Niệm Phật Đường PGHH - Tường trình Đại lễ 18/5 - Kỷ Niệm 84 năm Ngày Khai Đạo PGHH.

19 Tháng Bảy 20237:50 CH(Xem: 1209)
Niệm Phật Đường PGHH - Tường trình Đại lễ 18/5 - Kỷ Niệm 84 năm Ngày Khai Đạo PGHH.
Tường trình Đại lễ 18/5 -  Kỷ Niệm 84 năm Ngày Khai Đạo PGHH.
                                                                        Lê Yến Dung
          Đối với tín đồ PGHH cũng như đa số nhân dân miền Nam Việt Nam, nhứt là nhân loại quần sanh thời mạt pháp chắc không bao giờ quên được ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939. Ngày mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã hóa hiện ra đời để hoằng dương chánh pháp, khai mở mối Đạo canh tân giáo điều.
          Cũng theo truyền thống nầy, tại Niệm Phật Đường PGHH (Trung Tâm tu học giáo lý PGHH) hôm nay (ngày 16-7-2023) cũng tưng bừng tổ chức ngày kỷ niệm trọng đại nầy với thành phần tham dự: GS Nguyễn Thanh Giàu Hội trưởng Ban Trị Sự Trung Ương, Chánh Trị Sự Trần Quang Linh đại diện Cao Đài. Ô. Huỳnh Kim Hội Trưởng TUHN, K/S Phạm Ngọc Lân (Đồng Hương Hội Tây Ninh), Nhân sĩ PGHH Huỳnh công Kỉnh cựu Sĩ Quan Chính trị Võ bị Đà Lạt, GS Dũng Nguyễn đến từ Trung tâm luyện thi quốc tịch, Niên lão Nguyễn thị Mừng, Bà Hòa Bình, Kimberly Hồ, Nghị viên thành phố Westminster, Phó Thịnh Trương Thư Ký Cộng đồng Nam Cali, Ngọc Hiếu Thủ ủy hội Hậu Duệ VNCH, Ông Lâm Hoài Thạch nhật báo Người Việt, Bình Huỳnh đài truyền hình LSTV, Ô. Hạnh Cư, Trưởng Ban Văn nghệ Tình Nghệ Sĩ, Ô bà Lý Chí Cường, Huyền Tâm giảng viên giáo lý PGHH cùng một số đồng đạo PGHH, thân hữu và sự hiện diện của các tôn giáo bạn.
          Sau khi làm lễ chào quốc kỳ là Diễn văn khai mạc, Mai Chân đại diện Ban tổ chức cho biết như sau:
MC 1
                                                   Đồng Đạo PGHH nhân ngày Kỷ niệm 84 năm Khai Đạo.
          “Thắm thoát, ngày 18 tháng 5 lại trở về trên quê hương và trở về với chúng ta trong niềm vui chung của hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cùng hòa nhịp con tim, cùng nhau hướng về Thánh Địa Hòa Hảo nơi mà cách nay 84 năm về trước, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nhận trách nhiệm với Thiên Đình vượt mọi thử thách đứng ra lập Đạo cứu đời với sứ mạng:
“Vì thời cơ đã đến, lý Thiên Đình hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan...Thiên Tào đà xét định khắp chúng sanh trong thế giới, trong cái buổi Hạ Nguơn này, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh, gây nên nghiệp quả, luật trời đà trị tội, xét kẻ thiện căn thì ít, người tội ác quá nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ bi cùng các vị Chơn Tiên lâm phàm độ thế.” 
Đó chính là trọng trách của Ngài với Thiên Đình, Ngài lâm phàm trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam đang rơi vào ách thống trị của Thực dân Pháp, dưới tà quyền của nhóm đảng phái vô thần, ngu muội; nên dân chúng sống trong kiếp đời tang thương đói khổ.
          Trước bối cảnh không lối thoát đó, Phật Giáo Hòa Hảo đã xuất hiện với chủ trương cách mạng: Cải tạo tôn giáo, cải tạo chính trị, cải tạo xã hội, cải tạo văn hóa, cải tạo giáo dục, cải tạo tâm lý và cải tạo mê tín tối tăm.
          Tám mươi bốn năm trôi nhanh, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử mà nền Đạo PGHH vẫn trường tồn, bởi giáo lý đậm nét chân truyền của Ngài nhằm đưa con người về với cội nguồn tâm linh của Phật giáo và Dân tộc:
          “Khai Ngọn Đuốc Từ Bi Chí Thiện,
           Tìm Con Lành Dắt lại Phật Đường.”
          Phần nghi thức tôn giáo cũng được Đ/đ Trần Cao điều khiển nhịp nhàng qua sự dâng hương của các đồng đạo Nguyễn Thanh Giàu, Huỳnh Kim, Lý Chí Cường, Tony Cường, Huyền Tâm, đã tạo thêm phần trang nghiêm cho phần Nghi thức Tôn giáo.
          Kế đến Huyền Tâm cũng tôn kính đọc lại bài "Sứ Mạng của Đức Thầy", rất là cảm xúc rơi lệ trước sự hi sinh hoằng hóa của Đức Thầy.
          Trong dịp nầy Ban tổ chức cũng không quên điều hợp để thể hiện đọc lại bài Tám Điều Răn Cấm của Đức Thầy bằng Anh ngữ do 3 đồng đạo trẻ: Trần Nhựt, Bác Sĩ Thái Mai và Nguyễn Thúy Vy đã nói lên sự kết nối của thế hệ kế thừa trong hiện tại để bắt đầu cho sự truyền bá giáo lý của Tôn Sư lan rộng khắp năm châu như lời ước của Đức Thầy:
          “Khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo" (Diệu Pháp Quang Minh) hay là:
          “Ư
ớc mơ thế giới lân Hòa Hảo” (Phòng Vắng Đêm Khuya).
MC 8 (2)
                 Bác Sĩ Thái Mai và Nguyễn Thúy Vy đọc lại bài Sứ Mạng, Tám Điều Răn Cấm của Đức Thầy bằng Anh ngữ.
          Bài thơ “Tình Yêu Nhân Loại” của Đức Thầy cũng được ca sĩ Trường Thanh ngâm lại để nhắc lại tình yêu rộng lớn của Đức Thầy đã cảnh tỉnh một cô gái đã yêu Ngài. Thật là tuyệt vời qua sự thể hiện của tiếng hát gạo cội ở thập niên 80.
MC 8 (1)
                               Trần Cao trong bài Ý Nghĩa 18/5 và đồng đạo trẻ Trần Nhựt đọc Tám Điều Răn Cấm.
          Giọng ngâm Sấm giảng trầm buồn của Kim Phụng, Mai Huyền qua bài “Dặn Dò Bổn Đạo” đã nói lên tâm sự của Ngài lúc rời xa bổn đạo trong đó có câu:
          “Ta dù có cách thôn hương,
           Vạn dân cứ chữ hiền lương mà làm.”
          Mọi người ngậm ngùi thương nhớ đến Tôn Sư đang dặm trường xa vắng.
         Kế đến chúng ta cũng nghe đồng đạo Trần Cao thể hiện bài “Ý Nghĩa Ngày 18 tháng 5” có đoạn: “Lịch sử thường là một chứng nhân khi xã hội băng hoại, bởi con người chạy theo thị hiếu thấp hèn, bị cuốn hút theo nền văn minh vật chất cặn bã phương Tây. Vì thế đạo đức bị suy đồi, là do các tà thuyết nổi lên; làm lung lay thành trì tín ngưỡng tâm linh, đó là lúc các bậc Thánh nhân xuất hiện, để chấn chỉnh và dẫn dắt nhân loại hướng đến.
          Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời khai đạo, là vâng sắc chỉ của đức Phật A Di Đà, đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, đức Ngọc Hoàng Thượng đế, đức Quan Thế Âm Bồ Tát và đức Minh Vương và hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
          “Ta thừa vưng sắc lịnh Thế tôn,
           Khắp hạ giái truyền khai đạo pháp.” (Diệu pháp quang minh).
          Sứ mạng thiêng liêng “hoằng pháp lợi nhi sinh” là thực hiện mục đích cao cả vì “Phật đạo vị nhân sinh”, nghĩa là đạo Phật vì chúng sinh mà có mặt tại thế gian, cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị bầu nhiệt huyết của Ngài:
          “Đầu ngưỡng vọng đất trời minh chứng,
           Tấm lòng thành quyết dựng đạo đời.” (Thu Đã Cuối).
          Bài hát “Vọng Tôn Sư” sáng tác của tác giả Lê Yến Ngọc Dung được trình bày bởi đồng đạo Bích Thuận đã xao xuyến lòng người nhớ đến Tôn Sư trong ngày vui khai đạo.
          Chương trình được tiếp tục là bài Diễn Từ của GS Nguyễn Thanh Giàu (Hội Trưởng Ban Trị Sự Trung Ương hải ngoại) có đoạn như sau: “Thế giới sắc không một màu” hay “Thế giới liên dây Hòa Hảo” là Đức Thầy mong mỏi khắp Nhân loại chúng sanh đều được sống trong tinh thần Hòa Thuận tốt đẹp thương yêu lẫn nhau, muốn được như vậy thì giáo lý bình đẳng Từ, Bi, Hỷ, Xả của Đức Phật và của Đức Huỳnh Giáo Chủ phải được truyền bá rộng rãi khắp nơi cho mọi người hiểu và hành theo. Để đạt được mục đích cao cả này có những yếu tố cần phải thực hiện. Thứ nhất là chúng tôi xin kêu gọi tại địa phương nên tổ chức các lớp dạy Việt ngữ, các bậc phụ huynh hãy khuyến khích con em của mình học giỏi tiếng Việt để khi các cháu trưởng thành sẽ phối hợp với kiến thức về ngôn ngữ của nơi mình sinh sống, sẽ trở thành những Giáo lý viên tương lai. Thứ hai: Phật Giáo Hòa Hảo cần phải có một đội ngũ Giáo lý viên thấm nhuần giáo lý của Đức Thầy và phổ biến rộng rãi bằng mọi phương tiện truyền thông cho đại chúng hiểu. Ngoài tiếng Việt nhu cầu cấp thiết cần thực hiện là phiên dịch quyển Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ ra ngoại ngữ Anh Pháp và những tài liệu Đạo nầy phải được lưu trữ trong các Thư viện Quốc gia trên toàn thế giới để cho người ngoại quốc nào muốn tìm hiểu về Phật Giáo Hòa Hảo có thể hiểu được.”
          Kế tiếp là phần phát biểu của Chánh Trị Sự Trần Quang Linh có đoạn như sau:
         “Đức Huỳnh Giáo Chủ là bậc Chơn Sư, vị Phật thương Đời, vị Giáo Chủ khai Đạo chấn hưng Phật Giáo. Đức Ngài dạy Từ Bi Hỉ Xả để khai minh Trí Huệ như Phật. Đó chính là qui y Phật.  Đức Ngài dạy Tứ Ân: TRUNG, HIẾU, TIẾT, NGHĨA để Tu Nhơn, trọn tình dân tộc, đáp ân trả nghĩa đồng bào. Thật là Từ bi, nhân nghĩa vẹn toàn. Đạo Đời hài hòa liên hiệp để thực hiện cứu cánh giáo Đạo, dìu Đời. Thật không phải dễ. Đức Ngài là vị Phật giải khổ, cũng là vị Thánh thọ khổ quên mình, ưu ái chúng sanh.
          Đức Ngài có đủ hạnh đức của Phật, Tiên, Thánh. Do tấm lòng từ ái chúng sanh đang lúc chịu nhiều thảm khổ. Được Thượng Đế và Phật Tổ ủy nhiệm để thực hiện cơ giải khổ cho chúng sanh, chỉ đường chánh đạo. Nhưng trần thế là biển khổ, nơi tranh danh, đoạt lợi, hám quyền. Lòng Từ bi của Đức Ngài bị đối xử bằng tình đời hiểm ác. Họ đưa Ngài vào bệnh viện Tâm thần. Song tình yêu dân tộc và chúng sanh càng thêm sáng tỏ, không vì thọ nạn mà phế bỏ lòng từ ái, luôn mong muốn chúng sanh giác ngộ, giải thoát đường tu, lẽ sống an hòa. Đó chính là vị Thánh thọ khổ vì chúng sanh.
          Đức Ngài bày tỏ:
          - Ta xuống trần nhằm lúc nạn eo,
          - Nên phải chịu kẻ hung khinh bỉ,
          - Vì Bác ái nên Thân cuồng sĩ,
          - Mong cho Đời gặp lúc Khải ca,
          - Trong bốn biển Thái bình mới toại,
          - Phật, Tiên, Thánh lòng nhơn hà hải,
          - Những ước ao thế giới hòa bình…
          Ôi! Một vị Phật thương yêu chúng sanh như thế. Một vị Thánh quên mình hy sinh cho chúng sanh như thế! Khiến lòng người vô cùng cảm phục.” Niệm Phật Đường PGHH bởi các đồng đạo trẻ đã nói lại những lời dạy của Đức Thầy bằng Anh ngữ là cách thiết thực nhứt cho thế hệ trẻ ở hải ngoại.
Cao Dai
                                                   Chánh Trị Sự Trần Quang Linh trong bài Phát Biểu Cảm Tưởng.
          Buổi lễ chấm dứt vào lúc 12:30 PM trong vui tươi, tất cả anh em đồng đạo đã nhắc lại kỷ niệm lúc còn ở Tổ Đình PGHH...cùng với lẩu mắm chay, món quê hương dân giả miền Nam kèm theo khổ qua, rau đắng mọc sau hè và gỏi gém cắt ra từ cây chuối non, rất là tuyệt dù trời hè nóng gắt ở bên ngoài./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn