Ý NGHĨA ĐẢN SANH ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - Bài viết của Cư sĩ Nguyễn Long tự Thành Nam

23 Tháng Chín 20205:28 CH(Xem: 3201)
Ý NGHĨA ĐẢN SANH ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ - Bài viết của Cư sĩ Nguyễn Long tự Thành Nam

Ý NGHĨA ĐẢN SANH ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ
                                                                                                             Bài viết của Cư sĩ Nguyễn Long tự Thành Nam

 .
Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hoà Hảo đản sanh ngày 25 /11/1919 Âm lịch năm Kỷ Mùi, tính theo dương lịch nhằm ngày 15/1/1920 tại làng Hoà Hảo quận Tân châu, tỉnh Châu Đốc, Việt Nam.
Mười chín năm sau, một tôn giáo ra đời mang danh hiệu là PHẬT GIÁO HOÀ HẢO, tức một nền đạo Phật khai sáng tại làng Hoà Hảo.
Tôn giáo này đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong xã hội Miền Nam và đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị tại VN. Tín đồ PGHH nghĩ rằng sự đản sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ là sự lâm phàm của một vị Phật sống với sứ mạng cứu nhân độ thế. Nhưng các nhà nghiên cứu xã hội thường tìm hiểu bối cảnh xã hội đương thời để phân tích lý do xuất hiện của đạo Phật Giáo Hoà Hảo. Việc xuất hiện của một vị cứu thế cũng là một hiện tượng từng xảy ra nhiều lần trên thế giới và trong lịch sử nhân loại.
Thiên chúa Cơ đốc giáo xuất hiện ở Trung đông trong một bối cảnh xã hội rối loạn và tội lỗi, chế độ cai trị hung ác tàn bạo cực độ. Chúa xuất hiện để đem Tình Thương Bác Ái giác ngộ con người, và đã lên thập tự giá để treo gương hy sinh cao cả, biểu dương Tình Thương bất diệt trước một xã hội hung ác và tội lỗi.
Khổng Tử, Lão Tử ra đời vào thời Xuân thu Chiến quốc bên Trung Hoa. Nước này xâm chiếm tiêu diệt nước kia, giặc giả chém giết khắp nơi, dân tình khốn khổ, xã hội rối ren cực độ, luân lý suy đồi, cang thường đảo ngược. Cho nên Đức Thánh Khổng đã xuất hiện, đem đạo nghĩa giáo dục con người và chỉnh đốn xã hội, lập lại trật tự đang băng hoại, và cống hiến cho nhơn loại nền triết học Đông phương mà giá trị tồn tại mãi tới nay.
Đức Phật Thích Ca ra đời giữa một xã hội Ấn độ phân chia đẳng cấp trầm trọng, tà đạo hoành hành, tín ngưỡng hỗn loạn, tâm trí con người đảo điên. Trong bối cảnh xã hội Ấn Độ đang tối tăm như đêm không ánh sáng đó, Đức Phật Thích Ca xuất hiện dưới xác phàm của Thái tử Sĩ Đạt Ta đi tìm chơn lý, đạt Đạo và đem ánh sáng Đạo Phật soi sáng lòng người và xã hội, ban rải Đức Từ bi mà cứu nhơn độ thế.

Tại Việt Nam, Đức Phật Thầy Tây An xuất hiện giữa thế kỷ thứ 19 trong một Miền Nam mới hình thành sau 200 năm hổn loạn để mở đất Chân Lạp và bình định vùng đất mới. Ngoại xâm nội loạn liên miên, nhân tâm ly tán, xã hội rối ren, lại thêm tà ma ngoại đạo hoành hành mà đạo lý lại suy đồi. Đức Phật Thầy Tây An xuất hiện như một bó đuốc rọi soi Chánh đạo cho dân chúng Miền Nam biết phương hướng mà đi giữa bóng tối của một xã hội Miền Nam còn hoang dã vô kỹ vô cương...
Đức Huỳnh Giáo Chủ xuất hiện khoảng đầu thế kỷ 20, trong khi đất nước VN bị đặt dưới sự đô hộ nghiệt ngã của Thực dân Pháp, làm cho cả một dân tộc phải điêu linh, đời sống vật chất tinh thần đều khốn khổ, tình trạng xã hội bất công, văn minh vật chất phù phiếm xa hoa nơi đô thị chỉ là cái vỏ bề ngoài hào nhoáng và của một thiểu số, còn lại nơi vùng nông thôn bùn lầy nước đọng, đa số dân chúng sống trong trạng huống tăm tối, đói nghèo cơ cực. Trong hoàn cảnh đau thương và đen tối đó, Đức Huỳnh Giáo Chủ xuất hiện, đản sinh và lập đạo, để vừa cứu dân vừa cứu nước.
Theo quan điểm nghiên cứu xã hội của Giáo sư Duffeuil, thì xã hội Miền Nam Việt Nam dưới thời Pháp thuộc ở trạng thái khủng hoảng xã hội...Theo truyền thống Nho giáo tại VN, thiên tử lãnh đạo quốc gia nhưng người Pháp đã truất phế quyền lực triều đình, vua chỉ là con cờ trong tay quan Toàn quyền Pháp, ngoan ngoãn thì được bảo trợ, cứng đầu thì bị truất phế như vua Hàm Nghi, Duy Tân...Giới sĩ phu lãnh đạo các từng lớp xã hội cũng bị thay thế bởi giới trí thức tân học, nhưng thay vì phục vụ dân tộc, giới tân học phần nhiều lại chạy theo phục vụ cho thực dân Pháp, chỉ biết lo quyền lợi cá nhân cho nên không đáp ứng được khuynh hướng dân tộc cơ hữu của đại đa số quần chúng VN. Tình trạng đó là tình trạng khủng hoảng lãnh đạo. Quần chúng VN đứng trước một khoảng trống rỗng, hoang mang mất điểm tựa, mất địa bàn cơ hữu. Nhìn lên, người dân không còn thấy “thiên tử trị vì“ của nước mình ở đâu. Nhìn quanh không còn thấy giai cấp sĩ phu Nho học lãnh đạo xã hội hướng dẫn cho mình xưa nay, chỉ thấy một số nhà giàu đang bốc lột uy hiếp mình, chỉ thấy quan quyền chạy theo Pháp. Triều đình thì ở xa bất lực, chùa chiền lại không còn là nơi nương tựa vì đã biến thành nơi thờ phượng hình thức lễ lạc mà thôi, các nho sĩ còn lại xoay qua nghề thuốc Bắc và ngâm thi vịnh phú giải sầu, trong khi đó thì cuộc sống hằng ngày tăm tối không có ngày mai...
Trong khoảng trống rỗng đó, quần chúng khát khao một niềm tin, một tín ngưỡng mới, một sự lãnh đạo tinh thần. Và Đức Huỳnh Giáo Chủ đã xuất hiện trong bối cảnh ấy, truyền bá một NIỀM TIN MỚI:
Ta thừa vâng sắc lịnh Thế tôn,
Khắp hạ giái truyền khai Đạo pháp.
Niềm tin mới đó hướng về ĐẠO PHÁP và DÂN TỘC. Bởi vì quần chúng VN đang ở trong trạng huống khủng hoảng tín ngưỡng và mất chủ quyền dân tộc. Niềm tin mới phải đáp ứng một lần cả hai khát vọng ấy. Cho nên Đức Huỳnh Giáo Chủ đã cho biết rằng:..."Ta sinh trong vòng đất Việt Nam này, trải qua bao kiếp trong địa cầu lăn lộn mấy phen, tuỳ cơ pháp chuyển kiếp luân hồi nơi hải ngoại để thu thập những điều đạo học kinh nghiệm huyền thâm. Nay lòng mê si đã diệt, sự vị kỷ đã tan, ta kể lại nguồn gốc phát sinh, trải bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh cư nơi đất Việt, những tiền kiếp dầu sống cũng là dân quan đất Việt dù thác cũng quỷ thần đất Việt..."
Trên đây là lời Khải ngôn của Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết lý do tại sao Ngài lâm phàm đản sinh tại đất nước Việt Nam, bởi vì các tiền kiếp của Ngài vốn nguồn gốc là người Việt, nên nay “liễu đạo nơi quốc độ nào thì trở về quốc độ ấy để trợ tế nhân dân“. Sứ mạng của Đức Huỳnh Giáo Chủ về Đạo Pháp là:
Khai ngọn đuốc Từ bi chí thiện,
Tìm con lành dắt lại Phật đường.
và đối với Dân Tộc là:
Việt Nam, người Việt Nam mau mau trở lại,
Yêu giống nòi có phải hơn không.
Dầu sao cũng giống Lạc Hồng !
Ngọn đuốc Đạo Pháp và Dân Tộc của Đức Huỳnh Giáo Chủ đã soi sáng cho một khối quần chúng mấy triệu người, biến đổi lớp người nông dân thụ động và giản dị thành lớp người tích cực hăng say trên đường Tu hành và Tranh đấu. Đó là lý do đản sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Nhưng tại sao Ngài lại phải đản sanh làm người thế gian mà không chỉ hoá hiện, chợt hiện chợt biến như Đức Bồ Tát Quan Âm, hoá hiện ra bất ngờ để cứu khổ cứu nạn rồi lại ra đi ngay và rất nhiều lần như thế trong thế gian. Khác với trạng thái hoá hiện trong khoảnh khắc, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chọn lựa đản sanh thành một con người bằng da bằng thịt, sống trong cõi thế gian như mọi chúng sanh khác, trước khi chính thức khai sáng nền đạo Phật Giáo Hoà Hảo năm 1939. Tất nhiên phải có chủ ý và mục đích. Đức Thích Ca Mâu Ni đản sanh trong gia đình vua Tĩnh Phạn, cũng trải qua thời kỳ sống giữa thế gian, cũng học hỏi, cũng cưới vợ sanh con như một người thường. Nhưng Ngài đã không tiếp tục sống cuộc đời Hoàng tử, không ngồi trên ngai vàng điện ngọc để hưởng thụ phú quý vinh hoa có sẵn trước mắt, không tự giam mình trong định luật Thành Trụ Hoại Không của Sinh Lão Bịnh Tử như mọi người bình thường. Ngài đã dũng cảm từ bỏ cung vàng điện ngọc lên đường tìm chơn lý và trải qua bao nhiêu thử thách và thất bại, để rốt cuộc đạt Đại Đạo tại gốc cây Bồ Đề, rồi đem Chánh pháp ấy phổ truyền cứu độ chúng sanh.

Không phải đến kiếp sống cuối cùng Hoàng tử Sĩ Đạt Ta, Ngài mới đạt Đạo mà theo kinh điển thì Ngài đã đắc quả Nhứt sanh Bố xứ với danh hiệu Hộ Minh Bồ Tát từ trước khi đản sanh vào triều vua Tĩnh Phạn. Cho nên sự đản sanh của Ngài được xem như một TẤM GƯƠNG SỐNG để chúng sanh thấy rằng muốn đạt được Đạo, phải biết dứt bỏ mọi tham vọng, rũ bỏ mọi vinh hoa phú quý, rũ bỏ mọi ràng buộc thế gian để mà dũng cảm lên đường tìm Đạo. Đức Thích Ca cũng muốn cho chúng sanh nhìn thấy rằng tiến trình tìm Đạo không phải bằng phẳng êm ái như trên xa lộ mà rất gay go khó khăn, rất nhiều thử thách và chướng ngại đòi hỏi con người tu hành phải tự thắng để kiên cường đi tới thắng vượt các thử thách chướng ngại đó, rốt cuộc mới đáo bỉ ngạn tức là tìm được “Bờ Bên Kia hay Bến Giác Ngộ, hay Đạt Đạo“.
Đức Thích Ca đản sanh làm con người bình thường để tìm cho chúng sanh con đường giải thoát, đồng thời nêu cho chúng sanh thấy tiến trình tu hành. Đó là vừa chỉ cho chúng sanh một lần cả Cứu cánh và Con đường đi.
Năm Kỷ Mùi tại làng Hoà Hảo, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đản sanh, cũng sống như một người bình thường, cũng chịu đựng bao nhiêu điều đau khổ của bá tánh, cũng trải qua những cực hình của người dân bị trị, cũng đích thân dũng cảm xông vào đời, vào cách mạng, vào kháng chiến để giải thoát chúng sanh và giải thoát đất nước.
Sự đản sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ, cũng giống như sự đản sanh của Đức Thích Ca, vừa để nêu ngọn đuốc sáng trong đêm tối lịch sử và trong đêm tối của chúng sanh, lại vừa nêu lên tấm gương sống của một cuộc đời Hành Đạo và Cách Mạng cho con người Việt Nam:
Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi Toà Sen.
Người tín đồ PGHH phải thấu triệt được ý nghĩa đản sanh của Đức Giáo Chủ, hiểu được ý nghĩa đích thực của cuộc sống hiện tại và mục đích cứu cánh của con người hướng về cõi giải thoát an nhiên./.
                                                                                                                             (Cư Sĩ Nguyễn Long tự Thành Nam) 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn