Kỷ niệm 100 năm Đản sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ

08 Tháng Mười 20205:35 CH(Xem: 7330)
Kỷ niệm 100 năm Đản sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ
cover sample 2 (3)

VINH DANH  
100 NĂM ĐẢN SANH
25-11-Kỷ Mùi – 25-11-Kỷ Hợi
ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Đạo vô vi của Phật ân cần,
Nối theo chí Thích Ca ngày trước.
Câu phú quý Ngài không màng ước,
Chữ Bồ Đề như cội Bá Tòng.
(Q4, Giác mê Tâm kệ - tr. 97)


Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đồng trọn thành Phật Đạo.
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Hải Ngoại

SỨ MẠNG CỦA ĐỨC THẦY
(do chính tay Ngài viết)

Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão, vì thời-cơ đã đến, lý Thiên-Đình hoạch-định, cuộc nguy-cơ thảm-họa sắp tràn lan. Ta đây tuy không thể đem phép huệ-linh mà cứu an tai-họa chiến-tranh tàn khốc do loài người tàn-bạo gây nên, nhưng mà thử nghỉ : Sinh trong vòng đất Việt-Nam nầy, trải qua bao kiếp trong địa-cầu lăn-lộn mấy phen, tùy cơ pháp chuyển kiếp luân-hồi ở nơi hải-ngoại để thu-thập những điều đạo-học kinh-nghiệm huyền-thâm, lòng mê-si đã diệt, sự vị-kỷ đã tan mà kể lại nguồn gốc phát sinh, trãi bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh-cư nơi đất Việt. Những tiền kiếp dầu sống cũng là dân quan đất Việt, dầu thác, cũng qủi thần đất Việt chớ bao lìa. Những kiếp gần đây, may-mắn gặp minh-sư cơ truyền Phật-Pháp, gội nhuần ân-đức Phật, lòng đã quảng-đại từ-bi, hềm vì nỗi cảnh quốc phá, gia vong, máy huyền-cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh, đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ.

Nghĩ lúc còn làm người trong biển tục, lăn-lộn chốn mê đồ, mà chẳng quản thân giúp thế cứu dân, vong thân vị quốc, huống chi nay cơ mầu đà thấu tỏ, sớm chiều hầu chơn Phật nghe kinh, ngao du tứ-hải, dạo khắp Tiên-bang, cảnh an-nhàn của người liễu-đạo, muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ-đề trường thọ mà còn len-lỏi xuống chốn hồng-trần, đặng chịu cảnh chê khen? Vì lòng từ-ái chứa-chan, thương bách-tính tới hồi tai-họa. Phật-Vương đà chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập hội Long-Hoa, chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các thiện-căn để giáo truyền Đại-Đạo, định ngôi phân thứ gây cuộc Hòa-Bình cho vạn quốc chư bang.

Thiên-Tào đà xét định, khắp chúng sanh trong thế-giới trong cái buổi Hạ-Nguơn nầy, say mê vật-dục, chìm đắm trong biển lợi-danh, gây nên nghiệp-quả, luật trời đà trị tội xét kẻ thiện-căn thì ít, người tội-ác quá nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ-bi cùng các vị chơn Tiên lâm phàm độ thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ-huyền, khuyên kẻ thế hướng thiện quày đầu, cải tà qui chánh thì mới mong Thiên Đình ân xá bớt tội căn để kíp đến Long-Hoa chầu Phật, trước biết rõ luật Trời thưởng phạt, cùng hữu duyên nghe Phật pháp nhiệm mầu, kiến diện bậc Chơn-Sư, tu hành mau đắc quả, sau làm dân Phật quốc hưởng sự thái-bình, bởi đời nầy pháp-môn bế mạc, Thánh đạo trăn vu, người tâm trí tối đen, đời lắm Ma-Vương khuấy rối. Ta là một trong các vị cứu đời ấy. Ai liễu Đạo nơi quốc-độ nào thì cũng phải trở về quốc-độ ấy mà trợ tế nhân dân; vì thể lòng từ-bi bác-ái cùng thù đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp giúp Ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh. Tuy là nhơn-dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng xác cỡi đồng chớ có dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu chờ đến ngày ra trợ thế. Nên phương pháp của Ta tùy trình-độ cơ cảm của Tín-nữ Thiện-nam, trên thì nói Phật-pháp cho kẻ có lòng mộ Đạo qui căn, gây gốc thiện-duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền-diệu của Tiên-gia độ bịnh để cho ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ-bi của Chư Vị với Trăm Quan, thảm-thiết lê dân lầm than thống-thiết, mà lời lành nghe tựa hồ như nhớ như quên, nên kẻ xa xuôi từ-văn chẳng tới, người láng-diềng tiếng kệ nhàm tai. Đến trung tuần tháng tám, Ta cùng Đức-Thầy mới tá hiệu Khùng Điên, mượn bút mực tiết lộ lấy Thiên-cơ, truyền cho kẻ xa gần đều rõ biết hầu ăn-năn cải quá làm lành, còn kẻ chẳng tỉnh tâm sau đền tội cũng chẳng trách Phật Tiên không chỉ bảo.

Vẫn biết đời Lang-sa thống trị, phép nước nghiêm-hình, dân chúng nếu yêu thương sẽ lắm điều hiềm khích : Nhưng mà Ta nghĩ nhiều tiền kiếp Ta cũng hy-sinh vì Đạo, nào quản xác thân. Kiếp chót nầy đây há lại tiếc chi thân phàm tục, song vì tình cốt-nhục tương thân, cũng ủng-hộ, chở che cho xác phàm bớt nỗi cực hình.

Bạc-Liêu, ngày 18-5 Nhâm-Ngũ (1942)

                                                    CUỘC ĐỜI & SỰ NGHIỆP
                                     ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ
 

Đức Huỳnh Giáo Chủ, tên tộc là Huỳnh Phú Sổ, sanh tại làng Hòa Hảo một thôn nằm trên Bắc ngạn sông Vàm Nao, thuộc Quận Tân Châu, Tỉnh Châu Đốc, ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (nhằm ngày 15 tháng giêng năm 1920).

Thân sanh của Ngài là Đức Ông Huỳnh Công Bộ. Thân mẫu là Đức Bà Lê Thị Nhậm. Con đầu là Đức Huỳnh Giáo Chủ. Con thứ là Huỳnh Thị Kim Biên. Con út là Huỳnh Thạnh Mậu.

Đức Huỳnh Giáo Chủ  được gọi là Thầy tư Hòa Hảo hay được tôn xưng là Đức Huỳnh Giáo Chủ, còn tín đồ thì gọi Ngài là Thầy hay Đức Thầy, và nền đạo của Ngài khai sáng được mang danh là Phật Giáo Hòa Hảo, một tông phái đạo Phật thành lập tại làng Hòa Hảo.

Ngay từ khi còn bé, Ngài đã tỏ ra khác phàm. Tánh Ngài điềm đạm, ít chịu trửng giỡn vui đùa, thường tìm nơi thanh vắng ngồi trầm tư mặc tưởng. Ngài cũng có tánh hiếu sanh, nhơn từ thương xót tất cả loài vật.

Năm 1927, Ngài đã học sơ học với ông Giáo Phan Văn Khoái. Sau khi học hết lớp sơ đẳng ở Hòa Hảo, Đức Ông cho Ngài tiếp tục học tại trường Tiểu học Tân Châu với ông giáo Lê Văn Tám. Trong lúc ấy, Ngài ở trọ nhà ông Huỳnh Văn Sánh. Suốt thời gian học tập Ngài luôn xuất sắc hơn tất cả các bạn cùng lớp, tánh tình hòa nhã, hiền lương nên Ngài đã tạo được sự cảm mến của tất cả mọi người. Sau khi đậu bằng Tiểu học, Ngài phải thôi học vì bịnh hoạn, mặc dầu Đức Ông, Đức Bà hết sức lo lắng, chạy chữa mà bịnh vẫn không thuyên giảm, càng ngày càng nặng hơn rất là khác thường, khi mạnh khi yếu khiến mọi người nghi là mắc bịnh tà và nghĩ đến cách chữa trị bằng pháp thuật bùa ngải.

Nghe nói ở núi Trà Sư có ông Đạo Xom, tục danh là Lê Hồng Nhật, một tu sĩ nổi tiếng giỏi pháp thuật, đã từng chữa lành nhiều bịnh bằng bùa ngải. Đức Ông bèn chở Ngài đến chữa trị, nhưng rốt cuộc cũng không thấy hiệu quả.

Ngoài ra, Đức Ông còn đưa Ngài xuống ông Bảy Còn ở chợ Cà Mau, thôn Long Kiến nhờ chữa trị. Ông Bảy Còn là cháu nội của ông Đạo Thắng (một cao đồ của Đức Phật Thầy Tây An) và ông cũng đã được truyền nhiều diệu pháp để cứu dân độ thế. Ông Bảy Còn cũng vốn là người thân thuộc của Đức Ông nên Đức Ông rất tin cậy để cho ông Bảy Còn chữa trị. Lúc đầu thấy có vẻ thuyên giảm nhưng về sau bịnh vẫn không thay đổi. Đức Ông rất lo lắng và luôn lo chữa trị cho Ngài, nhưng Ngài cứ nói rằng: “Không có bịnh hoạn gì đâu!” vì nể Đức Ông, Đức Bà và cũng không muốn cho Đức Ông, Đức Bà buồn thêm để mà yên tâm, nên Ngài phải vâng lời để chạy chữa.

Về sau Ngài có thổ lộ cho một tín đồ ở Bạc Liêu biết: “Ơn trên định dọn phần xác tinh khiết, chẳng khác nào sút ve cho sạch trước khi đựng lấy nước trong”.

Cho đến một ngày kia, Đức Huỳnh Giáo Chủ truyền rao khắp xóm làng rằng: “Nếu ai có bệnh thì tôi sẽ chữa cho”. Đức Ông không tin và hết lòng lo lắng cho con của mình. Lúc đầu không ai tin. Sau đó, Ngài chữa dứt hết những bệnh ngặt nghèo, những bệnh mà đã hết phương cứu chữa. Đặc biệt hơn, Ngài đã chữa dứt bịnh cho con gái của ông Hương chủ Hùng ở Hưng Nhơn mắc bịnh trùng, đang thoi thóp ở những giây phút cuối cùng.

Và cũng kể từ đó, nhà của Ngài tấp nập khách thập phương, đông kín, tràn ngập cả lối vào ngõ ra để xin chữa bịnh.

Phương pháp chữa trị của Ngài hết sức giản dị, Ngài cho uống nước lã, hoặc giấy vàng xé nhỏ. Ngoài ra, Ngài còn dùng lá xoài, lá ổi, lá mít…Các thứ bông như Bông trang, bông thọ… Chỉ có bấy nhiêu dược liệu, hết sức giản dị, không tốn tiền mà bịnh nào uống vào cũng hết.

Ngoài ra, Ngài cũng có cho toa thuốc Bắc, ai có mắc bịnh, cứ theo đó mà sắc uống, mười bịnh hết mười, khỏi phải đem đến Ngài chữa trị. Những phương thuốc còn ghi chép trong quyển “Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ”. Đến ngày nay nhiều người mắc bịnh đã theo toa thuốc ấy hốt về uống vẫn thấy hiệu nghiệm như một thứ thuốc Tiên.

Sở dĩ Ngài “dùng huyền diệu của Tiên gia” chữa bịnh một cách thần diệu như thế là để chứng tỏ Ngài không phải là hạng phàm nhân. Do những phương pháp chữa trị huyền diệu, cũng như ngôn hành của Đức Huỳnh Giáo Chủ thi thiết.. “được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị với Trăm Quan”  người ta nhận Ngài là một đấng siêu phàm, để qui ngưỡng theo Đức Huỳnh Giáo Chủ và đặt cả đức tin vào sự cứu độ của Ngài.

Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khắp nơi về Thánh Địa dự lễ Khai đạo trước 1975      

Song song với phương pháp dùng huyền diệu của Tiên gia chữa bịnh, Đức Huỳnh Giáo Chủ còn thuyết giảng những giáo lý cao siêu của Đạo Phật “Cho kẻ có lòng mộ Đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ.” vì trong những lời thuyết giảng có ẩn ý thiên cơ, thức tỉnh lòng người hầu ăn năn cải hóa làm lành lánh dữ. Ngài còn thấu cả tiền căn hậu kiếp của mỗi người, càng làm mọi người khâm phục qui ngưỡng càng lúc càng đông. Mọi người đều tin tưởng Ngài là một vị siêu phàm có sứ mạng xuống trần cứu dân độ thế.

Cách nói chuyện của Ngài rất hấp dẫn. Ai nghe cũng cảm, vì Ngài hết sức bình dị và luôn khiêm tốn, không hề xưng hô lớn lối. Vừa thuyết giảng, vừa cho bài thơ, đượm nhuần giọng văn tao nhã, lời lẽ cao siêu của Đức Phật, vì vậy mà Ngài đã có mãnh lực giác tỉnh phi thường, đi sâu vào lòng dân chúng, ai ai cũng phát tâm Bồ Đề, qui đầu chánh pháp.

Vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ngài vâng sắc lịnh của Thiên Đình, mở cơ phổ hóa, giác tỉnh quần sanh hầu hoàn thành sứ mạng tuyển chọn người hiền đến Hội Long Hoa và lập đời Thượng Nguơn an lạc. Ngài đã vượt qua mọi thử thách làm lễ Cáo Hoàng Thiên lập Đạo cứu đời. Dạo ấy, Ông Nguyễn Văn Truyền, đã  lãnh việc trang trí một bàn hương án trước sân nhà Đức Ông. Trên bàn ấy có để ba cái chung nước, một chén bông, một lư hương và một cặp đèn. Đức Thầy cho mời Đức Ông là chủ nhà ra chứng kiến, nhưng Đức Ông không chịu ra, đến khi bà Tám, em của Đức Ông và nhiều thân nhân quyến thuộc trong gia đình cùng nhau yêu cầu nhiều lần, cực chẳng đã, Đức Ông mới nhận, nhưng để mình trần ra ngồi bẹp xuống bực thềm trước nhà và nói một câu cụt ngủn: “Đó! làm gì thì làm đi.”

Đức Thầy bèn đốt hương xá bốn hướng rồi quay lại bàn hương án khấn vái một hồi lâu mới cắm hương và lễ bốn lạy.

Sau khi làm lễ Cáo Hoàng Thiên, Ngài chăm chú vào việc viết Sấm Giảng, để trình bày hay phổ truyền giáo pháp của Ngài. 

Ngài viết rất dễ dàng, không cần đến giấy nháp. Tác phẩm của Ngài phần lớn thuộc loại văn vần, với dụng ý là để cho dân chúng, dễ đọc và dễ nhớ. Vả lại loại văn vần có sức quyến rũ truyền cảm hơn loại văn xuôi qua lời kinh tiếng kệ để hợp với hoàn cảnh đất nước hiện tại thời đó.

Những giáo pháp của Ngài tuy đơn sơ dễ hiểu, nhưng siêu việt, có giá trị vượt cả thời gian và không gian, một giá trị tối thượng cho tín đồ của Ngài nói riêng và cho cả nhân loại, quần sanh nói chung. 

Những quyển giảng của Ngài đã viết:

1. Sấm Giảng khuyên người đời tu niệm. – Đây là quyển thứ nhứt có 912 câu, viết tại Hòa Hảo vào khoảng sau khi làm lễ Cáo Hoàng Thiên năm Kỷ Mão (1939). Trong quyển giảng nầy, Ngài cho biết trước khi trực tiếp giáo độ chúng sanh, Ngài đã phương tiện hóa hiện dạo Lục châu, giả dạng người trẻ kẻ già, kẻ buôn bán ăn xin, chèo đò để có dịp đánh thức người đời rằng: “Có Phật Tiên xuống thế”.

2. Kệ dân của người Khùng. – Đây là quyển thứ hai, có 476 câu, viết tại Hòa Hảo ngày 12 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939). Ý nghĩa quyển nầy, Ngài vạch rõ máy huyền cơ cho nhân loại, quần sanh biết, để sớm hồi đầu trở lại tinh tấn tu hành, hầu được cứu rỗi trong ngày tận diệt hay được vãng sanh Cực Lạc.

3. Sám Giảng. – Quyển thứ ba, gồm có 612 câu, viết tại Hòa Hảo vào năm Kỷ Mão (1939). Quyển nầy đoạn đầu mách cho biết những tai nạn hãi hùng khủng khiếp trong lúc biến thiên.

4. Giác Mê tâm kệ. – Quyển thứ tư, gồm có 846 câu, viết tại Hòa Hảo ngày 20 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939). Ý nghĩa trong quyển nầy, Ngài tuyên xưng giáo pháp hành đạo của Đức Phật Thích Ca qua Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo…để người đời noi theo đó tu hành cho đắc quả. Ngài cũng khuyên chúng sanh rán làm tròn nhân đạo, vì là thời kỳ chư Phật Thánh tuyển chọn người hiền đức để được sống còn sau ngày hoại diệt.

5. Khuyến Thiện. – Quyển thứ năm, gồm có 756 câu, viết tại Chợ Quán năm Tân Tỵ (1941). Trong quyển nầy, Ngài kể lại gương xuất gia tầm đạo của Phật Thích Ca. Sau đó, Ngài kể lại Tám điều khổ của chúng sanh và khuyên trừ Thập ác, Ngài khuyên người đời tu theo pháp môn Tịnh độ để cầu sanh về Cực Lạc, vì trong thời kỳ mạt pháp nầy, đây là một Pháp môn cứu cánh, phù hạp với căn cơ, trình độ của tất cả chúng sanh trong thời Nguơn hạ:

Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh độ,
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
6. Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền. – Quyển thứ  sáu, viết vào tháng 5 năm 1945 tại Sài Gòn, theo lối văn xuôi.

Quyển nầy, Ngài giải thích Tứ Ân, Thập Thiện, Bát Chánh và những nghi thức hành đạo cần biết của một tín đồ. Ngài đã minh chứng những điều Ngài giảng đều rút tỉa tinh túy của Phật trong Tam Tạng Kinh là Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Thế nên các tác phẩm của Ngài không gọi là Kinh hay Luận mà gọi là Sấm GiảngSấm có nghĩa là những lời tiên tri cho biết trước về thời cuộc, Giảng là bày giáo lý cao siêu của Đạo Phật.

Ngài tiên tri những việc sẽ xảy ra, những biến thiên hãi hùng trong những ngày hoại diệt ở cõi đời mạt kiếp nầy, để người đời thức tỉnh giác mê, hầu có sớm ăn năn cải hối tu hành thì mới mong được Phật Thánh Tiên cứu rỗi, sống sót trong ngày lập đời Thượng Nguơn an lạc.

Trong bài “Sứ mạng của Đức Thầy” có đoạn nói rằng: “Tuy là nhơn dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng xác cỡi đồng chớ có dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu chờ đến ngày ra trợ thế”. Ở một đoạn khác, Ngài lại viết: “Những  kiếp gần đây, may mắn gặp minh sư, cơ truyền Phật pháp, gội nhuần ân đức Phật, lòng đà quảng đại từ bi, hềm vì nỗi cảnh quốc phá gia vong, máy huyền cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ”.

Và Ngài cho biết kiếp nầy là kiếp chót như Ngài đã viết: “Ta nghĩ nhiều tiền kiếp ta cũng hy sinh vì Đạo nào quản xác thân. Kiếp chót này đây há lại tiếc chi thân phàm tục…”

Như vậy thì Ngài đã chuyển nhiều kiếp. Nhờ vậy mà khi đọc Sấm Giảng, ta không còn ngạc nhiên thấy nhiều đoạn, nhiều danh xưng trùng hợp với nhiều vị siêu phàm khác như: xưng Khùng Điên, mà các vị trong Bửu Sơn Kỳ Hương, từ Đức Phật Thầy Tây An, Ông Sư Vãi Bán Khoai…một khi lâm phàm cứu thế đều xưng hiệu Khùng Điên, để đối lại người đời thường xưng khôn lanh, ngạo mạn, tài giỏi, hỗn xược, quỉ quái.

Thi Văn Sấm Giảng của Đức Giáo Chủ, được trình bày một cách giản dị, thích hợp mọi tầng lớp trong xã hội, thích nghi vào cuộc sống thực tiễn hàng ngày, ai ai cũng hiểu để hành, Ngài đã Việt hóa Phật giáo, một cách rất tài tình trong sáng, nên số tín đồ tìm đến qui ngưỡng rất đông, chính vì vậy mà nhà cầm quyền Pháp thời ấy theo dõi gắt gao. Nên vào  ngày 18-5-1940, người Pháp đã không cho Ngài truyền giáo tại làng Hòa Hảo và mời Ngài đến trình diện tại Tòa Bố tỉnh Châu Đốc. Ngay sau đó thi hành mật lịnh của Thống Đốc Nam Kỳ áp giải Ngài đến tỉnh Sa Đéc, dưới quyền kiểm soát của ông Bazin, ông Bazin không tin tưởng Ngài có khả năng viết Sấm Giảng. Bazin liền thử tài Ngài. Ngài liền viết một mạch, không giấy nháp, không bôi cạo, với tựa đề “Sa Đéc” để cho ông rõ được tâm sự và nỗi lòng của Ngài:

          “Muốn lập Đạo có câu thành bại,

          Sự truân chuyên của khách thiền môn.

          Khắp sáu châu nức tiếng người đồn,

          Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh.

          Tiếng gọi đời sông mê hãy lánh,

          Chạm lợi quyền giàu có cạnh tranh.

          Bước gai chông đường đủ sỏi sành,

          Đành tách gót lìa quê hương dã.

          Ta cũng chẳng lấy chi buồn bã,

          Bởi sự thường của bực siêu nhơn.

          Dầu gian lao dạ sắt chẳng sờn,

          Miễn sanh chúng thông đường giải thoát”.

Sau đó Ngài bị dời đến Cần Thơ, ở nhà của ông Hương bộ Thạnh (làng Nhơn Nghĩa) vào ngày 23/5/40. Rồi ngày 28-7-40, Ngài được chuyển vào bệnh viện Cần Thơ, không bao lâu họ lại chuyển Ngài đến nhà thương điên Chợ Quán (Sài Gòn). Ngày 5-6-41, Ngài bị đưa xuống tỉnh Bạc Liêu, trú tại nhà ông Võ Văn Giỏi. Trong thời gian nầy Ngài đã có rất nhiều người đến quy y đa số thuộc thành phần có kiến thức.

Tháng 10 năm 1942, Ngài được bí mật chuyển đến ẩn cư tại Sở Hiến Binh Nhựt tại đường Lefèbvre (Sài Gòn).  

Sau ngày Nhựt đảo chánh Pháp (9-3-45) giữ quyền lãnh đạo trên toàn cõi Đông Dương. Nhưng tình hình thế giới biến chuyển bất lợi cho quân phiệt Nhựt trước sự đầu hàng nhiều nơi của liên quân Đức-Ý ở Âu châu và tình hình quốc nội Việt Nam cũng xáo trộn mạnh với sự trổi dậy của Mặt Trận Việt Minh do Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế lãnh đạo.

Nhằm ngăn cản tín đồ gây bạo động trước tình hình mới, Đức Thầy từ Sài Gòn đã ra Huấn Lịnh gởi về Miền Tây như sau: 

              Hỡi tất cả thiện-nam tín-nữ !

            Ngày mà chúng ta chịu khổ dưới gót giày của người Pháp và bọn quan lại hung tàn vừa qua. Kể từ nay tôn giáo của chúng ta sẽ được tự do truyền bá. Vậy tôi nhân cơ hội này tỏ cho các người được hiểu rằng: Đạo Phật là đạo từ-bi bác-ái, dĩ đức háo sanh khoan hồng đại độ ; tuy tình thế có đổi thay chớ tấm lòng nhơn chăng đổi.

          Vậy hãy coi toàn dân cũng như anh em một nhà, mong họ liên kết với chúng ta để kiến thiết lại quê hương cùng nền Đạo nghĩa. Những kẻ bạo-tàn từ trước đến giờ, nay đã ăn-năn giác-ngộ thì hãy dĩ đức nhiêu dung tội trạng của họ, để sau này quốc-gia định-đoạt, còn mình chỉ khuyên họ trở lại đường lành, chớ chẳng nên làm điều gì thái quá mà động đến từ tâm của chư Phật.

           Mong các người hãy tuân theo Huấn Lịnh này.

                        Sai-gòn, ngày 2 tháng 2 Ất Dậu (1945)

Kế tiếp, Ngài lại gởi thư riêng cho bổn đạo khuyên phải xóa bỏ hận thù (SGTVTG tr.543):

             LỜI  RIÊNG  CHO  BỔN  ĐẠO

          Tôi ở Sài-Gòn khi cuộc đảo chánh xảy ra, vẫn đoán biết sẽ có vài chuyện chẳng hay trong quần-chúng, lập tức gởi thơ về khuyên giải mọi người, nhưng vì đường giao-thông bất tiện mà thơ ấy đến rất chậm trễ, tôi lấy làm chẳng vui mà thấy một vài người trong Đạo và ngoài đời nhận lấy cái danh-từ của tôi mà làm một ít cử-chỉ trả thù không có xứng đáng với tấm lòng đạo-đức từ-bi; trước kia chúng nó hà-khắc ta, chúng nó đành; ngày nay ta hà-khắc lại, sao đành. Vì lòng chúng nó đầy sự hung-tàn, còn lòng ta lại đầy nhân ái !

          Nên kể từ nay, kẻ nào trong Đạo còn làm điều gì không có mạng lịnh sẽ bị loại ra khỏi Đạo và giao nhà đương-cuộc xử một cách gắt-gao .

                                                      Ký tên:  HÒA-HẢO

                                   Sài-Gòn, tháng 2 Ất-Dậu (1945)

Tháng 5-1945 năm Ất Dậu, vì muốn tỏ tình đoàn kết trong lãnh vực Phật Giáo. Đức Thầy vận động thành lập Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội sau khi Ban Trị Sự Trung Ương PGHH được thành hình. Ngài sáng lập “Hội Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội” để đoàn kết các Tăng ni Phật tử không phân biệt tông phái nào, để nỗ lực vận động sự hợp nhất Phật giáo trên toàn quốc.

Trong lịch sử Phật giáo, Ngài cũng là người đầu tiên và duy nhất trong việc xây dựng đoàn thể tu học Phật pháp, với hằng triệu thành viên là khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Ngài đã thành công vượt xa sức tưởng tượng của nhân loại.

Đức Đức Giáo Chủ đi khuyến nông để giúp đồng bào Miền Bắc, Trung vào năm 1945.

Cuối năm 1944 tới năm 1945, Anh-Pháp liên kết với quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tập trung triệt hạ quân đội Nhựt. Họ phong tỏa tất cả các đường giao thông, giữa Nam-Bắc Việt Nam, khiến quân Nhựt bị kiệt quệ lương thực trầm trọng. Do đó, ở Miền Bắc xảy ra nạn đói khủng khiếp, đã giết chết hằng triệu dân. Trước sự bất lực của chánh phủ hiện tại…Đức Thầy phải dấn thân đi khuyến nông trong 2 tháng, khắp các tỉnh miền Nam và vận động lúa gạo để cứu đói Miền Bắc. Trong dịp nầy Ngài cũng đã diễn thuyết khoảng 107 nơi, với hằng triệu người tham dự.

Khoảng thời gian nầy, ngày 15-8-45, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện. Đức Thầy cho ra đời Mặt Trận Quốc Gia Thống nhất, với bí danh Hoàng Anh, Ngài được bầu làm Chủ tịch Mặt Trận nầy. Mặt Trận nhằm thống nhất toàn dân yêu nước không phân biệt khuynh hướng chánh trị và tôn giáo.  Ngày 21-8-1945, MTQGTN tổ chức cuộc biểu tình vĩ đại ở Sài Gòn, quy tụ hơn 200 ngàn người hưởng ứng trên khắp các đường phố, nêu cao khẩu hiệu cương quyết chống đế quốc Pháp trở lại. Đã quy tụ hàng chục ngàn tín đồ PGHH.

Vào ngày 9-9-1945 (4-8-Ất Dậu), Trần Văn Giàu hạ lịnh vây bắt Đức Thầy tại trụ sở PGHH ở số 8 đường Sohier, góc đường Miche (Sài Gòn). Đức Thầy được một số anh em đồng đạo đã  đưa Đức Thầy ra khỏi trụ sở trước đó, nên họ không gặp.

Cuối năm 1945, khi quân xâm lược Pháp tái chiếm Sài Gòn và các tỉnh Miền Nam, Đức Huỳnh Giáo Chủ tổ chức lực lượng kháng Pháp lấy tên là “Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc - Liên Đội Nguyễn Trung Trực”, lấy tên một vị anh hùng dân tộc kháng Pháp để làm gương cho binh sĩ noi theo, để bảo vệ dân chúng và quê hương xứ sở, cũng là phương tiện cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thi thiết hạnh Vô úy Thí.

Liên đội Nguyễn Trung Trực gồm bốn Chi đội: Đứng đầu bốn Chi Đội là Ông Trần Văn Soái, Lê Minh Điều, Lê Phát Khuynh và Phan Hà. Sau đó để kịp thời đối phó trước tình hình nghiêm trọng của đất nước, vào ngày 18/12/1946 Ngài đã cải tổ bốn Chi đội thành một Chi đội cho được mạnh hơn là Chi đội 30 Nguyễn Trung Trực, Chi đội Trưởng là ông Nguyễn Giác Ngộ. Về mặt vũ khí Ngài còn thiết lập một công binh xưởng tại Hiệp Xương. Tổ chức các lớp đào tạo các cấp chỉ huy và khóa huấn luyện quân sự đầu tiên tại núi Dài vùng Thất Sơn, đào tạo cấp tốc 10.500 binh sĩ.

Vào tháng 1 năm 1946, sau khi tình hình ở Sài Gòn lắng dịu, Đức Thầy từ chiến khu Miền Đông về lại Chợ Lớn. Ngài liên lạc dàn xếp các vụ xung đột giữa Việt Minh và Phật Giáo Hòa Hảo ở các tỉnh Miền Nam Việt Nam.

Để tiếp tục cuộc kháng chiến đuổi ngoại xâm, Đức Thầy phải liên kết các đoàn thể quốc gia thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (gọi tắt là Dân Xã Đảng) vào ngày 21-9-1946 tại Chợ Lớn. Nhằm mục đích tạo môi trường thích hợp cho các tín đồ PGHH tham gia đấu tranh, hành xử Tứ Ân, tránh mang danh nghĩa tôn giáo vào trường tranh đấu. Vạch ra một chủ trương tiến bộ để xây dựng đất nước theo chế độ Dân chủ Xã hội Tự do trên căn bản một nền kinh tế tư hữu xã hội và đạo đức.

Ngay buổi đầu thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, bởi lời truyền khẩu của Đức Giáo Chủ ban ra, lập tức có cả hàng triệu người gia nhập, đó là khối tín đồ PGHH. Việt Minh Cộng Sản rất lo ngại nên tìm đủ mọi cách để tiêu diệt chánh đảng nầy. Một mặt họ cho cán bộ len lỏi vào hệ thống mật thám Pháp để cung cấp tin hoạt động của Dân Xã cho Pháp đưa quân đến khủng bố các vùng có đông cư dân PGHH. Mặt khác, chính họ trực tiếp sát hại đảng viên Dân Xã không nương tay. Báo Quần Chúng là cơ quan ngôn luận của Dân Xã Đảng bị ném lựu đạn. Cuộc xô xát khốc liệt giữa Dân Xã và Việt Minh xảy ra nhiều nơi ở Miền Tây Nam Bộ.  

Tháng 10-1946, Đức Thầy nhận lời tham gia Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ với chức vụ Ủy viên Đặc biệt và cũng để chứng tỏ cho toàn dân thấy rằng Ngài không hề chủ trương chia rẽ trong cuộc kháng chiến chống Pháp để giành độc lập.

Trước tình thế phải đối phó với Thực dân và Cộng sản, Đức Thầy buộc phải bí mật cử đại diện của Dân Xã Đảng sang Nam Kinh (Trung Hoa) hợp cùng các lãnh tụ quốc gia lưu vong để thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Toàn Quốc, nhằm hình thành một tổ chức mới kết hợp các hàng ngũ Quốc gia yêu nước thay thế vai trò của Mặt Trận Việt Minh do Cộng Sản lãnh đạo.

Cuối cùng, không nỡ ngồi nhìn các cuộc xô xát đẫm máu đang tiếp tục xảy ra ở Miền Tây giữa Việt Minh và Dân Xã, ngày 23-3-1947 Đức Thầy phải đích thân rời khỏi chiến khu Miền Đông về Miền Tây để giải quyết các cuộc xung đột đó.

Sau đó Đức Thầy có nhận được 2 bức thơ, một của Trần văn Nguyên, Đặc phái viên kiêm Thanh Tra chánh trị miền Tây Nam bộ và một của Bửu Vinh, mời Ngài đến dự Hội nghị họp tại làng Tân Phú để định liệu kế hoạch hòa giải giữa Việt Minh và Hòa Hảo Dân Xã. Vào khoảng 3:30’ sáng Đức Thầy đến ngọn Ba Răng và lên văn phòng đặt tại nhà ông Bí thơ Ban chấp hành Thôn Phú Thành, nơi đây đã có Chi đội 30 Vệ Quốc Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Giác Ngộ chỉ huy, chực sẵn để tiếp đón và đợi lịnh Ngài.

Vào lúc 7 giờ sáng ngày 15-4-1947 (24 tháng 2 nhuần) Đức Thầy xuống ghe đi với 3 người chèo, 4 tự vệ quân, ông Đại đội trưởng ĐĐ/2 Nguyễn Trung Hưng và Thơ ký văn phòng là ông Huỳnh Hữu Thiện.

Lối 8 giờ sáng ghe tới chợ Ba Răng, có Trần văn Nguyên xuống bến đón Ngài lên chợ, Ngài diễn giảng trước đông người kêu gọi sự đoàn kết chống xâm lăng và gát bỏ hận thù giữa V.M. và Dân Xã. Buổi trưa, Ngài dùng cơm với Trần văn Nguyên. Sau bữa cơm, độ 12 giờ, Trần văn Nguyên và một thơ ký xuống đi chung ghe với Ngài đến Đốc Vàng hạ thuộc thôn Tân Phú. Đến đây, một bản Hiệu triệu được công bố, cho biết các cấp chỉ huy hai bên đang bắt tay nhau lo việc hòa giải và kêu gọi hai bên đừng xô xát nhau.

Hôm sau, ngày 16-4-1947 (25 tháng Hai nhuần), lối 7 giờ sáng Đức Thầy trở lại hội đàm với Trần văn Nguyên, rồi phái ông Ngô Trung Hưng cùng một nhân viên của Trần văn Nguyên đi các thôn hòa giải.

Sau khi dùng cơm trưa, Đức Thầy xuống ghe nghỉ thì Bửu Vinh đến đưa thơ yêu cầu được gặp Ngài. Trong cuộc hội kiến, Bửu Vinh báo cáo rằng Dân Xã giết V.M. ở Lấp Vò và buộc Đức Thầy phải đi, nhưng Ngài tỏ ra cương quyết biện bác và đòi Bửu Vinh cùng đi.

Bửu Vinh khước từ và đòi phải cho bộ đội có võ trang theo phòng vệ mới đi. Ngài trả lời một cách cứng cỏi: Tại sao tôi có một ít người không có bộ đội ủng hộ lại dám vào sào huyệt các ông. Như thế quí ông không thành thật.

Bửu Vinh không trả lời không được nên buộc lòng nhận đi và yêu cầu Đức Thầy đến văn phòng của y để cùng đi. Liền lúc đó, Trần văn Nguyên đến trao cho Ngài một mảnh giấy nói rằng có điện tín từ Ủy ban Hành Chánh Nam Bộ mời Đức Thầy trở về miền Đông lập tức dự phiên họp bất thường.

Đức Thầy trả lời không thể trở về dự phiên họp được vì còn lo việc hòa giải. Chiều hôm ấy Trần văn Nguyên từ giã Ngài vào lúc trời vừa tối.

Cũng chính tối hôm ấy y theo lời hẹn, Đức Thầy xuống ghe đến văn phòng Bửu Vinh, có một liên lạc viên dẫn đường. Trời tối đen như mực, hai bên bờ lau sậy mọc um tùm khiến đêm tối Ba Răng càng thêm âm u rùng rợn.

Bằng ánh mắt từ bi, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã lướt nhìn tất cả mọi người với giọng êm dịu từ tốn, Ngài hỏi: “Có ai biết đường trở về căn cứ của mình không?” Tất cả đồng thanh trả lời: “Dạ không biết.” chỉ có ông Phan Văn Tỷ (cận vệ quân) đưa tay lên và thưa: “Bẩm Thầy con biết.” Ngài ôn tồn bảo: “Có gì khó, cứ nhắm hướng sao Cày chạy riết thì tới chớ gì.” Ngài cũng chỉ tay về hướng sao Cày cho tất cả tùy tùng của Ngài, con đường trở về căn cứ quân đội Hòa Hảo ở Phú Thành và than thở: “Hôm nay là ngày đau khổ nhứt! Ôi! Sao mà đau khổ quá vầy!”

Đến chỗ hẹn thuyền dừng lại, Bửu Vinh đến tận bờ rạch, mời Đức Huỳnh Giáo Chủ lên văn phòng làm việc của ông ta. Qua lời chào hỏi của Bửu Vinh, Ngài đã nhận ra nét gian tà, kém thành thật của hắn.

Văn phòng của Bửu Vinh đặt tại một ngôi nhà ngói lớn. Bửu Vinh và Ngài ngồi đối diện nhau trên một chiếc tràng kỷ đặt ở phòng bên ngoài. Giữa nhà là bàn thờ, hai bên là 2 miếng màn vải bông che kín cửa vào buồng trong.

Câu chuyện của vị giáo chủ và Bửu Vinh chưa kịp bắt đầu thì nhanh như chớp: 8 tên Việt gian của Bửu Vinh từ ngoài đường nhảy vào, chia cặp, kè 4 cận vệ quân của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Tiếp theo là một ám lịnh và giọng khàn hét thật to: Bắn…

Ba cận vệ quân của Ngài vì không đề phòng hành động đê hèn đánh lén của quân Bửu Vinh, nên đã bị đâm chết. Riêng ông Phan Văn Tỷ lanh trí hơn và võ giỏi nên đã lách mình cho 2 tên quân của Bửu Vinh sẵn trớn đâm vào nhau, cả hai chết tức tưởi trên vũng máu. Anh Tỷ đã dùng súng “Mi-tray-dết” bắn trả lại bọn họ, tẩu thoát trong khi Đức Huỳnh Giáo Chủ rất bình tĩnh đứng dậy thổi tắt ngọn đèn. Văn phòng trở nên tối đen.

Tiếng súng của bọn Bửu Vinh vẫn nổ liên hồi…Ba người chèo thuyền trở về căn cứ Phú Thành thông báo cho các tướng lãnh quân đội Hòa Hảo.

Cũng chính đêm ấy vào khoảng 9 giờ, tại căn cứ quân đội Hòa Hảo tại Phú Thành, tất cả anh em quân dân vẫn còn thức để trông tin của Ngài, mọi người trong tình trạng căng thẳng, sẵn sàng đem binh đi giải nguy cho giáo chủ. Họ quyết kéo quân đi tận diệt Bửu Vinh và bè lũ. Tiếng la hét, khóc ré, gào thét inh ỏi hòa lẫn tiếng tù và ngân dài ghê rợn và tiếng trống mõ, làm rung chuyển cả một góc trời.

Muôn vạn ánh đuốc bập bùng sáng rực trong đêm tối… nào thương, đao, tầm vông vạt nhọn, súng trường, súng ngắn được mang ra kín cả đường đi, bắt đầu cho việc đi tiếp cứu Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Bỗng tiếng vó ngựa dồn dập từ xa tiến gần và dừng lại. Người kỵ mã tuột nhanh khỏi lưng ngựa, hét rất to: “Ông Trần Văn Soái, ông Nguyễn Giác Ngộ đâu? đến nhận mật lịnh của Đức Thầy.” Ông Nguyễn Giác Ngộ, chi đội trưởng Chi Đội 30, ông Luật Sư Mai Văn Dậu, Đổng Lý Văn Phòng của Đức Huỳnh Giáo Chủ, cùng một số cán bộ cao cấp khác và tất cả quân dân, mọi người đang nín thở vây quanh người kỵ mã tiếp nhận lệnh của Tôn Sư:

Ông Trần văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ.

Tôi vừa hội hiệp với ông Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra tôi với ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân, còn điều tra; trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay là mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động.

Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi sẽ về sau.

Phải triệt để tuân lịnh.

Ngày 16-4-1947 9 giờ đêm. Ký tên

Ông Luật sư Mai văn Dậu đem đối chiếu chữ ký thì xác nhận là chính của Đức Thầy. Thế là mọi người phải tuân lịnh, chỉ nhìn nhau mà thở dài với niềm hy vọng cho ngày mai…Nhưng ngày mai cho đến bây giờ kể  từ đêm 25 tháng Hai nhuần năm Đinh Hợi (1947) Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thực sự vắng mặt, lặng lẽ ra đi để đổi lấy sinh mạng đồng bào, những cuộc xô xát đẫm máu giữa người cùng chủng tộc, màu da, mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thấy từ duyên nghiệp vay trả máu xương của chúng sanh trong tiền kiếp, phong thái này đã thể hiện lòng từ bi siêu thoát của đấng cứu đời giác ngộ.

Chính vì vậy mà sau biến cố 25 tháng Hai nhuần, năm Đinh Hợi (1947), toàn thể tín đồ của Ngài phải nhận chịu nhiều tang thương, chịu đựng không biết bao nhiêu cuộc đương đầu đắng cay: Nào là thực dân Pháp đàn áp, cùng sự áp bức vô lương của nhóm đảng phái vô minh, xằng bậy và sự kềm kẹp của chánh quyền trước kia cũng như trong hiện tại…Họ đã tạo mọi hình thức nầy, những tổ chức nọ, vu khống mọi hành động để có dịp giam cầm và giết chết những đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo một cách tàn nhẫn, vô lương, nhằm mục đích ngăn chận sự phát triển của Tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo.

Và cũng kể từ đêm ấy tất cả tín đồ của Ngài đã phải hết sức bình tĩnh, kiên trì để tự tồn. Chúng ta đã vì lòng quảng ái, thương yêu trong tinh thần hòa hảo mà Đức Thầy đã truyền dạy cho chúng ta, cho toàn thể chúng sanh nhân loại, để thực hành giáo lý của Tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo, để phát huy vĩ nghiệp cao dầy của Ngài đã để lại cho chúng ta trong cõi đời Hạ Nguơn mạt pháp nầy…

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô Kim Sơn Phật.

 VINH DANH 100 NĂM

NGÀY ĐẢN SANH ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ

Hôm nay, ngày 15 tháng 12 năm 2019 (nhằm ngày 20 tháng 11 năm Kỷ Hợi), chúng con, đệ tử Phật và mọi người đều cảm thấy rằng mình đã được một Phước Đức lớn, một ân sủng của Bề Trên đã sắp đặt cho chúng ta thực hiện, hình thành được cái hoài bão lớn nhứt của đời người là được sanh ra trong thời buổi đúng vào 100 năm tuổi của Đức Giáo Chủ.

Đức Huỳnh Giáo Chủ, tên tộc là Huỳnh Phú Sổ, sanh tại làng Hòa Hảo một thôn nằm trên Bắc ngạn sông Vàm Nao, thuộc Quận Tân Châu, Tỉnh Châu Đốc, ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (nhằm ngày 15 tháng 1 năm 1920).

Thân sinh là Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm. Ngài là con trưởng, con thứ là bà Huỳnh Thị Kim Biên, con út là ông Huỳnh Thạnh Mậu. Ngài đã tỏ ra khác phàm: Tánh Ngài điềm đạm, hiếu sanh, nhơn từ thương xót các loài vật, ngay khi còn bé.

Sau khi đậu bằng Tiểu học, Ngài phải thôi học vì bị bịnh hoành hành càng ngày trầm trọng, càng vàng vọt xanh xao, mặc dầu Đức Ông đã hết sức chạy chữa…Về sau, Ngài thố lộ với một tín đồ ở Bạc Liêu: “Đó là ơn trên định dọn phần xác cho tinh khiết, chẳng khác nào sút ve cho sạch trước khi đựng lấy nước trong”.

Bỗng một hôm, Ngài truyền rao khắp xóm làng:“ Nếu ai có mắc bịnh chi, cứ đem lại cho tôi, tôi sẽ trị chữa cho.” Lúc bấy giờ không ai tin, nhưng có một vài con bịnh ngặt nghèo, hết phương cứu chữa, được Ngài đã chữa khỏi bằng bông trang, bông thọ, lá cây kèm theo lời khuyên:“Rán niệm Phật và van vái ơn trên Trời Phật” vì “Thành lòng nước lã nên hồ, Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban”. Chính phương pháp dùng huyền diệu của Tiên gia để chữa trị, nên nhà của Ngài đông nghẹt khách thập phương đến trị bịnh. Song song với việc trị bịnh cứu đời, vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), tại sảnh đường Kim Sơn Tự (tư gia của Đức Ông), Ngài hoát nhiên đại ngộ, trở nên khôi ngô tuấn tú, khí phách hơn người, vượt qua bao thử thách, đứng ra làm lễ cáo Hoàng Thiên, chánh thức nhận lấy trách nhiệm của Thiên Đình tuyên bố lập đạo, cứu đời.

Ngài tiết lộ:“Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh. Tuy là nhơn dân mới rõ pháp mà tưởng rằng ta thượng xác cỡi đồng, chớ có dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu, chờ đến ngày ra trợ thế. Nên phương pháp của ta tùy trình độ cơ cảm của Tín nữ Thiện nam, trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ Đạo quy căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh, cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ-bi của Chư vị với Trăm Quan”. (bài Sứ mạng của Đức Thầy). Và kể từ đó...đất nước Việt Nam có thêm một trang sử đáng ghi nhớ mà Ngài đã cống hiến cho đời với ba sự nghiệp vĩ đại:

1/- Về mặt Đạo là tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo.

2/- Về mặt Quân sự là bộ đội Nguyễn Trung Trực.

3/- Về mặt Chánh trị là Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

Về mặt Đạo: Ngài khai sáng một tôn giáo hoàn toàn dân tộc. Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương nhập thế, học Phật tu Nhân, giữ vẹn Tứ ân, thực hành pháp môn Tịnh độ để tiến tu đến giải thoát.

Đức Huỳnh Giáo Chủ còn thuyết giảng những giáo lý cao siêu của đạo Phật...Chính phương pháp thuyết giảng của Ngài có ẩn ý thiên cơ đã thức tỉnh và thu hút hằng triệu con tim, đi theo con đường thiện lành bằng giọng êm dịu, lưu loát rõ ràng, không vấp váp, thật là:

          “Miệng nhích môi đầy văn tao nhã,

          Hạ bút thần thơ đã đề khai.”

           (bài Nàng Thơ Cẩm Tú)

Về mặt quân sự: Cuối năm 1945, khi quân xâm lược Pháp tái chiếm Sài Gòn và các tỉnh Miền Nam, Ngài đã tổ chức lực lượng kháng Pháp lấy tên là “Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc - Liên Đội Nguyễn Trung Trực”. Ngài lấy tên một vị anh hùng dân tộc kháng Pháp để làm gương cho binh sĩ noi theo, để bảo vệ dân chúng và quê hương xứ sở, cũng là phương tiện cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thi thiết hạnh Vô úy thí.

Về mặt chánh trị: Ngày 21/9/46 Đức Huỳnh Giáo Chủ công bố thành lập một chính đảng mang tên “Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng” viết tắt là Dân Xã Đảng và chính Ngài là linh hồn là lãnh tụ tối cao của đảng cách mạng này. Ngài cũng từng khuyên các anh em đồng đạo: “Tất cả tín đồ anh em, nếu thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, thương giống nòi dân tộc hãy tham gia Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng mà tranh đấu. Đây là phương tiện để anh em hành xử Tứ ân”.

Qua việc sáng lập nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tham gia các lực lượng kháng chiến và lập đảng chính trị, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chủ xướng một lúc ba cuộc cách mạng:

  1. - Cách mạng Tôn giáo.                                                            
  2. - Cách mạng Giải phóng dân tộc.                                                                                                                            3.- Cách mạng Chính trị xã hội.

Ngài đã đi trước xa thời đại. Có thể nói Ngài là vị đầu tiên đã đưa ra phương thức sinh hoạt chính trị dân chủ cho Việt Nam và đưa ra ý thức dân chủ vào hành động chính trị.

Thế rồi ngày 25 tháng 2 nhuần, năm Đinh Hợi (nhằm ngày 16-4-1947) Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thực sự vắng mặt, lặng lẽ ra đi để đổi lấy sinh mạng đồng bào, những cuộc xô xát đẫm máu giữa người cùng chủng tộc, màu da, mà Ngài đã thấy từ duyên nghiệp vay trả máu xương của chúng sanh trong tiền kiếp. Phong thái nầy đã thể hiện lòng từ bi siêu thoát của đấng cứu đời giác ngộ.

Hôm nay là ngày Đại Hỷ của toàn thể chúng sanh nhân loại, ngày kỷ niệm Đản Sanh thứ 100 năm của Đức Giáo Chủ, tất cả chúng ta là những tín đồ PGHH, thuần thành trung kiên của Ngài từ khắp nơi trên thế giới, nơi nào có tín đồ PGHH sinh sống, nơi ấy các đồng đạo đều hớn hở vui mừng, tay bắt mặt mừng, hòa nhịp đập con tim để cùng nhau mừng ngày Khánh Đản Đức Tôn Sư kính yêu…Và nơi đây trong khán phòng nầy, chúng ta đã tề tựu về đây, trong bầu không khí thật là trang nghiêm ấp áp, để cảm tạ, để dâng lên Ngài muôn triệu đóa hồng nhung ngát hương, của muôn triệu con tim “Một đời một đạo đến ngày chung thân” để mừng 100 năm tuổi của Đức Tôn Sư, mà chúng ta đều cảm thấy rằng: “Mình vô cùng có nhiều phước lớn, có nhiều duyên lành được sống ngay vào thời gian nầy, thời gian hiện hữu mừng 100 năm tuổi của Đấng Từ Bi Giác Ngộ” để tri ân pháp nhũ của Ngài đã ban rải cho chúng sanh nhân loại và cũng để thành kính m

Mong một ngày trở lại của Ngài, một ngày thật là vinh quan trong huy hoàng và trọng đại nhất.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô Kim Sơn Phật.

Ý NGHĨA NGÀY ĐẢN SANH CỦA
ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ

Hằng năm, cứ vào ngày 25 tháng 11 âm lịch là hàng triệu tín đồ PGHH từ khắp mọi nơi trên thế giới đều long trọng tổ chức Lễ Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Đức Huỳnh Giáo Chủ thế danh là Huỳnh Phú Sổ ra đời ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (nhằm ngày 15-01-1920 dl.) tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, miền Nam Việt Nam. Thân phụ mẫu của Ngài là Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm thuộc gia đình trung lưu, nhiều phúc hậu và uy tín với người dân trong vùng.

Mùa Thu năm 1939, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất Sơn (phiá Tây Nam-Việt) đặc biệt là núi Tà-Lơn (Bokor) nằm trên địa phận tỉnh Cần-Giọt (Kampot) thuộc đất Cao-Miên, giáp giới Hà Tiên, Ngài hốt nhiên tỏ ra đại ngộ. Và ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (nhằm ngày 4 tháng 7 năm 1939 dl.), Ngài chánh thức khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, một nền Đạo dân tộc đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong xã hội miền Nam và đóng một vai trò vô cùng quan trọng không những trong sinh hoạt tín ngưỡng mà còn trong lịch sử đấu tranh của Dân tộc. Đúng như lời Ngài viết trong bài “Thay Lời Tựa” (tức Sứ mạng của Đức Thầy): “Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, vì thời cơ đã đến, lý Thiên Đình hoạch định…” hoặc “Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh…Ta chuyển kiếp đã từ lâu chờ đến ngày ra trợ thế”. Vì vậy, việc giáng sanh của Ngài không phải do ngẫu nhiên mà là do sự sắp xếp từ nơi Thiên đình thượng giới, như lời Ngài tiết lộ:

                          “Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn.

                            Khắp Hạ giái truyền khai Đạo pháp.”

                                (bài Diệu pháp Quang minh)

Hay:

“Ta vì vưng sắc lịnh Ngọc Tòa,
Đền Linh Khứu sơn trung chịu mạng.”
(Q.4 - Giác Mê Tâm Kệ)

Hoặc là, ngay thế danh Huỳnh Phú Sổ của Ngài cũng lộ chút huyền cơ trong đó: Đấng Tối cao của Tạo hóa là Hoàng Thiên (Hoàng cũng là HUỲNH) đã ban xuống cho chúng ta (tức là PHÚ cho) một đấng anh hùng bậc nhất (từ trên ban xuống là gạch SỔ) điều nầy gần như linh nghiệm với câu Sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sau đây:

                              “Thiên sinh đệ nhứt anh hùng,

                             Cứu dân độ thế, trừ hung diệt tà.”

Cả thân thế và sự nghiệp Chánh trị “vùa dân giúp nước” cùng vĩ nghiệp mở Đạo độ Đời của Ngài đã được cụ Trạng Trình tóm gọn vào một câu lục bát thật súc tích và vô cùng tuyệt diệu.

Rõ ràng, như lịch sử thường chứng nhận: Trong những hoàn cảnh xã hội băng hoại, nhơn tâm ly tán, thế Đạo suy đồi, lòng người hung ác, mê muội bạo tàn…chính là lúc Đấng Cứu Thế giáng trần để dìu dắt nhơn dân, cải ác tùng lương, chấn chỉnh luân thường đạo nghiã. Giống như cách đây 2563 năm, xã hội Ấn Độ phân chia giai cấp trầm trọng, tà đạo hoành hành, tín ngưỡng hỗn man, làm cho tâm trí con người điên đảo. Trong bối cảnh tối tăm như đêm không trăng sao đó, Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện đem ánh Đạo nhiệm mầu soi sáng thế gian, ban rải đức Từ bi Bác ái cứu vớt chúng sanh khắp nẻo.

Tại Trung Đông hơn 600 năm sau đó, trong một xã hội rối loạn, hung ác và tội lỗi, Đức Chúa Jésus đã giáng sanh, đem tình thương, công lý giải thoát con người và treo gương hy sinh cao cả trên thập tự giá để cứu rỗi Nhơn loại.

Vào thời Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm cũng vậy, xã hội Việt Nam đang trong tình trạng băng hoại, đạo đức suy đồi, nhơn tâm ly tán, thảm họa chiến tranh lan tràn. Đặc biệt, đất nước ta bị đặt dưới sự đô hộ nghiệt ngã của Thực dân Pháp làm cho dân tộc phải điêu linh, thống khổ chịu bao nỗi áp bức, bất công, sống trong cảnh tối tăm, cơ cực…Sự ra đời của Ngài vào lúc nầy chính là để “Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh” vậy.

Theo quyển “Phật Học Phổ Thông” (Q. Một) của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, cho biết “khi nói đến sự hiện diện của Đức Phật trong cõi đời nầy, người ta thường dùng chữ Đản Sanh. Đản Sanh nghĩa là một sự ra đời vui vè, làm hân hoan, xán lạn cho cõi đời.”

Rõ ràng, người tín đồ PGHH đều tin tưởng Đức Huỳnh Giáo Chủ là vị hoạt Phật với hồng danh là Kim Sơn Phật đã lâm phàm, mở Đạo cứu Đời đem lại an vui cho vạn dân bá tánh trong thời Hạ nguơn mạt pháp.

Thoạt tiên, là công việc chữa bịnh độ đời. Ngài đã chữa lành được hàng vạn chứng hiểm nghèo như bịnh tà, bịnh suyển, bịnh phong, bịnh dịch, bịnh dư ruột…chỉ bằng phương pháp chữa trị thật đơn giản như giấy vàng, nước lã, lá xoài, lá ổi, lá mít, bông trang …khiến cho các bác sĩ Tây y, các dược sĩ Đông y lẫn các danh gia phù thủy đều phải kinh dị, nhất là quần chúng nơi nơi hết lòng ngưỡng mộ. Từ đó, họ bắt đầu tin tưởng Phật Trời, nghe Pháp và quy y theo Đạo, như Ngài đã viết:“Nên phương pháp của Ta tùy trình độ cơ cảm của Tín nữ Thiện nam, trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ Đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư vị với Trăm Quan…” Đích thị, Ngài chính là vị hoạt Phật hoặc Đại Bồ Tát hóa hiện xuống trần để mở Đạo độ Đời.

Song song với việc chữa bịnh, Ngài trổ tài thuyết pháp thao thao bất tuyệt làm cho các văn gia thi sĩ hoặc luật gia nghe tiếng, đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu phàm, xuất chúng.

 Đồng thời, Ngài còn sáng tác rất nhiều quyển Sấm giảng và hàng trăm bài Thi văn Giáo lý, nội dung tiên tri chiến cuộc sẽ tràn lan (điển hình là Thế chiến thứ nhì 1939-1945), nhân loại sẽ điêu linh và kêu gọi mọi người nên làm lành lánh dữ, thực hành TỨ ÂN, trau dồi Thiền Tịnh, Học Phật Tu Nhân để trở thành thiện nhân trong xã hội, tiến đến sự nhập diệu của cõi Đạo.

Giáo pháp của Ngài tuy cao siêu nhưng rất thực tế, có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào và bất cứ ai cũng có thể phụng hành. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được gần hai triệu tín đồ tại miền Nam Việt Nam và ảnh hưởng mỗi lúc càng lan rộng thêm ra. Quả là:

“Miệng nhích môi đầy văn tao nhã,

Hạ bút thần thơ đã đề khai.”

(bài Nàng Thơ Cẩm Tú)

Tóm tắt, chỉ trong vòng không đầy 8 năm, từ ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Đạo PGHH (18/5 năm Kỷ Mão -1939) cho đến ngày Ngài vắng mặt tại Đốc Vàng hạ (25 tháng Hai nhuần, năm Đinh Hợi -1947) Ngài đã để lại cho đời:

 - 5 quyển Sấm giảng (gồm các quyển: Sấm giảng khuyên người đời tu niệm, Kệ dân của người Khùng, Sám giảng, Giác Mê tâm kệ, Khuyến thiện, tổng cộng 3.254 câu thơ, viết theo thể Lục bát và Thất ngôn).

- 1 quyển Hướng dẫn Cách tu hiền và Sự ăn ở của một người bổn đạo (viết theo lối văn xuôi nhưng lời văn lưu loát, âm hưởng khéo dùng nên có nhiều đoạn đọc lên như khúc nhạc khi bổng lúc trầm…)

 - 1 Sưu tập Thi văn Giáo lý (sách dầy hơn 350 trang, gồm có gần đủ loại thơ ca như Thất ngôn bát cú, Tứ tuyệt, Ngũ ngôn, Lục bát, Thất ngôn trường thiên, Song thất lục bát, Tứ ngôn và một số bài biến thể. Nội dung là để dạy riêng một người hay đáp họa với một người khác, hoặc để cảnh giác, hoặc để khuyến tu…Tựu trung, nhứt nhứt đều có bao hàm một giáo nghĩa siêu mầu mà cho dẫu không phải người trong cuộc, đọc đến cũng đều có lợi ích cho sự tu hành).

Ngoài ra, Ngài còn không biết bao nhiêu lần thuyết pháp cho bổn đạo cùng thập phương bá tánh và nếu cộng với 107 lần chu du Khuyến nông sau nạn đói năm Ất Dậu 1945 (tại miền Bắc), có thể nói Ngài đã trải qua cả ngàn lần khuyến thuyết quan trọng với hàng ngàn đề tài khác biệt. Và cũng chính nhờ vậy mà người mộ đạo quy căn ngày càng đông thêm không xiết kể, khiến cho hàng triệu người ngộ đạo đã quay về với chân tính, tự tâm.

Thế rồi, từ một Giáo chủ của một Tôn giáo thuần túy Việt Nam trong tay có 2 triệu tín đồ trung kiên luôn kính Thầy trọng Đạo, Ngài dấn thân vào trường chánh trị bằng những bước chân thật vững vàng giữa lúc tình hình nước nhà đang hồi đảo điên, nghiêng ngữa. Những cố gắng liên tục và không ngừng nghỉ của Ngài trong suốt 2 năm (1946-1947) chỉ nhằm tranh đấu cho đất nước Việt Nam sớm thoát khỏi ách nô lệ của Thực dân Pháp, của Phát-xít Nhựt và mưu cầu cho dân tộc Việt Nam được hoàn toàn Tự do và Độc lập.

Tóm lại, nếu Đức Phật Thích Ca sanh làm con người bình thường để nêu cho chúng sanh thấy tiến trình của sự tu hành hầu tìm cho chúng sanh con đường giải thoát, thì Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng sống như một người bình thường, cũng chịu đựng bao nhiêu điều đau khổ của bá tánh, cũng trải qua những áp bức của người dân bị trị, cũng đích thân dũng cảm xông vào đời, vào cách mạng, vào kháng chiến để giải thoát chúng sanh và giải thoát quê hương đất nước. Ngài đã đem Đạo vào Đời, đem Phật pháp truyền vào cuộc sống thường nhựt, khiến cho giáo lý siêu mầu của Đức Phật trở nên gần gủi, phù hợp với đặc tính Quốc gia Dân tộc và con đường tu tập Học Phật Tu Nhân trở nên giản dị, ai cũng có thể thực hành. Chính vì vậy, Phật Giáo Hòa Hảo được đón nhận như là một Tôn Giáo Dân Tộc, tiếp nối truyền thống Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An đã xuất hiện từ năm 1849.

Sự đản sanh của Ngài không những là ngọn đuốc giương cao sáng ngời trong đêm đen của lịch sử và trong sự ám u, mờ mịt của chúng sanh, mà còn nêu lên tấm gương trong sáng về cuộc đời Hành Đạo và Cách Mạng của một con người Việt Nam chân chánh. Với vĩ nghiệp hoằng dương Chánh pháp, với tinh thần yêu nước thương dân nồng nàn, tha thiết, vớí “lòng từ ái chứa chan thương bách tính đang hồi tai họa”, Đức Huỳnh Giáo Chủ không những sống mãi trong niềm kính yêu ngưỡng vọng của toàn thể tín đồ PGHH mà còn mãi mãi trường tồn trong dòng Lịch sử Dân tộc.

Ngày hôm nay, chúng ta tề tựu về đây hân hoan Kỷ niệm Đại lễ Kính mừng ngày Đản sanh lần thứ 100 của Ngài nhằm biểu tỏ tấm lòng “tôn Sư trọng Đạo”, và với quyết tâm “giữ Đạo chờ Thầy” không bao giờ lay chuyển. Mỗi người chúng ta nên tự hào và hãnh diện vì được trưởng thành bằng pháp nhũ của Giáo lý PGHH suốt hơn 80 năm qua và đặc biệt là được ân sủng của Tổ Thầy để có mặt trong ngày Đại lễ trọng đại nầy mà thế hệ trước đây không thể nào có được.

Xin kính cẩn tri ân Trời Phật đã ban cho nhân loại một vị cứu thế tại miền Nam Việt Nam là Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Xin thành kính tri ân Đức Tôn Sư đã dày công mở Đạo cứu Đời, dìu dắt hàng triệu tín đồ thoát Mê về Giác lần tìm đến bến bờ An lạc.

Nguyền ghi tâm tạc dạ và phụng hành theo những lời giáo huấn cao cả của Ngài để trở nên những thiện nhân, những người con Trung Hiếu vẹn toàn hầu có mặt trong ngày Long Hoa Đại Hội, sống đời Thượng Nguơn Thánh Đức.

Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo và oai linh Tổ Thầy luôn gia hộ cho Thế giới hòa bình, chúng sanh thoát khỏi nạn tai và nhà nhà đều an vui, hạnh phúc.

  Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

 Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô Kim Sơn Phật.

ĐỨC THẦY CHƯA BAO GIỜ VẮNG MẶT

Tâm bất động thì thân bất động, trí tuyệt đối sáng suốt.
Tâm bất động, trí sáng suốt điều khiển cả lục phủ ngũ tạng, chủ động mọi hành động đi đứng nằm ngồi. Đi đứng nằm ngồi trong tâm không. Hành xử tự do không bị ảnh hưởng bởi các giác quan, vì tâm do ta chủ trì với nội lực được tập trung củng cố đầy đủ.

Lúc đó ta muốn làm gì thì làm không bị run sợ bởi người hay bởi ta, do sự sợ hãi đe dọa.

Sự sợ hãi chỉ hiện diện khi ta khiếp nhược, chưa biết mình nên và không nên làm gì. Khi ta biết rõ việc mình làm, đường mình đi, tất sẽ không hề sợ hãi, không vướng bận, vướng mắc, e dè, run sợ.

Muốn làm điều gì, ta phải dũng cảm bước ra ánh sáng. Trước nhất là ánh sáng của NỘI TÂM. Đó là ngọn đuốc soi đường. Khi ánh sáng nội tâm là bó đuốc soi đường thì mọi hành động là một quyết định sáng suốt. Mỗi bước đi là một sự vững vàng bất thối bất chuyển. Chỉ có tiến chứ không lui.

Ta bước đến đâu đều có thể trực diện, dù cho đó là đám đông, hay trước những kẻ có quyền uy, có khả năng lấy cả mạng sống của ta. Nếu họ có đụng đến ta, thì chỉ diệt được thể xác chứ không thổi tắt được ánh đuốc tâm linh hay trí tuệ của ta được.

Người tu phải có trí tuệ soi đường. Trí là để biết khi nào đúng cho hoàn cảnh nào và khi nào sai trong hoàn cảnh nào, chớ không phải trí cho mưu trí, dùng sự khôn ngoan tinh xảo của mình để lợi dụng hoặc hãm hại người khác hầu mưu lợi cho mình hoặc phe nhóm, tôn giáo của mình.

Làm việc đạo phải minh bạch và sống đạo. Sống đạo đây không phải là sống đời tu sĩ, mà sống đạo là sống sao cho đúng với lương tâm, dù cho người biết hay không biết. Người càng không biết càng tốt cho ta, vì Sống Đạo Thật Sự là sống KÍN. Thật kín chứ không nửa kín nửa hở. Tức không phải kín để cho rằng mình tu thật, hoặc hở là để cho người khâm phục mình.

Sống như nửa kín nửa hở là còn Giả Đạo. Và còn giả đạo là còn giả dối và mọi việc làm là chỉ giả nhân giả nghĩa, chẳng có một chút giá trị gì về sự tu tập. Tu như thế sẽ đi đến vô minh, vay mượn, chứ không thể nào biết được cái Biết Thật.

Cái biết thật là sự bí mật của vũ trụ, biến chuyển không ngừng theo sự vận hành của kim mộc thủy hỏa thổ. Sự vận hành đó làm cho thế giới, con người, và vạn vật thay đổi không ngừng, một cách bất định theo tư tưởng tốt xấu của con người có làm trong sạch hay ô nhiễm bầu khí quyển.

Sự ô nhiễm trần trược hay trong sạch thánh hóa ảnh hưởng nặng đến sự vận hành của các vì tinh tú, trong đó có trái đất.

Trái đất càng ô nhiễm bệnh tật chiến tranh càng tràn lan dẫn đến thiên tai, do sự bất quân bình khởi phát từ chính thân tâm trí của con người.

Hành tinh địa cầu sẽ bị hủy diệt nếu con người không biết thay đổi để chuyển cơ trời.

Tình thương phải được phổ biến để chuyển hóa hận thù, tàn ác của con người.

Làm sao để phổ biến tình thương và đánh động được lòng người?

Đó không phải là một điều dễ làm, vì  trên thực tế bao nhiêu người đã cố gắng làm, nhưng hiện tại sự thù hận tại Việt Nam vẫn ngút ngàn, bao nhiêu linh hồn oan ức vẫn còn chưa được hóa giải để chuyển qua nghiệp lành.

Làm sao để hóa giải oan khiên của bao linh hồn tử vì đạo, vì đất nước dân tộc? Bầu khí uẩn ức vẫn còn bao phủ cả bầu trời Việt Nam, của cả hai giới hữu lẫn vô.

Hữu ở đây không có nghĩa là quốc gia, mà vô ở đây không mang nghĩa là cộng sản. Hữu ở đây là hữu thần, là người có đức tin; còn vô ở đây là vô thần, là kẻ không có niềm tin, không có định hướng. Họ là những linh hồn đau khổ chất chứa thù hận rất khó giải thoát và chuyển sang nghiệp lành. Những linh hồn có niềm tin có hướng đi, có thể tự tu tự tiến hầu chuyển nghiệp trong thời gian ngắn hay dài tùy theo sự thức giác của linh hồn họ.

Phật Giáo Hòa Hảo cần người lãnh đạo để phát triển mạnh hơn, tạo hữu ích cho Việt Nam, vốn đang cần vươn mình chuyển hóa sự cộng nghiệp vẫn còn đầy thù hận đau khổ.

Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, Nga đã chuyển nghiệp. Tại sao Việt Nam ta cứ mãi ì ạch sau chân người? Làm thế nào để giới lãnh đạo, trí thức vả quyền lực còn vị kỷ tham lam dược thức tỉnh?

Họ chỉ thức tỉnh khi họ biết sợ, sợ vào đấng Tối  Cao, sợ vào nghiệp quả. Họ phải thấy thiêng liêng mầu nhiệm thật sự, có xảy ra trước mắt họ. Họ không sợ sự đe dọa vì họ bám víu vào hai chữ vô thần – cho dù có sự nghi ngờ sâu trong tâm khảm. Đến khi phải trực diện với sự mầu nhiệm của thiêng liêng rồi họ mới chịu khuất phục thay đổi.

Người Việt Nam và tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cần biết rằng: Đức Thầy chưa bao giờ vắng mặt.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô Kim Sơn Phật.

THT SƠN MU NHIỆM:

CHƯ PHT & B TÁT LÂM PHÀM

Trong các bộ Kinh Phật thường nhắc đến sự xuất hiện của chư Phật, Bồ Tát và Thánh chúng xuống trần gian để hoằng hóa, cứu vớt chúng sanh, và thể hiện sự hóa thân của các Ngài như là các chứng minh về phép thần thông của bậc đắc đạo.

Đây là những ân sủng của Bên Trên, và các vùng đất nhận được ân điển này thật đầy may mắn, đồng thời cũng phải đáp ứng dược một số yêu cầu của Bề Trên về căn cơ và đạo  hạnh. Thật là vạn hạnh cho miền Nam Việt Nam nhỏ bé nghèo khổ của chúng ta liên tục nhận được bao nhiêu sự lâm phàm của Chư Phật-Bố Tát-Thánh chúng.

Khởi đi, chúng ta hãy cùng tìm hiểu vài đoạn Kinh Đại Thừa về Tịnh Độ Tông, trong đó có đoạn nói đến rõ rệt về sự kiện Chư Vị lâm phàm. Đó là phẩm Tùng Địa Dũng Xuất.

  1. TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT

Tùng Địa Dũng Xuất, Phẩm thứ 15 trong Kinh Pháp Hoa, là một phẩm cao siêu vi diệu làm rúng động thiên nhân tâm, hiển lộ sức mạnh vô biên của Phật Pháp. Trong vũ trụ bao la bất tận này, Nhân Thiên Địa vốn dĩ cùng một cội nguồn, một bản tánh, chỉ khác nhau có thanh tịnh chân như và động loạn cấu trược. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã hé lộ cho loài người thấy Chân Lý mầu nhiệm đó qua Phẩm Kinh vi diệu, vĩ đại, bất khả tư nghì, thuộc Bộ Kinh được tôn kính và yêu quý nhất “Diệu Pháp Liên Hoa.” Phẩm này có phần liên quan đến Thất Sơn mầu nhiệm. Xin được đăng nguyên văn dưới đây một trích đoạn để Phật tử chúng ta cùng tôn vinh lòng từ bi vô hạn của Đức Phật Thích Ca đối với loài người:

“[Sau khi Phật thuyết xong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhiều vị Đại Bồ Tát xin hộ trì Kinh này.] Khi đó Phật bảo các chúng đại Bồ Tát: "Thiện nam-tử! Thôi đi chẳng cần các ông hộ-trì kinh này. Vì sao? Vì cõi Ta-bà của ta tự có chúng đại Bồ Tát số đông bằng số cát của sáu muôn sông Hằng. Mỗi vị Bồ Tát có sáu muôn hằng-hà-sa quyến-thuộc, những người đó có thể sau khi ta diệt-độ hộ-trì đọc tụng rộng nói kinh này".

“Lúc Phật nói lời đó, cõi Ta-Bà trong tam-thiên đại-thiên cõi nước đất đều rúng nứt, mà ở trong đó có vô-lượng nghìn muôn ức vị đại Bồ Tát đồng thời vọt ra. Các vị Bồ Tát đó thân đều sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng tốt cùng vô-lượng ánh-sáng, trước đây đều ở dưới cõi Ta-Bà này, cõi đó trụ giữa hư-không. Các vị Bồ Tát đó nghe tiếng nói của đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật nên từ dưới mà đến. Mỗi vị Bồ Tát đều là bậc đạo thủ trong đại chúng, đều đem theo sáu muôn hằng-hà-sa quyến-thuộc, huống là những vị đem năm muôn, bốn muôn, ba muôn, hai muôn, một muôn hằng-hà-sa quyến thuộc. Huống là nhẫn đến những vị đem một hằng-hà-sa, nửa hằng-hà-sa, một phần hằng-hà-sa, nhẫn đến một phần trong nghìn muôn ức na-do-tha phần hằng-hà-sa quyến-thuộc. Huống là những vị đem nghìn muôn ức na-do-tha quyến-thuộc, huống là đem muôn ức quyến-thuộc, huống là đem nghìn trăm muôn nhẫn đến một muôn, huống là đem một nghìn, một trăm nhẫn đến mười quyến thuộc, huống là năm, bốn, ba, hai, một người đệ-tử. Huống lại là những vị riêng một mình ưa hạnh viễn-ly, số đông vô lượng vô-biên dường ấy, tính đếm thí-dụ chẳng có thể biết được…”

  1. THẤT SƠN MẦU NHIỆM:

Đoạn Kinh trên có liên hệ gì đến Phật giáo Việt Nam và Đức Huỳnh Giáo chủ? Rất nhiều, và có thể là rất sâu xa mà nếu chưa đủ trình độ chứng nghiệm Phật tử chúng ta khó lòng hiểu trọn. Có thể trong cảnh tượng đó có hàm chứa cả sự xuất hiện của vô số những vị Bồ Tát và Thánh chúng riêng một góc trời miền Nam Việt, đặc biệt là vùng Thất Sơn mầu nhiệm. Đây là một vùng đất địa linh nhân kiệt được rất nhiều vị tiền nhân và các nhà nghiên cứu cận đại và hiện đại đề cập đến, qua các truyền thuyết, lịch sử, và khảo luận. Tuy nhiên, vấn đề tâm linh còn siêu việt qua sự khám phá, hiểu biết, và truyền đạt của loài người. Ở đây không đi sâu vào chi tiết về hằng hà sa số những vị đắc đạo tương truyền, chỉ xin đề cập qua những danh vị sáng giá trong lịch sử cận đại và hiện đại. Trong đó, có hai trường hợp đặc biệt nhất, lẫy lừng nhất, đó là Đức Phật Thầy Tây An và Đức Thầy Huỳnh Giáo chủ.

ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN & BỬU SƠN KỲ HƯƠNG:

Bửu Sơn Kỳ Hương là một tôn phái  được khai sáng vào năm 1849 do Đức Phật Thầy Tây An, thế danh Đoàn Minh Huyên (1807-1856), đạo hiệu là Giác Linh, quê ở làng Tòng Sơn, tỉnh Sa Đéc. Sau này, khi ngài đến tu tại chùa Tây An (núi SamChâu Đốc) thì được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thấy Tây An.

Năm 1849, ở Nam Kỳ xảy ra vụ mất mùa và đại dịch (kéo dài đến 1850), đã làm nhân dân lâm vào cảnh cùng cực, khổ đau và chết chóc, ngài từ Tòng Sơn vào Trà Bư, rồi đến vùng Kiến Thạnh trổ tài trị bệnh cho dân. Từ chỗ chữa trị bệnh có kết quả, ông dìu dắt được nhiều bệnh nhân và người thân của họ nghe theo những điều răn dạy của ngài. Thấy người tin theo ngày một đông, nên ngay năm 1849, ngài đã sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ & PHẬT GIÁO HÒA HẢO:

Đức Huỳnh Giáo chủ, thường được gọi tôn kính là Đ1ưc Thầy, thế danh là Huỳnh Phú Sổ,  sinh năm Kỷ Mùi 1920 tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Thuở nhỏ ông thông minh, học hết bằng sơ học yếu lược Pháp - Việt nhưng hay bị đau ốm nên đành bỏ dở việc học. Trong một lần lên núi Sam (thuộc Bảy NúiAn Giang), tiếp xúc với phái Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, ông luyện chí tu hành. Năm 1937, ông về làng chữa bệnh cho dân, và viết Sấm Giảng Khuyên người đời tu niệm (1939).

Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, 1939, ông Huỳnh Phú Sổ tuyên bố khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo, khi ấy ông chỉ mới 19 tuổi. Chỉ trong một thời gian ngắn số tín đồ và ảnh hưởng của ông càng ngày càng gia tăng và trở thành một phong trào tín ngưỡng mạnh mẽ. Phật giáo Hòa Hảo do Đức Thầy sáng lập khi đó có khoảng hơn hai triệu tín đồ, phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tôn phái tiếp tục phát triển cho đến nay, mặc dù Đức Thấy đã vắng mặt từ năm 1947, qua các biến cố chiến tranh và chính trị.

  1. TỊNH ĐỘ TRONG BỬU SƠN KỲ HƯƠNG VÀ PHẬT GIÁO HÒA HẢO:

Cả hai tôn phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo có rất nhiều chủ trương giống nhau: Tu nhân học Phật. Phật giáo giản lược cho người cư sĩ, giản dị hóa việc thờ tự… Đặc biệt là cùng chủ trương Tịnh Độ và Thiền Tịnh, tức là lấy pháp môn niệm Phật làm cơ sở, thêm vào đó là Thiền Tịnh song tu hầu dẫn đạo cho hành giả thăng hoa phát triển tu học.

Đặc điểm Tịnh Độ này trùng khớp với sự chỉ dạy trong Kinh Pháp Hoa trong vai trò hộ trì Kinh Pháp Hoa của chư vị Bồ Tát bản địa (phẩm Tùng Địa dũng xuất bên trên) khi hằng hà sa số Bồ Tát tại địa phương truyền dạy và phò trì cho pháp môn niệm Phật A Di Đà.

Xét về mặt lịch sử, Kinh Pháp Hoa được Phật Thích Ca giảng vào lúc cuối đời, trên núi Linh Thứu, sau đó được kết tập vào khoảng năm 200 trước Công nguyên. Bản dịch Hoa ngữ đầu tiên do ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa) thực hiện vào năm 286. Sau đó Tịnh Độ tông được thành lập và phát triển mạnh tại Nhật bản và Trung quốc, Hàn quốc khoảng thế kỷ thế kỷ 12 trở đi. Chưa rõ du nhập và phổ biến tại Việt Nam từ khi nào. Bản dịch Việt ngữ trọn vẹn và thông dụng nhất (cho đến nay) do Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014) mãi đến khoảng năm 1950 mới xuất hiện.

Nếu xét về tình trạng tôn giáo tại Việt Nam, nhất là tại miền Nam Việt, vào thời Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo, dân chúng đa số theo phép thờ tự tổ tiên, về mặt Phật giáo nặng về hình thức tụng niệm thờ cúng vào các đám tang chay hay ngày lễ lạc, ít người tu hành đúng ý nghĩa Phật Pháp. Sự đóng góp cải cách tôn giáo và phổ biến Phật Pháp phù hợp với nhân sinh của các vị Phật Thầy Tây An và Đức Thầy  cùng bao nhiêu vị Thánh Tăng Việt Nam khác quả là một công trình lớn lao cho Phật Pháp và Phật tử Việt Nam. Đúng với hình ảnh bất khả tư nghì với hằng hà sa số các vị Đại Bồ Tát bản địa từ dưới đất xuất hiện bay lên không trung, hộ pháp cho Đức Phật thuyết kinh Pháp Hoa trên núi Linh Thứu, hơn 2500 năm trước.

  1.  ĐI TÌM ĐỨC THẦY QUA LỊCH SỬ VÀ SẤM GIẢNG

Đây là một câu hỏi thường xuyên đặt ra, vì sự xuất hiện hi hữu, sự nghiệp lẫy lừng, rồi sự biến mất đột ngột của ngài. Cho đến nay, có rất nhiều giả thuyết và cố gắng giải đáp cho câu hỏi này. Trên thực tế, làm sao có thể giải thích được sự hóa thân hoặc danh tính của một Ân Trên, cho dù vị đó có tự xưng danh hay định vị? Ngoại trừ các vị đạt đến trình độ giác ngộ và nhận chân được Sự Thật, hầu hết câu trả lời đều đặt trên niềm tin, và sự suy diễn.

Sấm Giảng là một phương tiện lớn tạo căn cứ cho các sự suy diễn về chân tướng của ngài. Đã 80 năm sau kh Sấm Giảng xuất hiện, nhiều sự kiện trong đó đã được chứng thực qua thời gian. Ngày nay, con đường hiểu biết đã rộng mở hơn nhiều, nếu nghiên cứu thật kỹ lưỡng có thể nhận ra một số chỉ dấu giúp chư vị hành giả chân tu hoặc học giả điêu luyện tìm được giải đáp cho hai câu hỏi lớn nhất về vị giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo:

Có phải Đức Thầy là hóa thân của Phật Thầy Tây An?

Một thầy ba tớ trong Sấm Giảng là những vị nào?

Hóa thân không phải là chuyện hoàn toàn xa lạ hay bất khả trong Phật giáo. Theo thuyết lý Phật giáo, người thường không tu tập vẫn có khả năng đầu thai chuyển kiếp để tiếp tục chuyển hóa trong sự vòng luân hồi tu tập tiến hóa của mình. Chư vị Bố tát từ hàng Bát địa đắc thần thông làm chủ sinh tử có thể hóa thân như ý để hành đạo, hoằng hóa. Có thể đa số Phật tử nắm bắt ý niệm trên, nhưng hấu hết cảm thấy thiếu thốn các chứng nghiệm. Hay nói cách khác, chúng ta chưa đủ trình độ để nắm bắt và xác tín. Phải chăng vì thế, Đức Thầy đã cho chúng ta cơ hội để mở mắt, chứng nghiệm một trường hợp hóa thân vô củng siêu diệu ngay trên đất nước nhỏ bé nghèo khổ của mình.

TRUYN THNG HÓA THÂN CA

CÁC LT MA TÂY TNG

Nói về phần hóa thân, trong khoảng vài thập niên gần đây, khi Phật giáo Tây tạng vì quốc nạn tung ra khắp bốn phương trời, thế giới có phương tiện để học hỏi về vấn đề các hóa thân của các vị Lạt ma Tây tạng, nhất là các đời Đạt lai Lạt ma. Chúng ta có thể tìm hiểu qua hầu có cơ sở đối chiếu.

Hóa thân, ng thân, Tái sanh, (hay Chu-cô, theo tiếng Tạng là Tulku) tiếng Phạn là Nirmãnakãya, tiếng Anh là Reincarnated body. Đây là chỉ hiện tượng đặc thù thường thấy xuất hiện tại Tây tạng và Mông cổ. Tương ứng với từ “Ứng thân” trong Phạn ngữ “Nirmãnakãya”. “Chu cô” bắt nguồn từ Mông cổ “Khutukhtu” (Hồ đồ Khắc đồ), có nghĩa là “Minh tâm kiến tính, sanh tử tự chủ”.

Truyền thống Phật giáo Tây tạng dùng từ này chỉ các dòng  tái sanh (Jãtimãla) và các vị  tái sanh, tức là chết không quên bản tính, và đầu thai trở lại tiếp nối chức vị và nhiệm vụ hoằng hóa thuở trước. Quan điểm này do đệ nhị Cát Mã Ba, Cát Mã Ba Hi (Karmapa Karma Pakshi) (1204-1283) phát hiện tại Tây tạng. Kinh điển Đại thừa xem các vị Bồ Tát Bát địa có khả năng  tái sanh. Các vị  tái sanh được dân Tây tạng xem như “Hoạt Phật”. Có bốn dòng Chu cô chính: Đạt lai Lạt ma (Dalai Lama) giáo chủ dòng Cách lỗ (Gelugpa), Cát Mã Ba (Karmapa) giáo chủ dòng Ca Nhĩ cư (Kagyupa), Đôn Châu (Dujom) giáo chủ dòng Ninh mã (Nyingmapa), và Tát Ca Ba (Sakyapa) giáo chủ dòng Tát ca (Sakya).

Phương pháp của các vị Đại sư Tây tạng đi tìm Hóa thân nằm trong Mật pháp của Mật tông. Các vị thiền sư Mật tông sẽ họp sức nhau để truy tìm tung tích của một vị Đại Lạt ma vừa từ trần, xem vị đó đi về đâu, và cùng nhau đón rước đưa về tu tập cách riêng để phục vị.

HIỆN TƯỢNG HÓA THÂN TRONG

PHẬT GIÁO VIỆT NAM:

Phật giáo các nước khác, bao gồm cả Việt Nam vốn tương đối ít đề cập đến sự kiện hóa thân như một truyền thống này. Nếu nghiên cứu ở từng quốc gia và các tôn phái, có thể là họ vẫn có nhưng không công khai rầm rộ, vì không có một hệ thống yểm trợ - phần lớn có liên hệ đến chính trị. Người Tây tạng vốn rất trọng tín ngưỡng, theo chế độ tập trung thần quyền và thế quyền vào tay các vị đại Lạt ma, nên việc truy tầm người  tái sanh vốn dĩ có ưu thế và phương tiện hơn, đồng thời gây nhiều sức ảnh hưởng hơn.

Phật giáo là Đạo Giác ngộ; và giác ngộ thường đi đôi với cô tịch và tĩnh lặng. Tuy trong trường phái Đại thừa, các vị đại Bồ Tát thường hóa sanh độ đời nhưng rất hiếm thấy việc minh chứng sự tái sanh đó, đồng thời, nhìn qua lịch sử, các vị này thường âm thầm đến lặng lẽ đi.

Đặc biệt tại Việt Nam, việc tái sanh hay hóa thân được trường phái Bửu Sơn Kỳ Hương / Phật giáo Hòa Hảo thường xuyên nhắc nhở. Một phần vì các sự kiện lịch sử liên tục diễn ra với những vị tăng sĩ – anh hùng dân tộc đã hy sinh đóng góp rất nhiều cho đạo pháp và dân tộc. Một phần vì có những sự trùng khớp trong các mảnh đời, cá tính, năng lực, tư tưởng, hành vi, sự xuất hiện và biến hóa thần bí của các nhân vật này. Thử duyệt qua vài trường hợp nổi bật.

 * Trước tiên là Đức Phật Thầy Tây An (1807-1856) Ngài đã sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, năm 1849, với tôn chỉ và phương pháp hành đạo rất đơn giản. Mới đầu qua các hình thức chữa bệnh, đồng thời rao giảng đạo. Quan tỉnh An Giang nghi ngờ là gian đạo sĩ, hoạt động chính trị nên bắt giam, nhưng xét không có bằng chứng phải thả tự do. Song ngài bị buộc phải quy y theo đạo phật (phái Lâm Tế) và tu tại chùa Tây An, dưới chân núi Sam (Châu Đốc). Từ đó, được người dân tin tưởng gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An.

Các đệ tử và những vị nối truyền lừng lẫy của Phật Thầy Tây An đều được xem như các vị đã đắc pháp quả. Dưới đây xin đơn cử vài trường hợp liên hệ đến Phật Thầy và Sấm Giảng:

* Ông Cử Đa: Tên thật Nguyễn Thành Đa hay Nguyễn Đa (? - ?), đạo hiệu là Ngọc Thanh hay Chơn Không, Hư Không. Sau khi kháng Pháp ở miền Nam Việt Nam thất bại, ông bỏ đi tu. Khoảng năm Ất Tỵ (1895), khi tuổi đã 45, ông mới tầm sư học đạo, lưu lạc nhiều nơi trong tỉnh Châu Đốc. Ngày 14 tháng 3 năm Bính Thân (1896), ông thí phát quy y, hiệu là Ngọc Thanh, tu tại điện Bồ Hong (đỉnh núi Cấm), rồi được tôn sư đưa lên ở Trung Tòa, trên núi Tà Lơn.

* Phật Trùm (? - 1875) tên thật: Tà Pônh, người Việt gốc Khmer, ở ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông được tín đồ các giáo phái Bửu Sơn Kỳ HươngTứ Ân Hiếu NghĩaPhật giáo Hòa Hảo gọi tôn là Phật Trùm. Phật Trùm, từ nhỏ đến lớn, sống như một người bình thường. Khi trưởng thành, ông cưới vợ và có được bốn cô con gái. Là người Việt gốc Khmer ít học, nói tiếng Việt không thạo; vậy mà vào năm 1866, sau những ngày lâm bệnh nặng đến hôn mê, ông bỗng dưng tỉnh táo và khỏe lại, tự nhận mình là "hậu thân" của Phật Thầy Tây An tức Đoàn Minh Huyên, là "hồn Trùm" của Phật (nên được tín đồ gọi tôn là "Phật Trùm").

* Đức Bổn Sư: tên gọi là Ngô Lợi (1831-1890), tên thật là Ngô Viện. Ngoài ra, ông còn có tên là Ngô Tự Lợi, hoặc được người trong đạo gọi tôn là hay Ông Năm Thiếp. Ông là Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa), và là lãnh tụ phong trào kháng Pháp tại miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Đây là một vị được tin là chuyển kiếp thứ nhì của Phật Thầy Tây An.

* Sư Vãi Bán Khoai: (? - ?). Không rõ họ tên và thân thế. Mặc dù vậy, căn cứ vào cách thức hành đạo và sám giảng của ông, mà nhiều tín đồ theo đạo Bửu Sơn Kỳ HươngTứ Ân Hiếu NghĩaPhật giáo Hòa Hảo đều tin rằng ông chính là kiếp thứ ba của Phật Thầy Tây An, sau khi vị giáo chủ này đã chuyển kiếp làm Phật Trùm, làm Đức Bổn Sư, để tiếp tục công việc giáo hóa người đời ở đồng bằng sông Cửu LongViệt Nam.

* Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ (15 tháng 1 năm 1920 - 1947): là người sáng lập đạo Phật giáo Hòa Hảo. Theo các tài liệu của tôn giáo này, ông được các tín đồ gọi là "Đức Thầy", "Đức Huỳnh Giáo chủ" hay "Đức Tôn Sư". Chủ trương của ngài rất giống như của Phật Thầy Tây An nên các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tin tưởng rằng ngài là  tái sanh thứ tư của Phật Thầy Tây An.

Qua phân tích bên trên, cùng các dữ kiện trong Sấm Giảng, cho thấy có rất nhiều hiện tượng hóa thân đã diễn ra tại miền đất Phật Bửu Sơn Kỳ Hương và vị cuối cùng là ĐỨC THẦY HUỲNH GIÁO CHỦ mà ngày hôm nay chúng ta vạn hạnh được tham dự Lễ Đản Sanh 100 năm của Ngài.

Riêng trong Sấm Giảng, Đức Thầy đã cho thấy có khoảng  bốn “đấng” “góp phần” xuất hiện trong Sấm Giảng: Phật Thầy Tây An, Huỳnh Giáo Chủ, Ngọc Thanh Tiên Trưởng, Sư Vãi Bán Khoai. Vừa vặn “một thầy ba tớ.” Cần hiểu “Thầy Tớ” đây không nhất thiết là chủ tớ, hoặc thầy trò. Trong hoạt động của tâm linh, có thể đây chỉ là luồng năng lượng chính và các năng lượng trợ lực. Cũng có thể chỉ là một luồng năng lượng tự phân tán ra, và điều động thích nghi. Thuyết này dựa trên Lục thông trong Phật Pháp.

Quý vị đã tìm được câu trả lời cho mình chưa? Vấn đề ở đây vốn dĩ chẳng là “phải” hay “không phải.” Hai câu trên được đặt ra với nhiều mục đích khác nhau. Khơi dậy niềm tin. Thử thách niềm tin. Chỉnh đốn niềm tin. Và sau cùng, Trụ ở niềm tin.

Đức Phật đã dạy cho chúng ta chỉ tin theo những gì mà mình thực chứng. Do đó, xin mời quý vị tự bản thân thực chứng, tìm ra câu trả lời cho hai câu hỏi cốt yếu nêu trên. Tinh thần mới của một người tu tập trong thời đại mới, có kiến thức mở rộng, được trang bị bằng các tiện nghi khoa học hiện đại, và nhất là được dẫn dắt bằng trí tuệ của siêu khoa học Phật Pháp. Năng lượng của Ân Trên Chư Phật Chư Bồ Tát cũng nằm trong siêu khoa học Phật Pháp. Do vậy nếu mỗi hành giả chịu khó dày công tu tập ắt có ngày tiếp xúc được dòng năng lượng siêu diệu đó và tìm ra câu giải đáp cho chính mình.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô Kim Sơn Phật.

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.

 

100 NĂM TRƯỚC, 100 NĂM SAU      
qua hai áng thi tuyt tác của ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ

Đức Huỳnh Giáo chủ là một trong những bậc tuệ tri kỳ áo nhất thời hiện đại. Giải thích làm sao trường hợp một thanh niên tuổi chưa đầy hai mươi, bệnh hoạn từ tấm bé, học hành chưa trọn vẹn vì sức khỏe yếu kém; đột nhiên, chỉ trong vòng vài tháng, người tỉnh thức, biết hết tất cả, mở Đạo dạy đời, trong vài tháng trời có nhiều vạn người theo học, và vài năm sau trở thành giáo chủ một tôn phái với hai triệu tín đồ? Hầu hết các từ điển trên thế giới, nhất là Tây phương, đều có tên và hiệu của Ngài. Ngài được ngợi ca và đề xướng dưới đủ loại danh hiệu: Giáo chủ, Nhà Tiên tri, Triết gia, Nhà Cách mạng… Nhưng chưa thấy có sự đề cập đến Ngài như một “Thi hào” hay “Thi gia.”

Người Việt Nam rất yêu thích thơ của Ngài, lời lẽ giản dị, chân thật, thẳng thắn, dễ nhớ, dễ thuộc; ý tưởng có khi thâm thúy, có lúc chân phương, phát bằng trái tim, khởi từ trí tuệ. Càng ngày người đọc, ngâm, hát thơ của Ngài càng nhiều, vì từ khởi thủy, Ngài đã làm thơ để cho người nghe, người tu học được hát, ngâm, vịnh. Và hiệu quả đó càng ngày càng hiển bày hơn. Tuy nhiên, vì hình ảnh của Ngài như một “Phật gia” quá lớn, cùng các công trình đạo và đời khác, cho nên ít ai dám đề cập đến như một “thi gia.” Mặc dù Ngài nhiều lần tự xưng danh hiệu đó.

Thật là một sự lãng phí! Thi phẩm của Đức Thầy vô cùng giá trị. Phải nói là siêu diệu. Có nhiều thể loại khác nhau, và thành công trong bất cứ thể loại nào. Sấm, giảng, đạo, đời, luận, tranh, thủ, kích, Nho, Việt, nôm na, bác học… Luôn luôn mang chất đạo thâm sâu và tinh hoa. Đừng quên, thi văn của Đức Thầy là của “một thầy ba tớ”. Đầy đủ các màu sắc dành cho đủ hạng người và trình độ.

Ở đây xin mạn phép đề cập đến hai bài thơ, tuy vẫn là tinh túy đạo (và sấm), nhưng mang màu tuyệt đẹp của các đại thi phẩm, hình ảnh lung linh, hương sắc diễm ảo. Chữ dùng “ảo diệu!” Một chữ buông ra như một hạt châu tỏa sáng. Không chỉ đẹp, mà gói trọn cả một nguồn ý đạo. Người đời cần phải biết đến Ngài như một đại thi hào của đạo. Các bài thơ thiền trong quá khứ của các thiền sư, nhất là các bài Haiku Nhật bản hay thiền thi Trung hoa vẫn thường được nhắc nhở ca tụng. Không thể thiếu bóng thiền thi của Ngài Huỳnh Phú Sổ.

Chúng ta thử đọc hai áng thi dưới đây, phải gọi là hai TUYỆT TÁC cổ kim. Thật khó diễn tả trọn vẹn cái hay cái đẹp tiềm tàng trong đó. Chỉ có cảm nhận, rung động, và tôn quý.

100 NĂM TRƯỚC:
Chân Dung của Đức Thầy từ Trăm Năm Trước
Áng thi thứ nhất, có thể mệnh danh là 100 NĂM TRƯỚC, được đề cập ở đây, viết năm 1939, theo thể Đường luật gồm ba đoạn thất ngôn bát cú, bằng chữ Hán-Nho. Đây chính là một Sấm-Đạo-Thi tối thượng phản ánh được chân tài và trí tuệ của Đức Thầy, đã hiển lộ khi Ngài chưa đầy hai mươi tuổi. Ngài đã vén màn bí mật về chính bản thân trước khi xuất hiện, và sự nghiệp trong vòng trăm năm. Hơn nữa, còn khai mở Phật Pháp huyền nhiệm bằng chỉ đôi ba chữ. Một bài thơ Đường Nho “trên cả” tuyệt vời!

Về hình thức, Đức Thầy cho thấy một cái nhìn chân thiện mỹ, đưa ra những  hình ảnh trác tuyệt. Chữ dùng rất đẹp, rất sáng tạo, minh mẫn, diễn tả được nội dung mang Ý Đạo và Sấm Truyền một cách chính xác, sâu sắc, trọn vẹn, thiện xảo. Có thể nói đây không phải là bài thơ của phàm nhân. Dù là thiên tài cũng không thể nào đương nhiên nghĩ được, thấy và nói được Đạo cách cô động nhất, tiên đoán được vận mệnh của chính mình từng bước một sẽ xảy ra trong cuộc đời này trong vòng những năm tháng tới. Đây là một bậc siêu nhân, có trí tuệ thượng thừa. Một bậc đã hóa sinh nhiều đời kiếp. Một hóa thân của Hoạt Phật.

VÉN MÀN BÍ MẬT

(Nguyên tác)

Giục thúc đạo đồng kiến thúy quyên,
Chư bang điềm tĩnh sĩ danh hiền.
Sa-vi đông-hải tri thiều nhạc,
Nam-đỉnh ngọc đài lộ kỷ tiên.
Đởm lực hà quê trung trực thử,
Hùng ca báo quốc nghĩa đào thiên.
Sơn ly Phật-cảnh hồi Nam-Việt,
Diệt khổ sanh kỳ vị trưởng miên.

   *

BỬU-ngọc trường quang ẩn tích kỳ,
SƠN-đài lộ vẻ liễu huyền-vi.
KỲ-thâm tá giả thi thành thủy,
HƯƠNG-vị âm thầm mộc túy vi.
NĂM năm lục ngoạt cơ hàn thử,
NON lịch đài mây rạng tu mi.
BẢY niên hòa địa nhơn hiền thủ,
NÚI ngự hoàng san tự Đỉnh-chi.

   *

Hòa bình thế-giái kiến Tiên-bang,
Ngô giả tùng nhung khí đởm gian.
Hồ thiên tiểu ẩn quân tu ký,
Lương thứ dương-trần đạo dĩ an.

Đào nguyên di khả tứ hồ-văn,
Khảo đảo tâm trung mãi vạn năng.
Thì lai đãi ảnh chơn thiên xuất,
Vận thới thô trình trực bỉnh thăng.

Hòa-Hảo, lối tháng 9 năm Kỷ-Mão.

Diễn giải:

Bài thơ bằng chữ Hán Nho, vô cùng thâm thúy và vi tế  khiến cho người đọc khó tìm thấy hết các cách siêu diệu trong đó. Vì quá cô đọng và sâu sắc, thật khó thể nào chuyển sang ngôn ngữ khác một cách ngắn gọn mà đầy đủ ý, kể cả tiếng Việt là ngôn ngữ khá gần với chữ Nho. Chúng ta thử đọc từng câu và  tìm ý nghĩa trong từng chữ. Các hiện tượng bí áo lần lượt được Đức Thầy vén màn cho biết qua từng câu một, dưới đây:

1.- Giục thúc đạo đồng kiến thúy quyên: Thúc giục các đồng đạo tìm thấy một sự kiện (hiện tượng đạo đức) cao sâu.

2.- Chư bang điềm tĩnh sĩ danh hiền: Bậc hiền tài suy nghĩ chín chắn trước khi hành động, có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia (hay người) lân cận.

3.- Sa-vi đông-hải tri thiều nhạc: Những hạt cát siêu vi của biển Đông nghe biết được khúc nhạc cao diệu.

4.- Nam-đỉnh ngọc đài lộ kỷ tiên. Đài ngọc trên đỉnh núi trời Nam hé lộ những bậc Tiên nhân đắc đạo tại đây. Đó là Đức Phật Thầy Tây An, cùng các truyền nhân và hóa thân của Ngài.

5.- Đởm lực hà quê trung trực thử: Những bậc có đủ sức gánh vác, cang cường, tuy mộc mạc chân chất, nhưng trung cang nghĩa đảm.

6.- Hùng ca báo quốc nghĩa đào thiên: Họ mang hạo khí của đất trời và tâm nguyện báo quốc, như bài hùng ca vang dậy. 

7.- Sơn ly Phật-cảnh hồi Nam-Việt:  Lìa bỏ cảnh Phật trên núi cao (Thất Sơn) quay trở lại miền Nam Việt.

8.- Diệt khổ sanh kỳ vị trưởng miên: Đã diệt tận khổ giờ (vì đời) lại phải sống đời trong vòng mải miết tranh đua cao thấp.

9.- BỬU-ngọc trường quang ẩn tích kỳ:  Viên ngọc quý báu,  ánh sáng chiếu rạng ngời, (tiêu biểu cho một đạo nhân cao siêu có hào quang tỏa sáng), còn ẩn hình một cách kỳ bí.

10.- SƠN-đài lộ vẻ liễu huyền-vi: Đài núi hiện dáng vẻ cao vời mà huyền diệu.

11.- KỲ-thâm tá giả thi thành thủy: Một nhân vật kỳ ảo, phi thường, ẩn danh, có đại tài thơ phú như mây trôi nước chảy.

12.- HƯƠNG-vị âm thầm mộc túy vi: Lời đạo pháp ẩn tàng bên trong là tinh hoa, nhuần thấm hương (đạo) vị tuyệt vời.

13.- NĂM năm lục ngoạt cơ hàn thử: Năm năm sáu tháng sống trong cơ hàn khổ cực.

14.- NON lịch đài mây rạng tu mi: Núi non thanh tú, địa vị cao tột, tâm hồn cao thượng của bậc quân tử tu mi.

15.- BẢY niên hòa địa nhơn hiền thủ: Bảy năm sống hòa hảo cùng sanh chúng trong sự dẫn dắt của người đạo hạnh.

16.- NÚI ngự hoàng san tự Đỉnh-chi: Đời tân có vị tài đức ngự trị trên đỉnh cao núi vàng.

17.- Hòa bình thế-giái kiến Tiên-bang: Hòa bình đến trên thế giới, loài người sẽ thăng hoa hơn trên con đường đạo đức, gần với đất tiên.

18.- Ngô giả tùng nhung khí đởm gian: Người người mang tinh thần phấn chấn mạnh mẽ tranh đấu vượt khó khăn.

19.- Hồ thiên tiểu ẩn quân tu ký: Vòm trời bao la trọn chứa, người tu ẩn dật cõi tư riêng, nên nhớ điều này.

20.- Lương thứ dương-trần đạo dĩ an: Dân lành trên cõi đời cần có đạo mới yên ổn sống.

21.- Đào nguyên di khả tứ hồ-văn: Cõi rừng đào nguyên có thể đến được, là nguồn cảm hứng cho thơ tứ.

22.- Khảo đảo tâm trung mãi vạn năng: Người tu càng bị khảo đảo nhiều bởi nghịch cảnh, nếu vượt qua được sẽ càng đắc năng lực cao gấp vạn lần.

23.- Thì lai đãi ảnh chơn thiên xuất: Đúng thời đúng lúc, bầu trời chân thật của vị minh quân sẽ xuất lộ.

24.- Vận thới thô trình trực bỉnh thăng: Khi thời đến, sự nghiệp   về chân thật giảng bày đạo lý qua thi văn sẽ cao siêu và lừng lẫy (trong nhân loại).

  VÉN MÀN BÍ MẬT

(Tạm chuyển sang Việt ngữ)

Giục đồng đạo hiểu thấu uyên nguyên,
Hòa hảo an nhiên sĩ danh hiền.
Cát nhuyễn biển đông nhuần tiếng nhạc,
Đài ngọc non Nam hiện bóng tiên.

Đảm khí chất chân lòng trung hiển,
Hùng ca báo quốc nghĩa đáo thiên.
Lìa non cảnh Phật, về Nam-Việt,
Diệt khổ đời trần, lại truân chuyên.

   *

BỬU-ngọc rạng ngời, còn ẩn ,
SƠN-đài lộ vẻ, biết huyền vi.
KỲ-thâm đại sĩ, thơ như nước,
HƯƠNG-vị pháp mầu, đạo tinh vi.
NĂM năm sáu tháng trong lạnh đói,
NON lịch đài mây rạng nam nhi.
BẢY năm đồng đạo phò tuệ đức,
NÚI ngự non vàng, đấng thượng tri.

   *

Thế giới hòa bình, tựa Tiên bang,
Quân thần đảm lược, sống an khang.
Trời rộng, chân tu còn ẩn dật,
Dân hiền, trọng đạo vốn dĩ an.

Đào nguyên tuyệt diệu, nguồn thi tứ,
Thoát tâm khảo đảo, phát vạn năng.
Thời đến, ánh dương, trời chân thật,
Vận lên, thi nghiệp, tối thượng thăng.

  1. Đạo & Sấm & Chất Thơ:

Thật khó tách rời ba yếu tố Đạo & Sấm & Chất Thơ trong các thi phẩm của Đức Thầy. Cả ba cộng lại mới kết thành đầy đủ tài năng và bản chất đặc biệt của Ngài. Chỉ tùy lúc mà gia giảm đậm nhạt đôi chút. Nếu những bài thơ mà Ngài tự gọi là “nôm na” được quần chúng vô cùng yêu thích, thì những bài thơ thâm thúy hơn – nhất là những bài bằng chữ Hán-Nho – đa số là những bài sâu sắc và chứa nhiều chất thơ nhất. Như trường hợp của bài “Vén màn bí mật.”

Thử lấy một câu thất ngôn (bảy chữ) dưới đây làm điển hình tìm hiểu:

Sa-vi đông-hải tri thiều nhạc: Những hạt cát siêu vi của biển Đông nghe biết được khúc nhạc cao diệu.

Câu này là một “chìa khóa vạn năng” mở được các cánh cửa Đạo. Thử phân tích vài điểm trong sự hiểu biết hạn hẹp của chúng ta.

1. Về chất thơ: “Sa-vi” một hình ảnh tuyệt đẹp bất ngờ, khó tưởng. Một chữ sáng tạo của tác giả. Những hạt cát cực kỳ bé nhỏ, như hạt vi-trần. Tại sao là sa-vi mà không phải vi-trần? Sa-vi mang chất thơ. Chất thơ vốn dĩ là sự nhận biết, rung cảm, liên lũy, tưởng tượng, một kết hợp cùng cái đẹp và tài năng diễn bày. Hạt cát (nhất là cát sông Hằng), nếu siêu vi tế còn đẹp hơn lên, vì kết hợp với dòng sông hay biển cả. Sa-vi này còn đám chìm trong cái nghe, hiểu, nhuần thấm vào tiếng nhạc cao diệu. Hình ảnh hạt cát siêu vi, cái cực nhỏ nằm trong cái cực lớn của biển Đông, và cái cực tĩnh của cát, nằm trong cái cực động của sóng nước, hội hợp lắng nghe nhạc trời. Tràn trề thi chất.

2. Về chất thiền: Những bài thơ thiền ngắn gọn chỉ vài chữ lại gây ấn tượng cho thiền nhân, thi nhân nhiều thế kỷ. Không phải chỉ là thơ, mang lại hình ảnh tuyệt đẹp và súc tích qua cái nhìn cái cảm thụ của thi nhân, mà là thiền pháp, là sự chứng nghiệm trực tiếp về thực tại.

Điển hình là bài thơ nổi tiếng trong thi tập “Mỏ Hạc” của Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền (Dogen Kigen, 1200-1252), vị Thiền sư Nhật bản khai sáng Tào Động tông. Sư được Phật tử của mọi tông phái Phật giáo Nhật thờ phụng như vị Đại Bồ Tát.

Bốn, năm mươi năm trôi,

Ta dùng sao treo trời.

Giờ nhảy vút qua khỏi –

Một bùng vỡ tuyệt vời!

(Four and fifty years

I've hung the sky with stars.

Now I leap through–

What shattering!)

Thiền thi rất đẹp, nhưng cái đẹp nằm trong chân nghĩa chứ không do hình ảnh. Cái đẹp của sự chứng ngộ. Mắt của thiền sư nhìn sự vật khác hơn phàm nhân. Nếu xếp câu thơ trên của Đức Thầy theo dạng thiền thi, sẽ thấy rõ đó là thiền thi:

Sa-vi

Đông-Hải

Tri

Thiều nhạc.

(Infinitesimal sand

in the Eastern sea

has known 

serene music)

Một chứng ngộ xuất thần! Hạt cát sa-vi ắt phải có từ thời lập địa, từ khi đất nước gió lửa bắt đầu hòa hợp và lắng đọng. Ở cạnh bờ biển thấm nhuần trong tiếng rì rào ngày đêm huân tập. Biển ở đây lại là biển Đông. Đông hải là biển đời xao động, mênh mông sóng gió, cũng là biển từ bi nơi Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cứu vớt chúng sanh. Đây là chứng ngộ từ căn cơ của một vị giác ngộ trong cái nhìn từ bi pháp.

 3. Về chất Đạo: Thiền là Đạo, đạo chứng ngộ không cần ngôn ngữ, mà lại chất chứa tràn đầy ngôn ngữ. Ở đây xin mạn phép mượn vài thuyết giảng của bậc chứng ngộ để nói lên cái Đạo từ bảy chữ này. Thấy được “sa-vi” ắt hẳn phải là bậc chứng Đạo! Những bậc này tất nhiên có cái nhìn “thiên nhãn thông” (trong Lục thông) để nhận chân sự thành lập của vũ trụ (theo thuyết tiến hóa Phật pháp). Đức Phật được sự bái phục của các nhà khoa học hiện đại như là Nhà Siêu Khoa Học vĩ đại, do bởi những hiểu biết khôn tận của Ngài về vũ trụ.

Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Trong vô đã hàm chứa hữu, từ đó khai sinh ra vạn vật. Đó là thuyết sắc không của  Bát nhã. Từ trong cái không rổng rang vũ trụ, cái Chơn Như, có chứa sẵn cái có hữu vi, nẩy nở và triển khai, với âm dương và tứ đại, trong tiến trình tĩnh lặng sẽ hòa hợp, sẽ kết hợp làm nên mọi cơ sở vật chất. Đó là thuyết duyên khởi. Sa-vi là hình thức sơ khai của hạt cát, đều là do kết hợp. Sao lại là hạt sa-vi chứ không phải hạt trần-vi? Có khác ở chỗ, hạt cát có chứa sự tĩnh lặng hay định lực (thiền) chứ không còn quá động loạn như vi trần. Và cũng từ sự tĩnh lặng đó có khả năng thấm nhuần các âm ba trong vũ trụ. Tiếng nhạc đầu tiên phát ra từ sự va chạm, ma sát giữa các hạt sa-vi với nhau, giữa các mối duyên với nhau. Đó là những cái duyên khởi đầu tiên đi vào một cuộc tiến hóa của hằng hà sa số kiếp!

Những hạt sa-vi may mắn này lại tụ về nằm ở bờ biển Đông, thấm nhuần bao nhiêu từ bi của cam lộ thủy và hải triều âm, các pháp của Đức Quán Thế Âm! Tiếng “thiều nhạc” hay nhạc siêu diệu đó hẳn là hải triều âm, hay cũng có thể chỉ là tiếng ma sát rào rạt giữa các hạt sa vi va chạm nhau trong gió và sóng nước; đồng thời là nhận biết nhau trong các mối duyên tao ngộ phôi thai nhất. Mọi thứ âm thanh lúc đó đều là thiều nhạc, phát ra từ các mối sơ khai duyên khởi.

Giờ đây, xin mời đọc lại: “Sa-vi – Đông-Hải – Tri – Thiều-nhạc.” Phải chăng là câu thuyết Đạo siêu diệu của bậc giác ngộ?

  1. Nguồn Cội và Chân Dung:

Đức Thầy đưa ra rất nhiều cái tên, nhiều tính cách, nhiều chân dung trong Sấm Giảng và Thi Văn của Ngài. Ngài xuất hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau, lắm khi tương phản, từ Khùng, Điên, đến tướng lãnh, minh quân, từ phàm nhân nam sang nữ, từ thần tiên đến Bồ Tát, Cổ Phật. Tại sao có nhiều nhân cách đến thế?

Về mặt hữu vi, đây là một sự thuyết phục dành cho chúng sanh. Ngài lập đạo trong một thời gian cực kỳ ngắn ngủi, đó là sự phi thường, phải dùng pháp phi thường. Và tương ưng với lòng dân, hay là môi trường phong hóa.

Về mặt vô vi, đây là biểu hiện của các thuyết lý Phật Pháp. Đức Phật Thích-Ca ngày trước có dạy về Bổn Sanh Duyên. Các biểu hiện biến hóa của Đức Huỳnh giáo chủ không khác nào một bộ Bổn Sanh Duyên trong thời hiện đại. Nếu xem Sấm giảng dưới cái nhìn tìm hiểu về duyên sanh duyên khởi, sẽ có rất nhiều để học hỏi về một trường hợp sống động trong thời đại chứ không chỉ qua kinh sách.

Về mặt siêu khoa học, đây chính là một hiện tượng mang câu giải đáp cho những nan đề về đầu thai, chuyển hóa, trí tuệ siêu phàm... mà Đức Thầy đã cống hiến cho thời đại để tìm hiểu, để khởi niềm tin và đi vào con đường tu học Phật Pháp. Mặc dù hiện tượng hóa sanh có khá nhiều trong Phật giáo Tây Tạng, nhưng đây là một trường hợp mở rộng, công khai cho sự tìm hiểu; đây là một sự cung ứng cho thế gian những chất liệu chân thật và đầy đủ về sự tiến hóa kỳ bí của một người phi thường, đi trước thời đại. Đức Thầy sống và viết, ghi lại tất cả trong kho tàng thi văn của Ngài.

Bài thơ ngắn này là một bức chân dung sinh động và hoàn hảo của Đức Thầy, trong đó Ngài có nói đến những sinh hoạt xuất thế gian trong khi chờ đợi vào đời, nhập thế. Tiếp đến, Ngài cho biết những gì sẽ xảy ra trong tương lai ở dương trần (sẽ trình bày chi tiết trong phần Tiên Tri).

(Những câu thơ trích dẫn dưới đây sẽ lấy từ bài “tạm dịch Việt ngữ” cho dễ nắm bắt):

Đài ngọc non Nam hiện bóng tiên.

Đảm khí chất chân lòng trung hiển,
Hùng ca báo quốc nghĩa đáo thiên.
Lìa non cảnh Phật, về Nam-Việt,
Diệt khổ đời trần, lại truân chuyên.

 

BỬU-ngọc rạng ngời, còn ẩn ,
SƠN-đài lộ vẻ, biết huyền vi.
KỲ-thâm đại sĩ, thơ như nước,
HƯƠNG-vị pháp mầu, đạo tinh vi.

Nguồn cội của Đức Huỳnh Giáo Chủ: Đài ngọc trên đỉnh núi trời Nam hé lộ những bậc Tiên nhân đắc đạo tại đây. Đó là Đức Phật Thầy Tây An, cùng các truyền nhân và hóa thân của Ngài. Trong đó có Ngài Huỳnh Giáo chủ. Trong nhiều tiền kiếp, Ngài là bậc anh tài có đủ sức gánh vác, cang cường, tuy giản dị chân phương, mà trung cang nghĩa đảm; mang hạo khí của đất trời và tâm nguyện báo quốc, như một bài hùng ca vang dậy.

Chân dung của đời hiện tiền: Là một viên ngọc quý báu,  ánh sáng chiếu rạng ngời, (tiêu biểu cho một đạo nhân cao siêu có hào quang tỏa sáng), còn ẩn hình một cách kỳ bí trên đài núi cao vời huyền diệu. Một đại sĩ kỳ ảo, phi thường, ẩn danh, có tài thơ phú như mây trôi nước chảy. Lời đạo pháp ẩn tàng bên trong là tinh hoa, nhuần thấm hương (đạo) vị tuyệt vời. Ngài lìa bỏ cảnh Phật trên núi cao (Thất Sơn) quay trở lại miền Nam Việt. Tuy đã diệt tận gốc khổ, giờ đây (vì đời) lại phải chịu sống cảnh phàm nhân giữa cuộc đời mải miết tranh đua cao thấp.

  1. Những tiên tri về việc đến, đi, và lưu truyền:

Bài thơ làm tháng gần cuối năm 1939, tức là năm Đức Huỳnh Giáo chủ vừa nhập thế, lập Đạo, ngay lúc đó, Ngài đã đưa ra những lời tiên tri về việc Ngài đến, đi, và những gì truyền lưu cho đời và Đạo.

a/ Thời gian Ngài đến và đi trên nhân gian:

NĂM năm sáu tháng trong lạnh đói,

NON lịch đài mây rạng nam nhi.

Năm năm sáu tháng sống trong cơ hàn khổ cực. Vẫn giữ được tâm trí tuyệt vời được tôn kính, tâm hồn cao thượng của bậc quân tử tu mi. Đức Thầy khai đạo vào tháng 7/1939. Ngài viết bài thơ này khoảng tháng 11/1939. Thời gian đó, Ngài rất khốn đốn qua sự kèm kẹp và hành hà của thực dân Pháp. Đó cũng là thời Thế chiến II khởi sự. Những khó khăn ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Mọi người sống trong cực khổ cơ hàn, và thương vong. Ngài cũng không thoát khỏi cảnh đó, vì việc hoằng hóa của Ngài đòi hỏi phải bôn ba khắp nơi, vừa trị bệnh thể xác lẫn tâm hồn cho mọi người, vừa truyền dạy tu hành học đạo. Vài tháng sau khi số tín đồ lên đến hàng vạn, thì thực dân Pháp và chính quyền sở tại lưu ý đến, và giam lõng Ngài trong dưỡng trí viện Chợ Quán. Ở đó, Ngài vẫn tiếp tục hành đạo và sau cùng được thả ra. Đến năm 1945, khi Thế chiến II gần kết thúc, Ngài được sinh hoạt tự do hơn cùng các tín đồ, và chuẩn bị cho một bước tiến khác vào dân sinh xã hội. Thời gian khổ nạn Ngài đã tiên đoán chính xác, vào khoảng năm năm sáu tháng.

BẢY năm đồng đạo phò tuệ đức,
NÚI ngự non vàng, đấng thượng tri.

Bảy năm sống hòa hảo cùng sanh chúng trong sự dẫn dắt của người đạo hạnh. Đời mới có vị tài đức ngự trị trên đỉnh cao núi vàng – núi vàng đây mang ý nghĩa đạo đức chứ không phải vật chất.

Đây là hai câu tiên tri về thời gian Đức Thầy ngự trên đời để cứu vớt chúng sanh và truyền đạo. Ngài lập đạo vào khoảng cuối năm 1939, và sinh hoạt cùng các tín đồ vô cùng hảo hòa và mật thiết, như một lãnh tụ tối cao về đạo lẫn đời. Ngài vắng mặt vào tháng 4/1947. Tính ra sinh hoạt Đạo trên đời của Ngài là trong vòng bảy năm, đúng theo lời tiên tri.

Sau này, Đức Thầy có rất nhiều tiên tri về sự ra đi của mình. Đây là tiên tri đầu tiên, nói rõ cả ngày tháng. Như vậy, việc nhập thế để lưu truyền đạo, rồi xuất thế để giải nguy cho giềng mối đạo đều nằm trong thiên cơ chứ không do ý đồ của người trần. Trong phần Thi Văn, những năm Ngài sắp ra đi đều có nhắc nhở về biến cố chia ly cùng tín đồ. Đây cũng là sự kiện cần được ghi nhận về sự sáng suốt và thái độ của bậc siêu nhân xem nhẹ sống chết.

b/ Thế giới sẽ đi vào con đường Đạo:

Thế giới hòa bình, tựa Tiên bang,
Quân thần đảm lược, sống an khang.
Trời rộng, chân tu còn ẩn dật,
Dân hiền, trọng đạo vốn dĩ an.

Hòa bình sẽ đến trên thế giới, loài người sẽ thăng hoa hơn trên con đường đạo đức, gần với đất Thần tiên. Người người mang tinh thần phấn chấn mạnh mẽ tranh đấu vượt khó khăn. Ngài còn nhắn nhủ: Vòm trời bao la trọn chứa vạn vật, người tu cần nên ẩn dật cõi tư riêng. Dân lành trên cõi đời cần trọng đạo mới yên ổn sống. Khi Ngài viết câu này, Thế chiến II mới vừa nhen nhúm, thiên hạ loạn lạc nhiễu nhương, thế nhưng Ngài lại tiên tri rằng sau này thế giới sẽ hòa bình, và con người thăng hoa đạo đức, tiến gần đến cõi tiên.

Điều này được chứng thực trong tương lai. Sau chiến tranh, nhìn chung, con người xúc cảm trước cảnh sanh linh đồ thán, nên có khuynh hướng phát triển nhân sinh, nhân đạo, và luật pháp, tôn trọng lẫn nhau. Họ tranh đấu cho bình đẳng và giải phóng các người kém may mắn hơn. Chẳng hạn như bình đẳng sắc da, chủng tộc, giới tính…  Đó là về mặt xã hội. Về mặt tâm linh, đạo giáo cũng phát triển khá mạnh ở nhiều nơi. Đặc biệt ở miền Nam Việt Nam là đất lành cho Phật Đạo, điều mà Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo thường xuyên nhắc đến.

c/ Sự nghiệp lưu truyền cho hậu thế:

Đức Huỳnh Giáo chủ khi thành lập Phật giáo Hòa Hảo nối tiếp truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương, đã tích cực hoạt động và mang lại nhiều thành quả khó tưởng tượng. Chỉ sau bảy năm khai đạo, số tín đồ đã lên khoảng hai triệu người. Ngài đã đặt vững vàng nền móng của Tịnh Độ tông Đại thừa cho Phật tử cư gia tại miền Nam Việt Nam. Một công trình vô cùng to tát, tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Mới đầu tín đồ đa số là người nông dân nghèo nàn chất phác. Càng về sau càng có sự tham gia của mọi thành phần. Nhờ đâu mà đạt được thành tựu đó, phải chăng do nơi trí tuệ như biển của vị Giáo Chủ? Trí tuệ đó nằm ở phạm trù nào? Giáo dân thuần thành của Ngài, bất kể thời đại, luôn thương yêu tôn kính Ngài vì những đức tánh cá nhân của một vị tu hành đắc pháp: từ bi mà dũng cảm, khôn ngoan mà khiêm tốn, sinh động mà trầm tĩnh. Những vị mới vào đạo chú trọng đến tài năng và sự nghiệp của Ngài nhiều hơn.

Sự nghiệp đó vốn là kinh sách, thi văn, luận luật về đạo pháp và triết lý tôn giáo. Bất cứ  tôn giáo nào trên thế giới được trường tồn cũng nhờ một sự nghiệp thi văn, ngoài tài năng xuất chúng và tấm gương đức hạnh của bậc giáo chủ.

Đây là bốn câu miêu tả về sự nghiệp của Huỳnh Giáo chủ lưu lại cho thế gian. Phải nói là một kho tàng Đạo, Pháp, và Siêu Khoa học cho đời sau. Đức Thầy không chỉ là giáo chủ của một tôn phái Phật giáo cho một quốc gia nhỏ bé. Trước tiên, thế giới sẽ biết đến Ngài qua sự nghiệp văn thi lưu lại của Ngài. Một công trình tiềm ẩn các pháp vi diệu, bao gồm cả các dữ kiện siêu khoa  học đã được thời gian kiểm chứng.

Đây là những chứng nghiệm trong cõi đời, cuộc sống làm người tu tập của Ngài: Lấy thi hứng làm thơ từ cõi rừng đào hoa tiên cảnh, là nơi con người tu tập có thể đến được. Người tu giữa dòng đời, càng bị khảo đảo nhiều bởi nghịch cảnh, nếu vượt qua được sẽ càng đắc năng lực cao gấp vạn lần. Đúng thời đúng lúc, bầu trời chân thật của vị minh quân sẽ xuất lộ. 

Cuối cùng, khi thời đến, sự nghiệp về giảng bày chân đạo lý qua thi văn sẽ cao siêu và lừng lẫy (trong nhân loại). Đây chính là sự nghiệp bền vững của Ngài lưu lại cho thế gian: Tập Sấm Giảng Thi Văn, trong đó có mô tả cả Đạo Pháp lẫn Cuộc Đời của Ngài Huỳnh Giáo Chủ.

Đào nguyên tuyệt diệu, nguồn thi tứ,
Thoát tâm khảo đảo, phát vạn năng.
Thời đến, ánh dương, trời chân thật,
Vận lên, thi nghiệp, tối thượng thăng

100 NĂM SAU:
Áng Thi Định Vị và Khuyến Tấn cho Thế Hệ Mới.
Áng thi thứ nhì, có thể mệnh danh là 100 NĂM SAU, nằm trong cuối quyển thứ V trong Sấm Giảng. Đó là một bài thơ thất ngôn tứ cú cuối cùng Đức Thầy viết trong Sấm Giảng, một bài thơ Khoán Thủ vi diệu, mang ý nghĩa sâu xa khôn lường. Bài thơ bốn câu đúc kết Sấm Giảng đó được viết năm 1939, xác định lại Vị thế, Đạo, và Tín đồ của Ngài, qua bốn câu ngắn ngủi:

VÔ-thượng thậm thâm dĩ ý truyền, 
DANH ngôn chép để rạch đàng Tiên. 
-gia Tịnh-Độ tâm viên-mãn, 
 xuất văn-từ dốc dạy khuyên.

Bốn chữ đầu là tên của tác giả quyển Sấm Giảng số V, tức là VÔ DANH CƯ SĨ, một trong các bút hiệu của Đức Thầy. Ngoài ra ba chữ “dĩ ý truyền” khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện “niêm hoa vi tiếu” khi Đức Phật cầm đóa mỉm cười, và chỉ có ngài Ca Diếp hiểu được ý nghĩa “tâm truyền tâm” đó, vốn là một sự truyền ngôi vị. Phải chăng ở đây ngụ ý sự truyền vị giữa Phật Thầy Tây An và Đức Thầy?

Khi chuyển dịch Anh ngữ, vào 80 năm sau, một số bất ngờ huyền diệu khác đã lộ diện. Đây là bản chuyển ngữ:

SUPREME unfathomable transmission by the mind, 
NAME, and words transcribed to open the Path of Deities. 
LAYMAN of the Pure Land with the absolute mind, 
SCHOLAR, strives hard to give teachings and urges.

Theo lối khoán thủ, Danh Xưng của ngài Huỳnh giáo chủ qua Anh ngữ là SUPREME NAME LAYMAN SCHOLAR. Có nghĩa là: VÔ-THƯỢNG-DANH CƯ-SĨ ĐẠI-SĨ.

Chữ “Scholar” trong tiếng Anh chỉ vị học giả, hay đại học sĩ, hay đại sĩ. Đại Sĩ là một danh hiệu khác của bậc BỒ TÁT. Đây lại là Vô Thượng Đại Sĩ, tức ĐẠI BỒ-TÁT. Đây rất có thể là một định vị của Huỳnh Giáo chủ, hoặc một tiên tri về vai trò của Ngài trên thế giới tương lai. Đây là Tiên tri Cuối cùng về sự Chuyển hóa Huyền diệu của Ngài vào Thế giới Tương lai (maybe that’s the magical transformation of The Virtuous Founder, or his LAST ORACLE to predict his Future Role in the World).

Đây cũng là một sự tiên tri và khuyến tấn của ngài Huỳnh Giáo Chủ dành cho các tín đồ thế hệ tương lai: Hãy trở thành người (cư sĩ) học Phật như các học giả, các đại học sĩ. Cho xứng đáng với Đức Huỳnh Giáo Chủ,  một bậc phi thường lưu lại một tuyệt đại tác phẩm, một sự nghiệp kiệt xuất, và một tấm gương vượt ngoài tưởng tượng. Sự khuyến tấn này ngài đã đưa ra vào cuối quyển V như một chỉ hướng cho Phật giáo Hòa Hảo đi vào tương lai, cuộc hành trình mới cho 100 năm sau.

Sự xuất hiện mà ngài đã quy định trước thật quá ngắn ngủi, vốn mang mục tiêu  cứu độ cho dân chúng lúc đó sắp lâm vào nguy cơ diệt vong, cho nên ngài chưa đi sâu vào việc trình bày Đạo Pháp cao sâu mà chỉ lưu lại những chìa khóa hữu ích. Tuy nhiên ngài luôn khuyến khích tín đồ tu trì và tiến bộ, đọc kinh liễu nghĩa, thay vì tụng đọc cho hay mà không nắm vững tâm ý chư Phật chư Bồ Tát, và nhất là phải thực hành tu tập.

Đạo Pháp của ngài tuy giản dị nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sinh trong buổi dầu sôi lửa bỏng, nhưng nếu tìm hiểu sẽ thấy có đầy đủ các tinh hoa Đạo thâm sâu, vi tế. Những chìa khóa bước vào kho tàng Phật Pháp. Ngay trên tựa đề “Sấm Giảng” cũng mang hàm ý cao siêu. Khi dịch cho người nước ngoài bằng ngôn ngữ thực tiễn và phân tích của họ, phải tách ra làm Sấm và Giảng cho dễ hiểu. Nhưng thực ra, nếu dùng tinh thần Đạo mà đọc và nghiên cứu, thì hai chữ Sấm-Giảng phải đi sát cạnh nhau. Vì cả hai chỉ là một. Nhất Thể chứ không phải Nhị Nguyên. Trong Sấm đã có Giảng, và trong Giảng luôn có Sấm. Sấm là Thu (các pháp thượng căn) và Giảng là Phát (các pháp phù hợp) cho nhân sanh tu tập. Ngược lại, nếu đã nắm bắt được Giảng tức nhiên sẽ hiểu biết được Sấm. Các pháp vốn sẵn có bên trong lẫn bên ngoài của từng cá thể, tương ứng với tầng số của vũ trụ.

Điều đó cho thấy. Sấm Giảng tuy xuất hiện vội vàng trong cuộc nhân sinh ngắn ngủi của Đức Thầy, nhưng không chỉ đơn điệu dành riêng cho giới bình dân giản dị, chân chất, mà cho cả một thế giới Hòa Hảo, hay thế giới Đại Đồng (Concordance) một pháp môn đơn giản mà trọn lành trọn đủ, nơi nào cũng phù hợp được. Tương tự như tính cách của bát cháo sữa đề hồ do tín nữ Thiện Sinh (Sujãta) cúng dường cho đức Thích Ca trước khi Ngài vào nhập định đắc Đạo thành Phật. Vâng, chỉ cần một bát cháo sữa đơn sơ mà vừa đủ bổ dưỡng, và xuất hiện đúng thời đúng lúc, giúp cho vị Đại Hành Giả đủ sức để thành Phật! Vạn pháp vốn vô ngã, chỉ là phương tiện đưa hành giả đắc thành Phật Đạo!

BÊN CẠNH CHÚNG TA…

Khi lìa bỏ xác thân tứ đại, thì linh thần, thần thức, A lại da thức, hay “cái biết” của một chúng sanh sẽ đi về đâu, hay chỉ tương tự như một làn sóng năng lượng siêu hình (energy stream or energy wave)? Một vị đắc đạo sẽ đi về đâu và thể hiện thần thông ra sao? Phải chăng các vị đó sẽ mang theo năng lượng trí tuệ và năng lượng từ bi, để tỏa trùm khắp không gian và thời gian, theo phương cách cứu độ chúng sanh của chư Phật chư Bồ Tát? Làm sao để xác định?

Những câu hỏi này là người có suy tư về đời sống luôn hằng đặt ra. Câu trả lời có thể chư vị đắc đạo từng đưa ra, nhưng con người khó hoàn toàn tin tưởng nếu chưa dược dùng chính nhục thân tứ đại với lục quan bình thường ra nghiệm chứng. Nếu là Phật tử và tin vào những điều do Đức Đại Giác Ngộ chỉ dạy chúng sanh qua kinh điển, chúng ta phải hiểu rằng, năng lực của chư vị bao trùm không gian và thời gian (thời gian không gian của phàm nhân rất hạn hẹp, ngắn ngủi không có gì đáng kể so với sự siêu vượt của các đấng Tịch Tĩnh), cho nên việc xuất hiện hoặc  tái sanh của chư vị có thể chẳng phải là điều bất khả thi. Đức Phật có dạy về các thần thông (ngũ thông, lục thông) của các vị đắc pháp, và trong đời thường có thể nhiều vị có duyên dược tiếp xúc cùng một số vị đắc pháp và được chứng nghiệm ít nhiều các pháp thần thông.

Các đệ tử trung thành với Đức Thầy và tu tập đúng theo chỉ dạy của Ngài tất có những vị chứng đắc, từng phò trợ cho Đạo Pháp của ngài kéo dài và thăng hoa được xuyên suốt ba phần tư thế kỷ sau khi giáo chủ đã vắng bóng. Điều đáng tiếc nhất là ngài đã ra đi quá sớm, bằng không Đạo Pháp do ngài lập ra ắt sẽ vi diệu hơn nữa, giúp cho vô số tín đồ đắc Phật Pháp tại thế.

Liệu trăm năm sau Ngài có quay trở lại chăng? Bàn cờ thế giới sau trăm năm ló dạng cho thấy đang trên đà chuyển hóa quay về lối mòn tàn hoại cũ. Quả đất bị đe dọa bởi ô trược, bởi khí nóng, sự lạm dụng của khoa học loài người… Chiến tranh (nguyên tử) ở mức độ hủy diệt thế giới vẫn tràn đầy đe dọa… Sự tàn ác trược lậu của loài người thoạt nhìn có vẻ giảm bớt, nhưng xét kỹ chỉ là tinh vi hơn. Không biết loài người còn cơ hội cứu vãn từ Bên Trên chăng? Chỉ biết, Sấm Giảng sau trăm năm vẫn còn chính xác, hữu dụng, là phương tiện dẫn dắt và cứu độ loài người bước vào Phật Đạo hiển bày

Sau cùng, Đức Thầy có thật sự vắng mặt chăng? Câu hỏi này thông thường mang ngụ ý: Người có lìa bỏ xác phàm chăng? Nếu là người tu học và hết lòng thương Thầy mến Đạo hẳn không cần hỏi như vậy, vì rất nhiều người có hạnh ngộ diện kiến ngài. Hoặc có thể cảm nhận được năng lượng bao trùm trong không gian của những bậc đắc đạo. Cầu xin cho mọi Phật tử, mọi chúng sanh kính yêu các Ngài được có duyên hạnh ngộ cùng các Ngài!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Nam Mô A Di Đà Phật,

Nam Mô Kim Sơn Phật,

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.

 

THE CELEBRATION OF 100th ANNIVERSARY

25-11-Earth-Rabbit – 25-11-Earth-Pig

VIRTUOUS MASTER HUỲNH

 The Founder Of HÒA HẢO BUDDHISM

May every part of these merits
Forwarded to everyone
Buddhists and sentient beings
All will realize the Buddha’s Way
The Overseas Hòa Hảo Buddhists

 THE MISSION OF THE VIRTUOUS FOUNDER HUYNH

(written by The Virtuous Founder)

On May 18th year of the Earth Rabbit, the time had arrived, the Heavenly course was defined, the perilous catastrophe would be spreading far and wide. I could not use my miraculous power to appease the catastrophic war caused by the cruelty of human beings, but I thought: I was born in this land of Vietnam, after several lives on this earth, transmigrating in various cycles of life and death, up to the divine fate, to collect mysterious religious experiences from strange lands. Now, delusion exterminated, selfishness vanished, I will tell the beginning of my own story; in many lives, I had been devoting my service to only one country and people where I had been existing, which was Vietnam. In previous lives, I had been living as either Vietnamese officials or commoners, and dying as Vietnamese spirits or divinities. In the near lives, I had been fortunate to meet a brilliant Master who transmitted Buddha teachings to me, and I was purified by Buddha's blessing, my mind became generous and compassionate. However, due to the calamity of nations and families, which was determined by the mystic divine course, now, my mind feels extremely painful to witness a multitude of people entrapped into atrocious misery and tribulation.

I recount into my humankind past lives in that mundane ocean, throwing myself into illusory spheres, without care about my fate, to help my country and people, I had sacrificed my many own lives. Now, as the sacred course is clearly understood, day and night, I am following Buddha’s footsteps and listening to His teachings, traveling four oceans, strolling the fairyland, living the restful life as a realization of the path, hundreds of thousands of days without problems, mundane mindfully purified. Why I don’t stay on the divine seat to enjoy the eternal Bodhi fruit, but still threading my way down to the red world, and suffering the commotion? Only because of my overflowing loving-kindness towards the people who are falling into the catastrophe. The King-Buddha has shown clearly the amazing magical revolvement to prepare for a Dragon-Flower assembly, to select the highly-attained practitioners and bless them with worthy positions and seats. People with the complete root of goodness will be chosen to obtain the transmission of the Great-Path, as the appropriate seat to facilitate Peace for ten thousand countries in the Universe.

The Heavenly Judge had considered, almost all sentient beings in the world during this Lower Age, infatuated with materialism, fell into the ocean of fame and wealth and committed too many karmic retributions. The Heavenly laws had judged and punished, the ones with the root of goodness were rare, but the ones with evil crimes were uncountable. Then, the Buddhas feel compassionate, accompanied by the Deities, they descend into the world to bless people. Firstly they would relieve suffering; next, they would show the divine scheme, urging mundane people to get back to the wholesome way, to change from evil to righteous so that their sins might be pardoned and lessened by the Divine Judgment. After that, they might have the chance to attend the Dragon-Flower assembly to pay respect to the Buddha, firstly to understand the Heavenly laws and punishments, then, to be blessed to listen the miraculous Buddha’s teachings, admire the perfect attributes of the True Lord; so that the religious practice would be faster to attain fruition, becoming people in Buddha’ realm and enjoy peace. Since this era is the Dharma decadence, the Holy path full of useless and disturbing grass of “tran vu,” human minds darkened under the Uproar provocation of the Ghost-King. I am one of the life saviors. The ones who realized the path at any country will come back to that country to assist their people; to convey compassion and loving-kindness to repay the spirits that had helped them in the past lives so that they could practice successfully. Therefore, on May 18th year of the Earth Rabbit, I appeared in this life to save sentient beings. Although new learners of the Path thought that I took a medium body, they did not know that this was long-time transmigration, only wait for the precise day to help the people. So, my method is to depend on the levels of perception of the male or female faithful; I would either talk about Buddha teachings to the ones with deep roots in the Path who want to realize, create the good-causation with Master-Patriarch. In a lower approach, I would also use the miraculous power of Deities to cure illnesses for the lesser good-rooted level, thanks to the cure; they would feel touched by the compassion of the Divinities and Hundreds of Officials, who felt so touched with the mournful cry of people in pain. For these, they listen to wholesome speech vaguely, could not remember them, so good words could not reach far away from people; stanzas only sounded boring to the neighborhood.

On the mid of August, I would come with the Virtuous Master, using the name of Crazy-Mad, borrowing pen and ink to reveal the Heavenly reason, transmit to everyone near and far so that they would repent and change themselves from bad to good, the ones who don’t wake up would repay their sins later, without blaming that Buddha and Deities did not teach them.

Knowing that under French domination, the laws are very harsh, anyone who gets too much love from the people will receive that much hateful treatment. But I think that in so many previous lives, I also had sacrificed for the Path, and I did not care about my body, so, this last life, why should I feel attached to this earthly body? I only think about my love for the ones who share the same bloodline with me and try to support, protect, and relieve their human body from all torture and perishment.

Bạc-Liêu, May 18th year Water Horse (1942)


LIFE & WORKS OF THE VIRTUOUS FOUNDER HUYNH
OF HOA HAO BUDDHISM

LIFE & RELIGION:

VIRTUOUS MASTER Huỳnh Phú Sổ, the Founder of Hoa Hao Buddhism, was born in 1919 at Hoa Hao village in the South of the Vietnamese province of Chau Doc, close to the Cambodian border.

The eldest son of The Venerable Huynh Cong Bo and Le Thi Nham, a well to do family known for honesty and altruism, He left school at 15 due to persistent illness which affecting Him until He was 21. Then in 1939, while on a pilgrimage visit to the sacred mountains of That Son and Ta Lon, He became enlightened.

The 18th day of the 5th month of the year of the Earth Rabbit (1939) was when He began His evangelical mission. He achieved his first conversions by reputedly curing incurable diseases with simple means such as green leaves, pure water, to the astonishment of physicians as well as witch doctors.

At the same time, He preached eloquently everywhere and attracted large audiences, including known writers, essayists, and lawyers who gradually acknowledged His supernatural talents.

He organized his sect in 1939, declared himself a prophet, and began to preach a doctrine based on simplicity and faith. Within a year, he had gathered a following of over 100,000 converts; and through his preaching, he established contact with another two million people in the Mien Tay region.[3]

He restated that the doctrine was lay-oriented, and he advocated the reduction of cultic expenses not only in the practice of Buddhism but also on all ceremonial occasions. He attacked the custom of overspending at the New Year, of bankrupting one's family at funerals and weddings, and of trying to outdo one's neighbors in conspicuous consumption. It was wrong to conceive of religious piety as something separate from the rest of life, as a set of exercises that were to perform on an occasional basis.

His stated objective was to "combine the ideal of universal love and charity with a new method of organizing society to serve better our people and humanity

Many of his teachings support such an interpretation. He also had a well-defined modernizing vision, evident, for example, in his imprecation against superstition.[4

INFLUENCES:

No Vietnamese leader of the time possessed personal charisma to quite the same degree as Virtuous Master.

A measure of Virtuous Master's powers of persuasion is that he made his mark as a healer despite his well-publicized ill-health. Throughout his career, healing remained an important feature of his work; a substantial number of pamphlets describing the herbal remedies employed by Virtuous Master still exist.

 So divided diseases into two categories: those that were the result of ordinary ill-fortune, and those that were the result of karmic retribution. The latter was not amenable to treatment; only repentance could alleviate it. Each of these recruits was people of little education, interested in action rather than in doctrinal or political questions. They put themselves entirely at the service of Virtuous Master.

By August 1940, the Can Tho authorities were alarmed by their activities and by the destabilizing influence of Virtuous Master. He was summoned for a psychiatric examination at Can Tho hospital. Virtuous Master was taken to Cho Quan hospital in Cho Lon and put under the care of a Vietnamese doctor named Nguyen van Tam. The latter's verdict was more charitable: "This monk has never presented signs of agitation or insanity. He is mentally weak, with a disharmony of the intellectual faculties."

In spite of being considered "mentally weak," So converted several of the hospital wardens and, more importantly, his doctor. For a man who had never had any qualms about being called the Mad Monk, this was a resounding triumph which the sect exploited to the full.

The doctor became a devoted follower of Virtuous Master. In May 1945, Virtuous Master issued a pamphlet called "Guidelines for the Practice of Religion" [Tôn Chỉ Hành Đạo], in which he codified Hoa Hao cultic practices and for the first time imposed rules on admission into the sect. His adepts were exhorted to uphold the Three Bonds: between ruler and subject (transmuted into patriotism), father and son, and husband and wife. They were to observe the Five Virtues of benevolence, loyalty, propriety, intelligence, and integrity. Above all, they were to live in accord with one another. Whatever the usefulness of such a code of ethics in modern, industrial society, it was quite effective within the confines of the average Hoa Hao village. Among themselves, the adepts relied on trust and did not bother to put doors on their houses to guard their belongings.[2]

From 1939 on, the Virtuous Founder gave to the world a great number of oracles in which he foretold the expansion of war as well as the spread of sufferings; exhorted humankind to renounce evil, and come back to virtue; to observe the Four Debts of Gratitude, and improve oneself through contemplation so as to become “good individual” in the society, and progress on the path of deliverance.

In His salvation mission, Virtuous Founder Huynh cured thousands of reputed diseases, preached thousands of times for large audiences, published six Volumes of Oracles, as well as hundreds of sublime poems, essays, and folk litanies. His writing, not requiring any draft, presented popular overtones but proved extremely soul-stirring, and impressive.

In the spirit of their sublimity, His teachings showed concern for realistic considerations and would be suitable anywhere. Virtuous Founder Huynh was a great revolutionary in the field of religion. Before His coming, Buddhism had engaged in a passive path in Vietnam. As elsewhere in the globe, its methods were not adjusted as they should be to the new conditions of the world. Thus Virtuous Founder Huynh was among the first to discard the futile rituals and ceremonials never mentioned in the original teachings of Buddha. Furthermore, He set out to modernize the methods of self-improvement, which remained unchanged through centuries of Buddhism.

Thanks to His teachings, which met the spiritual needs of the time, the Virtuous Founder succeeded in a very short time in converting about two million people, and His influence never ceased to spread.

He became so popular that the then French colonial authorities began to worry about the extraordinary expansion of His religious movement. Thus they placed Him under house arrest at Nhon Nghia village (Can Tho), where He became more popular and adored than ever before. Therefore, the French authorities placed Him under administrative surveillance at Cho Quan (mental) Hospital and later transferred Him to Bac Lieu.

When Japanese troops occupied Indochina, they forced the French authorities to transfer Him to their Kempeitai Headquarters in Saigon. While residing under the Japanese surveillance, He wrote a parallel-sentence to illustrate His predicament: “Truong Tien returned to Han but never became Han’s subject, Lord Quan lived with Tsao but never bent his head to Tsao.” The Japanese military hoped that through Him, they could win over the sympathy of the huge mass of His followers.

Following the coup d’etat of March 9nd, 1945, mounted by the Japanese occupation forces against French colonial administration, He maintained a very reserved attitude because He knew that Japan would inevitably be defeated. At that time, he uttered a very humorous saying; “Japan will never finish eating its chicken.” That proved to be true. For the Lunar Year of the Rooster, which was the year 1945 was when World War II ended with Japan’s defeat.

In 1945, having foreseen the coming calamities on the people, thus animated by immense compassion, He assumed the responsibility of protecting the nation, and saving His countrymen by founding the “Union of Buddhist Associations,” and the “Movement for Vietnam Independence.”

After Japan surrendered to the Allies, Viet Nam plunged into an unstable period. Our compatriots were worried about becoming “slaves to be transferred to other slavemasters.” Virtuous Founder Huynh appealed to leaders of political parties, and religious groups to set up a National Unified Front (NUF) to create a political position toward foreign countries. The NUF integrated into the Viet Minh Front, and Virtuous Founder Huynh was elected the first representative in South Viet Nam of the latter.

To prevent the believers would cause violent reactions facing a new situation, Virtuous Master, from Saigon, sent a special Direction to the Western Area, as follows: 

   To all male and female believers!

  The days that we had to suffer under the domination of French and the evil government are over. From now on, our religion will be free to preach and transmit. I take this chance to express my thoughts so that you can understand:

Buddhism is the religion of compassion, loving-kindness, morality, respect lives, indulgence, and greatness; even if the situation changes, humanity doesn’t change at all.

 Therefore, please consider all countrymen as siblings in the same family, so that they would unite with us to rebuild our nation and religion. Cruel people in the past might feel remorseful, and they come to reasons; so, we need to use our virtues to tolerate their crimes. Let’s leave them to the later decision of the nation. We only advise them to get back in a good way; don’t apply any aggressive means that may touch the compassionate mind of the Buddhas.

I expect You to follow this Instruction.

Sài-gòn, 2nd of 2nd month, year Wood-Rooster (1945)

Next, He also sent another personal letter to His Followers, urge them to let off feud and hatred (Oracles-Teachings page 543):

PERSONAL LETTER TO MY FOLLOWERS

I was in Saigon when the coup-d’etat happened. I knew that there would be some bad happenings among the people, so, I immediately wrote a letter to admonish and urge all of you. However, due to the very bad traffic, the letter arrived too late.

I am not happy to see that a few people inside and outside the Religion abused my words to act out of revenge. That doesn’t deserve to morality and compassion. Although they were pitiless towards us in the past, we now won’t use the same treatment towards them. Since their minds are full of cruelty, but our minds are full of humanity!

Thus, from now on, anyone in the Religion who acts without an order will be expelled out of the Religion, and hand over to the government for strict judgment.

                                                       Signed:  HÒA-HẢO

        Saigon, 2nd month, year Wood-Rooster (1945)


Following the signing by Ho Chi Minh of the modus-vivendi of March 6, 1948, with France, Virtuous Founder Huynh joined hands with other nationalist leaders to create the “Front for National Union.”

The new Front was so widely supported by the mass that the Communists showed their teeth by dissolving it. Then, they created the Association for Vietnamese People’s Union to conceal the red color of international communism and the bloody massacres by the communist in the fall of 1945.

In 1946, willing to promote unity amongst all sectors of the population, He agreed to become a member of the Administrative Committee of South Vietnam as a Special Commissioner.

In a move to save His people from the “threat of extermination,” He set out to assemble patriots of various parties, and followers of Hoa Hao Buddhism. To that effect, He founded the Vietnamese Democratic Socialist Party on September 21, 1946, ever since He proved to be both a religious revolutionary and a great political leader.

Even the most critical leader of the Party manifesto and platform had to admit that He endowed with a most distinct and progressive mind.

At the same time, He dispatched His trusted collaborators abroad to rally exiled patriots into a Unified Front. The Nationalist Solution, applied later to save Viet Nam from the crisis, originated from His efforts with exiled-patriots.

ABSENCE:

Because His belief and teachings could ruin the communists, they sought every possible means to suppress Him.

On 16 April 1947, the Việt Minh invited Virtuous Master to Tân Phú, Đồng Tháp Mười to reconcile the conflict between the Việt Minh and Hoà Hảo Buddhism.

Following their master, two disciples rowing Sổ and four bodyguards led by Mười Tỷ to start from Ba-răng from 6 pm. When the boat hit Tân Phú wharf 2 hours later, there was a militia squad of Bửu Vinh welcome them.

However, there was an ambush, and some of the bodyguards were shot. A guard named Mười Tỷ could escape after seeing the Master turn-off the light in a hut; he tried his best to run back to Ba-răng to inform Hoà Hảo followers of the bad news that their Master had been harmed by the Viet Minh and a few bodyguards were shot.

Everyone was choked with tears when they heard that the Master was harmed. The leaders of Dân Xã all lead their army to Tân Phú, decided to have a life-and-death with Bửu Vinh to save Sổ, then a letter of the Virtuous Master was sent to them, the following text:

“To Mr. Trần Văn Soái and Nguyễn Giác Ngộ,

“I had a meeting with Mr. Bửu Vinh. Suddenly something happened, me and Mr. Vinh nearly died, unknown cause investigated;

In the defense brothers, if someone doesn't die or escape and return to report that I was captured or harmed, do not believe and do not disturb.

Forbidden rumors, forbidden to pull troops to rescue, please place military measures on-site. In the morning, I will thoroughly investigate with Mr. Bửu Vinh then later.

Must strictly adhere to,

April.16th-17th;9:15pm
Signed: Sổ"

Reading the letter of Virtuous Master made, everyone is shocked because this is the real character and signature of their Master. Even though Sổ sent his letter, the Hoà Hảo disciples can't feel secure when listening to Mười Tỷ, the only survivor escaped from the ambush and reported that Bửu Vinh had harmed the Master. His disciples and the Dân Xã still wait for his news and even send a scout to search for Sổ. They plan to disguise to come to Tân Phú to see how the situation is and if the Việt Minh team is also there. Another way, the army is also ready to listen to the Master's message; if he were kidnapped, they would come to rescue him immediately.

Since then, nobody hears from Him. His followers firmly believe that He could not be harmed, and they are waiting for the day when He will return to probably His most glorious mission.

Namo Sakyamuni Our Master Buddha.

Namo Amida Buddha.

Namo Kim-Sơn Buddha.

       CELEBRATION OF 100th ANNIVERSARY OF THE VIRTUOUS FOUNDER HUỲNH

Today, December 15th 2019 (the 20th of 11th month, lunar year Fire-Pig), all Buddhist disciples, alongside with the whole world, can feel the great Blessing from the High-above to realize our greatest dream and aspiration of a lifetime, which is being born and participated in the celebration of 100-year-nativity of the Virtuous Founder of Hòa Hảo Buddhism.

The Virtuous Founder Huỳnh, the full name was Huỳnh Phú Sổ, was born in village Hòa Hảo, a small inlet on the northside of river  Vàm Nao, district Tân Châu, province, on 25th of the 11th month, lunar year Earth-Goat (January 15th, 1920).

His parents were Virtuous Father Huỳnh Công Bộ và Virtuous Mother Lê Thị Nhậm. He was the eldest son, and his sister was Mrs. Huỳnh Thị Kim Biên, his youngest brother was Mr. Huỳnh Thạnh Mậu. Since a young age, he was different from other children: very composed, kindhearted to all living beings, including the animals.

After graduated from elementary school, he had to stay home due to illness. He suffered a strange illness that was incurable, although his Father strove hard to find treatment. Later, he told a believer in Bạc Liêu: “The illness was the body’s purification blessed by the High-above, just like to clean a bottle before pouring in the transparent water.”

One day, he suddenly announced to the whole village: “Anyone with any illness can come to me, I’ll treat for you.” At first, no one believed him; but then a few gravely sick people came in, was treated by him with a little of various kinds of rural flowers, and the urge: “Strive hard to invoke Buddha’s name. Your devoted soul can make the water turn into medicine; Your sincere mind will touch Buddha to bless you with divine nectar.” This divine treatment could gradually bring lots of patients and guests to his house.

Alternatively, he developed his mind and body so well, and then, on the 18th of the 5th month, year Earth-Rabbit,  (1939), at the hall Kim Sơn Tự (Virtuous Father’s house),  he got sudden enlightenment, became so good-looking, with great uprightness. He stood up to process the ceremony of notification to the Celestial King, then officially received the responsibility to found the religion and rescue the people.

He announced: On the 18th of the 5th month, year Earth-Rabbit; I appear to the world to rescue sentient beings. Although new learners of the Path thought that I took a medium body, they did not know that this was long-time transmigration, only wait for the precise day to help the people. So, my method is to depend on the levels of perception of the male or female faithful; I would either talk about Buddha teachings to the ones with deep roots in the Path who want to realize, create the good-causation with Master-Patriarch. In a lower approach, I would also use the miraculous power of Deities to cure illnesses for the lesser good-rooted level, thanks to the cure; they would feel touched by the compassion of the Divinities and Hundreds of Officials, who felt so touched with the mournful cry of people in pain.” (The Mission of  Virtuous Master). 

Since that day, our country Vietnam had another remarkable historical page, when He left three dedications to life with His three gigantic works:

1/- On the religious work, it was the religion Hòa Hảo Buddhism.

2/- On the military work, it was the Militia Force Nguyễn Trung Trực.

3/- On the political work, it was the Vietnam Democratic Socialist Party [Dân Chủ Xã Hội Đảng].

On the religious aspect: He founded a completely national religion. Hòa Hảo Buddhism advocated to enter the world, study Buddhism, workout Humanism, fulfill Four Gratitudes, practice Pure Land methodology to advance toward deliverance.

The Virtuous Founder Huỳnh also preached about the superior religious philosophy of Buddhism. His unique method of teaching that hid the divine course was very smart to attract and wake up millions of hearts, lead them to follow the wholesome way, with an engaging but clear, smooth expression, that is:

Slightly opened the mouth, full of gracious words on lips,

 Lower the genial pen, and the poem has already started.”

 (poem The Dazzling Muse)

On the military aspect: By the end of 1945, when the French colonists took over again Saigon and some Southern provinces, He organized the revolution forces named “Patriotic Militia Revolution Force Nguyễn Trung Trực.” He used the name of a national hero who fought against the French, as a mirror for the soldiers to follow, to protect the people and country, and also, this was a means for the believers in Hòa Hảo Buddhism to practice the No-fear almsgiving virtue.

On the political aspect: On September 21st, 1946, Virtuous Founder Huỳnh officially announced the establishment of a political party under the name of “Vietnam Democratic Socialist Party,” abbreviated “Democratic Socialist Party” [Dân Xã Đảng]. He was the soul and the eminent leader of this revolution party.  He also urged the co-religionists: All brethren believers, if you feel that you are still indebted heavily to the country, and love your people too much,  let’s participate in the Vietnam Democratic Socialist Party to fight. That is a means for you to repay Four Gratitudes”.

Through the foundation of Hòa Hảo Buddhism, the revolutionary forces, and the political party, Virtuous Founder Huỳnh originated at the same time three revolutions:
  1.- Revolution of Religion.

  2.- Revolution of National Liberation.

  3.- Revolution of Political Society.

He was far advanced for His time. Possibly, He was the pioneer in exposing a procedure or model of politico-socialist activities for Vietnam, and bringing the democratic notion into political actions.

However, on the 25th of the 2nd month, lunar year Fire-Pig (April 16th, 1947), the Virtuous Founder Huỳnh suddenly disappeared. He silently left, to exchange for the people’s lives, to prevent the bloody fights among people of the same race and color; as in many previous lives, He’d already witnessed the bloody karmic vengeance. Such attitude showed the eminent compassion and righteousness of an enlightened world savior

Today is the Great Joy Day for the world, the 100th Anniversary of the Virtuous Founder. Today, all believers in  Hòa Hảo Buddhism, His pure and loyal devotees from all over the world, all co-religionists of Hòa Hảo Buddhism living everywhere, feel the same bliss in their hearts, show the same joy in their smiles and greetings, they get together to celebrate the 100th Anniversary of Our Virtuous Master. Right now, right here, in the same hall, we come together in the warm but respectfully air to chant our gratitude, to offer Him million fragrant roses from our hearts of One life one religion, till the end of life,” to celebrate the 100-year-nativity of Virtuous Master.  We all feel the same inspiration: “We have received such a great blessing, such a great karmic chance to live this present moment of the celebration of 100-year-nativity of the Compassionate Enlightener” to memorize His Dharma teachings given to all living beings

We respectfully pray for His return someday. That would be the Greatest Day of Glory and Significance.  

Namo Sakyamuni Our Master Buddha.

Namo Amida Buddha.

Namo Kim-Sơn Buddha.

THE MEANINGS OF THE ANNIVERSARY OF
VIRTUOUS FOUNDER HUỲNH

Every year, on the 25th of the 11th month in the lunar year, millions of believers in Hòa Hảo Buddhism living everywhere on earth reunite to solemnly organize a Celebration of the  Nativity of Virtuous Founder Huỳnh.

The Virtuous Founder Huỳnh, the full name was Huỳnh Phú Sổ, was born on 25th of the 11th month, lunar year Earth-Goat (January 15th, 1920), in village Hòa Hảo, a small inlet on the northside of river  Vàm Nao, district Tân Châu, province Châu Đốc. His parents were Virtuous Father Huỳnh Công Bộ và Virtuous Mother Lê Thị Nhậm. His family was middle class, with great virtue and prestige towards the regional commoners.

In the fall season year 1939, after taking His father to visit the temples and caverns in Seven-Mountains area (in the West of South-Vietnam) especially the mountain Tà-Lơn (Bokor) at province Cần-Giọt (Kampot) at the border of Hà Tiên and Campuchia, He suddenly enlightened. Then, on the 18th of the 5th month, year Earth-Rabbit (July 4th, 1939), He officially founded Hòa Hảo Buddhism, a National Religion with great innovation to the Southern Vietnam society, with responsibility not only for the religion but also to rescue people in a historical revolution.

Exactly like His statement in the text “The Mission of the Virtuous Master): “On May 18th year of the Earth Rabbit, the time had arrived, the Heavenly course was defined,” or I appeared in this life to rescue the sentient beings. I had transmigrated many times, waiting for the chance to descend and save the world.”. Therefore, His nativity was not a coincidence, but from a Divine order, He disclosed:

               “I obeyed the order of the Divine King

                 To spread Religious Teachings everywhere on Earth.

                  (poem Sacred Enlightening Dharma)

Or:

      “I obeyed the order of the Jade Throne,

        On mountain palace Linh Khứu I accepted my fate.”

        (Book.4 – Stanzas to Wake-up the Delusion)

Even His full name Huỳnh Phú Sổ carried a mystical meaning: Huỳnh: means the (Highest) Yellow (Divinity); Phú: a blessing noble hero; Sổ: a line or connection from the sky to earth. This name of a “Highest hero from Divinity descended on Earth” corresponds with this famous Oracle of the Great Vietnamese Prophet Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, as follows:

                   “The Divinity gave born to the highest Hero,

                     To save people’s suffering, to eliminate evilness.”

His life story and his works in Religion as in Politics were destiny since a century ago, and the celebrated prophet-poet Trạng Trình described that in his poems.

Undoubtedly, just like in much historical evidence, when society collapsed, the people taken apart, morality and Religion declined, evilness and infatuation took over the world; this would be the time for the World Savior to appear to lead people into a righteous Way.

Two thousand five hundred sixty-three years ago, the Indian society suffered grave separation of casts, of heresies, of superstition that turned people into hysterical states. Amidst such a dark night, The Buddha Sakyamuni appeared to bring His Religious light to brighten the world, and His Virtues of compassion and loving-kindness to rescue sentient beings.

In the Middle-East area, six-hundreds years later, amidst a society in chaos with cruelty and sins,  Jesus Christ was born to bring love, justice, and deliverance to people, and hang his mirror of imminent sacrifice on the cross to save Humanity.

Similarly, in time of the Virtuous Founder Huỳnh,  Vietnamese society was in the downfall of morality and living foundation, facing the threat of the wartime. Particularly, our country was under the cruel and unjust domination of the French colonists. The appearance of the Virtuous Master at this time was with an obvious purpose: “I suffer, suffer for the People.” 

According to the book 1 “General Buddhism,” Venerable Thích Thiện Hoa wrote, “talking about the presence of The Buddha in this world, people tend to apply the word “Nativity.” Nativity means a happy birth that gives bliss and light to this world.”

The believers of Hòa Hảo Buddhism have a conviction that the Virtuous Founder Huỳnh was a living Buddha with the name of Kim Sơn Buddha; descended on earth to found the religion to rescue people, and bring happiness for millions of commoners in the Lower Age of the Dharma.

At first, He applied the process of a miraculous cure for illnesses to help people. He could cure hundreds of grave sicknesses, such as demoniac obsession, asthma, gout, cholera, appendicitis, etc. All were treated merely with a little of various kinds of rural flowers, and the urge of invocation Buddha’s name.

Such miraculous cure startled many Western doctors and Eastern pharmacists, including renowned sorcerers, The majority were commoners who adored Him and came to visit from everywhere. From now on, they had started to believe in Buddha, listen to Dharma preaching, and took refuge in the Religion.

Just like in His statement: “ So, my method is to depend on the levels of perception of the male or female faithful; I would either talk about Buddha teachings to the ones with deep roots in the Path who want to realize, create the good-causation with Master-Patriarch. In a lower approach, I would also use the miraculous power of Deities to cure illnesses for the lesser good-rooted level, thanks to the cure; they would feel touched by the compassion of the Divinities and Hundreds of Officials.” He was the living Buddha or a Mahã-Bodhisattva who descended on earth to found Religion and rescue people.

Alongside the medical treatment procedure, He had continuously given teachings, with incomparable talents, like a stream of pure water. Many renowned writers, poets, teachers came to listen, witness, quest, and learn. They all confirmed that he was of supernatural talents. He was an outstanding being.

Meanwhile, He composed a lot of Oracles and hundreds of Poems with the contents about religious philosophy, and the prophecies about WWII (1939-1945). He urged people to escape the tribulation by the Religious way.  He advised the application of Four Gratitudes in life; the devotion into the methodology of Pure Land – Meditation; the study of Buddhism; the realization of Humanism to become a good person in society, then advance into the divine sphere of the Way.

His Teachings were deep but very practical, could be applied everywhere and for everyone. Thus, only in a short time, His religion could take refuge for two-million followers in the South of Vietnam, with a developing influence.

In brief, in less than eight years since the day the Virtuous Founder Huỳnh founded Hòa Hảo Buddhism (the 18th of the 5th month, lunar year Earth-Rabbit -- 1939) to the day He was absent in  Đốc Vàng hạ (the 25th of the 2nd month, lunar year Fire-Pig -- 1947), He left a great literary works for the posterity:

 - 5 Books: Oracles-Teachings (the books are: Oracles-Teachings for the people; Stanzas of the Crazyman; Oracles-Teachings; Wake-up the Delusive Ones; Urge to Kindness. Total of  3.254 verses, in forms of six-eight words and seven-words).

- 1 Book: Guide to Religious Practice and Daily Living for a Believer (written in a melodious prose style).

- 1 Collection: Literary and Religious Philosophy (the book is over 350 pages, mostly in various poetic forms, such as seven-word eight verses, four-verses, five-words, six-eight-words, seven-words multiverses, twice seven-six-eight-words, four-words, and some variations. The contents are teachings directly or indirectly, with deep hints of the mystical side. All are very helpful for the practitioners.)

One of His special works was His vast journey of traveling teachings. Besides uncountable teachings in place for all kinds of listeners, He spent lots of time to travel and preach. He made 107 rounds of  Encouraging the Agriculture [Khuyến nông] after the famine in year Wood-Rooster 1945 (in the Northern land). He could spend over a thousand times to preach on a myriad of various topics. His active work schedule and His sacrifice were one of the prolific factors that He could attract an unbelievable number of believers who came to take refuge in the Buddhist Religion of suchness and true mind.

Thus, from the Founder of a purely Vietnamese Religion with two millions of faithful believers, He entered into the political field with steady steps, amid the storms of the national situation. His incessant hard works during two years (1946-1947) only aimed to the fighting for Vietnam to escape the slavery yoke of French colonialism, Japanese fascism, and to seek for Vietnam a complete Freedom and Independence.

In brief, The Buddha Sakyamuni was born as a regular person to show sentient beings the procedure of the religious practice aimed at the deliverance. The Virtuous Founder Huỳnh, in His time, lived as a regular man who suffered as much as other people, but He was so brave to enter into the turbulence, the revolution, to liberate sentient beings and His country. He brought Religion into Life, transmitted Buddha’s Dharma into everyday life so that simple people could apply the miraculous religious philosophy the Buddha in their life, in accord with their condition of living. Therefore,  Hòa Hảo Buddhism was a National Religion, that continued the tradition of Bửu Sơn Kỳ Hương founded by the Buddha Master Tây An in the year 1849.

His Nativity was not only the torch raising high to enlight the nights in history and the blackish ignorance of human beings but also a pure mirror of existence fully dedicated to the altruist Religion and Revolution of a true  Vietnamese. With the immense works of Teaching the Righteous Dharma, with the patriotic spirit and the passionate love towards people, with the overflowing compassion towards the people downfall into calamity, the Virtuous Founder Huỳnh have been always living in the respectful love of all the believers in Hòa Hảo Buddhism, and He will live forever in the National History.

Today, we cheerfully reunite to celebrate the 100th Nativity of the Virtuous Master, to express our faithful mind of “respect to Master, reverence to Religion,” and the immovable determination of “protecting the Religion, waiting for the Master.” Every one of us should be very proud of our life inside the Dharma teachings about the Religious philosophy of Hòa Hảo Buddhism, for more than eighty years, especially, we should be happy in the blessings of the Patriarch and Master to be able to attend the Supreme Celebration that only happens once in 100 years!

We would respectfully pray the Buddha for the gratitude of blessing us with a world savior in Southern Vietnam, who was the Virtuous Founder Huỳnh.

We would respectfully pray the Virtuous Teacher for the gratitude of blessing us with the founding of the Religion and rescuing the Life, guiding a multitude of believers of out infatuation to reach the Awakening in Pure Land.

We would vow to inscribe Your words in our minds and obey all of Your sublime teachings to become good persons, pious and loyal children, so that we would be present at the celebration of Dragon-Flower Assembly, and live the Higher Age of Virtuous Dharma.

Pray the Triple-Gems for the sanctification and the Patriarch-Master for miraculous blessings of peace to the World with peace, of happiness and deliverance to all sentient beings, free from all kinds of suffering.

Namo Sakyamuni Our Master Buddha.

Namo Amida Buddha.

Namo Kim-Sơn Buddha.

THE VIRTUOUS MASTER  HAS NEVER BEEN ABSENT

The mind is still; the body is still; the wisdom will brighten.

The still mind, the bright wisdom will control the whole system of six senses five organs; they will master all movements and actions, walking standing laying sitting. Walking standing laying sitting with an empty mind. The free-will actions won’t be influenced by the sense-organs, since our mind is now under the charge of our inner force, fully concentrated and strengthened.

This moment, we can do whatever we want without any wavering caused by others or by ourselves, by the threatening fear.

Fear only presents when we are too weak, lack of understanding about what we should do or should not do.  When we know clearly about the work that we’re doing, the road that we’re following; then, we won’t feel fear anymore, no more attachment, fetters, hesitation, trepidation.

If we want to do something, we need to be brave to step into the light. First of all, that is the light of the INTERNAL MIND. That is the torch to enlighten the way. When the light of the internal mind becomes a torch to enlighten the way, all actions come from bright decisions. Every step will be so steady, without any backward step.  There will be only advancing, no backward.

Wherever we go, we can face directly, even before the crowd, or before the powerful with the ability to take our life. If they harm us, they would only harm our body; they would never blow off the light of our spiritual torch, or our wisdom.  

The religious practitioners should have the wisdom to illuminate their way. Wisdom is the knowledge about the right time and situation, the wrong time and situation; it is not the cleverness for calculation and plotting or the elaborate cunning that usually applies to the abuse and mischief towards other people for our benefits, or our party, our religion’s good.

Carrying on the religious tasks requires being transparent and taking a religious living. A religious living here doesn’t mean a monastic living but a way of living in accord with the good conscience, even though other people might know it or not. It’s better for us that only a few people know about it since a Genuine Religious Living requires to be in SECRET. True secret, not half-secret, half-open. Half-secret so that we can believe that we are truly practice; half-open so that other people would admire us.

Living half-secret, half-open, is still a Fake Religious Living. Fake religious living means fake. Thus, any work is fake: fake humanity, fake loyalty, fake value in religious practice. Such practice only leads to ignorance, imitation, loan, never reach the knowing, the True Knowing.

True knowing is the knowledge about the universe’s mystery, which is in non-stop changes and transformations of the operation of five elements: metal, wood, water, fire, and earth. Such an operation can make the whole world, sentient beings, and nature to change forever, in unstable way, depending on the good or bad human thinking, which influences the covering atmosphere.

The pollution or purification can have an aggravating influence on the operation of the stars and planets, including our earth.

The polluted earth, due to illnesses, wars, sciences, and uncontrollable greed will lead to natural calamity, which comes from the unbalance that also caused by human minds and bodies.

This planet earth will be destroyed if human beings don’t know how to change themselves, to be able to alter the divine course.

Love should be transmitted to transform human feud, hatred, and evilness.

How to spread love and touch other people’s souls?

That isn’t an easy task to realize. In reality, a lot of people have been trying to make it, but nowadays, hatred and anger are still immense in Vietnam. Innumerable souls of the victims of injustice could not go away or transmigrate into a good karmic cycle.

How to deliver those souls from their unjust death, death for their religion, death for their people, and country? The atmosphere of anger is still covering the whole of Vietnam’s sky, from both sides of Right and Left.

Right here doesn’t carry the political meaning of the republics; left here doesn’t mean the communists. Right here means the religion, the ones with faith into theism, in divinity, and left here means the ones without faith, without direction, the atheism. Deep down, their souls are the most suffering, since they don’t carry goodness but evilness of hatred and greed, impossible to deliver and transform into better karmic cycles. The souls with faith, direction, or the Way, will be able to practice and advance into a force of transmigration from bad karma to a better one, in a long or short time depending on their soul’s awakening.

Hòa Hảo Buddhism needs true leaders to develop and strengthen so that it would benefit Vietnam, a country, a people that need a rising force, to transform their commune karma, which is full of suffering and hatred.

Poland, Czechoslovakia, Germany, Russia are changing their course. Why has Vietnam always been following other country’s footsteps? How can we wake up the leaders, the power-holders, and the intellectuals who are still greedy and selfish?  

They will only wake up when they feel fear, fear about the High-Above, fear about karmic retributions. They want to see the factual miraculous divinity in front of them. They aren’t intimidated by threats since they hang on the atheism – even deep down, they feel so doubtful. Once they have to face straightly into the divine miracles, they would be submissive and changing.
All Vietnamese and all believers of Hòa Hảo Buddhism need to know that: The Virtuous Master has never been absent.

Namo Sakyamuni Our Master Buddha.

Namo Amida Buddha.

Namo Kim-Sơn Buddha.

SACRED SEVEN-MOUNTAINS

BUDDHAS & BODHISATTVAS
DESCENDED ON EARTH

The Teachings of Buddha are the Truth.

In Buddha’s Sũtras, there are many evocations about the appearances of the Buddhas, Bodhisattvas, Holy ones, myriad kinds of divinity on the sentient beings’ world to rescue and teach, also, to demonstrate their magical transformation as proofs of supernatural faculties of the high above. The human beings with complete religious practice, or the ones with good karma might have chances to witness such a mystical phenomenon.

Those are graces from the High-Above, and the chosen earthly areas that could receive them are so blessed; besides, they should meet some requirements of roots and morality of the human beings, as some suitable earthly conditions. The small piece of poor land of South-Vietnam Nam was unbelievably blessed with the appearances of so many Buddhas-Bodhisattvas-and the Holy ones during its most historical-critical periods.

First of all, let’s study a few paragraphs in the most loved Sũtra of Mahãyana about Pure Land school, especially the Chapter about the amazing event of the High-Above apparition. That is the 15th Chapter,  Welling Up Out Of The Earth.

WELLING UP OUT OF THE EARTH

Welling Up Out Of The Earth, the 15th Chapter in the most loved Buddhist Canon, The Lotus Sũtra, is an immeasurably grandiose, sublime and striking illustration about the appearance of the Boddhisattvas on earth, a powerful description that can teach hearts so strongly, and show the boundless and timeless almighty of Buddha Dharma, even in words. In this immense universe, Heaven-Human-Earth, all come from the same source, the same nature; the only difference among them is serene suchness versus agitated impurity. Our Master Buddha Sakyamuni, per compassion and encouragement, slightly opened for the human world such miraculous Truth, through one of His most magnificent and undoubtedly Sũtra Chapter.

Thus, this Chapter described the “Native Bodhisattvas” that sounds vividly related to the brilliant and particular event in the Sacred Seven-Mountains of South Vietnam. Please read the following textual extract to feel the force of compassion and wisdom of Our Buddha Sakyamuni towards human beings.

“[After the Buddha finished teaching the Lotus Sũtra, many Mahã-Bodhisattva prayed to be the protectors of this marvelous Sũtra:]

At that time the Bodhisattvas and Mahãsattvas who had gathered from the lands of the other directions, greater in number than sands of eight Ganges, stood up in the midst of the great assembly, pressed their palms together, bowed in obeisance and said to the Buddha: "World-Honored One, if you will permit us in the age after the Buddha has entered extinction to diligently and earnestly protect, read, recite, copy and offer alms to this Sũtra in the Saha world, we will preach it widely throughout this land!"

At that time, the Buddha said to the Bodhisattvas and Mahãsattvas: Leave off, good men! There is no need for you to protect this Sũtra. Why? Because in this Saha world of mine, Bodhisattvas and Mahãsattvas are as numerous as the sands of sixty thousand Ganges, and each of these Bodhisattvas has a retinue equal to the sands of sixty thousand Ganges. After I have entered extinction these persons will be able to protect, read, recite, and widely preach this Sũtra.

When the Buddha spoke these words, the earth of the thousand millionfold countries of the Saha world all trembled and split open, and out of it emerged at the same instant immeasurable thousands, ten thousand, millions of Bodhisattvas and Mahãsattvas. The bodies of these Bodhisattvas were all golden in hue, with the thirty-two features and an immeasurable brightness. Previously they all had been dwelling in the world of space beneath the Saha world. But when these Bodhisattvas heard the voice of the Shakyamuni Buddha speaking, they came up from below.

Each one of these Bodhisattvas was the leader of his great assembly, and each brought with him a retinue equal in number to the sands of sixty thousand Ganges. To say nothing of those who brought retinues equal to the sands of fifty thousand, forty thousand, thirty thousand, twenty thousand, or ten thousand Ganges. Or a retinue equal to as little as the sands of one Ganges, half a Ganges, one-fourth of a Ganges, or as little as one part in a thousand, ten thousand, a million nayutas of Ganges. Or those whose retinue was only one thousand ten thousand million nayutas. Or only a million ten thousand. Or only a thousand ten thousand, a hundred ten thousand, or just ten thousand. Or only one thousand, one hundred, or ten. Or who brought with them only five, four, three, two or one disciple. Or those who came alone, preferring to carry out solitary practices. Such were they, then, immeasurable, boundless, beyond anything that can be known through calculation, simile or parable.

THE SACRED SEVEN-MOUNTAINS:

In which way that the 2500-year-old canon’s chapter relates to a particularly recent phenomenon of Vietnamese Buddhism regarding the Sacred Seven-Mountains and Virtuous Founder Huỳnh? Doesn’t it sound like a prophecy? Maybe it’s much deeper than that, especially for the highly-practiced Buddhists who obtain a certain realization. From Sũtra to reality, they don’t feel vague or too far away.

 The incredible scenery in the Sũtra illuminates the appearance of uncountable numbers of the Bodhisattva and Holy ones in the precious religious land of South-Vietnam, especially the Sacred Seven-Mountains. This area has been celebrated for centuries as divine land with extraordinary personalities in history and religion, many of them had names quoted by the researchers and historians until modern times, throughout qua history, anecdotes and studies. However, spirituality is still transcendental scientific research, discovery, and transmission of the human world. Therefore, in this content, we only have a touch with the few brilliant names in modern times, that might relate to the magical event of the local Bodhisattvas-protectors of the Lotus Sũtra. Among them, are the two most special and celebrated cases of the Buddha Master Tây An and the Virtuous Founder Huỳnh.
A FEW LINES ABOUT THE BUDDHA MASTER

TÂY AN  & BỬU SƠN KỲ HƯƠNG:

Bửu Sơn Kỳ Hương ("Strange Fragrance from the Precious Mountain") refers to a religious tradition originally practiced by the mystic Đoàn Minh Huyên (1807–1856) and continued by Huỳnh Phú Sổ, founder of the Hòa Hảo.

Master Doan was a monk, whose His many followers respectfully venerated Him as "Buddha Master of Western Peace" (Phật Thầy Tây An); considered Him a living Buddha sent into the world to rescue humankind, since His first appearance in 1849, during the cholera epidemic in 1849, which killed over a million people. Huyên was reputed to have supernatural abilities to cure the sick and the insane and preach Buddhism in a simple Pure Land way. He founded his Buddhist sect in the same year; it had been continuing until today.

A NEW LINES ABOUT VIRTUOUS FOUNDER HUỲNH & HÒA HẢO BUDDHISM:

Born in the village of Hòa Hảo, in 1920, Mr. Huỳnh Phú Sổ was the son of a wealthy peasant. Plagued in his youth by illness, he was a mediocre student and graduated from high school only. He went to Núi Cấm in the Seven Mountains to learn from a hermit who was both a mystic and a healer. After a few months, He realized in 1939, having returned to his village. He started to propound his religious teachings, which based on Buddhism, designed to appeal primarily to the poor and the peasants. He quickly built up a following in the southern Mekong Delta and founded Hòa Hảo Buddhism in the same year, on May 18th, 1939, when He was only nineteen-years-old.

Hòa Hảo Buddhism had similar teachings of Pure Land, like Bửu Sơn Kỳ Hương. It expanded very fast since the day the Virtuous Master founded and reached the number of two million followers in only a few years.

A PURE LAND TOUCH IN BỬU SƠN

KỲ HƯƠNG AND HÒA HẢO BUDDHISM:

Both Southern Vietnamese Buddhist Sectes  Bửu Sơn Kỳ Hương and Hòa Hảo Buddhism carry similar religious viewpoints and practices: Study Buddhism Practice Humanism, Essential Buddhism for Laypersons,  Simplified Worshipping. The main point is that both Sectes focus on the philosophy of Buddhist Pure Land; practice the methodology of Pure Land with Meditation.  They take the invocation of Amida Buddha as the foundation, but in higher level, Meditation in a part of their everyday practice, alongside the invocation, to help practitioners reach elevated fruition.

Such specification on Pure Land coincides to the preaching in Lotus Sũtra; and the recent apparitions of so many Bodhisattvas and Holy ones on this Southern land of Vietnam would remind about the apparition of the native Bodhisattva Divine to take the role of protectors of  the Lotus Sũtra (in Chapter 15, Welling Up Out Of The Earth, previously quoted).

Regarding historical aspect, the Lotus Sũtra was preached by Buddha Sakyamuni over 2500 years ago, on the Vulture Peak by the end of His sojourn on earth; later, it was compiled by the Holy ones in about 200 years B.C. The first Chinese-Han traduction was done by the Great Venerable Translator Dharmaraksa in year 286. The Pure Land school was formes and developed strongly in Japan, China, and Korea since the 12th century. No clear information about its imported time and the way of diffusion Vietnam. The complete and most popular Vietnamese translation was done by Venerable Thích Trí Tịnh (1917-2014) in the year 1950. That means Bửu Sơn Kỳ Hương and Hòa Hảo Buddhism could not adapt this full version of Pure Land canon at that time.

Regarding the religious condition in Vietnam at that time, especially in South-Vietnam, around the time of Bửu Sơn Kỳ Hương and Hòa Hảo Buddhism, the majority of commoners followed a simple Confucian tradition of respect and veneration the ancestors. People did not pay much attention to Buddhism since most of them were peasants (also under French domination) with limited conditions in everything, including education. There were some Buddhist pagodas or temples, but they provided mostly the offering funeral services and some religious ceremonies. Most of them did not follow solemn or complete Buddhist practice. During that time, the Buddha Master Tây An and Virtuous Master, with many other Vietnamese Holy ones, appeared and offered humanity with teachings, religious innovation, and spreading the Buddhist essence to accord to cultural and social livelihood. Their contributions have been of great merits to the Buddha-Dharma and the Vietnamese Buddhists. And, their images looked exactly like the undoubted reflection of the myriad of native Mahã-Bodhisattva who had appeared from the earth and flown up into the air, the protectors of the Dharma preached by our Compassionate Buddha in the wonderful Lotus Sũtra, on the magnificent Vulture Peak.

BODHISATTVAS’ APPEARANCES AND REINCARNATION S IN SACRED SEVEN-MOUNTAINS

Was the Virtuous Master Huỳnh Phú Sổ truly one of the Reincarnated bodies of the Buddha Master of Tây An?

Those have been a frequent question for nearly a century, due to the appearance, disappearance, cause, knowledge, and prophecies of that young prodigy whose tracks and trails, causes, and effects are hard to believe and explain.

Many people have tried to answer, most of them believed that the Virtuous Master Huỳnh Phú Sổ was another reincarnation of the Buddha Master Tây An.

Reincarnation is an accepted Mahãyana Buddhist conception. According to it, the Bodhisattva from the Eighth field (Ten fields of Bodhisattva – Dasabhũmi) has the power to reincarnate for teaching or rescuing purposes.

The Reincarnated body (Nirmãnakãya), is a very popular notion in Tibetan Buddhism. Many great Tibetan Lamas are believed as reincarnated bodies; they are called Rinpoche (Honorable). The most famous ones have been the Dalai Lama. In other Buddhist countries and schools, they believe but do not open to the public. The main reason comes from the capacity to verify and certify. Tibetan Buddhism is very powerful in both religious and political ground. Dalai Lamas used to hold both political and spiritual powers for many centuries. They supported the search for reincarnated bodies by the Aggregations of Lamas and accepted their discoveries. Other countries haven’t had such power, they should have Bodhisattvas to expound and protect Buddha-Dharma, but rarely made public.

In Vietnam, the belief in reincarnation or reincarnated bodies has been becoming popular in South Vietnam, especially in the Buddhist sects Bửu Sơn Kỳ Hương / Hòa Hảo Buddhism. The main reason came from the repetitive appearances and performances in historical cases with famous monks and heroes with great contributions to Religion and Country. The identical patterns were more than coincidental, sometimes they carried mystical, unexplainable matching in knowledge, power, teaching, and impossible appearances. Below are a few prominent cases:

* Buddha Master of Tây An (1807-1856) The founder of the Buddhist sect Bửu Sơn Kỳ Hương, in the year 1849, with very simple religious principles and methods of practice. In the beginnings, he utilized the forms of illnesses treatments to poor people, especially the peasants, and preach religious teachings, simultaneously. The religion spread very fast, with many believers sought for him. The officials of province An Giang doubted him as a false priest and a political activist, they captured and imprisoned him. Afterward, as they could not find any proofs, they released him, but also forced him to become a Buddhist monk in the Buddhist school Lâm Tế and stayed in pagoda Tây An, in the mountain Sam’s forest (province Châu Đốc). From that time, he got the people’s respect and conviction, they honored him with the worshipful title, as Buddha Master of Tây An.

* Master Cử Đa: His real name was Nguyễn Thành Đa or Nguyễn Đa (? - ?), his religious name was Master Deity Ngọc Thanh or Chơn Không, Hư Không. He had been an imperial official with great martial arts. After his defeat in the revolution against the French colonists in the South of Vietnam, he later became a monk. By the year 1895, when he was in his forties, he tried to seek for a master in the renowned spiritual region Châu Đốc (following the sect of the Buddha Master of Tây An.) In the year 1896, he became a monk, with the Buddhist name of Ngọc Thanh, practiced in the temple Bồ Hong on the top of mountain Cấm, afterward, his master took him on the spiritual peak of mountain Tà Lơn, where he attained fruition.

* Buddha Trùm (? - 1875) real name: Tà Pônh. He was a Khmer-Vietnamese who lived in the province An Giang. He was venerably called Buddha Trùm by the believers of the sects Bửu Sơn Kỳ Hương, and Hòa Hảo Buddhism. He used to live to a layperson, with the family of a wife and four children. He was a Khmer who spoke only a few Vietnamese words; however, by 1866, after being gravely sick, fainted for several days, he suddenly woke up and presented himself as the “Posterior personification " of the Buddha Master of Tây An, or the “Soul Cover-up” of the Buddha Master, thus, the believers respectfully called him as "Buddha Trùm" (Trùm means Cover-up.)

* The Virtuous Master: real name: Ngô Viện (1831-1890), a.k.a. Ngô Lợi, Ngô Tự Lợi or Mr. Year Thiếp. He was Ông là the Religious Founder of the sect Tứ Ân Hiếu Nghĩa (Four Gratitudes of Piety and Loyalty.) He was also the leader of the movement of Resistance against the French colony in South Vietnam by the end of the 19th century. He was the one that the believers took as the second reincarnation of the Buddha Master of Tây An

* Sư Vãi Bán Khoai (The Yam Peddler-Monk): (? - ?) (real name and biography unknown.) However, based on his teachings of the way, and his book Sam Giang, many followers of the sects Bửu Sơn Kỳ HươngTứ Ân Hiếu Nghĩa, and Hòa Hảo Buddhism, believed that he was the third reincarnation of the Buddha Master of Tây An, to continue his teachings for the commoners in the Mekong Delta, Vietnam.

* The Virtuous Master Huỳnh Phú Sổ (1920-1947): He was the founder of Hòa Hảo Buddhism. His followers call him "The Virtuous Master," or "The Religious Founder Huỳnh." His Policy was very similar to the one of the Buddha Master of Tây An. Therefore, the believers in Hòa Hảo Buddhism trusted and believed that he was the fourth reincarnation of the Buddha Master of Tây An.

Back to the major question on top of this part. Besides the popular conviction regarding the reincarnations and inheritances of Buddha Master of Tây An in those amazing personalities cited above, the researchers of this mystical phenomenon can study those cases in the Book composed by the Virtuous Master Huynh in 1939, the “Oracles-Teachings.”

The book is an essential Teachings of Buddhist philosophy and practice, but also full of amazing Oracles. The Oracles, besides telling the predictions of future events – that had been proved all as exact in time and space – also provided the keys to mysticism or the re-incarnation and miracle of the High-above.

After a literary analysis, readers can see that there were about four contributors in Oracles-Teachings: the Buddha Master of Tây An, the Religious Founder Huỳnh Phú Sổ, the Master Deity Ngọc Thanh, the Yam Peddler-Monk Sư Vãi Bán Khoai. They fit the description of “One Master Three Servants.” We need to understand that in the spiritual field, “Master and Servants” do not necessarily denote the positions or ranges the Above Spirits. They are not master and servants, master and pupils like in the material world. In the spiritual activities or the energy sphere, these are possibly one main energy stream with other supporting energy. Or else, one energy stream that separates itself into various forms to adapt to aspirations and conditions. This hypothesis bases on the Six Supernatural Faculties expounded in Buddhist Sũtras.

Do you have your own answers regarding the mystical cases in South Vietnam? The real questions here should not hint the idea of “true” or “untrue.” Those two questions could have several meanings, expectations, and different levels of faith. The first level is the initiation of faith. The second level, the testing of faith. The third level, the amelioration of faith. And the fourth level, the abiding in the faith. At the last level, practitioners don’t need to raise questions; they have the answers innately.

The Buddha taught his Buddhists to believe only in something after positive self-realization. Therefore, the best answer comes from yourself. Besides, the way to obtain this answer is also the Way to religious practice; if you are a devoted and arduous practitioner, once you realize the true answer, you may also realize the Truth.

Namo Sakyamuni Our Master Buddha.

Namo Amida Buddha.

Namo Kim-Sơn Buddha.

Namo the Tranquil Ocean of the Bodhisattvas.

 

100 YEARS AGO, 100 YEARS LATER,
  in 2 inconceivable poems composed by
VIRTUOUS FOUNDER HUỲNH

The Virtuous Founder Huỳnh was one of the most inconceivable mysteries about the world’s men of outstanding wisdom and power in the last century. How to explain the case of a young man nineteen-years-old, who could hardly go to school due to long-lasting illness; suddenly he woke up, then, in only a few months, after a short visit to the mystical mountains, he was enlightened, knowing everything, founding a Buddhist school. A few months later, he got hundred-thousands of believers, wrote a sensational book of Oracles & Teachings (containing all accurate predictions and Buddhist-wisdom teachings). After a few years of uninterrupted hard working, his voice was so powerful to his two million followers; also, too menacing for the political parties. His disappearance was of a sudden, in the same way as his appearance.  The strangest detail to be noted: He’d already described those events in His books, years ago, when he made his first contacts to the world.

Today, his name is recorded in almost all the world’s dictionaries. They still give brief references and refer him under various epithets: the Founder, the Prophet, the Philosopher, the Revolutionist. But still, none has a touch upon Him as a “Great Poet.” Why being a Great Poet is important? Firstly, He is a Great Poet. Secondly, Great Poets can touch hearts and open minds, paving the way for Religion.

Vietnamese people love His poems. Simple, candid, open-up, pleasant but smart, affable but vigilant, quite easy to understand, easy to remember even though the meanings are profound and valuable. He composed so easily, just like wrote them out from His kind heart, from His bright wisdom. With time, His teaching poems have been so loved and celebrated. Time goes by; more and more people read, chant, sing His poems. In the beginning, He composed poems to chant for poor and low-educated. Later on, educated people recognized His talents and joined His groups, bringing their own poems to quest for religious teachings. Such a way of teaching and expounding was very effective. Maybe His image as a prodigy Buddhist Master was too prominent and respectful; therefore, people did not dare to refer to Him as “Great Poet.” He himself claimed that epithet on many occasions, even in His poems.

That is such a waste. The Virtuous Master’s poems are amazing and precious. They are wonderful in several ways, since He composed in various fields and standards, and was successful in any of them. Oracles, teachings, religion, practice, dissertation, debate, including story-telling and humorous critics; in Vietnamese and Chinese Han, in common style, erudite style; always carrying the essential religious teachings. How come His writing style was so versatile? Remember that He claimed in His works many times about “one Master and three servants” who spiritually composed the books. All colors offered to all types and levels of readers and learners.

Below, we will study His two amazing poems, composed in His unique style of mixed-categories poem, that means, they are oracles, teachings, methodology, history, prophecies, all-in-one truly beautiful poems.

They are the Great Poems, ready for the world. They have beautiful colors of the masterpieces, with all quality of visualization, imagination, creation, interpretation, mastering the arts and ideas.  The words here are profound and genius.  In brief, they are exceptional and inventive. New words are like precious gems that come from the religion of wisdom and splendor. His name deserved to be next to the Greatest Zen Poets. His name is Virtuous Master Huỳnh.

Now, we are going to read two MASTERPIECES of past and present. One depicts the portrait of the Great Poet in 100 years ago, and the other carries His words to His future readers of 100 years later.

100 YEARS AGO:
Portrait of the Virtuous Master
The First Poem depicts a portrait of the Master of 100 years ago, was composed in the year 1939. It adapts the difficult style of Chinese Tang poetry, includes three parts of seven-words eight-verses, in Chinese characters. It is a supreme Oracles-Teachings-Poetry that reflects the talent and wisdom of a nineteen-year-old Virtuous Master. Besides mastering the very strict rules of poetry, He could dexterously draw His mysterious portrait and biography in a few selected words. He told about who he had been in past lives, why He appeared in this world, what would His work be, and its effects within a hundred years. Moreover, he gave the main keys to Buddhism in a few words. A composition of ancient poetry so condensed but still too gorgeous, a beyond-splendid poem.

The poetry displays a graceful view with beautiful images. The words are more than accurate; they show wisdom, creation, and emotion.  Although the contents convey religion and prophecy in-depth, they express with such dexterity that makes readers feel poetry. This poem can master all challenges of difficulty and divergency in just a few words, prove an extra-terrestrial talent. An expected genius can hardly handle such a strangely condensed mixture of philosophy and beauty in a natural but inventive way. Especially, how could He invent the miraculous keys to open the door of a supreme Religion, and how could he predict his own future, step-by-step of life and death on this earth? Such work requires a super-human exertion, with sublime wisdom, a demonstration of Buddha’s fruition.

Following is the poem:

REVEALING THE SECRETS

Urging co-religionists to search for a profound phenomenon(1),

The states will be at peace with good scholars. 

Infinitesimal sand(2) in the Eastern sea had known serene music,

The jade palace in Southern peak will reveal the Deities(3).

 

Courage may be too blunt but prove true and straightforward, 

Powerful songs of sacrifice for the nation show up-high loyalty.

Leaving the Buddha-sight to get back to South Vietnam(4)

Destroying suffering; now revive in an incredible time.

PRECIOUS-gems profusely in this area hides a strange story, 
MOUNTAIN-tower revealed the outer of a mystical side. 
STRANGE-and-deep person with a borrowed name composes

poems like the water stream(5)
FRAGRANCE in the dusk absorbed a profound miracle. 

FIVE years and six months(6) spent in cold and hunger,

MOUNTS strikingly covered in clouds enlightens a true man. 
SEVEN years(7) in concord for faithful men under a kind head,

MOUNTAINS’ high peaks will have a wise leader reigns over.

Peace in the world will be close to the Celestial sphere(8),

The daring men have a heroic force that overcomes decadence.

Under the vault of heaven, true practitioners live in a hermitage,

With religion, good commoners in the world can live in peace.

 

Cherry blossoms are an inspiration source for amazing writing,

Facing adversities, the mind will develop ten thousand forces(9).

When the waiting time to come, the true sky will appear,

Good fate will visibly show a literature work to be sublime(10).

A. A Few Notes:

1. A profound phenomenon: This poem, written in 1939, in ancient Han-Nho letters, is a strong oracle about the Identity and Future Works of the Virtuous Master. He discovered his own mysterious and profound appearance and gave accurate predictions that can prove now.

2. Infinitesimal sands: Eastern sea sands also know serene music. It is a beautiful verse about the (Buddhist) suchness. In suchness, emptiness, or oneness, everything is of the same root. In any infinitesimal dirt contains all essential elements, including the sound created by the friction with other objects. The Eastern sea here represents the rescue’s power of Bodhisattva Guanyin. A stanza depicts the author’s deep root as a Buddhist enlightener.

3. The Deities: The jade palace in Southern peak will reveal many Deities, enlightened at the same place, starting by the Buddha Master of Tây An, then his disciples and reincarnations.

 4. Leaving the Buddha-sight to get back to South Vietnam: He came from the Seven-Mountains (where he practiced and realized) and got back to Southern Vietnam to found his Buddhist school.

5. A strange-and-deep person: with a borrowed name, composed poems like the water stream. That is Virtuous Master true, accurate, and iconic self-portrait.

6. Five years six months: Virtuous Master started to found his religion by July 1939. He suffered a very bad time, due to WWII and under the strict French domination. That was a struggling period, in cold and hunger (literally and figuratively), he was even detained in the psychiatric hospital at Chợ Quán. In 1945, when WWII was near the end, he could work more freely. In 1945, when WWII was near the end, he could work more freely. At the beginning of 1946, he could organize and strengthen his religious and social foundation.

7. Seven years: He predicted his working time on earth in this sentence. By the end of 1939, Precious Master created his religious school and has been working in harmony between his men like the kind leader. He left in April 1947, and the time was still within seven years.

8. Peace in the world will be close to the Celestial sphere: This is an oracle about the future of the world. The world will be in peace after WWII. Then it will evolute to a higher level of morality, humanism, and religion.

9. Facing adversities, the mind will develop ten thousand forces: This is likely a dexterous means to practice the way, by using the reactive force and develop stronger forces. When practitioners can overcome adversities, they would attain a stronger mind force and energy.

10. A literature work to be sublime: His prediction about his future role in the world. Not only a founder of a new Buddhist school (or sect) in a small country, he will be known and praised worldwide, firstly, through his deep, meaningful, wonderful literature works (Oracles-Teachings).

B. Religion & Oracle & Poetry:

Rare are the ones who can master all these three different fields of Religion & Oracle & Poetry in the same work. Hard is the detachment of these three factors in the same poem composed by Virtuous Master. His naturally exceptional talent created such harmony work. He only decreased or increased the elements of the combination according to the objects or the readers. The simple poems that He called “easy” have been loved by the commoners for decades, while the deeper poems – especially the ones written in difficult Chinese-Han words – are not only the profound ones but the ones with highly “Poetic Substance.” That is the case of this poem titled “Revealing the Secrets.”

 Let’s study a sample of His poem, a seven-word sentence in this poem, to see how Religion&Oracle&Poetry could work together in a mere verse.

Infinitesimal sands in the Eastern sea had known serene music

This verse is a “multipower key” to open many doors of  Religion&Oracle&Poetry. Let analyze them with a few possible distinctions (from common sense).

1. Poetic Substance: “Infinitesimal sand” (Sa-vi) is an outstanding revelation-word with an incredibly beautiful vision. A creation of word given by the author. The ultra-small molecule (or atomic element) of sand? In Buddhist Sũtra, the analogous sanskrit word is Paramanu, or simpler, Anu, English translation: molecule of dust(?).

Here the words “infinitesimal sand” and “infinitesimal dust” are used to prove the ultra-subtle vision of the author. Why infinitesimal sand but not dust? The sand has a Poetic Substance. Poetic Substance comes from recognition, perception, emotion, imagination, vision, and, most of all, the connection or relationship between the special beauty of an object and the personal talent of the poet.  The sand, under a microscopic vision, is more beautiful, more magical. The sand of a river or ocean is much more beautiful a vision, due to the harmonious relationship with the beauty of an ocean. Also, sand is supposed to be cleaner and quieter than dust.

Those infinitesimal sands that wallowed impregnated too long in the ocean, they might carry on the sounds of the sands’ rubbing each other, and all kind of related sounds into the (very long time evolution process). How marvelous is the vision of the infinitesimal sands inside the astronomical ocean, the placidity of the sands inside the agitation of the ocean’s water, wind, and waves? That is the ultra-poetic material.

2. Meditative Visions: Oracles come from visions. The master of meditation often has special visions; many of them belong to the future. Most of the poems of the meditation (or Zen) masters are very short but impressive, leaving a touch of vision. They are not the description of the outer sensual beauty, but the direct inner insight of the (real) reality.

Take a typical sample from the celebrated poem in the ancient poetry “The Crane’s Bill” of Zen Master Dogen Kigen (1200-1252), who was a Japanese Buddhist priest, writer, poet, philosopher, and founder of the Sōtō school of Zen in Japan. He had been adored and worshipped by Japanese Buddhists as a Great Boddhisatva. Let’s study his vision:

Four and fifty years

I've hung the sky with stars.

Now I leap through –

What shattering!

Zen poetry sounds so beautiful, but its beauty comes from the far-sighted vision, from the truth, from the realization, from the suchness. The seeing, the vision of a Meditation Master, (or the eyes of wisdom), is different from the worldly beings. That’s why the Eminent Masters can see the future.

If you prefer the poem form, this simple verse of Virtuous Master could be re-arranged in the format of a Zen poetry, or a Haiku:

Infinitesimal sands

in the Eastern sea

had known 

serene music.

Could you see, through this poetry, how far a realized vision could reach? The infinitesimal sand should have formed and reformed since the initial formation of the cosmos when the four elements – earth, water, wind, and fire – had started to assemble and accumulate. Long, long time after, the minuscule sands had been so impregnated into the water of the East ocean, they got accustomed to the incessantly repetitive sounds of nature. The Eastern ocean here represents the rescue’s power of Bodhisattva Guanyin, who has been residing over that ocean of afflictions to save sentient beings by the compassion.

3. The Religion: Meditation is Religion; it is the gate opened to the Way of realization. This method does not need speech but is full of speeches.

Below are a few teachings of the  Religion related to those quoted seven words. The vision of the “infinitesimal sand” should come from an enlightener of the religious way! They have the (six) supernatural faculties and can utilize their Celestial eyes to see the creation of the universe, from the smallest to the largest existences. In Buddha’s Teachings, the Metaphysics, the Supernatural sciences are included. Buddha has always been the most respected Religious Master from greatest scientists (like Einstein) due to His unbelievable knowledge of everything, especially regarding the infinite cosmos.

The form is formless; formless is form. In the formless emptiness contains the seeds of form. That is the very beginning of the universe — the quintessence of Prajnã-parãmita. Like everything in the world, the infinitesimal sand that might be the very origin of the sands had been formed by the coordination, the relationship, or the primary karmic of actions of things. The sitting sands might carry a higher force of stillness than the specks of dust floating in the air. Sands stayed in motionlessness. Immobility, calmness could create a force. Meditation is to get the force from tranquillity and stillness.  So, from the force of tranquillity, the sands could impregnate into the cosmic sounds.  All sounds had been coming from the collision. The very first collision of the infinitesimal sands had been an each-other relationship. All relationships would be karma, even if they had come from a very-far-away beginning of the world. Then, they had combined into cycles of uninterrupted cosmic evolution.

So, those lucky infinitesimal sands that stuck together in the Eastern ocean, impregnated in the compassionate nectar of the Great Bodhisattva Guanyin. The “serene music” or divine music mentioned here could be the natural music of the sands in touch of each other, or the wind in touch with the water to cause the wave. Or else, that was the divine magic of the Great Bodhisattva, who created the meditation of “the sound of the ocean” [hải triều âm]. Whatever it was, this vision could raise all kinds of imagination and surpass all kinds of imagination.

Now, please read the verse again to feel the magic of the words from an Enlightened One:

Infinitesimal sand

in the Eastern sea

had known 

serene music.”

C. The Origins and the Portrait:

Virtuous Master gave various names and portraits in His work, Oracles-Teachings, and Literature. He took different forms depending on the objects and occasions: from Mad, Crazy, to the general, the king, a man, a girl, from a Deity to a Bodhisattva, etc.

He had so many names and forms, maybe to adapt to the situation. He founded the Religion in such a short time; this was an extraordinary situation, so, He needed to apply extraordinary means. The variations of forms depended on the situations, levels of His followers, the culture, and tradition.

In the religious aspect, this is a demonstration of the previous lives and reincarnations. According to the Jatakas Tales, [Sũtra Bổn Sanh], the previous births of Gautama Buddha had been in both human and animal forms. The future Buddha might appear as a king, an outcast, a god, an elephant—but, in whatever form, he exhibited some virtue. Oracles-Teachings can offer lively cases of rebirths and transmigration of souls to study.

Although the reincarnation is quite popular in Tibetan Buddhism, this open-case offered by the Founder of Hòa Hảo Buddhism, in His books as in His life, could be a great source for the research to obtain a clear understanding leading to the conviction.

The jade palace in Southern peak will reveal the Deities.

Courage may be too blunt but prove true and straightforward, 

Powerful songs of sacrifice for the nation show up-high loyalty.

Leaving the Buddha-sight to get back to South Vietnam, 

Destroying suffering; now revive in an incredible time.

PRECIOUS-gems profusely in this area hides a strange story, 
MOUNTAIN-tower revealed the outer of a mystical side. 
STRANGE-and-deep person with a borrowed name composes

 poems like the water stream, 
FRAGRANCE in the dusk absorbed a profound miracle. 

The origins of Virtuous Founder Huỳnh: The jade palace in Southern peak will reveal the Deities. They were the Buddha Master Tây An, his disciples, and his reincarnations. The last One was the Virtuous Founder Huỳnh. In many previous lives, Virtuous Master was courage hero, loyal and straightforward. His sacrifice for the country and people were so high like a resonant ode.

The portrait and activities in this present lifetime: Due to a mission, he has to leave the Buddha’s realm to get back to South Vietnam. Although he’s already destroyed all suffering, now he should live in an incredible time in the mundane world.

On the mountain of precious gems, he had a mysterious life, waiting for the right time. He was a strange and deep person with a borrowed name and the talent of composing poems fluently like the water stream. His words are the essence of Dharma, sent out a fragrance of profound miracle.

D. The prophecies about His time frame and transmission:

His poems composed by the end of 1939, He wrote down the prophecies about His time frame, disappearance, and transmitted works for life and Religion.

a/ His time frame in the human world:

FIVE years and six months spent in cold and hunger,

MOUNTS strikingly covered in clouds enlightens a true man. 

Alongside with poor commoners during WWII, He has to live five years and six months in cold and hunger. But still, He is the true man, the enlightened man with a virtuous mind.

Virtuous Master founded the Religion in July 1939, composed this poem in November 1939. During this war-time, under the harsh control of the French colonists, He suffered various difficulties. He had to go around the country to preach for people and gave treatment, physically and mentally, to them. When the number of followers mounted to a hundred thousand, he became a subject of suspicion and harassment. He was forced into a house arrest in the sanatorium Chợ Quán with the judgment of insanity. He continued the preaching in hospital, then, finally got released. In 1945, when WWII was near the end, He could have free activities with His followers. The suffering time was predicted exactly in five years, six months.

SEVEN years in concord between believers and a kind Master,

MOUNTAINS’ high peaks will have a wise leader reigns over.

Another time frame’s prediction was about his activities with the faithful believers: Seven years in concord between faithful men and the kind Master, a top leader of the celestial Golden Mountain. Again, these two verses of prophecies can be proved afterward about the Virtuous Master’s time to work in life.  From 7/1939 to 4/1947, the day of His disappearance, the time was still within seven years, exactly as in the initial prophecies. He knew His time and didn’t care about life and death.

b/ The world would follow the Religious Way:

Peace in the world will be close to the Celestial sphere,

The daring men have a heroic force that overcomes decadence.

Under the vault of heaven, true practitioners live in a hermitage,

With religion, good commoners in the world can live in peace.

That is a prophecy about the peace on earth. He believed that the world would be better with humanism and religion, near to the Celestial sphere, bold prediction in 1939. But all of that happened after the war. The world got scared of the Big Wars and promoted humanity and religion. They respected equality and strove to apply laws to protect people against evilness.

He also reminded the practitioners to live in tranquility and hermitage under the immense sky covering everything. The good people should respect of Religion to have a good life.

c/ The Works transmitted to the posterity:

Virtuous Founder Huỳnh had tremendous activities during His lifetime, that brought unimaginable results. Only after seven years of the foundation, the number of believers increased to two million. He set up a steady and strong foundation of Mahayana Pure Land for the lay Buddhists, mostly in South Vietnam. This colossal success is continuing until nowadays.  

At first, most of the believers were poor and simple commoners in the countryside. Later on, more and more educated and sophisticated persons joined in with all kinds of social backgrounds. How could he make it? Thanks to the ocean of wisdom or compassion? Or else, the ocean of suffering? His faithful followers had always loved Him due to His virtues: compassionate but brave, Wise but humble, active but composed. New believers were attracted by His talents of preaching and treatment, also, in His sacred works.

The sacred works compiled of His wisdom in Buddhist philosophy, literature, practice, and, especially, His visions and prophecies. Any religion in the world would only survive thanks to Books. Religious scripture is one of the Works of a religious founder, directly, or indirectly – through the help of talented faithful.

Virtuous Founder Huỳnh’s literary Work is a precious treasure of Religion, Methodology, Philosophy, and  Metaphysics. With such a treasure, once opened and explained to the world, Virtuous Master’s wisdom and compassion will be a great rescue in the ocean of suffering. His literature Works is His heritage for humanity.

These four following verses describe the Works beautifully that  Virtuous Founder Huỳnh transmitted to the posterity. As in a previous verse, He stated that his poems were like a water stream. He took inspiration from the divine peach blossom that men could reach in meditation. Also, another force coming from practicing was in the way practitioners facing and overcoming adversities to train the mind and develop great energetic forces.

In the end, He gave some more prophecies about His role in the future world: When the waiting time to come, the true sky will appear. The true sky means the true Master, highest leader, 

Good fate will visibly show a literature work to be sublime (in the world). His Work, the world’s heritage, is the Oracles-Teachings and Literature.  

Cherry blossoms are an inspiration source for amazing writing,

Facing adversities, the mind will develop ten thousand forces.

When the waiting time to come, the true sky will appear,

Good fate will visibly show a literature work to be sublime.

100 YEARS LATER:
Self-Assertion and Urge to the Next Generations

The second poem reflects the Virtuous Master’s effects in 100 YEARS LATER. It is a short poem of seven-words four-verses, at the end of Oracles-Teachings, Volume V. It is the last poem that the Virtuous Master compiled in His very first book in 1939. It takes the form of a Khoán Thủ poem, a kind of poem that all the first words of each sentence carry a meaning. Below is the Vietnamese version:

VÔ-thượng thậm thâm dĩ ý truyền, 
DANH ngôn chép để rạch đàng Tiên. 
-gia Tịnh-Độ tâm viên-mãn, 
 xuất văn-từ dốc dạy khuyên.

Four first words in Vietnamese are the name of the author of Volume V, which is VÔ DANH CƯ SĨ, or NO NAME LAYMAN, a pen-name of the Virtuous Master. Besides, the three words “dĩ ý truyền” (transmission by the mind) carry an associated meaning to the story of the Flower Sermon, regarding the origin of Zen Buddhism in which Sakyamuni Buddha transmitted direct prajna (wisdom) and to the disciple Mahãkasyapa. Then the Buddha "pick up a flower, with a subtle smile," only Mahãkasyapa understood the meanings by way of “mind to mind,” this was also the transmission of the Patriarch position. Do these words “transmission by the mind” suggest the same meaning of a transmission between the Buddha Master of Tây An and the Virtuous Master Huỳnh?

Eighty years later, when Oracles-Teachings translated into English, due to the clarification of a new language, a few amazing facts have shown out. Below is the English translation:

SUPREME unfathomable transmission by the mind, 
NAME, and words transcribed to open the Path of Deities. 
LAYMAN of the Pure Land with the absolute mind, 
SCHOLAR, strives hard to give teachings and urges.

The English version gives a greater name with a miraculous meaning. Did the Virtuous Founder meticulously prepare for such a transformation that would happen several decades later, or he just wanted to put down the LAST ORACLE that predicted his Future Role in the World? The NEW NAME, literally in English: SUPREME NAME LAYMAN SCHOLAR; or SUPREME-NAME SCHOLAR LAYMAN 

The word “Scholar” in English means the Erudite Scholar. But the Supreme-Name Scholar (Vô Thượng Sĩ) is another title of the Great Bodhisattva, Mahã-Bodhisattva (ĐẠI BỒ-TÁT.) That was probably a Self-Assertion about His Spiritual Position, leaving by the Religious Founder Huỳnh; this also could be an assertive Oracle about His role in the Future World.

That might also be the Religious Founder Huỳnh’s Oracle regarding the future and motivation of his Religion, and he wanted to entrust it to his next generations of believers: Be the (laypersons) who study Buddhism like the scholars because you have an extraordinary Religious Founder, with unimaginable knowledge, cause, and lifetime, who left an amazing scripture for the world. The motivation that he left in the last Volume V was like a direction to Hòa Hảo Buddhism in the future. His Buddhism appearance aimed to rescue the people facing the catastrophe of destruction, both bodies and souls. Therefore, he did not expound in-depth, only gave keys to the way of liberation. However, he always encouraged believers to practice, advance, and transform into superior Buddhists. He expected his Buddhists to read and understand the Sũtras in-depth, to care only of the true mind, not the outside appearance. Reading any Buddhist sũtra or dissertation, the practitioners need to understand the initiatives of Buddha and Bodhisattvas.

The Oracles-Teachings, although emerged quite hastily within the limited lifetime of the Virtuous Master Huỳnh Phú Sổ, it did not solely aim to the simple commoners in a tiny community, but it should be to the world in Concordance (Hòa Hảo). It is a Buddhist Dharma, very simple but truly effective, supportive, practicable, adaptable. And the best aspect may come from the incredible appearance of the Founder Huỳnh Phú Sổ. He is a Dharma, an enigmatic living Oracle for the world. All Dharmas are selfless, and they are just dexterous means to guide practitioners on the Way to attain Boddhi fruitions!

CLOSE TO US…

When we leave the physical body of four elements, where will our soul go? The namely spirit, or original spirit that carrying the base consciousness (Ãlaya-vijnãna) [A lại da thức], or simply “the knowing” of a sentient being; where will it go, how will it look? Is it only a spiritual energy stream or energy wave? How could a realizer of the Way or an Enlightener master his consciousness with full wisdom and compassion and go to another sphere?

How to define and confirm? Those are perpetual questions of living beings. Various answers had been given by the Great Religions in the world. However, to most people, those answers are only a question of belief and trust. Especially, people in modern time, even the ones following any religion, they still have doubts. The religions might give them the answers for a good quality of life, with morality and wholesomeness, with some order from the divinity in the sky to the humankind on the earth, and a possibly good solution for their dead souls. They can’t have complete trust unless the physical sciences can make direct experiences and get results on the ordinary body of four elements and six ordinary senses.

The Buddha, the Fully Enlightened, the Knower of the worlds, taught a lot about life and death. He advised people to experience before trust. His teachings aimed at Wisdom, not to conviction. A myriad of his Buddhist disciples, monks, masters, practitioners, followers, believers, could attain fruitions and understand the truth.  According to the Discourses (Sũtras) and the Philosophy (Abhidharma), the power, or force, or energy of a great realizer are very strong and can spread over time and space. The human world’s time and space are very short and small compared to the transcendental faculties (or supernatural faculties) of the Holy ones. Therefore, they can master their life and death. Differently speaking, the appearance and disappearance at the will of the Holy ones is not something impossible. In this life, a large number of great practitioners can experience extraordinary results; and a multitude of ordinary believers with good karma could have the chance to meet a Great Master.

Correspondingly, the faithful disciples of Virtuous Master who practices precisely after His teachings could realize fruitions to carry on His Religion for more than three decades after His disappearance. His departure was an inconsolable situation for the faithful followers at the time. Imagine how much more He could teach and help a great number of believers to attain fruition. However, this is not His mission. The divine course had written, and He told in advance about that since He started everything. He came down here to create a solid foundation, provide a living mirror, and leave a transmission with his amazing Book, the Oracles-Teachings and Literature.

Would He come back 100 years later? The world chess game has been likely in a transient cycle of changes and transformations. It is going back on the destructive thorny road, which is worse than a century ago.  The earth is under the dangerous menace of pollution, heat, the greenhouse effects, due to the abuse of human sciences. The atomic bombs are still a horrible threat after decades of complicated deals and treasons in the political world. The selfishness and evilness that seemed lessened after WWII now is on the train to get back, not much different than before, only more elaborate.

Will humankind still has the chance of rescue by the High-Above? We can only know that the Virtuous Master’s Oracles-Teachings, is still applicable and accurate after 80 years. It can be a guideline, and a means to save people by stepping onto the Way of the Buddha’s Religion.

Final quest, Is the Virtuous Master really absent? This frequent question usually hints that He might leave His mundane body. A true practitioner or faithful believer often reject such an idea. However, this question doesn’t mean anything in the religious and spiritual perspectives. In time, there have been numerous believers and practitioners could see Him or feel and receive His powerful energy in certain important situations. The compassionate energy streams of the Holy ones spread all over the world. Offer all your mind in your prayers, focus your mind to read and recite His Books, meditate in complete concentration about Him. These are a few successful methods to meet Him again.

Pray for all the Buddhist believers, all sentient beings, to have a chance to see or feel His presence and His compassion!

Namo Sakyamuni Our Master Buddha.

Namo Amida Buddha.

Namo Kim-Sơn Buddha.

Namo The Tranquil Ocean of the Bodhisattvas.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn