Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và PHẬT GIÁO thời đại

24 Tháng Bảy 20206:57 CH(Xem: 8411)
Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và PHẬT GIÁO thời đại
diendanpghh-bo-tat-huynh-phu-so-phat-giao-thoi-dai
tien-si-le-hieu-liem
Tiến sĩ LÊ HIẾU LIÊM
(1952-2008)

Bồ-Tát HUỲNH-PHÚ-SỔ và Phật-Giáo Thời-Đại

Chương một: Dẫn nhập

Việt Nam và Phật Giáo đầu thế kỷ hai mươi.

Đầu thế kỷ 20, tư tưởng Nho Giáo, thống trị độc tôn đất nước từ Thời Hồ Quý Ly, nhà Lê và nhà Nguyễn suốt 400 năm, hoàn toàn sụp đổ. Tư tưởng Phật Giáo, ngự trị vinh quang trong thời đại Lý Trần từ thế kỷ thứ 11 đến cuối thế kỷ 14, suy đồi tận gốc. Tư tưởng Tây Phương và tôn giáo của nó, Thiên Chúa Giáo La Mã, bị đại đa số trí thức và nhân dân coi như sản phẩm và công cụ của chế độ Thuộc Địa và thực dân Pháp nên vẫn không được chấp nhận. Ý thức hệ Cộng Sản cũng như các tư tưởng mới khác chưa ra đời. Cả một khoảng trống tư tưởng, cũng có nghĩa là một khoảng trống tôn giáo và chính trị, to lớn bao trùm trên một nước Việt Nam bị nô lệ, bóc lột, áp bức, lạc hậu và nghèo đói. Nhưng đây cũng là môi trường lý tưởng cho sự ra đời của những tư tưởng mới, những tôn giáo mới, những chính  đảng mới và những phong trào mới: Phong trào Đông Du và Việt Nam Duy Tân Hội của Phan Bội Châu từ năm 1904, Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can và các nhà Nho tiến bộ năm 1907, tư tưởng dân quyền và dân chủ của Phan Chu Trinh suốt hai mươi năm (1905-1925), phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội cùng năm, Việt Nam Quang Phục Hội năm 1912, cuộc khởi nghĩa ở Trung Kỳ và ở Huế năm 1916 của Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Ngung, vua Duy Tân.., phong trào Hội Kín ở miền Nam năm 1913-1916 lan rộng khắp Lục Tỉnh và cuộc tấn công Sài Gòn năm 1916. Các hoạt động này đã liên tục diễn ra từ đầu thế kỷ 20 đến cuối đệ nhất thế chiến.

Tuy nhiên mãi đến đầu thập njiên 20 Việt Nam mới thật sự thức dậy với sự ra đời Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng Chí Hội và Tân Việt Cách Mạng Đảng năm 1925, Đạo Cao Đài năm 1926, Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1927, Cuộc khởi nghĩa Yên Bái và sự ra đời của Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1930 và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Trong thời gian sôi động này, từ 1925 trở đi, Phật Giáo cũng đã thức dậy. Từ năm 1923, thiền sư Khánh Hòa và thiền sư Thiện Chiếu đã thành lập, tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, Hội Lục Hòa Liên Hiệp với mục đích vận động thành lập một Hội Phật Giáo Việt Nam toàn quốc để chấn hưng Phật Giáo. Thiền sư Thiện Chiếu, khác hẳn tất cả tăng sĩ Phật Giáo đương thời, là một tăng sĩ có tân học. Ông đã đi ra Trung và Bắc vận động thống nhất Phật Giáo năm 1927 nhưng bất thành.

Năm 1928 thiền sư Khánh Hòa xây dựng Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã tại Chùa Linh Sơn, Sài Gòn và năm 1929 Ông cho ấn hành tạp chí Viên Âm, tập san Phật Học đầu tiên bằng quốc ngữ tại Việt Nam, đặt trụ sở tại chùa Xoài Hột, Mỹ Tho. Cùng thời, thiền sư Thiện Chiếu xuất bản một tạp chí Phật Học nhắm vào giới thanh niên trí thức lấy tên là Phật Hòa Tân Thanh Niên, đặt tòa soạn tại chùa Chúc Thọ ở Gia Định.

Năm 1931 thiền sư Khánh Hòa cùng nhiều tăng sĩ và cư sĩ thành lập Hội Phật Học đầu tiên tại Việt Nam, lấy tên là Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học và thiền sư Từ Phong được mời làm Chánh Hội Trưởng. Hội ra tờ Từ Bi Âm năm 1932. Thiền sư Khánh Hòa, cùng người cộng sự thân tín là thiền sư Thiện Chiếu đã đóng vai trò tiền phong khai mở phong trào chấn hưng Phật Giáo và hiện đại hóa Phật Giáo, chuyển động sâu rộng lịch sử Phật Giáo và lịch sử Việt Nam trong suốt 65 năm qua.

Tại miền Trung, thiền sư Giác Tiên mở Phật Học Đường tại chùa Trúc Lâm năm 1929 và ủy thác cho đệ tử là bác sĩ Lê Đình Thám thành lập Hội An Nam Phật Học năm 1932. Hội quy tụ đông đảo những danh tăng và cư sĩ trí thức tại miền Trung. Cư sĩ Lê Đình Thám được bầu làm Hội Trưởng và vua Bảo Đại được mời làm Hội Trưởng Danh Dự. Hội ra tạp chí Phật Học Viên Âm năm 1933. Năm 1934, thiền sư Giác Tiên, cư sĩ Lê Đình Thám... đã thành lập Trường An Nam Phật Học, trong đó có mở cấp Đại Học Phật Giáo. Đặc biệt hơn nữa là Hội đã phát động phong trào "Chỉnh Lý Tăng Già" rất quyết liệt để loại trừ ra khỏi tăng già những thành phần phạm giới, bất xứng. Chính nhờ những nổ lực cấp tiến này mà Phật Giáo miền Trung đã đóng được một vai trò quan trọng trong những thập niên sau đó.

Năm 1934 các thiền sư Trí Hải, Tâm Ứng, Tâm Bảo cùng với giới cư sĩ trí thức tên tuổi tại Hà Nội như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Trần Văn Giáp, Nguyễn Năng Quốc, Nguyễn Hữu Kha, Bùi Kỷ, Lê Dư... thành lập Bắc Kỳ Phật Giáo Hội, bầu cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng và suy tôn thiền sư Thanh Hanh làm Thiền Gia Pháp Chủ. Đặc biệt là trong buổi lễ suy tôn Pháp Chủ này, cư sĩ Trần Trọng Kim đã thuyết pháp về đề tài; "Thập Nhị Nhân Duyên". Hội ra tạp chí Đuốc Tuệ năm 1935 và phát triển mạnh mẽ khắp miền Bắc (Nguyễn Lang, Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, q 3, t 51-173).

Đặc tính của cả ba Hội Phật Học tại ba miền là vai trò nổi bật của giới trí thức cư sĩ, là thuần túy Phật học và sinh hoạt Phật sự. Thời điểm 1925- 1945 là thời điểm chuẩn bị trong kiên nhẫn và thầm lặng. Các hội Phật Học đã làm đúng chức năng và vai trò lịch của mình, một cách khiêm tốn, từ đống gạch vụn đổ nát của nền Phật học và Phật Giáo Việt nam trong thời Thực Dân Pháp thống trị.

Trong thời kỳ này xuất hiện những con người đặc biệt, xuất sắc và những tư tưởng mạnh mẽ, quyết liệt, trong Phật Giáo cũng như ngoài Phật Giáo. Từ đầu thập niên 30, tư tưởng Phật Học của Thích Thiện Chiếu đã là những quả bom chấn động. Và năm 1939 Huỳnh Phú Sổ xuất hiện làm một cuộc cách mạng tôn giáo, cải cách toàn bộ và triệt để Phật Giáo chưa từng có trong hai ngàn năm lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Miền Nam, một vùng đất lạ lùng và kỳ diệu...

Phan Chu Trinh từ Pháp trở về Sài Gòn năm 1925, đất nước bùng lên những làn sóng tư tưởng dân quyền và dân chủ. Ông khẳng định phải tìm nguyên nhân mất nước trong sự mất đạo đức, mất luân lý, trong bài diễn thuyết đạo đức và Luân Lý đông Tây, và ông cũng khẳng định chế độ quân chủ chuyên chế là nguyên nhân chính làm mất nước trong bài thuyết giảng Quân Trị Chủ Nghĩa và Dân Trị Chủ Nghĩa tại Sài Gòn năm 1925. ông mất năm sau đó và đám tang ông cùng với cuộc vận động ân xá nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã khơi bùng phong trào yêu nước và yêu tự do dân chủ trên toàn quốc, đặc biệt là trong giới thanh niên.

Nhưng dữ dội, bốc lửa và sấm sét trong tư tưởng yêu nước chống thực dân cũng như tư tưởng tự do dân chủ, trong thời này, chỉ có Nguyễn An Ninh là đi xa nhất, quyết liệt nhất. Là một thanh niên miền Nam, Ông đi du học ở Pháp và trở về nước với bằng cử nhân Luật. Lợi dụng quy chế thuộc địa của Nam Kỳ, nơi mà báo chí bằng tiếng Pháp được tự do, không bị kiểm duyệt, Ông ra tờ La Cloche fèlèe (Tiếng Chuông Rè) từ năm 1923 đến năm 1926. Ông tự xưng tờ báo của Ông là "cơ quan tuyên truyền tư tưởng Pháp", lấy tư tưởng của kẻ xâm lăng để đập những nhát búa tạ vào chế độ Thực Dân, đồng thời tờ báo cũng tự nhận là "cơ quan chuẩn bị cho tương lai dân tộc". Thật là độc đáo và tuyệt vời.

Ngoài việc phê bình kịch liệt, thẳng tay chính sách và chế độ thực dân, Ông cổ võ cho việc đào tạo một tầng lớp thanh niên Việt Nam tân học, có văn hóa, có lý tưởng, có chí khí, có năng lực và có tổ chức và Ông tuyệt đối tin vào sức mạnh và vào tương lai của nhân dân Việt Nam. Ông chủ trương một nước Việt Nam thống nhất từ Nam chí Bắc và trở về lịch sử dân tộc để tìm niềm tin và sức mạnh. Ông hô hào, khi chỉ mới ngoài 20 tuổi, "Chẳng những phải duy trì những giấc mộng vĩ đại, mà còn phải tổ chức thành một nhóm quan trọng để chuẩn bị cho tương lai". Không những tư tưởng táo bạo, độc đáo, mới lạ, kiến thức của Ông cũng rất uyên bác. Khi Thống Đốc Nam Kỳ tuyên bố: "Xứ này không cần trí thức". Ông đã viết bài trả lời bốc lửa: "... Những thảm khổ của chúng ta ngày nay, còn gì nữa, đúng là do tổ tiên của chúng ta đã sờ mó vào cây kiến thức. Hạng trí thức đã làm đảo lộn thế giới, làm hư hỏng hạnh phúc của thế giới. Hãy nguyền rủa tên tuổi của Prométhé, kẻ đã lấy trộm chút lửa của Trời. Hãy nguyền rủa con người đã bày ra cái ná cao su cho trẻ con bắn đá vào trán ông khổng lồ... Trí Tuệ, đó là cái tai hại. Trí tuệ, đó là con rắn cuốn quanh thân cây đã làm cho chúng ta vĩnh viễn mất cõi thiên đường... Nói đến vai trò giáo dục, vai trò văn minh của các ông chủ xứ Đông Dương này, thưa các ông, điều ấy làm ta mỉm cười... Người ta đã quỳ lụy bái phục những vị "đem ánh sáng tới", những vị "làm điều kỳ diệu ở Âu Châu"... Cái gì kỳ diệu? Thực ra cái kỳ diệu đó là, chỉ trong một thời gian ngắn thôi, người ta đã có thể làm cho trình độ trí thức của người Nam đã thấp đi lại càng rơi vào chỗ cực kỳ dốt nát. Cái kỳ diệu đó là người ta đã có thể, trong một thời gian ngắn như thế, xô đẩy một dân tộc có tư tưởng dân chủ, ngã nhào vào tình trạng nô lệ hoàn toàn". (Trần Văn Giàu, Sự Phát Triển Của Tư Tưởng ở Việt Nam Từ Thế Kỷ 19 đến Cách Mạng Tháng Tám, q2, t 311).

Nguyễn An Ninh cũng là một trong những nhà trí thức tân học đầu tiên nghiên cứu Phật Học và hoàn thành một tác phẩm Phật Học quan trọng, cuốn "Phê Bình Phật Giáo". Sau thời kỳ hoạt động sôi nổi từ 1923 đến 1926, Nguyễn An Ninh bị ở tù trong thời gian 1926-1927, sau đó Ông về nghiên cứu Phật Giáo. Trên bàn làm việc của Ông, có một cái chuông, một cái mõ, Ông cạo trọc đầu và đi chân không. Ông nghiên cứu Phật Giáo qua tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và các hoạt động Phật Giáo trong nước. Cuốn Phê Bình Phật Giáo xuất bản năm 1937 là kết quả của sự nghiên cứu này. Tựa đề của cuốn sách, 70 năm sau cũng không có ai dám viết một cuốn sách Phật Học có tựa đề thách thức và can đảm như vậy. Mục đích và phương pháp luận còn mới lạ, táo bạo hơn, đó là "so sánh Phật Giáo với thời đại của nó để chỉ chỗ hay, chỗ đúng hơn của nó đối với các thuyết khác và so sánh Phật Giáo với thời đại này để chỉ sai lầm của Phật Giáo". Tác phẩm này được giới trí thức, giới chính trị cũng như giới Phật Giáo chú ý đặc biệt.

Nhưng không gây sóng gió và tranh luận suốt nhiều năm trời như những tác phẩm của Thích Thiện Chiếu. Đối với Tăng, Ni, Phật Tử thập niên 30, những tư tưởng Phật Học của Thích Thiện Chiếu là những tiếng sét ngang tai. Ngày nay đọc lại, chắc chắn quý vị tăng sĩ, cư sĩ và Phật Tử cũng không khỏi giựt mình, chấn động và suy nghĩ. Những tư tưởng này, được viết từ thập niên 30, ngày nay, cuối thập niên 90, vẫn còn mới, còn táo bạo, còn chứa đầy sức nặng của đá tảng và sức nổ của sấm sét. Thích Thiện Chiếu là tinh hoa sáng chói của Phật Giáo trong thập niên 20, 30. Ông đã đi tiền phong trong mọi lãnh vực chấn hưng và hiện đại hóa Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ 20 này.

Chương II: Tư-tưởng Phật Học của Thiền-Sư Thích Thiện Chiếu

 A/ Cuộc đời và hành trạng của Thiền Sư Thích Thiện Chiếu

Cuộc đời cũng như tư tưởng của thiền sư Thích Thiện Chiếu thật là lạ lùng, độc đáo. Theo cuốn Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, quyển ba, của Nguyễn Lang, thì  Ông sinh năm 1898 ở Gò Công, tên đời là Nguyễn Văn Sáng, có lúc thì tên Nguyễn Văn Tài, bí danh là Xích Liên (bông sen đỏ). Ông gần gủi với Phật Giáo từ khi Ông tám tuổi qua ông nội là thiền sư Huệ Tịnh, trú trì chùa Linh Tuyên, tỉnh Gò Công. Thiện Chiếu tinh thông chữ Nho khi còn nhỏ và cũng đọc được sách bằng tiếng Pháp. Năm 21 tuổi Ông lên Sài Gòn học thêm và đến năm 28 tuổi, năm 1926, Ông làm trú trì, thật ra thì làm giáo thọ có lẽ đúng hơn, chùa Linh Sơn tại Sài Gòn. Ông đọc được nhiều "tân thư"của Trung Hoa, sách Pháp ngữ nên ngoài Phật Học, Ông là một trong những tăng sĩ hiếm hoi lúc đó biết rõ tình hình chấn hưng Phật Giáo tại Trung Hoa, các tôn giáo, học thuyết, chủ nghĩa và tình hình thế giới. Là một thanh niên trí thức tinh thông Hán học, Phật học lại biết thêm tân học, xuất thân từ một gia đình Phật Giáo có ông nội là thiền sư Huệ Tịnh rất tinh thâm Nho học nên Ông đã dễ dàng tạo những quen biết thân tình, có tính cách tri kỷ, với các danh tăng đương thời như Tổ Khánh Hòa, sáng lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, thiền sự Trí Thiền, cố vấn của Hội Phật Học này. Ông là một trong những người đi đầu, nhiệt tình nhất hăng hái nhất, tích cực nhất, trong phong trào chấn hưng, hiện đại hóa và thống nhất Phật Giáo Việt Nam cận đại. Tấm lòng của ông đối với Đạo Phật đang suy đồi, đen tối thật là thiết tha. Và đồng thời tấm lòng Ông đối với đất nước đang bị ngoại bang đô hộ, dày xéo, thật là sôi nổi, cuồng nhiệt.

Năm 25 tuổi, năm 1923, Ông đã sát cánh với thiền sư Khánh Hòa, cùng với các danh tăng đương thời như Khánh Anh, Huệ Quang, Pháp Hải, thành lập Hội Phật Giáo đầu tiên của Việt Nam là Hội Lục Hòa Liên Hiệp, ông đã đi khắp Nam, Trung, Bắc để vận động thành lập một hội Phật Giáo toàn quốc. Ông đóng góp đắc lực vào việc xây dựng những cơ sở hiện đại đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam trong việc hệ trọng là đào tạo tăng tài và hoằng pháp như Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã năm 1928, cả hai cơ sở này đều đặt trụ sở ở chùa Linh Sơn nơi Ông làm giáo thọ. Năm 1929 Ông cùng Tổ Khánh Hòa vận động mua cho Thư Xã bộ Tục Tạng Kinh 750 tập.

Ông cũng góp phần quan trọng trong việc xuất bản tờ báo Phật Giáo đầu tiên tại Việt Nam là tờ Pháp Âm, số ra mắt ngày 13-08-1929. Chính Ông sau đó ra tạp chí Phật Học thứ nhì tại Việt Nam, và hết sức mới lạ, so cả với bây giờ, là tờ Phật Hóa Tân Thanh Niên, nhắm tới giới thanh niên trí thức. Có lẽ tờ bào này đã gieo những hạt nhân cho giới thanh niên trí thức, cư sĩ cũng như tăng sĩ đương thời, từ đó hình thành Tổ Chức Gia Đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của Tổ Chức Gia đình Phật Tử Việt Nam (nhưng tờ báo vừa ra đã bị Thực Dân Pháp đóng cửa). Chắc hẳn Ông cũng là một trong những nguyên nhân xúc tác việc thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học nhưng là một thanh niên trí thức yêu nước cuồng nhiệt, Ông chắc hẳn đã hết sức bất bình khi Hội này mời Thống đốc Nam Kỳ làm hội trưởng danh dự và Hội bị những phần tử thân Pháp khuynh loát. Không những Thiện Chiếu mà người sáng lập ra nó là Thiền Sư Khánh Hòa cũng phải thất vọng và ra đi: Ông rút về chùa Long Hòa, tổ chức một Phật Học Đường lưu động lấy tên là Liên Đoàn Phật Học Xã và thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học tại Trà Vinh, cuối cùng giấc mơ của Tổ Khánh Hòa được thực hiện: Phật Học Đường Lưỡng Xuyên (Lưỡng Xuyên có nghĩa là "hai con sông", sông Tiền Giang và sông Hậu Giang) được chính thức khai mạc vào cuối năm 1934. (Nguyễn Lang, sđd, t 59).

Trong thời gian này, thiền sư Thiện Chiếu cư trú ở chùa Hưng Long, Chợ Lớn. Ông không những bất mãn với những cư sĩ quan chức của Pháp như ông Trần Nguyên Chấn, người chủ chốt của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Ông còn bất mãn với sự cổ hủ, lạc hậu và bảo thủ của Phật Giáo và của đại đa số tăng sĩ đương thời, kể cả với Thiền Sư Khánh Hòa. Ông viết những bài báo nóng bỏng, sôi động, đả kích mạnh mẽ tình trạng Phật Giáo và Phật Học đương thời, đồng thời bỏ công sức viết và tự xuất bản khoảng mười cuốn sách Phật Học, đa số đều gây chấn động và những cuộc tranh luận sôi nổi.

Cuối cùng, vừa bất đắc chí với giới tăng già và tình trạng bảo thủ, lạc hậu của Phật Giáo, vừa thất vọng vì thấy phật Giáo bất lực không giải quyết được vấn đề xã hội và đất nước, và vừa do tấm lòng ái quốc chống Pháp, chống Thực Dân cuồng nhiệt, nên Ông cởi áo tăng sĩ, bỏ chùa Hưng Long trở về cuộc đời cư sĩ và ở nhà một người bạn cư sĩ ở Gò Vấp. Năm 1936, Ông về Rạch Giá tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong hàng ngũ Phật Giáo, theo một khuynh hướng tiến bộ, hoàn toàn khác biệt với các sinh hoạt Phật Giáo đương thời. Tại đây ông cùng thiền sư Trí Thiền lập Hội Phật Học Kiêm Tế, lấy chùa Tam Bảo ở làng Vĩnh Thanh Vân làm trụ sở. Hội ra tạp chí Tiến Hóa năm 1938.

Hội Phật Học Kiêm Tế không những chỉ là hội nghiên cứu và truyền bá Phật Pháp (Phật Học) mà còn là hội cổ võ và thực hành kinh bang tế thế nữa (Kiêm Tế). Hội thành lập một cô nhi viện Phật Giáo đầu tiên tại Việt Nam, cứu trợ nạn nhân bảo lụt ở Rạch Giá. Như con người Thiện Chiếu, tạp chí Tiến Hóa tuyên bố không những "tuyên truyền"cho Phật Học mà còn "truyên truyền cho bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm chúng sanh khỏi khổ được vui". Không những thế, những học thuyết nào có tính cách từ bi bác ái đều được Tiến Hóa công nhận là Phật Pháp. Tiến Hóa chủ trương một đường lối triệt để cách mạng, vô cùng mới mẻ và táo bạo và gây sóng gió trong giới tăng già, có người quy kết Tiến Hóa là Cộng Sản và thân Nhật nhưng Hội Phật Học Kiêm Tế được nhiều người ủng hộ trong đó có danh tăng Trí Thiền (Cố Vấn Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học). Ông đã làm giấy cúng hết tài sản chùa cho Hội như là sự bày tỏ cụ thể và triệt để sự ủng hộ của ông. Đường lối cách mạng cấp tiến của những người lãnh đạo Hội Phật Học Kiêm Tế biến chùa Tam Bảo thành một trung tâm quy tụ những nhà ái quốc chống Pháp như cử nhân Hán học Vũ Ngọc Hoành, một cán bộ của Phong Trào Đông Kinh Nghĩa Thục, đưa chùa Tam Bảo trở thành một chiến khu bí mật chống Pháp. Cuối năm 1939 chùa Tam Bảo bị đóng cửa, Thực Dân Pháp tố cáo trong chùa có chứa vũ khí và chế tạc đạn, thiền sư Trí Thiền và nhiều người khác bị bắt và bị đày đi Côn đảo. Ông, một cao tăng vì yêu nước chống Pháp, đã hy sinh trong nhà tù Côn đảo. Trong vụ bố ráp chùa Tam Bảo, thiền sư Thiện Chiếu là lý thuyết gia của nhóm, chính Ông đã đem tư tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa truyền bá tại đây, đã may mắn trốn thoát. Từ đó Ông không còn sinh hoạt trong hàng ngũ Phật Giáo và thoát ly theo hẳn con đường kháng chiến chống Pháp.

Ông tham gia phong trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa do Đảng Cộng Sản Đông Dương phát động ở Hóc Môn, Bà Điểm. Năm 1942, Ông bị mật thám Pháp bắt được, đày đi Côn đảo. Ông bị Thực Dân Pháp tra tấn đến bại xụi. Sự tra tấn, tù đày dã man của Thực Dân chỉ làm con người đại hùng đại lực của Ông thêm sắt đá, cứng rắn và kiên định trong lý tưởng cách mạng. Mặc khác ở Côn đảo gần 9/10 tù nhân chính trị là tù nhân Cộng Sản nên có lẽ trong thời gian tù đày này, Ông đã tham gia vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Sau cách mạng tháng tám năm 1945, Ông trở về đất liền tiếp tục hoạt động. Năm 1954 Ông đi tập kết ra Bắc. Năm 1956 ông qua Trung Hoa làm trưởng tổ ban phiên dịch của nhà Xuất Bản Ngoại Văn ở Bắc Kinh. Năm 1961 Ông trở về Hà Nội làm ở Viện Triết Học. Năm 1965 Ông về hưu trí và mất ở Hà Nội ngày 6/7 âm lịch năm 1947, thọ 74 tuổi. (NL, sđd, t 64-76).

Con người tăng sĩ và cư sĩ Thích Thiện Chiếu trong thời gian còn mang lý tưởng phụng sự Phật Giáo và Dân Tộc, lấy thời điểm Ông làm giáo thọ chùa Linh Sơn, Sài Gòn, năm 1926, đến khi chùa Tam Bảo, Rạch Giá bị Thực Dân Pháp càn quét năm 1939, chỉ trong 13 năm, ngoài vô số hoạt động hăng hái, tích cực nhất trong giới Phật Giáo thời đó và ngoài những bài báo bốc lửa, vũ bão, Ông đã viết và xuất bản hơn 10 tác phẩm, tác phẩm nào cũng giá trị, mới lạ và sôi nổi, đó là các tác phẩm: Phật Học Vấn Đáp, Phật Hóa Tân Thanh Niên, Cái Thang Phật Học, Phật Học Tổng Yếu, Phật Pháp là Phật Pháp, Tranh Biện, Tôn Giáo, Tại Sao Tôi Cám Ơn Đạo Phật và các công trình dịch Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Cú, Phật Giáo Vô Thần Luận của Thái Hư.

Kể từ năm 40 trở đi, khi Ông tham gia Nam Kỳ Khởi Nghĩa và thoát ly trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp, và Ông không còn sinh hoạt trong hàng ngũ Phật Giáo, cho đến khi Ông mất năm 74, tổng cộng 34 năm, không thấy ông để lại tác phẩm gì. Có lẽ trong thời gian tập kết ra Bắc, Ông cũng như những người kháng chiến yêu nước khác, Phật Giáo hay không Phật Giáo, đã hoàn toàn vỡ mộng và đã bị kềm chế, không thể hoạt động gì và cũng không thể viết lách, sáng tác gì cả.

Được biết trong thời gian ở miền Bắc Ông đã tỏ ra bất mãn với chế độ. Ông thất vọng và đau đớn vì những người đồng chí mới của Ông - những người Mác Xít – đã đàn áp, bóp nghẹt Phật Giáo. Nhưng dù sao phần đời của Ông, hiến dâng cho lý tưởng giái phóng dân tộc, từ năm 1940 trở đi, đã thuộc về dân tộc, về lịch sử và tôi cúi đầu khâm phục, không phê phán, trước sự hy sinh cao quý, vĩ đại, của Ông và của thế hệ Ông cho sự nghiệp kháng chiến cứu quốc khỏi ách thống trị tàn ác của Thực Dân Pháp, trong một hoàn cảnh lịch sử bế tắc và mù mịt. Ở đây, ta chỉ nhìn lại và phê bình tư tưởng Phật Học của Ông, từ năm 1923, khi Ông cùng thiền sư Khánh Hòa lập Hội Lục Hòa, cho đến năm 1939 khi tất cả đồng chí Phật Giáo của Ông trong Hội Phật Học Kiêm Tế, tăng sĩ cũng như cư sĩ, đã bị quân xâm lăng bắt giữ, tra tấn, tù đày.

Ông Thích Thiện Chiếu, con người yêu đạo Pháp thiết tha và con người yêu quê hương sôi nổi đã hòa nhập làm một bất khả phân ly. ở Ông, con người lý tưởng lý thuyết sâu sắc nhưng bốc lửa và con người hành động, dấn thân kiên trì, cuồng nhiệt cũng là nhất quán và không thể tách rời. Phật Giáo Việt Nam có hàng chục ngàn tăng, ni và hàng triệu, triệu Phật Tử, thế nhưng 70 năm qua đã có mấy tăng sĩ hay cư sĩ Việt Nam chịu khó viết hơn 10 cuốn sách? và đã có mấy ai có một cuộc đời tuổi trẻ hào hùng, đáng sống như Ông?

Trình bày và phê bình tư tưởng Phật Học của Thích Thiện Chiếu cũng có nghĩa là trình bày và phê bình tư tưởng Phật Học của những đồng chí cùng thời với Ông.

Tôi vừa hổ thẹn, vừa hãnh diện khi làm công việc này. Hổ thẹn vì tư tưởng của Thích Thiện Chiếu và của một số tăng sĩ, cư sĩ thời đó còn táo bạo hơ là tư tưởng của chính tôi ngày nay, và hãnh diện vì, từ lâu tha thiết với việc hiện đại hóa Phật Giáo, tôi không ngờ cách đây 6, 7 chục năm mà Phật Giáo Việt Nam đã có những tư tưởng mới lạ, tiến bộ như thế và những con người tài giỏi cấp tiến và xứng đáng như thế. Tuy nhiên, trong hàng ngũ Phật Giáo Việt Nam, chỉ có một số ít chấp nhận tư tưởng cấp tiến của Thích Thiện Chiếu. Hai ngàn năm lịch sử Phật Giáo Việt Nam quả thật vừa là một di sản vô giá, vừa là một gánh nặng ngàn cân.

B/-Tư tưởng Phật Học của Thiền Sư Thích Thiện Chiếu và của các bạn cùng lý tưởng

Từ năm 1932, khi mà chủ nghĩa Mác Xít cả nước chưa có được mấy người biết đến, khi mà Đạo Thiên Chúa cũng chưa mấy ai trong giới thanh niên trí thức quan tâm dòm ngó đến, khi mà Phật Giáo toàn quốc đang ngủ say, "tiếng thở như sấm", nói theo chữ của Phan Chu Trinh, thì trong cuốn sách Phật Giáo Vấn đáp, Thiện Chiếu đã cho nổ những quả bom tư tưởng mới lạ và táo bạo:

"Đau đớn thay! Lạ lùng thay! Muốn bênh vực rằng Phật Giáo không phải là một đạo mê tín hoang đường thì sờ sờ ra đó biết bao nhiêu là chuyện huyền hoặc dị đoan. Muốn bào chữa cho Phật Giáo không phải là một đạo hữu thần, thì nhan nhãn ra đó cũng cầu xin, cũng chuộc tội, có khác nào những kẻ ỷ lại thần quyền. Muốn khoe Phật Giáo là một đạo cứu đời thì hàng Phật Tử nếu không phải chán đời mà lên non ẩn dạng ắt cũng ích kỷ chỉ lo quanh quẩn trong gia đình chớ không biết gì đến công ích của xã hội cả. Muốn nói Phật Giáo là là đạo thoát khổ, thì người theo đạo cũng buồn rầu khiếp sợ, cũng theo hoàn cảnh mà đổi dời, cũng cực khổ lầm than, chỉ cứ trông đợi kiếp sau chớ không biết ra tay mà cải tạo.

Như vậy bảo sao Phật Giáo không tiêu diệt theo các tôn giáo khác trước khi thế giới đại đồng cho được? Thế thì người có nhiệt tâm với Phật Giáo, hay nói cho đúng, là người có nhiệt tâm với nhân loại quần sanh, phải lo tìm phương bổ cứu duy trì, hay chỉ khoanh tay ngồi ngó và than vắn thở dài mà thôi?

Nếu thiệt có lòng bổ cứu duy trì Phật Giáo là một chiếc thuyền tế độ ở giữa biển khổ sông mê, không nỡ để cho tiêu diệt theo các tôn giáo khác, thì chẳng những giáo hội (hay hạng người xuất gia) phải nghiên cứu Phật Học, phát dương những ý hay nghĩa lạ ra cho thích hợp với nhu cầu của nhơn sanh, dẹp bỏ hết các việc mơ hồ trái lẽ, chớ quá chấp nê theo hủ tục, mà tín đồ (hay hạng người tại gia) cũng phải làm cho tròn cái bổn phận của một người tín ngưỡng Phật Giáo, một cách chơn chánh, cũng phải kiểu chánh lại những chỗ sai lầm của giáo hội (vì giáo hội hiện thời là một giáo hội hư hèn, không có trật tự) chớ nên vì ý riêng, vì tình cảm mà chia bè lập đảng, tin bướng theo càn. Được như vậy thì cái yến sáng Phật Giáo mới mong chói lọi ở đại đồng thế giới sau này" (Nguyễn Lang, Sđd, t 72).

Rõ ràng Ông là một người chủ trương cải cách, chấn hưng Phật Giáo hăng say, cuồng nhiệt nhất thời đó. Dám đụng độ vào giới tăng sĩ, chê các Thầy, các bạn đồng môn đồng lữ của mình là "hư hèn, không có trật tự", Ông còn dám đập thẳng vào giới trí thức Phật Tử quy tụ khá đông đảo trong Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Trong sách nói trên, Ông chê trách "nghiên cứu" của Hội này không phải là thứ nghiên cứu đứng đắn:

 "Nói rằng nghiên cứu là phải lấy phương pháp thiệt nghiêm của khoa học làm căn bản, lấy sự thiệt trên lịch sử làm chứng cớ, thì mới có thể phát huy nghĩa mầu trong sách Phật, và mới tránh khỏi những hoang đường vô lý do người sau thêm vào, chớ không phải cứ theo sách mà dịch càn rồi cũng xưng là nghiên cứu Phật học. Và phải làm thế nào cho tín đồ có sự hiểu biết thông thường về Phật Giáo thì người ta mới biết cái bổn phận của người tại gia, mới biết chỗ sai lầm của giáo hội" (NL, sđd, t 73). Không những là một tăng sĩ trẻ cấp tiến, Ông còn là một thanh niên trí thức yêu nước mãnh liệt. Ngay từ những năm 1925, 1926 nhân có những buổi diễn thuyết của Nguyễn An Ninh, của Phan Chu Trinh, hay đi đám tang Pha Chu Trinh, theo Trần Văn Giàu, trong cuốn Sự Phát Triển Của Tư Tưởng ở Việt Nam Từ Thế Kỷ 19 Đến Cách Mạng Tháng Tám, quyển hai, thì những dịp này có "hàng chục cái đầu thanh niên cạo bóng" tham dự hay "hôm đi rước Bùi Quang Chiêu (lãnh tụ đảng Lập Hiến từ Pháp trở về) có hơn 20 ông sư trẻ. Bị chất vấn "ai xui thầy chùa đi biểu tình", giáo thọ Thiện Chiếu thuộc chùa Linh Sơn đã viết bài trả lời trên báo rằng: "Thuyết Từ Bi cứu khổ của Phật Tổ xui Phật Tử tham gia những cuộc vận động yêu nước thương dân chớ không ai xui cả" (trang 230).

Từ rất sớm, khi trên dưới 25 tuổi, đại đức Thiện Chiếu đã dán hai câu đối ngang tàng, hào hùng ngay trên cửa chính của chùa Linh Sơn, nơi ông làm giáo thọ:

 "Phật Pháp thị nhập thế phi nhi yếm thế,

 Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh".

(Đạo Phật là nhập thế chớ không phải yếm thế,

 Từ bi có lúc phải sát sinh để cứu độ chúng sinh).

Thiện Chiếu không đơn độc. Những người có ý thức, tăng sĩ cũng như cư sĩ trong thời của ông, cũng đã mạnh dạn lên tiếng báo nguy về tình trạng suy đồi của Phật Giáo và vận động chấn hưng Phật Giáo. Cư sĩ Khánh Vân đã viết bài: "Phật Giáo ở nước ta vì đâu chịu cái hiện trạng suy đồi?" đăng trong tạp chí Duy Tâm số 18 khẳng định con người suy đồi nhưng Phật Pháp vẫn còn giá trị, Phật Giáo suy đồi vì tăng sĩ không hiểu đạo Phật và khinh thường giới luật:

"Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngãi, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, đồng nhi, khi ông lên lúc bà xuống, ngáp vắn ngáp dài, thư phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra là lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham quơ vét cho sạch sành sanh. Than ôi, họ phải ma vương sao mà làm chuyện trò cười cho ngoại đạo? Vậy mà cũng lên mặt trụ trì. Hiện trạng như thế bảo sao chẳng suy đồi, làm tấm bia cho các nhà duy vật mỉa mai?".

Trong báo Đuốc Tuệ số 178, Thanh Quang kể các khuyết điểm của tăng đồ về văn hóa, giáo dục, tổ chức, rồi kết luận: "Đau đớn thay, xứ ta những hạng người xuất gia vào chùa phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này mai lãnh đám khác, cũng tràng hạt, cũng cà sa, thử lật mặt trái của mà xem thì có khác nào người trần tục?" (TVG, sđd, t 230-235).

Viên Âm, tạp chí của Hội An Nam Phật Học với những cư sĩ trí thức có Phật học và tân học vững chãi như bác sĩ Lê Đình Thám đã nêu lên ba mục tiêu của sự chấn hưng Phật Giáo: "Vì sự tấn hóa của trí thức người xứ ta về mặt luân lý, vì khoa học tuy đánh đổ sự mê tín nhưng tự mình không có năng lực tạo thành hạnh phúc cho nhân loại, vì phải có một đạo lý vững vàng để làm cho khoa học phục tỉnh, để đào tạo đức tính của loài người".

Tóm lại Viên âm cho rằng sự tiến hóa trí thức, đạo đức của người Việt Nam ngày nay đòi hỏi phải chấn hưng Phật Giáo. Viên âm có tham vọng đem đạo Phật bổ túc cho khoa học để mang lại hạnh phúc cho con người. (NL, sđd, t 31-350).

 Một cách tổng quát, phong trào chấn hưng Phật Giáo đầu thập niên 30 cho đến giữa thập niên 40 trên cả ba miền Nam, Trung, Bắc đều nhắm đến những mục đích sau:

 - Thứ nhất là truyền bá đạo Phật, về căn bản đã thất truyền, bằng quốc ngữ và thật sự đã thành công hơn bao giờ hết trong việc mang đạo Phật đến quảng đại quần chúng. Vì ngay cả trong những thời hưng thịnh, đạo Phật chỉ được truyền bá, nghiên cứu bằng chữ Nho nên rất giới hạn. Thời đó, ngay từ năm 1935 trên các nhật báo đã có trang Phật Học, ngoài hơn 10 tạp chí Phật Học được phát hành trong nước. Và rất nhiều kinh sách bằng hán văn đã được dịch và phát hành, dù rằng việc Việt hóa nghi lễ, kinh sách Phật Giáo và giới thiệu một cách đầy đủ và giản dị Phật Pháp cho quảng đại quần chúng Phật Tử đến nay vẫn còn là một công việc trọng đại, to lớn cần nhiều nổ lực hơn nữa.

 - Thứ hai là đặt trọng tâm vào việc đào tại tăng, ni có kiến thức Phật học song song với việc "chỉnh lý tăng già". Việc này tại miền Trung đã thực hiện mạnh mẽ và khá thành công như thành lập Hội Đồng Luật Sư để trừng phạt các tăng sĩ phạm giới, phân biệt hẳn thầy cúng và tăng già, cấm hẳn thầy cúng mặc áo tràng, áo nhật bình, y nâu hay y vàng, thầy cúng chỉ được mặc áo màu xám và không được ở chùa. Ngoài ra cư sĩ, Phật tử được khuyến khích tham gia vào việc "chỉnh lý tăng già" bằng cách: - không nhận người phá giới là tăng sĩ – xé bỏ những điệp quy y thọ giới do các ông thầy tu nói trên ban cho – công bố sụ phạm giới có bằng cớ của tăng sĩ – không tham gia vào những công việc không phù hợp Phật pháp – tham gia vào việc hoằng dương chánh pháp và chỉnh đốn tăng già. (NL, sđd, t 93).

 - Thứ ba là hiện đại hóa Phật Giáo, đem cho đạo Phật cổ truyền, một tinh thần và hình thức mới, hợp với thời đại, hợp với khoa học và nhập thế tích cực trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội. Công việc này phải nói là chưa đạt được những thành tựu đáng kể vào thời đó cũng như mãi cho đến ngày nay. vì bản chất người Việt Nam, Phật tử cũng như tín đồ các tôn giáo khác, rất bảo thủ. Cho đến nay chỉ có một ngoại lệ vượt bực và ngoạn mục trong chiều hướng này là sự xuất hiện của thiền sư Huỳnh Phú Sổ và sự ra đời của Phật Giáo Hòa Hảo năm 1939. Đây quả thật là một cuộc cách mạng trong lòng Phật Giáo Việt nam mà cho đến nay vẫn chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng mức.

 - Thứ tư là tập hợp lực lượng Phật Giáo từng địa phương, từng miền thành một giáo hội Phật Giáo thống nhất trên toàn quốc. Đây là công việc gian nan, lâu dài, khởi đầu từ năm 1923 với Hội Lục Hòa của Tổ Khánh Hòa và thiền sư Thiện Chiếu, mãi đến gần 30 năm sau mới thành lập được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, năm 1951, nhưng các giáo hội và hội Phật Học vẫn giữ nguyên cơ chế riêng biệt cho đến năm 1964 mới thành tựu trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (xem thêm Nguyễn Lang, sđd, t 13- 177).

Là một trong những người tiền phong và lãnh đạo của phong trào chấn hưng Phật Giáo, thiền sư Thiện Chiếu đã đóng góp hăng say, sôi nổi, bằng hành động cũng như bằng các tác phẩm Phật học. Ông là người đầu tiên từ miền Nam ra Trung, ra Bắc để vận động thống nhất Phật Giáo. Ông là người đã góp công lớn lao trong việc truyền bá đạo Phật đến giới thanh niên, trí thức. Và hơn thế nữa những tác phẩm của Ông đã gây chấn động và tranh luận suốt mấy năm trời, nhờ thế Phật Giáo càng được dư luận, giới trí thức và quảng đại quần chúng quan tâm, tìm hiểu. Ông cũng đã làm giáo thọ giảng dạy tăng, ni trong nhiều năm và giúp đắc lực cho Tổ Khánh Hòa thực hiện các Phật Học Đường đào tạo tăng tài. Ông cũng đã có những hành động mạnh mẽ trong việc chỉnh lý tăng già, phê phán triệt để "sự hư hèn" của giáo hội, của giới tăng sĩ.

Ông là người đầu tiên đã đặt vấn đề hiện đại hóa Phật Giáo một cách triệt để, toàn diện và cấp tiến nhất. Đồng thời Ông cũng là người đưa đạo Phật vào đời để cứu nước và phụng sự xã hội một cách mạnh mẽ nhất, không từ nan bất cứ việc gì, từ việc mở cô nhi viện đến việc đi biểu tình và tham gia kháng chiến chống thực dân. Nhưng hơn tất cả các điều này là Ông đã vượt qua tất cả. Ông viết và hành động không phải như một tăng sĩ, cũng không phải như một cư sĩ Phật tử, mà ông viết và hành động như một nhà trí thức, một con người tự do, một nhà cách mạng và một kẻ phản kháng, một kẻ nổi loạn. Và cuối cùng Ông đã đập thẳng vào Phật pháp, nền tảng và yếu tính của Phật Giáo, một tôn giáo khai phóng, bao dung, phá chấp và tự do nhất trên trái đất. Để rồi bị rơi ngã vào một ý thức hệ non nớt, lệnh lạc: ý thức hệ Mác Lê.

40 năm đầu tiên của đời ông, ông đã bay thênh thang, hùng tráng, như rồng, như sư tử trong một không gian mênh mong vô tận, đó là đạo Phật. Và 34 năm cuối cùng của đời ông, ông đã sống và chết uất trong một không gian tù túng, đó là chủ nghĩa duy vật Cộng Sản.

Bây giờ ta hãy đọc thật kỷ để nghe, để nhìn lại những tiếng gầm dữ dội của một con sư tử và những đường bay ngang tàng của một chim phượng hoàng, trong cuối thập niên 20 đến cuối thập niên 30.

Tác phẩm Phật Học Tổng Yếu của Thiện Chiếu, xuất bản năm 1929 đã nổi lên một cuộc tranh luận chưa từng có, kèo dài suốt 3, 4 năm trời từ năm 1929 đến năm 1932 trên các báo Trung Lập, Đông Pháp Thời Báo, Đuốc Nhà Nam, Thần Chung và các tạp chí Phật Học.

Đây chỉ là một cuốn sách nhỏ nhưng tiếng vang rất lớn, thu hút giới Phật tử và trí thức đương thời. Thiện Chiếu mở đầu tác phẩm của mình như sau: "Phật Học Tổng Yếu là một bức huyết lệ thư, một quyển sách cốt để giới thiệu với các nhà trí thức trong nước, muốn cho nhà trí thức nghiên cứu Phật Học đặng làm kế tạo nhân cho Phật học giới. Phật Học Tổng Yếu là cuốn sách bày tỏ dị điểm của Phật Giáo với các tôn giáo khác". Qua tác phẩm này cũng như nhiều tác phẩm khác, ông, lần đầu tiên tại Việt Nam, gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi về những vấn đề muôn thủa của con người và cũng là những vấn đề muôn đời của triết học và các tôn giáo, đó là các vấn đề về thượng đế, về linh hồn, về thiên đàng, địa ngục. Và ông đã đặt những nan đề triết học và thần học này ở mức độ lý luận rất cao.

a/ Bác bỏ thượng đế:

Hơn cả triết gia Nietzsche tuyên bố thượng đế đã chết, Thiện Chiếu quả quyết thượng đế chỉ là sự bịa đặt của tà đạo. Ông cho rằng Phật Giáo là "vô thần giáo". Theo Thái Hư đại sư, Ông khẳng định Đức Phật không bao giờ nói có thượng đế sáng tạo vũ trụ. Ông đồng ý quan niệm Phật Giáo cho rằng vũ trụ vô thủy vô chung, và do vô số nhân duyên tạo thành. Ông cho rằng lúc nhân loại dã man thì cần tôn giáo (theo nghĩa tôn giáo hữu thần - thờ một vị thượng đế) khi nhân loại được khai hóa thì tôn giáo chẳng những trở ngại cho sự tiến hóa mà còn làm thiệt hại cho nhân loại nhiều bề như chiến tranh tôn giáo, cường quyền lợi dụng tôn giáo... nên ông cho rằng: "nếu ngày nay mà tôn giáo có hại thì tự nhân loại dẹp nó đi cũng phải. Tôi nói như thế, có người cho tôi là duy vật, matérialiste. Không, tôi không phải là duy vật, tôi chỉ là người Phật học mà thôi". Ông cho Phật giáo là một tôn giáo, nhưng khác với tất cả tôn giáo khác, đó là tôn giáo không có thượng đế hay một tôn giáo vô thần. Quan niệm này cũng giống như nhà khoa học Laplace khi trình bày quan niệm của Ông về vũ trụ, vua Napoléon hỏi tại sao không nói đến trời, Ông trả lời: "Tâu Hoàng Thượng, tôi không cần giả thuyết ấy". hay Ranakrishnan, tác giả sách Triết Học Ấn Độ xác quyết: "Đức Phật không xây dựng đạo lý trên một nền cát lún của siêu hình học và thần học, Ngài muốn xây dựng đạo lý trên nền tàng đá núi của sự vật. Đức Phật là một đạo sư hơn là một vị thần thánh". (TVG, sđd, t 241).

Thiện Chiếu đã phê bình quan niệm thượng đế hiện hữu, toàn năng và sáng tạo vũ trụ. Trong sách Vô Thần Luận, Ông cho rằng thượng đế chỉ là chuyện "lông rùa sừng thỏ"giả dối, không có thực. Ông viết: "Thượng đế là ai? Cái giả danh ấy chẳng qua là bọn đồng bóng, bọn giáo sĩ đặt ra để họ lợi dụng, sự chưởng quản thưởng phạt cũng chỉ lạ họ chớ không có thượng đế nào cả". Ông cho chủ nghĩa vô thần của Phật Giáo là thứ chủ nghĩa vô thần hoàn mỹ nhất xưa nay. Ông viết: "Không phải tôn giáo đều là hữu thần. Tôn giáo có đa thần, nhất thần, vô thần. Nhưng vô thần thì mới phải cái nghĩa cứu cách của đạo Phật. Cho nên Phật giáo tôi gọi là một tôn giáo vô thần, khác hẳn với các thứ tôn giáo hữu thần khác" (Thật ra, Phật giáo là một tôn giáo siêu thần, các thần tràn ngập trong các kinh Phật nhưng Chư Phật và Bồ Tát siêu việt qua thần linh).

Phê bình thuyết thượng đế tạo vật, trong cuốn Tại sao tôi cám ơn đạo Phật, xuất bản năm 1936, ông đã so sánh thượng đế và ma quỷ là lý luận ngộ nghĩnh nhưng chí lý như sau: "Nếu có thượng đế sáng tạo tất cả thì đối với ma quỷ thế nào? Thượng đế có tạo ra ma quỷ không? Nếu không phải thượng đế tạo ra ma quỷ thì cái năng lực thượng đế cũng hữu hạn thôi, vậy thì thượng đế khác gì mấy anh thợ ở thế gian này, có cái làm được, có cái làm không được. Ma quỷ đã không do thượng đế tạo ra, tất phải có kẻ tạo ra nó, rất đổi nó còn có gan có sức chống lại với thượng đế, cám dỗ người ta đừng theo thượng đế, vậy thì cái năng lực của kẻ tạo ra ma quỷ tất phải to lớn lắm. Biết đâu loài người và cả thượng đế nữa không phải do "kẻ" ấy tạo ra? Còn nếu nói ma quỷ tự nhiên có, không phải ai tạo, vậy tại sao vạn vật không được tự nhiên có mà phải nhờ thượng đế tạo ra? Và nếu nói ma quỷ cũng do thượng đến tạo ra thì sao ngài không bỏ ma quỷ vào địa ngục mà chỉ dành địa ngục làm chỗ phạt những người theo ma quỷ, vậy thì còn gì công bằng ở đâu nữa? Hay là cái quyền lực của thượng đế vốn có sức phạt ma quỷ vào địa ngục nhưng cố lưu chúng lại ở thế gian này quấy chúng ta chơi? Thà là đừng có loài người, thà là đừng ai tạo ra chúng ta, tạo ra ta để ta phải chịu đắng cay đau đớn thế này, thì kẻ tạo ra đó là ân nhân hay chúng là kẻ thù số một? Huống chi ông trời Thiên Chúa ghét ông trời Tin Lành, ông trời Hồi giáo giết nhau với ông trời Bà La Môn giáo... càng làm cho ta thêm đủ bằng cớ không tin có thượng đế chút nào hết".

Quan niệm này được Nguyễn An Ninh trong Phê Bình Phật Giáo tán thành, cũng như được các học giả PG đương thời như Bác sĩ Lê Đình Thám hay thiền sư Đôn Hậu, thiền sư Khánh Hòa cũng công kích, bác bỏ thuyết thượng đế tạo vật. Và hầu hết các tạp chí Phật Học đương thời như Viên Âm, Duy Tâm, Đuốc Tuệ cũng đồng ý với Thiện Chiếu và đăng nhiều bài phê bình phá hủy thượng đế và thuyết thượng toàn năng, sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa Giáo cũng như của tôn giáo độc thần, nhất thần khác. Họ cùng chủ trương vũ trụ hình thành do vô số nhân duyên vô thủy vô chung và thượng đế chỉ là sự tưởng tượng. Một cách ngắn gọn, báo Đuốc Tuệ tóm lược vũ trụ quan Phật giáo: "Vũ trụ và muôn vật đều bởi nhân duyên mà thành lập, chớ không phải do một thiên thần sáng tạo, duy có cái nhân tốt thì thành những vật tốt, nhân không tốt thành những vật xấu".

b/ Bác bỏ thuyết linh hồn bất tử:

Trong sách Phật Học Vấn Đáp, Ông chủ trương không có linh hồn bất tử. Nhưng trong sách Chân Lý Tiểu Thừa và Chân Lý Đại Thừa, ông cũng bác bỏ quan niệm cho chết rồi là hết. Nghĩa là không có linh hồn bất tử nhưng có luân hồi. Đây là điểm khó hiểu nhất, không những đối với Phật Tử mà còn đối với các nhà nghiên cứu Phật Học. Ta hãy xem Thiện Chiếu giải quyết sự oái ăm, có vẻ nghịch lý này ra sao. Ông cho rằng cái gì cũng bị hủy hoại nếu có linh hồn bất tử, bất diệt, hằng sống đời đời thì cũng như nói: "tôi là người, nhưng hết thảy người ta đều phải chết, duy một mình tôi được sống mãi mà thôi. Thật hết hết sức mâu thuẩn".

Ông nói ai chủ trương có linh hồn bất cứ thì phải đem đủ bằng chứng ra, không được nói mập mờ, nói không bằng chứng chỉ là sự bịa đặt, gạt gẫm người ta mà thôi. "Nếu nói trí khôn, có hiểu biết, phân biệt là linh hồn cớ sao khi mới sinh ra thì ngây ngây ngốc ngốc, đối với bao nhiều sự vật xung quanh mình đều không biết, không phân biệt gì hết, mà phải chờ nghe, thấy mà học tập lần lần? Cái trí khôn ấy cũng biến đổi luôn, nay hiểu thế này, mai hiểu thế kia, hồi nhỏ khác, lớn lên khác, trí khôn thủa bé không giống lúc già. Cái bằng chứng rằng linh hồn cũng phải biết đổi như vật chất đã rõ ràng như vậy mà con tin cái linh hồn không chết, chông chịu vất cái ấy đi, ấy là họ không chịu dùng đến lý trí". Tạp chí Phật Học Viên âm của Bác sĩ Lê Đình Thám cũng khẳng định: "Linh hồn là một danh hiệu không có trong kinh điển Phật giáo". Thiện Chiếu phê bình quan niệm linh hồn bất tử là "thường kiến", và quan niệm cho chết rồi là hết là "đoản kiến". Ông viết: "Tuy không có một nhân vật hằng sống đời đời, cũng không cho chết rồi là hết. Phật giáo ở giữa hai cái thiên kiến trường và đoản ấy".

Thiền sư Khánh Hòa, thiền sư Bích Liên bác bỏ linh hồn và đưa ra quan niệm A Lại Da Thức: "Trong kinh luận gọi là nghiệp thức, thế gian gọi là linh hồn, thì nghiệp thức hay linh hồn cũng tức là một". Thiện Chiếu không đồng ý quan niệm cho thức là hồn, theo Ông thức là thực, là có mà hồn là giả, hoàn toàn không có. ông ví cái thức như ngọn đèn, còn cái thân do "tứ đại giả hợp"giống như bình, cái tiêm, dầu hỏa, có những thứ đó thì đèn mới đỏ. Dầu hỏa cạn, tiêm lụn, bình vỡ, thì làm gì còn ngọn đèn cháy nữa. Quan niệm "ở giữa"của Phật Giáo, không có linh hồn bất tử nhưng cũng không phải chết rồi là hết được Thiện Chiếu trình bày như sau:

"Cái thức không phải từ trong thân kiếp trước chui vào cái thân kiếp này, bỏ cái thân kiếp này chui cái thân kiếp sau. Nó sinh ở kiếp nào thì mất ở kiếp đó. Cũng như bóng trăng: khi múc nước đổ vào thùng thì thấy bóng trăng trong thùng, đem nước thùng đổ vào lu thí bóng trăng trong lu, đem nước lu đổ vào chậu thì thấy bóng trăng trong chậu. Nó hiện ra ở đâu thì diệt ở đó, không phải cái bóng trăng ấy từ thùng này nhảy qua lu kia, từ lu kia nhảy qua chậu nọ. Ba cái bóng trăng đó tuy không phải là một, cũng không phải là khác. Cái thức trong ba kiếp ấy cũng vậy, không phải là một mà không phải là khác." (TVG, sđd, t 246-264).

Ai cũng biết Phật giáo chủ trương có luân hồi là vì nghiệp lực, nghiệp lực tạo ra tái sinh như một bó lửa này được mồi qua một ngọn đuốc kia, hay như trá billard này bị đẩy tới va chạm và đưa trái billard kia đi tới. Thiện Chiếu không tin có linh hồn bất tử nhảy từ thân xác này qua thân xác khác, cũng không tin có a lại da thức chuyển từ kiếp sống này qua kiếp sống khác. Ông, như quan niệm Phật Giáo kinh điển, cho rằng nghiệp của các đời sống trong quá khứ tạo ra sự tái sanh trong hiện tại và nghiệp của cuộc sống hiện tại sẽ quyết định cảnh giới tái sanh của kiếp sau và các kiếp sống này không phải là một và cũng không phải là khác. Mỗi kiếp sống có sự độc lập, riêng biệt của nó nhưng đồng thời cùng bị chi phối bởi một nghiệp lực duy nhất.

c/ Bác bỏ quan niệm thiên đàng, niết bàn:

Thiện Chiếu cho rằng niết bàn, Tây Phương cực lạc đều không phải là cảnh có thực, đó chỉ là sự an lạc trong tâm của chúng ta và địa ngục chỉ là cảnh giới đau khổ của tâm thức. Tâm là Phật. Phật là Tâm, mà Tâm cũng là ma quỷ, địa ngục. Cho nên Ông không tin việc niệm Phật, cầu Phật hay làm lành lánh dữ mà được Phật rước về nước Tịnh độ, Tây Phương cực lạc hay được Phật ban cho điều này điều kia. Ông viết: "Cái thuyết thưởng phạt của tôn giáo cho rằng ai làm lành thì sau khi chết được lên thiên đàng, còn làm dữ thì chết rồi phải sa địa ngục. Thiên đàng và địa ngục thật ra chỉ là cái tên của cánh vui và cảnh khổ. Nếu đời hiện tại mà không bằng cớ gì làm cho ta biết được, phải đợi đến khi chết, thì chẳng mơ hồ hay sao? Phật giáo thì nói rằng: lòng mê muội thì khổ, ấy kêu là chúng sinh, lòng sáng suốt thì vui, ấy kêu là Phật. Há đợi thiên đàng mới vui, địa ngục mới khổ hay sao? ". Tạp chí Viên Âm cũng đồng ý niết bàn, địa ngục đều là những cảnh giới do nghiệp lực biểu hiện, nghiệp lành sinh ra cảnh giới hoan hỉ, an lạc, nghiệp dữ thì hiện ra cảnh giới đau khổ. "Niết bàn tóm lại không ngoài ba nghĩa: nghĩa bất sinh, nghĩa giải thoát, nghĩa tịch diệt. Bất sinh nghĩa là không sinh những điều mê lầm nữa. Giải thoát nghĩa là không ràng buộc nữa. Tịch diệt nghĩa là dứt sạch tất cả các nguồn mê lầm". Như thế rõ ràng niết bàn không phải là một cảnh giới nào ngoài thế gian này, ngoài cái tâm của ta.

d/ Thuyết vô ngã:

Vấn đề hữu ngã hay vô ngã được Thiện Chiếu trình bày khá giản dị như sau: "Theo kẻ phàm tục và ngoại đạo đều tưởng trong thân mình riêng có một vật linh thiêng không chết, chủ tể và chỉ huy cho thân xác, họ kêu là linh hồn. Ấy là thuyết hữu ngã. Trái lại Phật giáo bảo rằng chẳng những loài người mà cho đến hết thảy vạn vật đều do nhân duyên giả hợp mà có, không thể "có một" mà sinh thành được, cũng không hằng còn mãi mãi nếu nhân duyên tan rã. ấy là thuyết vô ngã. Muốn hiểu thuyết vô ngã thì phãi rõ thuyết nhân duyên, mọi vật phải có nhân và có duyên với thành vật, ví như thực vật thì hạt giống là nhân, còn đất, nước, khí trời, ánh sáng là duyên. Có cả hai thứ nhân và duyên thì mới nứt mộng, mọc lá, mọc rễ, thành cộng, đơm bông, ra trái. ấy là nhân duyên giả hợp. Trí thức của người cũng thế, đều do sáu căn và sáu trần, sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; sáu trần là hình, sắc, tiếng, hương, mùi, vật. ấy là nhân duyên giả hợp".

Không những trình bày khá trung thực và bảo vệ một cách nhiệt tình những nhận thức đứng đắn của đạo Phật, Thiện Chiếu còn đi xa hơn hầu hết tăng, ni, Phật tử thời đó cũng như thời nay để phê bình mạnh bạo vào chính một số quan điểm trong đạo Phật mà ông thấy không đồng ý, nhất là khi ông đối chiếu những quan điểm này với xã hội đương thời. Sự độc lập, và độc đáo, về tư tưởng của Ông rất hiếm có.

Ông tuyên bố với những người đang bút chiến với Ông, như ông Liên Tôn, chủ bút Từ Bi âm: "Nếu Ông nói có lý, thì Ông nói tôi cũng tin, còn nói vô lý thì dầu Phật Thích Ca còn sống đi nữa, nói tôi cũng không tin".

Thật rất đúng tinh thần tôn trọng trí tuệ và khai phóng, phá chấp của đạo Phật. Ông đúng là một nhà khoa học nghiên cứu Phật học hơn là một tăng sĩ, tín đồ Phật giáo. Nhà Phật học và cũng là nhà cách mạng Phan Văn Hùm, trong bài Dịch Sách Phật, đăng trên báo Công Luận năm 1931, đã hết sức khen ngợi tinh thần hoài nghi và cả tinh thần phá hoại cần thiết cho sự nghiên cứu đạo Phật nhằm "trùng hưng Phật Pháp, tu lý đạo Phật" cho nên ở ngay "trong cửa Thiền, Thiện Chiếu thoát được bọn ma vương". (TVG, sđd, t 266-267).

Tuy nhiên sau khi Thiện Chiếu thoát luôn cả cửa Thiền, đi làm cách mạng thì nhà nghiêncứu và nhà ái quốc Huỳnh Thúc Kháng, chủ bút báo Tiếng Dân cũng như nhiều người khác rất ngạc nhiên vì thầy Thiện Chiếu "20 năm ăn nằm trong Phật Giáo", đã nhiệt liệt bênh vực Phật Giáo, hăng hái cỗ võ đổi mới Phật Giáo, thế mà nay lại "cám ơn" đạo Phật và công kích một số tư tưởng rất căn bản của Phật Giáo.

Trong quyển "Tại sao tôi cám ơn đạo Phật?" Thiện Chiếu đã tâm sự chân thành sự chuyển hướng tư tưởng của mình, ông viết: "đánh đâu thua đó mà không chịu đổi chiến lược thì ta biết là nhà cầm binh thất sách, cũng trái hẳn cái mục đích hoặc chiếm cứ lãnh thổ kẻ khác, hoặc giữ gìn đất nước của mình. Thay đổi phương châm, thay đổi cách hành động, hoặc thay đổi luôn học thuyết, cũng như bỏ hẳn đạo Phật, theo cái chủ thuyết khác mặc dầu, miễn đạt được cái mục đích "chúng sinh hết khổ", ấy mới phải là người học Phật, nghĩa là không trái với tôn chỉ của Thích Ca Mâu Ni". ( TVG, sđ, t 287).

Thật là táo bạo. Nhưng cũng thật là đúng tinh thần Phật Giáo, bỏ luôn cả đạo Phật, bỏ luôn cả Đức Phật, miễn làm sao thực hiện được lý tưởng làm cho mọi người hết khổ là được. Phật giáo nên tự hào vì đã có những Phật tử như Thiện Chiếu: tự do không giới hạn trong suy nghĩ, phê bình, sáng tạo, tự do thênh thang vô tận trong hành động, tự do tuyệt đối trong cuộc đời. Những người theo chủ thuyết Mác Lê hiện nay tại Việt Nam nên học tập, bắt chước tinh thần khai phóng, phá chấp và tự do này của sư Thiện Chiếu: miễn làm sao dân chúng được no ấm, hạnh phúc, đất nước giàu mạnh, hưng thịnh là được, chủ nghĩa nào trái với lý tưởng này thì nên thẳng tay bỏ ngay, phương cách nào giúp cho lý tưởng này mau thành tựu thì nên mạnh dạn áp dụng liền, chớt dứt khoát không nô lệ cho giáo điều, chủ nghĩa và ý thức hệ.

Nguyên nhân nào Thiện Chiếu "cám ơn" đạo phật?. Ông trần tình chí thành như sau: "trong mấy năm trường, dẫu gặp phải cái trở lực về chính trị, về kinh tế, vì sự vu cáo, sự phá hoại của bọn Phật giáo cải lương hay của phái nghịch đi nữa, cũng không đến nổi ngã lòng. Huống chi, về mặt lý thuyết, đã thấy có phần thắng lợi, cũng có một số người giác ngộ theo ủng hộ và tán thành, không nổi quạnh hiu cho lắm. đất có người cho, tiền có người quyên để giảng đường, làm nơi căn cứ cho khỏi bị xua lên đuổi xuống vì ở đậu bạc mấy chỗ "quyền sở hữu" của những kẻ ý kiến bất đồng. Nhưng xin đa tạ. Bây giờ đối với chương trình quyết định trước kia, đã lãnh đạm đi rồi. Kinh làm biếng xem, đầu hết muốn cạo. Bởi thấy kinh tế càng bị khủng hoảng nặng nề, người ta càng lầm than, càng đói khổ, do nguyên nhân gì gây ra? lấy phương pháp nào cứu chữa? Chớ Phật giáo đã không phải là phương thuốc cứu chữa duy nhất nữa rồi. Phải, muốn cho hết thảy chúng sinh được hết vọng tâm, được sáng suốt, được niết bàn và thành Phật như Phật Thích Ca sau khi bỏ cảnh tu nhịn đó, đã vô ích mà có hại nữa kia. Huống chi cái thuyết vô ngã của nhà Phật có hay cho mấy đi nữa, không thể nói suông mà phá được thần quyền mê tín là bức tường bảo hộ của cái chế độ (Thực Dân) hiện tại này. đứng đó không vững, đi tới chưa biết đi đường nào..." (TVG t 287).

Phần kết cuốn Tại Sao Tôi Cám ơn đạo Phật?, Thiện Chiếu diễn tả tâm trạng của Ông: "Bao nhiêu giáo nghĩa của Phật từ căn bản đến luận lý đều rung rinh hết, khác nào như một nhà lầu ở đông Kinh hồi địa chấn, người trong đó giựt mình, hoảng hốt, lật đật trỗi dậy, dầu có hết sức lưu luyến cái chỗ nương tựa lâu nay đi nữa, cũng phảo lo tìm đường thoát thân. đi đâu? Chắc thế nào cũng phải đi về con đường nào đó thuận tiện cho mình, và nhất là phải bị lôi cuốn vào đám đông hết sức đông đảo đương rầm rộ, nhịp nhàng, có kỷ luật và trật tự". (TVG, t 288-289).

Thời đó phong trào cách mạng cứu quốc đang dấy động lên khắp nơi, đặc biệt là các phong trào tranh đấu chống Pháp, có chủ thuyết, có lý luận, có tổ chức, có kỹ luật, và "có đám đông hết sức đông đảo đương đi rầm rộ, nhịp nhàng" trong những cuộc khởi nghĩa, biểu tình, do Đảng Cộng Sản Đông Dương bí mật lãnh đạo. Khác với Lý Đông A, dấn thân hoạt động cách mạng nhưng vẫn quyết giữ đạo Phật và lý tưởng giải thoát, giác ngộ: "ngày nào làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy, vào đến non sâu nhập niết bàn", hay Huỳnh Phú Sổ "Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha, đền xong nợ nước thù nhà, Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô" và vô số tăng, ni, Phật tử yêu nước khác đã tham gia các hoạt động đấu tranh, kháng chiến chống giặc Pháp mà vẫn giữ tư cách tín đồ Phật giáo của mình.

1/ Mâu thuẩn của Niết Bàn: Ông cho "hết thảy chúng sinh trên thế gian này... cho đến cáo bọn có tiếng là Phật học cao thâm đi nữa, tôi dám chắc không một ai là được thành Phật, không một ai là được Niết Bàn", vì không có ai có thể "dứt hết các vọng tâm". đi xa hơn, Ông trình bày những lo âu, đau khổ của con người trong xã hội và nói: "ở cái chế độ tư hữu mà nói "Niết bàn" được, thật là láo dóc. Còn đến khi xã hội cải tạo rồi thì cần gì có Niết bàn nữa" (TVG, t 290). Thật đã quá rõ, Ông, một người tha thiết với lý tưởng cứu khổ, cứu dân tộc, cứu chúng sinh, đã mê hoặc bởi chủ thuyết xã hội, hay đúng hơn, chủ nghĩa Mác Xít và dùng lý luận của chủ thuyết này để đả kích lại Phật Giáo. Thời đó, Thiền Tông hầu như tuyệt tích nên Thiện Chiếu không biết cách nào để "an tâm" và không tin có người đã "dứt hết các vọng tâm". Thực chất chế độ xã hội chủ nghĩa hay chế độ tư bản chỉ đóng khung hạn hẹp trong việc giải quyết các vấn đề sở hữu các phương tiện sản xuất, tương quan sản xuất, sự phân phối sản phẩm, tài nguyên, nhân lực hay các mô thức tổ chức chính trị, xã hội. Vấn đề đau khổ của con người liên quan không những đến xã hội, đời sống chính trị, kinh tế của con người mà chính yếu liên quan đến dục vọng, tham lam và cách nhận thức sai lầm, lệch lạc của con người. Những phê bình trên đây của Thiện Chiếu cũng giống như giơ gậy mà đòi đập trời. Cái gậy ý thức hệ Mác Xít chưa vươn tới bầu trời tâm linh thì làm sao có thể giải quyết vấn để giải phóng con người, ở mức độ sâu thẳm và cao siêu nhất mà đức Phật đã chứng nghiệm và giảng dạy tư 25 thế kỷ trước?

2/ Mâu thuẩn nhân quả: Đây là nền tảng của Phật giáo thì Thiện Chiếu phê bình nhân quả Phật giáo "tuy có cao hơn cái thuyết hữu ngã luân hồi của Bà La Môn giáo mặc dầu, nhưng cũng trái hẳn với luật nhân quả của khoa học" và cũng không tránh khỏi thần bí vì phải chờ ở luân hồi kiếp sau. ông cho thuyết nhân quả có vẻ công bằng hơn thuyết thưởng phạt (thiên đàng, địa của Thiên Chúa giáo) nhưng bản thân nó mâu thuẩn lắm.

Ông đưa ra một ví dụ sống động: "thuyết nhân quả nói kiếp trước không bố thí nên kiếp này phải chịu cảnh bần cùng, còn người giàu bây giờ là nhờ kiếp trước có bố thí rộng rãi. Nếu như vậy, bây giờ đã chịu thân bần cùng, bữa đói bữa no, lấy cái gì mà bố thí? Làm sao mà rộng rãi được? Có khi bị hoàn cảnh, bị cái đói lạnh xúi dục, họ sinh ra trộm cắp nữa. Theo thuyết nhân quả, chẳng những kiếp sau phải chịu bần cùng hơn nữa, còn phải sinh vào cảnh khổ (địa ngục) hoặc làm súc vật để đền tội trước kia: một ngày một xuống, không trồi đầu lên được, ấy không phải vĩnh kiếp ở địa ngục là gì? Trái lại, giàu có mới có tiền của bố thí, bố thí có mua vui họ còn bố thí hơn nữa. ở cái địa vị cao sang dư dã thì dại gì ăn cướp ban đêm? Càng ngày càng lên, ấy không phải vĩnh kiếp ở thiên đàng là gì? Thế thì cái thuyết nhân quả nó rộng rãi với hạng người giàu có, mại gắt gao với hạng người nghèo khổ thái quá".

Đúng là lý luận Thích Thiện Chiếu, có vẻ chí lý nhưng muốn đánh đổ thì không khó gì. Thiện Chiếu cũng chứng minh thuyết nhân quả cũng sai lầm trong việc thông thái, ngu si: "con cái bọn mọi trong rừng rú, ai dám bảo nó lớn lên sẽ được văn minh, thông thái? Con của các nhà tư bản Ấu Mỹ ai dám bảo chúng nó lớn lên sẽ ngu muội dã man? Nhưng đổi lại, khi mới đẻ ra, con của nhà tư bản đem cho mọi và con của mọi đem cho nhà tư bản họ nuôi thử coi, thì sẽ thấy một bên vì hoàn cảnh, vì sự giáo dục, vì điều kiện vật chất được hoàn toàn đầy đủ, ai còn dám bảo đứa con mọi ấy (do nhà tư bản nuôi) là dã man nữa. Trái lại, một bên vì sự sinh hoạt đơn sơ, không có giáo dục, thiếu hẳn điều kiện vật chất, cái hoàn cảnh ấy có thể nào tạo được đứa con tư bản kia (do mọi nuôi) trở nên một kẻ văn minh?" (TVG, t 289-301).

Trường hợp ví dụ này quá sức đúng, nhưng việc một đứa con đẻ trong rừng mà được nhà tư bản nuôi thì cái đó 100% là do nhân duyên, nghiệp lực mà thành cũng như đứa trẻ sinh ở cao sang mà lại bị lạc vào rừng rú thì không phải là "số mạng", định mệnh", "thượng đế an bài", hay "ngẫu nhiên", "tình cờ", mà chính là do thuyết nhân quả chi phối, quyết định vậy. Cũng như việc một người sinh ở nơi văn minh, giàu sang hay sinh trong hoàn cảnh tối tăm, nghèo khổ là do nghiệp lực và nhân duyên nhiều đời trước quyết định. Cũng như người được trúng số hay gặp thời trở nên giàu có, nguyên nhân nằm trong sự thiện nghiệp, thiện duyên mà họ đã tạo ra từ các kiếp trước.

Còn việc bố thí, Phật giáo liệt kê Pháp thí (ban tặng Phật pháp) là đứng đầu, thứ đến là Vô úy thí (ban tặng sự không sợ hãi), chót hết mới là Tài thí (ban tặng tiền bạc, của cải). Cũng theo đó, phước đức tăng trưởng nhiều hay ít và đời sau được sinh làm người giàu sang hay nghèo hèn. Trong việc Pháp thí và Vô úy thí, bao gồm việc nói, khuyên người khác bỏ ác, làm lành, ăn ở hiền đức, sinh sống thật thà, lương thiệ, an ủi, khích lệ nâng đỡ người khác khi họ bị đau khổ, thất vọng, hay cứu mạng người hay mạng sống của các loài chúng sanh khác v.v...thì ai có từ tâm cũng đều làm được, chớ không phải chỉ người giàu có mới làm được.

Hơn nữa việc bố thí chỉ có một phần công đức phụ thuộc mà thôi. Cái nguyên nhân chính yếu, tạo ra thiện nghiệp hay ác nghiệp, đưa đến cảnh con người bị nghèo hèn hay được sang quý cũng như sanh ở sáu cõi là họ giữ ngũ giới và thực hành thập thiện hay không? Không phải có tiền bố thí, hay ngay cả xây chùa, đúc tượng mà có phước và được tái sinh làm người giàu sang hơn.

Lương Võ Đế đã xây hàng trăm ngôi chùa, đúc hàng ngàn tượng Phật, thế mà khi Vua hỏi: "Trẫm có công đức gì không? thì Bồ đề đạt Ma đã trả lời dứt khoát: "Không có công đức gì cả". Trong khi đó một người cứu một người khác sắp chết đói, chết rét hay ngay cả cứu một con kiến đang sắp chết đuối cũng có thể có công đức rất lớn. Lấy vấn đề tiền bạc để làm tiêu chuẩn duy nhất cho việc phê phán quan điểm nhân duyên tội phước của đạo Phật thì nó quá hạn hẹp, phiến diện và không chính xác.

Đi xa hơn, quyết liệt hơn, Thiện Chiếu lý luận: "cho đến tuần lễ 40 giờ và bọn Chà Và chợ phải nhượng bộ, ấy là bởi nhân quả, phải chờ kiếp sau, hay là bởi đấu tranh hiện tại của nhân dân mà được những thắng lợi ấy" (TVG, sđđ, t 300-3001).

Việc này thì hoàn toàn đúng và chính đức Phật cũng đã giảng dạy nổ lức phấn đấu để chuyển hóa nghịch cảnh và xây dựng một xã hội hiền lương, nhân đạo và công bằng, chớ đức Phật không dạy cầu nguyện lễ bái hay thụ động, khiếp nhược chấp nhận bất công, áp bức.

Thời đó, một chủ thuyệt xã hội Phật giáo chưa có, cũng như chưa có một quan niệm hành động xã hội chính trị của người Phật Tử nên nói đến công xã hội, Thiện Chiếu không khỏi rơi ngay vào lý thuyết đấu tranh giai cấp và cuối cùng còn cực đoạn cho rằng dù là Phật Giáo được chấn hưng, cũng hoàn toàn đưa đến bế tắc mâu thuẩn và không thể cứu khổ"" , giải thoát được. Báo phụ nữ Tân Văn, năm 1843, đã kết luận về tăng sĩ Thiện Chiếu một cách đặc biệt như sau.

"Sư Thiện Chiếu là một người ở về hạng thành thật nhất, bởi vậy cho nên sư đáng cho ta để thập nhất, bởi vậy cho nên sư đáng cho ta để ý. Trong các giáo chủ của cuộc vậng động tôn giáo ngày nay, sư là một người có lý tưởng, có chủ nghĩa, có nhiệt thành. Mà sư lại đứng tránh hẳn một cánh để phản đối tất cả chi phái khác. Sư mê Phật học mà sư xướng rằng không có thần, không có Ngọc Hoàng Thượng đế, không có chủ tể càn khôn. Sư phản đối kịch liệt cho đến nổi nói tới hai chữ Thiện Chiếu thì bọn tăng lữ đời nay đều khủng khiếp.

Người ta ghét mà sợ con người có tín ngưỡng thật. Vì đời của sư không có chỗ nào sàm báng được. Ngày nay sư Thiện Chiếu đã tỉnh ngộ và giác ngộ. Nhờ quan sát nhiều, nhờ suy nghĩ lắm, nhờ thảo luận cùng anh em mà sư tỉnhgiấc ngủi thôi từ hon 20 năm nay. Khác có kẻ hỏi: vậy thì sư mong giải khổ cho quần sanh về chỗ nào? Sư nhận ra rằng cuộc đấu tranh để giải khổ là cuộc đấu tranh trong xã hội, giải khổ trên mặt đất, chớ kông khong phải kiếp tái sinh hão huyền nào hết. Trong hàng trí thực An Nam và tất cả hão huyền nào hết. Trong hàng trí thức An Nam và tất cả A Đông, ta ít khi gặp được người thành thật và can đảm như thiện Chiếu". (TVG, sđd, t 282- 291)

Phê bình này không đi ra ngoài tinh thần Phật giáo đại thừa, là tôn giáo duy nhất trên thế giới này chủ trương có thể xây dựng một cõi Tịnh độ, không còn cảnh bất công, đói rách, đau khổ, một thiên đàng an lạc, đạo đức, hòa bình, ngay tại thế gian này. Tiếc rằng thời đó tinh hoa của Phật tiáo đại thừa bị mai một nên Thiện Chiếu không thấy những quan niệm cứu khổ ngay trong cuộc đời, giải thoát ngay trong thế gian, xây dựng Phật quốc ngay trong cõi Ta Bà của tư tưởng Phật giáo đại thừa hùng tráng, dũng hoạt và hết sức thực tế, cụ thể.

Thật là đáng tiếc, một con người như Thiện Chiếu đáng lý ra nên vận dụng căn bản Phật học và cả uy tín, kinh nghiệm, nhiệt tâm tranh đấu của mình để hình thành một chủ thuyết xã hội Phật Giáo và một trào chính trị Phật Giáo, như Huỳnh Phú Sổ đã làm chỉ vài năm sau đó, một cách xuất sắc, tuyệt vời qua việc hình thành Phật Giáo Hòa Hảo và Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đảng, ông đã ngã vào con đường hành động xã hội của chủ nghĩa Mác Xít và của đảng Cộng Sản mà hậu quả tan thương, đau đớn chính ông đã cảm nhận sâu xa trong những ngày tháng tù túng tại Bắc Kinh, Hà Nội cũng nhữ đồng bào ông đã gánh chịu suốt nửa thế kỷ nay.

Cùng thời với Thiện Chiếu cũng có những quan niệm cấp tiến, mạnh bạo tương tự thể hiện trong Hội Phật Học Kiêm Tế và tạp chí Tiến Hóa cũng như trong Hội Tịnh độ Cư Sĩ và tạp chí Pháp âm. Tạp chí Tiến Hóa, như đã nói, tuyên bố "tuyên truyền cho bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm cho chúng sinh khỏi khổ được vui" và coi các học thuyết này đều là "Phật pháp". Ngay từ số 1, đã có mục "triết học thường thức" và đến số 4, ký giả Trần Quân trình bày Duy Vật Biện Chứng Pháp và từ số 6, ông phê bình các chủ thuyết Duy Tâm Luận. Tạp chí Tiến Hóa chủ trương táo bạo như sau:

"a/ Người Phật tử mới phải có sự giác ngộ mới do khoa học khám phá. Người Phật tử phải học khoa học để biết rằng không có Tây Phương Cực Lạc hay Thiên đàng, địa ngục, phải học kinh tế học, chính trị học để biết những đau khổ của con người là do các chế độ chính trị đè nén và những cuộc khủng hoảng kinh tế, chớ không phải do thần linh ban họa giáng phúc.

b/ Phật Thích Ca chỉ là bậc sáng suốt hoàn toàn trong thời đại của Ngài mà thôi. Bây giờ phải nắm hết những hiểu biết của khoa học thì mới gọi là "Phật"... vì trí thức của Phật hồi thời đại ấy không bằng tri thức của toàn thể nhân loại sau này".

c/ Đường lối cải tạo cái tâm trước không có hiệu quả. Phải cải tạo cảnh. Phải tổ chức trường học cho người dốt nát, nghèo khổ, phải ngăn cấm không cho một thiểu số nắm giữ và lũng đoạn guồng máy kinh tế, phải thủ tiêu chế độ tư hữu. Họ còn mơ giấc mơ đại đồng: "đừng chia riêng của người này với của người khác, nước nọ với nước kia, thì đâu có cái hiện tượng tranh dành cướp giật và bắn giết lẫn nhau? ấy là cái nghĩa nhất thiết chúng sanh thành Phật". (NL, sđd, t 66-67).

Tác giả Nguyễn Lang cho rằng "gốc rễ Phật học của các lý thuyết gia Tiến hóa (trong đó đương nhiên có Thiện Chiếu) là chưa sâu vững". Không những thế còn kém cõi về kiến thức khoa học. Theo kinh Phật, thì cõi Tây Phương Cực Lạc cách đây vô lượng vô số thế giới, ngay cả thiên văn họa hiện đại cũng chỉ mới khám phá một gốc trời nhỏ của vũ trụ quan Phật giáo. Hay cho rằng "Sự hiểu biết của Phật không bằng trí thức bây giờ". Nói như thế trong thập niên 30, 40 thì được, chớ ngày nay sau khi đã nuốt chửng triết học và thần học Tây Phương thì khoa học đã tự bộc lộ những giới hạn và sự bất lực của nó, khoa học vẫn ở trong bàn tay của Phật học, đúng như Albert Einstein, nhà bác học vĩ đại nhất của thế kỷ 20 đã tuyên bố: "Phật giáo bắt đầu ở nơi khoa học chấm dứt" (Buddism begins where Science ends) nghĩa là sau khoa học chính là Phật giáo. Mặt khác, quan niệm cải tạo tâm và cải tạo cảnh đều được bao gồm trong Phật giáo đại thừa, cụ thể như vấn đề tư hữu, Phật giáo chủ trương diệt trừ tam độc tham, sân, si nguồn gốc của tội lỗi và đau khổ, nhưng đồng thời cũng chủ trương bênh vực giới lao động, nâng đỡ những kẻ yếu nghèo, xây dựng một xã hội công bằng và nhân đạo.

Trong chiều hướng chấn hưng Phật giáo một cách táo bạo, triệt để và toàn diện, ký giả Giác Tha còn hô hào "thủ tiêu hình thức và tinh thần tôn giáo của Phật Giáo", "hủy bỏ tất cả những kinh sách và những tập quán có khuynh hướng hữu thần và yếm thế". Không những thế Tiến Hóa còn chủ trương hủy bỏ truyền thống tăng sĩ "đầu trọc áo vuông", theo gương phái tân tăng ở Nhật Bản mặc âu phục, cưới vợ và ăn mặn. Ký giả Tự Giác, sau khi gặp tân tăng trẻ Nhật Bản Tomomatsu tại Sài Gòn, ông này bặt thiệp, nói nhiều thứ tiếng, hiểu biết rộng rãi, tuyên bố những tư tưởng mới lạ, đã hô hào: "từ rày về sau, người tu Phật nên bỏ hẳn cáo lối đầu trọc áo vuông, theo gương các sư Nhật... nhưng ai có muốn ăn chay hay độc thân thì tùy ý (NL, sđd, t 68).

Pháp âm ủng hộ lập trường Thiện Chiếu và của Tiến Hóa và bắt đầu chỉ trích đường lối chấn hưng Phật giáo, của các hội Phật học đương thời, như phê bình các hội này chỉ chú trọng tinh thần mà bỏ quên thực tế, chỉ biết nghĩ về vị lại mà bỏ quên hiện tại, chỉ nói suông mà không thực hành. Họ kêu gọi chấn hưng Phật giáo là để "gây thành một thế lực mà ứng phó với thời cơ". Rõ ràng là kêu gọi chuẩn bị hành động, chuận đóng góp vào cuộc tranh đấu cứu nước, giải phóng dân tộc. đi xa hơn nữa Pháp âm và Hội Tịnh độ Cư Sĩ còn: "hết sức ủng hộ việc bỏ cái lối đầu trọc áo vuông" mà tạp chí Tiến Hóa đã đề nghị. Pháp âm còn kêu gọi "thủ tiêu cái chế độ riêng"trong nhà chùa, kêu gọi chư tăng theo gương hòa thượng Nguyễn Văn Đồng (Trí Thiền) trú trì chùa Tam Bảo cúng hết chùa và tài sản cho Hội Phật Học Kiêm Tế. Và có người còn đi xa hơn nữa, đề nghị phục hưng Phật giáo trong tinh thần xã hội chủ nghĩa. Phạm Đình Vinh, diễn thuyết tại trụ sở hội An Nam Phật Học tại Huế ngày 15-08-1937 về đề tài Luân Lý Phật Giáo, đã minh bạch tuyên bố:

"Luân lý, cũng như nghệ thuật, triết học, pháp luật, tư tưởng, văn tự, ngôn ngữ... đều là ý thức hình thái (ý thức hệ) của xã hội mà ta thường gọi là tinh thần văn hóa, được kiến thiết ở trên nền tảng kinh tế. Nếu kinh tế thay đổi thì ý thức hình thái (ý thức hệ) của xã hội tức là nghệ thuật, triết học, pháp luật, tư tưởng, văn tự, ngôn ngữ... hay tinh thần văn hóa cũng phải thay đổi theo hết. Theo ý tôi thì chỉ có hai cách. Một là muốn cho xã hội tín ngưỡng và thực hành luân lý đạo Phật thì phải làm cho công bình, đừng cho ai lợi dụng. Hai là phải vận động khắp thế giới thủ tiêu các chế độ tài sản tư hữu... mới thực hiện được tinh thần vô ngã của đạo Phật". Và ông cho rằng cách thứ hai là hữu hiệu hơn hết. (NL, sđd, t 64-69).

Thực tế đã chứng minh là những phương pháp đi nhanh nhất thường là đi chậm nhất, đôi khi lại thụt lùi, và cấp tiến nhất thường đưa đến những kết quả bảo thủ, thoái hóa tai hại nhất.

Những tư tưởng cấp tiến, tả khuynh thời đó nở rộ như nấm và lạ lùng hơn nữa là khởi phát mạnh mẽ ở miền Nam, nơi đảng Cộng Sản rất yếu. ở miền Trung Hội an Nam Phật Học và tại Chí Viên âm hay ở miền Bắc, Bắc Kỳ Phật Giáo Hội và tạp chí đuốc Tuệ đều có một quan điểm chấn hưng Phật giáo rất ôn hòa, nhẹ nhàng, đặt nặng vấn đề Phật học, đào tào tăng tài hơnl à những vấn đề thời sự, chính trị, xã hội, kinh tế, dù rằng cả hải Hội Phật Học và hai tạp chí Phật Học này đều cổ xúy một nền Phật giáo dân gian, nhập thế, đi vào đời, áp dụng vào cuộc sống.

Quyển Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, do Việt Triết Học tại Hà Nội chủ biên, trong phần kết luận, đã xử dụng trường hợp Thiện Chiếu để chứng minh PHật Giáo không đáp ứng được thời đại, và chủ nghĩa Mác Lê là cấp tiến hơn, thích hợp hơn cho Việt Nam. Lập luận này ngày nay đã tự sụp đổ nên ta khỏi cần tranh luận. Nhưng, như một số nhà nghiên cứu Phật Giáo trong nước đã phê bình, dùng một chủ thuyết khác để đã kích Phật Giáo trong một cuốn sử mang tên Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, rõ ràng là việc làm không có tính cách sử học.

Mặc khác, tăng, ni Việt Nam thời đó cũng có trên cả chục ngàn và tuyệt đại đa số vẫn trung thành, sống chết cùng với đạo Phật và đã tích cực đóng góp vào sự nghiệp cứu quốc, phụng sự quốc gia, xã hội mà vẫn không từ bỏ con người tôn giáo của mình, còn số người như Thiện Chiếu chưa 1/1000 thì không thể thấy trường hợp quá đặc biệt và ngoại lệ này để công kích Phật Giáo.

Thứ ba là Thiện Chiếu đã phản tỉnh khi ông miền Bắc, chứng kiến bộ mặt thật của xã hội chủ nghĩa và cảnh Phật Giáo bị đàn áp khốc liệt, nên lợi dụng cuộc đời yêu nước nồng nhiệt, hăng say của ông để tấn công Phật Giáo là điều không lương thiện. Những gì tăng sĩ Thiện Chiếu mong ước và đã thất bại không thực hiện nổi, là một nền Phật Giáo dân tộc và thời đại, một nền Phật Giáo hành động cứu quốc và cách mạng xã hội, chỉ vài năm sau, năm 1939, đã được một cư sĩ, là Huỳnh Phú Sổ, thực hiện một cách tuyệt diệu và thành tựu một cách tuyệt vời.

Chương ba:

Cuộc đời của Huỳnh Phú Sổ.

 

Sự liên hệ chặt chẽ, bất khả phân ly giữa Phật Giáo Việt Nam cận đại và Phật Giáo Hòa Hảo, cũng như giữa đức Phật và tăng, ni, Phật tử Việt Nam với cư sĩ và đồng thời là giáo chủ Huỳnh Phú Sổ có thể được chứng minh và cô động trong một câu nói của chính Huỳnh Phú Sổ: "Đối với toàn thể tín đồ Phật Giáo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca". Và đặc tính của nền Phật Giáo thời đại, nhập thế, dấn thân do Huỳnh Phú Sổ sáng lập cũng được tóm gọn đầy đủ, xúc tích trong một lời tuyên bố lừng danh của Huỳnh Phú Sổ:

"Tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh (của Đức Phật Thích Ca) chẳng những được truyền bá ở Thiền Lâm, mà còn phải được thực hiện trên trường chánh trị". ông giải thích thêm:

"Theo như sự nhận xét của tôi về giáo lý nhà Phật do Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng, lấy chủ nghĩa từ bi bác đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nồng cốt, thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng, vì những câu "Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh" và "Phật cùng đồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh". Đã có những sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không thể tiến hóa ngang hàng với Chư Phật được. Nếu trong cõi nhân gian này còn có chúng sanh tiền tiến áp bức những chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với giáo lý chơn chánh ấy. Giáo lý do Đức Thích Ca Mâu Ni Phật không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài, là do hoàn cảnh xã hội của ấn độ xưa không thuận tiện. Ngày nay, trình độ tiến hóa của nhơn loại đã tới một mức khả quan, đồng thời với sự tiến bộ về khoa học, thì là có thể thực hành giáo lý ấy để thực hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo. Thế nên với tâm hồn bác ái, từ bi mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới, để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại" (Báo Nam Kỳ, ngày 29.11.1946, Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ, t 481).

Chỉ một lời tuyên bố ứng khẩu trích dẫn ở trên, Huỳnh Phú Sổ đã tóm lược tài tình cốt tủy, tinh hoa, chủ đích của đạo Phật cũng như phác họa thần diệu mục tiêu, đường hướng và phương pháp của Phật Giáo Hòa Hảo, một nền Phật Giáo thời đại, nhập thế, dấn thân tích cực. Chỉ lời tuyên bố trên đây cũng đủ để đưa Huỳnh Phú Sổ thành một Phật tử lớn, một thiền sư lớn, một nhà tư tưởng Phật Học đặc sắc, độc đáo, một nhân vật có tầm cỡ vĩ nhân của Phật Giáo Việt Nam và Phật Giáo thế giới trong thế kỷ 20.

Sự độc đáo và vĩ đại của Huỳnh Phú Sổ được giới trí thức quốc tế công nhận, dù bị giới trí thức Việt Nam và trí thức Phật Giáo Việt Nam, do thiếu thông tin, thành kiến nông cạn, sai lầm, không biết đến và đề cập đến: Bộ Bách Khoa đại Từ điển có thẩm quyền nhất thế giới, bộ The New Encyclopaedia Britannica đã công nhận Huỳnh Phú Sổ là một triết gia Việt Nam "Huỳnh Phú Sổ is a Vietnamese philosopher..."(Vulume 6, Micropaedia, 1987, trang 18).

Chữ triết gia đối với Việt Nam là một chữ tầm thường, nhưng đối với Tây Phương là một chữ phi thường. Lý tưởng của đạo đức và chính trị Tây Phương, như Platon mơ mộng, không phải là sự ngự trị của những quốc vương triết gia (Philosopher-King) hay sao? Không một Phật tử, thiền sư hay nhân vật Phật Giáo Việt Nam nào khác thế kỷ 20 này được đánh giá như vậy. Và quả thật Huỳnh Phú Sổ đã vượt qua tất cả... Những nhân vật lẫy lừng của Phật Giáo Việt Nam thời đó như các thiền sư Khánh Hòa, Khánh Anh, Thiện Chiếu, Giác Tiên, Trí độ, Lê đình Thám... hay về sau này như Trí Quang, Thiện Minh, Trí Thủ, Thiện Ha, Nhất Hạnh, Thanh Từ... đều không thể nào so sánh với Huỳnh Phú Sổ vì Huỳnh Phú Sổ được coi như là hóa thân của Bồ Tát và những hiểu biết của ông xuất phát từ Tuệ Giác và những hành động của ông là những hạnh nguyện của tâm đại từ bi. ông dã vượt qua mức độ phàm phu và đã đạt đến trình độ của thánh nhân.

Học giả Phạm Công Thiện tán dương ông là "đại bồ tát" không phải không có lý do. Nhân dân Nhật Bản ca ngợi thiền sư Nhật Liên của họ là đại bồ tát, thì Phật tử Việt Nam ca ngợi Huỳnh Phú Sổ là đại bồ tát cũng không có gì quá đáng. Có ai, trong suốt mấy ngàn năm lịch sử Việt Nam, khi chỉ mới 19 tuổi, đã thành lập một tôn giáo mới (thật ra là một tông phái mới của Phật Giáo), đã có những viễn kiến đi trước thời đại và được hàng triệu người tôn thờ như là Giáo Chủ? Chỉ có Huỳnh Phú Sổ, một thanh niên quê quán ở làng Hòa Hảo trên đồng bằng sông Cửu Long.

A/Cuộc đời thanh thiếu niên

Ông sinh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi, tức ngày 15/1 năm 1920, tại làng Hòa Hảo, gần Vàm Nao, quận Tân Châu, tỉnh Châu đốc, một tỉnh miền Tây nằm sát bên nước Cao Miên và trên sông Cửu Long (Tiền Giang), trong một gia đình nông dân, con của ông Hương Cả (người đứng đầu trong làng) Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhậm. Lúc nhỏ ông thường bịnh hoạn, đau yếu, xanh xao, chỉ đi học trường làng, và đã đậu bằng tiểu học tại Tân Châu, nhưng đến năm 15 tuổi phải nghỉ học vì lý do sức khỏe. ông được điều trị bởi nhiều thầy thuốc và bằng nhiều cách nhưng bịnh tình càng ngày càng trầm trọng và theo đuổi suốt quãng đời thiếu niên của ông. Mãi cho đến khi ông 18, 19 tuổi, bỗng nhiên ông hết bịnh và trở thành một thanh niên mạnh khỏe, tuấn tú, da mặt hồng hào, tươi sáng, tướng bộ chững chạc, trang nghiêm. Từ thuở bé, ông đã có căn tính của một người tu hành, ông không thích đàn địch, ca hát, cười dỡn như các bạn cùng trang lứa, lúc nào ông cũng trầm tư, mặc tỉnh, thích ở nơi thanh vắng, yên tỉnh, ông lại rất hổ thẹn và phản đối ngay khi nghe song thân bàn chuyện kiếm người bạn đời cho ông.

Dù mới chỉ học xong tiểu học và chưa từng nghiên cứu Phật Học, ông bỗng nhiên có một kiến thức Phật Học uyên bác, và hơn thế nữa, một khả năng "xuất khẩu thành thơ" biến những kiến thức Phật Học thành những bài thơ giảng đạo đi sâu vào lòng quần chúng bình dân, ít học. Ngoài ra ông làm thơ bằng chữ Nho một cách tinh thông, xuất sắc dù không học chữ Nho. Không những thế, ông còn bỗng nhiên có tài chữa bịnh, kể cả những bịnh nan y dù chưa từng học về y khoa. Ngày 18 tháng năm năm Kỷ Mão, tức ngày 4/7 năm 1939, Huỳnh Phú Sổ tuyên bố khai lập đạo Phật Giáo Hòa Hảo, khi ấy ông chỉ mới 19 tuổi.

B/-Cuộc đời hành đạo

Sau ngày khai đạo, Ông thực hiện hai công việc chính là thuyết pháp và chửa bịnh, mà trong đó thuyết pháp là chính, trị bịnh chỉ là phương pháp nhất thời, trợ duyên cho việc hoằng pháp như Ông đã giải trình trong "Sứ Mạng Đức Thầy": "Phương pháp của ta tùy trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam, trên thì nói Phật Pháp cho kẻ có lòng mộ đạo quy căn gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của tiên gia trị bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị..." Thời gian trị bịnh chỉ kéo dài trong mấy tháng đầu khai đạo, cho tới đầu năm 1940 là chấm dứt, còn việc thuyết pháp, độ sanh và đem tinh thần Đạo Phật vào cuộc đời, ông đã tích cực, liên tục thực hiện không mệt mỏi cho đến khi ra đi vào năm 1947. Chỉ 27 năm xuất hiện trên thế gian và từ khi khai đạo, chỉnh hành hoạt trong 7 năm, thế nhưng Huỳnh Phú Sổ đã để lại một sự nghiệp lớn lao mà không một Tăng, Ni, Phật Tử nào trong thế kỷ 20 này có thể so sánh được.

Như Jesus Christ cũng trị bịnh lúc khai đạo Thiên Chúa, Huỳnh Phú Sổ đã trị bịnh và chữa lành cho nhiều bịnh nhân mà không cần dùng dược liệu, thuốc thang cũng như không dùng các phương thuật phù thủy thịnh hành đương thời. Người bịnh thường được Ông cho uống nước lạnh, hoặc nhai một bông cúc, bông trang, lá xoài, lá ổi thường được trồng rất phổ thông ở khắp nơi, hoặc nuốt nguyên vào bụng một thẻo giấy màu vàng bằng ngón tay chớ không đốt thành than pha vào nước lạnh rồi uống như thói quen thời đó. Đặc điểm của Ông là mỗi khi trị bịnh cho ai Ông đều khuyên bịnh nhân nên tin tưởng ơn trên Trời, Phật, cầu nguyện chí thành thì sẽ được gia hộ và niệm Phật: "Thành lòng nước lã nên hồ, Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban". Chỉ với lòng thành tin rằng đây là "thuốc Phật", là "cam lồ Phật ban", bịnh nhân uống nước lạnh, nhai bông, lá trong vườn và lành bịnh. Từ đó quần chúng tin tưởng Huỳnh Phú Sổ là một vị Phật hóa hiện để cứu nhân độ thế. Một số trường hợp chữa bịnh cụ thể như sau được ghi nhận như một em bé bị bịnh ban đỏ (sởi) được ông chữa lành trong một đêm bằng cách cho uống lá ổi, ông Tạ Quốc Bửu bị bịnh phân nửa khuôn mặt nổi sần lên và lở như lác, được ông chữa lành trong vài ngày bằng cách cho uống một ly nước lạnh, bà Chung Bá Khánh đau bịnh ruột dư, bác sĩ bịnh viện Saint Paul Sài Gòn tiêm thuốc cho gom mũ để bữa sau mỗ, được Huỳnh Phú Sổ chữa lành tức thời bằng cách cho ăn một trái cam và nhiều trường hợp khác Ông chữa lành cho hàng ngàn bịnh nhân, kể cả những bịnh nhân đang ở trong tình trạng hấp hối... mà Tây y và y học cổ truyền cũng bó tay không chữa trị nổi.

Trị bịnh chỉ là phương tiện nhất thời thể hiện ý nguyện từ bi cứu khổ và chỉ là một chiếc cầu gây tín tâm hướng về Phật pháp nơi quần chúng bình dân, truyền đạo, rao giảng Phật pháp, khuyên người đời ăn hiền ở lành, lo tu hành Phật đạo mới là công việc chính, thường trực và không ngừng nghỉ của Huỳnh Phú Sổ. Ông giảng dạy giáo lý của đức Phật Thích Ca mà Ông có sứ mạng truyền bá như một sứ mạng thiêng liêng nhất:

"Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,

 Xuống hạ giới truyền khai đạo Pháp"

Nếu biết rõ đức Phật vẫn sử dụng các từ ngữ thông dụng đương thời, thuộc các tôn giáo khác, như "Phạm Thiên", "Bà La Môn" v.v... để mọi người đương thời đều hiểu, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Huỳnh Phú Sổ thường xử dụng những từ ngữ bình dân trong dân gian, không có trong từ ngữ Phật học, như"Thượng đế", "Hạ giới", "Sắc lịnh" v.v... để dễ dàng truyền bá Phật pháp cho giới bình dân thôn quê. Theo các nhân chứng thời đó kể lại thì ông đã tận tâm tận lực bình đẳng thuyết giảng Phật Pháp cho mọi người đến nghe đạo hay trị bịnh, không phân biệt sang, hèn, giàu, nghèo, thân, sơ. Nhiều khi ông đã liên tục thuyết pháp cả ngày lẫn đêm vì thính giả thập phương đến nghe đông đảo.

Theo ông Nguyễn Văn Hầu, trong cuốn Thất Sơn Mầu Nhiệm thì: "Với một giọng nói thanh tao, êm dịu, khi bỗng lúc trầm, lưu loát mà rõ ràng, khi cao siêu, khi giản dị, Ngài giảng giải cho quần chúng nghe giáo lý nhà Phật và phương pháp tu hành. Ngài thuyết pháp không ngưng, không vấp... Một nhà báo ở Sài Thành (ông Hiền Sĩ) nói về đức Huỳnh Giáo Chủ trong hơn 30 bài báo, có phê bình tài hùng biện và khoa ngôn ngữ của Ngài bằng câu "thao thao bất tuyệt" và cho rằng Ngài "chiếm giải quán quân về phương diện diễn thuyết". Nhà lãnh tụ nhóm "Tranh đấu" là Tạ Thu Thâu chưa chắc có thể so sánh với Đức Thầy về môn diễn thuyết và nói trước công chúng được. Lại nữa, lời văn của Đức Thầy còn có mãnh lực hấp dẫn quần chúng một cách phi thường nên thính giả nhiều khi mủi lòng rơi lệ, liền phát bồ đề tâm, quy y đầu Phật. Nhiều nho sĩ văn gia, nhiều trí thức tân học đỗ cao (cử nhơn, tấn sĩ) đều bái phục đức Thầy vì tài ba, vì đức hạnh. Thật Ngài là một bực thượng trí anh tài, một bực sinh nhi tri vậy".

Thính giả đến nghe giảng ngày càng đông và ngôi nhà của thân sinh ông trở thành một đạo tràng thuyết pháp, một ngôi chùa lúc nào cũng đông đảo thiện nam tín nữ từ khắp nơi về và bị nhà chức trách dòm ngó. Nên ông đã có lần nhờ thân sinh lên quận xin phép đổi cái nhà của ông thành một ngôi chùa, lấy tên là Kim Sơn Tự.

Tuy chỉ xuất hiện trên đời 27 năm, ông đã để lại một khối lượng kinh sách đáng kể, tổng cộng khoảng 150.000 chữ, bằng văn xuôi và văn vần, phần lớn đều là ứng khẩu và đại đa số là văn vần, nghĩa là thơ, dưới các hình thức thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, trường thiên thất ngôn, ngũ ngôn. Như các vị Giáo chủ thời xưa, những bài giảng của ông phần lớn đều ứng khẩu thuyết giảng cho đệ tử, tín đồ nghe và những người này ghi chép lại. Một phần khác thì do ông đích thân viết và theo các nhân chứng thuật lại, thì ông viết rất tự nhiên, không suy nghĩ, không gạch xóa sửa chữa và viết một mạch không ngừng cho đến khi hoàn tất. đặc điểm của thơ văn Huỳnh Phú sổ là ngôn từ rất giản dị, rõ ràng, dễ nhớ, ai đọc cũng hiểu nhưng rất hàm súc và hoàn toàn phù hợp với kinh sách Phật Giáo. Nhờ đó ngay cả những người dân quê không biết chữ vẫn có thể hiểu và học thuộc lòng hàng trăm câu thơ khuyến tu, truyền đạo của ông. Không những đặc biệt trong việc truyền giảng Phật Pháp, là giảng bằng thơ và thơ hết sức bình dân, mà việc phổ biến các tác phẩm Phật Học này cũng rất đặc biệt: là một số tín đồ có giọng tốt học thuộc lòng và đi diễn ngâm khắp đồng bằng Nam Bộ và những tín đồ khác, có hoa tay, thì lại chép các bài thơ sấm giảng này thành 100 bản, 200 bản và luân chuyền khắp nơi, với vài trăm người như thề hàng trăm ngàn ấn bản có thể phổ biến dễ dàng và sâu rộng (sau này nhờ một tín đồ có quốc tịch Pháp là bà Trần Văn Tâm đứng xin giấy phép xuất bản nên ấn bản đầu tiên của Sấm Giảng Phật Giáo Hòa Hỏa mới được in). Cho đến năm 1965, khoảng 800.000 ấn bản các tác phẩm của Huỳnh Phú Sổ đã được in và đến năm 1975 thì trên một triệu quyển đã được in ra. Không một tác giả Phật Giáo nào, và có lẽ ít có một tác giả Việt Nam nào, cho đến nay, có được một số lượng tác phẩm được phát hành lớn lao như thế.

Qua phương pháp trị bịnh thần diệu và truyền giảng Phật Pháp một cách giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, chỉ trong một thời gian ngắn ngay trong năm 1939, "Cậu Tư Hòa Hảo" tức thanh niên 20 tuổi Huỳnh Phú Sổ, đã được dân chúng tôn sùng, quy ngưỡng như một vị giáo chủ và ngôi nhà của ông tại làng Hòa Hảo trở thành thánh địa.

Nông dân đã đáp ứng một cách nồng nhiệt bằng cách quy y nhập đạo, ngày càng đông đảo, giới điền chủ, trí thức nghi ngờ, dè dặt và nhiều người đã thử thách đến viết những bài thơ chữ Hán, là thứ chữ Huỳnh Phú Sổ chưa bao giờ học, để thử tài Ông. Ông đã họa lại và khiến các nhà nho này khâm phục. Như Thầy Bảy Tốt ở Long Xuyên đến so tài làm thơ bằng chữ Hán, có hôm làm không kịp với Huỳnh Phú Sổ, ông phải rút trọn một câu trong sách thuốc Thọ Thế đưa vào bài thơ, bị Huỳnh Phú Sổ vừa cười vừa chọc: "ông hết chữ rồi nên mới rút tới câu đó". Một hôm khác nhân đọc câu "Trần Di ngủ say câu thành tựu" trong bài Diệu Pháp Quang Minh của Huỳnh Phú Sổ, ông bèn hỏi: "Bạch Ngài, tôi e chữ thành tựu chưa có ai dùng. Phải chăng Ngài đã lẫn lộn? "Huỳnh Phú Sổ trả lời về xem lại bộ Tứ Thơ thì sẽ thấy. ông về tra lại nhưng không thấy, đến hỏi, được Huỳnh Phú Sổ cho biết là chữ thành tựu được lấy ra từ hàng chữ cháu con "nhứt nhứt thành tựu". Một nhà nho khác là ông Huỳnh Hiệp Hòa ở Long Xuyên đến đưa một bài thơ bằng chữ Nho, Huỳnh Phú Sổ đã viết liền không suy nghĩ một bài thơ họa lại cũng bằng chữ Nho, bài "Hồi đầu điểm đạo chuyển phong cương". Hay ông Nguyễn Kỳ đức cũng ở Long Xuyên đến trình một bài thơ chữ Nho, hỏi Huỳnh Phú Sổ về vận nước ngã nghiêng, thì ông đã ngay lập tức họa lại một bài thơ chữ Nho để đối đáp lại, bài "Thiên ký Lạc Hồng đắc ngũ niên". Hay ông Ba Thận ở Tân Châu làm hai bài để thử tài và chất vấn Huỳnh Phú Sổ nhưng đã được Huỳnh Phú Sổ trả lời ngay những điều ông muốn hỏi dù ông chưa kịp xuất trình hai bài thơ đó. Không những biết chữ Hán rất uyên thâm, ông đọc kinh bằng 18 thứ tiếng khác nhau.

Các nhà Tân Học thì lại thử thách Huỳnh Phú Sổ bằng cách đặt những câu hỏi hóc búa liên quan đến kiến thức mới hay đến tình hình. Như Bác sĩ Trần Lũy ở Rạch Giá hỏi: "Ông có thể cho tôi biết quan niệm của ông về thuyết Darwinisme? ". Huỳnh Phú Sổ ung dung trả lời: "Phải ông muốn hỏi tôi về vấn đề ông Darwin cho rằng thỉ tổ của loài người là khỉ chăng?... Nếu quả thật khỉ là thỉ tổ của loài người thì từ mấy chục ngàn năm nay nó đã thành người hết rồi, trong rừng sẽ không còn con khỉ nào. Còn như nói người là biến thân của khỉ cũng như con ếch là biến thân của con nòng nọc, thì khi sanh ra loài người phải có đuôi như khỉ, đến lớn lên cái đuôi đó rụng như đuôi nòng nọc mới phải chớ". Chỉ học tới tiểu học (lớp năm) mà Huỳnh Phú Sổ bác thuyết tiến hóa của Darwin như thế thì cũng khá chính xác, hợp lý.

Chớ nếu hỏi "Darwinisme là gì với "các ông đạo" ở miền Tây thì các ổng chắc chắn sẽ... á khẩu. ông bác vật (thời đó kỹ sư ở miền Tây được gọi là bác vật) Nguyễn Văn Thời, gốc Rạch Giá hỏi: "Giáo chủ nói chuyện độc lập, vậy khi người Phái đi khỏi xứ này rồi, ai sẽ giúp ta thiết lập hệ thống đường xá cầu cống để phát triển kinh tế? Làm sao ta có đủ kỹ thuật, nhân tài, vật lực để làm những việc hệ trọng đó?". Huỳnh Phú Sổ trả lời: "Sau khi Thực Dân Pháp ra đi sẽ có các nước văn minh khác trên thế giới giúp Việt Nam giải quyết vấn đề đó". Thật là gọn, nhưng đây cũng là lời tiên tri.

Một trí thức tân học khác yêu cầu giải thích một cách khoa học về hiện tượng ông đọc được tư tưởng của người khác. Huỳnh Phú Sổ trả lời như sau: "Tôi là một cái máy thâu thanh nhạy và mạnh hơn máy thâu thanh của người thường. Những ý nghĩ trong trí ông thể hiện thành những làn sóng, người thường như cái máy thâu thanh yếu không thể bắt được những làn sóng đó, còn tôi nhờ có máy thâu thanh mạnh hơn nên bắt được làn sóng của ông. Có người kêu là lục thông, giác quan thứ sáu". Giải thích như thế là rất khoa học (tuy nhiên "lục thông" không phải là giác quan thứ sáu, có lẽ chỉ là một cách nói bình dân cho mọi người hiểu).

Có người lại hỏi một vấn đế khá tế nhị: "Tại sao đi đâu ông cũng ở nhà những người giàu có, chớ không thấy ở nhà kẻ nghèo hèn? ". Huỳnh Phú Sổ ung dung trả lời: "Nhà giàu như cái gò, nhà nghèo như cái hố. Tôi ở nhà giàu cũng là để ban cái gò xuống cho cái hố nhờ cậy".

Thật là tuyệt và đúng tinh thần xã hội Phật Giáo, khác hẳn với tinh thần của chủ nghĩa xã hội Mác Xít, nghĩa là không cưỡng bức, sắt máu, chỉ đánh thức từ tâm của họ để họ phát tâm từ bi cứu khổ, giúp nghèo. Quan niệm Phật giáo về giàu, nghèo là do ở nguồn gốc thiện nghiệp hay ác nghiệp trong quá khứ. Người giàu có là nhờ làm việc phước đức từ đời trước và ngày nay nếu họ giàu có hay có dư dã thì phải nên cúng dường, trao tặng cho người nghèo khó, giống những cành cây sai trái quá nặng, nếu không hái bớt thì sẽ dễ dàng bị gãy.

Còn "ban cái gò xuống cho cái hố nhờ cậy" cũng được Ông cụ thể hóa trong tuyên ngôn và chương trình của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đảng, tức là tiết chế tư bản và bảo vệ quyền lợi của tầng lớp lao động. Cách ứng xử của Ông rất linh động, uyển chuyển, chớ không hẳn là chỉ gần gủi giới giàu có: khi ông quận trưởng Tân Châu Nguyễn Văn Lễ đem xe hơi đến rước thì Huỳnh Phú Sổ đã từ chối và đi thuyền của một tín đồ dân thường, Ông nói: "Tôi đâu có thể thiên vị kẻ giàu mà phụ bạc kẻ nghèo". Nhân tiện Ông giảng đạo cho Ông Chủ Quận: "Song thân ông có tu nhơn tích đức nên nay ông mới được chức trọng quyền cao. Vậy ông nên lập công bồi đức nếu ông muốn hưởng phước được lâu dài". Lời khuyên này hoàn toàn phù hợp với quan niệm phước đức, nhân quả của Phật giáo.

 C/ Những năm tháng bị quản thúc, lưu đày

Số tín đồ và ảnh hưởng của Huỳnh Phú Sổ càng ngày càng gia tăng trong chưa đầy một năm kể từ ngày khai đạo và trở thành một phong trào tín ngưỡng mạnh mẽ, rộng lớn làm cho Thực Dân Pháp phải lo ngại.

Ngày 18/8/1940 nhân viên công lực tỉnh Châu đốc đến làng Hòa Hảo bắt buộc Huỳnh Phú Sổ phải lập tức theo họ về tòa hành chánh tỉnh Châu đốc, ông không kịp thay áo quần và khi ra đi chỉ kịp cầm theo tấm "giấy thuế thân" (Thời Pháp Thuộc mỗi người dân phải đóng một thứ thuế trên chính con người của mình để trở thành một người dân nô lệ "hợp pháp", gọi là "thuế thân", không đóng "thuế thân"sẽ bị đi ở tù). Tại đây sau vài giờ làm thủ tục, ông giao chuyển qua cho Cò mật thám (trưởng công an) Bazin của tỉnh Sa đéc (sau trở thành giám đốc sở Mật Thám Nam Kỳ). Tên này tra hỏi có phải ông là tác giả mấy quyển Sấm Giảng không? ông nhận là do chính ông viết. Bazin không tin một thanh niên vừa đúng 20 tuổi, học hành dang dở lại có thể sáng tác nổi nên hỏi: "Nếu thật ông viết thì ông thử viết cho tôi coi". Huỳnh Phú Sổ liền sáng tác và viết ngay bài thơ Sa đéc sau đây:

"Muốn lập đạo có câu thành bại,

Sự truân chuyên của Khách Thiền Môn.

Khắp sáu châu nức tiếng người đồn,

Ta Chịu Khổ, Khổ Cho Bá Tánh.

Tiếng Gọi Đời Sông Mê Hãy Lánh,

Chạm lợi quyền giàu có cạnh tranh.

Bước gai chông đường đủ sỏi sành,

Đành tách gót lìa quê hương dã.

Ta cũng chẳng lấy chi buồn bã,

Bởi sự thường của Bực Siêu Nhơn.

Dẫu gian lao dạ sắt chẳng sờn,

Miễn Sanh Chúng Thông Đường Giải Thoát".

Bài thơ này diễn tả tâm trạng, nguyện lực và nhân cách lớn của một đại Phật Tử, một bồ tát và phảng phất hình ảnh, không khí của các Thánh Tử đạo Phật Giáo, hay của Jesus Christ khi đang bị đóng đinh trên thập tự giá: "Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh", dù khi đó Ông chỉ mới 20 tuổi.

Nghe xong bài thơ này Bazin phải nhận Huỳnh Phú Sổ là một người xuất chúng, có tâm hồn tôn giáo nhiệt thành và tạm quản thúc ông ở nhà ông Phán đặng. Rồi chỉ hai tháng sau, ngày 23/5/1940, chuyển ông sang ở làng Nhơn Nghĩa, tỉnh Cần Thơ, quản thúc ở nhà ông Hương Võ Mậu Thạnh. Tại cả hai nơi này, quần chúng tìm đến đông đảo để nghe thuyết pháp và xin quy y nhập đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Cho nên chỉ hai tháng sau, ngày 28/7/1940, nhà cầm quyền Pháp đưa Huỳnh Phú Sổ vào bịnh viện Cần Thơ và sau đó chuyển lên nhà thương điên Chợ Quán Sài Gòn.

Cùng thời bên xứ Nga, Stalin cũng đã gán cho những người đối lập với ông ta là những người mắc bịnh tâm thần và đều quản thúc họ ở các nhà thương điên. Tại đây, chính người điều trị, quản thúc là y sĩ Trần Văn Tâm và cả người gác dan cũng quy y đạo Phật Giáo Hòa Hảo và tôn thờ Huỳnh Phú Sổ như một vị giáo chủ, đặc biệt y sĩ Trần Văn Tâm là một trí thức tân học có nghiên cứu Phật Giáo, ông đã bị Huỳnh Phú sổ chinh phục và quy y vì khâm phục kiến thức Phật Học uyên bác, sâu sắc và đạo đức của Huỳnh Phú Sổ.

Không những có tài trị bịnh và thuyết pháp, Huỳnh Phú Sổ còn có khả năng biết những việc xảy ra trong quá khứ, biết được tư tưởng của người khác, dù cách xa và tiên tri đúng những việc sẽ xảy ra trong tương lai.

Theo Trần Kim Thiện, con của y sĩ Trần Văn Tâm kể lại thì "Bà kế mẫu của mẹ tôi, sau này trở thành kế mẫu của ông Nguyễn Ngọc Thơ (Phó Tổng Thống đệ nhất Cộng Hòa) được Đức Thầy trị cho hết bịnh đau nhức xương trên lưng mà bà đi bao nhiêu bác sĩ trị không dứt, cho nên bà đến xin Đức Thầy cho bà "vài chai thuốc Phật" (tức là nước lã mà Đức Thầy đã cho bà uống mà dứt bịnh). Đức Thầy có trả lời rằng: "Thuốc Phật đâu mà bà xin nhiều đến vài chai? Sao bà không nhớ có lần người ta xin bà một chai nước mắm mà bà còn tiếc không cho, bây giờ lại xin tới vài chai thuốc Phật?". Bà kế mẫu nghe vậy kinh sợ vô cùng" vì chuyện này đã thật sự có xẩy ra khi bà còn ở với người chồng trước là ông Huyện Chơn ở Long Xuyên". Chuyện thứ nhì là chuyện của chính tôi... ba má tôi xuống chúc Tết Đức Thầy vì là đầu xuân. Đức Thầy có bảo má tôi nên trở về nhà vì có tôi về nhà ăn tết. Má tôi nghe lời Đức Thầy trở về nhà thì quả nhiên có tôi ở nhà. Tôi đi lính đóng ở Bắc Việt, xin phép về Sài Gòn ăn tết, nhưng có ý không cho gia đình hay, muốn dành cho ba mẹ tôi một điều bất ngờ thích thú... Tại sao Đức Thầy lại biết được dự định trong ý riêng của tôi trong khi tôi ở tuốt xa ngoài Bắc Việt?". (Thành Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc, t. 167- 203)

Hay theo lời kể của ông Trần Văn Soái, tự Năm Lửa, một thị giả của Huỳnh Giáo Chủ, thì có một lần nhân giũ mền gối của Đức Thầy, ông thấy một con rệp, ông liền giết chết, không ai hay biết. Nhưng đức Thầy vẫn biết và quở rằng: "Nó cắn tôi chứ đâu có cắn ông mà ông nở giết nó". Hôm sau cũng nhân giũ mền gối, ông Soái thấy một con rệp khác, ông liền lén bắt đem ra phơi nắng, thế nhưng Đức Thầy cũng biết là la ông. Sau đó ít hôm, ông cũng thấy một con rệp khác trên giường của Huỳnh Phú Sổ, lần nầy ông lén bỏ vào miệng nuốt luôn xuống bụng, không ai hay biết cả. Thế những lần này Đức Thầy cũng biết và cười bảo ông: "Hết giết bằng tay, bằng bỏ phơi nắng, bây giờ ông lại giết người ta bằng cách nuốt vào bụng". (Băng giảng Những Mẫu Chuyện Bên Thầy).

Ngoài ra, trong dịp đi khuyến nông, ông làm bài thơ có câu "Thần chết đã tràn vào Trung, Bắc" vào khoảng tháng 5 năm 1945 rồi nói với ông Lương Trọng Tường, thuở ấy là chánh thư ký Ban Trị Sự Trung Ương PGHH: "Bây giờ tôi viết Thần chết đã tràn vào Trung, Bắc mà ngày sau người ta sẽ đọc Thằng chệt đã tràn vào Trung, Bắc cho mà coi". Quả nhiên vài tháng sau, Nhật đầu hàng, theo hiệp ước Yalta của các cường quốc Đồng Minh thắng trận, Trung Hoa Dân Quốc cử tướng Lư Hán kéo quân Tàu (người bình dân trong Nam Bộ gọi là Chệt) vào chiếm đóng miền Trung và miền Bắc, từ vĩ tuyến 16 trở lên, và quân Anh chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở xuống. Vào tháng 5/45, ngay cả những lãnh tụ thế giới như thủ tướng Anh Churchill, tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt, tổng bí thư Cộng đảng Liên Sô Stalin, ký vào hiệp ước Yalta, là hiệp ước phân chia thế giới tập trung vào cục diện Âu Châu, thì họ có lẽ cũng không để ý có điều khoản liên quan đến Việt Nam.

Bằng tuệ giác nào mà Huỳnh Phú Sổ đã tiên tri quân Tàu sẽ vào Trung, Bắc?

Huỳnh Phú Sổ bị quản thúc ở nhà thương Chợ Quán cho đến ngày 5/6/1941. Sau đó ông bị giải qua bót Catinat thẩm vấn 8 ngày và rồi Thực Dân Pháp lưu đày ông đến tỉnh Bạc Liêu, một tỉnh miền Tây xa nhất Sài Gòn, giáp vịnh Xiêm La. Ở đây ông bị quản thúc ở nhà ông Võ Văn Giỏi và chịu sự quy định: không được trị bịnh, không được thuyết pháp và ngày thứ hai mỗi tuần phải đến trình diện tại ty công an.

Tuy nhiên việc di chuyển Ông đi ở nhiều tỉnh khác nhau đã là một cơ hội quý giá cho Ông truyền đạo, thu nhận thêm nhiều tín đồ và đưa Phật Giáo Hòa Hảo lan rộng khắp đồng bằng sông Cửu Long. Trong giai đoạn bị cưỡng bức dời cư, Ông đã viết những vần thơ tự tại:

"Càng đi càng biết nhiều nơi,

 Càng đem chân lý tuyệt vời phổ thông...

Hay là:

Ta cũng thương, thương trò liệu điệu,

Nhưng cũng mừng được dịp phổ thông...".

Ở bất cứ nơi nào bị lưu đày, Huỳnh Phú Sổ đều mở mang phát triển Phật Giáo Hòa Hảo và niềm tin tôn giáo mãnh liệt đã thắng những sự kềm kẹp, hạn chế của nhà cầm quyền. Nên cuối cùng Thực Dân Pháp dự định lưu đày Ông qua Ai Lao. Âm mưu này bị khám phá và một số tín đồ PGHH cùng với sự giúp đỡ của hiến binh Nhựt đã giải thoát ông và đưa Ông về Sài Gòn. Phòng Tình Báo Quân Sự Pháp viết như sau:

"Bạc Liêu đã trở thành nơi hành hương của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Họ tới thăm Thầy, khi về nhận chỉ thị miệng và sấm giảng, giấu diếm đem phổ biến khắp nơi. đó là những tài liệu, những thông điệp chống Pháp rõ rệt. Cho nên đầu năm 1942, nhà cầm quyền địa phương đề nghị đưa ông Huỳnh Phú Sổ trở về sinh quán. Nhưng Phủ Toàn Quyền quyết định đưa Ông đi đày ở Ai Lao. Chỉ vài ngày trước khi thi hành quyết định này, một số tín đồ PGHH với sự tiếp tay của hiến binh Nhật đã tổ chức giải cứu Ông đưa về Sài Gòn. Những nhân vật có dính líu trong vụ này gồm có Lương Trọng Tường, Bùi Văn Trung, Cả Vi, Hội Đồng Điều, trung sĩ hiến binh Nhựt Kimura và tài xế Trần Văn Sơn".

Chi tiết đầy đủ, chính xác hơn được ông Lâm Ngọc Thạch, con ông Lâm Thơ Cưu, người chủ mưu vụ này cho biết như sau: "Việc Pháp khủng bố Cao Đài, bắt Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đày đi Madagascar làm cho tín đồ PGHH lo ngại. Khoảng tháng 9 năm 1942 Đức Thầy nói riêng cho Biện Hùm biết Pháp có ý định đưa Ngài đi đày xa, ở ngoại quốc, giống như đã đày Hộ Pháp Cao Đài đi Madagascar. Biện Hùm về gặp cha tôi (Lâm Thơ Cưu) bàn tính kế hoạch đưa gấp Đức Thầy đi nơi khác... Cha tôi liền đến sở hiến binh Nhựt tại Sài gòn nhờ họ giúp... nhưng Kempeitai không cho mượn xe của sở hiến binh, họ tìm dùm chiếc xe hơi dân sự, giao viên thượng sĩ hiến binh Kishi cùng đi với cha tôi và tài xế Ba Xạ"...

Như thế thì rõ ràng việc giải cứu này lo do sáng kiến của tín đồ PGHH và họ chủ động thực hiện, Nhật chỉ giúp một phần nhỏ. Thái độ của Huỳnh Phú Sổ đối với Nhật rất minh bạch, đó là thái độ thân hữu mà vẫn giữ tư thế độc lập và đường lối, chủ trương của mình, vì bằng tuệ giác, Huỳnh Phú Sổ đã tiên tri chính xác rằng: "Nhựt Bổn ăn không hết nửa con gà". Năm Ất Dậu, 1945 tức năm gà và Nhật đã đầu hàng Đồng Minh ngày 6/8/1945 (Thành Nam, sđd, t. 167-223).

D/- Thời gian sống tại Sài Gòn và đi khuyến nông tại miền Tây

Từ tháng 10 năm 1942, sau khi thoát khỏi sự kềm tỏa của Pháp và tạm trú an bình ở Sài Gòn, với sự bảo vệ của Nhật, Huỳnh Phú Sổ và PGHH bắt đầu một giai đoạn hoạt động mới: phát triển, củng cố hàng ngũ tín đồ xây dựng hạ tầng cơ sở và cơ cấu điều hành, huấn luyện cán bộ, liên kết với giới trí thức yêu nước, chuẩn bị đấu tranh cứu quốc, một tổ chức quân sự, phong trào Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo, cũng được thành lập.

Chỉ trong ba năm ngắn ngủi, từ 1939 đến 1942, Huỳnh Phú Sổ đã có hàng trăm ngàn tín đồ và chỉ thêm ba năm sau đó, đến năm 1945, khi đất nước vỡ bùng trong những biến động chính trị lớn lao, thì Phật Giáo Hòa Hảo đã trở thành một tôn giáo có trên, dưới một triệu tín đồ, được đoàn ngũ hóa, có tổ chức, có kỷ luật, có lãnh đạo.

Trên thật tế, PGHH, chỉ với 6 năm lịch sử, và tuy chỉ giới hạn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đã mạnh hơn, và có những đóng góp lớn lao hơn cả toàn khối Phật Giáo cổ truyền có gần 2.000 năm lịch sử trong giai đoạn sôi động 1945-1947.

Năm 1945 nạn đói khủng khiếp đã xẩy ra ở miền Bắc đưa đến một thảm cảnh bi đát trong lịch sử cận đại VN: gần hai triệu người Việt bị chết đói.

Huỳnh Phú Sổ sáng tác bài Khuyến Nông và đi du thuyết tại 107 địa điểm ở các tỉnh miền Tây trong suốt hai tháng, từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1945, để kêu gọi nông dân tăng gia sản xuất hầu có dư thêm lúa gạo cứu trợ đồng bào miền Bắc.

Có nơi Ông nói chuyện trước 10.000 người, ít lắm cũng một, hai ngàn người và có ngày Ông diễn thuyết trước cả 5,6 chỗ khác nhau.

Đây là dịp Ông trở lại miền Tây và gặp lại tín đồ sau hai năm xa cách nên các tín đồ PGHH đã vô cùng vui mừng, tiếp đón vô cùng trang nghiêm, long trọng, họ dựng các khải hoàn môn, bày các hương án dọc hai bên đường để bày tỏ lòng tôn kính, các tín đồ nam phụ lão ấu đứng chờ cả buổi, cả ngày hai bên đường để mong được gặp vị Giáo Chủ đáng yêu đáng kính của họ.

Có người ghi nhận là Ông được đón tiếp "còn hơn cuộc tiếp rước quan Toàn Quyền đi kinh lý". Dịp này số tín đồ quy y, gia nhập PGHH gia tăng mạnh mẽ và một không khí yêu nước, yêu đồng bào, tích cực sản xuất và chuẩn bị hành động cứu quốc lan tràn sôi nổi khắp miền Tây. Tinh thần này đã tỏa ra sôi sục từ bài Khuyến Nông của Ông:

"Kẻ phu tá cũng là trọng trách,

Cứu giống nòi quét sạch non sông.

Một phen vác cuốc ra đồng,

Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai.

Mưa nắng ấy đâu nài thân xác,

Chí hy sinh dầu thác cũng cam."

Lời hịch khuyến nông này cũng là lời hịch kêu gọi tín đồ sẵn sàng đứng lên như ông Lê Minh Điều tự thuật: "Tôi là người làm ruộng ở Sa đéc và có tham gia phong trào Bảo An PGHH. Khi nghe được bài Khuyến Nông của đức Thầy, chúng tôi thảo luận với nhau và đồng ý rằng thời cuộc đã đến lúc xoay chuyển, cho nên đức Thầy mượn cơ hội khuyến nông để kêu gọi tín đồ hãy sẵn sàng để hy sinh cho đất nước". (TN, sđd, t 211).

Chẳng bao lâu sau, như dự kiến của Huỳnh Phú Sổ, Nhật Bản bị liên tiếp thảm bại, bị Hoa Kỳ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai phố Hiroshima và Nagasaki và đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15/8/1945. Một vận hội mới mở ra cho dân tộc Việt Nam. Huỳnh Phú Sổ, trong giai đoạn này, đã sáng tác một bài thơ tuyệt vời...

"Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha,

Đền xong nợ nước thù nhà.

Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô".

Ông Việt Nam còn hơn cả những người Việt Nam nhất, ông là Phật Giáo hơn cả những người Phật Giáo nhất. ông là một đại Phật Tử, đại thiền sư, đại bồ tát.

Qua ba câu thơ này, và qua cuộc đời ông, đã gói trọn, một cách viên mãn, đã kết tinh, một cách rực rỡ, đã hiển sinh, một cách chói lọi, truyền thống yêu nước, truyền thống hành động của Dân Tộc Việt Nam và của Phật Giáo Việt Nam.

Trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, dù chỉ mới 25 tuổi, Huỳnh Phú Sổ đã thành lập hay tham gia, và đóng góp ở vai trò lãnh đạo các tổ chức cách mạng yêu nước sau đây:

Năm 1945:

- Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội;

- Việt Nam Vận Động Độc Lập Hội;

- Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất;

- Đệ Tứ Sư Đoàn Dân Quân;

Năm 1946:

- Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp (Chủ Tịch);

- Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (Lãnh tụ và linh hồn);

Năm 1947:

- Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ (Ủy Viên Đặc Biệt);

- Mặt Trận Toàn Quốc.

Cuốn Thất Sơn Mầu Nhiệm đã trình bày khá chi tiết cuộc hành trình khuyến nông tại miền Tây của Huỳnh Phú Sổ:

"Khởi hành tại Sài Gòn nơi căn nhà số 38 đường Miche ngày 10-5- 1945, Đức Thầy và ông Lương Trọng Tường cùng vài đệ tử thân tín xuống Cần Thơ rồi qua Cái Răng, Sóc Trăng, Bãi Xào. Sau khi khuyến nông thuyết pháp, Đức Thầy đến Bạc Liêu khuyến nông và thuyết pháp tại đình Tân Hưng, thính giả đông nghẹt... Tỉnh trưởng, thẩm phán và nhiều nhà trí thức trong tỉnh lỵ có đến dự thính. Sau hai giờ chăm chú xem, nghe, mọi người đều thán phục tài hùng biện của Đức Thầy. Bữa sau, Đức Thầy đi khuyến nông tại Vĩnh Châu, chiều lại, Ngài thuyết pháp ở Sóc Đồn. Ngày kế đến, Đức Thầy đi ghe vô chùa Linh Quang Tự. Chính Đức Thầy đã đặt tên cho ngôi chùa này và có làm hai câu liễn như vầy:

a. Phật pháp khai thông, khổ hải trùng trùng tâm bất khiếp, trần duyên bế tắt, liên đài điệp điệp đạo vô cùng.

b. Phật pháp hoằng khia, chuẩn tế thương sinh đăng giác ngạn, trần tâm tịnh tận, siêu thăng cực lạc tọa liên đài.

Khi Đức Thầy vừa đến thì trong chùa nổi trống sấm, gióng đại hồng chung, và gõ mõ tiếp nghinh trọng thể. Thấy vậy, Đức Thầy hỏi ông giáo thọ có biết chuyện tích về chuông mõ chăng? Thấy ông lúng túng, Đức Thầy liền tiếp: "Thôi, để lát nữa Thầy sẽ nói cho mà nghe". Thế rồi trong khi thuyết pháp, Đức Thầy có nhắc lại chuyện tích cái chuông, cái chày kinh (có hình con cá kình) và cái mõ có chạm hình con cá ngạc... Trước khi rời khỏi Bạc Liêu, Đức Thầy có đi khuyến nông ở Hòa Bình, Giá Rai và Cà Mau...

Ngày 12 tháng 5 năm Ât Dậu, Đức Thầy từ giã Bạc Liêu đi qua Vị Thanh, Giồng Riềng... kinh xáng Cái Sắn... Tân Hội... rồi Ngài trở về Rạch Giá ở đó ngày 19 và 20. Bữa sau có na nô đưa Đức Thầy đi Sóc Xoài và Ba Hòn... Cũng tại Rạch Giá, Đức Thầy đã trả lời trôi chảy nhiều câu hỏi về tôn giáo, chánh trị và khoa học huyền bí do các bậc trí thức đưa ra, làm cho họ tấm tắc ngợi khen...

Từ giã Ba Hòn (Rạch Giá), Đức Thầy đi thẳng Hà Tiên, Châu Đốc... Đức Thầy đến thuyết pháp khuyến nông tại sân vận động. Buổi diễn thuyết hôm ấy có nhiều nhà trí thức đến dự thính, như: tỉnh trưởng Hồ Tấn Khoa, Đốc Công Trần Văn Dương, Y sĩ Phạm Văn Tiếc... Trưa lại, Đức Thầy đi Bình Di thuộc quận Châu Phú thượng bây giờ là quận An Phú đến tối mới về tới Châu Đốc.

Cũng trong dịp này, vài ông sãi ở Khánh An có nằm mộng thấy Phật về thôn họ. Nhưng khi đức Thầy đến nhằm lúc dùng cơm, mấy ông sãi vẫn tiếp tục bữa cơm và không đứng lên thi lễ. Đức Thầy mỉm cười nói với ông Hồ Văn Lang: "Người ta trông Phật, nhưng khi gặp, lại chẳng biết nhìn". Bữa sau, Đức Thầy đi Tịnh Biên. Bận về có ghé Tri Tôn, Thới Sơn và Nhà Bàng. Khi về tới núi Sam, Đức Thầy lại viếng mộ Phật Thầy. Hôm sau, cuộc khuyến nông thuyết pháp cử hành tại chợ Cái Dầu... Bữa sau, Đức Thầy qua Tân Châu khuyến nông tại sân vận động rồi đi thẳng Hồng Ngự khuyến thuyết... Chiều lại, Đức Thầy về tới Hòa Hảo ngày 26.6 Ât Dậu.

Đêm đó, anh em tín đồ tựu lại quá đông. Anh em ấy ngồi sắp hàng ngoài lộ, từ nhà Đức Ông lên tới chợ Mỹ Lương (Cái Tắc). Đức Thầy phải ra đường đi lên đi xuống, ngó qua ngó lại cho anh em thấy mặt Ngài nhờ ánh sáng của chiếc đèn măng sông do một người cầm theo. Sáng bữa sau (27.5), Đức Thầy lên diễn đài tại chợ Vàm (sân vận động)... chiều ngày 27 Đức Thầy thuyết pháp khuyến nông tại đình Hòa Hảo. Ngày 30.5 Đức Thầy đem lư hương từ Tổ Đình xuống chùa An Hòa Tự (Hòa Hảo). Ngày mùng 1 tháng 6, Đức Thầy qua Năng Gù. Ban Trị Sự PGHH tỉnh Long Xuyên đón Ngài tại đó và rước Ngài về Long Xuyên... Ngày 2.6, Đức Thầy đi Vĩnh Trạch và núi Sập. Ngày 3.6, Đức Thầy đi Chợ Mới, ngày 4.6, Ngài đi Mỹ Luông, ngày 5.6, Ngài đi Đốc Vàng (Tân Thạnh). Chiều lại, Ngài về Mỹ Hội Đông. Sáng bữa sau, Đức Thầy thuyết pháp tại sân vận động thôn Mỹ Hội Đông rồi về Long Xuyên. Bữa sau Đức Thầy đi Thốt Nốt rồi trở về Long Xuyên. Rồi 11 giờ tối ngày ấy, Đức Thầy đi luôn xuống Cần Thơ.

Diễn đài ở Cần Thơ là sân vận động của tỉnh thành. Không cần phải nói, chư độc giả cũng dư biết rằng số thính giả ở Tây Đô phải nhiều hơn các chỗ. Bữa sau, Đức Thầy đi Xà No thăm gia quyến ông Hương Bộ Thạnh rồi thuyết pháp ở Cái Tắc. Bữa sau nữa, Đức Thầy khuyến nông tại Phụng Hiệp và Cái Răng. Trong các ngày kế đó, Đức Thầy thuyết pháp tại Trà Mơn, Ô Môn, Cờ Đỏ. Có điều kỳ lạ là trong khi Đức Thầy khuyến nông tại Phụng Hiệp, trời chuyển mưa, mây đen kìn kịt rồi mưa tuôn xối xả ở tại chợ, cách đó chừng 100 thước. Nói tóm lại là chung quanh đều mưa to, duy có vùng Đức Thầy đang thuyết pháp không có mưa.

Sau Cần Thơ là đến lượt Sa Đéc, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Tam Bình, An Trường, Trà Vinh, Càng Long, Bến Tre tiếp rước Đức Thầy. Chính tại Sa Đéc, trong dịp đi khuyến nông này, Đức Thầy đã viết bài "Phụ Nữ Ca Diêu". Ngày 28-7-1945, Đức Thầy đến Vĩnh Long. Sáng bữa sau, Đức Thầy thuyết khuyến tại sân vận động tỉnh thành. Trưa lại, anh em Thanh Niên Tiền Phong và anh em tín đồ ở các thôn tụ họp lại để mong Đức Thầy thuyết nữa. Lúc đó, gương mặt Đức Thầy thật là khả ái. Toàn thể thính giả đều quỳ để nghe, trong lúc trời lâm râm rớt hột..." (trang 247-257).

Có thể nói, cho đến năm 1945, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chưa có một nhân vật Phật giáo nào vừa đi thuyết pháp, vừa đi khuyến nông, ở một quy mô lớn lao và được tiếp đón trang nghiêm, long trọng như thế. Chỉ có thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, tức đại thiền sư Trúc Lâm của thế kỷ 14, trong thời kỳ vàng son nhất cửa PGVN, may ra mới có những cuộc viễn du thuyết pháp qua các làng mạc, tỉnh thành và được nghênh đón như cách cảm động như thế. Sau này, trong thập niên 60 của thế kỷ 20 này, thiền sư Trí Quang và các vị danh tăng khác được đông đảo quần chúng Phật tử đón tiếp một cách kính cẩn, cuồng nhiệt còn hơn thế nữa. Tuy nhiên các vị này đã xuất hiện trong một không khí và thời cuộc Phật giáo đã chuyển mình thức dậy, sau 500 năm ngủ say, tiếng thở như sấm và suy đồi tận gốc.

Tác giả Thất Sơn Mầu Nhiệm kết thúc đoạn viết về chuyến khuyến nông và hoằng pháp bằng bài thơ sau đây của Huỳnh Phú Sổ: 'Trên đường về Sài Gòn, ngồi trong xe với Đức Thầy có thi sĩ Việt Châu mà Ngài vừa mới thâu phục tại Sa Đéc... Đức Thầy bảo ông Việt Châu thử làm một bài thơ tả cảnh ngồi trong xe trên đường về Sài Gòn. Thấy ông ta nặn óc mãi mà chẳng ra thơ, Đức Thầy liền ứng khẩu ngâm bài thơ dưới đây".

Đây là một trong những bài thơ hay nhất, tuyệt tác và độc đáo, trong đó là một đoạn tóm lược đại nguyện bồ tác của tác giả:

"Tăng Sĩ Quyết; Chùa, Am Bế Cửa,

Tuốt Gươm Vàng Lên Ngựa Xông Pha.

Đền Xong Nợ Nước Thù Nhà,

Thiền Môn Trở Gót Phật đà Nam Mô.

Chừng ấy mới tịnh vô nhứt vật,

Bụi hồng trần dứt sạch cửa Không.

Chuông linh ngân tiếng đại đồng,

Ta bà thế giới sắc không một màu.

Sài Gòn đến trống lầu đã trở,

Đề huề nhau cửa mở xuống xe.

Khuyến nông chấm dứt mùa hè..."

Chỉ một tháng sau đó, Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, Huỳnh Phú Sổ tuốt gươm vàng xông pha giữa trời quê hương rực cháy trong khởi nghĩa và chiến tranh.

 E/- Quê hương bừng dậy trong cách mạng và kháng chiến

Trong năm 1945 nhiều biến cố quan trọng đã xẩy ra và đưa toàn dân VN một cơ hội giành lại độc lập sau 80 năm bị Thực Dân pháp thống trị. Ngày 9/9/1945 Nhật đảo chánh lật đổ chính quyền Pháp ở Đông Dương và đặt sự cai trị lên trên ba nước Việt, Miên, Lào. Lực lượng Thực Dân Pháp, trong thế yếu, bằng lòng đặt dưới sự điều động của quân đội Nhật. ngày 12/3/1945 vua Bảo Đại ra tuyên cáo hủy bỏ tất cả hiệp ước bất bình đẳng mà nhà cầm quyền VN đã ký với Pháp ngày 6/6/1862 và ngày 15/8/1884. Ngày 18/3/1945 một cuộc biểu tình lớn, quỵ 50.000 người tham gia gồm tất cả đảng phái. Ngày 17/4/1945 chính phủ Trần Trọng Kim ra đời với khẩu hiệu "Dân Vi Quý". Tháng 5/1945 nạn đói khủng khiếp hoành hành miền Bắc, hàng triệu người chết đói, nguyên do quân đội Nhật bắt dân phá đồng ruộng, trồng cây kỹ nghệ phục vụ chiến tranh, thay vì trồng lúa, và một phần khác do tình trạng chiến tranh, máy bay Đồng Minh dội bom phá hủy cầu cống nên gạo trong Nam không chở ra Bắc được. Ngày 12/6/1956 Thanh Niên Tiền Phong, một tổ chức thanh niên yêu nước, ra mắt đồng bào và biểu tình tại Sài Gòn. Đệ Nhị Thế Chiến đi vào giai đoạn kết thúc, ngày 6 và ngày 8 tháng tám, Hoa Kỳ thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Ngày 14/8/1945 Huỳnh Phú Sổ cùng những lãnh tụ quốc gia tại Sài Gòn như Hồ Văn Ngà, Trần Văn Ấn, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Thạch... đã thành công liên kết tất cả đảng phái và thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất. Một ngày sau, Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngày 21/8/1945 Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất tổ chức một cuộc biểu tình vĩ đại với trên 200.000 người tham dự, nhưng những người lãnh đạo đã không tuyên bố Việt Nam độc lập và cũng không cướp chính quyền.

Một ngày sau, ngày 22/8/1945 Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội sau một cuộc biểu tình trước nhà hát lớn Hà Nội, cuộc biểu tình này không do Việt Minh đứng tổ chức, họ chỉ xuất hiện vào phút cuối, căng một số biểu ngữ và hướng cuộc biểu tình tiến chiếm dinh Khâm Sai. Chỉ một ngày sau, ngày 23/8/1945 vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và trao quyền lãnh đạo cho Việt Minh. Ngày 24/8/1945 Tổng Bộ Việt Minh phái vào Nam Hoàng Quốc Việt (tức Hà Bá Cang) và Cao Hồng Lãnh. Lúc bấy giờ, ảnh hưởng Việt Minh, cũng như ảnh hưởng của đảng Cộng Sản Đông Dương, hầu như không có gì đáng kể tại miền Nam. Ngày 25/8/1945 vua Bảo Đại trao quyền và trao ấn, kiếm của Nhà Nguyễn cho đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu.

Việt Minh, tức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, là một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản Đông Dương, do đảng này trực tiếp thành lập và chủ động lãnh đạo. Quyết định vội vàng này đã để lại những hậu quả tai hại nghiêm trọng cho dân tộc Việt Nam suốt trong nửa phần còn lại của thế kỷ 20 này: nó vô tình tiếp tay, một phần không nhỏ, trong việc tàn sát những người yêu nước trong giai đoạn tranh quyền xẩy ra ngay sau đó, làm cuộc tranh đấu giành độc lập của nhân dân Việt Nam thêm khó khăn và tốn rất nhiều xương máu, đưa đến sự chia cắt đất nước, chiến tranh khốc liệt, cả đất nước bị tàn phá và dân tộc bị phân hóa cùng cực. Đáng lý ra, trong giai đoạn này và trước sự kiện chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, vua Bảo Đại nên tuyên bố Việt Nam là một nước Quân Chủ Lập Hiến, do vua đứng đầu làm biểu tượng và đất nước được cai trị bởi một hiến pháp. Vua chỉ định người đứng đầu Việt Minh là Hồ Chí Minh thành lập chính phủ như đã chỉ định Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Và đây phải là chính phủ đại đoàn kết dân tộc và chỉ có tính cách lâm thời. đồng thời chỉ định một ủy ban soạn thảo hiến pháp và xúc tiến việc bầu cử thành lập một quốc hội. Chính đảng nào có đa số tại quốc hội sẽ được quyền thành lập chính phủ, lạnh đạo hành pháp.

Hoặc giải pháp cấp tiến hơn là vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam là một nước Cộng Hòa và vua là quốc trưởng và quốc trưởng bổ nhiệm Hồ Chí Minh làm thủ tướng thành lập chính phủ. (Đây cũng chính là đề nghị Ông Hồ Chí Minh đưa ra cho Ông Bảo Đại khi Ông bị những khó khăn đối ngoại và đối nội tràn ngập).

Việc vua Bảo Đại từ chức thoái vị, giải tán chính phủ đương nhiệm và giải tán luôn cả triều đại của mình, trao toàn quyền cho Hồ Chí Minh, và Việt minh, trên thực tế là trao toàn quyền chính thống cho Đảng Cộng Sản Đông Dương, một "chi bộ" của Cộng Sản Quốc Tế, là nhân vật và tổ chức mà chính vua Bảo Đại và toàn dân Việt Nam chưa biết rõ, thì đó là một thái độ thiếu chính trị và thiếu trách nhiệm. đúng như Lenin đã nói: "nhiệt tình cộng với dốt nát bằng phá hoại". Không kể những hậu quả tai hại không lường sau đó, kết quả tại hại trực tiếp mà mọi người đềm cảm thấy là Việt Minh đã tàn sát không gớm tay tất cả những người yêu nước có uy tín khác, bất chấp nhu cầu đại đoàn kết dân tộc, bất chấp khát vọng ưu tiên của nhân dân Việt Nam là tự do, độc lập, thống nhất quốc gia và thống nhất lòng người. Huỳnh Phú Sổ, một nhật vật yêu nước, có uy tín lớn lao tại miền Nam lúc đó, đã cùng với nhiều người yêu nước không Cộng Sản khác, đã trở thành nạn nhân của Cộng Sản Đệ Tam.

Ngày 25/8/1945 Việt Minh tại miền Nam tổ chức một cuộc biểu tình và cướp chính quyền tại Sài Gòn bằng cách tuyên bố danh sách Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ gồm 8 ủy viên trong đó Cộng Sản là 5 người và Trần Văn Giàu tự phong làm chủ tịch Ủy Ban. Ngày 2/9/1945 Hà Nội và Sài Gòn đều biểu tình, Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập và ra mắt đồng bào tại hội trường Ba Đình. Ngày 7/9/1945 các đảng phái quốc gia và Cộng Sản Đệ Tứ phản đối đả đảo Lâm Ủy Hành Chánh, Trần Văn Giàu, Cộng Sản Đệ Tam, nhượng bộ, mở rộng thành phần và Phạm Văn Bạch được bầu làm chủ tịch Ủy Ban.

Ngày hôm sau, ngày 8/9/1945 một biến cố quan trọng xẩy ra tại miền Tây: Phật Giáo Hòa Hảo biểu tình tại Cần Thơ và đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị VN, đã có một cuộc biểu tình chống độc tài, cũng có nghĩa là chống chính sách độc tôn của Cộng Sản. Đây là lần đầu tiên tại VN, việc chống độc tài và cổ võ dân chủ được công khai bày tỏ với sự tham dự của quần chúng. Cuộc vận động cho tự do dân chủ tại Việt Nam hiện nay, và có lẽ sẽ kéo dài qua thế kỷ 21 sắp tới, được bắt đầu từ ngày hôm đó tại Cần Thơ, ngày 8/9/1945. Và biến cố này đã được thai nghén từ chủ trương xây dựng dân chủ, chống độc tài dưới mọi hình thức của Huỳnh Phú Sổ.

Sau cuộc biểu tình chống Thực Dân, chống độc tài quy tụ khoảng 20.000 người, những người cầm đầu là Huỳnh Thạnh Mậu, em ruột của Huỳnh Phú Sổ, Trần Văn Hoành, trưởng nam ông Trần Văn Soái, Nguyễn Xuân Thiếp, đại diện PGHH được phái ra Hà Nội tiếp xúc với Tổng Bộ Việt Minh, bị gán cho tội "âm mưu cướp chính quyền và chiếm tỉnh Cần Thơ" và đều bị bắt giam và bị đưa ra xử tử hình tại vận động trường Cần Thơ ngày 7/10/1945, dù rằng cuộc biểu tình ngày ban tổ chức đã thông báo và có xin phép, và được Ủy Ban Hành Chánh Tỉnh cho phép biểu tình. Ngoài ra, sau vụ này, hàng ngàn tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bị Việt Minh giam cầm và tàn sát.

Ngày 9/9/1945 Việt Minh bao vây trụ sở Phật Giáo Hòa Hảo ở số 8 đường Sohier, gốc đường Miche để bắt Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ nhưng không bắt được. Sau biến cố này, ông phải cải trang, trốn tránh và lưu lạc ra vùng hẻo lánh ở ngoại ô và các tỉnh lân cận. Ngày 13/9/ công an Việt Minh tìm bắt các lãnh tụ quốc gia gần gủi với Huỳnh Phú Sổ như Vũ Tam Anh, Hồ Văn Ngà, Trần Quang Vinh, Lương Trọng Tường và lãnh tụ Đảng Lập Hiến Bùi Quang Chiêu.

Ngày 13/9 quân đội Anh do tướng Douglas Gracey chỉ huy đổ bộ xuống Sài Gòn giải giới quân Nhật từ vĩ tuyết 16 trở xuống. Ngày 15/9 quân đội Trung Hoa Dân Quốc do tướng Lư Hán chỉ huy kéo xuống Hà Nội giải giới quân đội Nhật từ vĩ tuyết 16 trở lên. Cả Anh và Trung Hoa Dân Quốc đều không thừa nhận chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 16/9 quân Pháp đổ bộ Sài Gòn. Tướng Gracey phóng thích và võ trang các phạm nhân Pháp. Ngày 23/9 quân Pháp tấn công và chiếm đóng các cơ sở hành chánh tại Sài Gòn.

Ngày 24/9 bốn sư đoàn dân quân cách mạng nhất tề đứng dậy chống Pháp. Cuộc Kháng Chiến Nam Bộ bắt đầu. Các lực lượng Việt Minh rút chạy, chỉ có các lực lượng dân tộc liều chết chống quân Pháp. Ngày 27/9 một số lãnh tụ dân tộc nhóm họp ở Chợ Lớn thành lập Chánh Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Quốc để tổ chức kháng chiến. Ngày 28/9 đại tá Pháp Cedille đề nghị ngưng chiến, nên sau một ngày thương thuyết, hai bên Việt-Pháp đồng ý hưu chiến kể từ ngày 1/10. Nhân dịp hưu chiến, bộ máy công an Việt Minh đã bao vây bắt giữ tất cả các lãnh tụ quốc gia như Hồ Văn Ngà, Dương Văn Giáo, Huỳnh Văn Phương, Trần Quang Vinh, Bùi Quang Chiêu, có người bị sát hại ngay, đặc biết là Việt Minh đã bắt giữ và tán sát gần một trăm nhân vật Cộng Sản Đệ Tứ, tất cả đều bị chôn sống ở sông Lòng Sông, trong đó có những nhân vật tên tuổi, đã có thành tích đấu tranh chống Pháp như Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch... Ngoài ra, ông Tạ Thu Thâu, 39 tuổi, lãnh tụ nhiều uy tín, tài ba, đức độ, can trường của Cộng Sản Đệ Tứ khuynh hướng Trotsky, và một nhà ái quốc tên tuổi, suốt đời hy sinh chống Pháp, đã từng bị Thực Dân tù đày, tra tấn đến tàn phế thân thể, cũng đã bị những người Cộng Sản Đệ Tam, khuynh hướng Stalin, sát hại, thủ tiêu tại cánh đồng Dương Liễu trên bờ biển Mỹ Khê vào tháng 9/1945. điều đáng nói là chính Trần Văn Giàu đã hạ lịnh thủ tiêu Tạ Thu Thâu, dù Thâu là thầy dạy học của Giàu, đã tận tình giúp đỡ Giàu còn du học bên Pháp và coi Giàu như nghĩa đệ. Hay Hồ Văn Ngà, lãnh tụ đảng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập, cũng như hầu hết mọi người yêu nước đương thời, tuyên bố "sẵn sàng phục vụ bất cứ ai có tài cứu quốc", đã cùng các lãnh tụ quốc gia khác như Trần Văn Ấn, Nguyễn Văn Sâm thành lập Ủy Ban Phong Tỏa đô Thành Sài Gòn-Chợ Lớn để ngăn cản bước tiến quân của Thực Dân Pháp, và Ủy Ban làm việc khác hữu hiệu, trong khi các cán bộ lãnh đạo Việt Minh đã bỏ chạy, thế nhưng ông nửa đêm bị công an Việt Minh tới bắt đem đi mất tích, sau đó ông bị đâm chết ở Kim Quy Đá Bạc (Rạch Giá) thi hài thả trôi dưới sông.

Trong thời gian này, hàng ngàn nhân vật quốc gia, các đảng viên đảng phải quốc gia và nhiều tăng sĩ Phật Giáo, chức sắc Cao Đài, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cũng đều bị Việt Minh sát hại dưói nhiều hình thức rất dã man. Không những Việt Minh sát hại những lãnh tụ quốc gia, không đồng chính kiến với Cộng Sản, mà còn giết hại nhiều người yêu nước và vô tội khác để giành độc quyền lãnh đạo và gieo rắc sự khủng bố, sợ hãi trong dân chúng.

Tại Sài Gòn cũng như tại Hà Nội, Việt Minh đã hòa hoản với Thực Dân Pháp, với quân anh, với quân Trung Hoa để rảnh tay tiêu diệt những người yêu nước đang kháng chiến chống Pháp. Dưới các chiêu bài "tố cáo bọn phản quốc", "truy lùng Việt Gian", Việt Minh, tức Cộng Sản, đã tàn sát rất nhiều người yêu nước. Phong trào truy lùng, xử án, thảm sát "Việt Gian" này khởi đầu ở miền Nam sau lan ra khắp nơi. Ai bị gán tội Việt gian thì khó thoát chết và thường đều bị giết dưới hình thức chặt đầu, chặt làm ba khúc, mỗ bụng, chôn sống...

Thời đó chính quyền kháng chiến ở trong tay Việt Minh nên họ the hồ chụp mũ gán ghép cho những người đối lập, bất đồng chính kiến hay cả nhữngngười đang kháng chiến trong hàng ngũ Việt Minh nhưng có uy tín trong quần chúng cái mũ "Việt Gian", "Phản động" để dễ dàng sát hại và bôi đen, triệt hạ uy tín các nạn nhân của họ. Trong khi các lực lượng kháng chiến yêu nước do những người không Cộng Sản lãnh đạo liều chết chống quân xâm lăng, thì người đứng đầu Cộng Sản tại Sài Gòn lúc đó là Trần Văn Giàu tập trung lực lượng Việt Minh đi giết hại những người yêu nước và sau đó trốn chạy qua tuốc bên Thái Lan và theo hồi ký của Trịnh Hưng Ngẫu thì: Trần Văn Giàu, chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ (của Việt Minh), chạy thoát sang Bangkok và gặp tôi ngày 13/6/1946. Trần Văn Giàu thú nhận rằng chính hắn ra lịnh thủ tiêu gần 2.500 cán bộ quốc gia trong mấy tháng nắm chính quyền". (Thành Nam, trang 364).

Những sự giết hại tàn bạo, quy mô này của những phần tử sắt máu cầm đầu Việt Minh (tức Cộng Sản Đệ Tam, do Hồ Chí Minh lãnh đạo) chưa từng có trong lịch sử chính trị Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang đứng trong giai đoạn sinh tử, dầu sôi lửa bỏng, đã tạo nên một bước ngoặc bi thảm trong lịch sử, trong chính trị và trong sinh mệnh dân tộc: dân tộc bị một ý hệ cuồng tín, một chính đảng sắt máu nắm quyền lãnh đạo, chặt nát, phân đôi quốc dân, gây nội chiến, hận thù, phân hóa cùng cực trong lòng dân tộc với những hậu quả tai hại khủng khiếp không thể lường được, tai hại hơn sự thống trị 80 năm của Thực Dân Pháp. Đảng Cộng Sản Việt Nam phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc thảm sát trong năm 1945, 1946, 1947 và những thảm họa mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu trong suốt 50 năm qua.

Tài liệu mới đây của lãnh tụ công đoàn Nguyễn Hộ cũng thú nhận Cộng Sản đã sát hại rất nhiều chức sắc, tín đồ Cao Đài trong thời gian này. Hay tài liệu gần nhất đây của Hòa Thượng Quảng Độ cũng tố cáo những người Cộng Sản cuồng sát "ngay sau ngày Cách mạng thành công, ngày 19/8/1945, sư phụ tôi là hòa thượng Thích đức Hải, trụ trì chùa Linh Quang, tỉnh Hà Đông, bị Cộng Sản giết hồi 10 giờ sáng vì bị gán cho tội "Việt gian bán nước", sư bá của tôi là hòa thượng Thích Đại Hải trụ trì chùa Pháp Vân, tức chùa Dâu, thuộc tỉnh Bắc Ninh, đã bị Cộng Sản bắt vào năm 1946, sau đó đã chết... " Không những thế sư tổ của H.T. Quảng Độ là hòa thượng Thích Thanh Quyết, trụ trì chùa Trà Lung Trung, tỉnh Nam Định, cũng bị bức tử chết trong vụ đấu tố ruộng đất hồi năm 1954. Chỉ riêng sự phụ, sư bá, sư tổ của H.T. Quảng Độ mà đều bị giết hại hết thì khắp cả nước, trong suốt thời gian từ 1945 đến nay, nghĩa là từ khi Cộng Sản nắm quyền, biết bao nhiêu tăng sĩ và cư sĩ Phật tử đã bị Cộng Sản sát hại?

Có thể nói trong giai đoạn này, cũng như trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Phật giáo đã bị tàn sát, bức hại một cách quy mô và vô cùng rộng lớn. Trong khi Thiên Chúa giáo được tập trung thành từng vùng, tuy cô lập nhưng đông đảo, đồng nhất, dễ dàng tự bảo vệ, nên ít bị bắn giết, đàn áp. Trong khi Phật giáo trãi rộng khắp trong nước và thường có những nhân vật, hoặc tăng sĩ hoặc cư sĩ, là những người có uy tín nhất trong địa phương và thường tham gia, ủng hộ các đoàn thể dân tộc chống Pháp đương thời nên rất dễ bị Việt Minh chụp mũ là Việt gian, phản động để giết hại. Một vị cao tăng như Hòa Thượng Thích Đại Hải, trụ trì một tổ đình lâu đời và lớn vào bậc nhất trong nước, là chùa Dâu, mà còn bị Việt Minh giam cầm, bức tử, vì Ngài đã tham gia, hổ trợ cho Việt Nam Quốc Dân Đảng, thì những nhân vật Phật giáo yêu nước khác, ít tên tuổi hơn, lại càng dễ bị thủ tiêu, sát hại.

Riêng Phật Giáo Hòa Hảo thì chỉ trong năm 1945, sau vụ biểu tình chống độc tài ngày 8/9 ở Cần Thơ, trên dưới 10.000 cán bộ và tín đồ đã bị sát hại. Nếu kể luôn cả thời kỳ tàn sát quy mô, sau khi Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ bị ám hại, thì con số tín đồ PGHH bị Việt Minh Cộng Sản giết có thể lên đến trên 25.000 người. Điều lạ lùng là trong khi một tôn giáo cộng tác chặt chẽ và làm tay sai trung thành cho Thực Dân suốt 80 năm, là Thiên Chúa Giáo, thì lại không bị thiệt hai bao nhiêu trong thời kỳ này, khi Thực Dân bị lật đổ và chưa kịp phục hồi sự thống trị của chúng. Trong khi đó những tôn giáo thuần túy dân tộc, yêu nước chân thành và tích cực đóng góp cho việc kháng chiến cứu quốc, từ Phật Giáo, Cao Đài, đến Phật Giáo Hòa Hảo, thì lại bị bắn giết, thủ tiêu hàng loạt và vô cùng tàn nhẫn. Bởi chính những người nhân dân tộc tộc, kháng chiến, giải phóng, cứu quốc, cách mạng, dân chủ mới...

Ngày 4/10/1945 tướng Pháp Leclerc đến Sài Gòn với một quân lực hùng hậu và tuyên bố tái lập trật tự trên toàn Nam Kỳ trong vòng ba tháng và sau khi chiếm tất cả các nơi, cuối cùng, ngày 4/2/1946, quân Pháp chiếm tỉnh lỵ Cà Mâu, tỉnh cực Nam của miền Nam. Trước cuộc tái xâm lăng của Thực Dân Pháp, những người Cộng Sản đứng đầu Lâm Ủy Hành Chánh, được cải tổ thành Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ do Việt Minh lãnh đạo, theo nguyên tắc, đã cướp được chính quyền trên toàn miền Nam, đã bỏ chạy tứ tán, kẻ chạy tuốt ra miền Bắc như Dương Bạch Mai, Huỳnh Thiện Nghệ, kẻ chủ chốt là Trần Văn Giàu chạy tuốt qua Thái Lan. Trong khi đó các lực lượng không Cộng Sản liều chết chống quân giặc. Trước sự tan rã thảm hại của Việt Minh (Nguyễn Thành Phương) vào Nam xây dựng kháng chiến Nam Bộ theo đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Đông Dương.

 F/- Dấn thân hoạt động cách mạng kháng chiến cứu quốc

Cuộc đại tàn sát năm 1945 và việc ký kết Hiệp định Sơ Bộ ngày 6/3/1946 giữa Hồ Chí Minh và Pháp, cho phép quân Pháp đổ bộ lên miền Bắc làm cho giới kháng chiến quốc gia phải xét lại toàn bộ vấn đề và họ quyết định phải phối hợp hành động và nắm lấy thế chủ động, không để cho Cộng Sản Đệ Tam thao túng kháng chiến. Bởi vậy, Vũ Tam Anh, tư lịnh đệ nhị sư đoàn dân quốc cách mạng, đã triệu tập một hội nghị chịnh trị - quân sự bao gồm tất cả các lực lượng đang kháng chiến chống Pháp tại miền Nam, kể cả Việt Minh.

Hội nghị này đã quy tụ đại diện các tôn giáo, đặc biệt Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, của Việt Nam Quốc Dân đảng, Tổng Công Đoàn và Kỳ Bộ Việt Minh, Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, Đảng Huỳnh Long và đại diện tất cả các lực lượng võ trang kể cả các lực lượng võ trang của Việt Minh (Vệ Quốc Đoàn), Bình Xuyên, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài. Huỳnh Phú Sổ đã có vai trò quan trọng trong hội nghị này và uy tín ông, dù khi đó chỉ 26 tuổi, bao trùm tất cả, nên sau ba ngày thảo luận sôi nổi, các đại biểu đã quyết định thành lập một tổ chức chung tên là Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp với mục tiêu đoàn kết toàn dân chống Pháp và bầu Hoành Anh, bí danh của Huỳnh Phú Sổ, giáo chủ PGHH, làm chủ tịch mặt trận. Các thành  phần lãnh đạo mặt trận và bộ phận võ trang của nó, là Ủy Ban Quân Sự Tối Cao, phản ứng đúng thực trạng kháng chiến lúc đó tại Nam Bộ: đại đa số là không Cộng Sản, Cộng Sản đệ Tam chỉ là thiểu số.

Tuy là Giáo Chủ một tôn giáo và chủ tịnh của Mặt Trận, nhưng Huỳnh Phú Sổ, trong giai đoạn kháng chiến gian nan này, đã sống chung với các dân quân, cùng họ xông pha lằn tên mũi đạn. Một hôm ngủ với các chiến sĩ của Trung Đoàn 25, sáng dậy có một thanh niên thấy chân mình đang gát lên bụng của Ông, anh ta vội rút chân chửa thẹn: "Thưa Giáo Chủ, đêm qua tôi mơ thấy có đám mây nhỏ dám che khuất mặt trời", Ông cười đáp: "Có sao. Đó là sự tuần hoàn của tạo hóa". (TN, t 383-397).

Mặt khác, tuy em ruột của Huỳnh Phú Sổ và nhiều đệ tử, tín đồ ruột thịt bị Việt Minh sát hại, nhưng vì đại nghĩa, vì việc kháng chiến chống ngoại xâm, Ông bỏ qua, không thù oán gì Việt Minh mà còn đem hết lòng thành ra hợp tác, trong tinh thần xóa bỏ hận thù, đoàn kết toàn dân chống giặc, Ông đã nhận lời, ngày 14/11/1946, tham gia Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ (do Việt Minh và Cộng Sản Đệ Tam lãnh đạo) với chức vụ Ủy Viên Đặc Biệt (Ủy Viên Quân Sự của Ủy Ban này là trung tướng Nguyễn Bình). Tham gia Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến, ở cương vị khiếm tốn là ủy viên đặc biệt, là một hy sinh vì đại nghĩa chống Pháp, vì lý tưởng hòa giải, đoàn kết dân tộc và nói lên tinh thần từ bi hỹ xã, không hận thù, không coi ai là kẻ thù của Ông, cũng như thể hiện lập trường bất di bất dịch của Phật giáo là mong ước mọi người Việt Nam, không phân biệt chủ nghĩa, chính kiến, tôn giáo, địa phương, giai cấp, quá khứ, cùng sống chung hòa bình với nhau, cùng nắm tay nhau để cứu nước dựng nước. Huỳnh Phú Sổ tuyên bố về sự tham chính này như sau:

- Để tỏ cho quốc dân và chánh phủ Việt Minh thấy rõ ông chủ trương thống nhất lãnh thổ và độc lập quốc gia;

- Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc hầu mau đem lại thắng lợi cuối cùng;

- Để tỏ cho các đảng phái thấy rằng ông không khi nào có những tham vọng cao sang vương bá hay vì hiềm riêng mà hờ hững với phận sự cứu quốc. (Dật Sĩ & Nguyễn Văn Hầu, sđd, t 272).

Ngày 21 tháng 9 năm 1946, Huỳnh Phú Sổ và một số trí thức khuynh hướng dân tộc, dân chủ, công bố việc thành lập chính đảng mang tên Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, gọi tắt là Dân Xã Đảng. Ông chính là linh hồn, lành lãnh tụ tối cao của chính đảng cách mạng này. Và Ông đã truyền một thông điệp sau đây cho toàn thể tín đồ PGHH:

"1/ Việt Minh tranh đấu chánh trị, nếu Thầy đem đạo (PGHH) ra tranh đấu thì không thích hợp. Vì đạo lo tu hành chơn chất. Nên Thầy phải tổ chức đảng chánh trị, mới thích ứng nhu cầu tình thế nước nhà;

2/ Các nhà ái quốc chơn chánh trong nước mặc dầu nhận Thầy là một nhà ái quốc, nhưng không hề cùng hiệp chung với Thầy dưới danh Nghĩa PGHH để lo việc quốc gia, bởi lẽ anh em ấy không tu hành như mình, hoặc giả đã có đạo rồi thì không thể bỏ đạo quy y PGHH. Vì vậy Thầy phải tổ chức chánh đảng để anh em ấy có điều kiện tham gia. Họ chỉ phải giữ kỷ luật của đảng mà thôi, còn tôn giáo thì riêng ai nấy giữ;

3/ Vậy tất cả tín đồ anh em, nếu thấy mình còn nặng nợ với Non Sông Tổ Quốc, thương nước thương dân, hãy tham gia đảng VNDCXHĐ mà tranh đấu. Đây là phương tiện để anh em hành xử Tứ Ân". (Thành Nam, sđd, t 405).

Thật là rõ ràng minh bạch. Và chỉ thông điệp ngắn ngủi này của Giáo Chủ PGHH Huỳnh Phú Sổ trong tức thời Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng đã có hàng vạn đảng viên: hầu hết tìn đồ PGHH đều đáp ứng lời kêu gọi này và gia nhập "Đảng của Đức Thầy". Tuy hầu như tất cả đảng viên là tín đồ PGHH, nhưng đặc biệt hơn nữa, là Huỳnh Phú Sổ đã mời những nhà ái quốc, những nhà trí thức dân tộc không phải là tín đồ PGHH tham gia trong vai trò lãnh đão đảng như các ông Nguyễn Bảo Toàn, Trần Văn Ấn, Nguyễn Văn Sâm, Lê Văn Thu...

Khi tín đồ lo ngại việc đem giao trọn quyền lãnh đạo đảng cho các nhân sĩ ngoài đạo, Huỳnh Phú Sổ giải thích: "Phàm đã hợp tác thì nên thành thật. đã tín nhiệm thì phải giao phó nhiệm vụ, đặt để đúng chỗ, xứng với tài năng. Việc cứu nước là việc mình nên ủng hộ người ta làm, chớ đừng tỵ hiềm, tranh giành địa vị mà hư việc lớn. Mình nên thực tâm đem khối quần chúng hùng hậu của PGHH mà ủng hộ các chiến sĩ cách mạng tranh đấu cho đất nước" (Thành Nam, sđd, t 417).

Thật là một cái nhìn sáng suốt, cao cả của một nhân cách lớn và một nhà ái quốc lớn. Các tăng sĩ Phật Giáo dính dự vào chính trị trong thập niên 60, 70 sau này đã thiếu cái sáng suốt, cao cả này, cái nhân cách lớn và tấm lòng yêu nước vĩ đại này.

Đặc điểm khác nữa là ngay từ giữa thập niên 40, Huỳnh PHú Sổ và VNDCXHđ đã khẳng định trong Tuyên Ngôn lập đảng rằng: "VNDCXHĐ là một đảng Dân Chủ, chủ trương thiệt thi triệt để nguyên tắc chánh trị của chỉa nghĩa dân chủ: Chủ quyền ở nơi toàn thể nhân dân. đã chủ trương toàn dân chánh trị nên đảng chống độc tài bất cứ dưới hình thức nào. VNDCXHđ là một đảng cách mạng xã hội..." (Tuyên Ngôn 21/9/1946).

Vì chủ trương dân chủ, chống độc tài nên số phận của VNDCXHđ và những người lãnh đạo thật là thảm khốc khi đất nước bị những chế độc độc tài thống trị: Người sáng lập và linh hồn là Huỳnh Phú Sổ cùng các ủy viên trung ương Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Tâm đều bị Việt Minh và Việt gian ám hại và tổng bí thư Nguyễn Bảo Toàn bị chế độ Ngô Đình Diệm thủ tiêu bằng cách bắt bỏ vào bao bố, siết cổ bằng giây thừng và ném xác xuống sông Nhà Bè và vị tư lịnh Quân lực Hòa Hảo, tướng Lê Quang Vinh bị chế độ độc tài Diệm-Nhu xử tử hình và đem xác dấu mất biệt, không cho thân nhân chôn cất thờ cúng.

Sau 1975, hai vị Tổng Bí thư VNDCXHĐ là Trình Quốc Khánh và Phan Bá Cầm đều chết trong lao tù Cộng Sản và hàng ngàn, hàng vạn các bộ, chiến sĩ Dân Xã hết bị Tây giết, lại bị Cộng Sản giết, sau đó lại bị Cần Lao Thiên Chúa Giáo giết. Thật là một sự hy sinh tột cùng, vô bờ bến mà Huỳnh Phú Sổ và các đệ tử, tín đồ, cán bộ, đảng viên và chiến hữu của Ông đã dâng hiến cho Tổ Quốc Việt Nam suốt 50 năm qua. Đây mới thật là Tứ Ấn, đây mới thật là hạnh nguyện Bồ Tát, mới thật là đại thiền sư, đại Phật tử...

Lúc đầu Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp với hai nhân vật đầu não là chủ tịch Hoàng Anh (Huỳnh Phú Sổ) và ủy viên tuyên huấn Lê Trung Nghĩa đã mạo hiểm về đặt cơ sở lãnh đạo tại Chợ Lớn, trong vòng kiểm soát của Thực Dân. ở đây ông giả trang làm một người Hoa kiều. Một thiếu nữ đã tỏ tình yêu Ông và Ông đã làm một bài thơ tình tuyệt diệu để cảnh tỉnh giai nhân, đây là một giao thoại lý thú giữa Giáo chủ, Lãnh Tụ và giai nhân. Nhan đề của bài thơ là Tình Yêu, và có rất nhiều chữ yêu, chữ tình, nhưng đây là tình yêu của bồ tát, của bậc siêu phàm và giai nhân là một chúng sanh đang được khai ngộ, cứu độ khỏi bể tình hạn hẹp, đau khổ để vươn tới biển tình nhân loại bao la, cao đẹp. Có lẽ đây là bài thơ về tình yêu tuyệt vời nhất trong lịch sử thi ca thế giới:

"Ta có tình yêu rất đượm nồng,

Yêu đời, yêu lẫn cả non sông.

Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,

Không thể yêu riêng khách má hồng.

Nếu khách má hồng muốn được yêu,

Thì trong tâm trí hãy xoay chiều.

Hướng về phụng sự cho nhơn loại,

Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.

Ta đã đa mang một khối tình,

Dường như thệ hải với sơn minh.

Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh."

Huỳnh Phú Sổ

Những tháng cuối năm 1946, Ông di chuyển về Hậu Giang và gởi Ông Nguyễn Bảo Toàn sang Trung Hoa và Hồng Kông, tiếp xúc với các đảng phái quốc gia, từ đó đưa đến việc hình thành Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Toàn Quốc ngày 27/2/1947 tại Nam Ninh với Nguyễn Hải Thần (Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội) làm chủ tịch, Nguyễn Tường Tam, (Việt Nam Quốc Dân Đảng, nguyên là bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ liên hiệp) ủy viên ngoại giao. Tổng thư ký là Nguyễn Bảo Toàn thuộc Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng và đại diện cho Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài. Nguyễn Văn Sâm, thuộc Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, là đại diện trong nước. (TN, sđd, t 407-423).

Đây là lần đầu tiên các tổ chức do Huỳnh Phú Sổ thành lập đã có những sinh hoạt vượt ra ngoài Việt Nam để đi ra hải ngoại, trước đó, vào đầu năm 1945, Ông cũng đã gởi một đại diện tháp tùng xứ bộ Nam Kỳ của Việt Minh để đi dự hội nghị Tân Trào của Mặt Trận Việt Minh. Chính Mặt Trận Toàn Quốc này đã là lực lượng nồng cốt đưa đến việc hình thành giải pháp Bảo Đại, làm tiền đề cho một "Miền Nam Quốc Gia" về sau.

Tuy nhiên, khi đó, tất cả những nhà cách mạng dân tộc đã góp máu xương cho sự hình thành một Miền Nam Tự Do thì đều đã bị sát hại và kẻ thừa hưởng sự hy sinh của bao chiến sĩ quốc gia lại là những người không đổ xương máu gì cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đó là tập đoàn Ngô Đình Diệm. Không những thế, sau khi nắm quyền nhờ dựa vào ngoại bang, họ còn tàn sát khốc liệt những nhà ái quốc còn sống sót đã hy sinh tất cả cho đại cuộc kháng chiến chống Thực Dân và đấu tranh chống độc tài Cộng Sản, Vũ Tam Anh, tư lịnh đệ tam sư đoàn và tổng thư ký Mặt Trận Thống Nhứt Quốc Gia, Nguyễn Bảo Toàn, tổng bí thư Dân Xã Đảng đều bị chế độ Diệm-Nhu thủ tiêu, sát hại là những bằng chứng của tội ác tiêu diệt các lãnh tụ quốc gia của chế độ "quốc gia" giả hiệu và chế độ độc tài phát xít chính cống này.

Đầu năm 1947, Huỳnh Phú Sổ và các chiến hữu của ông tiến hành việc tái bố trí các lực lượng quân sự kháng chiến chống Pháp bao gồm các đơn vị võ trang của Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Đại Việt, Bình Xuyên, theo "chiến thuật liên khu miền Tây", nhằm chiếm Đồng Tháp Mười nhưng đã bị Thực Dân Pháp oanh kích liên tục bằng máy bay và trên bộ bị các đơn vị quân sự của Việt Minh phục kích đánh phá, nên chỉ có các lực lượng thuộc Phật Giáo Hòa Hảo và Đại Việt rút được về Đồng Tháp Mười (TN, sđd, ch 10).

 G/ Những ngày hoạt động cuối cùng của Huỳnh Phú Sổ

Tại miền Tây, sự xung đột giữa Việt Minh và Phật Giáo Hòa Hảo gia tăng, tạo một không khí căng thẳng, nghiêm trọng trong hàng ngũ những người chống Pháp, nên Huỳnh Phú Sổ đã đồng ý tham dự một phiên họp hòa giải với đại diện Việt Minh tại Tân Phú, đồng Tháp Mười và đêm 16/4/1947. Tại đây Ông bị Việt Minh ám hại. Toàn bộ kế hoạch giành thế chủ động kháng chiến miền Nam cho các lực lượng dân tộc bị gãy đổ và từ đó, tại đồng bằng miền Nam cũng như trên khắp toàn quốc Việt Minh độc quyền lãnh đạo kháng chiến chống Thực Dân Pháp. Và cũng từ đó trên chính trường Việt Nam, chỉ còn hai thế lực đối đầu: Cộng Sản và toàn khối dân tộc kháng chiến chống ngoại xâm đối đầu với Thực Dân Pháp và những thế lục tay sai. Các phần tử kháng chiến không Cộng Sản bị kẹp cứng và bị nghiền nát trong một cạm bẫy lịch sự khắc nghiệt, đau đớn: ở ngoài bưng kháng chiến thì bị Cộng Sản ám hại, về thành thì bị coi như đầu hàng giặc Pháp.

Vì thất bại không chủ động lãnh đạo kháng chiến nên các lực lượng dân tộc bị gạt ra ngoài dòng vận hành chính của lịch sử. Lịch sử từ đó trở đi chỉ còn là sự thư hùng của hai thế lực Cộng Sản bản xứ do Cộng Sản Quốc Tế chỉ đạo và chống Cộng do các phần tử tay sai ngoại bang lãnh đạo. đa số nhân dân không có con đường nào khác hơn là ủng hộ, tham gia kháng chiến chống ngoại xâm theo truyền thống anh hùng của dân tộc.

Kết cục là dân tộc và Việt Minh đã thắng, đất nước bị chia đôi do cục diện chiến tranh lạnh và sự can thiệp của các cường quốc. Cộng Sản thống trị miền Bắc, từ 1954, một cách chuyên chính và sắt máu. Tại miền Nam, Pháp thua trận ra đi, Hoa Kỳ thay thế và đưa Ngô Đình Diệm về cai trị bằng một chế độ độc tài phát xít gia đình trị và Thiên Chúa Giáo trị.

Quốc dân Việt Nam và các lực lượng dân tộc, dân chủ bị nghiền nát thành tro bụi giữa hai chế độ phi dân tộc và phản dân chủ.

Huỳnh Phú Sổ và biết bao nhà ái quốc vĩ đại khác đã ra đi không trở lại và nhân dân Việt Nam bị đánh đắm và chết đuối giữa đại dương độc tài, chiến tranh, nô lệ, chậm tiến và hận thù, phân hóa cùng cực... Hãy khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu...

Cuốn Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc của ông Thành Nam cho biết một bối cảnh rộng lớn hơn và những nguyên nhân sâu xa hơn đưa đến việc Huỳnh Phú Sổ bị ám hại, đó là việc toàn thể các lực lượng kháng chiến không Cộng Sản tại miền Nam, được kết hợp trong Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp, mà chủ tịch, hay người lãnh đạo tối cao, là Hoàng Anh, tức Huỳnh Phú Sổ, quyết định kháng chiến độc lập, ngoài sự lãnh đạo của Việt Minh và muốn đoạt thế chủ động kháng chiến tại miền Hậu Giang, bằng chiến lược rút lực lượng quân sự về miền Tây, tức chiến khu 8 đồng Tháp và chiến khu 9 U Minh, tạm bỏ chiến khu 7 cho tướng Nguyễn Bình của Việt Minh tung hoành. Ngoài ra trên mặt chính trị và ngoại giao, kết hợp với các lãnh tụ đảng phái quốc gia tại miền Bắc, đã bị Việt Minh đánh bật ra khỏi Hà Nội và đang lưu vong ở Trung Hoa, thành một mặt trận rộng lớn hơn là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Toàn Quốc. Đây là nổ lực đe dọa sự độc quyền lãnh đạo kháng chiến của Việt Minh và đương nhiên là đảng Cộng Sản, chính đảng lãnh đạo Việt Minh, với quan niệm chính trị theo kiểu Stalin, tất nhiên đã có kế hoạch để ngăn chận và phá hoại ý đồ này. Cho nên việc ám hại Huỳnh Phú Sổ, một ủy viên của Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ, tức chính quyền Việt Minh tại miền Nam, không hẳn là quyết định tùy hứng của một cấp tỉnh ủy viên, mà có lẽ xuất phát từ giới lãnh đạo cao cấp của Việt Minh. Số phận Huỳnh Phú Sổ đã gắn liền với sinh mệnh của phong trào kháng chiến thuần túy ái quốc và dân tộc tại miền Nam. Tác giả Thành Nam đã đánh giá đúng tình hình khi viết: "Nhưng đại sự đã bị ngừng trệ và mục tiêu chiến lược nói trên của các tổ chức đấu tranh quốc gia miền Nam đã không thực hiện được nữa. Biến cố xẩy ra đêm 16/4/1947 đã làm thay đổi tất cả: Việt Minh Cộng Sản ám hại vị lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo trong một phiên họp tại địa điểm Tân Phú, đồng Tháp Mười. Toàn bộ kế hoạch tiến chiếm giành thế chủ động, mà một số chiến sĩ quốc gia đương thời hay gọi là "chiến thuật liên khu miền Tây" tiếp theo là biến cố 16/4/1947 kể trên, đã đưa cuộc diện miền Nam vào một khúc quanh quan trọng, tạo thay đổi lớn lao từ đó về sau"(trang 395).

Những nổ lực của Huỳnh Phú Sổ và các lực lượng kháng chiến dân tộc đã không thay đổi được tình thế, là Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản, đã nắm được chính nghĩa kháng chiến, đã giành được chính quyền trên toàn quốc, từ Nam chí Bắc ngay từ mùa thu năm 1945. đã quy tụ được đại đa số những người yêu nước, đã nhận được sự hổ trợ, hy sinh vô tận của nhân dân và lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhưng những nổ lực ám hại Huỳnh Phú Sổ và những nhân vật ái quốc tên tuổi khác của những người lãnh đạo Việt Minh cũng đã không thay đổi được tình thế, là Việt Nam bị phân làm hai, đất nước bị chia cắt, và phải mất 15 năm núi xương sông máu với năm triệu người chết và những hy sinh, tốn thất lớn lao, vô bờ bến, không thể tưởng tượng nổi của cả dân tộc, để tái lập sự thống nhất. Sự ra di của những nhà ái quốc chân chính, như Huỳnh Phú Sổ, chỉ có lợi cho những kẻ yêu nước giả dối và những nhà "quốc gia" giả mạo. Sự bất khoan dung của những người Cộng Sản giáo điều và tình hình lưỡng cực của thế giới sau đệ nhị thế chiến đã đưa đến việc thành lập một chính quyền không Cộng Sản tại miền Nam với những thành phần lãnh đạo là những con cờ của ngoại bang. Năm 1954, 1955 nếu Huỳnh Phú Sổ vẫn còn thì cục diện Việt Nam sẽ đi về đâu?

Cuốn "Thất Sơn Mầu Nhiệm"của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu cho biết những chi tiết về việc Huỳnh Phú Sổ bị ám hại như sau: "Vì trong bưng địch quân (quân Pháp) đốt phá nên vào lúc 9 giờ tối ngày 23/3/1947 Đức Thầy chuẩn bị cuộc di binh khởi hành tại Vàm Vè. Đến 6 giờ sáng bữa sau, đoàn binh đến thôn Thủy Đông. Chiều bữa đó, đoàn binh di chuyển đến thôn Thuận Nghĩa Hòa (chiến khu 8) vào lúc 9 giờ tối. Lúc đó chi đội 4 và 25 của Bình Xuyên đóng tại Sông Soài và Vịnh Sao. Đức Thầy ở gần Bộ đội Lưu động số 2 đóng tại Cái Cỏ. Ngày 5/4/1947 vào lúc 2 giờ chiều, Đức Thầy đi từ giã anh em trong Chi đội 4 và 25. đến 5 giờ chiều Đức Thầy di binh về miền Tây. Vào lúc 1 giờ khuya đêm đó, Đức Thầy đến trạm gác của Chi đội 18 (Việt Minh). Đến 6 giờ sáng, đoàn binh đã Gãy (kinh Gãy). Vào lúc 8 giờ sáng, Đức Thầy đến chợ Tháp Mười, 1 giờ trưa Ngài đến chợ Cái bào, 2 giờ chiều đến Ba Sao, 5 giờ chiều đến vàm kinh Phong Mỹ, 3 giờ rưỡi khuya đến ngọ Ba Răng... Để cứu vãn tình thế, Đức Thầy đã từ giả chiến khu 7 (Miền Đông) trở về chiến khu 9 (Miền Tây) vì Ban Hòa Giải (sự xung đột giữa Việt Minh và PGHH) gồm có ông Hoàng Du Khương (Việt Minh) Linh Mục Nguyễn Bá Luật (Công Giáo) ông Mai Văn Dậu (PGHH) đã trở thành vô hiệu.

Đức Thầy đặt văn phòng gần ngọc rạch Ba Răng, thôn Phú Thành (Long Xuyên), tại nhà Ông Bí Thơ (Dân Xã Đảng) Ban Chấp Hành thôn ấy, nghĩa là kế cận Chi Đội 30 Vệ Quốc Đoàn Việt Nam do Ông Nguyễn Giác Ngộ chỉ huy và Bộ Đội Lưu Động số 2 so ông Trần Văn Soái chỉ huy.

Cách mấy bữa sau, Đức Thầy có được thư mời dự hội nghị của Trần Văn Nguyên, đặc phái viên kiêm thanh tra chính trị miền Tây Nam Bộ. Đức Thầy nhận lời. Thế là ngày 15/4/1947 lối 7 giờ sáng, đức Thầy xuống ghe đi với ba người chèo, bốn cận vệ quân, ông đại đội trưởng đại đội 2 chi đội 30 và ông Huỳnh Hữu Thiện (thư ký văn phòng Đức Thầy). Kể luôn Đức Thầy thì trong ghe có tất cả 10 người, võ trang 4 mi tray dết, 3 súng lục.

Lối 8 giờ sáng, ghé tới chợ Ba Răng, Trần Văn Nguyên xuống bến chợ đón rước Đức Thầy. Mười lăm phút sau, Đức Thầy đứng lên diễn thuyết tại chở này. Trước một số thính giả khá đông, Ngài kêu gọi hai bên Việt Minh và Dân Xã nên gát bỏ thù hiềm cá nhân để chung lo vận mạng của nước nhà. Trần Văn Nguyên đứng lên nối lời Đức Thầy và cũng kêu gọi đoàn kết.

 Bữa ấy, Đức Thầy dùng cơm trưa với Trần Văn Nguyên trong một căn phố gần đó. Lối 12 giờ trưa, Trần Văn Nguyên và một người thư ký xuống ghe đi chung với Đức Thầy đến văn phòng ủy ban hành chánh tỉnh Long Xuyên đóng tại ngọc rạch Đốc Vàng Hạ (thôn Tân Phú).

Tại đây, Đức thầy và Trần Văn Nguyên có thảo ra nhiều tờ hiệu triệu kêu gọi hai bên đừng xô xát nhau và bố cáo cho dân chúng biết rằng hiện giờ các vị chỉ huy cao cấp hai bên đang bắt tay nhau lo việc hòa giải. Sau khi dùng cơm chiều tại đây xong, Đức Thầy xuống ghe lại nhà một tín đồ ở gần đó chừng 300 thước để nghỉ.

Bữa sau, nghĩa là ngày 16/4/1947, lối 7 giờ sáng, Đức Thầy trở lại chỗ cũ hội đàm với Trần Văn Nguyên và giàn xếp nhiều vụ xung đột. Ông Ngô Trung Hưng, đại đội trưởng đại đội 2.30 và một nhân vật của Trần Văn Nguyên được phái đi các thôn trong tỉnh Long Xuyên để hòa giải đôi bên.

Sau khi dùng cơm trưa tại đây xong, Đức Thầy xuống ghe nghỉ. Ông Huỳnh Hữu Thiện vẫn còn ở trên văn phòng với Trần Văn Nguyên. Vào khoảng 12 giờ trưa, đại đội 66 chi đội 22 do Bửu Vinh (ủy viên quân sự Việt Minh tại Long Xuyên) chỉ huy kéo binh kích xung quanh văn phòng và trao cho ông Thiện một bức thơ gởi Đức Thầy, yêu cầu Ngài cho yết kiến. Xem thơ xong, Đức Thầy bước lên văn phòng (ở trọn trong vùng binh của Bửu Vinh). Bốn tự vệ quân của Đức Thầy cầm súng đứng bốn góc văn phòng.

Khi hầu chuyện với Đức Thầy, Bửu Vinh có cử chỉ rõ rệt cừu thị. Mãi đến 3 giờ chiều, Bửu Vinh đưa ra một bản phúc trình báo cáo rằng ở Lấp Vò, Vàm Cống (Long Xuyên), Dân Xã giết Việt Minh nhiều lắm nên y yêu cầu Đức Thầy đến tận nơi giàn xếp, Đức Thầy trả lời: "để rồi tôi sẽ phái người đến đó". Bửu Vinh nhứt quyết buộc Đức Thầy phải đi.

Đến đây cuộc bàn cãi trở nên sôi nổi. Mặc dù biết mình đang ở trong vòng vây, Đức Thầy cũng không tỏ vẻ khiếp đảm. Trái lại, Ngài biện luận hùng hồn làm cho đối phương nhiều phen im lặng.

Sau rốt, Bửu Vinh cũng nhứt định yêu cầu Đức Thầy phải đi. Thấy thế, Đức Thầy ưng thuận đi nhưng với điều kiện là Bửu Vinh phải cùng đi với Đức Thầy. Bưu Vinh từ khước và trả lời: "Nếu một nhân viên cao cấp của chánh phủ đi với những người trong đoàn thể Hòa Hảo thì cần phải có bộ đội Vệ Quốc đoàn võ trang theo ủng hộ".

Đức Thầy trả lời với giọng đanh thép: "Nếu quý ông nói vậy, tại sao tôi có một ít người, không bộ đội ủng hộ mà dám đi vào sào huyệt của quý ông? Như thế là quý ông không thành thật".

Bửu Vinh trả lời không được nên chịu đi và mời Đức Thầy tới văn phòng của y rồi sẽ đi luôn thể. Đức Thầy hứa chịu. Bửu Vinh rút binh ra đóng căn cứ phía ngoài vàm.

Liền khi đó, Trần Văn Nguyên trao cho Đức Thầy một mảnh giấy và nói rằng: "Tôi vừa tiếp được tin điện của Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ gởi xuống mời Ông và tôi lập tức trở về miền đông dự phiên họp bất thường". Sau khi xem, Đức Thầy nói: "Tôi không thể trở về miền đông dự phiên nhóm này vì cần phải ở lại đây giải quyết cho ổn thỏa những vụ xung đột". Trần Văn Nguyên cho biết y phải đi 6 giờ chiều ngày đó mới kịp thì giờ.

Trời sẫm tối, Trần Văn Nguyên từ giã Đức Thầy.

Y lời hẹn, Đức Thầy xuống he ra văn phòng Bửu Vinh, có một liên lạc của Ủy Ban Hành Chánh dẫn đường.

Trời tối như mực. đi một đỗi xa xa bỗng trên bờ có tiếng la: "Ghe ai đó? Tại sao giờ này đã thiết quân luật mà còn dám đi?".

- "Đi ra văn phòng ông Bửu Vinh" người liên lạc trả lời.

- "Ghe ghé lại". Một tiếng khác tiếp theo.

Đèn chóa rọi xuống ghe và có người ra lịnh trình giấy tờ. Ông Thiện lật đật chạy lên cho coi giấy. Thì ra người hỏi đó là Bửu Vinh. Y hỏi ông Thiện: "Ông Ủy Viên đặc Biệt có dưới ghe không?".

- "Có" Đức Thầy ở dưới ghe vội vã trả lời.

Bửu Vinh mời Đức Thầy lên văn phòng. Ngài liền đi với bốn tự vệ quân.

Văn phòng này đặt trong một ngôi nhà ngói. Đức Thầy ngồi bàn giữa tiếp chuyện với Bửu Vinh, còn bốn tự vệ quân thì cầm súng đứng hai bên cửa, cách Đức Thầy một thước tây.

Mười phút sau, lối 7 giờ rưỡi tối, bọn Việt Minh ở ngoài đi vô 8 người chia ra cặp nách bốn tự vệ quân của Đức Thầy và đâm chết ba người. Người thứ tư, anh Phan Văn Tỷ, tức Mười Tỷ nhờ võ giỏi và trí lanh nên thoát khỏi, chạy ra ngoài có bắn một loạt mi tray dết.

Lúc anh Mười Tỷ né khỏi mũi dao găm của một trong hai chiến sĩ Việt Minh cặp nách anh thì người chiến sĩ kia bị đồng chí của mình đâm trúng té quị. Vừa lúc đó thì Đức Thầy, từ trước đến giờ vẫn bình tĩnh, lẹ làng thổi tắt đèn. Trong văn phòng tối thui, không ai biết Đức Thầy đi đâu cả.

Tiếng súng nổ dữ dội... ông Thiện nhảy xuống rạch tẩu thoát. Ba anh chèo ghe chạy trước về báo tin cho các tướng lãnh hay.

Tiếng tù và nổi lên liên hồi, làm chấn động một gốc trời Tây. đoàn dân quân cương quyết đi báo thù. Nhưng vào lúc 12 giờ khuya, một người tín đồ PGHH ở gần chỗ xẩy ra cuộc bạo hành, chạy ngựa mang đến Phú Thành một bức thơ chính của đức Thầy trao tận tay ông ta.

Bức thư ấy như vầy:

"Ông Trần Văn soái và ông Nguyễn Giác Ngộ.

Tôi vừa hội hiệp với Ông Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xẩy ra, tôi và Ông Bửu Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân, còn điều tra, trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay là mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động.

Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân tại chỗ.

Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi sẽ về sau.

Phải triệt để tuân lịnh.

Ngày 16/4/1947, 9 giờ đêm.

(có ký tên)

Vì bởi có lịnh của Đức Thầy nên anh em sĩ binh Dân Xã cùng Ban Chỉ Huy các bộ đội phải triệt để tuân lịnh.

Thế là từ ngày 16/4/1947 đến nay không ai biết Đức Thầy lưu trú phương nào". (trang 275-181).

(ở đây có bức thư, thủ bút của đức thầy trang 100)

Những chi tiết khá đầy đủ, chính xác như trên đặt ra một số vấn đề.

- Thứ nhất, về chuyện "Hòa Hảo giết Việt Minh". Khi đó, trước khi Huỳnh Phú Sổ bị ám hại, cũng như từ cuộc tổng khởi nghĩa vào mùa thu năm 1945, chính quyền trên toàn quốc rơi vào tay của Việt Minh và từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1947, chính quyền Việt Minh đã có đủ thì giờ để xây dựng lực lượng công an, bộ đội và guồng máy công quyền, tuy chưa đầy đủ, hùng mạnh nhưng đủ để triệt hạ các thành phần khác và làm chủ tình thế. Việc em ruột của Huỳnh Phú Sổ và các nhân vật lãnh đạo khác của PGHH bị xử tử công khai vào cuối năm 1945 tại sân vận động Cần Thơ, sau cuộc buổi tình chống Việt Minh vào tháng 8 cùng năm, là một bằng chứng. Nên chính quyền Việt Minh giết hại các thành phần bất đồng chính kiến khác thì có, và có bằng chứng rất nhiều, chớ có ai, lực lượng nào dám và có đủ lực lượng để đối đầu với Việt Minh? Nên sự cáo buộc trên không hẳn đúng sự thật.

Trong một cuộc hội nghị vào cuối năm 1946, giáo sư Phạm Thiều, biệt hiệu Trường Phong, ủy viên tuyên huấn Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ (Việt Minh) có chỉ trích hành vi của tín đồ Hòa Hảo ở miền Hậu Giang, Đức Thầy trả lời: "Đứng về mặt tôn giáo, tôi lấy đức hiếu sinh của nhà Phật làm tiêu chuẩn, song tôi đã ra làm chánh trị thì những sự xô xát thương tâm do bên Việt Minh gây ra, tín đồ PGHH chỉ đứng về phương diện tự vệ mà thôi". Sự giải thích này đúng sự thật hơn (nhưng những gì xẩy ra sau khi Huỳnh Phú Sổ bị ám hại và một phần lực lượng quân sự-chính trị PGHH ra cộng tác với Pháp để chống lại Việt Minh thì đó là chuyện khác và việc này vượt quá thẩm quyền của Huỳnh Phú Sổ, cũng như những vấn đề liên hệ đến PGHH sau khi Huỳnh Phú Sổ ra đi không được đề cập đến trong quyển sách này.

Việc khác, việc hàng ngàn chiến sĩ PGHH đã mù quáng tuân lịnh đức Thầy án binh bất động trong đêm 16/4/1947 đã chứng minh đây là một đoàn thể có kỹ luật cao độ. Huỳnh Phú Sổ đã kêu gọi hòa giải, xóa bỏ hận thù để cùng nhau đoàn kết kháng chiến chống thực dân Pháp, lời kêu gọi này chắc chắn được tín đồ của ông triệt để tuân lịnh. Những sự xung đột đẫm máu giữa PGHH và Việt Minh sau này thuộc về trách nhiệm của những người ám hại Huỳnh Phú Sổ, chớ không phải thuộc về trách nhiệm của người đã bị ám hại trong bóng tối bởi những kẻ tiểu nhân.

Thứ hai, lá thư ở trên có phải thật là của Huỳnh Phú Sổ hay không? Nếu là thật, thì ông ông đã viết tự ý hay viết khi bị bắt và bị cưỡng bức? Nếu không có lá thư này thì việc thường tình, hiển nhiên ai cũng biết sẽ xẩy ra là hằng ngàn chiến sĩ PGHH sẽ kéo đến bao vây và trả đủa Bửu Vinh, khi đó trong tay chỉ có khoảng một trăm người.

Từ một số dữ kiện trên, ta có thể đưa ra một số giả thuyết là:

- Huỳnh Phú Sổ đã bị Bửu Vinh ám hại ngay trong đêm 16/4/1947, sau đó Bửu Vinh giả chữ viết và chữ ký của Huỳnh Phú Sổ để viết lá thư trên rồi giao cho một tín đồ PGHH (đã quy thuận Việt Minh) cầm lá thư này trao cho các Ông Trần Văn Soái và Nguyễn Giác Ngộ và nói dối rằng chính Đức Thầy đã đưa lá thư này cho anh ta. Bửu Vinh đã sắp đặt 8 người để ám hại các cận vệ của Huỳnh Phú Sổ, thì việc kiếm một người viết chữ khéo, giả chữ viết của Huỳnh Phú Sổ và kiếm một tín đồ PGHH để đưa thư, là hai việc Bửu Vinh có thể làm không khó khăn gì.

- Một giả thuyết khác là Huỳnh Phú Sổ thoát chết lúc bị ám sát, vào lúc 7 giờ 30 tối 16/4/1947. Nhưng sao đó Ông đã bị bắt và bị bắt buộc hay bị thuyết phục viết lá thư trên. Dù là người tu hành chân chính, có tinh thần từ bi hỷ xã cao độ nhưng trước âm mưu sát nhân của Bửu Vinh, đã làm ba tín đồ của Ông bị giết trước mắt Ông và bản thân Ông suýt chết thì không cách gì Ông có thể tự viết về Bửu Vinh, kẻ sát nhân trực tiếp, một cách vô tư, như người ngoài cuộc, hay còn như là nạn nhân giống như chính Ông (tôi và ông Bửu Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân, còn điều tra.).

Kẻ bàng quan cũng biết Bửu Vinh đạo diễn cuộc mưu sát chính trị này, do tự ý anh ta chủ mưu hay do mệnh lệnh của những nhân vật Việt Minh cao cấp hơn.

Chính đó là một trong những nguyên nhân chính đưa đến cuộc nội chiến đầy màu và nước mắt suốt 30 năm giữa người Việt với nhau tại miền Tây. Nếu được trốn thoát và không bị kiềm tỏa, Huỳnh PHú Sổ đã không viết một bức thư chỉ có mục đích duy nhất là nói cho các tín đồ của ông đừng tin vào những gì mà người cận vệ thoát chết của ông đã tận mắt chứng kiến và sẽ kể lại cho các vị chỉ huy lực lượng quân sự PGHH ("... nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay là mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động"). Thật là lạ lùng, một cuộc mưu sát rõ ràng, được một người cận vệ đứng cách Huỳnh Phú Sổ 1 thước và chính anh ta cũng bị đâm suýt chết, cùng với ba đồng đội đã bị đâm chết, chạy thoát về kể lại, mà bị ngay chính Huỳnh Phú Sổ phản bác và bảo đừng có tin nhân chứng này.

Giả thuyết tạm đặt ra là sau khi đâm chết ba hộ vệ của Huỳnh Phú Sổ và làm bị thương một người trong phe mình, Bửu Vinh vẫn còn 7 vệ sĩ, cùng với một đại đội trong tay, nhóm này đã bắt được Huỳnh Phú Sổ và họ định giết hại Ông ngay, nhưng vì có một cận vệ của Ông đã trốn thoát được và họ biết rằng anh ta sẽ chạy về báo cho hai ông Nguyễn Giác Ngộ và Trần Văn Soái đang đóng quân gần đó đến trả thù và họ sẽ khó thoát chết. Nên họ đã cưỡng bức hay thuyết phục Huỳnh Phú Sổ viết lá thư này, lúc 9 giờ tối. Sau đó, họ cũng giàn xếp để Huỳnh Phú Sổ trao tận tay lá thứ này cho một tín đồ PGHH. Ngay khi lá thư này được gởi đi, Huỳnh Phú Sổ bị họ giết hại.

- Giả thuyết khác là Huỳnh Phú Sổ đã thoát được cuộc mưu sát này và ẩn trú ở một chỗ an toàn không ai biết. Biết rõ là sau khi có tiếng súng nổ, tiếng tù và nổi lên báo động một góc trời, các lực lượng quân sự PGHH sẽ hay biết việc Ông bị mưu sát và họ sẽ kéo quân đến tấn công Bửu Vinh. Vì lòng từ bi, không muốn thêm nhiều người Việt Nam nữa bị sát hại nên Ông đã viết lá thư này, sau đó vì một số lý nào đó, Ông ra đi, không trở về nữa. Giả thuyết này nêu lên nghi vấn là tại sao Ông phải viết lá thư này khi Ông còn sống, không bị ai kềm tỏa? Thay vì viết thư, Ông chỉ cần trở về văn phòng của Ông hay về bộ chỉ huy của Ông Nguyễn Giác Ngộ hay Ông Trần Văn Soái là xong và giải tỏa mọi nghi vấn.

Nếu ra đi dài hạn, trong một hoàn cảnh sôi bỏng như thế, thì người lãnh đạo có lòng nhân từ và tinh thần trách nhiệm, phải chuẩn bị, sắp xếp đâu vào đó trước khi ra đi. Kể từ đêm 16/4/1947, khi Ông không trở về, mọi người tin là ông bị Việt Minh ám hại (dù rằng nhiều tín đồ PGHH vẫn tin rằng Ông còn sống và sẽ trở về) và ngọn lửa thù hận giữa Việt Minh và PGHH đã bốc cháy khủng khiếp, kinh hoàng, hoàn toàn trái với đức từ bi hiếu sinh bao la và tinh thần hòa giải, đoàn kết cao độ của ông. Nếu ông còn sống thì Ông có trách nhiệm xuất hiện, hay dù không xuất hiện, ít nhất cũng đưa ra lời kêu gọi mọi người dập tắt sự thù hận, bắn giết tương tàn này mà trong đó hàng triệu tín đồ của Ông và hàng triệu đồng bào yêu nước của Ông, đang tham gia hay ủng hộ Việt Minh kháng chiến chống Pháp, là những nạn nhân đau đớn, tội nghiệp nhất.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 9/9/1945 ông bị Trần Văn Giàu ám hại. Thoát chết, ông vẫn giữ im lặng, mai danh ẩn tích, cải trang lưu lạc không ai biết rõ ở đâu trong suốt nhiều tháng trời. Chớ tuyệt đối không hề xuất hiện, tuyệt đối không hề lên tiếng tố cáo âm mưu sát nhân của đối thủ, hay lên tiếng thanh minh, giải oan. Và cũng tuyệt đối không hề có một hành động nào để phản công, trả đủa, gây thiệt hại cho kẻ thù nghịch, dù rằng khi đó ông cũng đã có một lực lượng tín đồ hàng trăm ngàn người.

Im lặng, ra đi và không hề tạo sự tranh cải hay sự đổ máu giữa người Việt Nam, dù bị oan ức, bị bôi đen, bị ám hại. Phong thái này thể hiện lòng khoan dung, từ bi, độ lượng, siêu thoát cố hữu của ông. Biết đâu ông đã vượt thoát cuộc ám hại đêm 16/4/1947 và như lần trước, ông đã im lặng ra đi. Về cuộc đổ máu giữa tín đồ PGHH và Việt Minh phải chăng đó là duyên nghiệp máu xương từ nhiều đời, nhiều kiếp trước, mà tuy biết trước, và tuy nổ lực hòa giải, nhưng Ông biết rõ là không thể nào hóa giải nổi những ân oán hận thù có tính cách nghiệp lực nầy?

Tác giả cuốn Thất Sơn Mầu Nhiệm, cũng như nhiều người PGHH khác tin rằng Huỳnh Phú Sổ đã thoát thân một cách dễ dàng như lần bị ám hại trước đêm 9/9/1945 bị Trần Văn Giàu ch công an đến ám hại) và ông sẽ trở về... Sự tin tưởng này vẫn còn cho đến ngày nay, 48 năm sau đêm 16/4/1947. Nếu còn ẩn, Huỳnh Phú Sổ năm 1995 này vừa tròn 75 tuổi, cùng tuổi với John Pail II, đương kim Giáo Hoàng Thiên Chúa Giáo La Mã và cùng trang lứa với các Hòa Thượng Trí Quang, Huyền Quang, Thanh Từ, Nhất Hạnh... Lý do có sự tin tưởng này, theo cuốn Thất Sơn Mầu Nhiệm, là:

"1/ Trước khi xẩy ra tai nạn, Đức Thầy có hỏi một nhân viên hầu cận Ngài bữa nay ngày mấy âm lịch. Nhân viên này có trả lời là ngày 25 tháng 2 nhuần. Đức Thầy bèn chép miệng than rằng: "Ngày nay là ngày đau khổ nhứt. ôi, sao mà khổ quá vậy".

2/ Chính Đức Thầy có hỏi ông Mười Tỷ biết hướng nào về Phú Thành chăng. Khi anh này chỉ hướng thì Đức Thầy nói: Phải. Thì ra chính anh Mười Tỷ là người sống sót để chạy về báo tin, còn ba tự vệ quân kia đều bị giết hết.

3/ Đức Thầy có nói với ông Ngô Thành Bá tức Biện đài trong dịp dẫn ông đài đi núi Tà Lơn rằng sau này Ngài xa vắng bổn đạo trong một thời gian, và trong khi đó không một người tín đồ nào biết Ngài ở đâu. Ngài cũng nói với nhiều tín đồ câu ấy.

4/ Trong sấm giảng của Ngài, Đức Thầy cũng có nói:

"Rán nghe lời dạy của Thầy,

Để chừng đến việc kiếm Thầy không ra".

Và:

"Tu kíp kíp nếu không quá trễ,

Chừng đối đầu khó kiếm Điên Khùng".

Bốn khoản trên đây chứng minh một cách hùng biện rằng Đức Thầy biết trước những nạn tai mà Ngài sắp phải gánh vác" (trang 282-283).

Có những nghiệp lực, tích lũy từ nhiều đời trước, bùng nổ trong đời này, mà ngay cả những người đã giác ngộ, như đức Phật Thích Ca, cũng không thể nào tránh khỏi, dù biết trước. Như trường hợp chính giòng họ đức Phật bị tàn sát khi Phật còn tại thế.

Tạm kết về việc Huỳnh Phú Sổ bị ám hại trong đêm 16/4/1947:

Theo một số báo chí đương thời thì Ông bị Việt Minh bắt, bị đem ra xử án và bị hành quyết. Theo báo Phục Hưng ngày 16/4/1949, viết hai năm sau đó, được trích lại trong cuốn Thất Sơn Mầu Nhiệm thì Huỳnh Phú Sổ bị bắt. "Trần Văn Nguyên đã tranh cải kịch liệt với Bửu Vinh về số phận của Huỳnh Phú Sổ. Trần Văn Nguyên nói "đồng chí không có quyền xử đoán một Uỷ Viên đặc Biệt của Nam Bộ trong khi đồng chí chỉ là ủy viên tỉnh". Bửu Vinh trả lời: "Cái đó thuộc về một việc xẩy ra ở địa phương tôi, vả lại tình thế đang nguy ngập". Rốt cuộc Trần Van Nguyên phải nhượng bộ vì trong tay không có binh lực. Nguyên đổ trách nhiệm: "Có chuyện gì sau này với Nam Bộ, trách nhiệm về đồng chí hết"... Sau đó Bửu Vinh ra lịnh cho ba người hành quyết Huỳnh Phú Sổ, nhưng ba người này đã được Huỳnh Phú Sổ thuyết phục, cảm hóa, cuối cùng họ nói: "Thưa ông Tư, chúng tôi đã hiểu rồi. Xin ông đi đi, đi ngay bây giờ... ông hãy đi cho thoát và độ trì cho ba chúng tôi". Thế rồi vị Giáo Chủ họ Huỳnh lại khoan thai lên đường và đi hút lẩn vào bóng tối. Và cũng đêm ấy, tại chỗ ấy có một người bị chặt làm ba, liệng xuống hố vùi đất lên...".

Một số nguồn tin khác thì quả quyết ông đã bị Việt Minh giết chết, chặt làm nhiều khúc và bị đem đi chôn dấu ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, theo quan niệm Phật Giáo, thì việc Huỳnh Phú Sổ dù mất hay còn sống nhiều năm nữa sau đêm 16/4/1947 không phải là chuyện chính yếu. Nếu Ông không mất khi 27 tuổi, và sống đến ngày nay, thọ 75 tuổi thì 5, 10 năm nữa Ông cũng sẽ chết như mọi người đã sinh trên thế giới này. Và dù sống thêm 50 năm nữa, Ông cũng khó lòng thay đổi được hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, bị chế ngự bởi các thế lực quốc tế và bị điều động bởi cộng nghiệp nhiều đời của cả dân tộc.

Điều chính yếu là những thông điệp của Ông có được hiểu và áp dụng hay không? Thông điệp của Ông là lòng từ bi, là tình yêu thương không giới hạn, là sự tha thứ, hòa giải, đoàn kết giữa mọi người Việt Nam với nhau, là quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ, công bằng và nhân bản, là nổ lực thực hiện hạnh tứ ân và tinh tấn học Phật, tu Nhân. Huỳnh Phú Sổ còn sống trong mọi tín đồ PGHH và mọi người Việt Nam biết áp dụng những thông điệp cao đẹp này của Ông.

Tôi tin Ông là một Bồ Tát hóa thân. Ông, là một Bồ Tát ở một thế giới có mức độ tâm linh cao hơn thế giới này, vì thương Việt Nam, Ông đã đầu thai làm Huỳnh Phú Sổ tại làng Hòa Hảo vào năm 1920, vì duyên nghiệp đến năm 1947 là hết nên Ông đã ra đi và, với lòng yêu thương Việt Nam một cách sôi nổi, với hạnh nguyện cứu khổ vĩ đại, Ông đã trở về, hóa hiện làm người Việt Nam, và hiện ông vẫn còn sống và thầm lặng thi hành hạnh Bồ Tát nhập thế cứu đời dưới một hình tướng nào đó. Giống hệt như các vị Hóa Thân của Phật giáo Tây Tạng. So với đạt Lai Lạt Ma, cũng là một vị Hóa Thân, thì trình độ chứng đắc của Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ cao hơn các vị Hóa Thân này.

Khi tôi ngồi viết quyển sách này, nhìn xuống vịnh San Francisco xanh ngát chảy ra biển Thái Bình gió lộng, tôi thấy rõ Huỳnh Phú Sổ vẫn còn sống, trong tôi, trong quyển sách này, trong mọi người Việt Nam hiểu rõ và làm đúng lời dạy của Ông.

Ông vẫn còn sống bên giòng sông Cửu Long thân thương, trìu mến, trên đồng bằng Nam Bộ hiền hòa nhân ái, trong mỗi tiếng hò trữ tình, trong mỗi nụ cười đôn hậu, trong mọi đời sống hồn nhiên, đạo đức của mọi người dân Việt Nam.

Huỳnh Phú Sổ tự nhận mình là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật dạy hãy lấy tình thương xóa bỏ hận thù. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ cũng dạy "Ta thứ người, người thứ ta". Tôi tha thiết mong quý vị độc giả và mọi người Việt Nam hãy áp dụng lời dạy này của Đức Phật Thích Ca và của Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ để tha thứ nhau, hòa giải nhau và thương yêu nhau./.

Đối với những người Việt Nam đã phạm những sai lầm, tội lỗi với những đồng bào của họ trong suốt hơn nửa thế kỷ nay, tôi trân trọng mong họ hãy suy gẫm kỹ và thực hành ngay lời dạy sau đây của Đức Phật:

"Có hai hạng người đáng tán dương ca ngợi. Hạng thứ nhất là những người không bao giờ sai lầm, phạm tội. Hạng thứ hai là những người đã sai lầm, phạm tội, nhưng nay biết thành tâm ăn năn, hối cải".

Lịch sử là chính chúng ta. Quê hương và thế giới cũng là chính chúng ta. Tâm bình, thế giới bình, tâm tịnh, quốc độ tịnh. Cách hay nhất để thay đổi đất nước và thay đổi thế giới là thay đổi chính mình trước. Làm cho mình bình an, tươi đẹp, hạnh phúc, độ lượng, nhân từ chính là làm cho thế giới và quê hương bình an, tươi đẹp, an lạc, độ lượng và nhân ái. Không thể có một quê hương Tịnh độ, an vui, hiền lương, đạo đức khi những công dân của xứ sở đó vẫn còn mang tâm hận thù, đen tối, cuồng tín, quá khích.

Và đặc biệt, trước tham vọng và hiểm họa khủng khiếp của đế quốc Trung Hoa, người Việt yêu nước chân chính nghĩ sao để sống còn..?

Giai đoạn lịch sử bi thảm vừa qua đã làm cho mọi con dân Việt đau lòng, nên xem đây là điều tai nạn cho dân tộc, nhất định sẽ không bao giờ tái diễn, để người Việt là một khối đoàn kết cùng nhau bảo vệ, xây dựng và quang hưng đất nước Việt Nam.

Tôi cầu mong quê hương của chúng ta sẽ vượt thoát những chướng ngại tai hại của hận thù, bất khoan dung và bạo động, và các thế hệ con cháu của chúng ta sẽ trở về truyền thống từ bi, nhu hòa, độ lượng của Tổ Tiên, cha ông cũng như của thế giới tỉnh thức hôm nay.

Dân tộc chúng ta, sau bao lầm lẫn và đau thương, đang vượt thoát thời đại của bản năng và thù hận để bước và kỷ nguyên của Trí Tuệ và Từ Bi. Của khoan dung và tha thứ.

Chúng ta phải chiêm nghiệm lịch sử, với tất cả sự thật phủ phàng, đau đớn của nó, để học hỏi, để khoan dung, độ lượng, để trưởng thành khôn lớn, chớ không phải để đào sâu những hận thù và khơi dậy những vết thương.

Tất cả đã qua đi. Tất cả đang ra đi. Và tất cả sẽ biến mất. Thế hệ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Hồ Chí Minh nay còn ai? Thế hệ Huỳnh Phú Sổ nay cón mấy người? Và thế hệ chúng ta sẽ còn sống được bao lâu? 75-95 đã trôi qua nhanh như một chuyến tàu lửa tốc hành.

Chỉ thêm một vòng 20 năm nữa, 1995-2015, là hầu như tất cả mọi người của thế hệ Cách Mạng Mùa Thu, thế hệ Kháng Chiến, sẽ chẳng còn ai hiện hữu trên trái đất này.

Tất cả đều chết và phải từ bỏ tất cả.

Trừ những vĩ nhân. Di sản của họ không mất đi, trái lại, càng ngày càng rực rỡ.

Huỳnh Phú Sổ Bất Tử!

Sự nghiệp của ông đã trở thành một phần tinh anh tuyệt đẹp của sự nghiệp Phật Giáo và sự nghiệp Việt Nam./.

HẾT

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn