiệp hờn càng có nhiều hơn lúc trẻ. Tham đắm, giận hờn, đam mê đã dính chặt theo hình hài của chúng ta, nên dù cho hình hài nầy có già cỗi, mòn mỏi cũng không thể mất được. Chúng ta phải miệt mài công phu từng phút, từng giây, không buông lơi thì mới mong chuyển được nghiệp thức nằm rất sâu trong tâm thức của chúng ta.​​ Chân thật là một đức tính lớn của người tu mà Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ dạy:
           “Tánh ngay thẳng ta không dời đổi,
           Dù tan xương nát thịt chẳng màng.” (Giác Mê Tâm Kệ).
            Chưa phải là người đi trên đường tu, chỉ là người thường thôi mà có đức nầy cũng là một viên ngọc quý trong cuộc đời. Người chân thật nhưng phải có trí tuệ. Nếu có trí tuệ mà không có sự chân thật thì trở thành lừa dối và chỉ là một nghệ thuật màu mè để thu phục lòng người không có thực chất bên trong.
            Trong sách Đại Học là một phần của bộ sách”Tứ Thư” có từ ngữ “thành kỳ ý” (làm cho cái ý mình thành thật, không nên dối gạt mình). Ông Tăng Tử nói rằng: “Trong khi mình ở nơi kín đáo, chớ tưởng rằng người ta không biết hành động bất chánh của mình. Tới chừng ra chỗ bàng quang thiên hạ, bấy giờ dường như ai cũng ngó vào mình, ai cũng chỉ vào mình. Vậy có nên dè dặt hay không?” (Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ!”. ​​​​Do nơi tâm thành thật mà được sáng suốt, hiểu rõ đạo lý,  gọi là tánh, tức là cái tánh thiên nhiên của bậc Thánh nhân vốn là đạo Trời. Còn do nơi hiểu rõ đạo lý mà trở nên thành thật, gọi là giáo, tức là kẻ bình thường cần phải học, hỏi, biện, làm, mới hiểu rõ đạo, rồi nhờ đó mà hóa ra chơn thật, ấy là đạo Người (trong nhơn loại có một ít bậc Thánh nhân sanh ra thì sẵn có cái bổn tánh thành thật thiên nhiên, còn phần đông phải tự mình trau dồi cho tâm ý trở nên ngay thẳng). Cho nên hễ ai tâm ý thành thật thì hiểu rõ đạo lý. Còn ai hiểu rõ đạo lý, tự nhiên tâm ý trở nên thành thật.​​​​​​​​​​ Người thành thật không những cầu đạt Đạo cho mình mà còn cho tha nhân. Mình thành tựu cho mình đó là nhân, còn thành tựu cho người là trí. Nhân và trí là đức tánh tự nhiên. Cái tâm ý của mình nếu có công tập luyện theo điều nhân, thì tự nhiên nó hóa ra lành. Cái tâm ý hóa ra lành thì không còn mong làm chuyện sái quấy, cho nên miệng nói lời lành thì thân làm điều hiền thiện.
            Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo khuyên:
           “Đục trong bốn cuốn ngọn ngành,
             Khuyên đời trau trỉa chữ lành cho xong.” (Dặn Dò Bổn Đạo).​​​​​​​​​
            Chúng ta nên hiểu giữ sự chân thật tức là có lòng thương yêu, hành xử lịch sự. Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ dạy: “Người có tâm nếu không tập suy gẫm cho mở trí thì hay dễ bị lường gạt. Người có trí mà vô tâm thì hay xảo trá. Nên trí và tâm người học Đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai để lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ trì. Được như thế chắc chắn ta học Đạo mau thành công đắc quả”“Sự đầu tiên của người hành Đạo là cốt sửa những tư tưởng, tìm cách đánh đổ tư tưởng xấu xa, đem thay vào những tư tưởng ôn hòa, đạo đức.” (trích “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ”). ​​​​​​​​​​
            Trong kinh Duy Ma Cật có câu: “Trực tâm thị đạo tràng”, tâm mà thành thật, đó là đạo tràng hoằng pháp rất lớn. Lòng chân thật nằm trên nền trí tuệ, nên năng lực tu rất mạnh đẩy chúng ta đến quả giải thoát rất nhanh.
            Đức Phật, Đức Thầy chỉ cho chúng ta con đường và phương cách làm mới thân tâm.
           Đức Phật dạy: “Người có lầm lỗi mà không tự sám hối để sớm dứt tâm tạo ấy, thì tội lỗi càng chồng chất vào thân như nước chảy về biển dần dần trở nên sâu rộng. Nếu người có lỗi lầm mà biết nhận lỗi, bỏ ác làm lành thì tội tự diệt, như bệnh được đổ mồ hôi, dần dần sẽ khỏi bệnh”.
            Còn Đức Thầy dạy: “Chữ tự hối nào ai có lạ, Là ăn năn cải sửa tâm lành” (Giác Mê Tâm Kệ).​​​
            Sám hối là gì? Sám là tự thú tội ăn năn để chừa lỗi. Hối là ân hận, hối tiếc điều lầm lỗi trước. Biết lỗi mà biết cách sửa lỗi. Chúng ta hãy tỉnh táo nhìn lại mình, phải sám hối khi mình gây ra tội lỗi. Con người ai không mắc phải sai lầm, nhưng sai mà biết sửa mới là điều thiện. Đừng trách số phận mình không tốt, đừng tin rằng mọi thứ đều do thiên định. Chúng ta phải tu sửa số phận của mình, bắt đầu từ việc hành thiện tích đức, luôn giữ tâm chính trực, sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Có thiện tâm ắc có hành động thiện vì “Vạn pháp ở nơi tâm”. ​​​​​​Sám hối trong đạo Phật là tự mình làm mới chính mình, gột rửa thân tâm cho sạch và chuyển hóa thân tâm. Chúng ta lạy Phật hay thực hành pháp Sám hối không có nghĩa là cầu khẩn năng lực nào ở bên ngoài giúp mình, hổ trợ mình, xá tội cho mình. Khi chúng ta thấy một người tu Phật nào đó đứng trước bàn thờ thắp nhang lễ lạy, khấn nguyện…, chúng ta đừng nghĩ khi làm các việc ấy là họ cầu khẩn, van xin điều gì với đấng thiêng liêng giải trừ nghiệp tội. Tuy niềm tha thiết cầu nguyện biểu lộ bằng hình thức bên ngoài như vậy, nhưng thực tế con đường sám hối trong đạo Phật có nội dung rất thâm sâu. Đó là con đường quy chiếu về tâm, làm mới thân tâm, loại trừ những ác niệm, chuyển hóa tâm hành, những suy tư bất an lắng dịu lại và ta nếm được hương vị an lạc. Đây là hạng người có tâm lành thật lòng sám hối.​​​​​​​​​​​ Cũng có hạng người đến chùa “sám hối”, lễ lộc, nhang đèn, cũng cầu khẩn vái lạy; nhưng khi trở về thì tiếp tục phạm lỗi như trước:
          “Cuộc sám hối vô chùa thường thấy,
          Làm gian lừa biết mấy nhiêu lần.” (Giác Mê Tâm Kệ).
       Đây là người không nhiệt tâm hành đạo, dối gạt Thánh Thần “Quả bất lành chưa trả vay thêm” (Khuyến Thiện).​​​​​​​​​​
          Đức Phật không bao giờ tuyên bố Ngài là con người cao cả hơn tất cả sinh dân trên hành tinh nầy, cũng không phải từ một đấng thần linh nào sinh ra để cai quản con người. Ngài chỉ nhận mình là vị Thầy, là bậc Đạo Sư, là người chỉ đường mà thôi. Ngài không phải là người ban phước giáng họa cho bất kỳ người nào. Ai sản sinh ra nghiệp nào thì sẽ nhận kết quả do nghiệp đó tạo ra. Ngài có duyên may thấy được chơn lý, con đường sáng để đi và tự thân của mỗi chúng ta đều có khả năng như Ngài. Vì chúng ta chưa khai triển được tiềm năng Phật tính trong tự thân nên còn mãi mãi là phàm nhân.
​​​​​​​          Sám hối trong đạo Phật với nghĩa gần nhất là chúng ta quay về làm mới thân tâm. Chúng ta chớ quên ta là chủ dòng nghiệp thức của chính mình. Sự đày đọa làm cho chúng ta khốn đốn là do tâm thức chúng ta tạo thành, chứ không phải sự phạm tội làm hại đời mình. Sở dĩ chúng ta đau khổ do bị tội lỗi là vì chúng ta không thể loại trừ để chấm dứt những nỗi niềm ân hận, ám ảnh của quá khứ mà thôi. Dù cho tội lỗi có nghiêm trọng đến đâu cũng có thể loại trừ. Khổ ải, đày đọa không phải nó luôn đeo cứng lấy mình mà không thể rời bỏ được.​​​​
          Ngày xưa, vào thời Đức Phật còn tại thế, có anh chàng Vô Não trước khi trở thành đệ tử của Phật, anh ta là kẻ giết nhiều người, ai nghe cũng kinh sợ. Anh phạm trọng tội sát sanh chỉ để  lấy đốt ngón tay làm tràng hạt đeo cổ. Vậy mà khi được về với Đức Phật chẳng bao lâu anh chứng quả A la hán. Tuy nhiên nghiệp ác giết người của anh vẫn đeo đuổi đến khi chứng quả rồi anh vẫn còn bị hành hung. ​​​​​​​​​Như vậy, vấn đề ở đây không có nghĩa tội lỗi là cái gì nhất định. Tội lỗi dù có nghiêm trọng cũng có thể loại trừ và chúng ta cũng có khả năng làm mới thân tâm bằng con đường tịnh hóa tâm thức. Làm mới thân tâm có công năng tuyệt vời là làm cho chúng ta tươi trẻ lại, mới lại, vươn vai trổi dậy từ khối dĩ vãng u ám và đứng lên như là người bước ra chỗ ánh sáng từ bóng tối.
          Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã khuyên tấn chúng ta:
          “Ai mà xét đến ăn năn,
          Quày đầu hướng thiện bần tăng dắt dùm.” (Bóng Hồng).
​​​​​​​​​​​​          Con đường thực tập năng lượng thiện lành là con đường chúng ta phải thực tập hằng ngày, nuôi lớn nó không bao giờ biết mệt mỏi. Khi đời sống tâm linh được nâng cao, có mặt sự hiền thiện thì cuộc đời của người ấy sẽ bước những bước đi lên tươi sáng.
          Cho nên khi thiện nghiệp trong tâm thức chúng ta lớn, đầy yêu thương hòa ái thì dù cho sống ở bất cứ nơi đâu vẫn có tác dụng chuyển hóa những người chung quanh, miễn sao năng lượng thiện lành có mặt mãi mãi trong tự thân. Năng lượng thiện lành tương ứng với Phật tâm. Thế nên người tu Phật chân chính là người có bản chất của sự chân thật, cái lành và cái đẹp.​​​​​​​​​​​​ Nếu chúng ta là người tu chánh niệm, hãy nhìn lại trong thân tâm và nhận diện được tiếng thì thầm của tâm thức đang có mặt như bất an, sầu tư…, đừng để chúng dẫn dắt.
          Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy trong mục Chánh Niệm: “Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có cũng tưởng, không cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng… Thất tình lục dục bắt buộc con người phải phí biết bao tâm cơ, bao nhiêu trí não phụng sự nó. Danh lợi, cảm tình, uy quyền, phú quý… được hằng ngày ghi nhớ. Vì thế con người mãi mãi lăn lộn trong sáu đường không thoát khỏi vòng sanh tử.​​​ “Để thoát chỗ luân hồi bỏ cuộc đời lầm than hoạn họa, hãy rán tưởng niệm phương pháp hành Đạo, bỏ các điều phù phiếm, ghi nhớ công lao Đức Phật đối với quần sanh, bia tạc vào lòng những điều Phật giáo. Phải nhớ rằng xác thân do tứ đại (đất, nước, lửa, khí) tạo thành và sớm muộn gì nó cũng sẽ bị tan rã. Đặng vậy, ta mới bỏ được các sự xúc động, các mối dục tình tránh điều khổ lụy do nó gây nên”.​​​​​​​
          Chúng ta là những người tu theo Phật thì chúng ta tự làm chủ cuộc đời mình. Niềm vui nỗi buồn do chúng ta mang lại và lòng mình là giếng nước ngọt tuôn tràn. Hạnh phúc ở trong ta và đời sống tâm linh là đời sống độc hành. Chúng ta phải tự mình điều phục, chuyển hóa và trách nhiệm đối với quá khứ của mình. Những ký ức tích chứa lâu đời trong tâm thức chính mình phải đối diện.​​​​​​​​​​​​​ Muốn hưởng được pháp vị, người tu theo đạo Phật phải suy tư, nghiền ngẫm chánh pháp thật tường tận và phải ứng dụng Phật pháp trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta đã biết rằng tâm người đã có sẵn tính thiện và tính ác. Tính ác là nhân đau khổ cho mình và cho người, đời nầy và đời sau. Tính thiện là nhân an vui cho mình và cho người, nó gầy dựng cho người trở thành bậc Hiền, Thánh. Nếu muốn hết khổ được vui, chúng ta phải dẹp bỏ tính tội ác, nuôi dưỡng tính lương thiện. Đây chính là làm mới thân tâm. Chúng ta là người tu theo Phật, tự kiểm điểm lại mình thuộc hạng nào trong hai hạng trên.​​​
          Ngoài ra, nếu chúng ta là hạng đến với Phật là để cầu bình an, thì nên chuyển hướng vươn lên thành người tu Phật chân chính không thối chuyển trên đường đạo. Nếu là hạng đến với Phật để sửa đổi xấu thành tốt tức là làm mới thân tâm, thì cố gắng hơn nữa để mọi xấu xa đều dứt sạch, mọi khổ đau đều tan biến, tự tại tiến thẳng trên đường giác ngộ.​​​​​​
          Cầu mong toàn thể người tu Phật đều là người chánh tín biết ứng dụng chánh pháp chuyển hóa ba nghiệp (Thân, Khẩu, Ý) của mình để trở thành người thuần thiện.
          ​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
​​​​​​          Nam Mô A Di Đà Phật.
 ​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​Ngày 22 tháng 01 năm 2024​​​​​​​​
 PHAN THANH NHÀN
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn