CẢM NGHĨ VỀ VIỆC DỊCH QUYỂN SẤM THI P.G.H.H. TỪ VIỆT NGỮ SANG ANH NGỮ.

05 Tháng Mười 20231:42 CH(Xem: 276)
CẢM NGHĨ VỀ VIỆC DỊCH QUYỂN SẤM THI P.G.H.H. TỪ VIỆT NGỮ SANG ANH NGỮ.

CẢM NGHĨ VỀ VIỆC DỊCH QUYỂN SẤM THI P.G.H.H. TỪ VIỆT NGỮ SANG ANH NGỮ.

 

        Trong bài “NGHĨ VỀ DỊCH KINH PHẬT”, Cư Sĩ Nguyên Giác cho biết: “Phiên dịch Kinh Phật là một cơ duyên hạnh phúc ngàn đời, không chỉ cho riêng những người dịch Kinh, mà cả cho những dân tộc sẽ được đọc lời Đức Phật bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Chuyển ngữ Kinh Phật không chỉ sẽ thuận lợi trong việc hoằng pháp, mà còn dễ dàng đưa giáo pháp Đức Phật vào nền văn hóa dân gian qua các dạng khác như chuyện cổ tích, ca dao, thơ kệ, kịch nghệ, cải lương... vì ngôn ngữ là cửa vào tư tưởng. Do vậy, đó là những công trình xứng đáng tán thán và hỗ trợ.”
        Dịch thuật trước tiên là diễn bằng ngôn ngữ của bản thân người dịch, và do vậy phản ánh cả trình độ của người dịch, không chỉ về ngữ vựng, mà còn cả một bối cảnh văn hóa mà người dịch trưởng thành. Thí dụ, để dịch “tháng mười hai” sang Anh ngữ, chúng ta có chữ “December”; tuy nhiên, khi dịch “tháng chạp,” có thể khó có chữ tương đương, và lúc đó đành phải lấy chữ “December” (nếu muốn chỉ Dương lịch) hay “the last month of lunar year” (tháng cuối của năm Âm lịch) để tạm dùng. Trong “tháng chạp,” người Việt cảm nhận có một không khí cận Tết, một làn gió se se lạnh, với những ngày cúng đưa ông Táo, có văng vẳng tiếng pháo nổ, có giây phút sắp đi lễ Chùa hay chuẩn bị cúng Giao thừa... Nhưng “December” trong Anh ngữ lại là tháng của mua sắm, tháng của Noel, của tặng quà. Do vậy, dịch thuật còn là một công trình văn hóa lớn.
        Ngày nay, có rất nhiều trường họp phiên dịch bằng phần mềm Vi tính. Đây cũng là chỗ để suy nghĩ, và là nơi các học giả đang nhận nhiệm vụ dịch thuật cẩn trọng. Chúng ta không biết chính xác phần mềm có mức độ thế nào, nhưng thử đưa bài Bát Nhã Tâm Kinh chữ Hán để dịch ra Việt ngữ, không rõ rồi có thể ra gần gần đúng với một trong những bản đang tụng hiện nay hay không. Chưa nghe Giáo Hội PGVN công bố chi tiết nào, nhưng chắc chắn đã có những vị cao tăng nêu lên các câu hỏi tương tự.
        Vào năm 2004, tại Hoa Kỳ đã có Hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam từ Hán tạng. Đây là một dự án sử dụng phần mềm của những chương trình chuyên dịch tinh tế và hiện đại của Vi tính vào công trình phiên dịch. Tất cả 2.372 bộ Kinh trong Hán Tạng được phiên âm và lược dịch bằng máy Vi tính trong vòng 28 giờ. Các bộ kinh ngắn chỉ cần dưới 10 giây đồng hồ. Các bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm (80 quyển) dịch trong 11 phút, bộ Đại Trí Độ Luận 17 phút, và bộ Đại Bát Nhã (600 quyển) 50 phút...
        Kết quả là trong lĩnh vực ngôn từ, ngữ văn thì máy móc chỉ là phương tiện phụ trợ chứ không thể thay thế hẳn được con người. Bởi vì khi cái máy Vi tính làm công việc chuyển ngữ trong vòng 28 tiếng đồng hồ thì phải cần tới một đội ngũ của hàng trăm đầu óc chuyên môn, tinh lọc và hiệu đính trong một thời gian không thể dưới vài ba mươi năm.
        Đã hơn 10 năm qua và liên tục tới hiện tại, có từ 50 đến 100 tăng ni, học giả ở chùa Châu Lâm và trung tâm Liễu Quán (Huế) đang tập trung vào công tác hiệu đính và hoàn thiện Đại Tạng Kinh Việt Nam. Do vậy, việc phiên dịch Kinh Phật do con người thực hiện sẽ bảo đảm chính xác hơn là do máy Vi tính.
Nói chung, dù Phật Giáo có cả rừng Kinh Kệ nhưng mỗi khi du nhập vào quốc gia nào thì đều được hàng Cao tăng dịch sang ngôn ngữ của quốc gia đó để truyền bá và tụng niệm hàng ngày. Dĩ nhiên, Kinh Kệ của Phật Giáo nguyên gốc từ tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Ấn độ, tiếng Trung Hoa đều đã được dịch sang các ngôn ngữ như Nhật bổn, Đại Hàn, Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan, Cao Miên, Việt Nam… mỗi khi được truyền bá sang các quốc gia này.
        Về quyển KINH THÁNH của Thiên Chúa Giáo thì hầu hết các sách trong Cựu Ước được viết bằng tiếng Do Thái, đó là ngôn ngữ của người Israel, vào khoảng giữa năm 1200 đến 100 B.C. Các sách Tân Ước hầu hết được viết bằng tiếng Hy Lạp từ giữa những năm 50 đến năm 70. Nhưng theo Bách Khoa Toàn thư (WikipediA), Kinh Thánh trọn bộ hoặc một phần, đã được dịch sang hơn 2.400 ngôn ngữ của 90% dân số thế giới. Kể từ năm 1815, ước tính đến năm 2023 có khoảng hơn 7 tấn bản Kinh Thánh (chưa kể lượt download online khoảng 900 triệu). Điều này, cho chúng ta thấy rằng bất cứ Tôn giáo nào cũng muốn Giáo lý của Đạo giáo mình phải được truyền bá khắp nơi trên thế giới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Điển hình là gần đây, quyển CHƠN LÝ là Pháp bảo của GHPG Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới do Tổ sư Minh Đăng Quang biên soạn cũng vừa được dịch sang Anh Ngữ và sẽ được ấn hành trong nay mai.
        Thế thì tại sao quyển Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH khi Ông Hội Trưởng BTS Trung Ương Hải Ngoại đương nhiệm dự định thực hiện công tác dịch sang Anh ngữ thì lại bị một số người trong Đạo lên tiếng chê bai và tuyên bố bất hợp tác với lý do là nhận thấy rằng bản dịch không đủ diễn đạt những Thánh ý của Đức Thầy.
          Chúng tôi cho đây là ý kiến vô cùng tiêu cực, thay vì lên tiếng bất hợp tác chê bai, chúng ta hãy xông vào để giúp đỡ người dịch thuật đang rất là cực khổ trong công việc mới mẻ đầu tiên nầy đang cần sự hỗ trợ của quí thiện tri thức trong công cuộc bảo tồn và quảng bá sâu rộng giáo lý nhiệm mầu của Đức Tôn Sư. Và nếu quí vị trưởng thượng cao đồ của PGHH cứ trang sách cũ lật đi lật lại hoài với những phê bình vu vơ không coi kỹ phần Chú thích, mà đã Phàm với Thánh rồi, chắc chắn quí cao đồ không đồng ý chữ Mad, nhưng nếu nghiên cứu kỹ hơn quý vị sẽ thấy nhiều vị Thánh tự xưng mình là Mad mà không có gì phải thắc mắc. Còn mấy chữ Cơ Trời, cuộc thế, quỷ ma...v.v… khá bình thường, gọi như vậy không có gì sai cả. Điều này cho thấy nhiều người thích bắt lỗi mà lắm khi bắt không đúng. Thành thử cứ lăng nhăng mãi, phân bua mãi, sinh chuyện hoài thì làm sao PGHH có người kế thừa?
        Chúng tôi còn nhớ, trước đây các vị cha chú, các tín đồ tiền bối đã có chủ trương dịch thuật quyển Sấm Thi nầy chứ không phải đây là lần đầu, nhưng cả hai lần trước đều bị bỏ dở nửa chừng, lý do là tại vì những lời phát biểu vô tư, thiển cận, tự tôn, cố chấp, của một số tín đồ đã làm đình trệ tiến trình hữu ích này. Và hôm nay là lần thứ ba, nếu chúng ta cứ tiếp tục theo vết cũ, đường xưa thì Đạo PGHH nơi hải ngoại sẽ không thể nào tiến xa hơn nữa và rồi sẽ bị tàn rụi theo năm tháng qua mau, bởi vì biết tìm đâu ra thế hệ kế thừa mà tiếp bước giữ gìn mối Đạo.
        Ai cũng biết Truyện Kiều của Thi hào Nguyễn Du đã được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Báo Người Lao động cho biết: “Truyện Kiều dịch ra 20 thứ tiếng và được cấp kỷ lục Thế giới về tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất của Việt Nam.” Ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất là tiếng Anh (18 bản), tiếp đó là tiếng Pháp (12 bản), tiếng Trung Hoa (11 bản), tiếng Nhật (5 bản), tiếng Nga (3 bản)...
        Còn theo Thống kê trên Google cho biết: “Nếu chỉ kể những bản dịch toàn bộ và đã được xuất bản thì đến nay Truyện Kiều (gồm 3.254 câu theo thể thơ Lục bát) đã được dịch sang 20 tiếng nước ngoài, kể cả tiếng Trung Quốc”.
        Vì vậy, xin quí vị đừng quan niệm rằng Thi Văn của Đức Thầy bằng văn vần thì không thể dịch ra tiếng nước ngoài. Bởi vì, ngay chúng ta là người Việt Nam, có ai dám vỗ ngực xưng tên là mình đã diễn đạt được đầy đủ Thánh ý của Đức Thầy qua bất cứ bài Thi văn Giáo lý nào đó của Ngài hay không?
        Thử hỏi, có ai bao giờ nghe Đức Chúa Jesus Christ hay Đức Phật Thích Ca than phiền: Ta là người Do Thái (hay người Ấn Độ) tại sao các ngươi lại đem giáo lý của Ta mà dịch ra các thứ ngôn ngữ khác nhau như vậy? Các ngươi có hỏi ý kiến Ta chưa và các ngươi có biết những bản dịch này đều không đầy đủ với Thánh ý của Ta chăng?
        Cũng vậy, ai là tín đồ PGHH có từng nghe Đức Thầy cấm đoán môn đồ của Ngài phiên dịch Giáo lý của Ngài ra ngôn ngữ nước ngoài hay không? Nếu chúng ta sùng kính Đức Thầy, tôn vinh Ngài như bậc Cổ Phật lâm phàm thì tại sao Giáo lý siêu mầu của Ngài để lại, lại không được chúng ta tìm mọi cách chuyển tải đến người nước ngoài hoặc cho con cháu chúng ta đang sinh sống nơi hải ngoại được hiểu biết? Hoặc nếu cứ chần chừ, e ngại hay cứ chê bai, chỉ trích hoài hoài thì biết đến bao giờ PGHH mới có được quyển Giáo lý bằng song ngữ để phổ truyền đến mọi nơi trên thế giới.?
        Xin quý vị cao minh trong Đạo đừng nóng nảy lẹ làng quá để bỏ mặc công trình vào quên lãng; vì họ đã từng bước bỏ rất nhiều công sức, thời gian và trí tuệ để thực hiện nên quyển song ngữ này. Nhóm người thực hiện công tác đã phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần, ngay cả dấu chấm câu cũng không dám bỏ sót để phiên dịch từng chữ, từng câu trong quyển Pháp bảo này.
        Thử hỏi, trong hàng triệu tín đồ PGHH từ hơn 80 năm qua, có bao nhiêu người làm được việc này hay chưa?.
Trong Q.4, Đức Thầy cho biết:
“Quá mắt-mỏ bởi chưng Phạn-ngữ,
Nên người đời khó kiếm cho ra.”
        Cho nên, Ngài đã Việt-hóa các quyển Kinh, Luật, Luận của Phật giáo để giảng dạy tín đồ của Ngài mà phần lớn là hạng nông dân chất phác:
“Trong sấm-giảng nếu ai không hiểu,
Tầm kệ này Ta chỉ nẻo đường.
Quyết dạy trần nên nói lời thường,
Cho sanh chúng đời nay dễ biết.” (Q.4)
Hay là:
“Chốn sơn-lãnh bây giờ mù-mịt,
Cho nên dân dạy chẳng nghe lời.
Kể từ nay nói chuyện chiều mơi,
Chớ chẳng nói dông dài khó hiểu.” (Q.2)
Lại nữa, trong bài Không Buồn Ngủ, Đức Thầy cũng có lời than thở:
“Biết làm sao gieo Đạo khắp đại đồng,
Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc.”
Và tâm nguyện của Ngài là: “Ước mơ Thế giới lân Hòa hảo” hay là “Khắp bốn biển liên dây Hòa hảo”. Đức Thầy còn dạy:
“Ai lòng nhơn hoặc chép hay in,
Mà truyền-bá đặng nhiều phước-đức. (Q.2)
Tuy nhiên, muốn truyền bá mà không muốn chuyển ngữ sang Anh ngữ (là một ngôn ngữ Quốc tế) thì truyền bá bằng cách nào?
        Cuối cùng, theo như lời dạy của Ngài trong bài Diệu pháp Quang minh: “Tùy phong hóa dân sanh phù hạp” thế nhưng trong khi mọi người trong chúng ta đều sử dụng Anh ngữ trong đời sống hàng ngày thì lại có tín đồ trong Đạo lên tiếng chống báng việc chuyển ngữ quyển SG & TVGL của Đức Thầy ra Anh ngữ thì quả tình chẳng phù hạp với Thánh ý của Ngài chút nào.
        Thưa quí vị, nếu quí vị tự thấy khả năng Anh ngữ còn thấp kém, đọc không hiểu được bản dịch cao thấp, sai trái thế nào thì nên cho ý kiến, để được giải thích thỏa đáng... để cùng nhau xây dựng tòa nhà Đạo pháp lan rộng khắp năm châu, bốn biển. Hoặc khả năng Anh ngữ của mình quá cao siêu thì cũng xin góp ý và dùng khả năng của mình đứng chung vào hàng ngũ dịch thuật của PGHH vì quí vị nên nhớ: 3 người vẫn tốt hơn 1 người, như lời Ca Dao VN từ ngàn xưa lưu truyền:
“Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây dụm lại nên hòn núi cao.”
        Chúng ta không thể nào lên tiếng chê bai, chỉ trích và quả quyết bản dịch của nhóm trẻ PGHH nầy là sai bét. Chắc chắn là không đúng hoàn toàn vì toàn bộ phần dịch thuật nầy đã được qua sự kiểm soát của một vị tiến sĩ Phật học, thông hiểu giáo lý siêu mầu của PGHH.
        Thưa quí vị, nếu bản dịch này là không đúng, là phải dịch như thế này mới đúng, thế kia mới đầy đủ theo Thánh ý của Đức Thầy..vv..và..vv… Thế thì tại sao quý vị không dùng khả năng Anh ngữ tinh thông của mình để đóng góp, chỉnh sửa cho quyển song ngữ này được trong sáng hơn, sát nghĩa hơn, đúng cú pháp hơn… và nhất là đúng với Thánh ý của Đức Thầy hơn…, thì nhóm dịch thuật chúng tôi xin vô vàn bái phục.
        Theo thiển ý của chúng tôi thì bản Song ngữ này ví như căn nhà lá vừa mới dựng xong nên có vẻ sơ sài và đơn giản lắm. Do đó, chúng tôi (đa số là con em thuộc gia đình PGHH, sinh ra và lớn lên nơi hải ngoại) luôn mong mỏi cả khối tín đồ PGHH trong ngoài nước nên cùng chung tay, góp sức tu bổ cho căn nhà lá này được ngày càng khang trang và tráng lệ như những căn biệt thự nguy nga, lộng lẫy của các Tôn giáo bạn. Xin minh xác, đây là tài sản chung của PGHH, chắc chắn con cháu chúng ta sẽ được thừa hưởng và sẽ ra sức tô bồi cho vững vàng thêm mãi mãi.
        Xưa nay, người tín đồ PGHH hễ nói là làm, khác với những kẻ hay nói rất nhiều mà không làm gì cả, lại còn có tính hay gièm siểm, ích kỷ hại đời, phá đạo chẳng ích lợi gì cho nhân quần, xã hội.
        Nhân đây, chúng tôi xin thành tâm cúi đầu, xin quí vị hãy vì tiền đồ của nền Đạo PGHH mà dung thứ lẫn nhau, hãy “thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường Đạo đức”, thay vì bất cứ việc lớn nhỏ gì cũng đem ra cấu xé, bôi bác, hơn thua lẫn nhau… thì chỉ mang lại tiếng xấu cho Đạo nhà và nhất là để cho thiên hạ chê cười mà có lỗi với Đức Tôn Sư đang hà phương xa vắng.
        Kính cẩn van xin quý vị niệm tình tha thứ, nếu có điều chi mạo phạm.
        Nam Mô A Di Đà Phật!
California, ngày 05-10-2023
TM. Nhóm Thanh Niên Niệm Phật Đường PGHH
Người viết: LÊ YẾN NGỌC DUNG
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn